BÀI 26 :

DẬY MEN TIN MỪNG 5

XÂY DỰNG BẦU KHÍ GIA ĐÌNH

 

I. CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ.

         Lạy Chúa, Chúa đã ban cho tất cả mỗi người chúng con đều có một gia đình, nơi chúng con được nuôi nấng, được yêu thương. Xin cho chúng con trong giờ học hôm nay thấy được tầm quan trọng của việc xây dựng một gia đình đầm ấm yêu thương.

         Đọc kinh Lạy Cha.

 Kiểm tra bài cũ :

1. Những tội phạm đến đức tin là gì?

- Không chịu tìm hiểu các chân lý mạc khải.

- Chủ ý nghi ngờ các chân lý ấy.

- Có ý chối bỏ các chân lý, trở thành rối đạo, bỏ đạo hoặc ly khai khỏi  Hội Thánh.

2. Để ngày càng lớn lên trong đức tin ta phải làm gì?

- Ta cần đào sâu Giáo lý, siêng năng cầu nguyện và góp phần truyền bá đức tin.

 Kiểm tra quyết tâm

 Ghi tựa đề bài học

II. GIẢI THÍCH BÀI HỌC.

         Gia đình có một vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nên xã hội loài người. Gia đình là vườn ươm nảy nở nhân cách của con người. Chỉ nơi gia đình con người mới học được cách hiến thân vì người khác. Chỉ nơi gia đình con người mới được giáo dục và hướng dẫn tới sự trưởng thành trọn vẹn trong nhân tính, đó là sống một cuộc sống biết hoà mình vào người khác, phục vụ người khác bằng tình thương yêu mà Thiên Chúa đã đặt trong tâm hồn con người.

         Vì vậy cần phải quan tâm xây dựng bầu khí gia đình.

1. Hãy quan tâm tới bầu khí gia đình.

         Khi còn bé ta thường cảm thấy gia đình là nơi an toàn, đầm ấm, yêu thương nhất. Gia đình bao giờ cũng là chỗ dựa vững chắc nhất cho cuộc đời trong những lúc khó khăn. Lời hát của nhạc sỹ Đình Diễn trong bài hát “Cầu Cho Cha Mẹ” đã cho ta thấy kinh nghiệm của những người con xa gia đình: “Ai qua là bao chốn xa, thấy đâu vui cho bằng mái nhà”.

Thế nhưng, càng lớn lên thì việc học hành, các mối quan hệ, công việc làm ăn kéo ta rời xa gia đình của mình, hoà nhập vào xã hội. Đôi khi ta cảm thấy bị mất tự do trong gia đình, khó chịu với người này người nọ. Trong cuộc sống gia đình dù êm đềm mấy thì cũng có lúc ta cảm thấy ngột ngạt vì những bất hoà nho nhỏ do ý kiến, tính tình, sở thích, quan niệm sống khác nhau. Những khó khăn trong công việc làm ăn, những lúc ốm đau bệnh tật cũng có phần làm cho gia đình mất bình an và vui tươi.

         Tuy nhiên, dù còn nhỏ ta cũng có thể góp phần cải thiện bầu khí gia đình bằng cách sống hiếu thảo, chăm chỉ học tập, giúp đỡ mọi người trong nhà, nếu làm được như vậy thì chắc chắn gia đình ta sẽ êm đềm hạnh phúc hơn.

2. Làm cho cha mẹ được vui.

         Con cái là niềm vui, là nguồn hạnh phúc trong gia đình, con cái cũng là động lực giúp cho cha mẹ vượt qua bao gian nan thử thách trong cuộc mưu sinh, xây dựng một gia đình ấm no hạnh phúc.

-   Với phận làm con ta có thể làm cho cha mẹ vui lòng bằng lời nói. Biết quan tâm hỏi han khi cha mẹ lo lắng, mệt mỏi hay lúc ốm đau.

-   Ngoài lời nói ra, ta cũng có thể bày tỏ quan tâm bằng cách giúp đỡ những công việc ta có thể làm như :  nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, trông em… Bằng thái độ tích cực vui tươi.

-   Đặc biệt cha mẹ rất hạnh phúc khi con cái biết tin cậy vào cha mẹ qua việc biết vâng lời, bày tỏ chia sẻ với cha mẹ những chuyện vui buồn ở trường lớp, những lo lắng khó khăn  của việc học.

-   Chúng ta có thể băn khoăn tìm kiếm một món quà để làm vui lòng một người bạn vào dịp sinh nhật, thì có lẽ nào chúng ta lại không băn khoăn tìm cách (có sáng kiến) làm cho cha mẹ, những người đã sinh thành ra ta, yêu thương ta, chịu vất vả vì ta … được vui.

3. Yêu thương anh chị em ruột thịt.

         Tục ngữ Việt Namcâu : “Anh em như thể tay chân”. Sự hoà thuận, yêu thương giữa anh chị em trong gia đình góp phần rất lớn tạo nên một gia đình ấm êm hạnh phúc.

         Niềm vui của cha mẹ là thấy con cái hoà thuận vui vẻ. “Chị ngã em nâng” là bài học cha ông ta hằng căn dặn từ xa xưa tới nay. Anh chị em cần phải biết hy sinh, nhường nhịn nhau, quảng đại tha thứ và chịu đựng những khuyết điểm của nhau trong tinh thần xây dựng.

         Hôm nay, ta đang được sống trong gia đình với cha mẹ và anh chị em. Hãy biết quý trọng và góp phần xây dựng gia đình yên vui.

Câu hỏi thảo luận :

Chúng ta phải làm gì để góp phần xây dựng gia đình mình hạnh phúc?

XEM :

- Có nhiều gia đình sống hoà thuận, anh chị em giúp đỡ nhau, con cái vâng lời, hiếu thảo với cha mẹ. Những gia đình đó hạnh phúc.

- Nhiều người sống trong gia đình mà không biết quan tâm đến gia đình, không chia sẻ với gia đình những khó khăn mà gia đình đang gặp phải.

- Có nhiều em chỉ nghĩ một phía; đòi hỏi cha mẹ và người khác lo cho mình cái này, cái kia mà không lo lắng nghĩ cho người khác. Thích làm gì là làm không để ý đến lời dạy dỗ khuyên bảo của cha mẹ. Khi bị mắng mỏ, rầy la thì giận dỗi, không ăn cơm, không nói chuyện, thậm chí còn bỏ nhà đi. Cha mẹ đau khổ vì con.

- Có những em cảm thấy khó chịu khi phải coi em hay làm việc nhà như quét dọn, nấu cơm, giặt đồ ...

XÉT :

- “Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”

- “Khôn ngoan đối đáp người ngoài

Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.”

- Những câu ca dao tục ngữ trên nói lên nhận thức đúng đắn về công ơn sinh thành, về tình yêu thương trong gia đình mà chúng ta phải khắc ghi, phải lấy đó làm tiêu chuẩn sống.

- Trong cuộc sống hằng ngày các em có nhận ra được công ơn của cha mẹ không?

- Các em làm gì để đáp lại công ơn ấy?

- Anh chị em trong nhà có biết yêu thương, giúp đỡ nhau như cha mẹ mình mong muốn không?

- Mẹ Têrêsa Calquitta có một nhận xét : “Đôi khi thật khó khăn để nở một nụ cười với những người sống bên cạnh chúng ta, nhất là với những người thân thiết nhất trong gia đình, nhưng điều đó lại xảy ra dễ dàng hơn với những người xa lạ.” Em thấy mình có như vậy không ?

- Các em có thấy nhiều bạn cùng tuổi với mình có hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, thiếu thốn hơn mình không? Gặp những trường hợp như vậy, các em có so sánh để thấy được những hạnh phúc mình đang có từ gia đình mình không? Để trân trọng, bảo vệ hạnh phúc đó không ?

LÀM :

Em phải làm gì để góp phần làm cho gia đình mình ấm êm, hạnh phúc hơn?

-   Cầu nguyện cho cha mẹ và anh chị em mình hằng ngày.

-   Đọc kinh chung mỗi tối với gia đình, để tạo bầu khí đạo đức, hiệp nhất, gần gũi với nhau …

-   Dành cho cha mẹ những lời yêu thương, kính trọng.

-   Vâng lời, làm theo sự chỉ dạy của cha mẹ, không cãi lại.

-   Làm điều cha mẹ mong mỏi nhất : chăm học và ngoan ngoãn.

-   Giúp cha mẹ những việc nhỏ theo sức mình có thể : nấu cơm, giặt giũ, quét nhà, lau bàn, rửa chén …

-   Tiết kiệm tiền bạc cho cha mẹ : cẩn thận giữ sách vở, đồ dùng, không đua đòi đồ chơi, xe cộ, quần áo …

-   Anh chị em trong nhà biết nhường nhịn nhau, giúp đỡ nhau.

-   Là anh chị thì giúp cha mẹ để dạy cho các em học bài, học giáo lý, nhắc nhở các em làm những điều tốt.

-   Mẹ Têrêsa khuyên chúng ta : “Hãy làm một điều đơn giản này thôi, là nở nụ cười với bất cứ người nào chúng ta gặp gỡ, nhất là những khi thật là khó khăn để cười với họ. Hãy cười với từng người bạn gặp và dành thời giờ cho những người thân yêu trong gia đình của bạn. Thật không dễ dàng chút nào để yêu thương những con người sống kề cận với mình. Có lẽ dễ dàng để giúp cho một người đang đói khát một bát cơm, ly nước, hơn là chia sẻ và quantâm đến nỗi đau khổ và cô đơn của chính những người thân yêu trong gia đình mình ...”

III. DẪN VÀO LỜI CHÚA.

         Những năm đầu thập niên 90 tại Việt Nam đã xuất hiện nhiều tổ ấm tình thương, những tổ ấm này do các đoàn thể hoặc tư nhân thiện chí lập nên nhằm giúp các em mồ côi có được một mái ấm gia đình hoặc tạo cơ hội cho những em bụi đời bỏ nhà ra đi trở về làm hoà với gia đình của mình. Đồng thời tạo điều kiện cho các gia đình đó đón nhận lại con cái. Một vài nước Bắc Âu không có trại mồ côi nhưng chính phủ tìm những gia đình tình nguyện nhận các em về nuôi. Các chính phủ này cho rằng, đó là phương cách tốt nhất để ngăn ngừa các tệ đoan xã hội sau này. Vì gia đình là môi trường tốt nhất cho người ta được phát triển quân bình. Thậm chí, hiện nay nhiều nơi cho rằng không nên tập trung các bệnh nhân tâm thần vào một nhà thương biệt lập như xưa nữa. Nhưng nên đưa họ trở về gia đình thì mới mong chữa trị cho họ đạt kết quả tốt hơn.

         Những sự kiện trên cho thấy gia đình có một giá trị vô cùng tốt đẹp, cao quí mà Thiên Chúa đã dành riêng cho con người. Chúng ta cùng lắng nghe  Lời Chúa trong sách Huấn Ca nhắn nhủ về tình gia đình.

IV. CÔNG BỐ LỜI CHÚA.

         (Hc 7, 27- 28; 30, 1- 8)

V. CẦU NGUYỆN .

Lạy Chúa Giêsu yêu mến, Chúa là mẫu gương hoàn hảo về cách sống làm một người con hiếu thảo cho chúng con noi theo.

Là con, Chúa đã chu toàn Thánh ý Chúa Cha, xuống thế làm người cứu chuộc chúng con.

Những năm dài sống trong gia đình Thánh Gia ở Nazareth, Chúa đã vâng phục Thánh Cả Giuse và Mẹ Maria, Chúa đã làm mọi việc với một lòng yêu mến lớn lao : yêu mến Chúa Cha, Thánh Cả Giuse, Mẹ Maria, và tất cả mọi người. Chúa đã sống quên mình vì mọi người, muốn đem niềm vui và hạnh phúc đến cho mọi người.

Xin cho chúng con biết noi gương sống hiếu thảo từ Chúa, để chúng con biết yêu mến gia đình, cha mẹ, và anh em chúng con, để mỗi một ngày chúng con trở nên giống Chúa hơn, xứng đáng làm người con ngoan trong gia đình, người con hiếu thảo của Chúa .

Chúng con cầu xin Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

VI. SINH HOẠT 

- Chia lớp làm hai phe để thi nhau hát những bài về gia đình, tình cha, tình mẹ …

- Tập hát: “Cầu cho cha mẹ” (Để hát trong phần cầu nguyện).

VII. BÀI TẬP

1. Để là người con hiếu thảo ta phải:

a. Vâng lời cha mẹ.                      b. Cầu nguyện cho gia đình

c. Thương yêu giúp đỡ anh chị em. d. Cả a, b, c, đều đúng

2. Gia đình là nơi:

a. Ta được học hỏi nhiều nhất                 b. Làm cho ta mất tự do nhất

c. Ta được yêu thương nhất           d. Cả a và c đều đúng.

VIII. SỐNG LỜI CHÚA.

Nói năng ngọt ngào, cư xử hoà nhã với mọi người trong gia đình.

IX. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC.

         Lạy Chúa, qua giờ học hôm nay chúng con nhận ra rằng : chúng con chưa thật sống làm người con hiếu thảo trong gia đình, xin Chúa tha thứ cho chúng con. Chúng con hứa với Chúa chúng con sẽ vâng lời cha mẹ, yêu thương mọi người trong gia đình chúng con nhiều hơn nữa. Chúng con xin dâng lên Chúa bài hát này như lời kinh chân thành tha thiết, xin Chúa xuống ơn cho gia đình chúng con.

         (Hát bài cầu cho cha mẹ).