CÁC GIÁM MỤC VIỆT NAM “AD LIMINA” 2009

và Các Ad Limina Đã Qua

Posted on 24/06/2009 by Xuân Bích Việt Nam

 

Từ chiều Chúa nhật ngày 21.06.2009, 3 Đức Tổng Giám mục và 28 Đức Giám mục Việt-Nam đã tới Rôma để chuẩn bị cuộc ‘Ad limina’ khởi sự từ ngày 22.06.2009 tại Vatican.

Ad limina, viết tắt của ad limina apostolonna (aux seuils des basiliques des apôtres) = bước qua ngưỡng cửa vương cung thánh đường các tông đồ, nói cách khác là đến Rôma. Tại đây, các Giám Mục, mỗi 5 năm phải đến viếng mộ hai thánh Tông đồ, Phêrô và Phaolô, cùng gặp Đức Giáo Hoàng để tường trình về mục vụ tại Giáo phận mình có trách nhiệm, như qui định nơi điều 400 Giáo luật 1983 như sau:

(1) Vào đúng năm phải nạp phúc trình lên Đức Thánh Cha, nếu Tòa Thánh không định cách khác, Giám Mục giáo phận phải về Rôma để viếng mộ các Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô và yết kiến Đức Thánh Cha.

(2) Giám Mục buộc phải tự mình chu toàn bổn phận nói trên, trừ khi bị ngăn trở hợp lệ, thì có thể nhờ thay thế bởi Giám Mục phó, nếu có, hoặc Giám Mục phụ tá, hay một linh mục xứng đáng thuộc linh mục đoàn của mình hiện đang cư ngụ trong giáo phận…

A. NHỮNG LẦN AD LIMINA ĐÃ QUA.

Hội đồng Giám mục Việt-Nam đã họp Đại hội từ ngày 24.04 đến 01.05.1980 tại Hà nội. Đây là lần đầu tiên kể từ khi Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII ban hành Sắc chỉ ‘Venerabilium Nostrorum’ thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt-Nam ngày 24.11.1960, các Đức Giám mục Việt-Nam (thiếu Đức Cha P.X Nguyễn văn Thuận) mới có dịp họp chung. 33 Đức Giám mục đã có thư gởi toàn thể Linh mục, Tu sĩ và Giáo dân cả nước ngày 01.05.1980. Trong đó, Hội đồng Giám mục Việt-Nam xác định: "Việc đi viếng mộ các Tông đồ và việc tham dự Thượng Hội đồng Giám mục thế giới tại Rôma nói lên đặc tính của Hội thánh Chúa Kitô là phổ quát và hợp nhất, đồng thời thể hiện tinh thần tập thể và đồng trách nhiệm của các Giám mục đối với Hội thánh toàn cầu".

1.- ‘ad limina’ năm 1980

21 Đức Giám mục Việt-Nam thực hiện ‘ad limina’ do Đức Hồng Y Trịnh văn Căn hướng dẫn. Đặc biệt, ngày 22.06.1980, Đức Thánh Cha đã ưu ái đến tận Nhà Quản lý Phát Diệm (Rôma) để thăm Đức Hồng Y và các Đức Cha. Trong diễn văn đọc hôm 17.06.1980, Đức Thánh Cha nhấn mạnh hai điểm: "lần đầu các Giám mục đến đông từ miền Bắc tới Rôma viếng Tòa Thánh và ‘gặp Phêrô”, thủ lãnh Giám Mục đoàn và Chủ Chăn Giáo Hội hoàn cầu, dấu hiệu hữu hình sự hiệp nhất và hiệp thông của toàn Giáo Hội". Do đó, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đặc biệt về lòng trung thành, về sự hiệp nhất và hiệp thông với Phêrô, bởi vì Đức Thánh Cha thấu hiểu hoàn cảnh của các Vị chủ chăn và của Cộng đồng Công giáo Việt Nam. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, Đức Thánh Cha thấy rõ: cần phải củng cố Đức Tin. Đức Tin này được củng cố nhất là khi các Giám mục đến viếng mộ hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, cột trụ của Giáo hội và có nhiệm vụ do Chúa trao cho: là "củng cố Đức Tin của anh em mình", trước hết những anh em trong Hàng Giám mục, kế vị các Tông đồ, thuộc Giám mục đoàn, và cũng là Thầy dạy Đức Tin cho phần Dân Chúa được trao phó.

2.- Năm 1985 chỉ có 3 Giám Mục được về Rôma.

3.- Năm 1990 có 21 Giám Mục đến viếng mộ hai thánh Tông Đồ và gặp Đức Thánh Cha.

4.- Năm 1996 có 14 Giám Mục về Rôma.

Trong cuộc gặp gỡ chung với Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II ngày 14.12.1996, sau khi nghe lời chào mừng của Đức Hồng Y Tổng Gíám Mục Hà nội, Đức Thánh Cha đã trao cho mỗi Giám mục bài diển văn, nói đến ý nghĩa của việc các Giám Mục về Rôma viếng mộ hai thánh Tông Đồ và gặp Đức Thánh Cha. Ý nghĩa đó là sự hiệp thông của toàn thể Gíáo Hội và sự hiệp nhất của Giám mục đoàn với nhau và với Đức Thánh Cha. Đức Thánh Cha nói lên ao uớc của Người được gặp tất cả các Giám mục Việt-Nam, nhưng không thể được. Đức Thánh Cha gởi lời chào thăm các Giám mục vắng mặt, cộng đoàn tín hữu, và toàn thể Dân Tộc Việt-Nam. Đức Thánh Cha lưu ý rằng: « cuộc viếng thăm của một Hội đồng Giám mục đầy đủ là dấu chứng tỏ sự tự do tôn giáo được tôn trọng tại một quốc gia. »

5.- "Ad limina năm 2002.

Lần cuối cùng, cách đây đã hơn 7 năm, ngày 14.01.2002, Hội đồng Giám mục Việt-Nam (chỉ thiếu 2 vị) đã đến viếng mộ hai thánh Tông đồ, Phêrô và Phaolô, cùng gặp Đức Giáo Hoàng để tường trình về mục vụ tại Giáo phận mình có trách nhiệm.

Ngày 22.01.2002, sau khi chào mừng Đức Thánh Cha, cám ơn Tiền Nhân từ gần năm thế kỷ đã gieo Tin Mừng và xây dựng Giáo Hội Đất Việt, Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng Giám Mục Việt-Nam, đã đề cập đến việc sống đạo của tín hữu người Việt, quốc nội cũng như hải ngoại.

Nhìn lại Quê hương đang canh tân, Đức Cha nói: "Việt-Nam là quốc gia đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ nền kinh tế quốc doanh chuyển sang kinh tế thị trường, từ chủ thuyết cô lập tiến vào việc hội nhập với cộng đồng thế giới tự do. Thế nhưng, trong tiến trình đổi mới nầy Giáo Hội vẫn còn chưa được hưởng tất cả những tự do cần thiết".

Đức Thánh Cha mở đầu Huấn từ bằng bày tỏ sự sung sướng được gặp gỡ những Giám Mục mới được tấn phong và hầu hết các Giám mục trong Hội đồng Giám Mục trong diễm phúc hiệp thông đầy tình huynh đệ. Đức Thánh Cha nhờ các Giám Mục chuyển đến toàn thể các thành phần Dân Chúa Việt-Nam là Đức Thánh Cha cầu nguyện và khuyến khích chúng ta sống theo Phúc Âm bằng noi gương Tiền Nhân Tử đạo.

Sau khi nhắc lại những hoạt động mà các Giám Mục đã cộng tác thực hiện từ sau lần ‘ad limina’ trước, Đức Thánh Cha mời: Giáo Hội Việt-Nam ra khơi.

Đức Thánh Cha cầu xin một hơi thở từ Chúa Thánh Thần để có niềm phấn khởi mới trong việc giáo huấn, đào tạo, kinh nguyện cũng như công tác tông đồ của các Giám Mục. Những dự án mục vụ cần vừa thích hợp với hoàn cảnh và nhu cầu khả hữu vừa lưu ý đến môi trường đang sống, trong đó, phải lưu ý yếu tố con người được vun bồi bởi nhiều nền văn hóa và truyền thống tôn giáo khác nhau. Đức Thánh Cha nhắc lại sự hoàn chỉnh các cơ chế của Hội đồng Giám Mục. Hôm kết thúc khóa họp thường niên ngày 22.09.2001, Hội đồng đã lập 4 Ủy ban mới: Phúc âm hóa, Giáo lý, Văn hóa và Bác ái Xã hội.

Trong tường trình ngũ niên, các Giám Mục thường đề cập đến sự phát triển huấn dạy giáo lý cơ bản lẫn đào luyện liên tục cho linh mục, tu sĩ và giáo dân để xây dựng và sống Đức Tin. Điều cần là cung cấp cho mọi người một giáo huấn vững chắc về học thuyết xã hội của Giáo Hội.

Giáo Hội Công Giáo cũng được kêu gọi chia sẻ niềm Hy vọng bằng luôn đề xuất con đường đối thoại. Chỉ một cuộc đối thoại tín nhiệm và xây dựng giữa các thành phần của xã hội dân sự cũng đủ mở ra một niềm hy vọng mới cho toàn dân Việt-Nam.

Đức Thánh Cha nêu đoạn 76 Gaudium et Spes "Giáo Hội, vì sứ mạng và chức năng mình, Giáo Hội không lẫn lộn với một cộng đồng chánh trị và không bị gắn liền với bất cứ hệ thống chánh trị nào". Bởi thế "cộng đồng chánh trị và và Giáo Hội độc lập với nhau và tự trị trong lãnh vực chuyên biệt của mình". Nhưng vì cả hai cùng được mời gọi hoàn tất sứ mạng riêng biệt phục vụ cùng một tập thể con người, sự phục vụ sẽ càng hữu hiệu nếu "cả hai thực hiện nhiều hơn nữa một sự hợp tác lành mạnh với nhau". Vì ‘sự hợp tác lành mạnh nầy’, Giáo Hội mời tín hữu dấn thân cho sự phát triển mọi con người và xây dựng một xã hội công bằng, đoàn kết và bình đẳng. Giáo Hội không muốn thay người trách nhiệm của Nhà nước, công việc của cá nhân hay tập thể.

Để thực hiện ‘sự hợp tác lành mạnh’ nầy, Giáo Hội mong đợi nơi chánh quyền tôn trọng toàn diện sự độc lập và tự trị của Giáo Hội mà quyền Tự do Tôn giáo quí giá đã được khẳng định trong Công Đồng Vatican II và trong những Tuyên ngôn và Quy ước quốc tế, cho từng cá nhân và những cộng đồng tôn giáo.

Đức Thánh Cha không chỉ ưu tư đến Giáo Hội Công giáo mà còn nghĩ đến các tôn giáo khác cũng như cả Dân Tộc Việt-Nam. Người mọi người Việt được quyền có đời sống no ấm và hạnh phúc thật sự, Đức Thánh Cha đã nói đến Sự Hợp Tác Lành Mạnh giữa Cộng Đồng Chánh trị và Cộng Đồng Tôn Giáo. Khi Cộng Đồng Tôn Giáo được độc lập và tự chủ thì mới có đủ tư cách để cộng tác trực tiếp vào việc xây dựng xã hội lành mạnh. Một thí dụ: công táục giáo dục cần thiết cho việc mở mang dân trí. Các tôn giáo không được dự phần vào công tác nầy vì Nhà nước đã chiếm đoạt toàn bộ những trường học cũa các tôn giáo từ 1975 đến giờ.

Nhật báo La Croix (Thánh Giá), phát hành tại Pháp quốc ngày 23.01.2002, dưới tựa đề "Jean-Paul II encourage les évêques vietnamiens qu’il juge ‘exemplaires’" (Gioan-Phaolô Đệ Nhị khích lệ các Giám Mục Việt-Nam mà Ngài cho là ‘gương mẫu’), đặc phái viên thường trực đã nhắc lại đầy đủ cuộc thăm viếng ‘ad limina” các Giám Mục Việt-Nam tại Rôma.

B. AD LIMINA 2009

Đây là lần đầu tiên, các Đức Giám mục Việt-Nam đến yết kiến Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI, đấng kế vị thánh Phêrô, trong thời gian đáng ghi nhớ:

1. Năm Thánh Phaolô sắp chấm dứt (28.06.2009) và Năm Linh mục vừa bắt đầu (19.06.2009);

2. Giáo Hội Công giáo Việt-Nam đang chuẩn bị mừng Năm Thánh (24.11.2009 đến 02.01.2011) kỷ niệm 50 năm thiết lập Hàng Giáo Phẩm Giáo Hội.

Ngoài ra, 31 Đức Giám mục đến từ 25 giáo phận thuộc 3 giáo tỉnh (Hà Nội, Huế và Sài Gòn) và giáo phận Phát Diệm được đại diện bởi Đức Cha Giám quản. Vị Giám mục cao tuổi nhất là Đức cha Phaolô Cao Đình Thuyên (82 tuổi) và ít tuổi nhất là Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên (49 tuổi),

Theo chương trình dự trù:

- mỗi ngày, Đức Thánh Cha tiếp 4 Giám mục, mỗi vị 15 phút, bắt đầu từ các Giám mục thuộc Giáo tỉnh Hà Nội, Huế và Sài gòn.

- Các Giám mục viếng mộ Thánh Phaolô (Đền thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành) và cử hành Thánh lễ lúc 17 giờ 30 ngày 23.06.2009. Ngày 24.06.2009, lúc 7 giờ 30, các Giám mục cử hành Thánh lễ tại mộ Thánh Phêrô (vương cung đại thánh đường thánh Phêrô).

- Các Giám mục cũng đi thăm Phủ Quốc Vụ Khanh và Bộ Ngoại Giao Tòa Thánh, 6 Thánh Bộ và 12 Hội Đồng Giáo Hoàng,… và 3 học viện: Urbano Collegio, San Paolo và San Pietro thuộc Bộ Truyền Giáo. – Thứ bảy 27.6.2009, Đức Thánh Cha gặp chung 31 Giám mục Việt-Nam.

Nhân dịp này, chúng ta, tín hữu Công giáo Việt-Nam, cùng cầu nguyện cho Đức Thánh Cha, cho Giáo Hội Công Giáo, cho Giáo Hội tại Việt-Nam và cho các vị Chủ chăn của mình.

Hà–Minh Thảo

 

 

Mục Lục