NHẬT KÝ AD LIMINA 2009 CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM  (13)

Thứ sáu 3.07.2009

 

Hôm nay lễ thánh Tôma Tông Đồ, bổn mạng hai Đức cha Bà Rịa và Vĩnh Long, tất cả các Đức cha cùng chúc mừng và cầu nguyện cho các ngài và hai giáo phận.

Hôm nay là ngày cuối của cuộc viếng thăm Ad Limina. Theo dự định, Đức Thánh Cha lần lượt tiếp kiến riêng tất cả các Đức cha theo giáo phận. Ngài đã gặp các Đức cha Miền Bắc và các Đức cha 3 giáo phận Miền Trung (Huế, Ban Mê Thuột, Đà Nẵng). Chương trình phải thay đổi phần nào: sáng hôm nay, ngài sẽ tiếp kiến Đức Hồng y và hai Đức cha phụ tá Tổng giáo phận TP.HCM, rồi tiếp kiến chung các Đức cha các giáo phận còn lại.

Hôm nay có hai cuộc họp: buổi sáng với Hội đồng Tòa Thánh về Đại Kết, buổi chiều với Bộ Ngoại giao.

Hội đồng Tòa thánh về Đại Kết

Tiếp các Đức cha tại Hội đồng Tòa thánh về Đại Kết là Đức Tổng Giám mục Tổng Thư ký Brian Farrell. Mở đầu ngài nói: “Giáo Hội Việt Nam ở trong trái tim chúng tôi: một Giáo Hội đầy sức sống, dù phải đương đầu với bao khó khăn vẫn phát triển. Chúng tôi hằng cầu nguyện cho Việt Nam.”

Năm tới sẽ kỷ niệm 50 năm Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII thành lập Hội đồng. Vị Giáo hoàng nhân hậu đã làm cả thế giới ngạc nhiên khi có ý định triệu tập Công Đồng Vaticanô II, và cũng gây ngạc nhiên không kém khi ngài mời các quan sát viên Kitô giáo ngoài Công giáo tham dự Công Đồng. Thật ra, ngài đã nhờ Đức Hồng y Bea, người có nhiều quan hệ với anh em Tin Lành ở Đức, chuẩn bị bằng việc thành lập Hội đồng Đại Kết. Đó là thời điểm Hội Thánh Công Giáo chính thức đi vào đối thoại đại kết. Chia rẽ giữa các Kitô hữu là một gương xấu. Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho các môn đệ hiệp nhất để thế gian tin, vì thế đại kết là điều cốt yếu cho sứ mạng của Hội Thánh.

Đức cha Nguyễn Văn Thiên thay mặt Hội đồng Giám mục trình bày về tình hình Đại Kết ở Việt Nam. Tỷ lệ Kitô hữu ở Việt Nam là 8% dân số, trong đó 7,47% là Công Giáo, 0,53% là Tin Lành. Ở Việt Nam không có anh em Chính Thống. Người Tin Lành đến Việt Nam từ thế kỷ XIX. Đến đầu thế kỷ XX thì có những cộng đoàn đầu tiên. Những năm gần đây, kiều bào Việt Nam từ hải ngoại về cũng lập thêm được một số cộng đoàn mới, chủ yếu ở Miền Nam. Đặc biệt trong những năm gần đây, Tin Lành phát triển mạnh ở Tây Nguyên. Hiện có 25 hệ phái Tin Lành ở Việt Nam. Trong một vài giáo phận, Công Giáo và Tin Lành cộng tác trong hoạt động từ thiện. Khi có dịp đặc biệt như khánh thành nhà thờ, lễ phong chức, lễ nhậm chức của một linh mục, người Công Giáo cũng mời anh em Tin Lành tham dự. Hằng năm toàn thể Giáo Hội Việt Nam cầu nguyện cho công cuộc Đại Kết trong tuần lễ cầu nguyện cho Hiệp Nhất. Nói chung ở Việt Nam người Công Giáo không quan tâm nhiều đến Đại Kết. Đôi khi có người băn khoăn vì liên lạc tốt với Phật Giáo nhưng ít quan hệ với anh em Tin Lành.

Vị Tổng Thư ký Hội đồng xin các Đức cha coi Đại Kết như một phần cốt yếu trong sứ vụ. Có những hệ phái chấp nhận đối thoại, có hệ phái không chấp nhận. Chúng ta coi họ là Kitô hữu đích thực, nhưng họ cho chúng ta không phải là Kitô hữu vì được rửa tội khi chưa có trí khôn. Ủy ban chủ trương luôn luôn đối thoại, dù khó khăn. Cũng có những người Kitô hữu khác mà chúng ta không coi là Kitô hữu, chẳng hạn người Mormon, các Chứng Nhân Giêhôva… Cho đến nay chưa có đối thoại, vì rất khó, nhưng chúng ta luôn tìm cách giữ tương quan tốt đẹp với mọi người.

Các vị lãnh đạo Hội đồng cũng trả lời một số câu hỏi của các Đức cha liên quan đến anh em Tin Lành. Để kết luận, vị Tổng Thư ký nói Đại Kết ở trong tim Đức Giáo Hoàng nên cũng phải ở trong tim các giám mục.

Bộ Ngoại giao


Buổi chiều, các Đức cha đến gặp Bộ Ngoại giao tại Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Đức Tổng Giám mục Bộ trưởng Dominique Mamberti đã trân trọng chào mừng đoàn. Cuộc trao đổi diễn ra trong bầu khí cởi mở và thân tình. Vị Bộ trưởng cho biết sẵn sàng giúp Hội đồng Giám mục trong các quan hệ giữa Giáo Hội với Nhà Nước.

Đây là cuộc gặp gỡ cuối cùng của Hội đồng Giám mục Việt Nam trong cuộc Thăm viếng Ad Limina năm 2009.


Sáng nay, các Đức cha đã họp tổng kết và tối nay họp để quyết định về Thư mục vụ gửi Cộng Đồng Dân Chúa ở Việt Nam.

Với bản tin này, Ủy ban Truyền thông Xã hội thuộc Hội đồng Giám mục xin tạm biệt quý độc giả. Cảm ơn quý độc giả đã đồng hành – và cầu nguyện cho cuộc Thăm viếng Ad Limina 2009 của HĐGMVN. Trong tâm tình tạ ơn, tràn đầy hi vọng hướng tới Năm Thánh 2010, nguyện xin Thiên Chúa ban mọi ơn lành hồn xác cần thiết cho chúng ta.