CHƯƠNG II

THIÊN CHÚA ĐẾN GẶP CON NGƯỜI :  MẠC KHẢI CỦA THIÊN CHÚA

 

“Bằng một quyết định hoàn toàn tự do, Thiên Chúa tự mạc khải và ban chính mình cho con người” (GLHTCG  50).

 

     Lý trí có thể nhận biết Thiên Chúa.Nhưng chỉ với ánh sáng của lý trí,con người sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhận biết Thiên Chúa.Vì thế,Thiên Chúa đã muốn soi dẫn con người bằng các Mạc khải.

     Mạc khải của Thiên Chúa chứa đựng trong Thánh Kinh và Thánh truyền.

I.THÁNH TRUYỀN

“Thánh truyền chứa đựng lời Thiên Chúa mà Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần đã ủy thác cho các tông đồ, và lưu truyền toàn vẹn cho những người kế nhiệm các ngài, để nhờ Thánh Thần chân lý soi sáng, họ trung thành gìn giữ, trình bày và phổ biến qua lời rao giảng” (GLHTCG  81).

  1. Thánh truyền là gì?

            Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý(x.1Tm 2,4)tức là nhận biết Đức Kitô. Sứ mạng của Hội Thánh là rao giảng Tin Mừng cho mọi người (x. DV 7, GLHTCG 75). Việc rao giảng này được thực hiện bằng hai cách: truyền khẩu và văn tự. Cách rao giảng bằng truyền khẩu gọi là Thánh truyền.

  1. Nội dung Thánh truyền

Nội dung của Thánh Truyền gồm những gì các Tông đồ đã học được từ miệng Đức Kitô, thấy người xử sự hoặc những điều các ngài đã được Thánh Thần gợi hứng mà các ngài truyền lại qua lời rao giảng, gương mẫu và các định chế.

  1. Tương quan giữa Thánh truyền với Thánh Kinh.

           Thánh truyền và Thánh Kinh liên kết mật thiết với nhau vì cả hai phát xuất từ một nguồn mạch duy nhất  là Thiên Chúa, cả hai đều làm cho mầu nhiệm Đức Kitô được hiện diện và sinh hoa trái trong Hội thánh. Do đó, “cả Thánh Kinh lẫn Thánh truyền đều phải được đón nhận và tôn kính bằng một tâm tình yêu mến và kính trọng như nhau” (DV 9 ; GLHTCG 82)

II. THÁNH KINH

        “Các sách Thánh Kinh chứa đựng lời Thiên Chúa và vì được linh hứng, nên thực sự là Lời Chúa”(DV24 ; GLHTCG 135)

  1. Thánh Kinh, Lời của Thiên Chúa và cũng là Lời của con người.

           Thiên Chúa đã mạc khải  mình và chương trình của Ngài cho loài người qua những con người cụ thể và các biến cố thời Cựu Ước, cuối cùng Ngài đã mạc khải trọn vẹn mình nơi Chúa Giêsu Kitô,Con Một của Ngài làm người. Mạc khải của Ngài đạt tới đỉnh cao qua các giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô được ghi lại trong Tân ước. Qua các thế kỷ, Hội Thánh đã và đang khám phá ra những hiểu biết mới qua các giáo huấn của Chúa Giêsu.

       Các giáo huấn của Hội Thánh có nền tảng trong Thánh Kinh. Điều này được minh chứng tại Công đồng Vatican II, khi mỗi ngày, sách Thánh Kinh được đọc cách trang trọng trước các nghị phụ Công đồng, ngay lúc bắt đầu các cuộc thảo luận. Vào lúc kết thúc buổi họp cuối cùng, Công đồng tổng kết sự tùy thuộc của Hội Thánh vào Thánh Kinh như sau:

“Giáo hội luôn tôn kính Thánh Kinh như chính thân thể Chúa, nhất là trong Phụng vụ thánh, Giáo hội không ngừng lấy Bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như từ bàn tiệc Mình Chúa Kitô để ban phát cho những tín hữu. Cùng với Thánh truyền, Thánh Kinh đã và đang được Giáo hội xem như là quy luật tối cao hướng dẫn đức tin…Bởi vậy, mọi lời giảng dạy trong Giáo hội cũng như chính đạo thánh Chúa Kitô phải được Thánh Kinh nuôi dưỡng và hướng dẫn. (HCMK 21).

a.   Thánh Kinh được gọi là Lời của Thiên Chúa.

 - Thánh Kinh được Thiên Chúa linh hứng

                   Chính Thiên Chúa đã hướng dẫn tác giả nhân loại đến nỗi họ đã viết những gì Ngài muốn. Mặc dù tác giả nhân loại không ý thức sự hướng dẫn của Thiên Chúa, nhưng những gì họ viết ra đều là điều Ngài muốn họ viết. Vì vậy, Thánh Kinh là cuốn sách chứa đựng Lời của Thiên Chúa.

  - Thiên Chúa biểu lộ mình qua Thánh Kinh.

                    Qua Thánh Kinh, Thiên Chúa biểu lộ chính Ngài cho chúng ta. Cũng như chúng ta cho người khác biết về mình qua lời nói của chúng ta thì Thiên Chúa cũng cho chúng ta biết về Ngài qua Lời của Ngài là Thánh Kinh.

                    Ngôi Hai Thiên Chúa là Lời tối cao, biểu lộ trọn vẹn Thiên Chúa. Thánh Kinh là lời tạo dựng của Thiên Chúa, Ngài biểu lộ mình qua Thánh Kinh. Lời mạc khải xác phàm và lời Thánh Kinh được nối kết với nhau cách huyền nhiệm.

                    Thần học ngày nay luôn nói về tính linh thánh của Thánh Kinh vì qua Thánh Kinh, con người được trao ban một cơ hội để gặp gỡ Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô.

b.   Thánh Kinh cũng là lời của con người.

               Các tác giả nhân loại không chỉ là những dụng cụ thụ động của Thiên Chúa. Họ đã viết cách tự do, dùng ngôn ngữ và kiểu văn của thời đại và văn hóa của mình để truyền đạt sứ điệp theo cách thế thích hợp nhất đối với họ. Các tác giả nhân loại là những người giống như chúng ta: tội lỗi và dễ sai lầm. Đôi khi họ không trình bày đầy đủ Mạc khải của Thiên Chúa.

  1. Thánh Kinh ghi lại Mạc khải của Thiên Chúa ngay lúc Mạc khải được trao ban.

           Một người viết nhật ký viết lại một biến cố quan trọng trong cuộc sống của mình liền ngay khi nó xảy ra. Ít năm sau mở ra đọc lại, người ấy cảm thấy biến cố trước kia vẫn tác động cách sâu xa nơi họ.

            Cũng vậy, tác giả nhân loại đã ghi lại Mạc khải của Thiên Chúa ngay lúc được Ngài mạc khải. Khi đọc lại những Mạc khải này chúng ta cảm thấy các lời nói, việc làm của Chúa rất gần chúng ta và giúp chúng ta cảm  nghiệm được Thiên Chúa đang hoạt động trong cuộc sống của chúng ta hôm nay.

            Hơn nữa, Thiên Chúa luôn hướng dẫn Hội Thánh hiểu Thánh Kinh, vì Ngài muốn chúng ta có những giáo huấn của Ngài trong hình thức hiện tại qua những gì Ngài đã ban ngày xưa, khi những biến cố vĩ đại của ơn cứu  độ còn mới mẻ trong tâm trí con người.

  1. Hình thức văn chương của Thánh Kinh.

           Thánh Kinh phải được hiểu như chính Thiên Chúa và các tác giả nhân loại muốn nói. Để truyền đạt Mạc khải cho người khác, tác giả nhân loại đã sử dụng hình thức văn chương của thời đại ông. Thiên Chúa đã mạc khải qua nhiều thời đại khác nhau, nên Thánh Kinh chứa đựng nhiều kiểu văn, nhiều hình thức văn chương khác nhau như thi ca, dụ ngôn, trào phúng, khải huyền, lịch sử…mỗi loại văn trình bày chân lý theo cách thế riêng, vì thế để hiểu được Mạc khải, chúng ta phải dựa vào thể văn được sử dụng. Hiến chế Mạc Khải viết: “Vì trong Thánh Kinh, Thiên Chúa đã nhờ loài người và dùng cách nói của loài người mà phán dạy, nên dễ cảm thấy rõ điều chính Ngài muốn truyền đạt cho chúng ta, nhà chú giải Thánh kinh phải cẩn thận tìm hiểu điều các thánh sử  thực sự có ý trình bày và điều Thiên Chúa muốn diễn ta qua lời của họ” (Số 12).

  1. Sự đáng tin của khung cảnh lịch sử Thánh Kinh.

          -Khung cảnh lịch sử của Thánh Kinh là đáng tin cậy. Các tìm kiếm của khoa khảo cổ học hiện đại minh chứng điều đó. Thật vậy, trong khi các trường phái Kitô giáo nhận ra tầm quan trọng của việc hiểu biết các hình thức văn chương của Thánh Kinh thì khoa khảo cổ hiện đại đã xác quyết tính cổ xưa và đích thực về yếu tố lịch sử của Thánh Kinh.

          -Việc khám phá các thủ bản Thánh Kinh: Vào năm 1947, “cuộc khám phá thủ bản vĩ đại nhất” đã xảy ra khi người ta tìm thấy, lần đầu tiên, các cuộn sách cũ trong một cái hang gần Biển Chết. Từ đó, mười cái hang khác trong một phạm vi vài dặm ở Qumran đã cung cấp nhiều tài liệu hơn nữa. Người ta tiếp tục khám phá ra hơn 600 bản thảo bao gồm hàng chục cuộn sách đầy đủ và hàng ngàn đoạn văn khác có  từ thế kỷ thứ III TCN tới các thập niên đầu tiên của Kitô giáo: một phần tư các bản văn Thánh Kinh Hy lạp bao gồm một cuộn sách Isaia được giữ gìn cẩn thận; các bản thảo của mỗi quyển Cựu Ước trừ sách Esther, các sách Đệ nhị luật; các đoạn văn của sách Tôbia, Huấn ca và thư của Giêrêmia. Những bản văn cổ xưa này đã được những người Essseniens, một giáo phái Do thái tách riêng ra sống thành một cộng đoàn tu viện  Qumran sử dụng. Ngoài ra, người ta còn khám phá ra những bản văn chú giải các sách Cựu Ước, các tài liệu thần học, cách tổ chức cộng đoàn  và luật lệ của cộng đoàn này.

           Những khám phá tình cờ này đã cung cấp cho chúng ta nhiều sách Cựu Ước của bản văn Hy lạp cũ xưa hơn 1000 năm so với các bản văn đã có trước đây. Các tài liệu thần học và luật lệ của phái Esssenien cũng đã soi sáng phần nào trong việc tìm hiểu Tân ước. Có người cho rằng Chúa Giêsu chịu ảnh hưởng của phái Esssenien ở Qumran. Thật ra, tuy có một vài điểm giống phái Esssenien trong giáo huấn của Chúa Giêsu, nhưng những điểm giống nhau này ít hơn nhiều so với những điểm khác nhau. Các mục đích, lý tưởng, động cơ thúc đẩy của Kitô giáo thì hoàn toàn khác với mục tiêu, lý tưởng, động cơ của phái Esssenien, tuy dù có thể Thánh Gioan tẩy giả đã liên hệ với nhóm này sớm hơn và một vài người thuộc phái này trở thành những Kitô hữu đầu tiên.

         Năm 1945, người ta cũng đã khám phá ở Nag Hammaradi, Ai cập nhiều bản văn Kitô giáo của các Kitô hữu phái ngộ đạo như tin mừng của thánh Tôma, của Philipphê, của Maria Madalena…Các bản văn này cho chúng ta nhiều thông tin về sự phát triển của Kitô giáo thuở ban đầu và đặc biệt của nhóm ngộ đạo đã biến mất sau thế kỷ II.

         Một khám phá nổi tiếng gần đây là tập giấy Ebla được tìm thấy ở miền Bắc Syria. Môi trường văn hóa của những bản văn này có nhiều điểm giống với thế giới Thánh Kinh. Các thành phố, tên tuổi các gia đình và thị tộc cũng giống với Cựu Ước, phản ánh thời kỳ trước  thời kỳ các tổ phụ.

          Nhiều khám phá khác về thủ bản và các chỉ thảo ở Trung Đông đã và đang làm sáng tỏ hơn về thời gian của Thánh Kinh. Khoa khảo cổ Thánh Kinh, một môn học mới đang giúp gia tăng sự hiểu biết của chúng ta về nguồn gốc và ý nghĩa của các bản văn Thánh Kinh.

-Vấn đề nguyên bản

          Không một nguyên bản nào của các sách Cựu Ước và Tân Ước còn lại tới ngày nay, nhưng các bản sao chép thì cũ xưa hơn và nhiều hơn bất cứ cuốn sách nào của thời đại đó. Các bản sao chép lớn nhất của Horace được ghi 900 năm sau khi ông ta chết, của triết gia Platon gần 1300 năm sau. Chúng ta có các bản sao chép hoàn hảo của các Tin mừng vào 250 năm sau nguyên bản của nó.So với hàng chục bản sao chép cổ, chúng ta sở hữu những tác phẩm kinh điển được giữ giøn tốt nhất,khoảng vài ngàn bản văn Thánh Kinh. Hơn nữa, trong các tác phẩm của các tác giả Kitô giáo vào những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo,chúng ta tìm thấy hàng ngàn câu trích dẫn Thánh Kinh, đặc biệt từ Tân ước. Tất cả chứng minh cho tính xác thực của Thánh Kinh .

            Các tác giả Thánh Kinh đã không viết một lịch sử chi tiết, khoa học theo nghĩa của thời đại chúng ta, nên một vài nhà phê bình đã nói rằng chúng ta không thể có một bức tranh trung thực về Đức Kitô lịch sử. Họ nói rằng, điều chúng ta có trong Tân ước chỉ là những chứng từ đức tin của người viết và các trình thuật thì rời rạc và hoang đường. Tuy nhiên, đa số các trường phái Kitô giáo một mặt đồng ý là đức tin của cộng đồng kitô hữu hình thành bản văn Tân ước và có sử dụng một vài huyền thoại, nhưng mặt khác xác quyết rằng nền tảng của các trình thuật Tin Mừng là con người thật, Chúa Giêsu Kitô, đã nói và đã làm một số việc cụ thể và rõ ràng. Các tác giả Tin Mừng sống trong cộng đoàn Kitô giáo tiên khởi là những chứng nhân bằng mắt hoặc những người đã biết các chứng nhân bằng mắt. Nếu Đức Kitô được miêu tả sinh động trong các Tin Mừng là không thật thì chẳng có cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên và cũng không có các tín hữu sống đức tin cách can đảm và dám chết vì niềm tin ấy.

  1. Nguồn gốc và sự phát triển của Thánh Kinh.

a. Bản văn Cựu Ước “Bảy Mươi”:

              Bản Thánh Kinh được các tông đồ và các tín hữu đầu tiên sử dụng là bản dịch Hi lạp Cựu Ước, gọi là bản Bảy Mươi. Bản dịch này có từ thế kỷ thứ III TCN tại Alexandria, Ai cập, dành cho những người Do thái phân tán, là những người sống ở ngoại quốc ngoài Palestine và Đền Thờ. Một bản văn thánh khác đã được thêm vào bản dịch nguyên thủy này, một thế kỷ rưỡi sau đó: một vài thánh vịnh, sách Daniel, Esther, Tôbia Judith, Khôn Ngoan, Huấn Ca, Baruc và 1,2 Macabê. Khi Hội Thánh phát triển vượt ra ngoài Palestine và bắt đầu Phúc âm hóa thế giới Hi-La, bản Thánh Kinh Hi lạp này được sử dụng với đầy thiện cảm, nó trở thành cuốn Thánh Kinh của Hội Thánh trong suốt thế hệ đầu tiên.

b. Quy điển Tân ước.

               Các bản văn Tân Ước được nhìn nhận là Lời linh hứng của Thiên Chúa phát triển rất chậm chạp. Ban đầu, Hội Thánh tiên khởi không quan tâm tới việc ghi lại các bản văn cho thế hệ sau, vì tin rằng ngày Đức Kitô đến lần thứ hai sắp xảy ra. Với niềm tin này, những cố gắng truyền giáo qui về việc rao giảng Tin mừng bằng miệng. Tới khi hầu hết các kitô hữu thế hệ đầu tiên chết đi thì các Tông đồ và những tín hữu khác là chứng nhân đời sống công khai, tử nạn và phục sinh của Đức Kitô bắt đầu quan tâm tới  việc gìn giữ Tin mừng cho các thế hệ sau.

               Vào hậu bán thế kỷ I, văn chương Kitô giáo bắt đầu phát triển. Lá thư đầu tiên của thánh Phaolô gửi tín hữu Thessalonica là bản văn đầu tiên của toàn bộ bản văn Tân Ước được truyền lại cho chúng ta dưới hình thức nguyên bản. Nó được viết ở Conrintô vào năm 50 SCN. Thánh nhân tiếp tục viết cho các cộng đoàn khác nữa. Các thư của thánh nhân có mục đích khuyến khích, dạy dỗ, khuyên nhủ và khiển trách các cộng đoàn.

             Cuốn Tin Mừng sớm nhất mà chúng ta có trong hình thức nguyên thủy là Tin Mừng theo Thánh Marcô. Sách này được viết vào khoảng năm 64 SCN. Nó có tầm mức quan trọng nhất so với các sách Tin Mừng khác vì là nền tảng của hầu hết sách Tin Mừng theo Thánh Mathêu, Luca và cơ sở cho cuốn Tin Mừng theo Thánh Gioan.

             Thánh Irênê, cuối thế kỷ thứ II, nói rằng: “Sau khi Thánh Phêrô và thánh Phaolô qua đời, thánh Marcô là môn đệ và là người thông ngôn của thánh Phêrô đã viết lại lời rao giảng của thánh Phêrô” (x. Harper Bible dictionnary).

             Từ đó đã có sự tăng triển các tác phẩm Kitô giáo. Ba cuốn Tin Mừng khác là Tin Mừng theo Thánh Matthêu,Thánh Luca, Thánh Gioan đã được viết trong vài thập niên sau. Nhiều tác phẩm khác được các Giáo hội  địa phương nhìn  nhận và đánh giá cao như thư Thánh Clementê, Didache…nhưng chỉ những sách nào có nguồn gốc tông đồ mới được coi là có giá trị. Giữa những năm 150 và 200 SCN, các sách Tân Ước hiện nay của chúng ta đã được thế giới Kitô giáo chấp nhận, mặc dù một vài cuốn không được sử dụng rộng rãi.

           Tư tưởng thần học nơi các sách Tân Ước này cũng đã có sự tiến triển. Từ cuốn sách đầu tiên, thư gửi tín hữu Thessalonica của thánh Phaolô, cho tới thư thứ hai của thánh Phêrô, cuốn sách được viết cuối cùng của Tân ước, đã có sự tiến triển rõ rệt trong việc hiểu biết Đức Kitô và giáo huấn của Người. Dưới ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần, các môn  đệ đầu tiên đã hiểu và viết thành văn điều Thiên Chúa đã thực hiện nơi Đức Kitô.

        c. Quy điển hay danh sách các sách Cựu Ước và Tân Ước đã được hình thành vào thế kỷ thứ IV.

           Một số giáo phụ, học giả những thế kỷ đầu, thường là các giám mục như Thánh Clementê thành Alexandria (150-215), Thánh Eusêbiô (+ 340), Thánh Athanasiô, Thánh Giêrônimô (345-420), có ảnh hưởng đặc biệt đối với việc lựa chọn các sách cho Tân ước. Năm 367, Thánh Athanasiô đã ấn định một danh sách gồm 27 cuốn như bộ Tân Ước của chúng ta hiện nay. Danh sách này được Công đồng Hippô năm 393 và Carthage năm 397 và 419 chấp nhận là quy điển Tân Ước. Vào thời này, Đức Giáo Hoàng Đamasô truyền cho Thánh Giêrônimô dịch bản Cựu Ước Bảy Mươi và các sách Tân Ước từ tiếng Hi lạp ra tiếng La tinh, ngôn ngữ nói của đế quốc Rôma. Bản dịch này được gọi là bản dịch Vulgata (bản Phổ Thông) và được sử dụng là bản dịch chính thức của Hội Thánh cho đến nay.

  1. Truyền thống giải thích Thánh Kinh của Hội Thánh

           a. Hội Thánh thích nghi cách diễn đạt giáo huấn của Chúa hợp với não trạng từng thời đại

               Đức Kitô không để lại cho các môn đệ của mình một tôn giáo hoàn hảo, một chân lý hoàn toàn rõ ràng. Giáo huấn của Người được hoàn tất nhờ Chúa Thánh Thần và chịu sự phát triển theo dòng thời gian. Người đã trao ban cho nhân loại  trọn vẹn mạc khải của Thiên Chúa, nhưng những người được mạc khải và cả chúng ta hôm nay không thể nào hiểu hết được. Để giúp mỗi thời đại hiểu giáo huấn của Đức Kitô, Hội Thánh phải thích nghi cách diễn đạt cho não trạng từng thời đại. Giáo huấn của Chúa vẫn luôn là một, nhưng chúng ta sẽ từ từ hiểu cách đầy đủ và chính xác hơn. Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn mỗi thế hệ, hiểu biết hơn giáo huấn của Đức Kitô.

            b. Cần phải tìm kiếm thêm để biết sứ điệp đích thực

                Các Tông đồ đã không ngồi xuống viết một thủ bản đức tin Kitô giáo hoàn toàn đầy đủ. Những gì các ngài truyền lại cho chúng ta cần phải tìm kiếm thêm, lớn lên trong việc hiểu biết sứ điệp đích thực của Đức Kitô, đôi khi qua những tranh cãi đau đớn như trong cuộc tranh luận với người Do thái, những người đã cố giữ Kitô giáo theo đức tin Do thái giáo.

            c. Hội Thánh chỉ có được một định nghĩa rõ ràng về các chân        lý đức tin cách tiệm  tiến

                 Hội Thánh tiên khởi đã phát triển nhờ việc truyền đạt Tin mừng bằng miệng của các tông đồ và những chứng nhân khác về cuộc đời Đức Kitô. Quả thật, người ta đã đặt nền đức tin của họ hầu như chỉ trên lời rao giảng bằng miệng của Hội Thánh cho tới gần cuối thế kỷ thứ II và Hội Thánh chỉ đạt được một định nghĩa rõ ràng về các chân lý đức tin cách từ từ.

                 Một ví dụ về sự phát triển Mạc khải có thể thấy trong biểu thức Phép Rửa. Biểu thức Phép Rửa sớm nhất được ghi trong sách Tông Đồ Công Vụ là người ta phải được rửa tội “nhân danh Chúa Giêsu Kitô” (Cv 2,38; 8,16). Khi hiểu sâu xa hơn đức tin được mạc khải thì biểu thức Phép Rửa được đổi thành “Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19).

         d.Thánh Kinh đến từ một cộng đoàn sống động

                  Cựu Ước phát xuất từ một cộng đoàn sống động của dân Thiên Chúa và Tân Ước đến từ cộng đoàn Hội Thánh sống động do Đức Kitô thiết lập, dân Israel  mới. Các sách được chấp nhận thuộc Tân Ước phải là chính thống, phải xứng hợp với niềm tin của Hội Thánh. Đối với mỗi cuốn sách được chấp nhận,Hội Thánh phải bỏ đi một cuốn tương tự. Các chân lý được mạc khải trong Thánh Kinh, nhưng để hiểu được các chân lý ấy thì phải dựa vào truyền thống của Hội Thánh, vì chính từ Hội Thánh mà các chân lý ấy đã đến với chúng ta.

          e.Truyền thống đến từ nhiều cách

                   Truyền thống đến từ niềm tin của Hội Thánh, các ghi nhận việc thực hành phụng vụ, các bản văn của các trường phái, những hướng dẫn của Hội Thánh, các sắc lệnh của các Đức Giáo Hoàng và các Công đồng, các lời cầu nguyện của dân chúng trong Hội Thánh… Hội Thánh chú ý cách đặc biệt tới truyền thống đến từ Hội Thánh tiên khởi, gọi là “Truyền Thống các Tông đồ”. Truyền thống này được tìm thấy trong các bản văn phụng vụ, các bản văn của các giáo phụ đầu tiên, các tranh ảnh, những câu được khắc trên những tấm bia cổ nhất…

           f.Truyền thống vẫn còn đang tiếp tục và phát triển

                    Ngày nay, truyền thống vẫn tiếp tục phát triển qua các bản văn của các trường phái, các hướng dẫn của giáo quyền, các thực hành phụng vụ, các việc đạo đức của giáo dân…,vì Chúa Giêsu Kitô và Chúa Thánh Thần đang hướng dẫn Hội Thánh.Chính các Ngài đang hình thành truyền thống này.

            g.Truyền thống là phương thế để hiểu Thánh Kinh

                     Truyền thống của Hội Thánh giải thích các giáo huấn của Chúa trong Thánh Kinh cho chúng ta. Để hiểu các giáo huấn của Đức Kitô, chúng ta phải nhìn  vào cả hai: Thánh Kinh cho “LỜI” và truyền thống cho “THÁNH THẦN”. Việc giải thích Thánh kinh như nhìn vào một ngôi nhà từ bên ngoài và từ bên trong. Cả hai đều cần thiết cho việc nắm bắt trọn vẹn ý nghĩa. Do đó, các cố gắng giải thích Thánh Kinh mà không có sự trợ giúp của truyền thống Kitô giáo thì cũng như cố gắng giải thích hiến pháp của một quốc gia mà không biết gì đến các vấn đề liên quan như các giải thích hiến pháp của tòa án, các phê bình của các trường phái luật.

                     Thật vậy, không một tác giả Thánh Kinh nào có ý tưởng viết một cuốn sách chứa đựng tất cả các Mạc khải của Thiên Chúa. Thánh Gioan đã viết cuốn Tin Mừng dài nhất và muộn nhất đã nói ở cuối sách rằng: “Còn có nhiều điều khác Đức Giêsu đã làm, nếu viết lại từng điều một thì tôi thiết nghĩ cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra” (Ga 21,25). Thánh Phaolô viết : “Vậy thưa anh em, anh em hãy đứng vững và nắm giữ các truyền thống chúng tôi đã dạy cho anh em bằng lời nói hay bằng thư từ” (2 Tx2,15). Chúng ta cũng đã biết rằng Kitô giáo đã hiện diện gần 200 năm trước khi các tác phẩm Kitô giáo được cả thế giới biết đến và ngay cả sau đó, những cuốn này được thẩm quyền Hội Thánh thông qua.

                     Vì thế, chúng ta không thể sử dụng các bản văn Thánh Kinh cách tùy tiện để “minh chứng”một giáo huấn mà không tham chiếu với Truyền thống của Hội Thánh.

  1. Danh mục các sách Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước

a.Danh mục các sách Cựu Ước

              Cựu Ước nói với chúng ta các Mạc khải của Thiên Chúa về chính Ngài và về chương trình chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế đến của Ngài. Cựu Ước gồm 46 cuốn được viết bởi nhiều tác giả trong một thời gian rất dài.

             -Ngũ thư gồm 5 cuốn: Sáng thế, Xuất hành, Lêvi, Dân số và Đệ nhị luật.

               Ngũ thư bắt đầu với lịch sử đầu tiên của loài người, tiếp theo là việc Thiên Chúa tuyển chọn Dân Ngài. Cao điểm của Ngũ thư là việc ký kết giao ước giữa Thiên Chúa và Dân Ngài. Ngũ thư cũng bao gồm các luật lệ tôn giáo là cách sống của dân Chúa chọn.

             -Các sách lịch sử: Giosuê, Thủ lãnh, Rút, 1 và 2 Samuen, 1 và 2 Các Vua, 1 và 2 Sử ký, Êdơra và Nơkhemia, Tôbia, Giuđitha, Étte, 1 và 2 Macabê. Những sách này cho ta biết lịch sử tổng quát của dân Israel: chinh phục Canaan, sự phát triển vương quốc Israel thời Đavit và Salomon, đất nước bị chia đôi: Israel và Giuđa, sự suy tàn của hai miền, dân bị lưu đầy ở Babilon, cuộc trở về từ Babilon, xây dựng lại Giêrusalem và Đền thờ.

           -Các sách khôn ngoan : Gióp, Thánh vịnh, Châm ngôn, Giảng viên, Diễm ca, Khôn ngoan, Huấn ca. Các sách này tổng hợp nhiều lời khôn ngoan và bao gồm thi ca, cầu nguyện, phụng vụ và những bài tình ca.

           -Các sách Tiên Tri : Isaia, Giêrêmia, Ai ca, Baruc, Edêkien, Daniel,Hôsê, Gioen, Amos, Ovadia, Giôna, Mikha, Nakhum,Khabacuc, Sophônia, Khácgai, Giosuê, Dacaria, Malakhi. Các tiên tri là những người của Thiên Chúa không chỉ ở thời đại cổ xưa mà còn trong toàn bộ lịch sử văn chương của thế giới. Công việc của họ không do con người nhưng do Thiên Chúa. Họ là những người tiên báo tương lai, quan tâm chính yếu của họ là tình trạng hiện hành của Dân Chúa. Họ là những người khích  lệ, tạo cảm hứng và cố gắng cải tạo Dân Chúa vào những thời kỳ khủng hoảng nhất.

            b.Danh mục các sách Tân ước

               Tân ước cho chúng ta biết cái nhìn của Hội Thánh tiên khởi về đời sống và các giáo huấn của Đức Kitô. Tân ước gồm 27 cuốn, được viết từ năm 50 tới những năm đầu thế kỷ II:

      -Các sách Phúc Âm

                Có bốn sách PhúcÂm: Matthêu, Marcô, Luca và Gioan.Ba quyển đầu (Mt,Mc,Lc) được gọi là các “Tin Mừng nhất lãm”. Từ “nhất lãm” có gốc ở tiếng Hi lạp, nghĩa là “cùng nhìn sự vật theo một kiểu”. Ba quyển này giống nhau về nhiều phương diện: nhiều lời nói giống nhau của Chúa Giêsu, kể nhiều câu truyện giống nhau về Chúa Giêsu, giống nhau về từ ngữ. Có thể là do cả 3 tác giả dựa vào một nguồn tài liệu  là nguồn Q (Q có nghĩa là nguồn) hoặc Mathêu và Luca lấy chất liệu của Phúc Âm theo Marcô. Tuy nhiên, mỗi tác giả có sự xắp xếp và mục đích riêng của mình. Còn Phúc Âm theo thánh Gioan thì khác với Phúc Âm Nhất lãm. Phúc Âm theo thánh Gioan có rất ít lời nói và câu chuyện mà chúng ta gặp trong các Tin Mừng Nhất lãm. Thánh Gioan cho chúng ta một hình ảnh khác về Chúa Giêsu.

 - Phúc Âm theo thánh Matthêu

              Phúc Âm theo Thánh Matthêu trình bày Đức Kitô là Đấng Mêsia, là Môsê mới. Quyển này nhấn mạnh việc Chúa Giêsu Kitô đã làm trọn lời các tiên tri đã loan báo, Người là thầy dạy luật mới: luật yêu thương và Người quan tâm đến thái độ bên trong của cá nhân người ta hơn là những hành động bên ngoài . Có lẽ sách này được viết ở Syria hoặc Palestin vào năm 80.

           - Phúc Âm theo thánh Marcô

              Đây là cuốn Phúc Âm ngắn nhất và cổ nhất,được viết vào khoảng cuối thập niên 60 hay đầu thập niên 70. Có lẽ sách này được viết ở Rôma và nhắm vào các Kitô hữu gốc dân ngoại, Thánh Marcô trình bày Thiên Chúa đã đến và cứu chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô mà cao điểm là cuộc Khổ nạn, Tử nạn và Phục sinh của Chúa Giêsu Kitô và tột điểm là lời tuyên xưng của viên đại đội trưởng dưới chân thập giá: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa” (15,39). Như vậy, Phúc Âm theo Thánh Marcô nhấn mạnh rằng sức mạnh, tình yêu của Thiên Chúa được diễn tả nơi việc Chúa Giêsu đảm nhận khổ đau của con người trên thập giá và cũng nhấn mạnh rằng làm môn đệ của Chúa Giêsu có nghĩa là đồng hóa với Người trong sứ vụ diễn tả sức mạnh và tình yêu của Thiên Chúa bằng cách đảm nhận lấy đau khổ của con người.

       - Phúc Âm theo Thánh Luca

               Thánh Luca được mô tả như là một y sĩ và môn đệ của thánh Phaolô. Phúc Âm theo Thánh Luca nhấn mạnh tới việc Chúa Giêsu là bạn của những người bị loại bỏ: người nghèo, người tội lỗi, người đau khổ và các phụ nữ. Đối với Luca, Chúa Giêsu là vị lãnh đạo công chính và vô tội, một tiên tri đến để đem Tin mừng cho những kẻ bị loại trừ. Sách này có lẽ được viết  tại Rôma và cùng thời với sách Phúc Âm theo Thánh Matthêu. Sách này nhắm tới các độc giả Kitô hữu gốc dân ngoại.

       - Phúc Âm theo thánh Gioan

               Sách Phúc Âm theo Thánh Gioan cho thấy Chúa Giêsu là người Con vĩnh cửu của Thiên Chúa đã xuống thế làm người để đem lại cho loài người sự sống mới, sự sống của Thiên Chúa qua cái chết và sự sống lại của Người. Có lẽ sách này được viết vào thập niên cuối cùng của thế kỷ I.

   - Sách Tông Đồ Công Vụ

              Thánh Luca, tác giả sách Phúc Âm thứ ba đã viết sách này. Sách này cho ta thấy sinh hoạt của Hội Thánh tiên khởi sau cuộc Phục sinh và Lên trời của Chúa Giêsu. Sách này tập chú hầu như vào Thánh Phêrô và Thánh Phaolô so với các tông đồ khác. Thánh Phêrô được mô tả là người mang sứ điệp Tin mừng đến cho người Do thái. Thánh Phaolô có sứ mạng rao giảng Tin mừng cho dân ngoại.

  - 14 thư của thánh Phaolô

           Thánh Phaolô đã viết các lá thư này gửi cho các cộng đoàn Kitô giáo tiên khởi hoặc cá nhân. Nội dung của các lá thư này là nhằm củng cố đức tin của các tín hữu và sửa chữa những sai lỗi của họ. Thánh Phaolô đã viết 13 lá còn thư gửi tín hữu Do thái là do một môn đệ của thánh nhân viết dựa vào lời giảng dạy của ngài. Các lá thư này là một bản tóm lược thần học Kitô giáo được trình bày do vị Tông đồ dân ngoại lừng danh. Người đọc sẽ nhận thức được những hiểu biết sâu sắc được linh hứng của thánh Phaolô về Đức Giêsu, Người con vĩnh cửu của Thiên Chúa.

 - 7 thư chung

            Thuật ngữ “chung” ở đây có nghĩa là phổ quát. Có 7 thư chung: Giacôbê, 1 và 2 Phêrô, 1,2 và 3 Gioan, và Giuđa. Chúng ta biết tương đối ít về tác giả, thời gian và nơi biên soạn của các thư này. Các thư Giacôbê, 1 Phêrô, 1 Gioan là những thư quan trọng nhất trong các thư chung này.

- Sách Khải huyền

          Sách Khải huyền được xếp vào loại “khải huyền” là một loại văn viết về mạc khải các Mầu nhiệm thiêng liêng của Thiên Chúa, thường dưới dạng những thị kiến ly kỳ kèm với những nhân vật lạ lùng trên trời hay dưới địa ngục. Do đó, khi đọc sách Khải huyền, ta thấy hàng loạt các thị kiến với những ngôn ngữ biểu tượng và huyền bí. Những gì sách trình bày liên quan tới thời gian, từ ngày Chúa Giêsu lên Trời tới ngày Người trở lại,tức là ngày tận thế, nhằm an ủi các Kitô hữu ở những thế kỷ đầu đang bị đế quốc Rôma bách hại.

III.THÁNH KINH TRONG PHỤNG VỤ

     Thánh Kinh hình thành nền tảng của Phụng vụ. Trái tim của Thánh lễ là Thánh Kinh. Hầu hết các lời nguyện của Thánh lễ, các bí tích, kinh nguyện hằng ngày của linh mục, tu sĩ được lấy từ Thánh Kinh.

           Phương cách tốt nhất để đón nhận Lời Chúa là khi Thánh Kinh được đọc trong Thánh lễ. Phần đầu của Thánh lễ được gọi là phần Phụng vụ Lời Chúa. Trong phần này, Thiên Chúa nói Lời của Ngài cho dân chúng. Tại núi Sinai, dân Chúa chọn tập hợp lại để nghe  Lời Chúa. Họ đồng ý với Lời Ngài và giao ước được thiết lập giữa Ngài và họ bằng một hy tế. Ngày nay, dân chúng tụ họp trong Thánh lễ để nghe Lời Chúa và sau đó chấp nhận Lời Ngài qua việc tham dự hy tế giao ước mới của Đức Kitô.

           Vì vậy, Thánh Kinh là trái tim của Thánh lễ. Khi chúng ta đón nhận Đức Kitô trong Bí tích Thánh thể cũng là lúc chúng ta đón nhận Đức Kitô trong “Lời”. Thánh lễ Chúa nhật có 3 bài đọc. Bài đầu tiên là bài Cựu Ước  được chọn phù hợp với bài Tin mừng, nhấn mạnh tới sự duy nhất giữa Cựu Ước và Tân ước. Bài đọc 2 là những đoạn liên tiếp nhau của các thư Phaolô và Giacôbê. Bài Tin mừng được chọn theo chủ đề của mùa phụng vụ. Các bài đọc Thánh Kinh được sử dụng trong thánh lễ gồm các đoạn Thánh Kinh khác nhau được sắp xếp theo một chu kỳ 3 năm.              

IV.ÁP DỤNG VÀO CUỘC SỐNG HÀNG NGÀY

     -  Thánh Kinh trong đời ta.

         Khi chúng ta cầm trí đọc Thánh Kinh và cố gắng áp dụng lời Thánh Kinh vào cuộc sống của chúng ta, Thiên Chúa sẽ hiệp thông với chúng ta. Ngài giúp chúng ta biết điều phải làm và ban ơn để ta làm điều đó. Lời Thiên Chúa nói với chính chúng ta. Những việc Chúa làm được ghi trong Thánh Kinh có ý cho chúng ta biết Thiên Chúa vẫn tiếp tục hiện diện giữa dân Ngài, Ngài vẫn hoạt động để giúp chúng ta ở đây và ngay lúc này như Ngài đã giúp họ xưa kia.

      -  Một vài đề nghị về việc đọc Thánh Kinh :

         Mỗi ngày chúng ta nên đọc một đoạn Thánh Kinh. Chúng ta xin Chúa Thánh Thần khai mở tâm trí chúng ta khi đọc Thánh Kinh.

          Dưới đây là những đoạn Thánh Kinh chúng ta có thể đọc khi rơi vào một số hoàn cảnh đặc biệt. Khi đọc những đoạn Thánh Kinh được đề nghị này, chúng ta hãy tự hỏi mình: Thiên Chúa nói gì với tôi lúc này?

  1. Khi gặp cám dỗ đọc Mt 4,1-11; Giacôbê1; Tv 139
  2. Nếu trót phạm một lỗi nặng hãy đọc: Lc7,36-50; 1Ga 1 hoặc 2; Tv 150. rồi trình bày những áy náy lo âu của mình lên Đấng rất yêu thương chúng ta.
  3. Khi cần sức mạnh để vượt qua yếu đuối, hãy đọc: Rm 8; Ep 6,10-24; Tv 31
  4. Khi cần một sự bảo đảm, sự bình an hãy đọc 1Ga 3; Tv 26 hay 90.
  5. Khi cảm thấy cô đơn hãy đọc Ga 14; Tv 22
  6. Nếu gặp khủng hoảng hãy đọc Cl 1; 1Pr1; Tv 15 hay 120
  7. Khi yếu đau hãy đọc: 2Cr 1.4.12,1-10; Gc5; Tv 40
  8. Cảm thấy sợ chết hãy đọc: Ga 11.20; 2Cr5;Kh14,12-13; Tv 85
  9. Khi gặp sầu khổ hãy đọc St 3,1-9; 1Cr 15 hay 1Tx4,13-18; Kh 21 hay 22; Tv 102 hay 115
  10. Khi cảm thấy theo đám đông dễ hơn theo Chúa hãy đọc: 2Cr6; Tv36.

 

                                   TÓM LƯỢC

       (Trích Bản Toát Yếu sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo)

1.H. Thiên Chúa mạc khải cho con người điều gì?

   T. Với lòng nhân hậu và khôn ngoan,Thiên Chúa tự mạc khải chính mình cho con người.Qua các biến cố và lời nói,Thiên Chúa tự mạc khải chính Ngài cũng như ý định của lòng nhân hậu,mà Ngài đã hoạch định tự muôn đời trong Đức Kitô cho phần phúc của con người.Ý định này nhằm đón nhận tất cả mọi người trở thành nghĩa tử trong Người Con duy nhất của Ngài nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần và cho họ tham dự vào sự sống của Thiên Chúa.

2.H. Giai đoạn mạc khải trọn vẹn và dứt khoát của Thiên Chúa là gì?

   T. Giai đoạn mạc khải trọn vẹn và dứt khoát của Thiên Chúa được thực hiện nơi Ngôi Lời nhập thể,là Đức Giêsu Kitô,Đấng trung gian và viên mãn của Mạc khải.Chúa Giêsu,Con duy nhất của Thiên Chúa,đã làm người,là lời hoàn hảo và dứt khoát của Chúa Cha.Mạc khải đã được hoàn tất cách trọn vẹn qua việc Thiên Chúa Cha sai Con Ngài và ban tặng Thánh Thần,mặc dù đức tin của Hội Thánh phải dần dần trải qua bao thế kỷ mới nhận biết ý nghĩa đầy đủ của Mạc khải.

3.H. Tại sao phải lưu truyền Mạc khải và lưu truyền bằng cách nào?

   T. Thiên Chúa “muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý”(1 Tm 2,4),nghĩa là nhận biết Đức Giêsu Kitô.Vì thế,phải rao giảng Đức Kitô cho mọi người,như chính lời Người dạy: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”(Mt 28,19).Điều này đã được thực hiện bởi Truyền thống các Tông đồ,gọi tắt là Truyền thống Tông đồ.

4.H. Truyền thống Tông đồ là gì?

   T. Truyền thống Tông đồ là việc chuyển đạt sứ điệp của Đức Kitô,đã được hoàn tất ngay từ lúckhởi đầu Kitô giáo,qua việc rao giảng,làm chứng,các cơ chế,phụng tự,và các sách được linh ứng.Các Tông đồ đã chuyển đạt mọi điều các ngài đã lãnh nhận từ Đức Kitô và học hỏi từ Chúa Thánh Thần cho những người kế nhiệm các ngài,là các giám mục,và qua họ,cho mọi thế hệ đến tận thế.

5.H. Truyền thống Tông đồ được thực hiện như thế nào?

   T. Truyền thống Tông đồ được thực hiện bằng hai cách : qua việc chuyển đạt sống động Lời Chúa (được gọi đơn sơ là Thánh Truyền) và qua Thánh Kinh,trong đó cùng một lời rao giảng ơn cứu độ được ghi lại bằng chữ viết.

6.H. Tương quan giữa Thánh Truyền và Thánh Kinh như thế nào?

   T. Thánh Truyền và Thánh Kinh liên kết và giao lưu mật thiết với nhau.Thật vậy,cả hai làm cho mầu nhiệm Đức Kitô được hiện diện và sung mãn trong Hội Thánh vì cả hai cùng xuất phát từ một cội nguồn là Thiên Chúa.Cả hai làm nên một kho tàng đức tin duy nhất,nơi Hội Thánh nhận được sự đảm bảo chắc chắn vế tất cả chân lý được mạc khải.

7.H. Ai có thẩm quyền để giải nghĩa kho tàng đức tin?

   T. Chỉ có Huấn quyền sinh động của Hội Thánh,nghĩa là vị kế nhiệm thánh Phêrô làm giám mục Rôma và các giám mục hiệp thông với ngài,mới có đủ thẩm quyền giải thích kho tàng đức tin.Huấn quyền,trong phục vụ Lời Chúa,được hưởng đặc sủng chắc chắn về chân lý,có trách nhiệm xác định các tín điều,nghĩa là những công thức trình bày các chân lý chứa đựng trong Mạc khải của Thiên Chúa;thẩm quyền này cũng áp dụng trên các chân lý có liên hệ thiết yếu với Mạc khải.

 

                 CÂU HỎI ĐỂ SUY NGHĨ VÀ THẢO LUẬN.

1.Bạn hãy phác họa tiến trình dẫn đến sự hình thành qui điển Thánh Kinh: Cựu Ước và Tân ước

       2.Hãy nêu hai đặc điểm riêng của mỗi sách Tin mừng

       3.Phần nào của sách Thánh Kinh giầu ý nghĩa nhất đối với bạn?