Bài 18

Dậy Men Tin Mừng 4

GÂY MEN TIN MỪNG CHO ĐỒNG BẠN

Ga 1, 40 -42. 45 -46

I.   CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ:

     Lạy Chúa, khi lãnh nhận bí tích rửa tội, Chúa đã trao ban cho mỗi người chúng con sứ mạng truyền giáo. Chúng con xin dâng lên Chúa giờ học giáo lý hôm nay để tìm hiểu về việc làm Tông đồ giữa môi trường chúng con đang sống.

     Xin Chúa ban Chúa Thánh Thần xuống trên chúng con, giúp chúng con ngày càng yêu mến,lắng nghe Lời Chúa, và nhiệt thành truyền bá Lời Chúa cho bạn bè và những người chúng con gặp gỡ hằng ngày. Amen.

II.  THẢO LUẬN:

1.   Giải thích bài học:

     Các em thân mến,

      Bài học vừa qua cho chúng ta biết: sau chiếu chỉ Milan (313), Hội Thánh ở Đông phương và Tây phương ngày càng phát triển cả tinh thần lẫn vật chất. Kết quả đó là do ơn Chúa và sự cộng tác của mọi thành phần trong Hội Thánh, đã cùng nhau gieo rắc hạt giống Tin Mừng một cách rõ ràng hay âm thầm lặng lẽ, với trọn niềm tin tưởng và hy vọng Nước Chúa sẽ lan rộng khắp nơi.

         Sứ mạng truyền giáo vẫn tiếp tục nơi các Ki-tô hữu mọi thời. Ngày hôm nay, Hội Thánh vẫn đang mời gọi mỗi người trẻ chúng ta hãy trở nên những tông đồ của Chúa ngay trong môi trường mình đang sống. Trong sứ điệp ngày Quốc tế giới trẻ 1992, Đức Gio-an Phao-lô II đã kêu gọi: “Các bạn trẻ hãy làm tông đồ giữa các bạn trẻ”. Lời ấy gói ghém cả một chương trình và đường lối hoạt động tông đồ gọi là “Tông đồ môi trường”, được đem áp dụng cho tuổi trẻ. Trong thực tế, việc Tông đồ ấy như thế nào và đòi hỏi ta điều gì? Bài học hôm nay sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn.       

a. Đến với những người cùng một cảnh sống:

     - Tông đồ là gì? Tông đồ hay Sứ đồ là người được Chúa sai đi giới thiệu Tin Mừng Ngài cho mọi người. Giáo dân thời sơ khai diễn tả cách nôm na: Tông đồ là người có Chúa Ki-tô trong lòng, Chúa Ki-tô trên mắt, Chúa Ki-tô trong miệng, Chúa Ki-tô trên tay, Chúa Ki-tô trong óc, Chúa Ki-tô trên vai…Tóm lại, là một người đầy tràn Chúa Ki-tô và trao ban Chúa Ki-tô cho người khác.

     - Môi trường là gì? Môi trường là khung cảnh trong đó người ta sống.

     -Vậy làm Tông đồ môi trường nghĩa là gì? Là thiếu niên làm tông đồ cho thiếu niên, nhi đồng làm tông đồ cho nhi đồng, sinh viên làm tông đồ cho sinh viên, công nhân làm tông đồ cho công nhân.

Tại Công đồng Vatican II năm 1965, các Đức Giám mục dạy: “Trẻ em cũng có hoạt động tông đồ riêng của các em. Tùy khả năng, các em có thể thực sự là những chứng nhân sống động của Chúa Ki-tô giữa các bạn hữu” (Sắc lệnh Tông đồ giáo dân số 12).

Cách làm tông đồ nổi bật của thời đại chúng ta là làm tông đồ trong môi trường, trong cuộc sống: Nơi ta đang sống chính là nơi Chúa đang sai ta đến, những người ta gặp chính là những người mà ta có trách nhiệm phải giúp họ nhận biết Tin Mừng, và những công việc ta đảm nhận trong xã hội chính là những cơ hội để ta làm cho Tin Mừng thấm vào đời sống loài người.

     Dù ở đâu, dù làm gì, dù gặp ai, người tín hữu đều luôn nhớ mình là người đang được Chúa sai đến với anh em. Như thế, việc tông đồ là một công việc thường ngày, cho những người cùng chung một cảnh sống với mình, chẳng hạn: cùng một khu xóm, cùng một lứa tuổi, cùng một trường, một lớp. Cùng một sinh hoạt thể thao, cùng làm một nghề…

Như vậy, chúng ta sẽ làm tông đồ ở đâu và như thế nào?

     Ở ngay tại gia đình, trong lớp học, trên sân chơi, bằng chính cuộc sống của mình. Đó là việc tông đồ đích thực của tuổi thiếu niên. Đó là con đường để mỗi người chúng ta dự phần vào sứ mạng lớn lao của Hội Thánh và tự rèn luyện mình trở nên những người tông đồ hữu hiệu trong cuộc sống trưởng thành mai sau.

     - Tóm ý: Để góp phần vào sứ mạng lớn lao của Hội Thánh, chúng ta phảiø tự rèn luyện mình trở nên những chứng nhân sống động của Chúa Ki-tô giữa các bạn hữu, ngay trong môi trường mình đang sống.

b. Gây ý thức và giúp nhìn theo Tin Mừng

     Thiếu niên làm tông đồ cho thiếu niên thì sẽ gặt được nhiều kết quả vì người trẻ đễ nghe theo bạn bè hơn nghe người lớn tuổi. Bạn bè nói với nhau thường không có giọng khuyên nhủ, thường chỉ gợi ý và góp ý chứ không có vẻ dạy dỗ hay bó buộc, nên dễ lọt tai hơn.

      Như vậy, cách làm tông đồ giữa người trẻ với người trẻ không phải là khuyên nhủ nhưng là gợi ý. Nói đúng hơn, chính là gợi lên điều tốt và làm cho nó lây lan đến tất cả, như men thấm đều làm cả khối bột dậy men.

     Nói ví dụ, trong lớp ai cũng xả rác bừa bãi, và chẳng ai để ý giữ bàn ghế cho đẹp, cho bền. Bạn nhận ra điều đó và mỗi ngày bạn âm thầm quét dọn. Sau một thời gian, bạn mệt mỏi vì tình trạng đáng tiếc vẫn kéo dài không thay đổi. Bạn chia sẻ cho một vài người khác trong lớp biết những suy nghĩ và cố gắng của bạn. Những người này lại rủ những người khác, và cuối cùng, trong lớp có một số đông người thấy vấn đề và mọi sự thay đổi hẳn.

     Bạn âm thầm làm một mình, đó là một hy sinh tốt. Bạn giúp nhiều người thấy vấn đề để mỗi người đều tự nguyện sửa đổi, đó là làm tông đồ môi trường.

     Trong ví dụ trên, mọi sự bắt đầu có kết quả khi có một nhóm bạn cùng quan tâm. Như vậy, để làm tông đồ trong môi trường hữu hiệu cần có một nhóm bạn tốt, cùng nhau suy nghĩ và cầu nguyện để biết phải làm gì và làm thế nào. Bài “Tình bạn” trong chương trình giáo lý Kinh thánh 2 đã cho chúng ta thấy: Tình bạn tốt sẽ giúp nhau sống thánh thiện hơn, giúp nhận ra những điều tốt để phát huy và nhận ra những điều xấu để lọai bỏ, nâng đỡ nhau khi gặp thử thách, cám dỗ và hiểm nguy. Làm điều tốt một mình rất dễ nản, có những người bạn cùng chí hướng, cùng chia sẻ suy nghĩ và hành động, ta sẽ tránh khỏi chủ quan và sẽ thấy được nâng đỡ trước những khó khăn thử thách.

     Phương pháp của tông đồ môi trường là Xem – Xét –Làm. Xem tức là cùng nhau ghi nhận những điều xảy ra; Xét tức là cùng nhau nhìn sự việc dưới ánh sáng Lời Chúa; Làm là cùng nhau bắt tay vào việc.

     Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng có những người bạn tốt thường chia sẻ suy nghĩ với nhau? Hãy thử áp dụng phương pháp này đi, rồi chúng ta sẽ thấy nhiều chuyện ở lớp, ở trường, ở khu xóm dần dần trở nên tốt hơn.

     - Tóm ý: Để gây ý thức giúp nhau có cái nhìn các sự việc theo Tin Mừng, chúng ta cần cùng với những người bạn tốt ghi nhận những điều xảy ra (Xem), cùng nhau nhìn sự việc dưới ánh sáng Tin Mừng (Xét) và cùng nhau thi hành điều Chúa soi sáng cho chúng ta (Làm)

c.  Sống có uy tín và học để biết cách nói:

      Nước Trời giống như một nắm men trộn vào ba đấu bột, và nó làm cho tất cả bột dậy men. (Lc 13,21), tựa như một hiệu ứng hoá học lây lan. Vâng, làm tông đồ môi trường là gây ý thức, từ một nhóm nhỏ sang một nhóm lớn, rồi trải rộng dần đến tất cả. Việc ấy không dễ bởi vì điều ta đề nghị không phải là những chuyện vui nhộn hời hợt mau qua nhưng là sự bỏ mình vì ích chung, đòi phải thay đổi quan niệm sống và phải lột xác để trở nên tốt hơn.

     Ta sẽ chỉ có thể thu hút được người khác vào con đường ấy khi biết sống có uy tín đối với mọi người và biết cách làm cho điều tốt đi vào lòng người. Như thế, người làm tông đồ môi trường phải là người có cuộc sống mẫu mực: luôn vui vẻ chu toàn bổn phận, đã hứa là giữ lời, dám quên mình vì ích chung, quảng đại góp phần vào những việc chung trong lớp, trong khu xóm, trong giáo xứ. Để có thể nói về Chúa cho mọi người, bạn cần cố công học hỏi để hiểu sâu Lời Chúa và để biết cảm thông với những người mình gặp gỡ. Như thế hiệu ứng đầu tiên của việc tông đồ trong môi trường là trên chính bản thân bạn: bạn được trở nên cứng cáp hơn trong tình yêu Thiên Chúa.

     Mỗi người chúng ta hãy sống tốt để làm dậy lên men sự sống của Chúa trong môi trường mình đang sống.

- Tóm ý: Để trở nên men Tin Mừng cho đồng bạn, chúng ta cần có đời sống mẫu mực, ngôn hành đồng nhất. Vì người khác chỉ có thể bị thu hút bởi những người sống có uy tín.

·       TÓM Ý TOÀN BÀI: Mỗi người chúng ta được mời gọi thi hành sứ mạng cao cả của Hội Thánh là truyền giáo. Vì thế, chúng ta cần trở nên những hạt men tốt có thể làm dậy men Tin Mừng ngay trong môi trường mình đang sống, cho những bạn bè cùng khu xóm, cùng trường lớp, đồng trang lứa…bằng một đời sống gương mẫu, bằng những góp ý, chia sẻ, và cùng với những người bạn tốt xem, xét các sự việc dưới ánh sáng Tin Mừng để cùng nhau xây dựng môi trường mình đang sống ngày càng trở nên tốt hơn.

2.   Các em học sinh thảo luận:

     Câu hỏi thảo luận: Ở trường, lớp, khu xóm, giáo xứ đang có những điều gì ngược với Tin Mừng đáng cho bạn phải quan tâm?

     -Xem: Có những điều gì ngược với Tin Mừng ?

           - Thiếu trung thực, trộm cắp, quay cóp

           - Không tôn trọng của công (phá phách, xả rác bừa bãi )

           - Bỏ học giáo lý, trốn học ở trường, phe nhóm…

           - Thiếu bác ái: phân biệt giàu nghèo, không quan tâm đến người khác ( những người già yếu, tàn tật, neo đơn, nghèo đói…)

           - Đời sống đức tin non yếu: ít đến tham dự Phụng vụ trong giáo xứ, khi tham dự Thánh lễ lại đứng ngoài nhà thờ…

           - Gia đình bất hoà, chia rẽ.

           - Nghiện ngập (rượu chè, cờ bạc, hút sách…)

     -Xét: Tại sao lại xảy ra những điều đó?

           - Không được cha mẹ dạy dỗ, nêu gương sáng.

           - Không sống cầu nguyện, không đến với các lớp giáo lý để học hỏi thêm về Chúa.

           - Không ý thức sứ mạng Chúa trao cho mình.

           - Kết thân với những người bạn xấu…Không có những người bạn tốt để giúp nhau vươn lên.

     -Làm: Vậy mỗi người chúng ta phải làm gì?

           - Cầu nguyện cho mọi người, nhất là cho những người bạn trong môi trường mình đang sống.

           - Kêu gọi bạn bè mình cùng tham dự các lớp giáo lý, các đoàn thể trong giáo xứ.

           - Siêng năng học hỏi giáo lý để biết sống theo ý Chúa và giới thiệu Chúa cho người khác.

           - Tự mình phải trở nên một người bạn tốt, sống có uy tín, kết thân với những người bạn tốt khác để cùng nhau sống và loan báo Tin Mừng ngay trong môi trường mình đang sống (Vui vẻ chu toàn bổn phận, quảng đại, hy sinh quên mình vì những việc chung của trường lớp, khu xóm, giáo xứ)

III.  DẪN VÀO LỜI CHÚA:

      Năm 1943, giữa những thảm cảnh chết chóc và đổ nát của thế chiến thứ hai, chị Chiara Lubich được ơn soi sáng dấn bước sống lý tưởng Phúc âm là sống tình thương. Những lời của Chúa: Ước chi tất cả mọi người được yêu thương và sống hiệp nhất đã đánh động chị nhất. Hoàn cảnh bi thảm của chiến tranh lúc đó thôi thúc chị thực hiện lý tưởng sống này hơn bao giờ hết. Chị đã quy tụ vài người bạn trẻ để sống lý tưởng đó. Đó là nhóm đầu tiên của phong trào “Tổ ấm”. Chị Chiara Lubich cũng kêu gọi tất cả các bạn trẻ ở trên thế giới hãy đoàn kết lại với nhau để xây dựng một thế giới mới : thế giới sống hiệp nhất, yêu thương theo tinh thần Tin Mừng. Số các bạn trẻ gia nhập phong trào Tổ ấm ngày lan rộng bởi những thành viên của phong trào lại mời thêm những bạn trẻ khác trong môi trường họ sống tham gia vào phong trào. Ngày nay, họ đã có mặt trên 180 quốc gia trên thế giới, với số thành viên trên 200. 000 thuộc đủ mọi màu da, mọi tiếng nói, mọi phong tục tập quán, mọi nền văn hoá khác nhau.

Các em thân mến,

     Từ khi nhận được ơn soi sáng của Chúa, chị Chiara Lubich không chỉ giữ riêng cho mình, nhưng chị đã chia sẻ cho những người bạn của mình, rồi những người bạn đó lại chia sẻ và mời gọi những người khác sống theo Tin Mừng. Điều này làm chúng ta nhớ đến các Tông đồ đầu tiên: gặp được Chúa Giê-su, các ông liền nói về Chúa và dẫn những người anh em mình đấn với Chúa như trong đoạn Lời Chúa mà chúng ta sẽ công bố giờ đây.

     Mời các em đứng, chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.

IV. CÔNG BỐ LỜI CHÚA:           Ga 1,40 – 42. 45 - 46

                                                           Thinh lặng giây lát

V.  CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ:

     1. Gợi tâm tình cầu nguyện:

      Các em thân mến,

       Ơn gọi truyền giáo là của hết mọi Ki-tô hữu, và chúng ta được mời gọi làm tông đồ cho Chúa ngay trong môi trường sống của mình, bằng cách gây men Tin Mừng cho đồng bạn. Chúng ta hãy nguyện xin Chúa giúp chúng ta thi hành sứ mạng cao cả ấy.

2. Cầu nguyện:

         Lạy Chúa Giê-su, thật hạnh phúc và vinh dự cho chúng con vì được làm con Chúa và được làm tông đồ cho Chúa. Chúa biết bạn bè chúng con còn nhiều người chưa nhận biết Chúa, nhiều người chưa sống theo Tin Mừng. Xin Chúa giúp chúng con trở nên những hạt men tốt: biết sống gương mẫu, là những người con hiếu thảo, những người trò ngoan, những người thiếu niên đạo đức. Để qua cuộc sống chúng con, các bạn bè và những người chúng con gặp gỡ, tiếp xúc, họ sẽ nhận ra Chúa và sống theo Tin Mừng.

      Chúng con cầu xin, vì Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.

VI.  SINH HOẠT:

                  Hát : Từ rất xa khơi  (Đỗ vy Hạ)

VII. BÀI TẬP:

     Em hãy chọn câu đúng nhất và đánh dấu x vào ô vuông ¨

1.    Tông đồ là gì?

a.    Là người đầy tràn Chúa Ki-tô và trao ban Chúa Ki-tô cho người khác.

b.    Là người được Chúa sai đi giới thiệu Tin Mừng cho mọi người.

c.    Câu b đúng

d.    Cả 2 câu a và b đúng     (câu d )

2.   Chúng ta được mời gọi làm Tông đồ ở:

a.    Trong môi trường, trong cuộc sống của mình.

b.    Các lớp giáo lý

c.    Những khu xóm nghèo, ngoại giáo      (câu a)

VIII. ĐIỀU DỐC LÒNG:

          Phần thảo luận: LÀM

IX. CẦU NGUYỆN CUỐI GIỜ:

Hát:  Tâm tình tri ân

 ĐK : Biết lấy gì cảm mến, biết lấy chi báo đền, hồng ân Chúa cao vời, Chúa đã làm cho con.

1.    Thương con từ ngàn xưa…

2.    Trao cho con Lời Chúa …