Bài 3

SÁCH KHẢI HUYỀN

GIÚP TA BIẾT HƯỚNG ĐI CỦA LỊCH SỬ

Kh  22, 3 - 5

 

I.   CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ:

     Hát: Hãy chiếu soi.

II.      DẪN VÀO BÀI HỌC:

    Các em thân mến, từ xưa đến nay chẳng có gì tò mò hơn là việc con người cứ muốn biết về tương lai. Vì thế, chúng ta dùng mọi cách, hợp luật hay trái luật, cầu nguyện hay bói toán, gọi hồn, giải thích điềm lành này, dấu gở kia, lúc nào cũng hăng say theo đuổi những “huyền bí” ấy!

     Trong văn chương Do Thái nói chung và trong Kinh Thánh nói riêng, ngoài các thể văn lịch sử, luật pháp, ngôn sứ và khôn ngoan, còn một thể văn gọi là Khải huyền. Hai tiếng “Khải huyền” có nghĩa là “Vén mở cho thấy điều bí mật bên trong”.

     Các tác phẩm Khải huyền thường xuất hiện trong những giai đoạn Dân Chúa gặp khó khăn thử thách. Nhằm duy trì đức tin và niềm hy vọng cho Dân Chúa, các tác giả Khải huyền cố gắng vén mở bức màn đang che khuất những bí ẩn của lịch sử. Các vị nói đến cuộc chiến quyết liệt giữa Thiên Chúa và ma quỷ vào thời cuối cùng mà chiến thắng sau cùng sẽ thuộc về Thiên Chúa.

     Cuốn sách cuối cùng phần Tân ước mang tựa đề “Sách Khải huyền”. Khải huyền là một mạc khải Chúa tỏ ra cho ông Gio-an trong một thị kiến, không phải về một tương lai bất định, nhưng về một điều gì đó “sắp” phải xảy ra.

     Vậy, điều mạc khải ấy là gì? Thưa điều mạc khải ấy là: “Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mạc khải vinh quang của Người” (1 Cr 1,7)

     Trước khi tìm hiểu sách Khải huyền, anh (chị) mời các em đứng, chúng ta cùng lắng nghe một đoạn sách này.

III.    CÔNG BỐ LỜI CHÚA:            Kh  22, 3 - 5

                                                     Thinh lặng giây lát

IV.     TÌM HIỂU SÁCH KHẢI HUYỀN

1.   Bối cảnh :

    -Tại sao sách Khải huyền không viết theo khuôn mẫu sách Tin Mừng hoặc những phần khác của Tân ước? Tại sao lại đầy những hình ảnh và biểu tượng?

Để trả lời những câu hỏi này, chúng ta nên biết hai điều sau đây:

. Thứ nhất là hoàn cảnh của Hội thánh khi Khải huyền được viết ra.

. Thứ hai là tác giả thuộc mẫu người như thế nào?

     -Để trả lời cho câu hỏi thứ nhất ta gặp thấy trong những thư thánh Phao-lô, các sách Tin Mừng và ngay trong sách Khải huyền : bách hại bắt đầu đổ xuống Giáo hội (đến nỗi Phao-lô phải trấn an các tín hữu của ngài). Lúc ấy là vào cuối thế kỷ thứ I, bảy Hội thánh Tiểu Á ở Đế quốc Rô-ma đang gặp thử thách cả bên trong lẫn bên ngoài. Bên trong có những kẻ gieo rắc tà thuyết làm lung lạc đức tin chân chính của các tín hữu (Kh 1 –3). Bên ngoài, các hoàng đế Rô-ma bách hại các tín hữu vì các tín hữu không chịu tôn thờ hoàng đế như chúa tể (Kh 13,12 –18; 14, 9 –13).

     Vâng, trong hoàn cảnh này, Gio-an đã có thị kiến khi ngài bị lưu đầy tại đảo Pat-mô, dưới thời hoàng đế Đô-mi-xi-ô, vì đã rao giảng lời Thiên Chúa và lời chứng của Đức Giê-su. (1,9). Tác giả muốn củng cố niềm tin cho tất cả những người cùng cảnh ngộ, đang chịu bách hại vì Chúa Ki-tô. Nhằm mục đích đó, tác giả đã dùng những hình ảnh mang tính cách biểu tượng trong các cuộc thị kiến để diễn tả những điều đã đuợc mạc khải cho mình.

     Sách Khải huyền là một mạc khải cần thiết để củng cố và làm vững mạnh Hội thánh thơ ấu ở giữa một thế giới cuồng nộ.

     Nhưng hoàn cảnh mới chỉ giải thích được nửa phần về sách Khải huyền, còn nửa phần kia phải nhờ hiểu biết về con người của Gio-an.

     - Gio-an Tông đồ là người Do Thái, văn hoá, gia cảnh, học thức và tư tưởng là Do Thái. Điều này rất quan trọng khi giải thích sách Khải huyền. Lời Chúa được truyền đạt qua Gio-an, một con người mang tâm não được đào tạo do lịch sử, văn chương và truyền thống Do Thái. Lời Chúa không thay đổi con người Gio-an, nhưng đến với chúng ta qua ngài.

1.   Nội dung :

         Để khuyên các tín hữu bị bách hại hãy kiên trì, tác giả đã đưa ra các định luật tổng quát về lịch sử thế giới cho đến khi Chúa Ki-tô chiến thắng vĩnh viễn. Nước Thiên Chúa đã được thiết lập rồi. Trong cuộc chiến giữa một bên là Chúa Ki-tô và các tín hữu Ngài, với một bên là Sa-tan và các kẻ thù của Thiên Chúa, phần thắng sẽ thuộc về Chúa Ki-tô và những ai theo Ngài. Những cuộc bách hại là phần mở đầu bình thường và cần thiết. Bởi vì, chiến đấu có gay go, chiến thắng mới vinh quang. Sách Khải huyền là khúc ca khải hoàn của Hội thánh bị bách hại, là lời tuyên xưng rằng chẳng bao lâu nữa, các kẻ thù của Thiên Chúa sẽ bị đánh bại, và các con cái Thiên Chúa sẽ hiển trị với Ngài đến muôn đời muôn thuở.

2.   Bố cục:

         Sách Khải huyền gồm 22 chương, có thể chia thành ba phần chính:

     a. Nhập đề, Lời tựa : 1, 1 – 3

     b.  Thân bài:

     -1,4 – 3,22 : Thị kiến mạc khải

          Thư gửi cho Bảy giáo đoàn (Hội thánh )

      Bảy giáo đoàn, là các giáo đoàn tại Tiểu Á (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay). Tại sao lại bảy Hội thánh? Như chúng ta đã thấy, số bảy là con số tròn đầy của Do Thái. Có lẽ chúng ta không chút nghi ngờ rằng khi nhắc đến “Bảy Hội thánh” là Gio-an có ý nói đến Hội thánh hoàn vũ, và khi bắt đầu sách với những lá thư gửi cho Bảy Hội thánh là ý ngài muốn những gì được nói trong sách này thì cũng được nói cho toàn thể Hội thánh.

     -4,1 – 22,15 : Các thị kiến (những gì còn phải xảy ra)

  + Chương 4 và 5: người tín hữu phải nhìn các biến cố với cặp mắt đức tin: có Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử.

     + Bảy ấn niêm (6, 1 – 7,17) :Đây là bức tranh chiến đấu số một giữa sự thiện và tội ác, mà sự thiện toàn thắng. Chương 7 nói về cuộc tập họp những người lành thánh.

     + Bảy tiếng kèn (8,1 – 11,14) : Mô tả cuộc đụng độ cục bộ và tạm thời giữa sự thiện và tội ác. Đoạn 11,1 – 14 nhắc tới hai chứng nhân.

     + Bảy cái ly (11,15 – 16,16) : Triển khai tột mức cuộc đấu tranh giữa thiện – ác. Chương 12 đưa ra dấu hiệu thứ nhất, một phụ nữ (Hình ảnh Dân Chúa). Ở đoạn 13,1 – 14,5 nói đến hai giáo đoàn khác nhau đi theo Con Thú (chỉ vương quyền Hoàng đế, hay là Con Chiên)

     + Ngày trọng đại (16,17 – 22,5) : Tội ác bại trận hoàn toàn, Chúa lại có mặt giữa loài người. Chương 18 nói về sự sụp đổ của Ba-bi-lon (tức vương triều Rô-ma). Đoạn 21,1 –22, 5 mô tả trời mới đất mới an bình.       

3.   Sách Khải huyền và chúng ta hôm nay:

    Sách Khải huyền phản ánh lại những ngày tháng có sự đe doạ tương lai các giáo đoàn, trước sự bách hại của Hoàøng đế Rô-ma. Thực tế này đưa họ suy nghĩ lại cách nhìn quan niệm về Thiên Chúa và sứ mạng của mình. Chúa chiến thắng chỗ nào khi nhà vua lại thống trị? Đức Giê-su sống lại, tại sao mình lại bị giết lát? Tại sao Hội thánh lại bị bắt bớ và bị một số người bỏ đi?

     Tập sách này cho chúng ta nhận ra rằng các tín hữu thời đó đã hiểu hơn về chiều sâu của cuộc chiến đấu đức tin. Họ hiểu rõ hơn thế nào là cuộc chiến thắng của Chúa : chiến thắng trong một cuộc đời dâng hiến tột cùng, đến cả cái chết. Và qua sự hy sinh như thế thì một thế giới mới sẽ được khai sinh.

     Đối với họ, đây là thời kỳ sống làm chứng nhân, phải trả lẽ về niềm tin của mình, bằng cách khước từ tính tuyệt đối của vương quyền nhà vua chuyên chế độc tài, đối xử với con người như súc vật.

     Ngày nay, khi đọc sách Khải huyền, chúng ta tin nhận rằng Đức Ki-tô đang đến hôm nay. Biết bao nhiêu dấu chỉ cho thấy sự chớm nở xuất hiện của một thế giới mới và đòi chúng ta phải ra sức xây dựng cho thành. Người tín hữu hiểu biết ý nghĩa Khải huyền thật thì sẽ nghiêm túc đi vào lịch sử để góp phần cải tạo và xây dựng, tin tưởng rằng cuộc đời sống Đạo Tình yêu rất có ý nghĩa và có hiệu quả trong việc xây dựng xã hội trần thế, đánh dấu việc Nước Chúa đến thật làm cho yêu thương thắng hận thù, đoàn kết thắng chia rẽ, hoà bình thắng chiến tranh, hạnh phúc trong phục vụ.

·       TÓM Ý TOÀN BÀI:

         Sách Khải huyền được viết khoảng năm 90-96, trực tiếp gửi cho các giáo đoàn ở Tiểu Á đang lâm cơn thử thách, và qua các giáo đoàn ấy cũng gửi cho Hội thánh của mọi thời đại.

     Nội dung của tập sách: một cuộc mạc khải cho Gio-an, để ông viết thành sách, soi sáng cho tín hữu về ý nghĩa các biến cố họ đang sống và về hoàn cảnh các giáo đoàn đương thời; một cuốn sách để đọc và để nghe trong giờ phụng tự, hầu giúp tín hữu tiếp tục trông đợi ngày Chúa đến, bằng cách sống cho phù hợp với đòi hỏi của đức tin.

V.  CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ:

1.   Gợi tâm tình cầu nguyện:

     Các em thân mến,

     Xã hội chúng ta hôm nay đang đối đầu với cơn lốc tiêu thụ, chạy theo vật chất đến độ tôn thờ nó. Sống theo lương tâm và những đòi hỏi của Tin Mừng quả là một thách đố kinh khủng, dường như phải lội ngược dòng thác lũ, nhiều khi làm cho niềm tin của chúng ta lung lay. Cảm tạ chúa đã soi sáng cho chúng ta qua sách Khải huyền để tìm thấy hướng đi cần thiết cho nhân loại hôm nay. Chúng ta cùng tri ân Chúa và dâng lời cầu nguyện.

     2.  Cầu nguyện:

    Lạy Chúa Giê-su, xin giúp mỗi người chúng con khi đọc sách Khải huyền, chúng con tin nhận rằng Chúa đang đến hôm nay, để chúng con ra sức góp phần cải tạo và xây dựng lịch sử theo tinh thần Tin Mừng, đồng thời giúp chúng con tìm thấy trong đó sức mạnh của đức tin và của lòng trông cậy vững chắc, để đem lại cho thế giới hôm nay niềm hy vọng. Chúng con cầu xin, vì Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.  

VI. SINH HOẠT: Trò chơi : Rao truyền Lời Chúa

     Chia lớp thành 2 hoặc 3 đội. GLV gọi các em đầu mỗi đội lên (cách xa đội 5 mét) rồi loan báo một câu Kinh Thánh. Tất cả các em đó nghe xong và chạy về nhắc lại cho em kế sau mình trong hàng; và người này tiếp tục nói cho người đứng sau, cứ thế cho đến người cuối cùng. Em cuối cùng lên báo cho GLV. Đội nào nhanh nhất và đúng nhất sẽ thắng.

-Hoặc hát : “Chúa là ánh sáng” (Ra khơi 2, trg. 66)

VII. BÀI TẬP:

     Em hãy chọn câu đúng nhất và đánh dấu x vào ô vuông º

1.    Sách Khải huyền được viết khi:

         a. Hội thánh đang sống trong tự do.

         b. Hội thánh đang bị bách hại.

         c. Nước Thiên Chúa đã hoàn tất trong vinh quang.

(câu b)

2.    Sách Khải huyền giúp các tín hữu:

         a. Hiểu ý nghĩa các biến cố họ đang sống.

         b. Tin tưởng và phó thác nơi Chúa.

         c. Xây dựng lịch sử theo tinh thần Tin Mừng

         d. Cả 3 câu đều đúng.

(câu d)

VIII. ĐIỀU DỐC LÒNG:

     1. Đoạn văn cho ta biết gì về Thiên Chúa và tình thương của Người?

     Thiên Chúa luôn yêu thương và dẫn dắt chúng ta trong mọi biến cố của cuộc sống, chúng ta hãy luôn tin tưởng và phó thác nơi Ngài.

     2. Qua bài học hôm nay, Thiên Chúa muốn dạy riêng tôi điều gì?

     Để sống theo tinh thần của sách Khải huyền, tuần này em quyết tâm: trước mỗi công việc, nhất là những việc khó hơn, em sẽ tự hỏi: “ Chúa Giê-su muốn tôi làm công việc này như thế nào?” Và em hãy cố gắng làm mọi công việc vì lòng yêu mến Chúa và cầu nguyện cho Hội thánh.

IX.  CẦU NGUYỆN CUỐI GIỜ:

     Lạy Chúa Giê-su, chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con giờ học giáo lý hôm nay, nhờ đó chúng con được vững tin vào tình thương của Chúa hơn khi chúng con gặp khó khăn  thử thách. Xin Chúa giúp chúng con thực hiện điều quyết tâm để cuộc sống chúng con luôn sống theo ý Chúa. Amen.

      Sáng Danh Đức Chúa Cha…