PHẦN MỘT

SƠ LƯỢC ĐẶC TÍNH TÂM LÝ

NỘI DUNG GIÁO LÝ KHỐI BAO ĐỒNG

(KINH THÁNH)

 

 

CHƯƠNG I :

SƠ LƯỢC ĐẶC TÍNH TÂM LÝ LỨA TUỔI

(13 – 15 TUỔI)

 

Lứa tuổi này được gọi là tuổi thiếu niên. Tuổi thiếu niên là giai đoạn tự nhiên rất quan trọng trong đời người. Không qua giai đoạn này, con người không thể thoát ra khỏi tuổi trẻ để bước vào giai đoạn trưởng thành. Lứa tuổi này được coi là giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ con thành người lớn.

Để dạy giáo lý cho lứa tuổi này đạt hiệu qủa, chúng ta cần nắm bắt tâm lý của lứa tuổi này, hầu đưa ra những phương pháp giảng dạy thích ứng.

 

I. ĐẶC TÍNH TÂM LÝ :

Đặc tính tâm lý chung của lứa tuổi này là duy ngã (quy hướng về mình), tình cảm và mơ mộng.

1. Tư tưởng :

- Có tính chủ quan : Chỉ đón nhận chân lý nếu thấy nó liên quan đến mình như đáp ứng ước vọng, giải đáp âu lo.

- Mơ ước lý tưởng đẹp, dễ xa thực tế : điều mơ ước quan trọng hơn thực tế. Lứa tuổi này coi sự thật là cái lý tưởng đòi hỏi chứ không phải là cái đã xảy ra thật. Các em thường hướng về tương lai, ít chú trọng đến thực tế phũ phàng của đời sống.

- Tư tưởng pha lẫn đam mê : dễ cảm phục những  gì cao đẹp. Các vị anh hùng được lứa tuổi này thán phục, suy tôn.

- Tư tưởng đượm tình cảm, quá tuyệt đối và hay thay đổi : điều gì hợp thì khen, điều không ưa thì chê. Có khi đang khen bỗng quay ra chê, đang phấn khởi đột nhiên thất vọng.

- Hay phê bình, chống đối. Nhưng những phê phán của lứa tuổi này còn bị tình cảm chi phối.

2. Tình cảm :

- Các em đang ở lứa tuổi dậy thì, nên đa cảm, mơ mộng.

- Lo âu, khép kín thắc mắc nhiều về sinh lý nhưng không dám hỏi bố mẹ và người  lớn vì sợ bị la rầy và chế diễu, còn hỏi bạn bè cùng tuổi thì bế tắc. Các em cũng lo âu về những khuyết tật trên cơ thể nên dễ buồn chán, tự cắt đứt thân mật với gia đình, còn gia đình lại nói các em vô ơn.

- Tính tình thay đổi đột ngột, rất nhạy bén với những lời nói vô tình của người lớn. Một lời nói khó chịu có thể đưa đến những rối loạn tình cảm ghê gớm. Trái lại chỉ có một cái nhìn  cũng đủ cho các em lứa tuổi này tìm được khích lệ, an ủi.

3. Nhân cách :

- Các em đang ở độ tuổi giao thời : từ trẻ em trở thành người lớn, nên rất dễ bất phục tùng và rất khó dạy.

- Ngưỡng mộ gương anh hùng, thích thần tượng hóa những ai các em thích như cầu thủ bóng đá, tài tử điện ảnh.

- Khao khát tự do, quảng đại, hy sinh, chân thành, bản lĩnh.

- Các em bắt đầu nhận ra khả năng của trí tuệ có thể chi phối mọi sự.

4. Xã hội tính :

- Thích độc lập, tự nguyện.

- Thích được theo nhóm bạn, lập nhóm, nhập”băng”.

- Muốn”nổi loạn”gây sự chú ý.

- Thích đánh giá người lớn, so sánh giữa những lời nói và hành động cụ thể của người lớn.

- Không thích sống loanh quanh trong khung cảnh gia đình, bóng dáng cha mẹ đâm ra quá quen thuộc và sẽ nhàm chán nếu cha mẹ quá khó chịu, các em muốn mở rộng tương giao với mọi người.

5. Hành động :

- Muốn làm người lớn : qua việc bắt chước người lớn.

- KHÔNG thích làm những việc quen thuộc và bình thường do người lớn giao cho. Ngược lại trước một công việc thật sự mới lạ, hứa hẹn nhiều khó khăn và đòi hỏi trách nhiệm cao, thì các em lại thích thú và sẵn sàng đảm nhận.

-  Các em nam : thích biểu dương sức mạnh.

- Các em nữ : hướng về nội tâm, nếu có hướng ngoại cũng là hướng ngoại trong tâm tưởng qua việc viết nhật ký, chép thơ, thích viết lưu bút... thích học thêu thùa, may vá; bắt đầu lo việc cơm nước, giặt giũ...

- Hoạt động theo nhóm, hăng say với công việc hợp sở thích.

 

II. Ý THỨC LUÂN LÝ VÀ ĐỨC TIN :

1. Ý thức luân lý :

- Căn bản là ý thức về cái TÔI : chủ quan trong cách suy nghĩ về giá trị.

- Thắc mắc, xét lại luật lệ, phê phán. Khước từ luật áp đặt bên ngoài để lưu tâm đến luật lương tâm.

2. Ý thức đức tin :

- Chuyển biến từ đức tin xã hội đến đức tin cá biệt, chọn lọc và nội tâm hóa.

- Thiên Chúa là Đấng mời gọi thoát khỏi nô lệ tính vị kỷ để trở nên người tự do sống trưởng thành, làm con Thiên Chúa và cộng tác với Ngài.

- Thiên Chúa là Đấng soi sáng, chỉ đường. Ngài là giá trị duy  nhất và tuyệt đối.

 

III. THÁI ĐỘ CỦA GIÁO LÝ VIÊN :

Muốn thành công, nhà giáo dục cần hiểu được tâm hồn những người mà mình hướng dẫn, để cảm thông và yêu mến trẻ. Thiếu lòng yêu mến, việc giáo dục sẽ không kết qủa.

1. Đối với thái độ chống đối, bi quan, nản lòng :

Giáo lý viên cần phải vừa tế nhị vừa mạnh mẽ :

- Tế nhị : để cảm thông những âu lo, mâu thuẫn, những từ chối của giới trẻ. Tế nhị để tôn trọng những khát vọng mới, trách bài bác hoặc hạ nhục nó. Tế nhị để trẻ thấy rằng ta không muốn giữ trẻ lại trong tuổi thơ, nhưng muốn giúp trẻ tự giải thoát.

- Mạnh mẽ : để biết chỉ dẫn, định hướng, nâng đỡ những yếu đuối và chịu đựng những trái khoáy của đứa trẻ.

Động viên các em tự tin vào chính mình.

2. Giúp các em phân biệt tốt xấu :

Hướng dẫn các em bắt chước tính tốt và loại bỏ tính xấu của các nhân vật trong phim. Giúp các em chọn truyện, sách để đọc.

3. Không nên áp đặt, ép buộc trẻ tuân lệnh.

Lứa tuổi này, chúng có ý thức nhóm bạn thích hợp cho việc thảo luận theo nhóm, thi đua giữa các nhóm với nhau. Giáo lý viên cần kịp thời ngăn chặn tính ghen tị, ích kỷ nảy sinh giữa các nhóm.

4. Giáo lý viên phải là người bạn tốt, đáng tin cậy.

Làm cho trẻ hiểu rằng mình biết trong lòng bạn trẻ đang xảy ra điều gì và mình luôn cầu nguyện cho trẻ.

Về vấn đề giới tính, ta cần trả lời cho các em tùy theo câu chúng hỏi, thái độ cấm kỵ càng làm chúng tò mò muốn biết hơn nữa.

Giáo lý viên luôn có thái độ hiểu biết và thiện cảm trước mọi hành động của thiếu niên. Không vội vàng phê phán hành động của trẻ theo hành động của họ. Cần nhớ rằng trong mỗi hành động có một nguyên nhân mà ta cần phải biết khám phá. Cần làm cho trẻ tự tin bằng cách đồng hành với họ, đừng bao giờ tìm cách bắt buộc, đừng bao giờ tìm cách xâm nhập vào tâm hồn họ nếu họ không sẵn lòng mở ra.

5. Không bao giờ cười nhạo.

Đừng bao giờ dùng lời chế diễu, châm biếm. Nếu không, trẻ sẽ đau khổ và khép lòng lại, không bao giờ còn thố lộ với những người đã làm tổn thương tính đa cảm rất nhạy nữa.

6. Giáo lý viên phải mẫu mực

Phải là “gương sáng” cho các em. Lời nói phải đi đôi với hành động, nếu không sẽ mất lòng tin của trẻ.

7. Không ngừng học hỏi và cầu nguyện :

Để có được một linh đạo tốt đẹp, một sư phạm Giáo lý vững chắc, luôn yêu thương trẻ.

 

Kết luận : Trên đây là một vài nét sơ lược về đặc tính tâm lý lứa tuổi và ý thức đức tin, luân lý của lứa tuổi thiếu niên. Những hiểu biết về lứa tuổi này, sẽ giúp chúng ta không những chỉ đi tìm những phương pháp tương ứng để giảng dạy Giáo lý mà còn thúc đẩy chúng ta đề ra những cách ứng xử và hướng dẫn thích hợp để giúp các em trở nên con người và con Chúa theo ý Chúa muốn.

Sự kiên trì và hiểu biết luôn là những yếu tố không thể thiếu khi đối diện với lứa tuổi giao thời.