Bài  23

THẾ KỶ XVII – XVIII

HỘI THÁNH TRONG THỜI KỲ BIẾN ĐỘNG

Rm 1, 19-23

I.   CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ:

     Lạy Chúa, chúng con tin Chúa đang hiện diện giữa chúng con đây, xin dâng lên Chúa lòng yêu mến và biết ơn của chúng con. Xin Chúa soi sáng và mở lòng trí chúng con để chúng con luôn sống đẹp lòng Chúa, góp phần xây dựng Hội thánh Chúa ngày càng thánh thiện, hiệp nhất như ý Chúa muốn.

     Hát: Cầu xin Chúa Thánh Thần

II.      DẪN VÀO LỜI CHÚA:

     Khoa học và kỹ thuật ngày nay quả thực đã đem lại cho chúng ta biết bao điều kỳ diệu. Thế nhưng có một cái gì kỳ diệu hơn cả những gì con người đã làm ra. Kỳ diệu ấy chính là con người. Bạn đang nghe người khác nói, bạn không nghĩ rằng 2 lỗ tai của bạn là một bộ máy tinh vi mà chắc chắn dù khoa học tiến bộ đến đâu cũng không thể nào chế tạo được.

     Bạn hãy nhìn vào gương để thấy sự kỳ diệu của đôi mắt bạn. Khoa học có thể chế tạo những đôi mắt thần có tầm nhìn xa nhưng hẳn con mắt nhân tạo đó sẽ không bao giờ biết khóc, biết cười, biết trao ban những cái nhìn trìu mến, yêu thương cảm thông được.

     Kỳ diệu hơn nữa, bạn hãy rờ vào trái tim bạn, nó đang đập nhịp nhàng và hoạt động ngày đêm không ngơi nghỉ. Bạn không thể tự ý bắt tim đập hay ngừng đập được, mỗi ngày theo một nhịp độ bình thường, tim bạn co giãn đúng 10. 000 ngàn lần. Bạn không thấy đó là một điều kỳ diệu sao?

     Và còn biết bao điều kỳ diệu khác nữa mà con người không thể giải thích và chế tạo ra được. Vậy ai là tác giả của muôn điều kỳ diệu trong vũ trụ bao la này? Chính Thiên Chúa. Thế nhưng, nhiều khi con người lại kiêu ngạo, tự mãn, cho mình là khôn ngoan và không còn nhìn thấy Thiên Chúa trong những công trình của Người nữa. Lời Chúa trong thư thánh Phao-lô gửi tín hữu Rô-ma cũng nói đến vấn đề này.

     Mời các em đứng, chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.

III.    CÔNG BỐ LỜI CHÚA:   Rm 1,19-23

                                             Thinh lặng giây lát

IV.     GIẢI THÍCH LỜI CHÚA:

1. Dẫn giải đoạn Lời Chúa vừa công bố:

Thư Rô-ma được viết năm nào ? Khoảng năm 57 -58

         Thư Rô-ma là bức thư Phao-lô viết cho một giáo đoàn không do ông khai sinh. Trước mắt, chưa thể tới thăm Rô-ma. Phao-lô biên thư nhằm củng cố đức tin của tín hữu, chuyển đạt Tin Mừng cho họ và triển khai một số giáo lý.

         Qua đoạn thư trên, thánh Phao-lô trách tín hữu Rô-ma đã không dùng sự khôn ngoan Chúa ban để hiểu biết Chúa, nhưng lại loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của mình, dựa vào lý trí thay vì mạc khải. Mời các em cùng thảo luận đoạn Lời Chúa trên để thấy rõ hơn vấn đề này.

2. Các em học sinh thảo luận:

Đoạn Lời Chúa chúng ta vừa nghe là một câu bài giảng.

       a. Đoạn văn có những từ ngữ hoặc cụm từ nào quan trọng?

          Những gì người ta có thể biết về Thiên Chúa, Thiên Chúa đã cho họ thấy rõ, trí khôn, nhìn thấy Thiên Chúa, qua những công trình của Người, tuy biết Thiên Chúa, họ đã không tôn vinh hay cảm tạ Người, trái lại, suy luận viển vông, tâm trí mê muội.

         - Từ ngữ hoặc cụm từ chính yếu: Tuy biết Thiên Chúa, họ đã không tôn vinh hay cảm tạ Người cho phải đạo.

      b. Câu tóm ý: câu 21

      c. Đặt tựa đề ngắn: Lý trí và đức tin

3. Bài học giáo lý:

3. 1 Dân chúng khốn khổ

         Thế kỷ XVII, châu Âu ngày càng giàu có, tàu bè vượt biển tấp nập, nhưng đa số dân chúng không được hưởng sự giàu có ấy, khắp nơi vẫn bị khốùn khó vì đói kém và cướp bóc. Chiến tranh xâu xé các nước : từ các cuộc chiến tranh tôn giáo đến các cuộc chiến tranh giành quyền lợi giữa quân đội các nhà vua và quân đội giới quý tộc. Còn dân chúng phải đóng thuế rất nặng và thường xuyên bị nạn đói kém đe doạ. Công lý không được ai tôn trọng.

 - Tóm ý: Thế kỷ XVII-XVIII, dân chúng châu Âu vẫn phải sống trong cảng nghèo đói vì chiến tranh, cướp bóc và bất công trong xã hội.

3. 2  Tinh thần cầu nguyện và bác ái

Nhờ có phong trào cải cách hàng giáo sĩ và chấn hưng đời sống tôn giáo trong quần chúng, mà xã hội châu Âu đã có bộ mặt mới. May thay, trong cảnh khốn khổ của dân chúng, lúc ấy có cả một cuộc sống cầu nguyện phát sinh nơi nhiều giáo dân và linh mục. Và đời sống đức tin bao giờ cũng đi đôi với hành động bác ái là kết quả của nó, nhiều dòng tu sau khi được cải tổ và lấy lại tinh thần đã hăng hái đảm nhận công tác xã hội bác ái; nhiều tu hội mới cũng nhằm mục đích đó.

Nhiều người đã phát khởi cuộc phục hưng này như : thánh Phan-xi-cô Sa-lê, với những cố gắng, hy sinh vượt mức, Ngài đã thuyết phục được rất nhiều anh em Tin lành phái Can-vanh trở lại với Hội thánh Công giáo, tổ chức những lớp giáo lý và giảng dạy kinh bổn cho giáo dân, thăm viếng người nghèo khổ, ốm đau, mở chủng viện đào tạo hàng giáo sĩ.

Bên cạnh thánh Phan-xi-cô còn có Đức hồng y Bê-ruy-lơ, thánh nữ Gioan-na đờ Săng-tan, thánh nữ Lu-i-giơ Ma-ri-ắc, ông Pát-can và nhiều người khác nữa đã có ảnh hưởng trong thời đại của họ.

Đặc biệt, thánh Vinh-sơn Phao-lô (1581-1660), do sự tiếp xúc với giáo dân thôn quê, thấy sự nghèo khổ của họ về thể chất cũng như tinh thần, cha đã tìm cách nâng đỡ họ. Ngài lập một tu hội giáo sĩ đặt trung tâm ở Saint-Lazare, nên người ta gọi là dòng Lazarist. Nhờ hoạt động của tu hội này, nhiều vùng Công giáo được phục hưng.

       Đồng thời với thánh Vinh-sơn Phao-lô, nhiều vị khác cũng hoạt động ở nhiều nơi như thánh Gioan Eudes, thánh Phan-xi-cô Rê-gi, thánh Phê-rô Fê-ri-er.

  - Tóm ý: Trong cảnh khốn khổ của dân chúng thế kỷ XVII-XVIII, nhiều giáo dân và linh mục đã góp phần cứu giúp dân chúng bằng một đời sống cầu nguyện và bác ái.

3. 3   Sự đối nghịch giữa các triết gia và Hội thánh

Bước sang thế kỷ XVII, con người không phải chỉ làm chủ mặt đất, trên đại dương hay những miền xa lạ. Ít là bằng trì óc, bằng khoa học, con người còn làm chủ một bờ cõi rộng lớn hơn nữa mà ranh giới của nó là ranh giới vũ trụ. Kinh tế học, vật lý học, số học, luật đo lường, cùng những huyền bí trong vạn vật, những đề tài chủ yếu của siêu hình học, và biết bao vấn đề khác được nhiều người có trí óc thiên phú muốn đem đến cho nhân loại những giải đáp chính xác, những sáng tác mới mẻ. Thật là một bước tiến táo bạo của khoa học trong việc phục vụ nhân loại. Đó là những nhà bác học nổi tiếng thế kỷ XVII – XVIII này  : Bacon (1560-1626) người Anh, Galilei (1564-1642) người Ý, Képler (1571 – 1630) người Đức, Descartes (1596 –1650) người Pháp, Huygens (1629 – 1695) người Hoà-Lan, Newton(1642-1727) người Anh, Leibniz (1646-1716) người Đức… Họ là những người cố gắng tìm hiểu và giải thích thế giới, con người và Thiên Chúa. Các tác phẩm của họ diễn tả tư tưởng của rất nhiều người thời đó.

Vào thế kỷ XVIII, tại châu Âu các triết gia tin vào lý trí, vào khoa học và chú trọng đến các định luật của thiên nhiên. Dù thuộc những nước khác nhau, họ vẫn trao đổi cho nhau các ý tưởng và nhận xét của nhau. Nhờ những liên hệ không phân biệt ranh giới như vậy, họ có tinh thần phóng khoáng chấp nhận những điều và những hành động có vẻ trái ngược nhau, miễn sao có thể nói về các điều ấy cách tự do và hợp lý. Họ không ngần ngại chống lại quyền bính của nhà vua và của Đức giáo hoàng để bảo vệ các ý tưởng của họ. Một số người đã nhân danh lý trí để tuyên chiến chống lại Ki-tô giáo. Họ nghĩ rằng Thiên Chúa không hề tự mạc khải, không thể có chuyện Thiên Chúa nói với con người, nếu Ngài có thì người ta chỉ có thể nhận biết được Ngài nhờ lý trí và con tim.

 - Tóm ý: Dựa vào những tiến bộ khoa học, và khoa lịch sử, các triết gia thế kỷ XVIII muốn đặt lại các nấc thang giá trị dựa vào “ánh sáng” của lý trí thay vì mạc khải. Phong trào này quen gọi là “Triết học Aùnh Sáng”, như một tập thể chống lại Ki-tô giáo.

3. 4 Cách mạng Pháp

Xã hội Pháp thế kỷ XVII-XVIII sống dưới chế độ Quân chủ chuyên chế. Người ta chia các tầng lớp xã hội thành 3 giai cấp: quý tộc, giáo sĩ và thứ dân. Phe quý tộc lúc này đã xuống dốc, hết quyền hành và sống bất mãn. Hàng giáo sĩ và tu sĩ sau thời Phục hưng Công đồng Tren-tô, cũng bắt đầu sa sút và mất uy tín. Tiếp đến sự chênh lệch giàu nghèo giữa giáo sĩ cao cấp và hạ cấp gây nên nhiều mâu thuẫn. Đám thường dân, đứng đầu là những trưởng giả giàu có, kế đến là giới thợ thuyền và nông phu nghèo khổ. Giai cấp thứ ba này đã ý thức lực lượng của mình, đồng thời nhận ra sự bất lực và đời sống xa hoa của hai giai cấp trên, họ muốn đứng lên nắm quyền chỉ huy trong xã hội. Đàng khác, nước Pháp đang lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế. Thêm vào đó, ảnh hưởng của chủ nghĩa tự do bình đẳng của phe “Triết gia” tiền bán thế kỷ XVIII, và sự thành công của chính thể Dân chủ Cộng hoà ở Hoa Kỳ (1776)

Ngày 14. 7. 1789, cách mạng đã bùng nổ tại Pa-ri, nước Pháp, người ta phá trại giam Bát-ti-ơ (Bastille), biểu tượng cho sự cùm kẹp của chế độ phong kiến. Tiếp theo là những cuộc nổi dậy ở các vùng thôn quê: doanh trại, thành quách của phe quý tộc bị cướp phá. Ngày 4 tháng 8, Quốc hội thảo luận việc thành lập một chế độ mới: dẹp bỏ các đặc ân của giới quý tộc và hàng giáo sĩ. Tài sản Giáo hội cũng như các Tu viện bị quốc hữu hóa theo chủ trương của phe “Triết gia”, để giải quyết nạn khủng hoảng kinh tế. Nhưng tai hại hơn là bản Dân hiến Giáo sĩ (Costitution civile du clergé)

   Một số nhà cách mạng còn muốn xoá bỏ Ki-tô giáo để tôn thờ nữ thần lý trí.

         Cuộc cách mạng Pháp đã gây ảnh hưởng sâu rộng trên khắp châu Âu và liên hệ đến toàn thế giới.

 - Tóm ý: Trước sự sa sút của giới Quý tộc và hàng giáo sĩ, cùng với cuộc khủng hoảng kinh tế của nước Pháp và ảnh hưởng của “Triết học Aùnh Sáng”. Ngày 14. 7. 1789 cuộc cách mạng Pháp đã bùng nổ gây ảnh hưởng sâu rộng trên khắp châu Âu và ảnh hưởng trên toàn thế giới.

·       TÓM Ý TOÀN BÀI:  Từ cuối thế kỷ XVII, đã có những thái độ mới lộ ra đối với tôn giáo. Đồng thời, những lối sống đạo của thế kỷ XVII vẫn còn kéo dài sang thế kỷ XVIII. Tuy nhiên, từ giữa thế kỷ này, có những dấu hiệu suy yếu bộc lộ trong Giáo hội. Có thể giải thích điều đó bằng “ Triết học Ánh Sáng”, trong đó có một số người chủ trương quyết liệt chống Ki-tô giáo. Nhưng dấu hiệu của sức sống không hề thiếu nơi Công giáo, nhiều hình thức bừng tỉnh thể hiện. Cuộc cách mạng Pháp xuất hiện như chiến thắng của trào lưu Ánh Sáng và các đối thủ của Giáo Hội. Nhưng sự kiên trì của một đức tin đã được thanh luyện trong thử thách buộc chính quyền phải trả lại chỗ đứng của Giáo Hội trong xã hội.

V.  CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ:

     1. Gợi tâm tình cầu nguyện:

         Các em thân mến,

   Với những phát minh tân kỳ và khoa học tiến bộ, con người ngày một mở rộng kiến thức về mọi lãnh vực. Không riêng gì các nhà khoa học và các triết gia, mà ngay cả một số nhà thần học đã tự hào về lý trí của mình, phủ nhận tôn giáo mạc khải, siêu nhiên, cũng như các mầu nhiệm trong Đạo, loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của mình. Chúng ta hãy nguyện xin Chúa thứ tha và xin Chúa giúp nhân loại hiểu được tương quan tích cực giữa đức tin và lý trí.

     2. Cầu nguyện:

       Lạy Chúa, xin tha thứ cho sự kiêu ngạo và những lầm lỗi của nhân loại chúng con. Xin Chúa giúp chúng con luôn nhận ra Chúa là Đấng tạo dựng và cứu rỗi chúng con. Để chúng con biết dùng sự hiểu biết Chúa ban mà tôn thờ Chúa và giúp người khác yêu mến Chúa hơn.

  Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.

VI. SINH HOẠT: Hát : Chúa tạo dựng (Nguyên Kha : 100 Bài ca sinh hoạt, trg. 69)                                             Hoặc : Bài “Nguồn thật”  (Ra Khơi, tập 2, trg. 188)          

VII. BÀI TẬP:

     Em hãy viết lại một kinh nghiệm(một biến cố) giúp em nhận ra tình yêu Chúa (sự hiện diện của Chúa) đã dành cho em.

VIII. ĐIỀU DỐC LÒNG:

1. Đoạn văn cho ta biết gì về Thiên Chúa và tình thương của Người?

   Thiên Chúa đã tạo dựng nên vũ trụ và Ngài ban cho con người lý trí và tự do để xây dựng thế giới, đồng thời đạt đến cứu cánh của mình.

2.  Có gương tốt nào nên theo?

    Noi gương các thánh sống cầu nguyện và bác ái.

3. Qua bài học hôm nay, Thiên Chúa muốn dạy riêng tôi điều gì?

    Dùng lý trí Chúa ban để suy nghĩ, tập nhận ra sự hiện diện của Chúa trong đời sống hằng ngày để sống đẹp lòng Chúa.

IX.  CẦU NGUYỆN CUỐI GIỜ:

           Hát : Tâm tình tri ân.