Bài 16 :

Luyện tính tốt 3

TÔN TRỌNG MỌI NGƯỜI

VÀ KHIÊM NHƯỜNG LẮNG NGHE

 

I. CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dậy chúng con hãy học ở Chúa cách sống hiền lành và khiêm nhường. Trong giờ học này, chúng con sẽ tìm hiểu về cách sống này. Xin Chúa soi sáng chúng con hiểu rõ cách sống này và đem ra thực hành trong đời sống hằng ngày của chúng con.

Đọc kinh Cúi xin Chúa sáng soi.

---Ôn bài cũ và kiểm tra điều đã quyết tâm.

+Ôn bài cũ:

-Để chuẩn bị lãnh nhận bí tích Thêm sức, ta cần làm những việc gì?

-Khi đã lãnh nhận bí tích Thêm sức, ta cần phải sống thế nào?

+Kiểm tra quyết tâm:

Mỗi tối, lúc đọc kinh cầu nguyện trước khi đi ngủ, các em có nhớ xin Chúa Thánh Thần đến thay đổi tâm hồn mình không?

II. SINH HOẠT

GLV chọn 4 em và tập trước cho các em hoạt cảnh sau đây:

Trang đang ngồi học thì chị Tư bước vào.

Chị Tư : Chào cô Trang, bà có nhà không cô?

Trang   : Chào chị Tư, chị hỏi mẹ tôi có việc gì không ạ?

Chị Tư : Tôi xin bà tiền đổ rác tháng này.

Trang   : Ấy, xin lỗi chị, mẹ tôi đưa cho tôi hồi sáng bảo đưa cho chị mà tôi quên, xin lỗi chị, xin gởi chị, cảm phiền nha chị Tư.

Chị Tư : Không có gì, thôi, tôi về nha. (Chị Tư đi ra. Dũng, Bích đi học về đi vào).

Bích     : Ai mà hôi rình vậy chị Trang?

Dũng    : Bà ấy vào nhà mình làm chi vậy?

Trang   : À, chị Tư, chị ấy vào nhà mình lấy tiền gom rác. Mà sao chị không nghe 2 em chào khách gì cả vậy?

Bích     : Em đâu có quen chị ấy.

Trang   : Chị Tư ngày nào cũng đi gom rác nhà mình mà các em không biết à? Hơn nữa quen hay không quen đâu thành vấn đề, thấy khách bất cứ là ai các em phải chào chứ.

Bích     : Xì…. (còn Dũng thì cười).

Trang   : Tại sao các em có thái độ vô lễ như vậy? Người có giáo dục là người có lễ độ, biết kính trọng mọi người bất luận sang hèn giầu nghèo. Mà sao các em vô tình quá.

Dũng   : Vô tình sao ạ?

Trang  : Chị Tư ngày nào cũng làm sạch cho nhà mình mà các em không hề biết đến người phục vụ các em.

Bích    : Nhưng chị ấy lấy tiền mà.

Trang  : Lấy tiền, đó là công bằng trong vấn đề trao đổi thôi. Còn các em phải kính trọng mọi người trước tiên vì họ là người, là hình ảnh Thiên Chúa. Đó là bài học làm người đầu tiên mà các em phải nhớ.

Dũng   : Mà các em có nói gì đâu ạ.

Trang  : Không nói gì, nhưng cách cư xử của các em đã nói hết : không chào, né tránh, ánh mắt…Tất cả đã phản ảnh tâm hồn các em rồi. Chị hỏi, nếu các em vào nhà nào, những người trong nhà có thái độ như các em đối với chị Tư, các em có buồn không?

Dũng, Bích : Dạ có.

Trang  : Thế đó, em muốn được kính trọng thì người khác cũng muốn được kính trọng. Muốn được người khác trọng, các em phải trọng người khác.

Dũng   : À, chị Trang ơi, có phiếu tiền điện.

Trang  : Đâu, đưa cho chị.

Bích    : Ông nay thật lắm chuyện, hồi sáng em cãi nhau với ông ấy.

Dũng  : Bích nó làm um xùm à chị Trang.

Bích   : Mọi tháng nhà mình hết gần một trăm ngàn mà tháng này tới 150 ngàn. Em hỏi ông ấy, ông ấy cứ nói lung tung: xem thì biết, xem thì biết.

Trang : Sao lại cãi nhau, sao lại lung tung, phải có lý do chứ?

Bích   : Em thấy ghét không thèm nói nữa.

Trang (Xem phiếu rồi nói): À đây, phiếu tháng 12. Tháng này có lễ Giáng Sinh và tết tây, nhà nào cũng xài nhiều điện và thức khuya thì điện tăng là đúng chứ lung tung gì.

Dũng  : Thấy chưa!

Trang : Khi tiếp xúc với người khác, các em phải biết lắng nghe họ, bất luận là người lớn hay bé, rồi sau đó hãy nói ý mình. Nếu ai cứ khăng khăng nói ý mình mà không chịu nghe người khác thì sao giải quyết vấn đề được. Càng lắng nghe, ta càng hiểu, càng khôn và càng biết khiêm tốn hơn.

Bích  :  Nhưng mấy ông ấy hay làm phách lắm.

Trang : Biết vậy, nhưng ta vẫn phải tôn trọng họ như tôn trọng thầy cô ở nhà trường vậy vì họ là những người phục vụ công ích. Khi cần nói sự thật, ta phải khiêm tốn. Ngoài ra, các em còn phải kính trọng người già, tàn tật, phụ nữ mang thai, trẻ thơ nữa.

Dũng : Cái đó em học rồi.

Trang : Học, nhưng quan trọng là làm và làm với lòng yêu mến Chúa. Đó là những đức tính căn bản của con người có giáo dục. Các em có muốn người khác nói mình là vô giáo dục không?

Dũng, Bích : Không ạ!

Trang : Vậy các em phải nhớ những gì chị nói. Ờ, mà xem có ai đang đứng ở cửa.

Bích : (Quay ra) À, người ăn xin.

Dũng : Để em vào lấy gạo.

Bích  : Để em.

(Cả hai chạy vào. Trang đứng nhìn theo cười).

III. NHẬN XÉT

-Chị Tư làm nghề gì? Xưa nay xã hội có trọng nghề này không?

-Thái độ của Bích và Dũng đối với chị Tư thế nào? Cách biểu lộ của 2 bạn này có đúng không?

-Thái độ của Bích đối với nhân viên điện lực thế nào? Có đúng không? Tại sao?

      Các em hãy nhớ câu nói của Chúa Giêsu trong Bài Giảng trên núi : ”Những gì anh em muốn người ta làm cho mình thì hãy làm những điều đó cho người ta”(Mt 7, 12).

IV. BÀI HỌC NHÂN BẢN

Qua hoạt cảnh và những nhận xét trên, chúng ta có thể rút ra những bài học sau đây:

1. Lịch sự : Lịch sự là cách cư xử của ta với mọi người trong xã hội sao cho tốt đẹp. Hơn nữa, chúng ta là người Công Giáo nên cách cư xử của ta phải tốt đẹp bên ngoài mà còn tốt đẹp trong tâm hồn nữa.

---Đọc chung đoạn 1+2 : Từ đầu tới “như điều lời ta đang nói”.

2. Tôn trọng người khác : Tôn trọng mọi người chúng ta gặp gỡ hằng ngày. Lý do : Vì mọi người đều có phẩm giá cao cả, đều là hình ảnh Thiên Chúa.

---Đọc chung đoạn 3+4+5 : Từ “Ta tôn trọng tất cả mọi người” đến “phụ nữ mang thai, trẻ thơ”.

3. Cách thế tỏ lòng tôn trọng :

  - Nhớ tên.

  - Khen ngợi điều tốt của họ.

  - Lắng nghe họ.

  - Nói sự thật với họ cách khiêm tốn.

  - Hãy có tấm lòng hiền lành và khiêm nhường với họ.

---Đọc chung đoạn 6+7+8+9 : Từ “Để tập tôn trọng mọi người” đến hết bài.

Giờ đây, các em đứng lên để nghe Chúa Giêsu nói về cách thế tôn trọng người khác.

V. CÔNG BỐ LỜI CHÚA

Lc 18, 9-14 hay Mt 11, 28-30.

VI. CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ

1. Gợi tâm tình.

Các em thân mến, Chúa luôn yêu thích những ai khiêm nhường và chê ghét những ai có tính tự kiêu tự đại. Chính Chúa đã làm gương cho chúng ta cách sống khiêm nhường qua đời sống phục vụ, khó nghèo và hiến mạng sống mình cho người khác. Chúng ta hãy xin Chúa cho ta có trái tim hiền lành và khiêm nhường giống Chúa.

2. Lời nguyện.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa kêu gọi chúng con học nơi Chúa đức tính hiền lành và khiêm nhường. Xin Chúa giúp chúng con biết sống khiêm tốn, tôn trọng, lắng nghe và vui vẻ với mọi người chúng con gặp gỡ hằng ngày. Chúng con cầu xin Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.

VII. BÀI TẬP

1. Em tôn trọng ai trong những người được kể ra dưới đây? Hãy ghi chữ X vào người em chọn.

Người thân, bạn bè (…. )/ Người giúp đỡ mình (…. )/ Cha xứ (…. )/ Người ăn xin (…. )/ Em bé (…. )/ Người em không ưa (…. )/ người lạ(…)/ người ngoại quốc (…. ).

2. Ta tôn trọng mọi người vì : (Gạch chữ X vào câu đúng).

-Họ giầu có và có quyền (…. ).

-Họ hay giúp đỡ ta (…. ).

-Chúa ở trong họ (…. ).

VIII. SỐNG LỜI CHÚA

Để tỏ lòng tôn trọng người khác, tuần này các em cố gắng tập sống 2 điều sau đây:

-Cố gắng khen bạn mỗi khi thấy bạn làm điều tốt.

-Cố gắng không phát biểu ý kiến của mình khi người khác chưa nói xong.

IX. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dạy chúng con : Các con hãy học cùng ta vì ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Xin Chúa giúp chúng con thực hành lời Chúa dạy, cụ thể là biết khen ngợi người khác, lắng nghe ý kiến của người khác như chúng con đã hứa vói Chúa để chúng con mang lại bầu khi an vui cho những người chúng con gặp gỡ. Chúng con cầu xin Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.

Đọc kinh Sáng Danh.

 

CÂU HỎI CHO HỌC SINH

 

Bài 16: Luyện tính tốt 3: TÔN TRỌNG MỌI NGƯỜI VÀ KHIÊM NHƯỜNG LẮNG NGHE

          “Tiên học lễ, hậu học văn”, văn là văn chương và mọi kiến thức khác. Lễ, hay lễ phép hay phép lịch sự và cách bày tỏ tâm tình kính trọng đối với mọi người, thuộc mọi tầng lớp xã hội, không phân biệt. Lịch sự là những cách  diễn tả mà mọi người đều coi là tốt đẹp, nhằm bày tỏ sự tôn kính yêu thương nhau, cho vừa lòng đẹp ý nhau, và nhờ đó mà cuộc sống được thêm ý vị.

          Chúa Ki-tô luôn hiền lành và khiêm nhương trong lòng. Vì thế, là môn đệ của Chúa, người Ki-tô hữu không phải chỉ giữ lễ phép bên ngoài nhưng cần có sự tôn trọng người khác tận trong đáy lòng mình. Khi nói cám ơn hay xin lỗi ta không nói cách máy móc nhưng nói với cả tấm lòng. Ta suy nghĩ để biết nói thế nào cho vui lòng người nghe, mà đồng thời lòng ta cũng phải giống như điều lời ta đang nói.

          Ta tôn trọng tất cả mọi người, thân nhân, láng giềng, bạn hữu và mọi người. Ta tôn trọng bất ai ta gặp ở bất cứ ai ta gặp ở các nhà tư, ở nơi công cộng, ngoài đường, trên xe, ở chợ,… Cả những người vắng mặt và những người ta chưa gặp bao giờ. Vì sao? Vì mọi người đều có phẩm giá cao cả, đều là hình ảnh Thiên Chúa và đều được Chúa Giê-su coi như chính Ngài.

          Ta tôn trọng chính quyền và những người đang phục vụ ích chung: Thầy giáo, y sĩ, các cán bộ, công nhân viên chức,… Vì họ đang trực tiếp đóng góp cho ích chung, ta tôn trọng họ và quyền hạn của họ.

          Cách riêng, Ta phải biết tôn trọng những người già yếu, tàn tật, phụ nữ mang thai, trẻ thơ,…

          Để tập tôn trọng một người, ta cố gắng nhớ tên người ấy, khen ngợi điều đáng khen của người ấy, lắng nghe câu chuyện, tâm trạng, những khó khăn và cả những ý kiến của người ấy. Có được thói quen phản ứng đúng lễ phép, ta sẽ dễ hòa mình với mọi người, đem lại niềm vui cho mọi người, đặc biệt là tập trung lắng nghe. Càng lắng nghe ta càng được ơn khiêm nhường và yêu mến. Ta cần biết lắng nghe, nghe người trên và nghe cả những người nhỏ hơn mình để nhận ra những điều hay mình cần học hỏi. Ta sẵn sàng lắng nghe cả những người có cách suy nghĩ khác ta, có niềm tin khác với niềm tin của ta. Sẽ có nhiều ý kiến ngược với cách ta suy nghĩ. Ta sẽ cân nhắc phê phán để biết điều gì đúng điều gì sai. Có như thế, ta mới được gần với sự thật khách quan.

          Lòng tôn trọng người khác cũng dạy ta phải nói sự thật với họ. Tuy nhiên, ta sẽ nói một cách khiêm nhường. Nếu cần góp ý với ai điều gì, ta sẽ trình bày nhẹ nhàng, không ép buộc họ phải theo ý ta.

          Ta cần tha thiết cầu xin để có một tấm lòng hiền lành và khiêm nhường, biết tự trọng và kính trọng mọi người, biết cư xử lịch sự cách tự nhiên, không gượng ép giả tạo. Một tấm lòng như Chúa Giê-su.