Bài 13                 

BÍ TÍCH RỬA TỘI  (2)

         

- Lời Chúa : Rm 6, 2-11

- Ý chính : Bí tích Rửa tội làm cho ta nên con cái Chúa Cha, mặc lấy Chúa Kitô và sống trong Chúa Thánh Thần.

I. CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ

    Lạy Chúa Giêsu, hôm nay chúng con tiếp tục tìm hiểu thêm về bí tích Rửa tội. Xin Chúa ban ơn soi sáng, giúp chúng con lắng nghe và hiểu Lời Chúa, để chúng con nhận ra tình yêu Chúa dành cho chúng con trải dài trong suốt cuộc đời, và chúng con luôn biết đáp trả tình yêu Chúa.

   Đọc kinh Cúi xin Chúa sáng soi.

II. DẪN VÀO LỜI CHÚA

1. Ôn bài cũ và kiểm tra điều đã quyết tâm.

+Ôn bài cũ:

     - Bí tích Rửa tội đem lại cho ta những ơn nào?

     - Bí tích Rửa tội có cần cho ta được ơn cứu độ không?

+Kiểm tra quyết tâm:

Trong tuần qua, các em có cố gắng tập bỏ đi một tật xấu hay một tội hay phạm nhất không?

2. Dẫn vào Lời Chúa.

       Chúng ta đã biết: bí tích Rửa tội rất cần cho ta được ơn cứu độ. Chắc các em còn nhớ lời Chúa Giêsu nói với ông Ni-cô-đê-mô?  “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3, 5). Bí tích Rửa tội làm cho ta được sinh lại bởi nước và Thần Khí. Sách Công vụ Tông đồ đã kể lại trường hợp quan thái giám nước Ê-thi-óp được tông đồ Phi-líp-phê rửa tội như sau:

   Hôm ấy, thiên sứ nói với ông Phi-líp-phê: “Đứng lên, đi về hướng nam, theo con đường từ Giê-ru-sa-lem xuống Aùt-da. Con đường này vắng”. Phi-líp-phê đứng lên đi. Và kìa một viên thái giám người Ê-thi-óp làm tổng quản kho bạc của nữ hoàng Can-đa-kê nước Ê-thi-óp. Ông này đi hành hương Giê-ru-sa-lem về. Ông đang ngồi trên xe và đọc sách ngôn sứ Isaia. Bấy giờ Thần  Khí nói với ông Phi-líp-phê: “Tiến lên, đuổi kịp xe đó”. Ông Phi-líp-phê chạy lại, nghe thấy viên thái giám đọc sách ngôn sứ Isaia thì hỏi: “Ngài có hiểu điều ngài đọc không?”. Viên thái giám đáp: “Nếu không có người dẫn giải, làm sao tôi hiểu được?”. Rồi ông mời ông Phi-líp-phê lên xe với mình và hỏi: “Xin ông cho biết vị ngôn sứ nói thế về ai?  Về chính mình hay về một ai khác?  Đi từ  đoạn sách Isaia 53, 7-8 mà viên thái giám đang đọc, ông Phi-líp-phê đã loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu cho ông.

   Khi tới một chỗ có nước, viên thái giám hỏi: “Sẵn có nước đây, có gì ngăn trở tôi chịu phép rửa không? ”. Ông Phi-líp-phê đáp: “Nếu ngài tin hết lòng thì được”. Viên thái giám thưa: “Tôi tin Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa”. Ông truyền dừng xe lại. Cả hai xuống khỏi xe, chỗ có nước và ông Phi-líp-phê đã làm phép rửa cho viên thái giám. Khi hai ông lên khỏi nước, Thần Khí Chúa đem ông Phi-líp-phê đi khuất. Viên thái giám tiếp tục cuộc hành trình, lòng đầy hoan hỷ. (Cv 8, 26-39)

   Chuyện tông đồ Phi-líp-phê rửa tội cho viên thái giám nói đến một chi tiết: “Khi hai ông lên khỏi nước…”. Lên khỏi nước, có nghĩa là cả hai đã đi xuống nước. Đây là cách rửa tội dìm cả người xuống nước (giống như cách ông Gioan Tẩy giả làm phép rửa cho Chúa Giêsu tại sông Giođan).

   Việc dìm cả người xuống nước nói lên điều gì?  Đoạn  thư Thánh Phao-lô gửi cho tín hữu Rôma mà chúng ta sắp nghe sẽ giúp ta hiểu rõ điều này.

  Mời các em đứng lên, chúng ta cùng lắng nghe.

III. CÔNG BỐ LỜI CHÚA

          Rm 6, 2-11

IV. GIẢI THÍCH LỜI CHÚA

   1. Dẫn giải Lời Chúa:

 - Lời Chúa hôm nay cho ta biết, khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy là để thuộc về ai?  (thuộc về Đức Giêsu Kitô).

 - Được dìm vào trong cái chết của Chúa Giêsu  có ý nghĩa gì?  (Chúng ta đã cùng được mai táng với Người).

 - Như vậy chúng ta sẽ được gì?  (được cùng sống lại với Người, được sống một đời sống mới).

 Từ trong mộ bước ra, Chúa Giêsu sống lại vinh hiển trong đời sống mới. Khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, ta được đón nhận sự sống mới của Chúa Kitô.

 Như vậy, bí tích Rửa tội làm cho chúng ta nên một với Chúa Kitô. Khi được dìm vào nước Rửa tội là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Chúa Kitô, cùng được mai táng với Người để rồi cùng được sống lại với Người, sống một đời sống mới, một cuộc sống tự do và cao quý của người làm con Thiên Chúa.

  Bây giờ chúng ta sẽ tìm hiểu tiếp về bí tích Rửa tội: Ai được cử hành bí tích Rửa tội?  Cử hành như thế nào?  Muốn lãnh nhận bí tích Rửa tội cần điều kiện gì? . . .

   2. Giải thích câu hỏi thưa.

   * Đọc chung câu 1:

    1- H. Những ai được cử hành bí tích Rửa tội?

         T. Thông thường thì Giám mục, linh mục hoặc phó tế. Nhưng khi khẩn cấp bất cứ ai cũng có thể cử hành, miễn là làm theo ý muốn và cách thức của Hội Thánh.

 - Các em thấy ở giáo xứ chúng ta, ai thường ban bí tích Rửa tội?  (Linh mục hay Phó tế ).

 - Trong lễ Canh thức Vượt Qua tối thứ bảy tuần thánh ở nhà thờ chánh toà thì Đức Giám mục ban bí tích Rửa tội.

  - Nhưng trong trường hợp khẩn cấp thì ai có thể ban bí tích Rửa tội?  (Ai cũng được, ngay cả người chưa được rửa tội cũng được. Ví dụ: Khi một người mẹ sinh non, đứa bé khó có thể sống được, thì cô y tá hay bố mẹ đứa bé cũng có thể rửa tội cho em được).

Như vậy, thông thường thì giám mục, linh mục hay phó tế ban bí tích Rửa tội. Nhưng khi khẩn cấp, bất cứ ai cũng có thể cử hành miễn là làm theo ý muốn và cách thức của Hội Thánh.

   * Đọc chung câu 2:

    2- H. Phải rửa tội thế nào?

         T. Phải lấy nước lã đổ trên đầu kẻ lãnh bí tích Rửa tội, vừa đổ nước vừa đọc rằng : “Tôi rửa ông (hoặc: Bà, anh, chị, em, con, cháu...) nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”

   Em đi thăm một làng nọ, gặp một cụ già sắp chết. Cụ biết em là người Công Giáo, cụ muốn xin chịu phép rửa tội, nhưng chung quanh không có ai khác, chỉ có mình em. Em sẽ làm gì?

  Chúng ta cùng học để biết cách làm gì nhé?

  Chúng ta dùng nước lã đổ trên đầu người lãnh nhận bí tích Rửa tội, vừa đổ nước vừa đọc: “Tôi rửa ông (hoặc: bà, cô, anh, chị...) nhân danh  Cha và Con và Thánh Thần”.

  Chúng ta cùng nhau thực tập nhé! (GLV mời một vài em lên để thực tập).

   * Đọc chung câu 3: (Câu này có thể lướt qua)

    3- H. Có cần rửa tội cho các trẻ sơ sinh không?

         T. Từ xa xưa Hội Thánh đã rửa tội cho các trẻ sơ sinh, vì  đây là một ơn huệ Chúa ban không và các em được rửa tội trong đức tin của Hội  thánh.

   * Đọc chung câu 4:

    4- H. Người đến tuổi khôn muốn lãnh nhận bí tích Rửa tội thì phải làm gì?

         T. Phải tin vào Chúa Kitô, học biết giáo lý, đổi mới đời sống theo Tin Mừng và tham dự những nghi thức chuẩn bị gia nhập Kitô giáo.

   Các em thấy trong gia đình hoặc trong giáo xứ chúng ta, thông thường khi sanh em bé được khoảng một tháng, cha mẹ sẽ đưa em đến nhà thờ để được rửa tội. Lúc đó, em được rửa tội trong đức tin của Hội Thánh, nghĩa là cha mẹ và người đỡ đầu cùng với mọi thành phần dân Chúa đang hiện diện sẽ tuyên xưng đức tin thay em, đồng thời cũng có trách nhiệm nuôi dưỡng và làm cho đức tin của em mỗi ngày một thêm tăng trưởng. (SGLC 1255)

    Còn đối với người lớn, muốn rửa tội cần thực hiện ba điều:

    - Học giáo lý, tin vào Chúa Kitô.

    - Đổi mới cuộc sống theo tinh thần Tin Mừng.

    - Tham dự những nghi thức chuẩn bị cần thiết.

 Tóm lại, người đến tuổi khôn muốn lãnh nhận bí tích Rửa tội thì phải làm gì?  (Học giáo lý, sống theo tinh thần Tin Mừng, tham dự những nghi thức chuẩn bị cần thiết).

   * Đọc chung câu 5:

    5- H. Người lãnh nhận bí tích Rửa tội thề hứa những gì?

         T. Thề hứa từ bỏ ma quỷ, xa lánh tội lỗi, tin kính Thiên Chúa Ba Ngôi và sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa trong Hội Thánh.

   Là người con trong gia đình, khi ta phạm lỗi mà được cha mẹ yêu thương tha thứ, đón nhận. Chúng ta thường hứa với cha mẹ hay tự hứa với mình điều gì?  (Chúng ta thường hứa rằng sẽ từ bỏ những lỗi lầm đó và sống theo những lời dạy bảo của cha mẹ, để xứng đáng với tình thương mà cha mẹ đã dành cho mình).

   Cũng vậy, khi lãnh bí tích Rửa tội là ta được Thiên Chúa yêu thương tha thứ mọi tội lỗi, cho ta được làm con cái Chúa, được gia nhập vào gia đình của Chúa là Hội Thánh. Vậy ta cũng phải có những lời hứa với Chúa chứ?

  -  Các em có khi nào dự lễ Rửa tội người lớn chưa?

  -  Liền ngay trước lúc linh mục đổ nước rửa tội, có nghi thức gì?  (Nghi thức hứa từ bỏ tà thần và tuyên xưng đức tin).

  Những lời hứa này, khi xưa em bé, cha mẹ và người đỡ đầu đãõ hứa cho em. Lời hứa đó, hằng năm vào tối thứ bảy tuần thánh, em sẽ nhắc lại trong lễ Canh thức Vượt qua, với nến sáng trên tay. Những lời hứa ấy gọi là lời hứa rửa tội.

 Tóm lại:  Người lãnh nhận bí tích Rửa tội thề hứa những gì?

                 - Từ bỏ ma quỷ.

                 - Xa lánh tội lỗi.

                 - Tin kính Thiên Chúa Ba Ngôi và giữ lề luật của Ngài.

   * Đọc chung câu 6:

    6- H. Người đỡ đầu rửa tội có trách nhiệm gì?

         T. Có trách nhiệm nêu gương sáng và dẫn dắt người tín hữu mới sống xứng đáng là người Công Giáo.

 Khi một người mới gia nhập Hội Thánh, đời sống đạo đức của họ còn non yếu nên cần có người đỡ đầu để nâng đỡ. Nhưng người đỡ đầu phải nâng đỡ, dẫn dắt bằng cách nào?  Đó là người đỡ đầu có trách nhiệm nêu gương sáng và dẫn dắt người tín hữu mới sống xứng đáng là người Công Giáo.

  Vậy, để nêu gương sáng, người đỡ đầu phải có đời sống thế nào?  (khuyến khích các em trả lời).

V. CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ

   1. Gợi tâm tình.

       Các em thân mến!  Qua bài học hôm nay, chúng ta được hiểu biết hơn về tình thương Chúa đã dành cho chúng ta qua bí tích Rửa tội là chúng ta được trở nên con cái Chúa Cha, mặc lấy Chúa Kitô và sống trong Chúa Thánh Thần.

      Với tâm tình yêu mến và biết ơn, anh (chị) mời các em đứng lên, chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện.

   2. Lời nguyện.

       Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con được tái sinh nhờ nước thánh tẩy, để nên một với Đức Kitô. Xin Chúa thương phù trì, giúp chúng con luôn chiến thắng tội lỗi và trung thành đáp lại tình thương của Chúa, Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

VI. SINH HOẠT:       Băng reo:            Phép Rửa.

Người điều khiển

Tất cả

Được tái sinh nhờ

Phép Rửa.

Ai tin.

Sẽ sống (hai tay đưa cao).

Ai không tin.

Sẽ chết (ngồi xuống, gục mặt).

Ai tin theo?

Con xin tin (đứng phắt dậy, giơ tay cao).

VII. BÀI TẬP:       

Em hãy khoanh tròn vào câu đúng nhất:

1. Những người được cử hành bí tích Rửa tội trong trường hợp khẩn cấp là:

a.     Giám mục và linh mục.

b.     Linh mục và phó tế. c.  Bất cứ ai.

2. Người đến tuổi khôn muốn lãnh nhận bí tích Rửa tội thì phải:

a.     Tin vào Chúa Kitô và học biết giáo lý.

b.     Đổi mới đời sống theo Tin Mừng.

c.      Tham dự những nghi thức chuẩn bị gia nhập Kitô giáo.

d.     Cả 3 câu đều đúng.

VIII. SỐNG LỜI CHÚA

     Để thực hiện lời hứa khi chịu phép Rửa tội, tuần này các em sẽ quyết tâm tiếp tục sống điều quyết tâm tuần trước là mỗi tối trước khi đi ngủ các em hãy xét mình và quyết tâm từ bỏ tội nào mà em hay phạm nhất. (GLV gợi ý cho các em xét mình).

IX. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC

       Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin tạ ơn Chúa về những ơn lành Chúa đã ban cho chúng con. Chúng con xin dâng lên Chúa đời sống chúng con. Xin Chúa giúp chúng con luôn trung  thành với lời hứa khi chịu phép Rửa tội, biết xa lánh tội lỗi để mỗi ngày chúng con được trở nên giống Chúa hơn. Amen.

Đọc kinh Sáng Danh.

 

CÂU HỎI CHO HỌC SINH

 

Bài 13: BÍ TÍCH RỬA TỘI

“Anh em không biết rằng: Khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Chúa Ki-tô Giê-su, là chúng ta được vào trong cái chết của Ngài sao?”.     (x.Rm 6,2-6. 7-11)

1-H. Những ai được cử hành bí tích Rửa tội?

    T. Thông thường thì giám mục, linh mục hoặc phó tế, nhưng khi khẩn cấp bất cứ ai cũng có thể cử hành, miễn là làm theo ý muốn và cách thức của Hội thánh.

2-H. Phải rửa tội thế nào?

    T. Phải lấy nước lã đổ trên đầu kẻ lãnh bí tích rửa tội, vừa đổ nước vừa đọc rằng: “Tôi rửa ông(hoặc: bà, anh, chị, em, con, cháu…) nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.

3-H. Có cần rửa tội cho các trẻ sơ sinh không?

    T. Từ xa xưa Hội thánh đã rửa tội cho các trẻ sơ sinh, vì đây là một ơn huệ Chúa ban không và các em được rửa tội trong đức tin của Hội thánh.

4-H. Người đến tuổi khôn muốn lãnh nhận bí tích Rửa tội thì phải làm gì?

    T. Phải tin vào Chúa Ki-tô, học biết giáo lý, đổi mới đời sống theo Tin mừng và tham dự những nghi thức chuẩn bĩ gia nhập Ki-tô giáo.

5-H. Người lãnh nhận bí tích Rửa tội thề hứa những gì?

    T. Thề hứa từ bỏ ma quỷ, tin kính Thiên Chúa Ba Ngôi và sống xứng là con cái Thiên Chúa trong Hội thánh.

6-H. Người đỡ đầu rửa tội có trách nhiệm gì?

    T. Có trách nhiệm nêu gương sáng và dẫn dắt người tín hữu mới sống xứng đáng là người công giáo.