Bài 29

Chúa  Giêsu  Chết  Trên Thập  Giá

LÀM HY LỄ CỦA GIAO ƯỚC MỚI

 

PHẦN HỌC SINH

Câu 1 : H. Vì sao Thiên Chúa lại muốn cho Chúa Giêsu phải chết ?

            T. Vì yêu thương chúng ta, Thiên Chúa “đã sai Con của Ngài đến hy sinh làm của lễ đền tội cho chúng ta”. (2Cr 5,19)

 

Câu 2 : H. Chúa Giêsu có ý gì mà nộp mình chịu chết vào dịp lễ Vượt qua ?

            T. Chúa Giêsu muốn nói rằng : Ngài chính là Chiên Vượt qua đích thật đã đổ máu mình để cứu chuộc ta, và lập nên giao ước mới giữa Thiên Chúa và con người.

 

Câu 3 : H. Nhờ đâu mà sự chết của Chúa Giêsu có sức cứu chuộc được loài người ?

            T. Chính vì Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa làm người, nên khi hạ mình vâng phục chết trên thập giá, Ngài đã sửa lại được mọi lỗi lầm của con người và giao hòa ta với Thiên Chúa.

 

Câu 4 : H. Khi chịu đau khổ đến chết vì ta, Chúa Giêsu mời gọi ta điều gì ?

          T. Chúa Giêsu mời gọi ta vác thập giá theo Ngài, tức là đón nhận mọi đau thương với lòng yêu mến để được kết hiệp với Ngài mật thiết hơn.

 

PHẦN GIÁO LÝ VIÊN

 

- Lời Chúa : Lc 24, 39 – 46

- Ý chính : Vì yêu thương chúng ta, Thiên Chúa đã sai Con của Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta, để nhờ Con Một của Ngài, chúng ta được sống.

- Giáo cụ trực quan : * Tranh Chúa Giêsu chết trên Thánh giá (Số 99).

                                   * Sách Chúa nói với trẻ em đoạn 86 trang 82-83.

 

I.   CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ

          Lạy Chúa Giêsu, vì yêu thương chúng con, Chúa đã đón nhận mọi hy sinh cho đến chết. Chúng con xin dâng lên Chúa giờ học giáo lý này như một hy sinh bé nhỏ của chúng con vì lòng yêu mến Chúa và để cứu rỗi các linh hồn.

          Xin Chúa soi sáng, nâng đỡ giúp chúng con sử dụng tốt những giờ phút quýù báu Chúa ban cho chúng con.

          Đọc kinh Cúi xin Chúa sáng soi.

II.   DẪN VÀO LỜI CHÚA

1/ Ôn bài cũ và kiểm tra điều đã quyết tâm.

+ Ôn bài cũ :

- Chúa Giêsu cho biết cái chết của Ngài có ý nghĩa gì ?

(Ngài chết để dâng mình làm của lễ hy sinh đền tội thay cho cả loài người chúng ta).

- Những ai chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa Giêsu ?

(Tất cả những ai phạm tội).

+ Kiểm tra quyết tâm :

Trong tuần qua các em đã tự nguyện làm theo ý cha mẹ và dâng lên Chúa những việc tự nguyện đó trong Thánh lễ để tỏ lòng yêu mến Chúa và cầu cho các linh hồn chưa ?

2/ Dẫn vào Lời Chúa.

          Ngày 10 tháng Giêng năm 1938, trong một chuyến xe lửa chạy từ miền Bắc xuống miền Nam đất nước Colombia thuộc Nam Mỹ, bất ngờ nó bị trật đường rầy làm rất nhiều hành khách bị thương và tử vong.

          Trong số những người quằn quại bò ra được khỏi con tàu thảm họa ấy có Cha Phénice, một tu sĩ dòng Thánh Gioan. Ngài bị thương nặng, một phần ruột bị tuột ra khỏi bụng.

          Nhận ra Cha, các bác sĩ, y tá của đoàn cứu hộ đã vội chạy đến ân cần chăm sóc. Nhưng Cha ra hiệu bảo họ cứ đi lo cứu giúp những nạn nhân khác. Phần mình, Cha cố gắng hết sức để tự nhét mớ ruột lòng thòng vào ổ bụng, dùng băng vải buộc chặt bên ngoài, rồi gượng đau để lết đi, tìm những hành khách bị thương nặng để giải tội cho họ. Được một lúc khá lâu sau đó, Cha kiệt sức  ngã quỵ. Các y tá chạy lại và kịp nghe được tiếng thì thào của Ngài trong cơn đau đớn tận cùng : “Tạ ơn Chúa đã cho con có thì giờ để kịp làm những điều cần thiết nhất cho anh em con… “.

          Chiếc xe cấp cứu vội đưa Cha Phénice tới bệnh viện, nhưng chỉ vài giờ sau, Ngài trút hơi thở cuối cùng. Năm ấy, Cha mới có 36 tuổi.

          Hành động hy sinh của Cha Phénice nhắc nhở chúng ta nhớ đến hành động của Chúa Giêsu : Vì yêu thương nhân loại, Ngài đã vâng phục Chúa Cha, hy sinh chịu chết làm của lễ đền tội cho chúng ta như trong đoạn Tin Mừng của Thánh Luca mà chúng ta sẽ nghe sau đây. Mời các em đứng.

III.  CÔNG BỐ LỜI CHÚA

  Lc 23, 39 – 46        

IV.  GIẢI THÍCH LỜI CHÚA

1/ Dẫn giải Lời Chúa.

          - Đoạn Lời Chúa chúng ta vừa nghe kể về cái chết của ai?  (Của Chúa Giêsu).

          - Chúa Giêsu bị chết như thế nào ? (Chúa bị đóng đinh vào thập giá).

          - Trên thập giá Đức Giêsu có tấm bảng ghi những chữ gì ? (INRI: Giêsu Nazarét, Vua dân Do Thái).

          - Trước khi chết, Chúa Giêsu nói gì ? (“Mọi sự đã hoàn tất”. Rồi Người gục đầu xuống và tắt thở).

          Chúa Giêsu đã hoàn tất sứ mạng yêu thương nhân loại cho đến cùng theo ý Chúa Cha là chịu chết trên thập giá. Nhờ cái chết của Ngài, tội lỗi chúng ta được tha thứ và chúng ta được đón nhận sự sống mãi mãi.

Chúng ta cùng đọc lại về cái chết của Chúa để chiêm ngắm tình thương của Chúa dành cho chúng ta. Các em mở sách Chúa nói với trẻ em đoạn 86, trang 82-83 và cùng đọc.

Chúng ta tiếp tục tìm hiểu về cái chết của Chúa tromg phần bài học dưới đây.

2/ Giải thích câu Hỏi Thưa.

Câu 1 : Vì sao Thiên Chúa lại muốn cho Chúa Giêsu phải chết ?

-Trong hai bài trước, chúng ta đã biết những nguyên nhân đưa đến cái chết của Chúa Giêsu, đó là những nguyên nhân nào ? (Chính vì sự cứng lòng tin của giới lãnh đạo Do Thái (Cv 4, 27), mà nhất là vì tội lỗi của tất cả loài người chúng ta).

-Tuy nhiên, cái chết đau thương của Chúa Giêsu trên thập giá không phải là hậu quả ngẫu nhiên do hoàn cảnh xô đẩy, nhưng đã được Thiên Chúa tiên liệu và cho phép xảy ra. Các em còn nhớ ngay sau khi tổ tông loài người sa ngã, Thiên Chúa đã hứa điều gì? (Thiên Chúa đã hứa ban Đấng Cứu Thế).

          Như vậy, vì yêu thương chúng ta và khi tới giờ đã định, Thiên Chúa đã “sai Con của Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4, 10). Chúa Giêsu chịu chết trên Thánh giá để cứu chúng ta là do ý của Chúa Cha.

Các em đọc chung câu 1

Câu 2 : Chúa Giêsu có ý gì mà nộp mình chịu chết vào dịp lễ Vượt Qua ? Lễ Vượt Qua của dân Do Thái nói lên ý nghĩa gì ?

-Ngoài ý của Chúa Cha, chính Chúa Giêsu cũng rất yêu con người nên tự nguyện chấp nhận cái chết như chúng ta đã học ở bài tuần trước. Ngài đã chọn ngày chịu chết là ngày lễ Vượt qua của người Do Thái. Vậy Chúa Giêsu có ý gì đây ?

          Lễ Vượt Qua là một đại lễ của người Do Thái nhằm kỷ niệm việc Chúa đã ra tay giải phóng họ khỏi ách nô lệ Ai Cập. Trong đêm chuẩn bị ra khỏi Ai Cập Chúa đã truyền cho các gia đình người Do Thái lấy máu chiên bôi lên cửa nhà để các Thiên thần Chúa khi tàn sát các con đầu lòng Ai Cập sẽ vượt qua nhà nào có bôi máu chiên trên cửa,  không giết con đầu lòng của nhà ấy(x. Xh 12, 3 – 4).

           Như vậy khi chọn chịu chết vào ngày lễ Vượt qua, Chúa Giêsu muốn nói Ngài là Con Chiên đích thực, Máu của Ngài đổ ra sẽ rửa sạch tội lỗi loài người và cứu sống loài người. Chính Thánh Gioan Tẩy Giả đã tiên báo điều này. Các em có nhớ Thánh Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu về Chúa Giêsu như thế nào ? [“Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1, 29 – 36)].

-Khi giới thiệu Chúa Giêsu là “Chiên Thiên Chúa”, Thánh Gioan tẩy giả muốn cho biết điều gì ? [Thánh Gioan Tẩy giả muốn nhắc tới “Con chiên vượt qua” trong việc cứu dân ra khỏí ách nô lệ Ai Cập và nhắc tới “Người Tôi Trung” trong bài ca thứ tư về Người Tôi Trung (x. Is 52, 13-53, 12): “Như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng”(Is 53, 7), lý do “vì chúng ta phạm tội”(Is 53, 8). Như thế, khi giới thiệu Chúa Giêsu là “Chiên Thiên Chúa”, Thánh Gioan muốn nói Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế và Ngài cứu thế bằng con đường thập giá].

          Bởi vậy, khi nộp mình chịu chết vào dịp lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu muốn nói lên rằng : Ngài chính là Chiên Vượt Qua đích thật đã đổ máu mình để cứu chuộc chúng ta và lập nên giao ước mới giữa Thiên Chúa và loài  người.

Đọc chung  câu 2

          Câu 3 : Nhờ đâu mà sự chết cũa Chúa Giêsu có sức cứu chuộc được loài người ?

          Ngày 30-7-1941 tại trại giam Auschwitz khét tiếng của Đức Quốc Xã ở BaLan, khi điểm danh, cai tù phát giác có 1 tù nhân đã trốn mất. Sáng hôm sau, toàn trại tù xếp hàng giữa sân để chờ tuyên phạt, vì hễ có 1 kẻ vượt thoát thì 10 người tù khác phải chết thay. Cha Măc-xi-mi-lien Kôn-bê (Maximilian Kolbe), một linh mục dòng Phan-xi-cô đã xin chết thay cho một người tù trong số 10 người đó, và Cha chỉ được chết thay cho 1 người mà thôi, còn 9 người kia vẫn phải bị tống vào hầm tối và bỏ chết đói.

-Ai có thể cứu được hết mọi người ? (Chúa Giêsu).

          Đúng! Các em thân mến, không một ai, dù thánh thiện nhất, có thể gánh hết tội lỗi mọi người và hiến mình làm lễ hy sinh cho mọi người. Chỉ có Chúa Giêsu mới có thể cứu tất cả mọi người thôi.

-Tại sao Chúa Giêsu có thể cứu hết mọi người ? (Vì Ngài là người thật, nhưng đồng thời cũng là Thiên Chúa thật. Nên khi hạ mình vâng phục cho đến chết trên thập giá, Ngài đã sửa lại được mọi lỗi lầm của loài người chúng ta và giao hòa ta với Thiên Chúa).

Đọc chung câu 3

Câu 4 : Khi chịu đau khổ đến chết vì ta, Chúa Giêsu mời gọi ta làm điều gì ?

          - Em nào biết Chúa Giêsu đã nói muốn theo Chúa thì phải làm gì ? (Phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Chúa)

          - Từ bỏ chính mình là gì ? Là nói “không” với ý riêng mình để nói “vâng” với ý Chúa trong từng giây phút, trong từng lựa chọn lớn, nhỏ hằng ngày.

          Ví dụ : Em rất muốn ở nhà chơi nhưng vì Chúa muốn em đến với Chúa, nên em đã đến nhà thờ để tham dự Thánh lễ.

          - Chúa Giêsu đã chịu đau khổ và chết vì chúng ta, thì Ngài cũng muốn ta noi gương Ngài hy sinh, giúp đỡ người khác vì lòng yêu mến Chúa để được kết hiệp với Chúa.

          Hằng ngày, chúng ta luôn có những dịp để được nên giống Chúa Giêsu, để nói lên  lòng ta yêu mến Chúa.

Đọc chung câu 4

V.  CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ

1/Gợi tâm tình.

      Các em hãy nhìn lên bức tranh vẽ lại cảnh Chúa Giêsu đang bị treo trên thập giá. Ngài bị kết án chết và bị xử án với những tội nhân cướp của giết người. Ngài bị người ta trêu chọc, xỉ vả. Ngài bỉ chết cách đau đớn. Chính vì yêu từng người một trong chúng ta, Chúa đã tự nguyện chết như thế. Các em hãy thầm nói với Chúa lời yêu mến. Các em hãy xin với Chúa : cho con mỗi ngày mỗi yêu Chúa hơn.

2/ Lời cầu nguyện.

          Lạy Chúa Giêsu, vì yêu chúng con,  Chúa đã tự nguyện chết trên thập giá  để cứu chuộc chúng con.  Xin cho chúng con  biết từ bỏ ý riêng  và chọn làm theo ý Chúa  trong từng giây phút của đời sống,  để đền đáp tình yêu mà Chúa đã dành cho chúng con. Chúng con rất yếu đuối luôn thích làm theo ý mình, xin Chúa giúp chúng con.  Chúng con cầu xin vì Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.  

VI.   SINH HOẠT 

VII.  BÀI TẬP : đánh dấu “+” vào câu đúng, dấu “–“ vào câu sai.

¨ 1. Chúa Giêsu tự nguyện chết trên thập giá để giao hoà ta với Thiên Chúa.

¨ 2. Giao Ước Mới được ký kết bằng máu chiên, bò.

¨ 3. Từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Chúa tức là bỏ ý riêng của mình và làm theo ý Chúa.

VIII. SỐNG LỜI CHÚA

     Trong tuần này, em cố gắng dâng lên Chúa một vài hy sinh để kết hợp với đau khổ của Chúa trên Thập giá như bớt xem TV để giờ học bài hay bớt ăn quà để giúp một bạn nghèo … cầu nguyện cho những người đang gặp đau khổ.

IX.  CẦU NGUYỆN KẾT THÚC

          Lạy Chúa Giêsu, Chúa chết trên thập giá là vì chúng con. Chúng con muốn từ nay sẽ yêu mến Chúa thật nhiều. Xin Chúa hãy đốt lên trong trái tim chúng con ngọn lửa yêu mến, để từ nay chúng con cố gắng làm theo ý Chúa và thực hành những điều Chúa dạy.

Đọc Kinh Sáng danh.


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà