Bài 13 :

 

PHỤNG VỤ TRUYỀN CHỨC

 

“Truyền Chức là bí tích qua đó sứ mạng Chúa Kitô ủy thác cho các tông đồ tiếp tục được thực hiện trong Hội Thánh cho đến tận thế ; vì thế được gọi là bí tích của thừa tác vụ tông đồ. Bí tích này gồm 3 cấp bậc : chức giám mục, chức linh mục và chức phó tế” (GLHTCG 1536).

Phụng vụ Truyền Chức thánh (Ordinatio) là việc Đức giám mục đặt tay và đọc lời nguyện phong chức để tân chức tiếp nối sứ mạng Chúa Kitô đã ủy thác cho các tông đồ được tiếp tục trong Hội Thánh cho đến tận thế.

Truyền Chức Thánh còn được gọi là thánh hiến, nghĩa là được Đức Kitô tách riêng và bổ nhiệm để phục vụ Hội Thánh.

I. BA CẤP BẬC CỦA BÍ TÍCH TRUYỀN CHỨC

Chỉ có một Bí tích Truyền Chức nhưng có ba cấp bậc :

- Giám Mục : là người có chức thánh tròn đầy nhất vì các ngài kế vị các tông đồ do việc đặt tay (tông truyền). Qua sự đặt tay và qua các lời thánh hiến, ơn Chúa Thánh Thần được in trên các giám mục, nên các ngài thi hành nhiệm vụ của chính Đức Kitô là Thầy, Mục Tử và Thượng Tế và hành động trong cương vị của Chúa Kitô.

Chính vì thế, mỗi khi cử hành thánh lễ có giám mục, thì chính giám mục phải là chủ tế để ‘diễn tả Hội Thánh quy tụ quanh bàn thờ, dưới sự chủ tọa của vị đại diện hữu hình của Đức Kitô, là Mục Tử Nhân lành và Thủ lãnh của Hội Thánh’ (SC 41).

- Linh Mục : là cộng sự viên của giám mục, được tham dự vào sứ mạng phổ quát Đức Kitô trao cho các tông đồ.

“Chức vụ linh mục liên kết với chức giám mục, nên cũng được tham dự vào quyền bính mà chính Chúa Kitô đã dùng để kiến tạo, thánh hóa và cai quản Thân Thể Người. Vì vậy, chức linh mục dù giả thiết đã có những bí tích khai sinh đời sống Kitô giáo, nhưng lại được một bí tích riêng in ấn tích đặc biệt khi các ngài được Chúa Thánh Thần xức dầu. Như thế, các ngài nên giống Chúa Kitô Linh mục, đến nỗi có quyền thay mặt Chúa Kitô là Đầu mà hành động”

(GLHTCG 1563).

- Phó Tế : là người được đặt lên, không hẳn để lãnh nhận chức vụ linh mục, nhưng để phục vụ. Một trong các phận vụ Phó Tế là phụ giúp các giám mục và linh mục trong việc cử hành mầu nhiệm thánh, nhất là thánh lễ, trao Mình Thánh Chúa, chứng hôn, Rửa Tội, công bố và rao giảng Tin Mừng, chủ toạ lễ nghi an táng và đặc biệt là việc bác ái. (GLHTCG 1570).

Có hai loại Phó Tế: Phó Tế vĩnh viễn có thể được ban cho người nam có gia đình, và Phó Tế chuyển tiếp (thừa tác) được ban cho những người nam chuẩn bị lên chức linh mục.

II. CHỨC TƯ TẾ THỪA TÁC

Đức Kitô là Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người nên chỉ có một chức tư tế duy nhất của Đức Kitô. Mọi Kitô hữu đều được tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô, gọi là chức tư tế cộng đồng; riêng gíám mục và linh mục được tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô cách đặc biệt nhằm phục vụ chức tư tế cộng đồng nên gọi là chức tư tế thừa tác. Quyền này được thực thi trong Hội Thánh như một sự phục dịch : “Ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ” (Lc 22,26). Chức thánh là để phục vụ cộng đòan Nhiệm Thể Chúa Kitô trong sự hiệp thông, tông truyền và nhân danh Giáo Hội.

Sự hiện diện của Chúa Kitô qua những người có chức thánh trở nên hữu hình giữa cộng đoàn tín hữu trong tư cách là đầu, là thủ lãnh của cộng đoàn. Điều đó không loại trừ những khiếm khuyết, kể cả tội lỗi nơi con người linh mục, nhưng khi linh mục cử hành Phụng Vụ hay ban bí tích thì có sự bảo đảm là ngay cả tội lỗi cũng không thể ngăn trở sự xuất hiện của hiệu quả ân sủng.

‘Chính Đức Kitô hành động và thực hiện ơn Cứu độ qua thừa tác viên có chức thánh, nên dù vị này bất xứng, cũng không ngăn cản được Người hành động’ (GLHTCG 1584).

III. NGHI THỨC TRUYỀN CHỨC THÁNH

1) Nghi thức giới thiệu và tuyển chọn :

Ứng viên sắp chịu chức thánh cần được bề trên có thẩm quyền giới thiệu; nếu là chịu chức giám mục thì phải có sắc phong của Tòa Thánh. Sau lời tuyên hứa, cộng đoàn hát kinh cầu các thánh để các tiến chức chu toàn sứ mạng sắp được giao phó.

2) Nghi thức phong chức :

Nghi thức chính yếu của Bí tích Truyền chức thánh là việc đức giám mục đặt tay trên đầu tiến chức, và đọc lời nguyện phong chức tùy theo chức bậc được trao ban trong thừa tác vụ thánh.

3) Nghi thức diễn nghĩa :

Nghi thức này nhằm quảng diễn vai trò và nhiệm vụ của chức thánh mà tân chức vừa mới lãnh nhận được biểu hiện qua mũ gậy, áo lễ, xức dầu thánh, sách Phúc Âm, trao chén thánh, trao hôn bình an...

IV. NGƯỜI BAN VÀ NGƯỜI NHẬN CHỨC THÁNH

- Chỉ có Giám Mục, với tư cách là người kế nhiệm các tông đồ, mới có quyền Truyền Chức Thánh.

- Chỉ người nam đã chịu Phép Rửa Tội mới được lãnh nhận Bí tích Truyền Chức cách thành sự, bởi vì Chúa Giêsu đã chọn những người nam để lập Nhóm Mười Hai nên Hội Thánh bây giờ bị ràng buộc bởi sự chọn lựa ấy. Trong Giáo Hội Tây Phương, trừ Phó tế vĩnh viễn, mọi thừa tác viên có chức thánh thường được tuyển chọn từ những người nam sống độc thân và có ý giữ độc thân vì Nước Trời (thế kỷ IV mới chỉ có lời khuyên độc thân, còn sang thế kỷ VII xuất hiện luật độc thân linh mục). Còn trong Giáo Hội Đông Phương, vẫn giữ truyền thống : chỉ chọn làm Giám mục trong số những người độc thân, còn Linh mục và Phó tế có thể được tuyển chọn trong những người đã lập gia đình (không tái hôn).

- Nam Tu sĩ có thể là người được Truyền Chức thánh. Dù Hội Thánh có đề cao bậc sống tu trì nhưng nghi thức Khấn Dòng không phải là một bí tích, mà chỉ cốt phát triển tới mức tối đa ơn đã lãnh nhận trong Bí tích Thánh Tẩy.

“Mọi môn đệ Chúa Kitô đều được mời gọi sống các lời khuyên Phúc Âm, vốn có rất nhiều. Mọi tín hữu đều được gọi sống đức ái hoàn hảo. Nhưng những ai tự nguyện sống đời tận hiến, thì buộc tuân giữ đức vâng phục, đức nghèo khó, và đức khiết tịnh trong đời sống độc thân vì Nước Trời. Chính việc tuyên khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm, trong một bậc sống ổn định được Hội Thánh công nhận, diễn tả nét đặc thù của ‘đời sống thánh hiến’ cho Thiên Chúa (x.LG 42-43; PC 1)” (GLHTCG 915)

V. HIỆU QUẢ TRUYỀN CHỨC THÁNH

- Ấn tích vĩnh viễn ở mỗi cấp nhằm ban quyền thiêng liêng.

“Người lãnh nhận chức thánh thành sự, vì lý do hệ trọng, có thể được chước miễn những bổn phận và chức vụ gắn liền với chức thánh hay bị cấm thi hành chức vụ, nhưng không thể trở về bậc giáo dân đúng nghĩa vì ấn tín bí tích Truyền Chức không thể xóa nhòa được. Ơn gọi và sứ mạng đã lãnh nhận trong ngày chịu chức thánh vẫn tồn tại mãi mãi” (GLHTCG 1583).

- Ơn Chúa Thánh Thần làm cho thụ nhân vừa trở nên giống Chúa Kitô, vừa để trở thành thừa tác viên của Chúa Kitô là Thượng Tế, Thầy Dạy Mục Tử.

VI. MỤC VỤ GIÁO LÝ

1* Chức thánh để phục vụ :

Hội Thánh rất quý trọng ơn gọi linh mục vì sự tồn tại và phát triển của chính Hội Thánh qua việc phục vụ cộng đoàn dân thánh và mở rộng Nước Chúa. Tuy nhiên, các chức thánh trong Hội Thánh không phải là những địa vị thăng tiến theo kiểu xã hội loài người, nhưng là nhiệm vụ Chúa Kitô ủy thác cho một số tín hữu nhằm phục vụ Thân Thể Ngài là Hội Thánh. Vì thế, giáo lý viên phải giúp các em học sinh giáo lý, ngay từ nhỏ, biết thanh tẩy những cái nhìn không đúng về chức vụ linh mục, chức thánh là để phục vụ chứ không phải để tìm kiếm địa vị ; đồng thời luôn cầu nguyện cho Hội Thánh có nhiều vị mục tử tài đức đúng ‘như lòng Chúa mong muốn’.

2* Hiệp thông trong Hội Thánh :

Chúa Kitô hiện diện trong Hội Thánh bằng nhiều cách : tụ họp cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa, cử hành phụng vụ và các bí tích ..., song Chúa Kitô còn hiện diện cách đặc biệt nơi các thừa tác viên có chức thánh. Giáo dục các em kính trọng, yêu mến và cầu nguyện cho Đức giám mục Giáo phận, các linh mục, các tu sĩ ... vì các ngài cũng là những con người yếu đuối, những ‘bình sành dễ vỡ’, cần sự hỗ trợ và cảm thông. Đồng thời huấn luyện các em có tinh thần trách nhiệm, hiệp thông và cộng tác đắc lực với những người đứng đầu Hội Thánh, thay mặt Chúa Kitô cai quản Hội Thánh trong các công việc chung để xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô. Hơn nữa, nhờ có các ngài mà mọi tín hữu (chức tư tế cộng đồng) được thông dự vào hy tế của Chúa Kitô qua chức tư tế thừa tác của linh mục.

3* Ơn gọi dâng hiến :

Giáo lý viên có thể góp phần rất lớn và rất hiệu quả trong việc ươm mầm ơn gọi tu trì ngay tại các lớp giáo lý. Hướng các em đến những cánh đồng truyền giáo, hiểu ý nghĩa của các cử hành phụng vụ, khích lệ các em trong các công việc phục vụ cộng đòan, tất cả những công việc ấy của giáo lý viên là những nhân tố tích cực làm phát sinh ơn gọi dâng hiến.

TÓM LƯỢC :

1* H. Phụng vụ Truyền Chức thánh là gì ?

-T. Phụng vụ Truyền Chức thánh là việc Đức giám mục đặt tay và đọc lời nguyện phong chức để tân chức tiếp nối sứ mạng Chúa Kitô đã ủy thác cho các tông đồ được tiếp tục trong Hội Thánh cho đến tận thế.

2* H. Có mấy chức thánh ?

-T. Chỉ có một bí tích Truyền Chức Thánh song có ba cấp là chức giám mục, linh mục và phó tế.

3* H. Người giáo dân có chức tư tế không ?

-T. Mọi Kitô hữu đều tham dự vào chức tư tế duy nhất của Chúa Giêsu Kitô, gọi là chức tư tế cộng đồng ; chức tư tế thừa tác của giám mục hay linh mục là để phục vụ chức tư tế cộng đồng.

4* H. Nghi thức Truyền Chức thánh cử hành thế nào ?

-T. Nghi thức Truyền Chức thánh bắt đầu bằng việc thỉnh vấn, hát kinh cầu các thánh rồi đến nghi thức chính yếu là việc giám mục đặt tay và đọc lời nguyện phong chức, và kết thúc bằng nghi thức diễn nghĩa như mặc lễ phục, xức dầu thánh ...

5* H. Bí tích Truyền Chức thánh mang lại những ơn gì ?

-T. Bí tích Truyền Chức thánh ghi ấn tích không phai mờ và ban ơn Chúa Thánh Thần để trở thành thừa tác viên của Chúa Kitô là Thượng Tế, Thầy Dạy Mục Tử.

CẦU NGUYỆN :

Lạy Chúa Giêsu,

xin ban cho chúng con những linh mục có trái tim thuộc trọn về Chúa, nên cũng thuộc trọn về con người. Xin cho chúng con những linh mục có trái tim biết yêu bằng tình yêu hiến dâng, một trái tim đủ lớn để chứa được mọi người và từng người, nhất là những ai nghèo khổ, bị bỏ rơi. Xin cho chúng con những linh mục biết cầu nguyện, có tình bạn thân thiết với Chúa để các ngài giới thiệu Chúa cho chúng con. Xin cho chúng con những linh mục thánh thiện, có thể nuôi chúng con bằng tấm bánh thơm tho, tấm bánh Lời Chúa và Mình Chúa. Cuối cùng, xin cho chúng con những linh mục có trái tim của Chúa, say mê Thiên Chúa và say mê con người, hy sinh đời mình để bảo vệ đoàn chiên và dẫn đưa chúng con đến với Chúa là Nguồn Sống thật. (Abba 56)


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà