Bài 30 :

CHÚA GIÊSU ĐÃ SỐNG LẠI

PHẦN HỌC SINH

Câu 1 : H. Sau khi Chúa Giêsu chết và an táng trong mồ, điều kỳ diệu gì đã xảy ra ?

            T. Sau khi chết chưa đủ ba ngày, Chúa Giêsu đã sống lại đúng như lời Ngài đã báo trước.

 

Câu 2 : H. Dựa vào đâu mà biết Chúa Giêsu đã sống lại thật ?

            T. Có hai điều này :

            - Một là : Ngôi mộ không còn xác Chúa, mà chỉ còn lại những vải liệm xếp ngay ngắn gọn gàng.

            - Hai là : Chúa Giêsu đã nhiều lần hiện ra với các môn đệ, cùng ăn uống và trò chuyện thân mật với họ.

 

Câu 3 : H. Được gặp gỡ Chúa phục sinh, các tông đồ tỏ ra thế nào ?

            T. Lúc đầu họ sợ không dám tin, nhưng sau nhiều lần gặp gỡ, họ nhận ra Ngài đã sống lại thật, nên đã mạnh dạn rao giảng và sẵn sàng chết để làm chứng cho Ngài.

 

Câu 4 : H. Sau khi sống lại, thân xác của Chúa Giêsu ra sao ?

            T. Thân xác ấy đã được biến đổi nên vinh hiển bất điệt, không còn bị ràng buộc trong thế giới vật chất này như ngày còn hiện diện giữa thế gian.

 

Câu 5 : H. Việc Chúa Giêsu sống lại là công trình của ai ?

          T. Việc Chúa Giêsu sống lại không chỉ là công việc của Ngài, mà còn là công trình của Ba Ngôi Thiên Chúa.

 

PHẦN GIÁO LÝ VIÊN

 

- Lời Chúa : 1 Côrintô 15, 3 – 8

- Ý chính : Chúa Giêsu đã chết và được an táng trong mộ nhưng  ngày thứ ba đã sống lại.

- Giáo cụ trực quan :

                     * Tranh: Ngôi mộ trống (Số 100) – Chúa phục sinh (Số 101).

                     * Sách Chúa nói với trẻ em đoạn 88,  trang 84.

 

I. CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ

          Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã sống lại để mãi mãi không bao giờ chết nữa. Và đây chính là niềm tin và hy vọng của chúng con đặt nơi Chúa. Xin cho chúng con biết chăm chỉ học giờ giáo lý này để hiểu rõ hơn về sự sống lại của Chúa hầu niềm tin của chúng con mỗi ngày luôn lớn mạnh.

Đọc kinh Cúi xin Chúa sáng soi.

II.  DẪN VÀO LỜI CHÚA

1/ Ôn bài cũ và kiểm tra điều đã quyết tâm.

+ Ôn bài cũ :

- Trong Cựu ước : lễ Vượt qua của dân Do Thái có ý nghĩa thế nào? (Thiên Chúa ra tay giải thoát dân Do Thái thoát ách nô lệ Ai Cập).

- Trong Tân ước : lễ Vượt qua có nghĩa là gì ? (Chúa Giêsu giải thoát ta khỏi ách tội lỗi, giao hòa ta với Thiên Chúa, cho ta được trở nên con Thiên Chúa và được sống đời đời).

- Trong Tân ước, Chiên Vượt qua là ai ? (Chúa Giêsu Kitô).

- Giao ước mới được ký kết bằng gì ? (Máu Chúa Kitô).

+ Kiểm tra quyết tâm :

Trong tuần qua các em có thực hành được một hi sinh nào để kết hợp với Chúa Giêsu chịu chết trên Thánh giá không ?

2/ Dẫn vào Lời Chúa.

          Các em thân mến ! Các em còn nhớ Kinh Thánh kể lại việc Chúa hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau không ?

          Emmau là một làng nhỏ, cách Giêrusalem khoảng 30 km. Chiều Chủ Nhật hôm đó, có hai môn đệ, vừa đi vừa bàn tán về biến cố mới xảy ra tại Giêrusalem. Mặt họ tỏù vẻ buồn sầu. Bỗng có một vị khách lạ tiến lại gầøn và đi với họ. Nghe họ nói chuyện, vị khách hỏi :

          - Có chuyện gì mà hai anh buồn vậy ?

          Một trong hai người đáp :

          - Chả lẽ ông không hay biết chuyện mới xảy ra trong thành mấy bữa nay về ông Giêsu Nazarét hay sao ? Người mà ai cũng công nhận là vị ngôn sứ thế mà các thượng tế và thủ lãnh chúng ta lại bắt và kết án tử hình, sau đó đóng đanh Ngài vào thập giá. Trước đây chúng tôi vẫn hy vọng vào Ngài. Thế mà ai ngờ! Chuyện đã xảy ra đến nay là ngày thứ 3 rồi. Có mấy phụ nữ trong nhóm chúng tôi làm chúng tôi lo sợ, họ cho biết : Họ đã thấy Thiên Thần hiện ra cho biết Ngài đã sống lại, cánh đàn ông chúng tôi vội vàng chạy ra mộ, thì thấy ngôi mộ không, nhưng còn Ngài thì họ không thấy đâu…

          Lúc đó, vị khách mới lên tiếng :

          Ôi những kẻ chậm tin. Nào các ngôn sứ đã chẳng nói trước rằng Đấng Kitô phải chịu khổ hình như thế rồi mới vào trong vinh quang của Ngài hay sao ? Thế rồi vị khách lạ giải thích Kinh Thánh cho hai ông.

          Câu truyện còn đang dở dang thì đã tới làng Emmau, vị khách lạ từ giã họ :

          - Chào hai anh nhé, tôi còn phải đi tiếp.

          Hai ông năn nỉ :

          - Xin ông ở lại với chúng tôi, vì đã xế chiều, trời sắp tối rồi.

          Ba người tiến vào quán trọ, cùng ngồi ăn uống. Đang khi ăn, vị khách lạ cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Lúc đó các ông mới nhận ra Chúa Giêsu, thì Ngài biến mất.

          Khi đó họ nhìn nhau và nói :

          Đúng rồi, khi đi đường, Ngài đã giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, mà chúng ta mù tối, chẳng nhận ra Ngài.

          Lập tức, hai môn đệ đứng dậy, vội vã chạy về Giêrusalem báo tin cho nhóm 11 và các bạn.

          Thế nhưng khi về đến nơi, thì các bạn của hai ông đã nói :

          - Chúa đã sống lại rồi và hiện ra với ông Simon.

          Chúa sống lại là Tin Mừng lớn lao cho các tông đồ và họ đã loan báo cho tất cả mọi người

          Thánh Phao-lô sau khi được ơn trở lại, chính Ngài cũng loan báo Tin mừng này cho tín hữu Côrintô và cho tất cà mọi người chúng ta. Mời các em cùng đứng để lắng nghe Lời Chúa.

III    CÔNG BỐ LỜI CHÚA

          1 Cr 15, 3 – 8      

IV   GIẢI THÍCH LỜI CHÚA

1/ Dẫn giải Lời Chúa.   

          - Đoạn Lời Chúa các em vừa nghe, nói về chuyện  gì ? (Chúa Phục Sinh).

          - Trong đoạn Lời Chúa nói về việc Chúa Giêsu phục sinh này, Thánh Phaolô đã viết như thế nào ? (Thánh Phao-lô đã viết : Đức Kytô chết vì tội lỗi chúng ta, Ngài được mai táng trong mồ. Ngày thứ ba Ngài đã sống lại).

          - Sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã hiện ra với ai ? (Đã hiện ra với Phê-rô, với các Tông đồ và với khoảng 500 anh em một lượt).

          - Sau cùng Chúa hiện ra với ai ? (Với Phao-lô).

          Đoạn thư chúng ta vừa nghe, có thể gọi là Kinh Tin Kính của Thánh Phaolô. Trong lá thư Thánh Phaolô gửi cho tín hữu Côrintô này, Thánh Phaolô truyền lại niềm tin mà chính Ngài đã lãnh nhận khi bị ngã ngựa tại Đa-mát (x. Cv 9, 3 – 20).

           Niềm tin Phục Sinh mà Thánh Phaolô viết cho cộng đoàn Côrintô các em vừa nghe chính là Tin Mừng Phục Sinh đầu tiên mà Sứ thần Chúa loan báo cho 3 bà: Maria Mađalêna, Maria mẹ của Giacôbê và bà Salômê vào buồi sáng sớm ngày chủ nhật Chúa Phục sinh. Chúng ta cùng xem lại sự kiện quan trọng này. Các em mở Sách Chúa nói với trẻ em đoạn 88, trang 84 và cùng đọc.

           Chúng ta cùng tìm hiểu thêm việc Chúa sống lại từ cõi chết trong phần bài học dưới đây.

2/ Giải thích câu hỏi thưa.

Câu 1:  Chúa Giêsu đã sống lại đúng như lời Ngài đã báo trước.

- Khi còn sống ở trần gian, Chúa Giêsu có báo trước về cuộc thương khó của Ngài không ? (Có).

- Mấy lần? (3 lần). Em nào có thể kể ra 3 lần này ?

* Lần thứ 1: Con Người sẽ bị đau khổ, bị các kỳ mục, kinh sư, thượng tế loại bỏ, bị giết chết và sau 3 ngày Ngài sẽ sống lại (Mc 8, 31).

* Lần thứ 2: Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Ngài, nhưng ba ngày sau Ngài sẽ sống lại (Mc 9, 31.)

* Lần thứ 3: Nào chúng ta lên Giê-ru-sa-lem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và các kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Ngài và sẽ nộp Ngài cho dân ngoại… nhưng ba ngày sau Ngài sẽ sống lại (Mc 10, 33- 34).

-Sau những lần báo trước cái chết,  Chúa Giêsu cũng đã báo trước điều gì ? (Ngài báo trước ba ngày sau Ngài sẽ sống lại).

         Chính việc Chúa báo trước : Ngài chết sau 3 ngày sẽ sống lại, vì vậy mà ban lãnh đạo Do Thái đã đến xin Philatô cho binh lính canh giữ mồ cẩn thận trong 3 ngày.

        Và như đoạn Lời Chúa chúng ta vừa đọc, sáng ngày thứ nhất trong tuần, bà Maria Ma-đa-lê-na, bà Maria mẹ của Gia-cô-bê và Bà Sa-lô-mê đi ra mộ Chúa, các bà thấy tảng đá che cửa mộ đã được lăn ra khỏi mộ, có hai thiên thần mặc áo trắng ngồi bên mộ, các bà hoảng sợ… Nhưng thiên thần nói với các bà : “Các bà đừng sợ…Ngài đã sống lại…” Như thế sau khi chết chưa đủ ba ngày Ngài đã sống lại, như lời Ngài đã tiên báo.

 Đọc chung câu 1

Câu 2: Dựa vào đâu mà biết Chúa Giêsu đã sống lại thật?

Dựa vào 2 điều sau đây mà chúng ta biết Chúa đã sống lại. Em nào cho biết đó là 2 điều nào không? (Ngôi mộ trống và các lần Chúa hiện ra với các môn đệ).

* Ngôi mộ trống :

Các em nhìn bức tranh này (Ngôi mộ trống, số 100). Câu truyện diễn tiến như sau :

          Ngày thứ nhất trong tuần, các bà ra thăm mộ Chúa, nhưng không thấy xác Chúa đâu cả và Sứ thần Chúa báo tin là Chúa đã sống lại. Các bà đã vội vã báo tin  cho các tông đồ biết. Hai tông đồ là Thánh Phêrô và Thánh Gioan vội vã chạy ra mộ Chúa như các em thấy trong bức tranh đây. Khi 2 ông vào trong mộ thì thấy ngôi mộ trống, không còn xác Chúa đúng như các bà nói. Tin Mừng theo Thánh Gioan viết : Ông đã thấy và đã tin Chúa sống lại (x. Ga 20, 8).

*Các lần hiện ra :

Tuy nhiên, sự  kiện ngôi mộ trống chưa đủ sức thuyết phục các môn đệ tin rằng Chúa đã sống lại bởi vì:

         -  Bà Maria Mađalêna nghi ngờ xác Chúa đã bị đánh cắp (x. Ga 20, 13).

         - Còn các bọn lính tung tin : “Ban đêm, đang lúc chúng tôi ngủ thì các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác” (Mt 28, 14).

Như vậy, ngôi mộ trống mới chỉ là khởi điểm. Chính Chúa Giêsu đã nhiều lần hiện ra với các Tông đồ để giúp họ xác tín rằng Chúa đã sống lại thật. Đây là bức tranh vẽ lại các lần Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra với các môn đệ (Số 101) :

- Ngay chiều ngày Chủ Nhật Phục Sinh (x. Ga 20, 19-23).

- Cùng với hai  môn đệ đi về làng Em-mau, vào ngày Chúa Phục sinh (Lc 24, 36-42).

- Tám ngày sau, tại Giê-ru-sa-lem, có cả Tô-ma. Tô-ma được xỏ ngón tay vào cạnh sườn Chúa (Ga 20, 26- 29)….

          Chính vì những điều này mà ta biết Chúa đã sống lại thật.

 Đọc chung câu 2

Câu 3: Thái độ của các Tông đồ khi nhận ra Chúa?

-Khi nghe tin Chúa sống lại các tông đồ có tin ngay không? (Không). Khi nghe các bà ra mộ trở về báo tin Chúa đã sống lại, các Tông đồ không tin (Lc 24, 11).

- Ngay khi Chúa hiện ra đứng giữa các ông, các ông có tin ngay không ? (Không, Các ông kinh hồn sợ hãi vì tưởng là ma. Nhưng Chúa Giêsu đã trấn an các ông…” ma đâu có xương  thịt như có thịt như anh em thấy Thầy có đây” (x. Lc 24, 36- 43).

Sau nhiều lần gặp gỡ, chuyện trò, ăn uống với Chúa Giêsu (x. Cv 1, 3- 4), các Tông đồ đã tin. Và sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần ở Nhà Tiệc Ly, các Tông đồ đã mạnh dạn làm chứng Chúa đã sống lại: “Chính Đức Giêsu được Thiên Chúa đã làm cho sống lại. Về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng”.

          Đọc chung câu 3

 Câu 4: Sau khi sống lại thân xác Chúa Giêsu ra sao?

-Sau khi sống lại, thân xác của Chúa Giêsu có phải trở lại như cũ, cũng phải ăn, phải uống, phải đau khổ và phải chết không? (Không, thân xác của Ngài biến đổi, không cần ăn uống, không phải chết nữa).

Giáo Hội dậy chúng ta rằng :

          Chúa Giêsu sống lại, không phải là hồi sinh, quay trở lại với cuộc sống trần thế như trước rồi lại chết như  trường hợp ông Lazarô (Ga 11, 1- 44), như con gái ông Giai-rô (Mc 9, 18- 19. 23- 26) hoặc, con trai bà góa thành Naim (Lc 7, 11- 17). Nhưng thân xác Chúa được đổi mới nên vinh hiển bất diệt như khi Chúa biến hình trên núi Ta-bo, không còn bị ràng buộc trong thế giới vật chất này nữa như : không bị ốm đau, bệnh tật đói khát, không phải chết, và nhất là thân xác Chúa được đầy tràn quyền năng Chúa Thánh Thần, tham dự trọn vẹn vào sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa (x. SGLC 648).

 Đọc chung câu 4

 Câu 5 : Việc Chúa Giêsu sống lại là công trình của ai?

- Có mấy Thiên Chúa ? (Có một Thiên Chúa).

- Thiên Chúa có mấy Ngôi ? (Có 3 Ngôi : Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần)

             Như chúng ta đã biết mầu nhiệm trung tâm của đức tin Kitô giáo là mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi cùng hoạt động trong công trình cứu độ. Vì thế, việc phục sinh của Chúa Giêsu cũng là công trình của Ba Ngôi Thiên Chúa:

- Chúa Cha đã ra tay uy quyền làm cho Chúa Giêsu sống lại (Cv 2, 24).

- Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại nhờ Chúa Thánh Thần (Rm1, 4).

- Chúa Giêsu sống lại do quyền năng thần linh của chính mình vì Ngài cũng là Thiên Chúa (Mc 8, 31).

Vậy sự phục sinh của Chúa Giêsu là công trình của Ba Ngôi Thiên Chúa, là sự can thiệp  siêu việt của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại, mở ra cho chúng ta một niềm hy vọng lớn lao.

          Đọc chung câu 5

V. CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ

1/ Gợi tâm tình.

          Chúa Giêsu chết và sống lại, để ban cho chúng ta sự sống đời đời. Đó là niềm hạnh phúc và vui mừng lớn lao mà Chúa ban cho ta. Trong tâm tình tin tưởng và yêu mến, chúng ta cùng hiệp nhau dâng lời cầu nguyện.

2/ Lời nguyện.

          Lạy Chúa Giêsu,  Chúa đã chết và sống lại  để ban sự sống đời đời cho chúng con.  Xin cho chúng con biết can đảm  sống theo lời Chúa dậy để làm chứng Chúa đã sống lại,  cụ thể là tránh phạm tội,  siêng năng tham dự Thánh lễ,   sống khiêm tốn và có tinh thần phục vụ  để mai sau chúng con cũng được tham dự vào sự sống vinh hiển với Chúa. Chúng con cầu xin Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời.  Amen.

VI.   SINH HOẠT 

VII.   BÀI TẬP 

          Em hãy vẽ cảnh Chúa hiện ra với hai môn đệ trên đường Em-mau hoặc cảnh ngôi mộ trống.

VIII.  SỐNG LỜI CHÚA

          Vì tội của chúng ta, Chúa Giêsu đã chết nhưng ngày thứ ba Người sống lại để ban cho chúng ta được sự sống đời đời. Nếu muốn được sống đời đời với Chúa, ta cũng phải cùng chết với Chúa, tức là từ bỏ tội lỗi, tính hư nết xấu. Tuần này em hứa với Chúa sẽ cố gắng chừa một tội hay phạm nhất (Giáo lý viên hướng dẫn để mỗi em nhận ra tội nào mình hay phạm nhất) để cùng chết với Chúa.

IX.  CẦU NGUYỆN KẾT THÚC

          Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì Chúa đã chết để cứu chúng con, và sống lại để cho chúng con được sống đời đời với Chúa. Xin giúp chúng con biết cố gắng sửa đổi đời sống, từ bỏ những tội lỗi mà chúng con quen phạm. Chúng con xin dâng điều quyết tâm cho Chúa. Xin Chúa giúp chúng con.  Amen.

          Cùng hát bài : Hồng ân Thiên Chúa bao la.

 


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà