Bài 22:                          

VIỆC XƯNG TỘI

 

- Lời Chúa : Ga 20, 19-23

- Ý chính    :  Xưng tội là thú nhận tội lỗi với Chúa qua vị linh mục đại diện Chúa, nên ta phải xưng tội mình cách thành thực, không dấu một tội nào, nhất là các tội nặng.

 

I. CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ

    Lạy Chúa Thánh Thần, chúng con xin dâng giờ học hôm nay cho Chúa. Xin Chúa giúp chúng con hiểu sâu hơn tình yêu thương tha thứ của Thiên Chúa, đồng thời chúng con cũng nhận ra thân phận yếu đuối, tội lỗi của chúng con, để thành tâm quay về với Chúa và được sống trong tình yêu thương của Chúa. Chúng con nguyện xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.

    Hát : Cầu xin Chúa Thánh Thần.

II. DẪN VÀO LỜI CHÚA

1. Ôn bài cũ và kiểm tra điều đã quyết tâm.

+ Ôn bài cũ:

     - Bí tích Giao hoà là gì?

     - Điều kiện để được tha tội?

     - Thế nào là xét mình?

- Để ăn năn tội cho nên, ta phải làm mấy việc?  (2 việc: hối hận và quyết tâm chừa tội).

+ Kiểm tra quyết tâm:

Trong tuần qua, mỗi khi xét mình trước khi đi ngủ, các em có xét kỹ mình đã phạm tội ở đâu, khi nào, mấy lần và tại sao mình phạm tội ấy không?  

2. Dẫn vào Lời Chúa.

       Trong một nhà thờ ở Tây Ban Nha, người ta tôn kính một cây Thánh Giá cổ xưa mà cánh tay phải của Chúa tách rời khỏi đinh. Cây Thánh Giá này có lịch sử như sau:

     Ngày nọ, một tội nhân “gạo cội” đến xưng thú tội mình dưới cây Thánh Giá này với tất cả dấu hiệu của một sự thống hối chân thật. Cha giải tội do dự ban phép giải tội cho ông ta vì các tội của ông nhiều và nặng. Tội nhân cầu xin sự tha thứ.

  - Tôi ban phép giải tội cho ông, vị linh mục nói – Tuy nhiên ông không được tái phạm nữa nhé!

   Tội nhân xin hứa và giữ được lời hứa trong một thời gian. Nhưng rồi ông yếu đuối và sa ngã lại. Lòng thống hối thúc đẩy ông đến toà giải tội. Vị linh mục bảo ông:   - Lần này thì tôi không ban phép giải tội cho ông đâu!

   Ông ta nài nỉ : - Con đã chân thành đoan hứa với cha, nhưng con yếu đuối! Xin hãy tha thứ cho con!

  Cha giải tội tha thứ và nói thêm:  - Đây là lần cuối cùng đó nhé!

   Một thời gian khá lâu sau đó, một phần do thói quen, một phần vì yếu đuối, ông ta lại rơi vào vòng tội lỗi.

 - Bây giờ thì dứt khoát! Vị linh mục bảo ông – ông luôn rơi lại trong cùng một tội. Sự thống hối của ông không chân thành.

 - Thưa cha, con rất chân thành thống hối. Con sa ngã vì con yếu đuối. Con thẳng thắn, chân thực, nhưng con bệnh hoạn.

 - Không, không còn sự tha thứ cho ông nữa!

 Và chính lúc đó người ta nghe có tiếng ai khóc. Tiếng động phát xuất từ cây Thánh Giá: một cánh tay rời khỏi đinh, giơ lên và vạch trên đầu tội nhân dấu hiệu sự tha thứ, đồng thời có một tiếng nói: “Chính ta đổ máu ra cho người này chứ không phải ngươi!”

  Từ đó, bàn tay của Chúa Giêsu cứ ở mãi trong tư thế ấy như không ngừng mời gọi con người đến để ban ơn tha thứ…

   Các em thân mến! Chúa Giêsu là Mục tử nhân lành đã hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên. Chúa đã đổ máu ra trên thập giá để cứu chuộc chúng ta. Chúa không ngừng tha thứ cho ta, dù tội lỗi của ta có ngập tràn, Chúa vẫn đang tiếp tục tha thứ cho ai tin tưởng, phó thác vào tình thương  của Chúa qua Hội Thánh. Chúng ta cùng lắng nghe Chúa Giêsu ban quyền tha tội cho Hội Thánh trong đoạn Tin Mừng sau đây.

   Mời các em đứng, chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.

III. CÔNG BỐ LỜI CHÚA

         Ga 20, 19-23

IV. GIẢI THÍCH LỜI CHÚA

   1. Dẫn giải Lời Chúa.

 - Đoạn Kinh Thánh các em vừa nghe thuật lại biến cố gì?  (Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần).

 - Sau khi ban bình an cho các môn đệ, Chúa Giêsu làm gì?  (Ngài ban cho các ông quyền tha tội).

 - Quyền tha tội đó được truyền lại cho ai?

 - Chúng ta muốn được tha tội thì phải làm gì?

   Chúng ta cùng nhau tìm hiểu nhé!

2. Giải thích câu hỏi thưa.

   * Đọc chung câu 1: (SGLC 1424, 1455, 1456)

    1- H. Xưng tội là gì?

         T. Xưng tội là thành tâm thú nhận với linh mục đại diện Chúa Kitô, các tội mình đã phạm.

    Khi còn bé, Washington rất thích trồng cây. Có lần Washington đã nhổ một cây quý của ba đem đi trồng chỗ khác. Khi về đến nhà, ba của ông rất tức giận. Washington đã can đảm vào xin lỗi ba. Thấy con xin lỗi, ba của ông đã ôm con vào lòng và nói: “Tất cả tài sản của ba không quý bằng lòng thành thật nhận lỗi của con”.

  Washington biết nhận lỗi và can đảm xin lỗi tức là thú tội của mình với ba. Khi nhận lỗi Washington không bị phạt mà còn được ba yêu thương hơn. Sau này Washington đã trở thành vị tổng thống nổi tiếng của nước Mỹ.

   Khi em có lỗi gì với cha mẹ. Em đến xin lỗi, kể những lỗi em đã phạm và xin cha mẹ tha cho.

 - Việc kể những lỗi đó nói lên thái độ gì?  (Thành tâm thú nhận lỗi mình).

 - Chúng ta chỉ đi xưng tội sau khi đã làm gì?  (Sau khi đã xét mình và ăn năn tội).

  Như thế, việc xưng tội là quá trình sau xét mình và ăn năn tội. Ta đến toà cáo giải để thành tâm thú nhận với linh mục đại diện Chúa Kitô các tội mình đã phạm.

  Tóm lại: - Xưng tội là thành tâm thú nhận tội mình với ai?
 (Linh mục đại diện Chúa Kitô )

 

   * Đọc chung câu 2 và 3: (SGLC số 1455 . 1493)

    2- H. Phải xưng tội thế nào?

         T. Phải xưng cách thành thật, rõ ràng, không được giấu một tội trọng nào, vì giấu tội trọng là chưa thật lòng ăn năn, và do đó, không đáng được tha tội nào cả.

    3- H. Người giấu tội trọng thì lần sau phải xưng lại thế nào?

         T. Phải xưng rằng mình đã giấu tội rồi xưng lại những tội đã xưng lần ấy, cách riêng là tội trọng đã giấu và các tội mới phạm trong thời gian qua.

   - Muốn cha mẹ tha lỗi, em phải có thái độ nào?  (Thành thật, rõ ràng, không quanh co, không đổ tội cho người khác, …)

   - Muốn được Thiên Chúa tha thứ, em phải có thái độ nào?

     Em cần có thái độ thành thật, không giấu một tội trọng nào. Nếu đến toà cáo giải mà em không thành thật xưng thú tội, em sẽ phạm thêm một tội nữa gọi là tội phạm sự thánh. Nếu lỡ giấu tội, lần sau khi đến toà giải tội, em phải can đảm xưng thú những tội đã giấu lần trước, đặc biệt là tội trọng đã giấu, rồi xưng các tội mới phạm.

Tóm lại: - Ta  phải xưng tội thế nào?  (thành thật, rõ ràng, không quanh co, không đổ lỗi cho người khác...)

              - Nếu ta giấu một tội trọng thì các tội khác có được tha không?  (không được tha mà còn thêm tội phạm sự thánh).

 

       * Đọc chung câu 4:

    4- H.  Còn tội nhẹ thì sao?

        T. Tội nhẹ không buộc xưng, nhưng để tiến nhanh trên đường theo Chúa, ta nên thường xuyên  xưng các tội mà ta quyết tâm chừa bỏ.

- Theo câu giáo lý vừa đọc, ta có buộc phải xưng các tội nhẹ không?  (Không, Các tội nhẹ không buộc phải xưng).

- Nhưng có nên xưng không?  (Có. Ta nên thường xuyên xưng các tội nhẹ để:

  - Giúp rèn luyện lương tâm: lương tâm sẽ nhậy bén đối với tội lỗi hơn.

  - Giúp chiến đấu chống lại các khuynh hướng xấu nơi ta.

  - Càng ngày càng thăng tiến trong đời sống ơn thánh và nên giống Chúa Kitô hơn).

Khi xưng các tội nhẹ, điều quan trọng vẫn là lòng thống hối ăn năn và quyết tâm sửa mình. Đừng cố xưng thật nhiều tội nhẹ nhưng lại không chủ tâm chừa tội nào. Những tội nhẹ ta cần xưng là những tội ta đang quyết tâm sửa mình.

  Tóm lại: -  Tội nhẹ không buộc phải xưng, nhưng ta nên làm gì?  
(nên thường xuyên xưng các tội mà ta quyết tâm chừa bỏ).

 

   * Đọc chung câu 5: (SGLC số 1483 -1484 . 1497)

    5- H. Có khi nào ta được tha tội mà không phải kể các tội ra không?

         T. Khi linh mục giải tội tập thể, ta không xưng các tội ra, nhưng để quyết tâm chừa cải tội lỗi, thì trong lần xưng tội riêng tiếp đó, ta cần nhắc lại các tội trọng đã được tha trong lần giải tội tập thể ấy.

   Trong những trường hợp đặc biệt cần thiết như gần cơn nguy tử như trước một trận chiến hoặc những vùng kinh tế mới vào những dịp lễ trọng, chỉ có một linh mục không đủ thời gian giải tội riêng cho từng người, linh mục có thể giải tội tập thể.  Khi xưng tội tập thể, những người xưng tội không kể các tội ra, nhưng để tỏ lòng quyết tâm chừa tội, thì trong lần xưng tội riêng kế tiếp, họ cần nhắc lại các tội trọng đã được tha trong lần giải tội tập thể ấy.

 Tóm lại:  - Trường hợp xưng tội mà không cần kể các tội ra, gọi là gì?
 (Xưng tội tập thể)

                  - Nếu lần sau  có dịp xưng tội riêng, ta phải xưng thế nào?  
(Xưng lại các tội trọng đã được tha trong lần giải tội tập thể ấy).

 

   * Đọc chung câu 6:

   6- H. Khi quá lâu ngày không sao tìm được linh mục để xưng tội thì phải làm gì?

         T. Phải ăn năn thống hối và quyết tâm chừa tội, rồi ra sức sống đạo tốt hơn.

            (Câu này GLV có thể giải thích lướt qua)

        Nhiều vùng kinh tế mới hoặc vùng sâu, vùng xa, rất thiếu linh mục nên nhiều khi không tìm được linh mục để xưng tội. Trong khi chờ dịp được xưng tội, ta cần ăn năn thống hối và quyết tâm chừa tội, đồng thời ra sức sống đạo tốt hơn qua các việc cầu nguyện, sống bác ái, thuận hoà với mọi người chung quanh.

   Tóm lại, bài học hôm nay dậy chúng ta cách xưng tội khi vào tòa giải tội: Xưng tội là thú nhận tội lỗi với Chúa qua vị linh mục đại diện Chúa nên ta phải xưng tội mình cách thành thực, không dấu một tội nào, nhất là các tội nặng.

V. CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ

   1. Gợi tâm tình.

       Các em thân mến! Vì yêu thương, Chúa Giêsu đã đổ máu trên Thánh Giá để ban ơn tha thứ cho chúng ta. Và Chúa còn tha thứ cho chúng ta mãi mãi qua Bí tích Giao hoà. Vì thế, chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta biết thành tâm nhìn nhận tội lỗi mình và thành thật xưng thú tội lỗi của mình, nhất quyết không dấu một tội nào mỗi khi chịu Bí tích Giao Hòa để Chúa tha thứ cho chúng ta. Chúng ta hãy sốt sắng dâng lên Chúa lời nguyện xin.

   2. Lời nguyện.

      Lạy Chúa, lòng thương xót của Chúa luôn lớn hơn tội lỗi của chúng con. Việc tha thứ cho chúng con luôn là niềm vui của Chúa. Xin cho chúng con hiểu được trái tim dịu hiền này của Chúa để chúng con năng lãnh nhận Bí tích Giao Hòa và biết thành thực thú nhận tội lỗi của mình mỗi khi lãnh nhận Bí tích này. Chúng con cầu xin Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.

      Hát: Chúa là tình yêu.

VI. SINH HOẠT : Hát : Gặp gỡ Đức Kitô

VII. BÀI TẬP:         Em hãy khoanh tròn vào câu trả lời đúng nhất:

1. Khi xưng tội cần nói:

      a. Một số  tội nhẹ của lần xưng tội vừa qua.

      b. Thành thật, rõ ràng, không được giấu một tội trọng nào.

      c. Cả hai câu đều đúng.

2. Người giấu tội trọng thì lần xưng tội sau:

      a. Chỉ cần xưng những tội mới phạm.

      b. Phải xưng lại những tội đã xưng, cách riêng tội trọng đã giấu và những tội mới phạm.

      c. Chỉ xưng tội trọng đã giấu lần trước.

VIII. SỐNG LỜI CHÚA

        Trong tuần này, em hãy thành tâm nhìn lại bản thân mình và cố gắng lãnh nhận bí tích Giao Hòa cách thật sốt sắng và chân thành, không giấu một tội nào.

IX. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC

      Lạy Chúa, chúng con xin cảm tạ Chúa về những ơn Chúa đã ban cho chúng con trong giờ học vừa qua. Xin Chúa giúp chúng con thực hiện điều quyết tâm, để cuộc sống chúng con ngày càng trở nên trong sạch, tiến nhanh trên đường theo Chúa. Amen.

      Đọc kinh Sáng Danh.

CÂU HỎI CHO HỌC SINH

 

Bài 22: VIỆC XƯNG TỘI

“Các con tha tội cho ai, thì người ấy được tha; Các con cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ”.   (x.Ga 20,19-23)

1-H. Xưng tội là gì?

    T. Xưng tội thành tâm thú nhận với linh mục đại diện Chúa Ki-tô, các tội mình đã phạm.

2-H. Phải xưng tội thế nào?

    T. Phải xưng cách thành thật, rõ rang, không được dấu một tội trọng nào, vì dấu tội trọng là chưa thật lòng ăn năn và do đó không đáng được tha tội nào cả.

3-H. Người giấu tội trọng thì lần sau phải xưng lại thế nào?

    T. Phải xưng rằng mình đã giấu tội, rồi xưng lại những tội đã xưng lần ấy, cách riêng là tội trọng đã giấu, và các tội đã phạm trong thời gian qua.

4-H. Còn tội nhẹ thì sao?

    T.Tội nhẹ không buộc xưng, nhưng để tiến nhanh trên đường theo Chúa, ta nên thường xuyên xứng các tội mà ta quyết tâm chừa bỏ.

5-H. Có khi nào ta được tha tội mà không phải kể các tội ra không?

    T. Khi linh mục giải tội tập thể, ta không xưng các tội ra, nhưng để quyết tâm chừa cải tội lỗi, thì trong lần xưng tội riêng tiếp đó, Ta cần nhắc lại các tội trọng đã được tha trong lần giải tội tập thể ấy.

6-H. Khi quá lâu ngày không sao tìm được linh mục để xưng tội thì phải làm gì?

    T. Phải ăn năn thống hối và quyết tâm chừa tội, rồi ra sức sống đạo tốt hơn.