Bài 24

LƯƠNG TÂM

 

- Lời Chúa: Rm 2, 14-15

- Ý chính: Lương tâm là tiếng Chúa nói trong lòng ta, bảo ta làm lành lánh dữ .

 

I. CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ

        Lạy Chúa Thánh Thần, cúi xin Ngài ngự đến giữa chúng con. Xin Ngài mở toang cánh cửa tâm hồn chúng con giúp chúng con hiểu biết hơn sứ điệp của Chúa, để chúng con ý thức hơn về tiếng mời gọi của Chúa Giêsu từ nơi cung thánh tâm hồn con. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

   Hát : Cầu xin Chúa Thánh Thần.

II. DẪN VÀO LỜI CHÚA  

1/  Ôn bài cũ và kiểm tra điều đã quyết tâm .

+Ôn bài cũ :

- Muốn đánh giá một hành vi là tốt hay xấu, nặng hay nhẹ, ta dựa vào mấy tiêu chuẩn?  (Dựa vào 3 tiêu chuẩn: điều ta chọn, mục đích ta nhắm, hoàn cảnh lúc ta làm điều đó).

- Việc người ta ăn cắp của người giầu cho người nghèo là tốt hay xấu ?  Tại sao ? (Là xấu vì tuy có mục đích tốt nhưng việc ăn cắp tự nó là xấu).

+Kiểm tra quyết tâm :

Trong tuần qua, mỗi tối trước khi đi ngủ, các em có cố gắng xét lại một việc mình đã làm trong ngày và ý hướng khi làm việc đó là tốt hay xấu không ?

2/ Dẫn vào Lời Chúa .

          Có một người cưỡi ngựa đi đến đầu làng . Bỗng nhiên một con chó đang ngủ giữa đường giật mình thức dậy, đuổi theo con ngựa, sủa cắn mãi, làm cho con ngựa sợ chạy lồng lên. Người cưỡi ngựa tức giận vô cùng, muốn giết ngay con chó nên nghĩ thầm “Tao mà có súng cho mày một phát là hết cắn, nhưng tao có cách này cho mày chết”. Thế là người kia chạy đến giữa làng, kêu to lên rằng: “Chó dại! Chó dại!”. Những người chung quanh đó nghe tiếng kêu chó dại, liền vác gậy vác cuốc ra đánh chết con chó.

Các em thân mến !  Lời nói của con người thật nguy hiểm, nếu như thiếu sự ngay thẳng của lương tâm,  nó giết hại muôn người, muôn vật mà không cần đến gươm dao, súng đạn. Để hiểu biết thêm về lương tâm. Mời các em đứng lên lắng nghe Lời Chúa.

III.  CÔNG BỐ LỜI CHÚA

          Rm  2, 14-15

IV.  GIẢI THÍCH LỜI CHÚA

1/  Dẫn giải Lời Chúa.

Lời Chúa các em vừa nghe được trích từ sách nào ? (Từø thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma ).

Đoạn thư này có viết: “Dân ngoại là những người không có luật Môsê” (câu 14a), vậy luật Môsê là gì ?  (Là 5 cuốn sách đầu của Kinh Thánh gọi là Ngũ Kinh gồm : Sáng thế, Xuất Hành, Lêvi, Dân Số, Thứ Luật. Cao điểm là 10 điều răn. Đây là luật do Thiên Chúa mặc khải ).

Thánh Phaolô viết tiếp:

“Nhưng mỗi khi họ theo lẽ tự nhiên mà làm những gì luật dậy thì họ là luật cho chính mình” (câu 14b). Đố các em biết “luật của chính mình” là luật gì ?  (Đó là luật tự nhiên hay là luật lương tâm mà Thiên Chúa ghi khắc trong tâm hồn mỗi người).

Thật vậy, mỗi người đều khám phá thấy tự đáy lòng mình có tiếng nói luôn thúc giục mình làm lành lánh dữ và cũng là tiếng nói luôn phê phán về từng hành động của mình. Đó là tiếng lương tâm và cũng chính là tiếng Thiên Chúa nhắc nhở và đòi buộc ta tìm kiếm điều tốt lành và làm theo ý Chúa.

Chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về lương tâm ở phần bài học dưới đây.

2/ Giải thích câu hỏi thưa .

Câu 1 : Lương tâm là gì ?

-Khi các em định làm một điều xấu, ví dụ định ăn cắp cái gì đó của người khác, các em có nghe thấy một tiếng nói trong lòng mình : “Đừng làm điều đó !” không ?  (Có).

-Tiếng nói đó là tiếng của ai? (Tiếng của lý trí, còn gọi là tiếng của lương tâm).

-Khi các em trót làm một việc gì xấu như ăn cắp trái cây của người khác, các em có nghe thấy tiếng trách móc trong lòng làm ta cảm thấy lo lắng, hối hận, buồn phiền không ? (Có).

-Tiếng trách móc đó là tiếng của ai? (Tiếng của lý trí hay tiếng của lương tâm).

-Như thế, tiếng của lý trí còn gọi là tiếng lương tâm chống lại hành động xấu, ước muốn xấu của ta. Vậy tiếng lương tâm có phải chỉ là bởi ta thôi không? (Không, nó không chỉ bởi ta mà còn là tiếng nói của Thiên Chúa, vượt xa ta nhưng đồng thời lại ở trong ta).

Tóm lại, qua lương tâm, Thiên Chúa hướng dẫn và đánh giá các hành vi cụ thể của ta.

Đọc chung câu 1.

Câu 2 : Ta phải nghe theo tiếng lương tâm thế nào ?

-Khi đi biển, người lái tầu phải dựa vào cái gì để định hướng đi ? (Cái kim la bàn).

-Trong ngày sống của ta, các em thấy có nhiều dự tính, nhiều việc làm không ? (Có).

-Trong các dự tính, các việc làm của ta, các em có thấy có nhiều dự tính tốt, việc làm tốt nhưng cũng có nhiều dự tính, nhiều việc làm xấu không? (Có).

-Vậy để luôn làm những việc tốt, đi đúng ý Chúa muốn, ta phải dựa vào cái gì? (Dựa vào tiếng nói của lương tâm vì tiếng lương tâm là tiếng Chúa).

Như thế, cũng như người lái tầu vượt biểân phải luôn dựa vào cái kim la bàn để đi đúng hướng thì chúng ta phải luôn dựa vào tiếng lương tâm để hành động đúng, phù hợp với ý Chúa. Lương tâm ngay thẳng là chiếc la bàn chắc chắn của hành động. Vì thế, chúng ta buộc phải nghe theo tiếng lương tâm.

 Đọc chung câu 2   

Câu 3 : Có nguyên nhân nào khiến lương tâm rơi vào chỗ phán đoán sai lạc không ?

-Trong câu 2 vừa rồi, chúng ta đề cập tới những người đi biển  phải dùng tới la bàn để đi đúng hướng. Vậy cái la bàn có bao giờ bị hư không? (Có).

-Nếu bị hư thì nó có chỉ đúng hướng không? (Không).

Cũng vậy, lương tâm chúng ta có thể bị sai lạc. Nếu lương tâm bị sai lạc, nó sẽ khiến chúng ta hành động không đúng.

-Nguyên nhân nào khiến lương tâm rơi vào chỗ sai lạc ?

Có 3 nguyên nhân khiến lương tâm bị sai lạc :

Vì lười biếng không chịu học hỏi nên thiếu hiểu biết, khiến lương tâm phán đoán sai.

‚Lương tâm chai lì do phạm tội quá nhiều đến độ không ý thức được đó là tội . Ví dụ : Nói tục quen miệng mất ý thức về tội.

ƒ Do hoàn cảnh tạo ra, muốn hiểu biết mà không có dịp học hỏi, nên lương tâm thiếu hiểu biết . Ví dụ: Những người ở vùng sâu vùng xa, không có điều kiện học hành nên không phân biệt tội phúc . . .

 Hai trường hợp đầu, đương sự bị quy lỗi, trường hợp thứ ba thì không.

Đọc chung câu 3

  Câu 4: Ta phải làm gì để đào tạo lương tâm của mình?

-Như chúng ta đã nói ở trên, vì chiếc la bàn có thể bị hư khiến người lái tầu có thể đi lạc hướng. Vậy để tránh đi lạc hướng, người lái tầu phải làm gì? (Phải luôn kiểm ra chiếc la bàn xem nó còn hoạt động tốt không: lúc khởi hành và ngay cả khi đang đi trên biển).

-Cũng vậy, để lương tâm chúng ta luôn phán đoán chính xác, chúng ta phải luôn quan tâm đến việc rèn luyện lương tâm của mình. Chúng ta phải rèn luyện lương tâm mình thế nào?

Để có được lương tâm ngay thẳng sáng suốt, ta phải huấn luyện lương tâm bằng cách :

Siêng năng cầu nguyện, học hỏi giáo lý và giáo huấn của Giáo Hội, vâng lời những người có trách nhiệm dạy dỗ ta.  

‚Xa lánh tội lỗi, không buông thả mình phạm tội nhiều lần. Khi lỡ phạm tội, phải đến ngay với bí tích giải tội và siêng năng lãnh nhận bí tích Thánh Thể. Không nên để chìm đắm trong tội quá nhiều.

ƒKhi lương tâm bối rối như  thấy tội khắp nơi, vừa xưng tội xong nhưng lo lắng là mình đã chưa nói rõ sợ cha giải tội hiểu không đúng nên tội chưa được tha … Trong trường hợp này ta phải tuyệt đối vâng theo chỉ dẫn của Cha giải tội và nên bàn hỏi với những người có lòng đạo đức, khôn ngoan.

Đọc chung câu 4

Tóm lại, lương tâm là tiếng Chúa nói trong tâm hồn chúng ta, chúng ta buộc phải sống theo tiếng lương tâm. Để  có được lương tâm luôn ngay thẳng và sáng suốt, ta cần lắng nghe Lời Chúa và giáo huấn của Hội Thánh.

V. CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ

1/ Gợi tâm tình .

Thiên Chúa muốn mọi người được sống, sống hạnh phúc bây giờ và mãi mãi nên Ngài đã ghi khắc trong tận đáy lòng mỗi người những chỉ dẫn để con người dựa vào đó mà đi đến hạnh phúc, những chỉ dẫn đó gọi là tiếng lương tâm. Tuy nhiều lần chúng ta đã nghe tiếng chỉ bảo hoặc trách móc của lương tâm khi ta làm điều xấu, nhưng trong cuộc sống hằng ngày dường như chúng ta vẫn không nghe tiếng mách bảo của lương tâm trái lại thường làm theo ý riêng của mình. Ý thức sự yếu đuối của mình, chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện.

2/Lời nguyện .

Lạy Thiên Chúa là Đấng toàn năng, Chúa đã khắc ghi trong cung lòng sâu thẳm, trong lương tâm của mỗi người chúng con những chỉ dẫn hướng về điều thiện. Chúng con xin dâng lời tạ ơn Chúa. Xin Chúa cho chúng con luôn biết nghe theo tiếng nói của lương tâm và siêng năng học hỏi Lời Chúa và cầu nguyện để có một lương tâm đúng đắn và ngay thẳng hầu chúng con đạt tới điều Chúa mong muốn cho chúng con là được sống đời đời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.

VI.  SINH HOẠT -  Trò chơi: Tiếng lương tâm.

ØRèn luyện phán đoán nhanh

ØCách chơi: (Dùng tiếng còi, tượng  trưng cho tiếng lương tâm)

 Chọn một người vào trong vòng tròn rồi bịt mắt. Người Điều Khiển trao cho người ngồi chơi một cái còi, mỗi người thổi một tiếng rồi chuyền cho người kế tiếp… Một người nào đó bất ngờ thổi 3 tiếng rồi dấu còi. Người Điều Khiển mở khăn cho người bịt mắt, người này phải tìm ra người dấu còi.

Lưu ý, người tìm còi chỉ được chỉ người giữ còi một lần mà thôi. Nếu trong ba lần thổi còi mà không tìm ra người giữ còi (Tiếng lương tâm) thì sẽ thay người khác.

VII. BÀI TẬP: Hãy xem em nào làm đúng theo tiếng lương tâm:

1…Bạn A suy nghĩ như thế này: Biết mà phạm tội, thì tội sẽ nặng hơn là không biết mà phạm. Vậy tốt hơn hết là không học  giáo lý để khỏi phải biết… Đúng hay sai? (Sai).

2…Bạn B nghĩ  rằng để rèn luyện lương tâm nên tốt thì ngoài việc học hỏi giáo lý và cầu nguyện còn cần phải chu toàn các bổn phận hằng ngày của mình. Bạn B nghĩ đúng hay sai? (Đúng).

VIII. SỐNG LỜI CHÚA

Em quyết siêng năng học hỏi giáo lý mỗi tuần, cầu nguyện sáng tối mỗi ngày và chu toàn bổn phận làm con trong gia đình, làm học sinh tốt ở nhà trường để rèn luyện lương tâm.

IX .   CẦU NGUYỆN KẾT THÚC

 Lạy Chúa Giêsu, giờ học chúng con đã kết thúc, chúng con  xin Chúa thương ban cho mỗi người chúng con biết thực hành điều chúng con đã quyết tâm trong tuần này để chúng con có được một lương tâm ngay thẳng hầu chúng con luôn sống phù hợp với ý Chúa. Chúng con cầu xin vì Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

Đọc kinh Sáng danh.


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà