DIỄN NGUYỆN

Kính thưa Quý Đức Cha, Quý Tu Sĩ nam nữ và cộng đoàn hành hương về đây từ hải ngoại và khắp mọi miền đất nước.

Sự gặp gỡ trùng phùng giữa Đại Hội Thánh Mẫu La Vang lần thứ 27 và Đại Hội Thánh Thể toàn quốc năm 2005 đã đem đến cho những ngày hành hương năm nay một ý nghĩa sâu lắng và tưng bừng đặc biệt cô đọng lại trong dung mạo của Đức Maria, Người Nữ Thánh Thể.

§         Suốt hai ngày qua, theo gương Mẹ Maria cùng với Mẹ và nhờ Mẹ, qua những nghi thức Phụng Vụ và Bí Tích, Á Bí Tích và kinh nguyện bình dân chúng ta đã được dẫn đến với Chúa Giêsu Thánh Thể là “Chóp Đỉnh và Nguồn Sống” của mọi tín hữu.

§         Giờ đây, khi màn đêm buông xuống trên phần đất linh thiêng này, những người con của Mẹ lại muốn tiếp nối truyền thống năm xưa để La Vang những tâm tình rạo rực chia sẻ những cảm nghiệm chất chứa trong tim. Chính đây là thời khắc của Diễn Nguyện.

Diễn Nguyện, đúng với tên gọi, là tâm tình cầu nguyện được diễn tả ra bên ngoài bằng những hình thái của Nghệ Thuật; của Nhạc Thơ; của cử điệu cá nhân và vũ điệu đội hình, để tất cả trở thành một hòa điệu tiến dâng. Trong Diễn Nguyện, người ta gặp thấy Đức Tin được biểu lộ qua Văn Hóa, và Văn Hóa trở thành ngôn ngữ tinh lọc của Đức Tin.

§         Vì thế, đến với Diễn Nguyện là đến trong tư thế của những tham dự viên cùng chia sẻ một tinh thần cầu nguyện. Không chỉ thưởng thức mà còn hòa điệu, không bằng tình cảm lượng giá mà bằng hồn trí thăng hoa. Vừa lắng động cá nhân vừa hiệp thông Giáo Hội và vừa sốt sắng thì thầm dâng lên Thiên Chúa.

§         Nếu hát là cầu nguyện bằng âm nhạc và ngôn từ, đã trở thành cầu nguyện hai lần, theo kiểu diễn tả của Thánh Augustinô, thì diễn nguyện là cầu nguyện bằng âm nhạc, ngôn từ, cử điệu, cũng mong ước được trở thành cầu nguyện thêm một lần nữa. Đó là niềm mong nỗi ước của đêm nay.

Trong tư cách là Chủ Tịch Ủy Ban Văn Hóa, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đơn vị góp mặt trong Đại Hội La Vang năm nay, xin hân hạnh giới thiệu buổi diễn nguyện đặc biệt này. Kính mời Quý Đức Cha, Quý Cha, Quý Tu Sĩ nam nữ và cộng đoàn hành hương cùng say mến bước vào trong hòa điệu của hương kinh tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria và cùng với Mẹ tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể.

 

 

NGÀY HẸN HÒ VỚI THÁNH MẪU VÀ THÁNH THỂ,

MỘT RỪNG NGƯỜI DƯỚI THÁP CỔ LA VANG

 

Chẳng hò mà hẹn, mỗi năm những người con dân Việt Nam không phải chỉ riêng người Công Giáo mà thấp thoáng còn có bóng dáng anh em lương dân yêu mến Đức Mẹ La Vang cùng có mặt tại La Vang vào ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Năm nay đoàn người chẳng biết đông hơn gấp mấy đã tề tựu về đây từ rất sớm hướng tới Đại Hội Thánh Thể và Thánh Mẫu La Vang. Đúng là một rừng người dưới ngọn Tháp Cổ còn ghi dấu thương đau của những ngày tháng Việt Nam đầy bom đạn.

 

Một Rừng Người, Một Biển Lời Kinh

 

Đáng lưu ý nhất là những người con của Mẹ từ phần đất phía Bắc đùm đề dắt dìu nhau, cha mẹ vợ chồng con cái, sẵn sàng ăn bờ ở bụi miễn leo được lên xe, đến được Linh Địa. Linh Địa không còn một thước đất hoang, vì những căn lều nhựa đủ màu mọc lên khắp nơi. Không đủ tiền thuê một căn hộ, họ dựng lều xung quanh lễ đài, ăn cơm nắm, uống nước lã, và chẳng quản mấy ngày đêm thiếu thốn mệt nhọc trên đất Mẹ. Những người con dân có lẽ chẳng hiểu nhiều đạo lý sâu xa của Chúa nhưng có lòng thành. Cuộc sống những người dân nghèo này có biết bao những khó khăn, những khúc mắc. Họ chẳng hơn gì cuộc đời của Đức Mẹ, Chúa Giêsu và Thánh Giuse ở Nazareth thuở nào, chẳng mong sang giàu, chỉ mong vâng ý Chúa cho trọn. Với những mảnh đời khó nghèo này dường như tương lai trước mặt vẫn mù mịt lắm nhưng đến với Đức Mẹ, họ đã không thể không nói lời xin vâng như Đức Mẹ.

Giữa rừng người hành hương, cũng nổi bật những khuôn mặt rực rỡ mùa xuân tuổi đời.

Những khuôn mặt trẻ này đời chưa một lần chứng kiến cảnh bom đạn, chưa một lần tận mắt thấy nhà cháy, người chết, đất nước tan hoang. Họ rất xa lạ với chiến tranh nhưng chính họ lại là người đối mặt cận kề nhất với những cuộc chiến trên thương trường. Họ cũng là người đang được chuẩn bị để sẵn sàng đấu tranh trong thương trường. Phải không trong cuộc hành hương này, chính họ sẽ học được bài học khôn ngoan như rắn nhưng hiền như chim câu, và bài học biết chia đi của Bánh Thánh Thể.

Bay nhảy ở đâu không biết nhưng nơi Linh Địa này, họ cũng chịu khó chịu khổ và cầu nguyện sốt sắng. Họ căng những mái lều, ngồi chịu nắng, chuẩn bị nằm sương, quy tụ nhau từng nhóm từng đoàn, cầu nguyện chung trước bàn thờ Đức Mẹ.

Rải rác trong số khách hành hương thân thể toàn vẹn, mạnh khỏe, có điểm thêm những anh chị em khuyết tật. Họ ngồi xe lăn, họ lê lết trên những mảnh ni lông, họ chống gậy khập khiễng bước đi. Cũng có những ông già bà cả không thể tự mình bước đi, phải nhờ người thân khiêng cõng. Những con người thiếu thốn này đến tận Linh Đài Đức Mẹ. Họ có mặt trong thánh lễ, giờ chầu Thánh Thể, rước kiệu. Hẳn trong tâm tư họ ước mong được Đức Mẹ phù hộ, được Chúa chữa lành nhưng lời cầu khẩn thiết tha nhất chúng tôi nghe tận tai, “Tôi chỉ cầu xin Chúa, Mẹ thêm sức cho được vác Thánh Giá theo chân Chúa”.

Khác mọi năm, Thánh Địa La Vang lần này hân hạnh đón tiếp đủ các khuôn mặt, từ các em thiếu nhi đến giới trẻ, từ hiền mẫu đến gia trưởng, giới gia đình. Và cả những người đang làm việc trong đủ các lãnh vực xã hội, giới y tế, giáo chức, doanh nhân, nghệ sĩ, và rất nhiều chiếc xe lăn tiêu biểu cho giới khuyết tật. Đó đây còn những khuôn mặt như lạ lẫm với đạo Chúa, nước da sạm nắng bao năm với cái nắng nung người của Quảng Trị. Họ có thể xa lạ với những nghi thức, những lời kinh trong đạo Chúa, có thể tò mò về khung cảnh tấp nập của Thánh Địa những ngày đại lễ này nhưng trong lòng không thể không dậy lên những chứng từ về niềm tin Kitô giáo, không thể thoát được sức hút của lòng sùng kính Đức Mẹ và tôn thờ Thánh Thể từ các tín hữu. Ước mong một ngày nào đó họ cũng trở thành người con Chúa trong lòng Giáo Hội. Nước da sạm nắng Quảng Trị tương phản màu da trắng sáng của những người con Mẹ xa quê. Họ từ hải ngoại trở về, chẳng ngại gì với cát bụi đường xa, chẳng ớn những giây phút chờ chực, chen chúc, róc người để được hòa lòng với nhịp đập của đồng đạo, đồng hương trong nước.

 

Hòa Bình và Phát Triển Dưới Chân Ngọn Tháp Cổ

 

Về với La Vang, không thể không mủi lòng với ngọn Tháp Cổ. Ngọn Tháp tuy vẫn sừng sững, chọc trời nhưng thân tháp tan hoang, loang lở đầy những vết tích bom đạn. Chiến tranh là rủi ro chẳng ai dám trách ai. Ngôi Đại Vương Cung Thánh Đường La Vang thuở nào từng tập trung đông đảo các tín hữu của một Tổng Giáo Phận nằm giữa hai miền Nam Bắc của đất nước, cũng là miền đất thường xuyên diễn ra những cuộc giao tranh thương đau. Linh Địa La Vang chung thân phận đổ vỡ với miền đất nước này. Ngôi Tháp Cổ hôm nay không chỉ nhắc tới những ký ức buồn nhưng còn nổi bật nét hòa bình khi những người con Việt Nam của Mẹ về đây không thể quên nề nếp vui hòa của Mẹ, không thể vô tâm với sứ điệp hòa bình của Con Mẹ nhắn gửi các môn đệ, “Anh em tới đâu, hãy chúc bình an cho dân”, và không thể quên đòi hỏi của Chúa đòi anh em bỏ gươm vào vỏ, ai dùng gươm sẽ chết vì gươm. Ngày hôm nay quây quần dưới Tháp Cổ, tất cả đã giã từ vũ khí. Vũ khí ở đây không hẳn chỉ là súng đạn nhưng còn là lòng hiềm thù, ngay cả dáng dấp xa lạ với những người lạ. Mẹ La Vang chẳng bao giờ dậy con Mẹ giận hờn. Lần gặp gỡ con cái đông đảo này, không ngày nào Mẹ La Vang không nghe dăm bảy lần, “Kính mừng Nữ Vương, Nư…ữ… Vương Hòa Bình, Nữ Vương Hòa Bình. Đây bao tâm hồn thao thức. Dân con đất Việt nao nức” hòa bình với hòa bình.

Dĩ nhiên giữa đông đảo khách hành hương, không thiếu  những tay móc túi chuyên nghiệp. Buổi tối hôm tổng dượt Diễn Nguyện, ba anh kẻ cắp đã bị bắt và dẫn đến Ban Tổ Chức. Cả ba đều được ân cần nhắc nhở và tha về qua cái bắt tay thân tình. Nghe tin có cả một chuyến xe 12 chỗ khởi hành từ Fatima Bình Triệu chở các tay “chuyên nghiệp”  ra tận La Vang “làm ăn”. Đáng tiếc cho nhiềâu người con của Mẹ mải đọc kinh cầu nguyện quên đề phòng đã mất bóp, mất tiền, biết đâu mất cả sản nghiệp, mếu máo xót xa. Năm nay không còn chuyện khách hành hương bắt tại trận và đánh thẳng tay. Tinh thần Đại Hội Thánh Thể Thánh Mẫu nhất định thế cảnh mắt thay mắt, răng đền răng bằng thái độ hiếu hòa, làm cho nhau điều mình muốn người làm cho mình. Và trong tình huống nào, vẫn cứ là bỏ gươm vào vỏ.

Ngôi Tháp Cổ ghi dấu những ngày đất nước đổ vỡ, đời dân còn nghèo, tương lai tăm tối. Năm nay là 37 năm kể từ Ngôi Đại Vương Cung Thánh Đường La Vang bị bom đạn tàn phá, 37 năm phục hồi và xây dựng, 37 năm phát triển. Đổ vỡ hay xây dựng, chiến tranh hay hòa bình, Mẹ cũng là người trong cuộc với đất nước này, với con cái của Mẹ. Những người con của Mẹ hiện diện trong những ngày linh thánh, tại Linh Địa này, hẳn không chỉ đến để kêu nghèo than khổ với Mẹ nhưng cũng xin Mẹ cùng chung tay xóa tan những tàn tích đổ nát, xoa dịu những vết thương đau của dân, và xin Mẹ đi đầu làm hướng cho cuộc phát triển của quê hương Việt Nam. Có ai liên tưởng ở đây lời sách Thánh, “có một thời để phá hủy, một thời để xây dựng, một thời gieo trồng, một thời gặt hái, một thời ôm hôn, một thời giã biệt”. Xin giã biệt cảnh nghèo đói, giã biệt cái hờ hững đứng ngoài dòng chảy của quê hương, giã biệt thái độ lạnh lùng từ chối chia sẻ, giã biệt lề thói kỳ thị giàu nghèo, lương giáo, ở trong ở ngoài, trên cao dưới thấp… Giã biệt, giã biệt. Và rước Chúa Thánh Thể hòa bình, rước Đức Mẹ hiếu hòa lên ngôi giữa muôn tâm hồn, giữa Giáo Hội địa phương và Giáo Hội Việt Nam hôm nay.

Ngoài kia đông đảo những người con Mẹ đang râm ran Lạy Mẹ là ngôi sao sáng, soi lối cho con lúc vượt biển thế gian… Rất hòa với cảnh dân Chúa hành hương lên Đền thuở nào, vừa đi vừa ca hát Thánh Vịnh tôn vinh Đức Giavê.

 

Nhóm Phóng viên UBVH/HĐGM.VN

 


Giáo Hội Công Giáo Việt Nam
Trở về Trang Mục Lục Giáo Hội