ĐỜI SỐNG TRONG ĐỨC KITÔ

(II)

MƯỜI ĐIỀU RĂN

 

DẪN NHẬP

(x. SGLHTCG 2052-2074)

1.  MƯỜI ĐIỀU RĂN

Đạo Đức Chúa Trời có Mười Điều răn

Thứ nhất, thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự.

Thứ hai, chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ.

Thứ ba, giữ ngày Chúa Nhật.

Thứ bốn, thảo kính cha mẹ.

Thứ năm, chớ giết người.

Thứ sáu, chớ làm sự dâm dục.

Thứ bảy, chớ lấy của người.

Thứ tám, chớ làm chứng dối.

Thứ chín, chớ muốn vợ chồng người.

Thứ mười, chớ tham của người.

2.  MƯỜI ĐIỀU RĂN TRONG THÁNH KINH

v  Ý nghĩa của Mười Điều Răn:

Mười Điều Răn có nghĩa là “Mười lời” (Xh 34,28; Đnl 4,13;10,4), tóm tắt Lề Luật do Thiên Chúa ban cho dân Israel trong bối cảnh của Giao ước qua trung gian ông Môisen. Khi trình bày các giới răn về tình yêu đối với Thiên Chúa (ba giới răn đầu) và đối với tha nhân (bảy giới răn sau), Mười Điều Răn vạch ra cho dân Chúa và từng người con đường dẫn đến cuộc sống được giải thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi.

Những lời này được lưu truyền cho chúng ta trong sách Xuất Hành và sách Đệ Nhị Luật.

Ø  Xuất Hành 20,2-17

Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai Cập, khỏi cảnh nô lệ.

Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta.

Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước, phía dưới mặt đất, để mà thờ.

Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ: vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương. Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông. Còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời.

Ngươi không được dùng danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng, vì Đức Chúa không dung tha kẻ dùng danh Ngài một cách bất xứng.

Ngươi hãy nhớ ngày Sabát, mà coi đó là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày Sabát kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, gia súc va ngoại kiều ở trong thành của ngươi. Vì trong sáu ngày, Đức Chúa đã dựng nên trời đất, biển khơi, và muôn loài trong đó, nhưng Ngài đã nghỉ ngày thứ bảy. Bởi vậy, Đức Chúa đã chúc phúc cho ngày Sabát và coi đó là ngày thánh.

Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi.

Ngươi không được giết người.

Ngươi không được ngoại tình.

Ngươi không được trộm cắp.

Ngươi không được làm chứng gian hại người.

Ngươi không được ham muốn nhà người ta, ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta”.

Ø   Đệ Nhị Luật  5,6-21

“Ta là Đức Chúa,Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai Cập, khỏi cảnh nô lệ.

Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta.

Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước, phía dưới mặt đất, để mà thờ.

Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ: vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương. Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông. Còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời.

Ngươi không được dùng danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng, vì Thiên Chúa không dung tha kẻ dùng danh Ngài một cách bất xứng.

Ngươi hãy giữ ngày Sabát, mà coi đó là ngày thánh, như Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đã truyền cho ngươi. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày Sabát kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, bò lừa và mọi gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi, để tôi tớ nam nữ được nghỉ ngơi như ngươi. Ngươi hãy nhớ ngươi đã làm nô lệ tại đất Ai Cập, và Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ngươi ra khỏi đó. Bởi vậy, Đức Chúa,Thiên Chúa của ngươi dã truyền cho ngươi cử hành ngày Sabát.

Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, như Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã truyền cho ngươi, để được sống lâu và để được hạnh phúc trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi.

Ngươi không được giết người.

Ngươi không được ngoại tình.

Ngươi không được trộm cắp.

Ngươi không được làm chứng dối hại người.

Ngươi không được ham muốn vợ người ta, ngươi không được thèm muốn nhà của người ta, đồng ruộng, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta”.

v  Liên hệ giữa Mười Điều Răn và Giao ước

Mười Điều Răn phải được hiểu dưới ánh sáng của Giao ước; trong ánh sáng đó, Thiên Chúa tự mạc khải và cho biết ý muốn của Ngài. Bằng việc tuân giữ các giới răn, dân Chúa muốn nói lên sự lệ thuộc của mình vào Thiên Chúa và đáp lại sáng kiến yêu thương của Ngài với lòng biết ơn, cộng tác vào dự định của Thiên Chúa đang theo đuổi trong lịch sử.

3.  MƯỜI ĐIỀU RĂN VỚI CHÚA GIÊSU

Để trả lời câu hỏi của người thanh niên: “Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?”, Chúa Giêsu trả lời: “Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn”, rồi Người thêm: “Hãy đến theo Tôi” (Mt 19,16-21). Như vậy, việc theo Chúa Giêsu bao gồm cả việc tuân giữ các điều răn. Lề luật không bị phá bỏ, nhưng con người được mời gọi tìm lại Lề luật nơi con người của Thầy minh,Đấng thực thi trọn vẹn Lề luật,và chứng nhận tính trường tồn của Lề luật.

Để kiện toàn Lề luật, Chúa giải thích Lề luật dưới ánh sáng của giới răn yêu thương duy nhất nhưng có hai vế: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và là điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Môisen và các sách tiên tri đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22,37-40). Như thế, Mười Điều Răn phải được giải thích dưới ánh sáng của điều răn, tuy hai nhưng là một, là đức mến, đó là sự viên mãn của Lề luật.

4.  MƯỜI ĐIỀU RĂN TRONG TRUYỀN THỐNG HỘI THÁNH

Trung thành với Sách Thánh và theo gương Chúa Giêsu, Truyền thống Hội Thánh nhìn nhận Mười Điều Răn có tầm quan trọng và ý nghĩa hàng đầu. Người Kitô hữu buộc phải tuân giữ Mười Điều Răn. Công đồng Triđentinô dạy rằng: “Các Kitô hữu buộc phải giữ Mười Điều Răn”. Công đồng Vaticanô cũng khẳng định: “Các Giám mục vì là những vị kế nhiệm các Tông Đồ, nhận từ nơi Chúa … sứ vụ dạy dỗ muôn dân và rao giảng Tin Mừng cho mọi thụ tạo, để mọi người được cứu độ nhờ đức tin, Phép Rửa và việc chu toàn các Điều Răn” (LG 24).


5.  TÍNH THỐNG NHẤT CỦA MƯỜI ĐIỀU RĂN

Mười Điều Răn tạo thành một thể thống nhất và không thể phân chia vì mỗi giới răn đều liên kết với các giới răn khác và với toàn thể Mười Điều Răn. Vì vậy, vi phạm một giới răn là vi phạm tất cả các điều răn khác. Không thể tôn trọng người khác mà không chúc tụng Chúa, Đấng Tạo Hóa của họ. Không thể tôn thờ Thiên Chúa mà không yêu thương tất cả mọi người là thụ tạo của Ngài. Mười Điều Răn thống nhất đời sống đối thần với đời sống xã hội của con người.

6.  TÍNH BẮT BUỘC CỦA MƯỜI ĐIỀU RĂN

Vì nêu lên những trách nhiệm căn bản của con người đối với Thiên Chúa và đối với người khác, Mười Điều Răn, trong nội dung chính yếu của nó, mạc khải những nghĩa vụ quan trọng. Mười Điều Răn, một cách căn bản, là bất biến và có giá trị bắt buộc mọi lúc va mọi nơi. Không ai có thể miễn chuẩn Mười Điều Răn, đã được Thiên Chúa khắc ghi trong trái tim con người.

Để giúp chúng ta tuân giữ Mười Điều Răn, Chúa Giêsu, Đấng mà không có Người, chúng ta không thể làm được việc gì, ban cho chúng ta khả năng tuân giữ nhờ hồng ân Thánh Thần và ân sủng của Người.


 

 

 

 

CHƯƠNG MỘT

 

NGƯƠI PHẢI YÊU MẾN ĐỨC CHÚA

THIÊN CHÚA CỦA NGƯƠI HẾT LÒNG,

HẾT LINH HỒN VÀ HẾT TRÍ KHÔN NGƯƠI

Chúa Giêsu tóm tắt các bổn phận của con người đối với Thiên Chúa bằng giới răn này: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi” (Mt 22,37). Đây là âm vang trực tiếp của lời hiệu triệu long trọng: “Nghe đây, hỡi Israel! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất” (Đnl 6,4).

Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước. Tình yêu của Thiên Chúa duy nhất được nhắc đến trong lời thứ nhất của “Mười Lời”. Các điều răn sau đó giải thích câu trả lời của tình yêu mà con người được kêu gọi để đáp lại Thiên chúa.           


BÀI MỘT

ĐIỀU RĂN THỨ NHẤT

TA LÀ ĐỨC CHÚA

THIÊN CHÚA CỦA NGƯƠI

NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC CÓ THẦN NÀO KHÁC

(Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến người trên hết mọi sự)

                                                    (x. SGLHTCG 2038 – 2141)

“Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai Cập, khỏi cảnh nô lệ. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta. Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ. Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ” (Xh 20,2-5).

“Đã có lời chép rằng: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi và phải thờ phượng một mình Ngài mà thôi” (Mt 4,10).

I.       CHÍNH ĐỨC CHÚA, THIÊN CHÚA CỦA NGƯƠI, LÀ ĐẤNG NGƯƠI PHẢI PHỤNG THỜ; CHÍNH NGÀI LÀ ĐẤNG NGƯƠI PHẢI PHỤNG SỰ.

Khi thực hiện công cuộc giải phóng dân, Thiên Chúa đã mạc khải quyền năng và lòng nhân hậu cho dân được chọn: “Ta đã đưa các ngươi ra khỏi Ai Cập, khỏi cảnh nô lệ” (Đnl 5,6). Vì thế, Israel thuộc về Chúa, là dân của Chúa nên phải tôn thờ một mình Ngài (x. Đnl 6,13-14).

Khi Thiên Chúa mạc khải vinh quang của Ngài cho dân Israel, Ngài cũng mạc khải về chính con người và ơn gọi của họ,để họ phải cư xử thế nào cho phù hợp với Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng con người theo hình ảnh và giống như Ngài. Con người phải thờ phượng Thiên Chúa, và chỉ thờ phượng một mình Ngài mới là phải đạo: “Ngươi phải thờ lạy Đức Chúa, là Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Ngài mà thôi” (Lc 4,8).

Thờ phượng Thiên Chúa là nhìn nhận sự hư vô bất lực của mình, nên phải lệ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa là Đấng sáng tạo và cứu chuộc duy nhất. Thờ phượng Thiên Chúa là làm như Mẹ Maria: ca tụng, tôn vinh Thiên Chúa, chấp nhận thân phận hèn mọn với lòng tri ân và cảm tạ xưng tụng những kỳ công tuyệt vời của Chúa (x. Lc1,46-55). Thờ phượng Thiên Chúa như vậy là thể hiện lòng tin, cậy, mến đối với Thiên Chúa. Như thế, điều răn thứ nhất bao gồm đức tin, đức cậy và đức mến.

1. Đức tin

Đời sống luân lý của chúng ta bắt nguồn từ đức tin vào Thiên Chúa, Đấng mặc khải tình yêu của Ngài cho chúng ta. Vì thế, bổn phận của chúng ta đối với Thiên Chúa là tin vào Ngài và làm chứng về Ngài. Theo Thánh Phaolô, chính sự không nhận biết Thiên Chúa là nguyên nhân và lời giải thích cho mọi lệch lạc luân lý (x.Rm 1,18-32).

Cho nên điều răn thứ nhất đòi hỏi ta phải giữ gìn, nuôi dưỡng đức tin và phải loại bỏ tất cả những gì nghịch với đức tin. Sau đây là những tội nghịch với đức tin: 

a. Nghi ngờ:

Ø  Cố tình nghi ngờ những chân lý đức tin: là sự thờ ơ hay không nhìn nhận những điều Thiên Chúa đã mạc khải và Hội Thánh dạy phải tin.

Ø  Vô tình nghi ngờ các chân lý đức tin: là sự do dự khi tin, là sự khó khăn khi vượt qua những vấn nạn về đức tin. Điều này có thể làm cho tâm trí bị mù quáng.

b. Vô tín: cố chấp coi thường hay không tin những lời Chúa và Hội Thánh dạy. Có những hình thức vô tín sau đây:

Ø  Lạc giáo: ngoan cố chối bỏ một chân lý phải tin hoặc ngoan cố hồ nghi về chân lý ấy sau khi đã lãnh nhận Bí tích Rửa Tội.

Ø  Bội giáo: chối bỏ toàn bộ đức tin Kitô giáo.

Ø  Ly giáo: từ chối vâng phục Đức Giáo Hoàng hay từ chối hiệp thông với các chi thể của Hội Thánh thuộc quyền Đức Giáo Hoàng.

2. Đức cậy

Được Thiên Chúa kêu gọi tới hưởng phần phúc đời đời, con người, tự sức mình, không thể đáp trả tình yêu trọn vẹn của Thiên Chúa mà phải cậy trông vào sự trợ giúp của Ngài. Đức cậy là lòng mong đợi đầy tin tưởng được Thiên Chúa chúc lành và được vinh phúc hưởng kiến Thiên Chúa.

Sau đây là những tội  nghịch với đức cậy:

a. Ngã lòng: không còn hi vọng vào sự trợ giúp của Thiên Chúa để mình được cứu độ, không còn hi vọng ơn tha thứ các tội lỗi của mình.

b. Tự phụ: Có hai loại tự phụ:

Ø  Tự phụ vào sức riêng của mình: quá tin vào khả năng của mình mà không cần ơn Chúa trợ giúp.

Ø  Ỷ lại vào lòng thương xót của Chúa: nghĩ rằng chắc chắn mình được Chúa cứu độ mà không cần hối cải, không cần lập công.

3. Đức mến

Điều răn thứ nhất dạy ta phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu mến mọi thụ tạo vì Ngài và nhờ Ngài. Sau đây là những tội nghịch với đức mến :

Ø  Lãnh đạm: không lưu tâm đến tình yêu củaThiên Chúa.

Ø  Vô ơn: không đáp lại tình yêu  của Thiên Chúa.

Ø  Nguội lạnh: do dự hay thờ ơ trong việc đáp trả tình yêu của Thiên Chúa.

Ø  Lười biếng: coi thường, khinh chê mọi lợi ích thiêng liêng.

Ø  Căm ghét Thiên Chúa: do kiêu ngạo chống lại tình yêu của Thiên Chúa, phủ nhận sự tốt lành của Ngài, cố ý nguyền rủa Thiên Chúa, Đấng cấm các tội lỗi và đặt ra các hình phạt.

II. NGÖÔI PHAÛI THÔØ PHÖÔÏNG MOÄT MÌNH NGAØI MAØ THOÂI

Các nhân đức đối thần “tin, cậy, mến” định hình và đem lại sức sống cho các nhân đức luân lý. Đức mến làm cho chúng ta trả lại cho Thiên Chúa những điều chúng ta mắc nợ Ngài theo đức công bằng. Nhân đức thờ phượng giúp chúng ta sống tâm tình này.

1. Thờ lạy

Hành vi đầu tiên của nhân đức thờ phượng là thờ lạy.Thờ lạy Thiên Chúa là nhận biết Ngài là Thiên Chúa, là Đấng sáng tạo và cứu chuộc, là Chúa tể mọi loài, là tình yêu vô biên và giầu lòng thương xót. Thờ lạy Thiên Chúa là tôn kính và tuyệt đối quy phục Ngài vì biết tính hư vô của thụ tạo, biết sự hiện hữu của chúng ta hoàn toàn nằm trong tay Ngài.

2. Cầu nguyện

Các hành vi tin cậy mến mà điều răn thứ nhất truyền dạy được chu toàn trong kinh nguyện, tức là tỏ bày tâm tình thờ lạy, chúc tụng, cảm tạ, ăn năn và cầu xin. Cầu nguyện là hơi thở của sự sống siêu nhiên.

3. Hy lễ

Để tỏ lòng tôn kính, thờ lạy, khẩn cầu và hiệp thông với Thiên Chúa, người ta dâng lên Ngài những hy lễ. Hy lễ bên ngoài cần đi đôi với tâm tình bên trong. Chỉ có hy lễ mà Chúa Giêsu dâng trên bàn thờ Thập giá mới là lễ tế đẹp lòng Thiên Chúa. Hy lễ của chúng ta cần hiệp với hy lễ của Người.

4. Các lời hứa và lời khấn

a. Các lời hứa: người ta có thể hứa với Thiên Chúa làm những điều lành. Có những lời hứa với Thiên Chúa được bao hàm khi chịu Bí tích Rửa tội, Thêm sức, Hôn phối và Truyền Chức Thánh. Ngoài ra, do lòng sùng kính, người Kitô hữu có thể hứa với Chúa để làm việc này việc kia. Lời hứa này bày tỏ lòng yêu mến đối với Thiên Chúa, và tin tưởng Ngài là Đấng toàn năng và trung thành.

b. Lời khấn: Lời khấn là một hành vi của lòng sùng đạo. Khấn là tự hiến cho Thiên Chúa hoặc là tự nguyện và ý thức hứa với Thiên Chúa sẽ làm một điều tốt lành nào đó. Hội Thánh vốn công nhận giá trị gương mẫu của những lời khấn sống theo các lời khuyên Phúc Âm của các tu sĩ nam nữ. Trong một số trường hợp, Hội Thánh có thể miễn chuẩn những lời khấn và lời hứa vì những lý do tương xứng. Lời khấn thuộc về đức thờ phượng và buộc phải tuân giữ (x.Giáo Luật điều 1191,1)..

5. Bổn phận xã hội về tôn giáo

Người Kitô hữu không chỉ có bổn phận tôn thờ Thiên Chúa mà còn phải “cố gắng đem tinh thần Kitô giáo thấm nhuần não trạng, phong tục, luật lệ và cơ cấu của cộng đoàn nơi họ sống” (TĐ 13). Bổn phận xã hội của người Kitô hữu là tôn trọng và khơi dạy nơi mỗi con người lòng yêu mến điều chân thật, cái tốt lành. Người Kitô hữu được mời gọi trở thành ánh sáng thế gian.

III. NHỮNG TỘI NGHỊCH VỚI ĐIỀU RĂN THỨ NHẤT

Điều răn thứ nhất cấm không được tôn thờ thần linh nào khác ngoài Đức Chúa là Thiên Chúa duy nhất. Sau đây là các tội nghịch với điều răn thứ nhất:

1. Mê tín, dị đoan: là lệch lạc trong tâm tình tôn giáo và trong cách thể hiện tâm tình ấy như tôn kính những vật hoặc làm những việc không được Giáo Hội nhìn nhận.

2. Thờ ngẫu tượng: là tôn thờ bất cứ tạo vật nào thay thế Thiên Chúa như thờ ma quỷ, vật tổ, sông núi, khoái lạc, tiền bạc …Nói chung, thờ ngẫu tượng là người “gán ý niệm bất diệt về Thiên Chúa cho bất cứ thứ gì không phải là Thiên Chúa” (GLHTCG 2114)

3. Bói toán và ma thuật

a. Bói toán: là cậy nhờ ma quỷ hay cách thế nào khác để biết được tương lai, những điều bí nhiệm. Vì thế, việc coi tử vi, chiêm tinh, xem chỉ tay, giải mộng, xin xăm, bói toán, đồng bóng là nghịch với sự cung kính và tôn trọng mà chúng ta phải dành cho một mình Thiên Chúa mà thôi.

b. Ma thuật: Các thực hành ma thuật hay pháp thuật mà người ta muốn dùng để chế ngự các bí ẩn, bắt chúng phục vụ mình và nắm được quyền lực siêu phàm trên người khác, dù là để chữa bệnh,nhất là có ý làm hại người khác, đều nghịch với nhân đức thờ phượng cách nghiêm trọng

4. Hành động thử thách Thiên Chúa: Dùng lời nói hoặc việc làm để thử sự tốt lành và sự toàn năng của Thiên Chúa. Thử thách Thiên Chúa luôn hàm chứa thái độ hoài nghi về tình yêu của Ngài, sự quan phòng và quyền năng của Ngài .

5. Phạm thánh: là xúc phạm đến các bí tích hay đồ vật, người hoặc nơi đã được thánh hiến cho Thiên Chúa.

6. Mại thánh: là mua hay bán những thực tại thiêng liêng bằng tiền bạc.

IV. NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC LÀM CHO MÌNH BẤT CỨ HÌNH TƯỢNG NÀO VỀ THIÊN CHÚA

Trong Cựu Ước, giới răn này cấm trình bày Thiên Chúa, Đấng tuyệt đối siêu việt, bằng bất cứ hình thức nào. Nhưng khởi từ mầu nhiệm Nhập thể của Con Thiên Chúa, việc tôn kính ảnh tượng thánh của người Kitô hữu được xác nhận (qua Công Đồng Nicêa II năm 787) vì việc tôn kính này được đặt trên mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người, qua đó, Thiên Chúa siêu việt trở nên hữu hình. Do đó, việc tôn kính ảnh tượng: Đức Kitô, Đức Trinh nữ Maria, các thiên thần và các thánh không nghịch với giới răn thứ nhất. Vì khi tôn kính ảnh tượng, ta không tôn kính chính ảnh tượng,mà là tôn kính chính Đấng có hình ảnh đó. Lời cầu nguyện khi làm phép ảnh diễn tả tâm tình phải có: “Lạy Chúa, Chúa không chê bác việc tạc vẽ tượng ảnh của các Thánh Chúa, để mỗi lần con mắt thể xác chúng con chiêm ngưỡng ảnh tượng đó, thì con mắt ký ức cũng suy niệm hành vi và đời sống thánh thiện của các Đấng mà bắt chước”. Như thế, việc tôn kính ảnh tượng trở thành phương thế giúp cầu nguyện, sống mầu nhiệm hiệp thông các Thánh và huấn luyện đời sống đức tin.


BÀI HAI

ĐIỀU RĂN THỨ HAI

NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC

 KÊU TÊN CHÚA CÁCH BẤT XỨNG

(Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ)

(x. SGLHTCG 2142 – 2167)

“Ngươi không được dùng danh Chúa,Thiên Chúa của ngươi một cách bất xứng”(Xh 20,7).

“Anh em nghe luật dạy người xưa rằng:Chớ bội thề … còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết:đừng thề chi cả” (Mt 5,33-34)

Điều răn thứ hai dạy ta phải tôn kính Danh Chúa vì Danh Chúa là Thánh. Người ta chỉ được dùng Danh Thánh Chúa để kêu cầu, chúc tụng ngợi khen và tôn vinh Thiên Chúa. Người ta cũng phải tôn kính những gì thuộc về Chúa như vậy.

I. DANH CHÚA LÀ THÁNH

Khi mạc khải Danh Thánh cho con người, Thiên Chúa mạc khải chính bản thân thánh thiện siêu việt của Ngài. Danh Ngài là Thánh (x.Lc 1,49) như chính Thiên Chúa là Đấng Thánh. Người tín hữu phải tôn kính Danh Thánh Chúa và làm chứng cho Danh Chúa bằng cách tuyên xưng đức tin của mình mà không sợ sệt.

II. NHỮNG TỘI NGHỊCH VỚI ĐIỀU RĂN THỨ HAI

Sau đây là những lời nói, hành vi nghịch với Điều răn thứ hai:

1. Lạm dụng Danh Thiên Chúa: là việc kêu đến Danh Thiên Chúa để làm chứng cho một tội ác.

2. Không giữ những điều đã hứa: Khi nhân danh Chúa mà thề hứa điều gì thì ta phải giữ những lời hứa ấy. Không giữ những lời hứa đó là lạm dụng Danh Thiên Chúa, và một cách nào đó, làm cho Thiên Chúa thành kẻ nói dối.

3. Nói phạm thượng hay lộng ngôn: Nói phạm thượng hay lộng ngôn là trực tiếp vi phạm điều răn thứ hai. Tội này cốt tại việc nói những lời căm ghét, than trách, thách đố trong lòng hay ngoài miệng. Luật cấm nói phạm thượng cũng cấm nói những lời nghịch với Hội Thánh của Đức Kitô, các thánh, những sự thánh, nhất là khi nại đến Danh Thiên Chúa để che đậy những hành vi tội ác.Nói phạm thượng, tự bản chất, là một tội nghiêm trọng.

4. Kêu tên Chúa vô cớ dù không có ý phạm thượng cũng là thiếu tôn kính đối với Chúa

5. Thề gian: Khi người ta nại đến Thiên Chúa, Đấng là chính Chân lý, để làm chứng cho một lời nói dối.

6. Bội thề: Bội thề khi đưa ra một lời hứa kèm theo một lời thề nhưng không có ý tuân giữ hay sau khi đã dùng lời thề để hứa lại không giữ lời hứa. Đó là một tội trọng phạm đến Thiên Chúa vì Ngài là Đấng luôn trung tín với những lời Ngài đã hứa.

III. DANH HIỆU KITÔ HỮU (TÊN THÁNH)

Bí tích Rửa tội được ban “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28,19). Trong Bí tích Rửa tội, Danh Chúa thánh hóa con người, và Kitô hữu nhận được một tên riêng trong Hội Thánh.Tên này có thể là tên của một vị thánh nào đó, nghĩa là của một môn đệ đã sống đời trung thành mẫu mực với Chúa. Nhận một vị Thánh làm bổn mạng là cố gắng bắt chước göông maãu tốt lành của vị Thánh và được bảo đảm vị Thánh chuyển cầu cho trước mặt Chúa.

Mỗi khi bắt đầu ngày sống,khởi đầu cầu nguyện và làm việc, người Kitô hữu làm dấu Thánh Giá: “Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen”. Người đã chịu Phép Rửa dâng trọn ngày mình sống để tôn vinh Thiên Chúa và kêu cầu Đấng Cứu Độ ban ân sủng giúp họ hành động trong Thần Khi như một người con của Chúa Cha.Dấu Thánh Giá làm cho chúng ta nên mạnh mẽ trong các cơn cám dỗ và trong những lúc khó khăn.


BÀI BA

ĐIỀU RĂN THỨ BA

NGƯƠI PHẢI THÁNH HÓA

NGÀY CỦA ĐỨC CHÚA

(Giữ ngày Chúa Nhật)

(x. SGLHTCG 2168 – 2195)

“Ngươi hãy nhớ ngày sabát, mà coi đó là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày sabát kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào”(Xh 20,8-10)

“Ngày sabát được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày sabát. Bởi đó, con người làm chủ luôn cả ngày sabát” (Mc 2,27-28)

Điều răn thứ ba dạy ta phải thánh hóa ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc khác bằng việc tham dự Thánh lễ, tránh mọi hoạt động làm ngăn trở việc thờ phượng Chúa, cũng như việc nghỉ ngơi cần thiết cho tinh thần và thể xác.

I. NGÀY SABÁT

“Trong sáu ngày, người ta sẽ làm việc, nhưng ngày thứ bảy là ngày sabát, một ngày nghỉ hoàn toàn dâng Đức Chúa”(Xh 31,15). Đối với dân Israel, ngày sabát là ngày thánh hiến cho Thiên Chúa. Ngày đó nhắc lại công trình sáng tạo của Thiên Chúa (x.Xh 20,11) và tưởng nhớ công cuộc giải phóng dân Israel khỏi ách nô lệ Ai Cập (x. Đnl 5,15). Như vậy, dân được chọn phải tuân giữ ngày sabát như dấu chỉ của giao ước vững bền. Ngày sabát không những dành để ca tụng công trình sáng tạo và giải phóng mà còn là ngày nghỉ ngơi của dân Chúa theo mẫu gương của chính Thiên Chúa, “ trong sáu ngày Đức Chúa đã dựng nên trời đất, nhưng ngày thứ bảy, Ngài đã ngưng các việc và nghỉ ngơi” (Xh 31,17). Đức Giêsu đã nhiều lần giải thích ý nghĩa đúng đắn của ngày sabát, cũng như việc tuân giữ ngày đó theo ý định của Thiên Chúa (x.Mc 2,27-28;3,4).

II. NGÀY CHÚA NHẬT

Người Kitô hữu thay thế ngày sabát bằng ngày Chúa nhật vì ngày Chúa nhật là ngày phục sinh của Đức Kitô. ngày thứ nhất trong tuần” (Mc 16,2) ngày Chúa nhật gợi lại cuộc sáng tạo lần thứ nhất; là “ngày thứ tám” tiếp sau ngày sabát, ngày Chúa nhật biểu trưng một cuộc sáng tạo mới được khởi đầu bằng cuộc phục sinh của Đức Kitô. Như thế, đối với các Kitô hữu, ngày Chúa nhật trở thành ngày thứ nhất của mọi ngày và của tất cả mọi ngày lễ: ngày của Chúa; trong ngày này, nhờ cuộc Vượt qua, Đức Kitô hoàn tất ý nghĩa thiêng liêng ngày sabát của người Do thái và loan báo sự an nghỉ đời đời của con người trong Thiên Chúa. “Những người sống trong trật tự cũ của vạn vật, đã đi tới một niềm hy vọng mới: họ không giữ ngày sabát nữa, nhưng họ giữ ngày Chúa nhật, là ngày mà cuộc đời của chúng ta được chúc phúc bởi Chúa và bởi sự chết của Người” (Thánh Inhaxiô Antiôkia).

III. THÁNH LỄ CHÚA NHẬT 

Ngay từ thời các Tông Đồ, Chúa nhật là ngày tập họp các tín hữu để cử hành Thánh Thể. “Chúa nhật là ngày mà theo Truyền thống Tông Đồ, mầu nhiệm Phục sinh vẫn được cử hành, sẽ phải giữ trong toàn thể Hội Thánh, như ngày lễ buộc chính yếu” (GL 1246). Tất cả các tín hữu trong cộng đoàn Giáo xứ họp nhau cử hành Thánh Lễ Chúa nhật chung quanh linh mục được Đức Giám Mục ủy quyền. Chính tại cộng đoàn Giáo xứ mà sinh hoạt Phụng vụ, việc dạy Giáo lý và các công tác từ thiện được hình thành và phát triển.

IV. THÁNH HÓA NGÀY CHÚA NHẬT

1. Tham dự Thánh Lễ:  Các tín hữu buộc phải tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc khác” (GL 1247), vì toàn bộ đời sống người Kitô hữu được đặt nền tảng trên sự chết và sự sống lại của Chúa. Khi dự Thánh lễ Chúa nhật, người tín hữu:

v  Biểu lộ sự gắn bó và lòng trung thành của mình với Đức Kitô và Hội Thánh.

v  Bày tỏ sự hiệp thông đức tin và đức mến đối với Chúa và với nhau.

v  Làm chứng cho sự thánh thiện của Thiên Chúa và niềm hy vọng của mình vào ơn cứu độ.

v  Làm cho nhau nên vững mạnh dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Ngoài ngày Chúa nhật, người tín hữu còn phải giữ những ngày Lễ trọng sau: Lễ Chúa Giáng sinh, lễ Hiển linh, Lễ Chúa Lên trời, Lễ Mình Máu Chúa, lễ Mẹ Thiên Chúa, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, lễ Đức Mẹ Lên trời, lễ Thánh Giuse, lễ Thánh Phêrô và Phaolô, lễ Các Thánh (GL 1246).

2. Nghỉ việc xác: Ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc khác, các tín hữu còn phải kiêng làm việc xác và những công việc gây trở ngại cho việc thờ phượng Thiên Chúa, cho niềm vui riêng trong ngày của Chúa, cũng như việc nghỉ ngơi cần thiết cho tinh thần và thể xác.

Tuy nhiên, trong ngày Chúa nhật, các Kitô hữu có thể làm những việc liên quan đến nhu cầu của gia đình hay lợi ích lớn lao của xã hội, với điều kiện những hoạt động này không tạo thành những thói quen có hại cho việc thánh hóa ngày Chúa nhật, cho cuộc sống gia đình hay cho sức khỏe.

Người tín hữu phải nêu gương công khai về cầu nguyện, thờ phượng và sống vui tươi trong ngày của Chúa và bảo vệ truyền thống nghỉ ngơi ngày Chúa nhật, lễ trọng như một đóng góp quý báu cho đời sống tinh thần của nhân loại.

                                                                                           

        

 

 

 

 

 

 

                       

 

 


CHƯƠNG HAI

“NGƯƠI PHẢI YÊU THƯƠNG

NGƯỜI LÂN CẬN NHƯ CHÍNH MÌNH”

“Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).

Ngươi phải yêu thương người lân cận như chính mình” (Mc 12,31).

Ai yêu người thì đã chu toàn Lề Luật. Thật thế, các điều răn như: Ngươi không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn, cũng như các điều răn khác đều tóm lại trong lời này: ‘Ngươi phải yêu người lân cận như chính mình’. Đã yêu thương, thì không làm hại đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy” (Rm 13,8-10).

Để trả lời câu hỏi về điều răn trọng nhất, Chúa Giêsu nói: “Điều răn đứng đầu là: ‘Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta là Đức Chúa duy nhất; ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi’; điều răn thứ hai là: ‘Ngươi phải yêu mến người lân cận như chính mình’. Chẳng có điều răn nào lớn hơn các điều răm đó”(Mc 12,29-31).

Thánh Phaolô cũng nhắc điều này: “Ai yêu người ta thì đã chu toàn Lề Luật. Thật vậy, các điều răn như: Ngươi không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp, cũng như các điều răn khác đều tóm lại trong lời này: ‘Ngươi phải yêu người lân cận như chính mình’. Đã yêu thương, thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật” (Rm 13,8-10).

BÀI BỐN

ĐIỀU RĂN THỨ TƯ

NGƯƠI HÃY THẢO KÍNH CHA MẸ

(Thảo kính cha mẹ)

(x. SGLHTCG 2197 – 2257)

“Ngươi hãy thờ cha kính mẹ để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi” (Xh 20,12).

“Người hằng vâng phục các ngài”(Lc 2,51).

“Ai yêu người thì đã chu toàn Lề Luật” (Rm 13,8). Tình yêu ấy trước hết phải dành cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ là những người có công sinh thành dưỡng dục ta. Vì thế, điều răn thứ tư mở đầu cho bảy điều răn về yêu người đã dạy: phải thảo kính cha mẹ, nghĩa là phải tôn kính và chăm sóc cha mẹ và những ai được Thiên Chúa trao ban quyền hành để mưu ích cho chúng ta. Đây cũng là đòi hỏi rất phù hợp với truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam. Khi gia đình thực sự là cộng đồng tình yêu và sự sống, gia đình sẽ đóng góp rất nhiều cho việc xây dựng xã hội an bình, hạnh phúc.

I. GIA ĐÌNH TRONG KẾ HOẠCH CỦA THIÊN CHÚA

1. Bản chất của gia đình

Người nam và người nữ kết hợp với nhau qua hôn nhân, cùng với con cái tạo thành một gia đình. Thiên Chúa đã thiết lập gia đình và đặt nền tảng căn bản cho gia đình. Hôn nhân và gia đình được sắp xếp hướng về thiện ích của đôi vợ chồng, về việc sinh sản và giáo dục con cái. Giữa các thành viên trong gia đình có những mối liên hệ cá nhân và những trách nhiệm hàng đầu.

2. Gia đình Kitô giáo

Gia đình Kitô giáo bày tỏ và thể hiện một cách đặc biệt sự hiệp thông trong Hội Thánh, vì lẽ đó, gia đình trở thành một Hội Thánh tại gia, là một cộng đoàn đức tin, đức cậy, đức mến.

Gia đình Kitô giáo còn là sự hiệp thông giữa các nhân vị, là dấu vết và hình ảnh của sự hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. Thực vậy, việc sinh sản và giáo dục con cái trong gia đình Kitô giáo phản ánh công trình sáng tạo của Chúa Cha, và gia đình Kitô giáo được mời gọi để tham dự việc cầu nguyện và hiến tế của Chúa Kitô.

Gia đình Kitô giáo cũng là một cộng đồng ưu việt được kêu gọi để thực hiện một kế hoạch chung của đôi phối ngẫu và sự cộng tác chu đáo của cha mẹ trong việc giáo dục con cái (x. MV 52).

II. GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI

1. Vai trò của gia đình trong xã hội

Gia đình là tế bào nguyên thủy của xã hội loài người. Các nguyên tắc và giá trị của gia đình tạo nền tảng cho đời sống xã hội. Đời sống gia đình là khởi điểm của đời sống xã hội.

Vì thế, gia đình phải sống sao để mọi thành phần biết quan tâm lo lắng cho người trẻ cũng như người già, người đau yếu hay khuyết tật, và cả những người nghèo trong gia đình mình. Như thế, đời sống gia đình thực sự là cuộc khai tâm vào đời sống xã hội.

2. Trách nhiệm của xã hội đối với gia đình

Vì gia đình có tầm quan trọng đối với sự sống và sự lành mạnh của xã hội (x.MV 47), nên xã hội có trách nhiệm đặc biệt nâng đỡ, củng cố hôn nhân và gia đình. Xã hội phải có những biện pháp thích đáng để giúp đỡ và bảo vệ gia đình. Các cộng đồng lớn không được xâm phạm quyền lợi hoặc can thiệp vào nội bộ các gia đình. Trái lại, xã hội phải “bổ trợ” cho gia đình. Chính quyền có trách nhiệm phải tôn trọng, bảo vệ và cổ võ bản chất đích thực của hôn nhân và gia đình, đạo đức chung, các quyền của cha mẹ và sự thịnh vượng của các gia đình (x. MV 52).

III. BỔN PHẬN CỦA CÁC PHẦN TỬ TRONG GIA ĐÌNH

1. Bổn phận của con cái

a. Với cha mẹ

Vì ơn nghĩa sinh thành mà con cái dù lờn hay nhỏ đều phải hiếu thảo với cha mẹ. Đó là lệnh truyền của Thiên Chúa (Xh 20,12).

Ø  Hiếu thảo trước hết là biết ơn những người đã sinh thành dưỡng dục. Sách Huấn Ca viết: “Hãy hết lòng tôn kính cha con,và đừng quên những đau khổ của mẹ con. Hãy nhớ rằng các ngài đã sinh ra con, con sẽ làm gì để đền đáp ơn nghĩa?” (Hc 7,27-28).

Ø  Hiếu thảo là vâng lời: “Con ơi, hãy giữ lấy lời cha truyền, đừng quên lời mẹ dạy. Những lời đó sẽ hướng dẫn khi con đi, bảo vệ khi con nghỉ, dạy dỗ khi con thức” (Cn 6,20-22).

Ø  Hiếu thảo là giúp đỡ cha mẹ: khi đã khôn lớn, con cái có trách nhiệm giúp đỡ cha mẹ cả vật chất lẫn tinh thần, lúc bệnh tật già yếu hay lúc cô đơn buồn phiền.


b. Với anh chị em và bà con họ hàng

Điều răn thứ bốn còn dạy ta phải có tương quan tốt đẹp với anh chị em ruột trong gia đình, với bà con,anh em họ hàng. Nhờ những tương quan tốt đẹp này, con cái góp phần làm tăng thêm sự hòa thuận và thánh thiện của toàn bộ đời sống gia đình.

Ngoài ra, vì là người Kitô hữu, chúng ta còn phải biết ơn đặc biệt những người đã giúp mình lãnh nhận đức tin, được sống trong Hội Thánh như giáo sĩ, tu sĩ, giáo lý viên, thầy cô, bạn hữu …

2. Bổn phận của cha mẹ

Cha mẹ đã sinh thành thì phải dưỡng dục con cái về mọi mặt: nhân bản cũng như đức tin. Vai trò cha mẹ trong việc giáo dục con cái thật là quan trọng đến nỗi hầu như không ai thay thế được” (GĐ 3). Không những cha mẹ có quyền mà còn có bổn phận giáo dục con cái và cha mẹ là người có trách nhiệm đầu tiên trong việc giáo dục (x. GĐ 36). Thật vậy, vì được tham dự vào tình phụ tử của Thiên Chúa, cha mẹ là những người đầu tiên có trách nhiệm giáo dục con cái, và cũng là những người đầu tiên giáo dục đức tin cho con cái.

Họ có nhiệm vụ yêu thương và tôn trọng con cái, là những nhân vị và con cái của Thiên Chúa; họ có nhiệm vụ cung cấp cho con cái, theo hết khả năng của mình, những nhu cầu vật chất và tinh thần, chọn cho chúng những trường học thích hợp, và với những lời khuyên nhủ khôn ngoan, giúp chúng chọn lựa nghề nghiệp hay bậc sống.

Đặc biệt, cha mẹ có sứ vụ giáo dục đức tin Kitô giáo cho con cái. Phương thế mà các bậc cha mẹ sử dụng để giáo dục đức tin cho con cái chủ yếu là gương sáng, kinh nguyện, dạy giáo lý trong gia đình và tham dự vào đời sống Hội Thánh.

Tuy nhiên, các mối liên hệ trong gia đình, dù rất quan trọng, nhưng không phải là tuyệt đối, bởi vì ơn gọi tiên quyết của người Kitô hữu là bước theo Đức Kitô bằng cách yêu mến Người: “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy thì không đáng làm môn đệ Thầy. Ai yêu con trai,con gái mình hơn Thầy thì không đáng làm môn đệ Thầy” (Mt 10,37). Cha mẹ phải vui mừng giúp đỡ con cái bước theo Chúa Giêsu trong tất cả các bậc sống, kể cả trong đời sống thánh hiến hay thừa tác vụ linh mục.

IV. QUYỀN BÍNH TRONG XÃ HỘI

Bản Toát Yếu Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo viết: “Quyền bính phải được thực thi như một sự phục vụ, nhờ tôn trọng các quyền lợi căn bản của con người bậc thang giá trị đúng đắn, các luật lệ, sự công bằng phân phối và nguyên lý hỗ trợ. Khi thực thi quyền hành, mỗi người phải tìm lợi ích cho tập thể chứ không phải cho bản thân. Các quyết định của họ phải dựa trên chân lý về Thiên Chúa, về con người và về thế giới.

Công dân phải coi cấp trên như những người đại diện Thiên Chúa, góp phần cộng tác cách chính trực với họ để đời sống công cộng và xã hội được hoạt động tốt đẹp. Điều này bao gồm cả tình yêu và việc phục vụ tổ quốc, quyền lợi và bổn phận bầu cử, đóng thuế, bảo vệ tổ quốc và quyền phê phán mang tính xây dựng.

Tuy nhiên, “theo lương tâm,người công dân không phải vâng phục những mệnh lệnh khi chúng đi ngược lại các đòi hỏi của trật tự luân lý” (câu 463-465).

V. ĐIỀU RĂN IV VÀ ĐẠO HIẾU CỦA CON NGƯỜI VIỆT NAM

1. Điều răn thứ tư mở đầu cho bảy điều răn về yêu người và là một trong các nền tảng của học thuyết xã hội của Hội Thánh. Điều răn này đòi hỏi phải thảo kính cha mẹ. Hơn thế nữa, điều răn này còn soi sáng cho các mối liên hệ khác trong gia đình và xã hội, giúp mọi người nhận ra anh chị em ruột thịt hay họ hàng là con cái của cha mẹ, chú bác, cô dì …, nhận ra mọi đồng bào đều là con của tổ quốc, nhận ra những người đã được Rửa tội đều là con cái của mẹ Hội Thánh, và mỗi người đều là con của Đấng muốn mọi người gọi Ngài là Cha. Vì thế, người thân cận ta không phải chỉ là một cá thể xa lạ trong tập thể loài người, nhưng là một người đáng để ta đặc biệt quan tâm và kính trọng (x. SGLHTCG 2212).

2. Người Kitô hữu Việt Nam sống trong lòng dân tộc đã có sẵn truyền thống rất tốt đẹp để sống với nhau trong gia đình, ngoài xã hội và đối với cả trời đất. Đạo Hiếu Việt Nam dạy:                     

Uống nước nhớ nguồn.

Làm con phải hiếu

Một lòng thờ mẹ kính cha,

Cho tròn chữ yếu mới là đạo con”.    

Nghĩa là phải phụng dưỡng cha mẹ lúc còn sống cũng như khi đã qua đời (sự sinh như sự tử), là chăm lo săn sóc lúc cha mẹ già yếu;và sau khi chết phải lo an táng, lễ giỗ, lập bàn thờ, xây đắp mộ, nhang đèn để tỏ lóng báo hiếu. Đối với thầy cô thì dù được một chữ hay nửa chữ cũng không quên ơn thầy (nhất tự vi sư, bán tự vi sư)… Đó là những vốn quý của dân tộc mà người Kitô hữu Việt Nam phải trân trọng và Phúc Âm hóa, theo gương Đức Kitô. Đức Kitô là mô hình tuyệt hảo về lòng hiếu thảo với Cha trên trời: “Xin theo ý Cha , đừng theo ý Con” (Mt 26,39), với cha mẹ dưới đất: “Người hằng vâng phục các ngài” (Lc 2,52). Người cũng là mô hình tuyệt hảo cho những ai có trách nhiệm trên người khác, vì Người là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các môn đệ (x.Ga 13,14). Người Kitô hữu Việt Nam phải phát huy truyền thống Đạo Hiếu của dân tộc, như chỉ thị của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam để xóa đi những thành kiến của nhiều người cho rằng theo Đạo Thiên Chúa là bỏ ông bà (x. Thông cáo của HĐGMVN năm 1965).

 

 


BÀI NĂM

ĐIỀU RĂN THỨ NĂM

NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC GIẾT NGƯỜI

(Chớ giết người)

(x. SGLHTCG 2258-2330)

“Ngươi sẽ không phạm tội giết người” (Xh 20,13).

“Anh em đã nghe luật dạy người xưa rằng: chớ giết người. Ai giết người thì đáng bị đưa ra tòa. Còn Thầy, Thầy bảo anh em biết, ai giận anh em mình thì phải bị đưa ra tòa” (Mt 5,21-22)

Điều răn thứ năm dạy phải tôn trọng sự sống con người,sự sống toàn vẹn và trong mọi chiều kích. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo viết: “Sự sống con người phải được coi là linh thánh, vì từ lúc khởi đầu của mình, sự sống đó ‘đòi phải có hành động của Đấng Tạo Hóa’ và mãi mãi được liên kết một cách đặc biệt với Đấng Tạo Hóa, là cùng đích duy nhất của mình. Chỉ có Thiên Chúa là Chúa của sự sống từ khi sự sống khởi đầu cho tới khi kết thúc: không ai, trong bất cứ hoàn cảnh nào, có thể dành cho mình quyền trực tiếp đem cái chết đến cho một thụ tạo nhân linh vô tội” (2258).

I. TÔN TRỌNG SỰ SỐNG CON NGƯỜI

Sự sống của con người là điều linh thánh. Thật vậy, ngay từ khởi đầu, sự sống đã do Thiên Chúa sáng tạo và sự sống mãi mãi nằm trong một liên hệ đặc biệt với Đấng Sáng Tạo, là cùng đích duy nhất của minh. Không ai được phép trực tiếp hủy hoại một con người vô tội, vì điều này đối nghịch cách nghiêm trọng với phẩm giá và với sự thánh thiện của Đấng Sáng Tạo. Trình thuật Cain giết em là Abel cho thấy, ngay từ đầu lịch sử loài người đã có cảnh máu đổ do huynh đệ tương tàn. Cựu Ước luôn coi máu như dấu hiệu linh thánh của sự sống (x. Lv 17,14) và xác định rằng: “Ngươi không được giết người vô tội cũng như người công chính” (Xh 23,7). Giáo lý này vẫn luôn là điều cần thiết cho mọi thời đại (x. SGLHTCG 2260).

Chúa Giêsu đã nhắc lại giới răn này: “Ngươi không được giết người” (Mt 5,21) và còn thêm rằng: “không được giận ghét hoặc oán thù” (Mt 5,22). Người còn đòi môn đệ “nếu bị vả má phải, thì giơ luôn má trái nữa” (Mt 5,39) và “phải yêu cả kẻ thù” (Mt 5,44). Chính Người cũng đã không tự vệ khi bị bắt trói và còn bảo ông Phêrô “cất gươm vào vỏ” (Mt 26,52).

II. TỰ VỆ HỢP PHÁP

Yêu mến bản thân là một nguyên tắc căn bản của luân lý. Vì vậy, làm thế nào để quyền được sống của chính mình được tôn trọng là điều hợp pháp. “Nếu vì bảo vệ sự sống của mình thì không mắc tội giết người, mặc dù có giáng một đòn chí tử vào kẻ tấn công” (SGLHTCG 2264).

Đối với những người có trách nhiệm về mạng sống của người khác, việc bảo vệ hợp pháp không những là một quyền mà còn là một nhiệm vụ quan trọng.

Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, không được sử dụng bạo lực vượt quá những gì cần thiết.

III. NHỮNG TỘI NGHỊCH VỚI ĐIỀU RĂN THỨ NĂM

Điều răn thứ năm cấm những hành vi trái ngược cách nghiêm trọng với luật luân lý:


1. Tội giết người có chủ ý

Điều răn thứ năm coi việc giết người cách trực tiếp và có chủ ý là một trọng tội. Kẻ sát nhân và người cộng tác một cách có chủ ý đều phạm tội trọng.

Ta cũng không được phép giết người cách gián tiếp như đưa người ta vào chỗ nguy hiểm hay từ chối giúp đỡ khi người ta lâm nguy.

2. Phá thai

Sự sống con người, ngay từ lúc tượng thai, phải được tôn trọng và bảo vệ cách tuyệt đối (x. SGLHTCG 2270).

Ngay từ thế kỷ thứ I, Hội Thánh đã khẳng định rằng mọi cuộc cố tình phá thai là trái với luân lý. Giáo huấn này vẫn không hề thay đổi. Người phá thai và người cộng tác vào việc phá thai là một trọng tội. Hội Thánh đã ra vạ tuyệt thông cho người phạm tội phá thai (GL 1398).

3. Làm chết êm dịu

Trực tiếp làm cho những người tật nguyền, ốm đau hoặc hấp hối được chết êm dịu là không thể chấp nhận được về mặt luân lý, dù với bất cứ lý do hay phương tiện nào, vì nghịch với phẩm giá con người và xúc phạm đến Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa. Nếu ngưng dùng các loại thuốc quá đắt đỏ vượt quá khả năng tài chánh của mình, nguy hiểm, quá khác thường hoặc không xứng với kết quả mong muốn, và do đó đương sự phải chết, thì hợp pháp. Lý do vì không phải muốn làm người đó chết, nhưng chỉ là chấp nhận không thể ngăn cản được sự chết. Tuy nhiên,việc này phải được chính bệnh nhân hay người hưởng quyền trước pháp luật quyết định.


4. Tự sát

Tự sát và chủ ý cộng tác vào việc tự sát là một xúc phạm nghiêm trọng đến tình yêu chính đáng đối với Thiên Chúa, đối với chính mình và đối với tha nhân. Về phần trách nhiệm, tội tự sát có thể nghiêm trọng hơn khi gây gương xấu, nhưng cũng có thể giảm thiểu vì những rối loạn tâm lý đặc biệt hoặc vì những sợ hãi trầm trọng.

IV. TÔN TRỌNG PHẨM GIÁ CON NGƯỜI

Điều răn thứ năm không chỉ ngưng lại ở những cấm đoán, nhưng còn mời gọi tôn trong sự sống cách tích cực và toàn diện.

1. Tôn trọng linh hồn tha nhân: gương xấu

Gương xấu hệ tại ở việc dẫn người khác đến chỗ phạm tội. Người ta phải loại bỏ gương xấu vì tôn trọng linh hồn và thể xác con người. Nếu ai cố ý dẫn dắt người khác phạm một điều xấu nặng nề, thì chính người dẫn dắt đã phạm một tội nghiêm trọng.

2. Tôn trọng sức khỏe

Chúng ta phải chăm sóc sức khỏe thân xác của mình và của tha nhân cách hợp lý, nhưng phải tránh xa việc tôn thờ thân xác và mọi thứ thái quá. Ngoài ra, còn phải tránh sử dụng ma túy, vì nó gây nên sự hủy hoại trầm trọng cho sức khỏe và đời sống con người, cũng phải tránh sự lạm dụng các thứ như thực phẩm, rượu, thuốc hút và các thứ thuốc men.

3. Tôn trọng con người và nghiên cứu khoa học

Những nghiên cứu khoa học, y học hay tâm lý học về con người hoặc về các nhóm người, có thể giúp chữa trị bệnh tật và thăng tiến sức khỏe của mọi người. Tuy nhiên, về mặt luân lý, các thí nghiệm ấy là hợp pháp nếu chúng phục vụ cho lợi ích toàn vẹn thể lý hay tâm lý của các cá nhân và xã hội, mà không gây ra những rủi ro không cân xứng cho sự sống và sự toàn vẹn thể lý hay tâm lý của các cá nhân; những người nhận thí nghiệm phải được thông báo trước và đã ưng thuận.

Còn về việc ghép các bộ phận cơ thể, về mặt luân lý, có thể được chấp nhận với sự ưng thuận của người cho và không gây nguy hiểm quá đáng cho người đó. Hiến tặng các bộ phận sau khi chết là một hành vi cao quý, nhưng trước khi lấy các bộ phận đó, phải xác định người hiến tặng chắc chắn đã chết.

4. Tôn trọng sự toàn vẹn của thân thể

Phải tôn trọng sự toàn vẹn thể lý của con người. Những vụ bắt cóc, bắt người làm con tin, khủng bố, tra tấn, bạo lực, trực tiếp làm người ta vô sinh là đối nghịch với sự tôn trọng sự toàn vẹn của thân thể. Việc cắt bỏ một phần thân thể của một người chỉ được chấp nhận về mặt luân lý nếu mục đích là  để chữa bệnh cho chính người đó.

5. Tôn trọng người chết

a. Với người hấp hối: Những người hấp hối có quyền được sống xứng đáng với phẩm giá vào giây phút cuối cùng của đời sống trần thế, nhất là được nâng đỡ bằng lời cầu nguyện và các Bí tích, giúp họ chuẩn bị gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống.

b. Với người quá cố: Thân xác người quá cố phải được đối xử với lòng tôn trọng và bác ái. Hội Thánh cho phép hỏa táng, nếu việc này không biểu lộ sự hoài nghi về đức tin vào sự phục sinh của thân xác (x.GL 1176,3).

V. BẢO VỆ HÒA BÌNH

1. Hòa bình

Khi nhắc lại điều răn: “Chớ giết người”(Mt 5,21), Chúa Giêsu đòi chúng ta phải có sự bình an trong tâm hồn và kết án thái độ giận dữ, tức là muốn báo thù vì điều xấu đã phải gánh chịu, và lòng thù ghét, nghĩa là ao ước điều xấu cho tha nhân. Những thái độ này, nếu cố ý và ưng theo trong những vấn đề rất quan trọng, đều là những trọng tội nghịch với đức bác ái.

Ngoài ra, sự tôn trọng và sự phát triển đời sống con người đòi phải có hòa bình. Thật vậy, hòa bình trên thế giới cần thiết để đời sống con người được tôn trọng và phát triển. “Hòa bình không phải chỉ là vắng bóng chiến tranh hay là sự cân bằng các thế lực đối lập, nhưng là sự ổn định trật tự” (MV78). Hòa bình trên thế giới còn là sự phân phối cách công bằng và bảo vệ tài sản của con người, sự tôn trọng phẩm giá con người và các dân tộc, sự kiên trì thực hiện công bằng và tình huynh đệ. Hòa bình trần thế là hình ảnh và hoa trái bình an của Đức Kitô.

2. Tránh chiến tranh

Mỗi người đều buộc phải hành động để tránh chiến tranh.Tuy nhiên, “bao lâu nguy cơ chiến tranh tồn tại, bao lâu chưa có quyền bính quốc tế nào có thẩm quyền và có đủ sức mạnh, thì một khi đã tận dụng mọi phương thế dàn xếp ôn hòa, các chính phủ có thể được phép sử dụng quyền tự vệ hợp pháp” (MV 79).

Để có thể thi hành quyền tự vệ chính đáng bằng quân sự, xét về mặt luân lý cần phải hội đủ các điều kiện sau đây:

a. Những thiệt hại do bên gây hấn gây ra cho quốc gia và cộng đồng các quốc gia phải lâu dài, nặng nề và chắc chắn.

b. Tất cả các giải pháp hòa bình đều thất bại

c. Phải hội đủ các điều kiện quan trọng để thành công

d. Việc sử dụng vũ khí không kéo theo những tai hại và hỗn loạn nghiêm trọng hơn tai hại ta đang cố gắng loại trừ (x. SGLHTCG 2309).

Trong trường hợp phải tiến hành chiến tranh tự vệ, chính quyền có quyền và bổn phận áp đặt trên công dân nghĩa vụ cần thiết cho việc quốc phòng. “Đối với những ai hy sinh phục vụ tổ quốc trong quân ngũ, họ phải coi mình như những người đem lại an ninh và tự do cho các dân tộc. Và nếu họ chu toàn bổn phận này, họ thực sự đóng góp vào việc củng cố hòa bình” (MV 79,5).

Tuy nhiên, dù trong chiến tranh, lúc nào luật luân lý cũng có hiệu lực. Luật này đòi buộc phải xử sự cách nhân đạo với những người không chiến đấu, các chiến binh bị thương và các tù binh.

v  Tóm lại: vì chiến tranh luôn gây ra những sự dữ và bất công, nên chúng ta phải làm tất cả những gì hợp lý để ngăn chặn chiến tranh bằng bất cứ giá nào. Những bất công và bất bình đẳng thái quá trong lãnh vực kinh tế xã hội, lòng tham lam, sự ngờ vực và tính kiêu căng đang sinh sôi nảy nở giữa con người với nhau, giữa các quốc gia, không ngừng đe dọa nền hòa bình và gây ra chiến tranh. Bất cứ điều gì được thực hiện nhằm khắc phục những xáo trộn này, đều góp phần vào việc xây dựng hòa bình và tránh chiến tranh. “Phúc cho ai xây dựng hòa bình,vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9).


BÀI SÁU

ĐIỀU RĂN THỨ SÁU VÀ THỨ CHÍN

™ X ˜

A. ĐIỀU RĂN THỨ SÁU

NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC NGOẠI TÌNH

(Chớ làm sự dâm dục)

                                               (x. SGLHTCG 2331 – 2400 )

“Ngươi không được ngoại tình”(Xh 20,14).

“Anh em đã nghe luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5,27-28).

I.  GIÁ TRỊ CỦA PHÁI TÍNH

Tông Huấn về gia đình viết: “Thiên Chúa là tình yêu. Ngài sống nơi chính bản thân mình mầu nhiệm hiệp thông và yêu thương. Khi tạo dựng con người có nam có nữ giống hình ảnh Ngài …Ngài khắc ghi trong họ ơn gọi, nghĩa là khả năng và trách nhiệm tương ứng, để sống yêu thương và hiệp thông”(11). Như thế loài người có hai phái: nam và nữ. Mỗi phái có đặc tính riêng gọi là phái tính. Phái tính chi phối mọi khía cạnh của con người cả hồn lẫn xác, đặc biệt là khía cạnh cảm xúc, khả năng yêu thương và sinh sản, nói tổng quát hơn là khả năng nối kết những quan hệ để hiệp thông với người khác.

Mỗi người phải chấp nhận phái tính riêng của mình và nhận ra tầm quan trọng của nó đối với toàn thể con người, tính đặc thù của mỗi phái tính và hai phái tính bổ túc cho nhau.


II. ƠN GỌI KHIẾT TỊNH

Khiết tịnh là sự điều hợp thành công tính dục trong con người. Tính dục thực sự nhân bản khi được hòa hợp cách đúng đắn trong liên hệ giữa người và người. Khiết tịnh là một nhân đức luân lý, một ơn lộc của Thiên Chúa, một ân sủng, một hoa trái của Thánh Thần.

Như vậy, nhân đức khiết tịnh bao gồm toàn bộ nhân vị và sự trọn vẹn của việc hiến thân.

1. Toàn bộ nhân vị

Người khiết tịnh giữ được toàn bộ sức mạnh của sự sống và tình yêu, đã được đặt nơi con người mình. Sự toàn vẹn này bảo đảm sự thống nhất của nhân vị, chống lại mọi thái độ làm tổn thương đến sự thống nhất đó. Nó không chấp nhận cuộc sống hai mặt, lời nói hai ý.

Nhân đức khiết tịnh đòi hỏi sự rèn luyện để làm chủ bản thân, như cách biểu lộ sự tự do của con người, hướng đến việc tự hiến bản thân. Để đạt được mục đích này, cần phải có sự giáo dục đầy đủ và thường xuyên, được thực hiện qua từng giai đoạn tăng trưởng.

2. Sự trọn vẹn của việc hiến thân

Đức khiết tịnh là trường dạy việc hiến thân. Sự tự chủ được quy hướng tới sự tự hiến. Đức khiết tịnh hướng dẫn người thực thi nhân đức đó trở thành chứng nhân về lòng trung tín và yêu thương của Thiên Chúa trước mặt người lân cận. Đức khiết tịnh được biểu lộ cách đặc biệt trong tình bằng hữu đối với người lân cận. Tình bằng hữu được triển nở giữa những người cùng phái hoặc khác phái, là điều thiện hảo lớn lao cho mọi người. Tình bằng hữu dẫn đến sự hiệp thông tinh thần.

3. Những cách sống khiết tịnh

Có nhiều phương tiện như ân sủng Thiên Chúa, sự trợ giúp của các Bí tích, việc cầu nguyện, sự xét mình,việc thực hành khổ chế tùy theo những hoàn cảnh khác nhau, việc thực hành các nhân đức luân lý, đặc biệt là nhân đức tiết độ, nhằm giúp lý trí hướng dẫn các đam mê.

Là người Kitô hữu, chúng ta được mời gọi luôn nhìn Đức Kitô là khuôn mẫu đời sống khiết tịnh. Chúng ta được mời gọi sống khiết tịnh tùy theo bậc sống của mình: những người sống bậc đồng trinh hay độc thân của đời thánh hiến, là cách sống trổi vượt để sẵn sàng hiến mình cho Thiên Chúa với trọn tâm hồn; những người lập gia đình được mời gọi sống khiết tịnh theo bậc vợ chồng; những người không lập gia đình cũng đươc mời gọi sống khiết tịnh bằng cách tiết dục.

III. NHỮNG TỘI NGHỊCH ĐỨC KHIẾT TỊNH

Tùy theo bản chất của từng đối tượng, những tội sau đây là những tội nặng phạm đến đức khiết tịnh:

1. Mê dâm dục : là sự ham muốn vô trật tự hay hưởng thụ vô độ khoái lạc tình dục mà không nhằm mục đích sinh sản và kết hợp trong tình yêu.

2. Thủ dâm:  là việc chủ ý kích thích cơ quan sinh dục để đạt được khoái lạc tình dục.

3. Gian dâm hay tà dâm: là quan hệ xác thịt ngoài hôn nhân giữa một người nam và một người nữ còn tự do.

4. Khiêu dâm:  cốt tại việc đem những hành vi tính dục, có thật hay giả vờ, ra khỏi vòng thân mật của những người trong cuộc, chủ ý phơi bày cho những người khác.

5. Mại dâm: Dùng thân xác nam hay nữ làm phương tiện thu lợi nhuận bất chính. Kẻ mua, người bán và người chứa chấp, kẻ chủ mưu đều phạm lỗi nặng vì nó làm băng hoại xã hội, chà đạp nhân phẩm con người và làm nô lệ cho dục vọng.

6. Hiếp dâm: là dùng sức mạnh, với bạo lực, bắt kẻ khác quan hệ tình dục với mình.

7. Đồng tình luyến ái:  Giáo hội khẳng định hành vi đồng tình luyến ái trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng là thác loạn và không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, Giáo hội khuyên các chủ chăn và các tín hữu hãy đón nhận những anh chị em này với lòng tôn trọng, thông cảm và tế nhị, tránh đối xử bất công với họ.Họ cũng được kêu gọi sống khiết tịnh.

v  Tóm lại, dù trong bản văn Thánh Kinh về Mười Điều Răn, chúng ta chỉ đọc thấy “Ngươi chớ phạm tội ngoại tình” (Xh 20,14), nhưng truyền thống Hội Thánh vẫn theo sát các giáo huấn luân lý của Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước, luôn xem điều răn thứ sáu như bao gồm tất cả các tội phạm đến đức khiết tịnh.

IV. GIÁ TRỊ HÔN NHÂN

Theo ý định của Thiên Chúa, phái tính hướng về tình yêu; tình yêu hướng về sự kết hợp nam nữ làm thành đời sống hôn nhân. Đời sống hôn nhân không phải chỉ dừng lại ở hành vi tính dục, nhưng nó vươn xa hơn trong trách nhiệm cùng xây dựng cho nhau,góp phần xây dựng xã hội và Giáo hội. Những hành vi vợ chồng trong hôn nhân là chính đáng và thánh thiện, khi nó được thực hiện trong khuôn khổ hợp pháp của hôn nhân. Đời sống hôn nhân gia đình đòi hai người phải chung thủy và sẵn sàng đón nhận con cái Chúa ban.

1. Những bổn phận của hôn nhân : Thiên Chúa đã thiết lập thể chế hôn nhân và sắp đặt những quy luật cho đời sống chung ấy dựa trên sự đồng thuận của hai người là vĩnh viễn và độc hữu. Như thế, vợ chồng phải sống trung thành với nhau mãi mãi,trừ khi một trong hai người qua đời.

Hôn nhân có hai mục đích: đem lại hạnh phúc cho nhau và sinh sản, giáo dục con cái. Tình yêu vợ chồng tự nhiên trong hôn nhân hướng về sinh sản, nên cha mẹ phải đón nhận con cái như những quà tặng của Chúa ban hầu tham dự vào việc sáng tạo của Thiên Chúa, một thiên chức cao cả của hôn nhân.

Một khía cạnh đặc biệt của trách nhiệm liên quan đến việc điều hòa sinh sản.Việc điều hòa sinh sản được Giáo hội dạy như sau:

a. Khi có lý do chính đáng, vợ chồng được quyền kéo dài thời gian có con hay bớt số con. Việc làm này phù hợp cách khách quan với luật luân lý, khi được chính đôi vợ chồng thực hiện, mà không bị một áp lực bên ngoài, cũng không do ích kỷ, nhưng vì những lý do chính đáng và bằng những phương pháp phù hợp với những tiêu chuẩn khách quan của luân lý, nghĩa là nhờ việc tiết dục định kỳ và sử dụng những thời kỳ không thể thụ thai như phương pháp Ogino và Knauss …

b. Tránh sử dụng những phương pháp điều hòa sinh sản không phù hợp với luân lý. Mọi hành động nhằm mục đích tạo phương thế ngăn cản sự truyền sinh, ví dụ như trực tiếp triệt sản hoặc chống lại sự thụ thai, trước hoặc trong khi giao hợp, tự bản chất là không hợp luân lý.

c. Việc thụ tinh và thụ thai nhân tạo không thể chấp nhận về mặt luân lý, vì tách rời việc sinh sản với hành vi mà nhờ đó đôi vợ chồng trao hiến cho nhau, và như vậy, áp đặt kỹ thuật lên trên nguồn gốc và vận mệnh của con người. Hơn nữa, việc thụ tinh và thụ thai nhờ người khác, tức là nhờ kỹ thuật để làm cho một người ngoài can dự vào hành vi vợ chồng, vi phạm quyền của đứa bé được sinh ra từ người cha và người mẹ của nó,hai người được liên kết với nhau bằng hôn nhân và có độc quyền là chỉ nhờ nhau mà cả hai mới được làm cha,làm mẹ.

d. Trường hợp các đôi vợ chồng không có con, Giáo hội khuyên : nếu không được Thiên Chúa ban tặng con cái, sau khi đã tận dụng mọi trợ giúp chính đáng của y khoa, đôi vợ chồng có thể sống quảng đại qua việc bảo trợ hay nhận con nuôi, hoặc tham gia những công tác phục vụ tha nhân. Như thế, họ thực hiện một sự sinh sản quý giá về mặt thiêng liêng.

2. Những tội xúc phạm đến phẩm giá của hôn nhân

a. Ngoại tình: Người đã có vợ hay chồng quan hệ tình dục với người khác ngoài người bạn đời của mình. Đức Kitô lên án tội ngoại tình, ngay cả khi chỉ là ngoại tình trong ước muốn (x. Mt 5,27-28). Điều răn thứ sáu và Tân Ước tuyệt đối cấm ngoại tình. Tội ngoại tình là một sự bất công. Người phạm tội này làm tổn thương dấu chỉ của giao ước là dây liên kết hôn nhân, vi phạm quyền của người phối ngẫu kia, và xâm phạm thể chế hôn nhân khi vi phạm hôn ước, là nền tảng của thể chế đó. Người đó làm phương hại đến điều thiện hảo của việc sinh sản và của con cái, vốn cần đến sự kết hợp bền vững của cha mẹ.

b. Ly dị: Giữa những người đã chịu Phép Rửa, “hôn nhân thành nhận và hoàn hợp (ratum et consummatum) không thể được tháo gỡ do bất cứ quyền bính nhân loại nào, và vì bất cứ lý do nào, trừ lý do tử vong” (GL 1141).

Ly dị là một xúc phạm nghiêm trọng đối với luật tự nhiên. Ly dị cố ý phá vỡ khế ước đã được đôi phối ngẫu tự do ưng thuận, để sống với nhau cho tới chết. Ly dị làm tổn thương Giao ước cứu độ mà Bí tích Hôn phối là dấu chỉ. Sự tái hôn, mặc dầu được luật dân sự công nhận, càng làm cho tình trạng đổ vỡ thêm nghiêm trọng: người tái hôn, sau khi ly dị, sống trong tình trạng ngoại hôn công khai và thường xuyên. Ly dị gây nên xáo trộn đời sống gia đình và xã hội vì người bạn đời bị ruồng bỏ, con cái bơ vơ và tạo nên những hậu quả tai hại cho Giáo hội và xã hội. Người bị ruồng bỏ được xem là không có lỗi gì.

Khi cần thiết vì lợi ích chung của hai người, Giáo hội cho phép vợ chồng được ly thân (không lập gia đình với người khác). Việc ly dị luật đời mà không tái hôn cũng được kể là ly thân nếu việc ly dị dân sự là phương cách duy nhất để bảo đảm một số quyền lợi hợp pháp như việc chăm sóc con cái  hoặc bảo vệ tài sản (x.GLHTCG 2383).

c. Đa thê, đa phu: Một người chồng có nhiều vợ hoặc một người vợ có nhiều chồng đều đi ngược lại với luật hôn nhân gia đình, vì nó trực tiếp chối bỏ kế hoạch của Thiên Chúa là một vợ một chồng, đối nghịch lại với phẩm giá con người.

d. Loạn luân: Tội quan hệ tình dục giữa những người trong họ hàng cùng huyết tộc hay hôn tộc còn trong giới hạn luật cấm kết hôn với nhau.

e. Tự do chung sống: Người nam và nữ tự đến chung sống với nhau như vợ chồng mà không có hôn phối là lỗi luật hôn nhân. Thói quen sống thử là xúc phạm đến phẩm giá hôn nhân, phá hủy sự cao quý của gia đình.

™ X ˜

B. ĐIỀU RĂN THỨ CHÍN

NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC

HAM MUỐN VỢ NGƯỜI TA

(Chớ muốn vợ chồng người)

(SGLHTCG từ 2514 đến 2527)

“Ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi nam tớ nữ, con bò, con lừa hay bất cứ vật gì của người ta” (Xh 20,17).

“Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5,28).

Thánh Gioan phân biệt ba loại ham muốn hay dục vọng: dục vọng của xác thịt, dục vọng của đôi mắt và lối sống kiêu kỳ (x. 1Ga 2,16). Theo truyền thống dạy Giáo lý Công giáo, điều răn thứ chín cấm dục vọng của xác thịt.

Điều răn thứ chín đòi buộc phải chiến thắng đam mê xác thịt trong tư tưởng cũng như trong ước muốn. Như vậy, điều răn thứ chín cấm nuôi dưỡng những ý tưởng và ước muốn về những hành vi bị điều răn thứ sáu cấm đoán.

Để chiến thắng dục vọng xác thịt, phải cần đến việc thanh luyện tâm hồn và thực hành đức tiết độ.

I. THANH LUYỆN TÂM HỒN

Mối phúc thứ sáu công bố: “Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch,vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8). Để có tâm hồn trong sạch, người tín hữu phải biết làm cho lý trí và ý chí của mình phù hợp với những đòi hỏi của sự thánh thiện của Thiên Chúa, chủ yếu trong ba lãnh vực: trong đức mến, trong sự khiết tịnh hay ngay thẳng về tính dục, trong sự yêu mến chân lý và đức tin chính thống. Có mối dây liên kết giữa sự trong sạch của tâm hồn, của thân thể và của đức tin.

Như thế, với ơn Chúa, trong cuộc chiến đấu chống lại các ước muốn sai trái, người tín hữu đạt được sự thanh sạch của tâm hồn nhờ nhân đức và hồng ân khiết tịnh, nhờ sự trong sáng nơi ý hướng, nơi cái nhìn bên ngoài và bên trong, nhờ chế ngự các giác quan, trí tưởng tượng và nhờ lời cầu nguyện.

Tâm hồn trong sạch sẽ giúp chúng ta biết nhận ra thân thể con người của mình, của người khác là đền thờ của Chúa Thánh Thần, là biểu lộ vẻ đẹp thần linh.

II. THỰC HÀNH ĐỨC TIẾT ĐỘ

1. Sự trong sạch đòi phải có nết na. Đây là một phần không thể thiếu của đức tiết độ.

ü  Sự nết na giúp gìn giữ những gì thầm kín của con người. Nó hướng dẫn cái nhìn và cử chỉ cho phù hợp với phẩm giá của con người và những giao tế của họ.

ü  Sự nết na bảo vệ mầu nhiệm của con người và mầu nhiệm tình yêu của họ. Nó mời gọi nhẫn nại và điều độ trong quan hệ yêu đương. Sự nết na cũng là sự đoan trang, nó gợi hứng cho việc lựa chọn y phục. Sự nết na cũng là sự thận trọng, nó giúp giữ sự dè dặt khi có nguy cơ tò mò thiếu lành mạnh.

2. Ngoài ra, đức trong sạch Kitô giáo còn đòi hỏi sự thanh tẩy bầu khí xã hội. Sự trong sạch của tâm hồn giải thoát khỏi nạn khiêu dâm đang lan tràn và đẩy xa những màn trình diễn nhằm kích thích sự tò mò không trong sạch và những hình ảnh không đứng đắn.

Hiến Chế Mục Vụ viết: “Tin Mừng của Đức Kitô không ngừng đổi mới đời sống và văn hóa của con người đã sa ngã, chống lại và loại bỏ những sai lầm và điều xấu, xuất phát do sức quyến rũ thường xuyên của tội lỗi. Tin Mừng không ngừng thanh tẩy và nâng cao các phong hóa của các dân tộc. Nhờ những nguồn phong phú từ trên cao, Tin Mừng làm trổ sinh hoa trái, như từ bên trong, các phẩm chất tinh thần và các truyền thống của mỗi dân tộc và mỗi thời đại. Tin Mừng củng cố, kiện toàn và phục hồi những điều đó trong đức Kitô”(58).

 

 


BÀI BẢY

ĐIỀU RĂN THỨ BẢY VÀ THỨ MƯỜI

™ X ˜

A. ĐIỀU RĂN THỨ BẢY

NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC TRỘM CẮP

(Chớ lấy của người)

 (x. SGLHTCG 2401-2463)

“Ngươi không được trộm cắp”(Xh 20,15)

“Ngươi không được trộm cắp”(Mt 19,18)

Điều răn thứ bảy cấm lấy hoặc giữ của cải của người khác cách bất công hay làm thiệt hại của cải của họ bất cứ bằng cách nào. Điều răn này dạy phải giữ đức công bằng và bác ái về những của cải trần thế và thành quả lao động của con người. Vì công ích, điều răn này đòi phải tôn trọng quyền chung hưởng các của cải trần thế để phục vụ Thiên Chúa và tình bác ái huynh đệ.

I. QUYỀN CHUNG HƯỞNG VÀ QUYỀN TƯ HỮU CỦA CẢI

1. Quyền chung hưởng: Dựa vào Thánh Kinh, người Kitô hữu hiểu rằng Thiên Chúa đã trao trái đất và các tài nguyên của nó cho nhân loại chung sức quản lý để chăm sóc, chế ngự và hưởng dùng. Như thế, của cải của công trình tạo dựng được dành cho toàn thể nhân loại. Hiến chế Mục vụ viết: “Thiên Chúa đã đặt định trái đất và mọi vật trên trái đất thuộc quyền sử dụng của mọi người, và của mọi dân tộc. Chính vì thế, của cải được tạo dựng phải được phân phối cho tất cả mọi người cách hợp lý, theo luật công bằng là luật đi liền với bác ái” (69).

2. Quyền tư hữu: Trái đất cũng cần được phân chia ra giữa người với người để bảo đảm an toàn cho cuộc sống của họ, vốn bị sự túng thiếu và bạo lực đe dọa. Hiến chế Mục vụ viết: “Mọi người đều có quyền có một phần của cải đầy đủ cho mình và cho gia đình” (69). Quyền tư hữu của cải là hợp pháp nhằm bảo vệ tự do, bảo đảm những nhu cầu căn bản. Tuy nhiên, quyền tư hữu này cũng phải giúp biểu lộ tình liên đới tự nhiên giữa người với người và quyền chung hưởng của cải trần thế vẫn là ưu tiên.

v  Hai yếu tố: tư hữu và chung hưởng phải gắn bó với nhau và bổ túc cho nhau, tạo mối quan hệ hài hòa giữa người với người trong cuộc sống chung.

II. TÔN TRỌNG THA NHÂN VÀ CỦA CẢI CỦA HỌ

1. Tôn trọng tài sản của tha nhân :

a. Điều răn thứ bảy buộc:

ü  Phải tôn trọng tài sản của người khác, qua việc thực thi công bằng và bác ái, sống tiết độ và liên đới.

ü  Tôn trọng các lời hứa và các hợp đồng đã cam kết;

ü  Đền bù những điều bất công đã gây ra và hoàn trả những gì đã trộm cắp;

b. Điều răn thứ bảy cấm:

ü  Trộm cắp, nghĩa là cấm chiếm đoạt của cải của người khác trái với ý muốn hợp lý của họ. Tuy nhiên, có những trường hợp lấy của người khác mà không phải là trộm cắp. Đó là trường hợp “những người sống trong cảnh cùng quẫn cực độ, họ có quyền lấy ở của cải của người khác những gì cần thiết cho sự sống của mình” (MV 69)

ü  Trả lương không công bằng,

ü  Lũng đoạn giá trị tài sản để từ đó rút ra lợi nhuận cho mình mà làm thiệt hại cho người khác,

ü  Việc giả mạo các thương phiếu hay hóa đơn.

ü  Trốn thuế hoặc buôn bán gian lận, cố ý phá hoại tài sản cá nhân cũng như công cộng,

ü  Đầu cơ, tham nhũng, lạm dụng tài sản công làm của riêng, cố ý làm sai trái trong lao động,  lãng phí.

2. Tôn trọng sự toàn vẹn của công trình tạo dựng

Ngày nay, ô nhiễm môi trường đã trở thành vấn đề quan trọng của cả nhân loại. Khoáng sản, thực vật, động vật là những tài nguyên Thiên Chúa ban tặng cho tất cả mọi người. Vì thế, một đàng con người được phép khai thác những tài nguyên thiên nhiên để phục vụ cuộc sống, nhưng đàng khác phải tôn trọng thiên nhiên là của cải chung cho con người hôm nay và thế hệ mai sau.

III. HỌC THUYẾT XÃ HỘI CỦA HỘI THÁNH

ü  Học thuyết Xã hội của Hội Thánh là sự khai triển có hệ thống các chân lý của Tin Mừng về phẩm giá con người và chiều kích xã hội của con người.Nói cách khác, Học thuyết Xã hội của Hội Thánh là tập hợp các giáo huấn của Hội Thánh về các biến cố lịch sử dưới ánh sáng mạc khải của toàn bộ Lời Chúa và sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Học thuyết ấy đề ra những nguyên tắc để suy tư, quy định những tiêu chuẩn để phán đoán, và trình bày những quy luật và định hướng để hành động. Hội Thánh cố gắng phổ biến những lập trường đúng đắn đối với của cải trần thế sao cho phù hợp với các yêu sách của công lý và hòa bình, hợp với ý định khôn ngoan của Thiên Chúa.

ü  Hội Thánh can thiệp vào lãnh vực xã hội : Hội Thánh sẽ can thiệp vào lãnh vực xã hội khi các quyền căn bản của con người, thiện ích chung hoặc phần rỗi các linh hồn bị vi phạm. Hội Thánh can thiệp bằng việc đưa ra một phán đoán luân lý trong lãnh vực kinh tế và xã hội.

ü  Đường hướng mà đời sống kinh tế xã hội phải thực hiện: Đời sống kinh tế và xã hội phải được thực hiện theo những phương pháp riêng của mình, trong vòng trật tự luân lý, để phục vụ con người trong sự toàn vẹn của họ và phục vụ cho toàn thể cộng đồng nhân loại, trong sự tôn trọng công bằng xã hội. Đời sống kinh tế và xã hội phải lấy con người làm đối tượng, trung tâm và cùng đích của mình.

IV. HOẠT ĐỘNG KINH TẾ VÀ CÔNG BẰNG XÃ HỘI

Càng ngày kinh tế chiếm vai trò quan trọng hơn trong cuộc sống con người (x. MV 63). Vì thế,Hội Thánh đưa ra những hướng dẫn về đời sống kinh tế nhằm phục vụ con người, vốn “ tác giả,là tâm điểm và là cứu cánh của tất cả đời sống kinh tế xã hội” (MV 63).

1. Hoạt động kinh tế

Phát triển kinh tế là nhằm phục vụ con người, nên những hệ thống kinh tế và xã hội chủ trương hy sinh quyền lợi căn bản của con người, hay coi lợi nhuận là quy luật tuyệt đối và là mục đích tối hậu của chúng là đi ngược lại với Học thuyết Xã hội của Hội Thánh. Đồng thời, Hội Thánh cũng phi bác chủ nghĩa cá nhân và quan niệm coi luật thị trường có vị trí tuyệt đối trên lao động của con người.

2. Lao động

Đối với Kitô giáo, lao động có giá trị cao cả không những nuôi sống bản thân và gia đình mà còn liên kết với tha nhân và phục vụ họ, cộng tác vào công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa, tham gia vào công cuộc cứu độ của Chúa Kitô qua những lao công vất vả của mình (x. MV 67). Như vậy, lao động vừa là nghĩa vụ vừa là quyền lợi của con người.

Do đó, mọi người, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, phái tính hay giai cấp, đều được quyền có một việc làm ổn định và lương thiện, không bị kỳ thị cách bất công, được quyền tự do lựa chọn về mặt kinh tế và được quyền hưởng đồng lương công bằng.

Để đạt được mục đích trên, đòi phải có sự cộng tác của các bên liên quan:

Ø  Nhà Nước: Nhà Nước có trách nhiệm giữ vững giá trị tiền tệ, làm cho những việc phục vụ xã hội có hiệu quả, trông coi và hướng dẫn việc thực thi các quyền con người trong lãnh vực kinh tế, giúp các công dân tìm được việc làm.

Ø  Những người lãnh đạo xí nghiệp: Họ phải chịu trách nhiệm về hậu quả kinh tế và môi sinh do các công việc của họ. Họ phải chú tâm đến thiện ích của con người chứ không chỉ nhằm làm gia tăng các lợi nhuận, mặc dầu lợi nhuận cũng cần thiết để bảo đảm các cuộc đầu tư, tương lai của xí nghiệp, việc làm và sự phát triển tốt đẹp của đời sống kinh tế.

Ø  Các công nhân: Họ phải chu toàn các công việc của mình một cách có lương tâm, thành thạo và nhiệt tình, tìm cách giải quyết các tranh chấp bằng đối thoại. Việc sử dụng đình công bất bạo động là hợp pháp về mặt luân lý khi đó là một phương cách cần thiết để đạt được quyền lợi chính đáng nhưng phải nhắm đến công ích.

V. SỰ CÔNG BẰNG VÀ TINH LIÊN ĐỚI GIỮA CÁC QUỐC GIA

Ngày nay, người ta chứng kiến sự cách biệt rất lớn giữa các nước giầu và các nước nghèo. Đang khi một số quốc gia càng lúc càng giàu hơn, thì nợ nần của các nước nghèo lại gia tăng. Và nhiều khi một quốc gia giàu có là vì đã tước đoạt tài nguyên thiên nhiên của các nước nghèo, bằng nhiều hình thức khác nhau. Vì thế, Hội Thánh kêu gọi xây dựng công bằng thế giới, và tình liên đới giữa các dân tộc. Sự liên đới ấy không chỉ thể hiện bằng cách giúp đỡ trực tiếp, nhưng còn phải cải tổ cả cơ cấu của nền kinh tế thế giới, và phải hướng đến việc phát triển toàn diện của gia đình nhân loại.

VI. YÊU THƯƠNG NGƯỜI NGHÈO

Tiếng gọi của Thiên Chúa không chỉ ngưng lại ở đòi hỏi công bằng, mà còn đi xa hơn đến chỗ: yêu thương người nghèo. Ngay trong Cựu Ước, dân Chúa đã có những biện pháp cụ thể để nâng đỡ người nghèo: Năm Toàn Xá với việc tha thứ nợ nần, trả lại đất đai. Đến thời Tân Ước, tiếng gọi ấy lại càng khẩn thiết hơn: Đức Giêsu công bố hạnh phúc cho người nghèo, chính Người đã sống giữa người nghèo để chăm sóc họ, và Người vẫn hiện diện trong những người nghèo (x.Mt 25,31-36). Vì thế, trong suốt lịch sử của mình, Hội Thánh luôn dành cho người nghèo tình yêu thương đặc biệt, không chỉ nghèo về vật chất mà cả về văn hóa, tôn giáo.

Là người Kitô hữu, ta không thể không mang tâm tư của Đức Giêsu. Lòng yêu thương ấy được thể hiện qua cuộc sống tiết độ, không tham lam của cải, không tiêu xài lãng phí. Tích cực hơn, ta góp phần làm vơi đi nỗi khổ của những anh chị em nghèo khổ hơn về tinh thần cũng như vật chất qua việc an ủi, khích lệ, khuyên bảo, dạy dỗ, giúp đỡ vì “Nếu con không cho người đói ăn uống tức là con đã giết họ”(Các Giáo Phụ). Các việc từ thiện, đặc biệt là bố thí, là một trong những bằng chứng chính yếu của tình bác ái huynh đệ. Những công việc đó làm cho ta được nên giống Cha trên trời là Đấng nhân từ và giầu lòng thương xót.

™ X ˜

B. ĐIỀU RĂN THỨ MƯỜI

NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC HAM MUỐN

TÀI SẢN CỦA NGƯỜI TA

(Chớ tham của người)

(x. SGLHTCG 2514 – 2533)

“Ngươi không được ham muốn … bất cứ vật gì của người ta” (Xh 20,17).

“Ngươi không được thèm muốn nhà của người ta, đồng ruộng, tôi tớ nam nữ, con bò, con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta (Đnl 5,21).

“Kho tàng của anh ở đâu, thì lòng của anh ở đó” (Mt 6,21).

Điều răn thứ mười giải thích và bổ túc điều răn thứ chín, là điều răn về dục vọng xác thịt. Điều răn thứ mười cấm sự ham muốn của cải của người khác, là cội rễ của sự trộm cắp, cướp đoạt và gian lận, mà điều răn thứ bảy đã cấm. “Dục vọng của đôi mắt” (1Ga 2,16) đưa đến bạo lực và sự bất công, mà điều răn thứ năm đã cấm. Sự ham muốn, cũng như sự gian dâm, bắt nguồn từ việc thờ ngẫu tượng, mà ba điều răn đầu của Mười Điều Răn đã cấm. Điều răn thứ mười nhắm đến ý hướng của trái tim; và cùng với điều răn thứ chín, điều răn thứ mười tóm kết tất cả Mười Điều Răn.

I.  SỰ VÔ TRẬT TỰ CỦA CÁC HAM MUỐN

Sự ham muốn giác quan khiến chúng ta ước muốn những điều thích thú mà chúng ta không có. Chẳng hạn muốn ăn khi đói, mong sưởi ấm khi lạnh. Những ước muốn này tự chúng là tốt, nhưng chúng thường không giữ sự điều độ của lý trí, thúc đẩy chúng ta ham muốn cách bất chính điều không phải của chúng ta và điều thuộc về người khác.

Vì thế, điều răn thứ mười :

Ø  Buộc phải có thái độ tôn trọng tài sản của người khác.

Ø  Cấm sự tham lam và ước muốn sở hữu của cải trần thế cách vô chừng mực.

Ø  Cấm sự ham muốn phát sinh do đam mê vô độ của cải và quyền lực do của cải đem lại.

Ø  Cấm ước muốn làm điều bất công gây thiệt hại cho người lân cận về của cải trần thế của họ.

Ø  Cấm ganh tị, nghĩa là cảm thấy buồn phiền khi thấy người khác có tài sản, và ước ao vô độ muốn chiếm tài sản đó. Ganh tị là một trong bảy mối tội đầu. Nó có thể đưa tới việc làm tồi tệ nhất. Khi ganh tị lại kèm theo ước muốn cho người khác gặp hoạn nạn nặng nề, thì đó là một trọng tội.

Người đã chịu Phép Rửa phải chiến đấu chống lại tính ghen tị bằng sự nhân hậu, khiêm nhường và phó mình cho sự quan phòng của Thiên Chúa.

II. PHƯƠNG THẾ CHỐNG LẠI HAM MUỐN VÔ ĐỘ

1. Điều chỉnh ước muốn hợp ý Chúa Thánh Thần

Tự nó, ước muốn không phải là điều xấu. Vấn đề là phải điều chỉnh những ước muốn cho đúng đắn. Phải cảnh giác trước sự quyến rũ của những thực tại “ăn thì ngon, trông đẹp mắt và đáng quý” (St 3,16), nhưng lại ẩn chứa bên trong nọc độc của tội lỗi và sự chết. Điều mà người tín hữu phải ước muốn là sự toàn thiện, và đặt mình trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Vì thế, Thánh Phaolô đã nói: người tín hữu là người “đã đóng đinh xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê” (Gl 5,24), và ước muốn những điều hợp ý Chúa Thánh Thần (x. Rm 8,27), để vượt qua nhũng ý muốn bất chính.

2. Sống tinh thần nghèo khó

Mối phúc đầu tiên được Chúa Giêsu công bố là “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó”(Mt 5,3), và Người thường xuyên cảnh giác con người trước mối nguy hiểm của tiền bạc (x.Lc 6,24).

Sống tinh thần nghèo khó là chọn Chúa làm gia nghiệp của mình,đặt Chúa trên hết mọi sự và sẵn sàng từ bỏ mọi sự vì Chúa và vì Tin Mừng (x. Mc 8,35). Nhờ thế, trong cuộc sống thường ngày, người tín hữu: “điều khiển tâm tình cho đúng đắn để việc sử dụng của cải trần gian và lòng quyến luyến sự giầu sang nghịch với tinh thần nghèo khó của Tin Mừng không cản trở họ theo đuổi Đức ái trọn hảo” (GH 42).

3. Khao khát nhìn thấy Thiên Chúa

Sự ước muốn vinh phúc đích thật giúp con người thoát khỏi  tình cảm vô độ đối với của cải trần gian. Người có lòng ước muốn vinh phúc đích thật nói: “Tôi muốn nhìn thấy Thiên Chúa”. Thật vậy,con người chỉ có thể tìm được hạnh phúc đích thực và trọn vẹn trong sự hưởng kiến và hạnh phúc nơi Đấng đã dựng nên họ vì tình yêu và cũng là Đấng lôi kéo họ về với Ngài trong tình yêu vô tận. Thánh Grêgôriô thành Nyssênô viết: “Ai thấy Thiên Chúa thì đã đạt được mọi phúc lộc mà người ta có thể nghĩ tưởng ra được”.                                         

 


BÀI TÁM

ĐIỀU RĂN THỨ TÁM

NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC

LÀM CHỨNG GIAN

(Chớ làm chứng dối)

(x. SGLHTCG 2464 – 2513)

“Ngươi không được làm chứng gian hại người”(Xh 20,16).

 “Anh em còn nghe luật xưa dạy rằng: “Chớ bội thề, nhưng  hãy trọn lời thề với Chúa” (Mt 5.33).

Điều răn thứ tám cấm xuyên tạc chân lý trong tương quan với tha nhân. Chỉ thị luân lý này xuất phát từ ơn gọi của Dân Thánh, là làm chứng cho Thiên Chúa của mình, Đấng là chân lý và muốn chân lý. Những xúc phạm đến chân lý, bằng lời nói hay hành động, đều là từ chối dấn thân theo sự ngay thẳng về luân lý. Những sự xúc phạm đó là những bất trung căn bản đối với Thiên Chúa, đồng thời hủy hoại các nền tảng của Giao Ước.

I. SỐNG TRONG SỰ THẬT

Con người không thể sống với nhau nếu không tin tưởng lẫn nhau và thành thật với nhau. Không có sự thành thật, cuộc sống chung sẽ rất nặng nề, người ta phải thường xuyên cảnh giác và lo sợ. Vì thế, sự thành thật là một đức tính rất cần thiết trong đời sống cộng đoàn.

Đối với người Kitô hữu, lời mời gọi sống theo sự thật được bắt nguồn từ chính Thiên Chúa. Cựu Ước xác quyết rằng Thiên Chúa là nguồn mọi sự thật nên dân của Ngài được mời gọi sống trong sự thật (x. Rm 3,4).

Toàn bộ chân lý của Thiên Chúa được tỏ bày nơi Đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu là chân lý (x.Ga 14,6) đến trong thế gian để làm ánh sáng cho con người. Bước theo Đức Giêsu là sống trong Thánh Thần chân lý, Đấng dẫn đưa chúng ta vào tất cả sự thật (x.Ga 16,13).

Vì thế, người môn đệ của Đức Giêsu phải là người yêu mến sự thật, “có thì nói có, không thì nói không” (Mt 5,33), tránh lối sống hai mặt, dối trá va giả hình.

II. LÀM CHỨNG CHO SỰ THẬT

Không những sống trong sự thật, người Kitô hữu còn phải làm chứng cho sự thật, theo gương Đức Giêsu, Đấng “đã đến trong thế gian để làm chứng cho sự thật” (Ga 18,37). Vì Chúa Giêsu Kitô chính là sự thật, nên làm chứng cho sự thật cũng là làm chứng cho Chúa, cho niềm tin vào Người, cho Tin Mừng của Người. Thánh Phaolô viết: “Đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta” (2Tm 1,8).

Người Kitô hữu được mời gọi làm chứng cho chân lý Tin Mừng trong mọi lãnh vực của hoạt động công khai và riêng tư, dù phải hy sinh mạng sống mình, nếu cần thiết. Tử đạo là chứng từ cao nhất cho chân lý đức tin. Các Thánh Tử Đạo là những mẫu chứng nhân tuyệt vời. Các ngài đã làm chứng cho Chúa Kitô đã chết và sống lại, cho chân lý đức tin bằng chính mạng sống mình.

III. NHỮNG TỘI NGHỊCH VỚI ĐIỀU RĂN THỨ TÁM

1. Làm chứng dối và thề gian

Mức độ nặng nhẹ căn cứ trên sự sai lệch của sự thật, trên những hoàn cảnh, trên những ý hướng của kẻ nói dối và mức độ thiệt hại mà các nạn nhân phải gánh chịu.


2. Phán đoán hồ đồ, nói xấu, vu khống, bôi nhọ

Đây là những tội làm giảm hay phá hoại uy tín và danh dự mà mỗi người có quyền hưởng.

3. Nịnh hót, tâng bốc và xu nịnh

Là nói sai sự thật để làm cho người ta hài lòng và có cảm tình với mình hay thuận theo ý mình. Những tội này sẽ trở nên trầm trọng khi nhằm mục đích bao che việc phạm tội trọng hay thủ lợi bất chính.

4. Khoe khoang, khoác lác, mỉa mai

Khoe khoang, khoác lác là lỗi phạm nghịch với sự thật. Về tội châm biếm, khi có ý làm mất uy tín một ai đó, bằng cách diễu cợt, với ý xấu, một điều gì trong cách hành động của người đó.

5. Nói dối

Nói dối là sự xúc phạm trực tiếp đến chân lý. Nói dối là nói hay hành động nghịch với chân lý để dẫn đến sự sai lầm. Nói dối, vì làm hại cho tương quan của con người với chân lý và với người lân cận, nên xúc phạm đến tương quan nền tảng giữa con người và lời nói của con người với Chúa. Tội nói dối nặng nhẹ tùy ở tác hại của nó gây ra cho người khác. Nhiều khi nói dối bên ngoài xem ra có vẻ nhẹ, nhưng lại trở thành sự xúc phạm nặng đối với đức công bình và bác ái.

v  Tất cả các tội phạm nghịch với sự thật buộc phải đền bù lại nếu gây tai hại cho kẻ khác.

IV. TÔN TRỌNG SỰ THẬT

Điều răn thứ tám đòi buộc chúng ta phải tôn trọng sự thật, kèm theo sự tế nhị của đức ái. Đức ái đòi buộc ta phải cẩn trọng xem xét có nên nói sự thật cho người khác không, vì có thể dẫn đến những hậu quả không tốt. Ngoài ra, còn phải bảo vệ các bí mật nghề nghiệp. Ta chỉ được phép nói ra vì những lý do nghiêm trọng và cân xứng, hoặc vì tai nạn có thể xảy ra nếu không nói. Cũng phải tôn trọng những chuyện tâm sự mà chúng ta đã hứa giữ bí mật.

Ø  Tôn trọng sự thật khi sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội. Thông tin bằng các phương tiện truyền thông phải phục vụ lợi ích chung. Về nội dung, thông tin phải luôn đúng sự thật và trong giới hạn của công lý và bác ái, phải mang tính chất toàn vẹn. Mặt khác, thông tin phải được diễn tả cách chân thật và thích hợp, cẩn thận tuân giữ các luật luân lý, các quyền lợi chính đáng và phẩm giá con người.

Ø  Tôn trọng sự thật trong mỹ thuật,chủ yếu là nghệ thuật thánh: Sự thật hay Chân lý tự bản chất là vẻ đẹp. Chân lý bao gồm sự huy hoàng của vẻ đẹp tinh thần. Ngoài lời nói, còn có nhiều cách diễn tả chân lý, đặc biệt là các tác phẩm nghệ thuật. Xuất phát từ tài năng được Thiên Chúa trao ban và cố gắng của con người, nghệ thuật là một hình thức của sự khôn ngoan thực tiễn, kết hợp với kiến thức, với tài khéo léo, để tạo hình thể cho chân lý của một thực tại, bằng thứ ngôn ngữ có thể cảm nhận được bằng mắt thấy và tai nghe. Như vậy, nghệ thuật bao hàm một sự tương tự nào đó với hoạt động của Thiên Chúa trong công trình tạo dựng, theo mức độ nghệ thuật được gợi hứng bởi chân lý về vạn vật và lòng yêu mến vạn vật. Cũng như bất cứ hành động nào khác của con người, nghệ thuật không có mục đích tuyệt đối nơi chính nó, nhưng được quy hướng về con người, và trở nên cao quý nhờ mục đích tối hậu là con người.

Đặc biệt, nghệ thuật thánh “tự bản chất nhằm diễn tả vẻ đẹp vô biên của Thiên Chúa, được cảm nghiệm cách nào đó qua những tác phẩm của con người; nghệ thuật thánh càng làm cho Thiên Chúa được ca tụng và tôn vinh hơn ,một khi những tác phẩm đó không nhằm chủ đích nào khác ,ngoài sự góp phần tối đa để quy hướng tâm trí con người về cùng Thiên Chúa” (HCPV 122). Nghệ thuật thánh được xem là chân thật và đẹp đẽ, phải gợi lên và tôn vinh mầu nhiệm Thiên Chúa được mạc khải trong Đức Kitô, phải dẫn đến tình yêu Thiên Chúa và thờ lạy Ngài là Đấng Sáng Tạo và Cứu Độ, là Vẻ Đẹp tối cao của Chân Lý và Tình Yêu.


MỤC LỤC

DẪN NHẬP.............................................................. 03

CHƯƠNG I:   NGƯƠI PHẢI YÊU MẾN ĐỨC CHÚA, THIÊN CHÚA CỦA NGƯƠI HẾT LÒNG, HẾT LINH HỒN VÀ HẾT TRÍ KHÔN NGƯƠI      09

Bài 1 : Điều răn thứ nhất....................................... 10

Bài 2 : Điều răn thứ hai ........................................ 17

Bài 3 : Điều răn thứ ba ......................................... 20

CHƯƠNG II: NGƯƠI PHẢI YÊU THƯƠNG NGƯỜI LÂN CẬN NHƯ CHÍNH MÌNH 24

Bài 4 : Điều răn thứ tư .......................................... 25

Bài 5 : Điều răn thứ năm........................................ 32                                              

Bài 6 : Điều răn thứ sáu và thứ chín...................... 39                          

Bài 7 : Điều răn thứ bảy và thứ mười................... 49

Bài 8: Điều răn thứ tám.......................................... 58

 


Tủ Sách Giáo Lý