Bài 5 :

THIÊN CHÚA LÀM NGƯỜI

 

LỜI CHÚA : Lc 2,10-14.

“Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavit, Người là Đấng Kitô Đức Chúa” (Lc 2,10-11)

 

BÀI HỌC :

        Lời hứa cứu độ của Thiên Chúa đã có ngay từ khi con người đầu tiên sa ngã rằng Ngài hứa ban Đấng Cứu Độ qua dòng dõi của người đàn bà. Chính Đấng Kitô sẽ đạp dập đầu con rắn, cứu dòng dõi mình khỏi nô lệ của tội lỗi và sự chết. Thiên Chúa đã chuẩn bị qua từng giai đoạn trong lịch sử từ các tổ phụ người Do Thái đến các ngôn sứ, và cuối cùng, Thiên Chúa đã đích thân đến (Dt 1,1-2), làm người như mọi người, học cách làm người như chúng ta để dạy chúng ta bài học làm con Thiên Chúa.

 

I . MẦU NHIỆM NHẬP THỂ

“Hội Thánh gọi sự kiện Con Thiên Chúa mang lấy bản tính nhân loại để thực hiện trong bản tính ấy việc cứu độ chúng ta, gọi là ‘Nhập Thể’ (GLHTCG 461).

 

1 ) Thiên Chúa nhập thể bằng cách nào?

 

* Thiên Chúa không thích ‘hoá thân’ làm người theo kiểu các vị tiên hiện hình rồi xong việc là biến mất, vì thân xác ấy chỉ là thân ảo.

 

* Thiên Chúa cũng không muốn mượn xác của ai đó để hoạt động ở thế giới hữu hình này, rồi xuất khỏi thân xác đó khi đã hoàn tất việc cứu độ (ma nhập).

 

* Thiên Chúa nhập thể bằng cách được cưu mang và sinh hạ từ một người nữ để có một thân xác, một tên gọi, trong một thời gian và không gian nhất định của lịch sử.

 

2 ) Thiên Chúa giáng sinh làm người:

Thiên Chúa đã chọn Maria, một trinh nữ người Do Thái, đã đính hôn với Giuse, thuộc hoàng tộc Đavit, để Con Thiên Chúa được đầu thai làm người do quyền năng của Chúa Thánh Thần (Lc 1,26-38). Chính nhờ tác động của Chúa Thánh Thần mà Đức Maria cưu mang và sinh hạ Con Thiên Chúa mà vẫn còn đồng trinh (Mt 1,18-25).

 

Con Thiên Chúa sinh hạ làm người ấy được đặt tên là GIÊSU (Giavê cứu), nơi sinh là làng Belem thuộc miền Nam nước Do Thái (Israel) trong hoàn cảnh đất nước bị đô hộ bởi đế quốc Rôma (Lc 2,1-20). Tuy nhiên, Đức Giêsu lại sống và lớn lên ở miền Bắc là làng Nagiaret; và người ta đã gọi Ngài là Giêsu Nagiaret (Mt 2,13-23). Đức Maria chính là mẹ ruột của Chúa Giêsu vì đã cưu mang và sinh hạ Chúa Giêsu (Mc 6,3); còn thánh Giuse là chồng của Đức Maria và là cha nuôi của Chúa Giêsu (Mt 13,54-56).

 

Về ngày tháng năm sinh của Chúa Giêsu, không ai biết đích xác vì lúc đầu người ta không quan tâm đến việc mừng Sinh Nhật của Ngài. Mãi đến thế kỷ VI, người ta muốn lấy năm Chúa Giêsu ra đời làm năm mở đầu cho kỷ nguyên công giáo, thay thế cho niên lịch của Rôma (Lc 3,1). Niên lịch Kitô giáo được thành hình từ đó, và trở thành phổ thông quốc tế cho đến ngày hôm nay. Mãi sau này, nghĩa là vài thế kỷ sau khi Chúa Giêsu sinh ra, giới tín hữu Kitô đã chọn ngày 25/12 là ngày Đông Chí, ngày lễ của dân ngoại mừng thần Mặt Trời, và biến ngày lễ này thành ngày sinh của Chúa Giêsu, vì Ngài cũng chính là Ánh Sáng mới soi dẫn cho toàn thể nhân loại (Lc 1,78-79; 2,30-32). (ở Đông Phương, ngày Đông Chí là ngày 6/1 nên Gíao Hội Chính Thống Giáo mừng Sinh Nhật của Chúa Giêsu vào ngày 6 tháng Giêng).

 

Như vậy, đối với giới Công Giáo, Sinh Nhật của Chúa Giêsu Kitô là ngày 25 tháng 12 năm thứ nhất; mặc dù có sự sai sót về cách tính năm sinh của Đức Giêsu khi xê dịch niên lịch Rôma sang niên lịch Kitô giáo (Lc 3,1.23), nhưng người ta không thay đổi nữa và mặc nhiên gọi năm thứ nhất là năm Đức Giêsu sinh ra tại Belem. (Xem lại trang 36)

 

II . MẦU NHIỆM ĐỨC GIÊSU KITÔ

Người Do Thái mong đợi Đấng Kitô đến từ hoàng tộc Đavit, và đến hôm nay họ vẫn còn chờ đợi; còn những người tin vào Chúa Giêsu thì gọi Ngài là Đức Giêsu Kitô.

 

* Đức Giêsu Kitô vừa là con người, vừa là Con Thiên Chúa. Ngài vốn được sinh ra bởi Chúa Cha từ trước muôn đời, và Ngài cũng chính là Thiên Chúa, ngang bằng với Chúa Cha (và Chúa Thánh Thần). Ngài lại được sinh ra trong thời gian, làm con Đức Trinh Nữ Maria, giống như chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi (Pl 2,6-7).

 

* Như vậy, Đức Giêsu Kitô có hai bản tính: bản tính Thiên Chúa và bản tính nhân loại. Hai bản tính này khác biệt nhau, nhưng lại không tách biệt khỏi nhau trong Đức Giêsu Kitô. Chỉ có một ngôi vị trong Đức Giêsu Kitô, không phải lúc Ngài là Thiên Chúa, lúc lại là con người, cũng không phải là nửa người nửa Chúa; song Ngài vừa là người thật, vừa là Thiên Chúa thật.

 

* Chính vì thế, Hội Thánh đã tặng danh hiệu ‘Mẹ Thiên Chúa’ cho Đức Maria, người đã sinh ra Chúa Giêsu, và cũng là người sinh ra Thiên Chúa theo nhân tính. Đức Maria chỉ là thụ tạo, là con người, nhưng đã sinh ra Chúa Giêsu là người thật và là Thiên Chúa thật. Hai bản tính nơi Chúa Giêsu luôn luôn hiệp nhất, không thể tách rời, cho nên Đức Maria đã sinh ra con người Giêsu thì cũng có nghĩa là đã sinh ra chính Thiên Chúa.

 

* Cuối cùng, chúng ta nên nhớ : Đức Giêsu là người Đông Phương, chứ không phải Tây Phương; Ngài là người Châu Á (Trung Đông), chứ không phải Châu Âu. Chỉ có điều đạo Kitô giáo được truyền vào vùng Á Đông chúng ta theo ngả Tây Phương khi các giáo sĩ theo các tầu buôn của phương Tây đến giảng đạo (thế kỷ 16) nên người ta dễ lầm tưởng là đạo Tây Phương.

 

CẦU NGUYỆN :

“Lạy Chúa, Chúa đã sáng tạo con người cách kỳ diệu, lại còn phục hồi phẩm giá con người cách kỳ diệu hơn nữa; xin ban cho chúng con được chia sẻ chức vị làm con Chúa với Đức Kitô là Đấng đã chia sẻ kiếp người với chúng con” (lễ Giáng Sinh).

Học kinh : Kinh Tin, trang 12

 

TÓM LƯỢC :

1* Thiên Chúa làm người bằng cách nào ?

- Thiên Chúa làm người bằng cách nhập thể trong lòng trinh nữ Maria, bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, rồi sinh ra ở Belem với tên gọi là Giêsu, sống ở Nagiaret, thuộc đất nước Do Thái trong thời kỳ bị đô hộ bởi đế quốc Rôma.

2* Đức Giêsu Kitô là ai ?

- Đức Giêsu chính là Đấng mà Thiên Chúa hứa ban cho dân Do Thái qua hoàng tộc Đavit, nên Ngài được gọi là Giêsu Kitô. Vì thế, Ngài vừa là con người, vừa là Con Thiên Chúa.

3* Chúa Giêsu có mấy bản tính ?

- Chúa Giêsu có hai bản tính : bản tính Thiên Chúa và bản tính nhân loại. Hai bản tính này thật khác biệt, song luôn hiệp nhất, nên chỉ có một Đức Giêsu Kitô.

4* Vì sao Đức Maria được gọi là Mẹ Thiên Chúa ?

- Đức Maria được gọi là Mẹ Thiên Chúa vì đã sinh Đức Giêsu, vừa là người thật, vừa là Thiên Chúa thật mà hai bản tính này không thể tách biệt.

 

QUYẾT TÂM :

Chúa làm người để tôi được làm con Chúa, vậy tôi phải luôn sống hướng thượng


Mục Lục Giáo Lý Dự Tòng
Trở Về Trang Nhà