BÀI 2 :                  

ĐỌC TIN MỪNG NHƯ THẾ NÀO ?

 

I.       CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin dâng lên Chúa giờ học hôm nay với tất cả lòng yêu mến Chúa và để cứu rỗi các linh hồn. Xin Chúa ban Chúa Thánh Thần xuống trên tâm hồn mỗi người chúng con, để Ngài soi sáng, hướng dẫn và thánh hoá giờ học của chúng con, giúp chúng con đạt được những kết quả tốt nhất như ý Chúa muốn.

Hát : Cầu xin Chúa Thánh Thần…

II.     DẪN VÀO LỜI CHÚA

Các em thân mến,

Trong bài học tuần trước, chúng ta đã biết sơ qua các sách Tân Ước. Giả sử cần phải giới thiệu cho một ai đó về quyển Tân Ước, em sẽ nói thế nào ? có thể trình bày một số nét chính được không? ( Tân ước gồm bao nhiêu cuốn ? Chia làm mấy loại ? Trọng tâm các sách Tân ước là gì? v.v…)

Như chúng ta đã biết, các sách Cựu Ước hầu hết được viết bằng tiếng Hipri ( tiếng Do thái cổ ), một phần nhỏ được viết bằng tiếng Aram ( tiếng Do thái thời Chúa Giêsu) và tiếng Hylạp. Riêng Tân ước, tất cả đều được viết bằng tiếng Hy Lạp.

Trong lớp chúng ta, nhà bạn nào có quyển Kinh Thánh trọn bộ ? bạn nào có quyển Kinh Thánh Tân Ước? Quyển Kinh Thánh các em đang có trong tay là bản dịch của ai ? (xem ở đầu sách )

Kể từ khi được viết ra cho đến nay, Kinh Thánh luôn là cuốn sách được đọc, được nghiền ngẫm, nghiên cứu, được dịch và được in ra nhiều nhất.

Tại sao Kinh Thánh luôn là cuốn sách được đọc, được nghiền ngẫm, nghiên cứu, được dịch và được in ra nhiều nhất như vậy?

Để trả lời câu hỏi trên, chúng ta hãy nghe Thánh Gioan cho biết mục đích của Ngài khi chép sách Tin Mừng, và đây cũng là chìa khóa giúp chúng ta hiểu tại sao Kinh Thánh, đặc biệt các sách Tin Mừng lại là bộ sách kỳ diệu như vậy .

Mời các em đứng lên, chúng ta cùng lắng nghe.

III.  CÔNG BỐ LỜI CHÚA :    Ga 20, 30-31  ( Xin giữ  THINH LẶNG giây lát )

IV. GIẢI THÍCH LỜI CHÚA

1.Dẫn giải đoạn Kinh Thánh vừa nghe

Thánh Gioan là người đã gặp được Đức Giêsu và đã đi theo Ngài. Những năm tháng sống với Thầy Giêsu đã giúp Thánh Gioan khám phá ra Đức Giêsu chính là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng muôn dân đợi trông.

Khám phá đó là niềm vui. Niềm vui này lớn lao đến độ Ngài muốn cùng chia sẻ cho mọi người chúng ta : “Những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấùng Kitô, Con Thiên Chúa và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Ngài”

2.Các em học sinh thảo luận

           Đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe là một bài giảng

a. Đoạn văn có những từ ngữ ( hoặc cụm từ) nào quan trọng ?

Dấu lạ, những điều đã được chép, để anh em tin, Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, sự sống.

   - Từ ngữ chính : Dấu lạ, Tin

b.  Câu tóm ý : câu 31

      c.  Đặt tựa đề ngắn : Chủ đích của tác giả sách Tin Mừng.

3.Bài học giáo lý:

Thánh Césaria la Jeune nói : “ Không có giáo lý nào tốt hơn, quý hơn và sáng chói hơn các sách Tin Mừng. Hãy xem và ghi nhớ những gì Đức Giêsu Kitô, Đấng là Chúa và là Thầy của chúng ta, đã dạy qua các lời nói và thực hiện qua các hành động của Ngài”.

Muốn biết Chúa Giêsu, cần chiêm ngắm Ngài qua việc đọc các sách Tin Mừng. Nhưng nên đọc các sách Tin mừng như thế nào ?

Chúng ta biết rằng, khởi đầu các sách Tin Mừng là những mẩu tường thuật về Chúa Giêsu. Những mẩu tường thuật này phát sinh độc lập nhau trong các cộng đoàn tín hữu, nhằm giải đáp những thắc mắc của họ về Chúa Giêsu. Sau đó, bốn tác giả sách Tin Mừng đã sưu tập chúng và sắp xếp thành những sách Tin Mừng khác nhau (x. Lc 1,1-4 ), mỗi sách Tin Mừng bộc lộ cho chúng ta thấy khuôn mặt của Chúa Giêsu dưới một khía cạnh.

Như vậy khi đọc Tin Mừng, chúng ta có thể đọc theo một trong hai cách đơn giản sau đây :

3.1 Cách thứ nhất :

Đọc từng đoạn nhỏ, để ý đến những mẩu chuyện này, phép lạ nọ, diễn từ kia. Vì những mẩu chuyện này phát sinh từ những thắc mắc của các Kitô hữu thời Hội Thánh sơ khai nên chúng ta có thể đi từ những bàn văn để tìm hiểu xem đâu là vấn đề các Kitô hữu thời ấy và đâu là vấn đề của chúng ta hôm nay.

Trường hợp một câu chuyện, một sự kiện được hai hay ba tác giả sử dụng, ta có thể đối chiếu các bản văn đó với nhau để tìm ra ý tác giả muốn nhấn mạnh về điều gì dựa vào những điểm dị biệt.

Ví dụ : Bão táp yên lặng  Mt 8,12- 27; Mc 4,36-41; Lc 8,23-25.

3.2 Cách thứ hai :

Đọc riêng rẽ từng quyển Tin Mừng và để ý đến cái nhìn của mỗi tác giả, tìm cách khám phá khuôn mặt của Chúa Giêsu như các cộng đoàn khác nhau đã nhận thấy được.

Trước khi đọc bản văn, chúng ta nên đọc phần dẫn nhập trước để nắm được:

-Bố cục (dàn bài) của sách Tin Mừng chúng ta sắp đọc.

-Tác giả là ai ?

-Tác giả viết cho loại độc giả nào ?

-Thời gian  và nơi biên soạn ?

-Mục đích của tác giả ?

-Đạo lý hoặc những tư tưởng chính của sách ?

Tuy nhiên, những cách đọc trên mới chỉ là bước đầu giúp ta yêu mến việc đọc Tin Mừng. Dần dần sau này, khi đọc, chúng ta cần tập đào sâu đoạn văn hơn.

V.        CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ

Lạy Chúa Giêsu là Lời của Chúa Cha, Chúa đã đến tỏ cho chúng con biết lòng Cha yêu thương chúng con. Chúa cũng đã sống một đời mẫu mực cho chúng con noi theo. Xin Chúa giúp chúng con chăm chỉ lắng nghe, học hỏi và suy niệm Lời Chúa để áp dụng điều Chúa dạy vào trong cuộc sống hàng ngày. Chúng con cũng hứa sẽ bắt chước Chúa sống hết mình cho Cha và tận tình phục vụ mọi người.

Chúng con cầu xin vì Chúa là Đấng…

VI.     SINH HOẠT GIÁO LÝ : Hát : Lắng nghe Lời Chúa

VII.   BÀI TẬP : Em hãy chọn câu đúng nhất :

 1.Muốn biết Chúa Giêsu là ai, em cần : (câu a)

a.     Chiêm ngắm Ngài qua việc đọc các sách Tin Mừng.

b.     Thực hành các việc bác ái.

c.      Tìm hiểu những dấu lạ trong thiên nhiên.

2.Những cách đơn giản để đọc sách Tin Mừng: (câu c)

a.     Đọc từng đoạn nhỏ

b.     Đọc riêng rẽ từng quyển Tin Mừng và để ý đến cái nhìn của mỗi tác giả.

c.      Cả hai câu đều đúng

VIII.ĐIỀU DỐC LÒNG

1.     Đoạn văn giúp ta biết gì về Thiên Chúa và tình thương của Ngài?

“Thiên Chúa đã yêu thương thế gian quá đỗi, nên mới ban Con Một của mình, để ai tin vào Ngài sẽ khỏi hư đi, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16)

2.     Qua đoạn văn này, hôm nay Thiên Chúa muốn dạy riêng tôi điều gì ?

Tin trước hết là đón nhận Lời Thiên Chúa vào lòng mình và để cho lời ấy lớn lên hàng ngày, bằng việc siêng năng đọc Tin Mừng và đem ra thực hành theo gương Chúa Giêsu

IX.     CẦU NGUYỆN CUỐI GIỜ

Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa về tất cả những ơn Chúa đã ban cho chúng con trong giờ học giáo lý hôm nay. Xin Chúa giúp chúng con ngày một yêu mến Lời Chúa và sống gắn bó với Chúa hơn. Amen.