Truyền thông công giáo tại Việt Nam trong 50 năm qua

 

DẪN NHẬP

Truyền thông càng ngày càng có nhiều ảnh hưởng quan trọng trong cuộc sống con người và ngay cả trong đời sống của Giáo Hội. Trên quê hương Việt Nam, do rất nhiều yếu tố đặc thù, lãnh vực hoạt động truyền thông của Giáo Hội còn những giới hạn nếu không muốn nói là quá chậm chân và nhiều vấn đề… Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận rằng đã có rất nhiều cố gắng của các thành phần dân Chúa, để góp phần làm cho sứ điệp Tin Mừng của Đức Kitô được truyền thông đến với con người hôm nay. Nhân dịp Năm Thánh 2010 kỷ niệm 50 thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam, chúng ta cùng nhìn lại đôi nét chính yếu về các họat động truyền thông Công Giáo của Giáo Hội Việt Nam trong dòng lích sử, để có một định hướng tốt đẹp hơn cho tương lai...

Ngược dòng thời gian trở về với thời kỳ Giáo Hội Việt Nam mới hình thành, ai trong chúng ta cũng đều cảm động tri ân khi biết sứ điệp Tin Mừng và những câu chuyện về Đức Giêsu đã được các vị thừa sai nước ngoài đem đến kể lại cho những người dân Việt đơn sơ chất phác, giúp hình thành nơi họ niềm tin vào Thiên Chúa. Năm 1533, nhà truyền giáo nước ngoài đầu tiên được đề cập trong lịch sử của Việt Nam là I-Nê-Khu, đến loan truyền Tin Mừng Đức Kitô tại Nam Định, miền Bắc Việt Nam. Từ năm 1550 đến 1615, các tu sĩ dòng Đa-minh và Phanxicô đặt chân đến những vùng đất khác nhau để khai mở các hoạt động truyền giáo. Đó là những họat động truyền thông công giáo đầu tiên trên quê hương. Ngày 18 tháng 01 năm 1615, ba linh mục Thừa sai Dòng Tên đầu tiên đến Cửa Hàn - Đà Nẵng, chính thức mở ra trang sử mới cho công cuộc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam, trong đó có Alexandre de Rhodes (cha Đắc Lộ), là người đã góp phần làm nên bộ chữ quốc ngữ để chuyển tải đức tin vào nền văn hóa Việt Nam…[1]

Các vị thừa sai tiên khởi đã vượt qua bao rào cản về văn hóa, ngôn ngữ, tập quán… để gầy dựng niềm tin mạnh mẽ trên quê hương thân yêu. Đó là bước đầu của công cuộc truyền thông ánh sáng Tin Mừng tại Việt Nam với những “phương tiện truyền thông truyền thống” như kể chuyện, rao giảng, chia sẻ, thăm viếng… giúp chuyển tải những kinh nghiệm cuộc sống và nhất là những kinh nghiệm niềm tin. Đó cũng là một chặng đường phong phú thành quả, với bóng mờ không tránh khỏi của biết bao khó khăn, chông gai, gian khổ; nhưng cũng tuyệt đẹp với nhiều chứng tá can đảm hào hùng, mà bằng chứng tuyệt vời là các vị Tử đạo Việt Nam đã được Giáo Hội tôn phong lên bậc Hiển Thánh! Song hành với lịch sử dân tộc, các yếu tố của nền truyền thông công giáo rõ nét dần từ việc hình thành và phát triển những cách diễn đạt Tin Mừng phong phú qua ngôn ngữ, hình ảnh, âm nhạc, vũ điệu, lối sống và rất nhiều những hình thức độc đáo khác mang đậm nét văn hóa dân tộc Việt Nam.

Đối với Giáo Hội toàn cầu, Sắc lệnh Inter Mirifica (1963) của Công Đồng Vatican II được xem là văn kiện tiên phong liên quan đến các hoạt động Truyền Thông, mở ra một cái nhìn mang tính đối thoại với nhân loại và ngỏ lời muốn dấn thân cộng tác với xã hội. Văn kiện này là nền tảng cho các văn kiện khác của Giáo Hội về Truyền Thông, khi mà các phương tiện truyền thông ngày càng trở nên một khả thể vạn năng như hiện nay. Sắc lệnh mời gọi: “Mọi con cái Giáo Hội phải đồng tâm hiệp lực, chẳng những không ngần ngại mà phải hết sức hăng say, sử dụng ngay những phương tiện Truyền thông xã hội một cách đắc lực vào các công việc Tông Đồ khác nhau tuỳ theo những đòi hỏi cụ thể của hoàn cảnh và thời gian…” (IM, 13). Giáo Hội cũng ý thức mình được thiết lập để tiếp tục việc truyền thông của Chúa Giêsu Kitô bằng lời nói, việc làm và cách sống. Thông điệp mà Giáo Hội đang nắm giữ cần đến được với con người hôm nay bằng mọi phương cách. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI khẳng định trong Tông Huấn Evangelii Nuntiandi (1975): “Giáo Hội sẽ có lỗi trước mặt Chúa nếu không tận dụng các phương tiện truyền thông mạnh mẽ hôm nay mà tài năng con người đang làm cho ngày càng hoàn hảo hơn. Nhờ các phương tiện này, Giáo Hội rao giảng thông điệp mà mình nắm giữ trên các mái nhà...”[2]

Dưới ánh sáng những hướng dẫn của Giáo Hội toàn cầu và Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu trong lãnh vực Truyền thông xã hội, Giáo Hội tại Việt Nam đã cổ võ những hoạt động khác nhau trong lãnh vực này, cho dù còn đó những hạn chế nhất định do hoàn cảnh xã hội. Nhìn lại quá trình hình thành, tầm quan trọng và những thành quả của Truyền thông công giáo tại Việt Nam, đặc biệt trong 50 năm qua, chúng ta có thể rút ra những kinh nghiệm quý giá, những ưu khuyết điểm từ các bài học lịch sử, để tìm ra những phương cách thích hợp cho hiện tại và hoạch định cách hữu hiệu trong tương lai. Nhờ đó, Giáo Hội có thể sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại cách hiệu quả để công bố sứ điệp cứu rỗi của Đức Giêsu Kitô trong bối cảnh đa văn hoá và đa tôn giáo, toàn cầu hoá và kinh tế thị trường tự do, khủng hoảng đạo đức và niềm tin hôm nay.

I. TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI TRONG ĐỜI SỐNG CỦA GIÁO HỘI

1. Định nghĩa Truyền Thông, Truyền Thông XH và Truyền Thông Công Giáo

Trong cách dùng thông thường, thuật ngữ Truyền thông chỉ về mọi phương tiện nối kết con người với nhau, đặc biệt qua việc truyền đi thông tin bằng các phương tiện đại chúng như phát thanh, truyền hình, sách báo, phim ảnh… Theo nghĩa triết học, truyền thông có nghĩa là tiến trình trao đổi tri thức giữa các cá thể hay tập thể, dẫn tới việc truyền đạt và trao đổi thông tin, kinh nghiệm, tình cảm, hàng hoá, và dịch vụ. Theo nghĩa rộng nhất, truyền thông bao gồm tất cả những gì đưa con người lại gần nhau hơn, ràng buộc và kết hợp họ với nhau bằng cách này hay cách khác.[3]

Thuật ngữ truyền thông có thể được hiểu một cách đơn giản là sự truyền đạt một thông điệp từ một người sang một người khác hay một nhóm khác bằng một số phương tiện nào đó. Nhưng tiến trình truyền thông có thể diễn ra ở các cấp độ khác nhau. Ở cấp độ cá nhân, tiến trình truyền thông nội tại diễn ra trong mỗi cá nhân nhờ suy niệm và suy tư, gồm suy nghĩ, đánh giá, lập chương trình và trải nghiệm đời sống. Ở cấp độ giao tiếp, truyền thông liên vị diễn ra giữa hai hay nhiều người hơn. Ở cấp độ rộng hơn của truyền thông nhóm và truyền thông đại chúng, thông điệp được hướng tới nhiều người; tuỳ theo các phương tiện, cấu trúc và tiến trình truyền thông.[4]

Truyền thông Xã hội là một lãnh vực nghiên cứu chủ yếu các cách thức mà thông tin có thể được truyền đi, nhận ra, hiểu biết, và tác động trên đời sống xã hội. Thuật ngữ Truyền thông Đại chúng (Mass Media) chỉ mọi phương tiện truyền thông hướng đến công chúng; trong tiếng Anh thuật ngữ này tương đương với communications (danh từ số nhiều), còn ở số ít,communication có nghĩa là truyền thông nói chung. Thuật ngữ Truyền thông Xã hội, ngoài nghĩa chung của nó, đã trở thành thuật ngữ được ưa thích trong các văn kiện của Giáo Hội Công Giáo Rôma để chỉ về Truyền thông (Media) hay Truyền thông Đại chúng (Mass Media). Tuy nhiên trên thực tế hai thuật ngữ này thường được dùng đồng nghĩa. Thuật ngữ này được Công Đồng Vatican II dùng lần đầu tiên trong Sắc lệnh Inter Mirifica, được ĐTC Phaolô VI công bố ngày 4 tháng 12 năm 1963.[5] Sắc lệnh giải thích “…giữa những phát minh này, trổi vượt hơn cả là những phương tiện tự bản tính không những có liên hệ và ảnh hưởng đến từng người, mà còn đến chính đại chúng và toàn thể xã hội nhân loại như báo chí, điện ảnh, phát thanh, vô tuyến truyền hình và những thứ khác tương tự. Do đó những phương tiện này đáng được gọi là những phương tiện truyền thông xã hội” (IM 1).

Truyền thông Công Giáo là một thuật ngữ được dùng nhiều trong bài viết này và trong một số bài viết của giới công giáo Việt Nam, chỉ nhằm nhấn mạnh khía cạnh “Công Giáo” của các hoạt động việc truyền thông trong đời sống Giáo Hội. Mục đích của Truyền thông Công Giáolà truyền đạt đức tin và các giá trị Tin Mừng, và đó chính là truyền thông Đức Kitô cho thế giới nhờ các hình thức truyền thông do người Công Giáo thực hiện, bắt đầu bằng chứng tá đời sống của họ. Như thế truyền thông Công Giáo có thể là các hoạt động truyền thông do các thành phần trong Giáo Hội đứng ra tổ chức hoặc điều hành, cũng có thể là sự cộng tác của giới công giáo trong các chương trình truyền thông hữu ích, hoặc là sự dấn thân đơn lẻ của người Kitô hữu trong các hoạt động truyền thông ngoài xã hội… Nói cách khác, Truyền thông Công Giáo nhắm đến việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội trong tầm tay cho việc rao giảng Tin Mừng và phổ biến các giá trị của nền văn hóa Kitô giáo, làm cho sứ điệp Tin Mừng phù hợp với não trạng và tình cảm của con người hôm nay.

2. Quan điểm của Giáo Hội toàn cầu về truyền thông

Do tầm quan trọng của các hoạt động truyền thông trong việc loan báo Tin Mừng và những ảnh hưởng mạnh mẽ của các sứ điệp truyền thông trong đời sống con người, Giáo Hội quan tâm rất nhiều đến việc tiếp cận với lãnh vực quan trọng này. Các tài liệu về truyền thông của Giáo Hội được ban hành nhằm giúp người tín hữu có một sự hiểu biết đúng đắn và rộng mở, nhờ đó họ có thể sử dụng tốt các phương tiện và kỹ thuật truyền thông. Các giáo huấn khác nhau ở nhiều cấp cũng giúp hướng dẫn, đào luyện lương tâm và khả năng biện biệt của người tín hữu trước những nguy cơ của các loại truyền thông sai lệch và độc hại.

Ngay từ trước Công Đồng Vatican II, các Đức Giáo Hoàng đã đưa ra những hướng dẫn cho Giáo Hội toàn cầu liên quan đến các phương tiện truyền thông. Từ năm 1936, Đức Thánh Cha Piô XI đã ban hành Thông Điệp Vigilanti Cura về phim ảnh. Đến năm 1957, Đức Thánh Cha Piô XII đã ban hành Tông Thư Miranda Prorsus về phim ảnh, truyền hình và truyền thanh trong thế kỷ 20. Tông thư nêu bật vai trò song đôi của truyền thông, vì truyền thông chia sẻ vào quyền năng sáng tạo và tiến trình tự mặc khải (self-communication) của Thiên Chúa. Bản tính tự nhiên của những vai trò này là “quà tặng từ Thiên Chúa” và là “sự chia sẻ trong cách diễn đạt về Thiên Chúa”, nhờ đó giúp chúng ta hiểu rõ ràng hơn về cách thức sử dụng chúng.

Trong Công Đồng Vatican II, các Nghị phụ đã bàn thảo và đưa ra rất nhiều ý kiến cho hoạt động truyền thông của Giáo Hội và việc tham gia của người tín hữu. Đây là lãnh vực gây nhiều bất đồng ý kiến nhất trong suốt Công Đồng. Cuối cùng vào năm 1963, Công Đồng quyết định ban hành Sắc Lệnh Inter Mirifica (IM – Giữa Những Điều Kỳ Diệu) về Truyền Thông Xã Hội, với những hướng dẫn căn bản cho những ai sử dụng phương tiện truyền thông, đồng thời đề nghị nhiều phương pháp cụ thể nhằm bảo đảm rằng Giáo Hội không được chậm trễ đưa các phương tiện truyền thông vào những hình thức phục vụ đa dạng phù hợp cho việc mục vụ tông đồ.

 Sau Công Đồng, với đòi hỏi của sắc lệnh Inter Mirifica, Huấn Thị Mục Vụ đầu tiên ra đời năm 1971, có tên là Communio et Progressio (Hiệp Thông và Tiến Bộ), nêu lên những nhận định xác đáng về những đóng góp của truyền thông trong thế giới, từ đó hướng dẫn cụ thể cho việc gây ý thức, định hướng và lên kế hoạch mục vụ để có thể dấn thân hữu hiệu vào lãnh vực truyền thông. Đối diện với sự phát triển quá nhanh của nền kỹ thuật hiện nay, năm 1992, Hội Đồng Toà Thánh về Truyền Thông Xã Hội đưa ra Huấn Thị Mục Vụ thứ hai, Aetatis Novae, nhận định về sự thay đổi bản chất của truyền thông và việc sử dụng gia tăng quá nhanh các phương tiện truyền thông, trong đó có Internet.

Ngoài những văn kiện chính nêu trên, còn có các Tài liệu khác của Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội như Hướng dẫn Huấn luyện các Linh Mục tương lai liên quan đến các phương tiện truyền thông xã hội (1986), hai Tài liệu Phim Khiêu dâm và Bạo lựctrong các phương tiện truyền thông  Các tiêu chuẩn về hợp tác Đại Kết và Liên Tôn trong Truyền thông (1989), Văn kiện Về 100 Năm Phim Ảnh (1995), Văn kiện Đạo đức trong Quảng cáo (1997) Văn kiện Đạo Đức trong Truyền Thông (2000), hai tài liệuGiáo Hội và Internet  Đạo Đức trong Internet (2002). Hội Đồng Toà Thánh về Truyền Thông Xã Hội khi đưa ra hai tài liệu này đã đặc biệt ám chỉ rằng đặc tính hỗ tương của Internet có thể giúp Giáo Hội đạt được viễn ảnh mà Công đồng Vatican II nhắm tới về sự thông hiệp giữa các thành viên trong Giáo Hội. Tông thư Sự Phát Triển Nhanh Chóng do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành ngày 24-1-2005 nhấn mạnh rằng truyền thông đại chúng cần được đặt trong khuôn khổ những quyền hạn và nghĩa vụ, dù theo quan điểm trách nhiệm đào tạo và luân lý, hay bởi ràng buộc về luật pháp.

Ngày Thế Giới Truyền Thông cũng đã được Công Đồng Vatican II thiết lập, từ đó hàng năm các ĐGH đều gởi Sứ điệp cho Ngày Thế Giới Truyền Thông đến toàn thế giới với một chủ đề đặc biệt cho mỗi năm. Đây là những giáo huấn rất phong phú và hợp thời cho toàn Giáo Hội, đặc biệt trong khía cạnh mục vụ truyền thông. Các Sứ điệp cho Ngày Thế Giới Truyền Thông là nguồn tài liệu quý giá với những định hướng cụ thể cho từng giai đoạn lịch sử, mời gọi Giáo Hội tại mỗi địa phương - đặc biệt là các Ủy Ban về Truyền Thông Xã hội của các Hội Đồng Giám Mục và các cơ quan Truyền thông Công Giáo - nỗ lực truyền đạt cách rộng rãi và áp dụng trong từng hoàn cảnh cụ thể.

3. Quan điểm của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu

Á Châu là chiếc nôi của các truyền thống tôn giáo và những nền văn hóa văn minh rất lâu đời. Tuy nhiên những ảnh hưởng của toàn cầu hoá đang đe doạ các giá trị văn hóa truyền thống. Có nhiều dạng văn hoá mới mang tính áp đặt đang xuất hiện do truyền thông, sách vở, báo chí, âm nhạc, phim ảnh, và các loại giải trí khác. Mặc dù truyền thông có tiềm năng trở thành sức mạnh lớn lao và lâu dài, nhưng chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa duy vật chất đang đánh vào trọng tâm các nền văn hoá Á Châu, vào đạo đức cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Nhiều giá trị truyền thống khác đang bị đe dọa nặng nề bởi truyền thông và kỹ nghệ giải trí trên lục địa Châu Á. Một hiện trạng như vậy đang đưa ra những thách thức nghiêm trọng cho sứ điệp Tin Mừng của Giáo Hội.

Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC) là một tổ chức được thành lập từ năm 1970, nhằm liên kết Hội Đồng Giám Mục của các quốc gia tại Á châu trong tình hiệp thông, để chia sẻ với nhau những suy tư và nỗ lực trong công cuộc loan báo Tin Mừng cho các dân tộc tại Á châu. Đây là một Hiệp hội được thành lập với sự chuẩn nhận của Tòa Thánh, và Việt Nam là một trong các thành viên sáng lập của FABC. Để thực hiện mục đích của mình, FABC có nhiều Văn Phòng đặc trách các lãnh vực khác nhau trong các sinh hoạt mục vụ đa dạng của Giáo Hội. Hoạt động của các Văn phòng này giúp đẩy mạnh việc trao đổi thông tin và hợp tác giữa các Giáo Hội địa phương và các Giám Mục ở Á Châu, nghiên cứu các vấn đề về lợi ích chung cho Giáo Hội ở Á Châu, và xem xét các khả năng giải quyết và hợp tác. Trong số đó, Văn phòng Đặc Trách Truyền Thông Xã hội (FABC - OSC) đặt tại Manila, Philippines, chuyên nghiên cứu và phổ biến các tài liệu về truyền thông công giáo cho toàn vùng, tổ chức và điều phối các Hội nghị và các hoạt động truyền thông công giáo cấp miền và Châu lục.

Các hướng dẫn Mục vụ về truyền thông của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu chỉ ra rằng sự thống nhất giữa tính đa dạng của các nền văn hóa khác nhau, các truyền thống và ngôn ngữ khác nhau đã trở thành một dấu chỉ mang tính ngôn sứ làm chứng tá cho sự hiện diện của Nước Chúa. Bên cạnh các cơ sở về giáo dục, y tế, xã hội, các Giáo Hội Á Châu có rất nhiều trung tâm truyền thông như truyền thanh, truyền hình, phát hành sách, luận báo, báo chí, tuần báo và tạp chí phổ thông… Như thế FABC đã nỗ lực khích lệ các hoạt động về Truyền thông Công giáo tại Á Châu, và tạo nhịp cầu cho những liên lạc thường xuyên; thông tin, chia sẻ và đổi mới, không chỉ giữa các Giám mục Á Châu, mà còn giữa các Giáo Hội và các quốc gia trong vùng (x. FABC Papers 69: 30).

Vào năm 1998, Thượng Hội Đồng Giám Mục đặc biệt dành cho Á Châu qui tụ về Roma 252 nghị phụ. Đây là biến cố nền tảng xây dựng các giáo hội địa phương tại Á Châu trong thời điểm toàn Giáo Hội chuẩn bị bước vào một thiên niên kỷ mới. Nhiều vấn đề khác được thảo luận và đề nghị để trình lên; và được đưa vào trong Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu Ecclesia In Asia (Giáo Hội tại Á Châu), do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành tại New Delhi (Ấn Độ) vào ngày 6 tháng 11 năm 1999, đưa ra chương trình cho Giáo Hội Á Châu đón mừng ngàn năm thứ ba Kitô giáo, tập trung vào những thách đố của công cuộc Phúc Âm hoá mới. Vì thế, Giáo Hội Việt Nam cần khám phá những cách thế hội nhập truyền thông đại chúng vào kế hoạch và hoạt động mục vụ của mình, để nhờ hiệu năng của chúng, quyền năng của Tin Mừng có thể tác động tới từng cá nhân và toàn dân tộc, từ đó những giá trị Nước Trời có thể thấm nhập vào nền văn hoá của chính mình.

4. Quan điểm của Giáo Hội Việt Nam

Giới Công Giáo tại Việt Nam tiếp cận khá nhanh với những phương tiện kỹ thuật mới mẻ trong lãnh vực truyền thông. Ngay khi vừa có những phát minh mới về truyền thanh, truyền hình, phim ảnh hoặc Internet trên thế giới, thì tại Việt Nam các ứng dụng của các phương tiện truyền thông này đã được tiếp cận và sử dụng, nhờ đó rất sớm hình thành các hoạt động hữu hiệu và đem lại nhiều kết quả tốt đẹp. Nhìn lại tiến trình 50 năm qua, các hoạt động truyền thông công giáo tại Việt Nam còn nhiều hạn chế nhưng đã có một bước tiến khá rõ nét.

Ngày 24 tháng 11 năm 1960, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII thiết lập hàng giáo phẩm Công Giáo tại Việt Nam, chia thành ba tổng giáo phận là Hà Nội, Huế và Sàigòn, với 17 giáo phận trên cả nước. Từ đó Giáo Hội Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh chóng và nề nếp sống đạo tốt đẹp. Riêng về mặt truyền thông có nhiều Nhà In và Toà soạn nổi tiếng, có Đài Truyền hình Công giáo, các Đài Truyền Thanh, các loại phim ảnh và ấn phẩm Công giáo được phổ biến rộng rãi. Tuy nhiên sau năm 1975, Việt Nam trở thành một đất nước xã hội chủ nghĩa, Giáo Hội Việt Nam bước vào giai đoạn âm thầm chuyển mình, các hoạt động truyền thông xã hội có nhiều giới hạn. Năm 1980, Hội Đồng Giám Mục Công Giáo toàn quốc (HĐGMVN) lần đầu tiên được triệu tập tại Hà Nội với sự hiện diện của 33 Giám Mục. Thư chung của HĐGMVN trong thời kỳ mới của đất nước đã công khai nêu rõ các đường hướng mục vụ cụ thể của mình: “Sống và rao giảng Tin Mừng trong lòng dân tộc; tích cực góp phần bảo vệ và xây dựng đất nước và xây dựng Giáo Hội, bằng một cách sống và diễn tả đức tin hợp với truyền thống dân tộc.”[6] Đây là một đáp ứng mang tính tiên tri cho những nhu cầu của thời đại, là hướng dẫn xuyên suốt cho mọi tín hữu nhằm đáp ứng nhiều thách đố trong tiến trình hội nhập vào xã hội.

Trong thư Mục Vụ năm 1980, HĐGMVN cũng đã phác thảo một đường lối rõ ràng để người Công Giáo thể hiện sứ mạng truyền giáo trong giai đoạn khó khăn: “Chúng ta phải làm hết sức mình để sống đời sống Tin Mừng, yêu thương và trung thành với Giáo Hội, trước hết bằng chính đời sống chúng ta.”[7] Giáo Hội tại Việt Nam nhận thức được vai trò quan trọng của giáo dân trong sứ mạng rao giảng Tin Mừng. Mọi người Công Giáo được mời gọi chia sẻ Tin Mừng với những người khác bằng những cách thức khác nhau. Mãi cho đến thập niên 90, khi đất nước Việt Nam bắt đầu thời kỳ mở cửa và đổi mới, người Kitô hữu mới có thể tham gia dần dần vào một số lĩnh vực truyền thông như xuất bản sách báo, làm phim, truy cập các nguồn thông tin từ mạng Internet hoặc lập các websites với sự cho phép của chính quyền.

Ngày nay, khi tình hình xã hội cởi mở hơn, Giáo Hội tại Việt Nam không ngừng chứng tỏ sức sống của mình trong việc phục vụ và làm chứng cho niềm tin qua những dấn thân của mình trong mọi lãnh vực. Đến những năm Việt Nam chuyển đổi từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, có biết bao nguy cơ do đất nước mở cửa cho đầu tư nước ngoài, phát triển và du lịch. Làm thế nào để truyền thông các giá trị Tin Mừng, kêu gọi người tín hữu nỗ lực sống chứng tá niềm tin trong một xã hội đầy biến động này? Thư Mục Vụ của HĐGMVN năm 2001 là một lời khuyến cáo và nhắc nhở người Công Giáo về sự nguy hiểm của chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa tiêu thụ: “Trong bối cảnh kinh tế thị trường, tiền bạc, địa vị và danh vọng có khuynh hướng trở thành mục tiêu của đời sống với nguy cơ phá vỡ cả những mối quan hệ thánh thiêng nhất; canh tân thực sự mời gọi chúng ta làm chứng cho sự hiệp thông và hiệp nhất mà Chúa Giêsu đã đem đến nhờ cái chết và sự phục sinh của Người.”[8] Hàng Giáo phẩm Việt Nam đã hiệp nhất trong quan điểm sống Tin Mừng và truyền thông cho người tín hữu những hướng dẫn cụ thể cho việc sống đạo.

Từ tình hình lịch sử và kinh nghiệm, Giáo Hội tại Việt Nam hiểu sâu hơn về ý nghĩa của sứ mạng truyền giáo theo bối cảnh riêng của mình. Sự hiểu biết này đang được canh tân và gia tăng thêm sinh lực mới, phù hợp với những định hướng của Giáo Hội Á Châu và Giáo Hội toàn cầu. Điều hạn chế xét về phương diện hội nhập, là Việt Nam tuy thuộc về lục địa Á Châu, nhưng vì nhiều lý do khác nhau làm cho đời sống Giáo Hội Việt Nam vẫn mang nặng tính “Tây phương”, và suốt một thời gian dài ít giao lưu với các Giáo Hội địa phương khác tại Châu Á. Tuy nhiên hiện nay việc hội nhập trên mọi bình diện của Việt Nam với khu vực Đông Nam Á và toàn vùng Á Châu đang được cải thiện ngày càng tốt hơn. Thời gian gần đây, Giáo Hội Việt Nam đã có sự tham gia đều đặn hơn trong các cuộc họp của vùng và có nhiều đóng góp năng động được đánh giá cao. Nhờ đó Giáo Hội Việt Nam có thể nắm bắt và hướng dẫn người tín hữu đi vào các đường hướng chung của Giáo Hội Á Châu và Giáo Hội toàn cầu.

II. CÁC HOẠT ĐỘNG TRUYỀN THÔNG CÔNG GIÁO TẠI VIỆT NAM

1. Các phương tiện Truyền thông truyền thống

Tại Việt Nam từ thời các vị Thừa sai đến loan báo Tin Mừng, đã có rất nhiều hình thức diễn tả niềm tin và lòng đạo đức bình dân sinh động, phong phú. Có thể kể đến các hình thức truyền thông truyền khẩu như ca vè, vãn nguyện, tuồng kịch… Trong cuộc Hội Thảo về Kinh nghiệm Hội nhập Văn hóa trong nếp sống Kitô giáo tại Việt Nam năm 2003, thi sĩ Đình Bảng trong bài thuyết trình Từ Ngắm Nguyện, Vãn Nguyện đến Ca Vè gọi đó là “kho tàng ngôn ngữ nhà đạo” trong “con đường tơ lụa văn hoá – đức tin” để sống “tâm tình văn hóa lễ hội” của người dân Việt.[9] Đó là những cách vận dụng đầy sáng tạo và thích nghi, để từ những trang kinh sách đạo niềm tin bước vào mọi ngõ ngách của đời sống, để người tín hữu mở toang cách cửa nhà đạo mà đi ra với xóm thôn, phố chợ. Tùy từng vùng miền, ngôn ngữ của kinh sách được xướng đọc hoặc ngâm ngợi bằng nhiều cung giọng khác nhau, sinh sôi nảy nở trên mảnh đất quê hương thân yêu và hóa thân thành những vần thơ, truyện tích, những bài hát, tuồng chèo, cải lương, diễn nguyện…

Hình thức truyền thông Tin Mừng này đi vào ngôn ngữ cửa miệng, tỏa lan vào đời thường, khiến người ta có sẵn một hạng mục ngôn từ phong phú để diễn đạt ở bất cứ nơi đâu, lúc nào, việc gì… Từ câu “Đức Bà chữa” cho một cái hắt hơi, “Giêsu Maria” hay “Lạy Chúa tôi” cho một phản xạ tự nhiên, từ câu thề bồi “nói dối phải tội”, “có Chúa làm chứng”, lối ví von “yếu tin như Tôma”, “hiền như ma-sơ”, cho đến lối gọi “ông cố”, “bà trùm”… Những cách nói đó phổ biến rộng rãi giúp cho người ta cảm nhận Chúa ở khắp mọi nơi! Tin Mừng cũng được vần điệu hóa, thi ca hóa và khi lên đến cao trào đã trở thành một kịch bản sân khấu có chương hồi, xen cảnh, có diễn xuất ca ngâm theo các cung điệu nhạc Việt Nam cổ truyền. Những thứ văn chương sống động thường trực đó, dù chỉ là bình dân và truyền khẩu, nhưng đã diễn tả tình ý một cách đại đồng và nhanh chóng đi sâu vào lòng người.[11]

Trong từng giai đoạn lịch sử, đời sống đạo của người giáo dân Việt Nam còn được nâng đỡ bởi các hình thức cử hành phụng vụ và các việc sùng kính khác nhau để thông truyền niềm tin. Lòng đạo bình dân đặc biệt ấy bộc lộ một sự đói khát Thiên Chúa mà chỉ những người nghèo hèn mới cảm nhận được. Chính lòng đạo đức bình dân giúp họ có tâm hồn quảng đại và dám hy sinh tới mức anh hùng để làm chứng cho đức tin, đồng thời bày tỏ những thuộc tính ưu việt của Thiên Chúa: tình Cha, sự quan phòng, sự hiện diện yêu thương của Người (x. EN 48). Giáo Hội tại Việt Nam cũng khuyến khích việc đọc kinh trong gia đình, chia sẻ và học hỏi Kinh Thánh, sinh hoạt hội đoàn, các cuộc tĩnh tâm (cá nhân hay theo nhóm)... Các đền thờ và trung tâm hành hương ngày càng thu hút nhiều người, đặc biệt vào các dịp lễ. Đây là những nơi qui tụ và là phương tiện tốt đẹp để người Công giáo Việt Nam biểu dương và truyền thông đức tin cho nhau, cũng như cho những người chưa biết Chúa. Các Kitô hữu sốt sắng thường đến viếng các nơi có di tích của các Thánh Tử Đạo Việt Nam, các đền Đức Mẹ như Lavang, Trà Kiệu… và đền các Thánh. Nhiều người cho biết đã nhận được các phép lạ, kể cả những người ngoài công giáo.

Hội Nghị Giám Mục về truyền thông của FABC-OSC năm 2006 nói về vấn đề này như sau: “Không nên bỏ qua các phương tiện truyền thống như nghệ thuật dân gian, văn nghệ, ca múa, âm nhạc và kịch tuồng, nhưng phải coi chúng là những phương tiện truyền thông xã hội thay thế và phải phát triển chúng” (x. FAPA IV, 233). Việc truyền giáo hôm nay cũng được xem như là kể câu chuyện về Chúa Giêsu đang diễn ra tại Châu Á. Các giáo lý viên được khuyến khích sử dụng các câu chuyện xảy ra trong đời sống hằng ngày để liên kết với sứ điệp Tin Mừng và giúp cho sứ điệp này trở nên dễ hiểu. Hội Nghị Giám Mục Á Châu về truyền giáo năm 2007 còn nêu thêm: “Cần có những sáng kiến trong việc làm nổi bật những gương thành công điển hình của những con người bình thường nhưng làm những việc phi thường trong và ngoài Giáo Hội” (FAPA III, 159).

Như thế các phương cách truyền thông mang tính truyền thống của Giáo Hội Việt Nam như chuyện kể, ca vè, vãn nguyện, tuồng kịch, những vần thơ, bài hát, diễn nguyện, các hình thức cử hành phụng vụ và các biểu hiện khác nhau của lòng đạo đức bình dân ngày hôm nay vẫn còn giữ nguyên giá trị. Đó là những phương tiện dân gian truyền khẩu, đơn sơ giản dị, vừa tầm tay với mọi người, có khả năng chuyển tải cách nhẹ nhàng các nội dung đức tin vào cuộc sống. Chính nhờ những phương tiện và thể loại đó mà sứ điệp tình thương của Thiên Chúa không ngừng được truyền thông trên quê hương và được tiếp nhận trong lòng dân chúng, giữa biết bao gian nan thử thách của các thời kỳ khác nhau trong lịch sử. Đức tin của người tín hữu Việt Nam dựa nhiều trên những gì họ cảm nhận được hơn là những gì họ biết. Giáo Hội cần cổ võ và khích lệ các cách thức sáng tạo của người giáo dân trong việc tôn vinh Thiên Chúa, kiện cường đức tin, nuôi dưỡng tinh thần hoà hợp và niềm vui trong đời sống đạo giữa thế giới hôm nay.

2. Các loại Tài Liệu và Sách Báo Công Giáo

Tại Việt Nam từ thời còn các vị Thừa sai đến loan báo Tin Mừng, nhờ có hệ thống chữ quốc ngữ nên nội dung đức tin được lưu truyền dễ dàng qua các ấn phẩm trong nền Văn hóa Công giáo. Quyển “Phép giảng Tám ngày” trở nên Cẩm nang Giáo lý nhập đạo; và sau đó nhiều tập kinh sách, tài liệu đạo khác nhau ra đời. Trên cả nước đều có những cơ sở in ấn để truyền bá các loại tài liệu, sách báo đạo. Điều này rất ích lợi cho đời sống niềm tin của người giáo dân, vì thời đó toàn thể phụng vụ của Giáo Hội vẫn sử dụng tiếng Latinh và các loại sách Kinh thánh không được phổ biến rộng rãi. Có thể nói báo chí Công Giáo ngoài việc thông tin như báo chí nói chung, lại xuất phát từ một động cơ thuần túy tôn giáo và phải đóng một vai trò rõ rệt làtruyền giáo, là truyền bá đức tin, là rao giảng Phúc âm, là loan báo Tin Mừng Cứu Độđến tận cùng trái đất.[12] Sau thế chiến thứ hai, đất nước chia đôi hai miền Nam-Bắc, nhưng Giáo hội Công giáo Việt Nam không hề phân cắt. Sau khi Đức Gioan XXIII thiết lập hàng Giáo Phẩm Công giáo Việt Nam đánh dấu bước trưởng thành của Giáo hội, Giáo hội toàn cầu cũng chuyển biến với Công đồng Vatican 2 (1962-1965). Giữa bao biến cố đó, báo chí tha hồ tung hoành. Riêng với báo chí Công giáo miền nam Việt Nam, đây là chặng đường tập hợp đông đảo nhất, chuyên nghiệp nhất, đa dạng nhất, mà cũng sôi nổi, phức tạp, đáng suy nghĩ nhất. Người giáo dân đang từng bước trưởng thành, dám nói lên tiếng nói riêng mình. Giáo hội cũng can đảm nhập cuộc với những dông bão cuộc đời, ngước cao đầu nói lên tiếng nói người Kitô hữu; và đôi khi cũng chới với giữa những vòng xoáy chính trị đảo điên.[13]

Trước 1975 Giáo Hội Việt Nam đã có nhiều nhà in Công giáo nổi tiếng trên cả nước, ở miền Nam có một vài cơ sở in lớn của Công giáo như Nguyễn Bá Tòng Ấn loát công ty, nhà in Tân Định, hoặc do người Công giáo quản lý nhà in như Kim Châu, sau đó được Nhà nước tiếp quản và một số nhà sách tự đứng ra in ấn và phát hành các sách báo Công giáo như nhà sách Đa Minh, Thánh Gia… ở Tp. Hồ Chí Minh.[14] Bảng Mục lục Báo chí Công giáo Việt Namđăng trên tờ tuần báo Công giáo và Dân tộc số 862, phát hành nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Việt nam, ghi nhận được trên dưới 60 tờ báo Công giáo.[15] Nhưng sau 1975 báo chí Công giáo như dừng lại, chỉ còn vài tờ báo Công giáo được phép xuất bản chính thức với số lượng xuất bản khá khiêm tốn. Miền Bắc có tuần báo Người Công giáo Việt Nam với số lượng in khoảng 2.500 bản. Miền Nam có tuần báo Công giáo và Dân tộc với số lượng phát hành từ 13.000-15.000 bản và Nguyệt san Công giáo và Dân tộc với số lượng phát hành 3.500 bản. Cả hai tờ báo này do Ủy ban Đoàn kết Công giáo chịu trách nhiệm. Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng có một bản tin chính thức với giấy phép của Cục Báo chí, gọi tên là Bản tin Hiệp Thông, phát hành hai tháng một kỳ với số lượng in 3.000 bản.[16] Riêng các đầu sách Công giáo được phép chính thức xuất bản cũng rất hiếm hoi. Hầu hết các loại sách đạo chỉ được in chui và phát hành nội bộ để khỏi gặp rắc rối. Kể từ khi thành lập Nhà Xuất bản Tôn giáo thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ, ngày 29-4-1999, các sách kinh, tác phẩm, giáo trình giảng dạy, văn hoá phẩm thuần tuý tôn giáo của các tổ chức tôn giáo đều qua con đường này để đến với độc giả, tín hữu. Thế nhưng từ năm 1999-2003, Nhà Xuất bản này đã xuất bản tất cả 714 ấn phẩm, 205 văn hoá phẩm với 4, 2 triệu bản in trong đó, Công giáo chỉ có 140 đầu sách xuất bản chính thức.[17] Gần đây việc in ấn và phát hành sách báo đã có nhiều thuận lợi hơn trước.

Ngày nay, khi sự lớn mạnh của “dải thiên hà đa phương tiện” đang bao trùm, sách báo phần nào đang mất dần đi chỗ đứng. Nhiều người còn tiên đoán sự tuyệt chủng của báo in hay ngày tận số của một nền “văn hóa đọc” đang đến. Một yêu cầu cấp bách là cần phải tái tạo báo chí, đổi mới chức năng phê phán của nó, sứ mệnh của nó và các công cụ của nó. Điều đó đòi hỏi một cách nhìn nhận mới mẻ đối với cuộc cách mạng mới về các phương tiện truyền bá tri thức. Chúng ta thấy rằng những biến đổi kỹ thuật và xã hội lớn trong quá khứ đều gắn chặt với những thay đổi triệt để ảnh hưởng đến việc thu nạp, gìn giữ và nhất là lưu thông tri thức. Việc sáng chế ra chữ viết đã dẫn đến những biến đổi lịch sử. Kỹ thuật in đã sản sinh ra không biết bao nhiêu phát triển kỳ diệu và đã dẫn đến cuộc cách mạng công nghiệp. Thế nhưng cuộc cách mạng về nhận thức do kỹ thuật truyền số sinh ra hiện nay sẽ đưa chúng ta đến những bến bờ nào đây? Lâu dài, nó sẽ đem lại những thay đổi văn hoá nào? Đó là những điều mà nhà báo Federico Mayo đã ưu tư đặt ra.[18]

Tuy nhiên, ai cũng phải nhìn nhận rằng cho dù có nhiều hình thức truyền thông khác nhau, nhưng các ấn phẩm Công Giáo vẫn giữ được giá trị của chúng. Giáo Hội cần mở thêm các nhà sách và thư viện Công Giáo ở mọi cấp độ, và đưa các thông tin viết lên mạng để giúp người Công Giáo, đặc biệt là giới trẻ, có thể dễ dàng tiếp cận các thông tin hiểu biết về Thiên Chúa, về các giá trị Tin Mừng, về các giáo huấn của Giáo Hội, về đời sống đạo… hầu giúp họ kiện cường đức tin và có khả năng đối diện với các vấn đề của thế giới hiện đại.

3. Truyền Thanh Công Giáo

Hình thức phát thanh tại các họ đạo miền quê có từ rất lâu và là một đặc nét của việc truyền thanh công giáo. Sau tiếng chuông sớm đánh thức mọi người, một số chương trình nhạc thánh ca và các thông tin hữu ích của Giáo Hội được truyền đến mọi người qua loa phát thanh. Điều này giúp người giáo dân nắm bắt các nội dung đức tin, thấm nhập các giá trị Tin Mừng và hiểu biết tình hình thời sự cho dù họ có thể không biết đọc biết viết. Ngày nay nhiều giáo xứ vẫn còn duy trì hình thức truyền thông này, chẳng hạn như một số giáo xứ thuộc giáo phận Xuân Lộc hoặc ở miền Bắc. Tuy nhiên hình thức này cũng có thể gây ra những phản ứng bất bình nơi nhiều người không có niềm tin, khi họ bị đánh thức sớm ngoài ý muốn của họ.

Tại Việt Nam hiện nay không có đài Truyền thanh Công giáo nào, nhưng qua các chương trình Việt ngữ của Đài Chân lý Á Châu tại Philippines và Đài phát thanh Vatican tại Roma, người Công giáo Việt Nam vẫn có thể theo dõi những thông tin mới nhất của Giáo Hội với những nội dung phát thanh Công giáo thật hữu ích và khá phong phú. Các chương trình này rất ích lợi vì chỉ có giáo dục niềm tin qua làn sóng điện tử mới đến được với các vùng nông thôn hẻo lánh, vùng núi nghèo khổ và xa xôi, nơi vẫn còn nhiều người dân không biết chữ... Chương trình còn truyền đi các thánh lễ với bài giảng sống động giúp người dân vùng sâu vùng xa sống hiệp thông với phục vụ của Giáo Hội. Xin được lược qua đôi nét về hoạt động của các chương trình Truyền thanh Công giáo Việt ngữ hiện nay đang hoạt động, và được nhiều thính giả ưa thích.

a. Đài Phát Thanh Chân lý Á châu [19]

Đài phát thanh Chân lý Á châu (Radio Veritas Asia) là Đài Phát Thanh sóng ngắn duy nhất của Giáo Hội Công giáo trên toàn thế giới, hoạt động từ năm 1969. Đài Chân lý Á châu do Liên Hội đồng Giám mục Á châu chịu trách nhiệm, hiện nay đang phát thanh bằng 15 ngôn ngữ châu Á. Một số chương trình cũng được truyền đi qua internet (www.rveritas-asia.org). Các phòng phát thanh đặt tại Quezon City, Metro Manila, trong khi trạm phát sóng ở Palauig, Zambales, cách Manila khoảng 230 kilômét về phía tây bắc. Phần lớn các chương trình được sản xuất tại địa phương và hiện đều được xử lý bằng hệ thống tín hiệu kỹ thuật số.

Tại Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã cùng với các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng tán dương Đài Phát Thanh Chân lý Á Châu: “…Là Đài phát thanh duy nhất có tầm lục địa cho Giáo Hội tại Á Châu, đã gần 30 năm phát thanh rao giảng Tin Mừng. Các Hội Đồng Giám Mục và các Giáo phận tại Á Châu cần phải củng cố khí cụ truyền giáo tuyệt hảo này, nhờ việc soạn thảo chương trình theo các ngôn ngữ cho xứng hợp, nhờ sự giúp đỡ nhân sự và tài chánh. Ngoài việc phát thanh, những nhà xuất bản và những cơ quan thông tin Công giáo có thể giúp phổ biến thông tin và cung ứng việc giáo dục và đào tạo tôn giáo thường xuyên trên khắp lục địa. Ở những nơi người Kitô hữu là thiểu số, những thứ đó có thể là phương tiện quan trọng để nâng đỡ và nuôi dưỡng một cảm thức về căn tính Công giáo và để phổ biến kiến thức về những nguyên tắc luân lý Công giáo.”[20]

Chương trình tiếng Việt của Đài Chân lý Á châu có mặt rất sớm. Ban tiếng Việt bắt đầu các chương trình thử nghiệm ngay từ tháng 2 năm 1967, và là chương trình tiên phong giữa các ngôn ngữ của Đài phát thanh Chân lý Á châu. Sau đó, Ban Việt Ngữ đã bắt đầu chương trình chính thức vào ngày 21 tháng 2 năm 1969, trước khi chương trình chính thức của Đài phát thanh Chân lý Châu Á khởi sự vào ngày 11 tháng 4 năm 1969. Hiện nay Đức ông PhêrôNguyễn Văn Tài là Giám đốc của Đài phát thanh Chân lý Á Châu, và là người đã làm việc tại đây từ năm 1978. Các chương trình thông tin mục vụ của Đài Chân lý Á Châu giúp rất nhiều cho đời sống niềm tin của người tín hữu Việt Nam và các nước châu Á. Với việc truyền thanh trực tiếp các thánh lễ, chương trình giúp các tín hữu ở những vùng xa xôi có thể nghe bài giảng và tham gia vào các nghi thức chung của Giáo Hội dù không thể đến nhà thờ. Điều này nâng đỡ cách đặc biệt cho những anh chị em Công giáo sống tại những vùng sâu vùng xa trong thời gian khó khăn. Đài phát thanh Chân lý Á châu còn là nơi đón tiếp và hỗ trợ các linh mục, nữ tu và anh chị em giáo dân Việt Nam và các nước châu Á khác đang học tập hoặc làm việc tại Philippines.

b. Đài Phát Thanh Vatican [21]

Đài Phát Thanh Vatican đặt tại Roma, dấn thân từ hơn 70 năm nay để loan báo sứ điệp Đức Kitô và là cơ quan liên kết trung tâm của Giáo Hội Công Giáo với nhiều quốc gia và các Giáo Hội trên khắp thế giới. Mỗi ngày, qua các chương trình bằng 39 thứ tiếng, Đài Vatican phổ biến tiếng nói và giáo huấn của Đức Giáo Hoàng, thông tin về các hoạt động của Tòa Thánh và về đời sống của Giáo Hội trên thế giới. Các chương trình được truyền đi trên sóng radio, qua vệ tinh, qua trang web, qua internet trực tiếp hoặc theo lựa chọn, các bản tin qua email, podcast, videonews; là các phương tiện chúng ta đang sử dụng rất phổ biến ngày nay. Mỗi ngày đều có các tin tức thời sự, các chương trình đào sâu văn hóa và tôn giáo, truyền thanh phụng vụ và thánh lễ.

Nhìn lại lịch sử, ngày 27-7-1979 Đức Hồng Y Trịnh Như Khuê, TGM Hà Nội, gửi thư lên Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II để xin Ngài cho phép thành lập chương trình Việt Ngữ tại Đài Vatican. Đức Hồng Y nói rằng giáo dân công giáo Việt Nam rất mong được nghe trực tiếp tiếng Đức Giáo Hoàng và tiếp nhận mau chóng các tin tức từ lòng thủ đô Giáo Hội. Việc mở chương trình Việt Ngữ tại Đài Vatican sẽ đáp ứng nhu cầu của Giáo Hội Việt Nam mong được nâng đỡ và được liên kết với các cộng đoàn công giáo khác. Ngoài ra, chương trình Việt Ngữ Vatican sẽ bổ túc và củng cố các buổi phát của chương trình Việt Ngữ Veritas cũng như dự phòng một khi đài Veritas không hoạt động được nữa, thì đã có đài Vatican tiếp ứng để gởi thông tin của Giáo Hội đến người nghe. Chương Trình Phát Thanh Việt Ngữ Đài Vatican được các Linh Mục Dòng Tên khởi sự vào ngày 3 tháng 11 năm 1980. Chương trình hiện nay do cha Trần Đức Anh O.P. làm giám đốc.

Chương trình Việt Ngữ hiện nay phát thanh mỗi buổi, trong đó mỗi ngày có một bản tin tôn giáo gồm các hoạt động của Đức Giáo Hoàng và Giáo Hội hoàn vũ. Tiếp đến là một bài về sinh hoạt hoặc thời sự Giáo Hội dài trình bày những biến cố nổi bật, hoặc là nội dung các văn kiện mới của Tòa Thánh, các hoạt động tại thủ đô Giáo Hội và các Giáo Hội địa phương. Hai lần một tuần, các bài sinh hoạt đó được thay thế bằng mục Gặp Đức Giáo Hoàng, tức là nội dung cuộc tiếp kiến chung của Đức Giáo Hoàng mỗi sáng thứ tư và buổi đọc kinh truyền tin trưa Chúa nhật, hoặc các thánh lễ của Đức Giáo Hoàng vào các ngày Chúa nhật. Khi Đức Giáo Hoàng viếng thăm các nước hoặc các giáo phận ở Italia, thì mục sinh hoạt được thay bằng các bài tường thuật. Sau bài sinh hoạt, là mục Gương Chứng Nhân, thuật lại cuộc sống chứng tá của các tín hữu hiện đang sống hoặc các vị thánh đã được tôn phong. Đài Vatican Việt Ngữ cũng có mục bình luận mỗi ngày thứ sáu, chương trình thánh ca mỗi tuần hai lần, mục giải đáp các thắc mắc tôn giáo… Phần cuối của chương trình được dành cho phần học hỏi, với các tiết mục như tìm hiểu giáo luật, giáo lý cho người dự tòng, thần học kinh thánh, thời sự thần học, hoặc trình bày những đường hướng mới trong các nghiên cứu thần học hiện nay. Chương trình Việt Ngữ không trình bày tin tức chính trị, mỗi tuần chỉ có 10 phút điểm những biến cố nổi bật trong tuần mà thôi. Bên cạnh đó, mỗi khi có những biến cố nổi bật như các THĐGM Thế Giới hoặc khi Đức Giáo Hoàng viếng thăm các nước, thì chương trình có bài phóng sự về các sinh hoạt đó.

Các thính giả chương trình Việt Ngữ Vatican nhắm tới trước tiên là cộng đồng công giáo tại Việt Nam, vì đài Vatican tự bản chất được coi là mối giây nối kết Đức Giáo Hoàng và Tòa Thánh với các giáo hội địa phương. Vì thế, chủ yếu nội dung các chương trình nhắm vào giới thính giả công giáo. Nhưng Ban biên tập cũng cố gắng nhắm cả vào các giới không công giáo nữa. Chương trình Việt Ngữ Vatican hiện nay được phát trực tiếp về Việt Nam qua sóng ngắn. Từ bốn năm nay, chương trình cũng được phát đi qua hai vệ tinh, một cho vùng Á châu, và một cho vùng Mỹ châu. Ngoài ra từ hai năm nay, chương trình còn được phát qua Internet để khán thính giả có thể đọc và nghe lại các bản tin.

4. Truyền hình và phim ảnh Công Giáo

Vào giữa thế kỷ 20, nền văn minh nhân loại bắt đầu trải nghiệm một biến cố lớn: thế giới chuyển từ nền văn minh cơ khí sang nền văn minh điện tử, một nền văn hóa mới chạm đến toàn thể con người: qua giác quan thính - thị, mọi kiến thức đi vào trí tuệ, tâm lý, thể lý và cả tâm linh. Nền văn minh chữ in bị lấn lướt mạnh mẽ, qua làn sóng điện tử với khả năng nghe nhìn kết hợp, con người có thể tiếp cận với nhiều cá nhân và thực tại khác nhau trong cả vũ trụ. Truyền hình và phim ảnh là một thứ ngôn ngữ toàn diện, một nghệ thuật tổng thể có khả năng kết hợp tất cả nghệ thuật khác như âm nhạc, hội họa, kiến trúc, thơ văn, kịch nghệ v.v. Đây là một thứ đa ngôn ngữ nối kết các quốc gia, các châu lục trên khắp cả hành tinh. Nền văn hóa điện tử kết hợp cả âm thanh và hình ảnh sống động không những làm thay đổi hệ thống kiến thức của nhân loại về mặt chất lượng mà cả chiều rộng, chiều sâu và chiều cao. Làn sóng điện tử có thể đến với toàn cầu bất cứ lúc nào và ở đâu nếu người ta có đủ các công cụ để phát và thu sóng, mà ngày nay giá thành của các phương tiện này càng lúc càng rẻ.[22]

Với những thế mạnh đó, truyền hình và phim ảnh đang là phương tiện truyền thông mạnh mẽ và hấp dẫn tại Việt Nam hôm nay. Đa số các gia đình đều tụ tập trước màn hình mỗi ngày. Về mặt tích cực, đây là phương tiện tốt vì nhờ sự kiểm soát gắt gao của nhà nước, các chương trình truyền hình không có nhiều cảnh sex và bạo lực mạnh. Tuy nhiên nó thường đưa những thông tin và tuyên truyền một chiều về các chính sách của nhà nước. Thêm vào đó, các băng đĩa video với nội dung tốt hay xấu có thể len lỏi vào mọi thành phần dân chúng mà không có sự theo dõi kiểm soát của nhà nước hay phía Giáo Hội. Khó ai có thể đánh giá được hết những hậu quả của chúng. Xin nhìn lại một số hoạt động liên quan đến truyền hình và phim ảnh Công giáo xưa và nay để rút ra những bài học kinh nghiệm hữu ích cho tương lai.

a. Trung Tâm Truyền Hình Đắc Lộ [23]

Do hoàn cảnh chiến tranh, làn sóng Truyền hình đã du nhập vào Sài-gòn giữa thập niên 1960. Năm 1966-1967, điểm phát sóng đầu tiên phát xuất từ trên máy bay, phủ sóng các tỉnh thành bao quanh Sài-gòn, từ PhanThiết đến Cần Thơ. Rồi cơ sở phát sóng được xây dựng từ 1970 đến 1975 nhưng nội dung ít đề cập đến lãnh vực giáo dục. Trong bối cảnh đó, Trung tâm Giáo dục truyền hình Đắc Lộ đã ra đời, do các cha Dòng Tên thiết lập từ đầu thập niên 70, nhắm đến việc giáo dục đại chúng với nhiều chương trình giáo dục thiếu nhi, giáo dục lối sống gia đình. Bên cạnh đó một số Cha bắt tay vào chương trình ‘đặc nhiệm phát triển nông thôn’, nghiên cứu và thực nghiệm các kỹ thuật canh nông mới, xuất bản những tài liệu phổ biết kỹ thuật canh tác chăn nuôi, ngư nghiệp vừa giúp nông dân tăng gia lợi tức, vừa nhắm đến việc phát triển cộng đồng.

Để giúp khán thính giả dễ tiếp thu nội dung chương trình, các nhân viên của Trung tâm không “lên bục giảng bài” trên màn ảnh, mà truyền đạt bài học bằng những hoạt cảnh, những vở kịch, những câu chuyện dễ gây hứng thú, để mọi người sau khi nghe - nhìn các sinh hoạt trên màn ảnh, dễ dàng kể lại cho người khác những gì mình đã chứng kiến. Vì khán thính giả là giới bình dân không thể ngồi nghe giảng dạy như học sinh trong trường lớp, Trung tâm thành lập môt nhóm diễn viên cùng nhau dựng kịch, kể cả hài kịch, có khi đệm thêm cải lương, vọng cổ… để gây hứng thú và giúp khán giả dễ nhập tâm hơn. Cùng với việc thực hiện các chương trình truyền thông ích lợi cho người dân cả trong việc đào sâu niềm tin và thăng tiến cuộc sống, Trung Tâm Đắc Lộ còn có nhiều hoạt động văn hóa quan trọng khác, đặc biệt cho giới true. Đây là một trung tâm mục vụ thu hút rất nhiều giới trẻ đến sinh hoạt thường xuyên, có các ca đoàn trẻ và có thư viện Đắc Lộ được coi là thư viện lớn nhất ở Đông Dương thời bấy giờ…

Trong khi số lượng Tivi trong các gia đình chưa nhiều, thì tại nhiều giáo xứ thời đó đã có bố trí các điểm xem truyền hình công cộng cho cả khu dân cư, do chính quyền ở cấp cơ sở điều hành hoạt động. Từ khoảng năm 1973, những điểm xem truyền hình công cộng này trở thành những điểm chiếu các chương trình của Đài Truyền hình Đắc Lộ qua các băng video. Ngoài việc chiếu phim thuần tuý, nhiều nơi Trung tâm còn tổ chức những “Câu lạc bộ truyền hình” (téléclub) với những nhóm đi chiếu phim dạo ở một số điểm thuận lợi, mang theo đủ thứ dụng cụ cần thiết như màn ảnh, ống loa, máy phát điện, bàn đạo diễn… Nhưng quan trọng nhất là các “nhà giáo truyền hình”, người hướng dẫn khán thính giả thảo luận học hỏi từ phim ảnh, nắm bắt và khai thác mọi khía cạnh hữu ích của bài học xuyên qua màn chiếu. Đồng thời người phát hình cũng trao đổi để tiếp thu phản hồi của người xem. Điều nầy là cần thiết vì giáo dục không phải là nhồi nhét một chiều, mà là một cuộc đối thoại giữa người nói và người nghe. Nhờ vậy, Câu lạc bộ học được từ quần chúng qua những phản ứng bất ngờ của họ, có khi được khán giả “sửa sai”, có khi họ giúp dàn dựng lại đầy đủ và phù hợp hơn đối với bối cảnh, tâm lý người địa phương.[24]

Sau ngày 30.4.1975, các cha Dòng Tên nước ngoài phải rời khỏi Việt Nam theo yêu cầu của chính quyền mới. Vào năm 1976, Trung Tâm Đắc Lộ bị chiếm hữu và Dòng Tên Việt Nam đã trao cho Nhà Nước tất cả cơ sở và máy móc trang thiết bị hiện có của Trung Tâm truyền hình Đắc Lộ. Mãi đến năm 2006 Thủ Tướng Phan Văn Khải mới ký sắc lệnh để giao trả lại Trung Tâm Đắc Lộ cho Dòng Tên trước trước thời điểm Nhà Dòng mừng kỷ niệm 50 năm Dòng Tên trở lại Việt Nam. Hiện nay Thư viện Đắc Lộ đã được tái lập, trở thành nơi nghiên cứu học hỏi rất ích lợi cho giới tu sĩ các Dòng, các nhà chuyên môn và các học sinh sinh viên Công giáo. Về phía Giáo hội Công giáo Việt Nam, tuy không còn những hoạt động chính thức trong lĩnh vực truyền hình, nhưng người Công giáo vẫn có thể tác động gián tiếp lên các chương trình truyền hình của Nhà nước bằng cách nêu những ý kiến nhận xét về các chương trình ấy. Họ cũng có thể tác động tích cực hơn bằng cách cộng tác với các nhân viên của các đài truyền hình để xây dựng những chương trình có giá trị về mặt đạo đức, nghệ thuật, văn hoá…[25]

b. Việc thực hiện các video Công Giáo

Nhìn chung, từ sau năm 1975 đến thời mở cửa (khoảng năm 1985 trở đi), hầu như việc sử dụng phương tiện truyền hình để phục vụ cho công cuộc Phúc âm hoá đều hiếm hoi, hầu như không có. Năm 1985 là thời điểm khởi đầu cho việc ứng dụng công nghệ truyền hình màu tại Việt Nam. Sau đó ít lâu, đã xuất hiện các dịch vụ quay video, ghi hình các dịp tụ họp đông đảo và lễ lạc quan trọng trong Giáo Hội để lưu giữ và phổ biến cho nhiều người cùng xem. Từ những năm 2000, khi dĩa VCD bắt đầu phổ biến, các chương trình thu hình các dịp lễ lạc hoặc các sinh hoạt lớn của Giáo phận, Giáo xứ, Dòng tu, Đoàn thể… đã bắt đầu được phổ biến bằng dĩa VCD. Việc thực hiện các video cá nhân rất dễ dàng, vì thế những cuộc cuộc Hội Nghị, Hội Thảo, diễn nguyện, văn nghệ… đều có thể được thu hình và phát hành nội bộ.

Gần đây, một số các chương trình ca nhạc thánh ca và các Hội nghị công giáo đã bắt đầu ghi hình công phu và được phổ biến trên dĩa DVD với chất lượng âm thanh và hình ảnh cao. Như thế tuy không chính thức, nhưng đã có một hình thức “truyền hình công giáo” âm thầm phát hành chương trình qua các sản phẩm video. Các thể loại truyền thông có dáng vẻ “thời sự” này chỉ mang tính tự phát và hiệu quả đạt được rất hạn chế, nhưng đã giúp ích khá nhiều cho đời sống đạo của người giáo dân Việt Nam. Việc ứng dụng công nghệ truyền hình như phương tiện để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tôn giáo chưa được chú ý đúng mức. Hơn nữa, phần lớn các chương trình video đã thực hiện đều sử dụng các thiết bị dân dụng nên chất lượng kỹ thuật và nghệ thuật chưa cao. Tuy nhiên, nhìn chung thể loại của các chương trình video công giáo còn nghèo nàn, chỉ chủ yếu là các chương trình ghi hình các dịp lễ hội hoặc chương trình ca nhạc, hiếm có các chương trình phóng sự tài liệu, các chương trình talkshow, có sự đối thoại, phỏng vấn, nêu lên vấn đề và giải đáp. Bên cạnh đó, các luồng phim video đủ loại ngày càng nhiều và càng dễ tiếp cận hơn. Điều đáng lo ngại là trong số các băng hình video này có vô số thể loại phim xấu như phim sex, phim bạo lực… Những loại video ngoài luồng này rất khó kiểm soát và gây nhiều hậu quả đáng buồn, nhất là trong giới trẻ.

Các loại phim video công giáo đã lồng tiếng Việt cũng âm thầm đi đến với mọi người dù thường không hề có “bản quyền” chính thức. Một số phim video công giáo có giá trị như: “Truyền Giáo” (The Mission), nói về hoạt động và chứng tá của các Cha thừa sai Dòng Tên tại Nam Mỹ; phim “Anh Mặt Trời – Chị Mặt Trăng” kể về cuộc đời của Thánh Phanxicô Assisi, phim “Cuộc Thương Khó của Chúa Kitô” của đạo diễn Mel Gibson, tường thuật cách sống động cuộc tử nạn của Đức Kitô… phim về cuộc đời Mẹ Têrêxa Calcutta, hoặc phim “Romero” về Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero của Tổng Giáo Phận El Salvador là người đã mạnh mẽ bảo vệ đàn chiên của Ngài, đặc biệt những người nghèo và những người bị áp bức; và Ngài đã bị bắn chết khi đang cử hành Thánh Lễ… Các video này được phổ biến giúp ích nhiều cho đời sống niềm tin của người giáo dân.

Giới công giáo cần học hỏi nhiều hơn để thực hiện các loại chương trình hấp dẫn hơn để chuyển tải các nội dung đức tin, vì ngày nay việc thực hiện các chương trình như thế rất đơn giản và chi phí thấp. Việc đánh giá đúng mức tiềm năng của công nghệ và kỹ thuật truyền hình, quan tâm đầu tư sử dụng cách thích đáng, chắc chắn sẽ đẩy mạnh những đóng góp hữu hiệu của công nghệ truyền hình nhằm phục vụ cho hoạt động loan báo Tin Mừng. Đó là khả năng nằm trong tầm tay của Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam.

c. Phim ảnh Công giáo

Nhìn một cách tích cực và lạc quan về các kênh truyền hình trên toàn quốc và phim ảnh chiếu rạp, mối lo lắng của các vị chủ chăn trong Giáo Hội Việt Nam xem ra rất nhẹ nhàng, vì các chương trình này được kiểm soát kỹ lưỡng nên nội dung rất “sạch sẽ”, ít có những nội dung “xấu xa - đồi bại” như tại nhiều nước khác. Tuy nhiên hiện nay đã có các chương trình truyền hình cáp (cable) và người Việt Nam cũng có thể xem các chương trình truyền hình trên khắp thế giới qua mạng nữa. Vì thế các chương trình phim truyền hình có nhiều ảnh hưởng băng hoại vẫn có thể đến với người dân.

Hơn nữa, ngoài các dịch vụ bán phim dĩa (VCD hay DVD), thì còn có những dịch vụ chép phim vào ổ cứng để xem trực tiếp trong máy vi tính. Đây là loại phim chất lượng cao, số lượng chép một lần có thể lên đến hàng ngàn phim, dung lượng có thể lên cả 4000-5000GB. Trong số đó có tất cả những phim mới nhất trên thế giới, cả những phim nổi tiếng các loại, và nhiều phim đã có phụ đề tiếng Việt cho người không biết ngoại ngữ! Đây là cả một bước đột phá lớn trong công nghệ phim ảnh, và những nhà đấu tranh để giữ bản quyền phim chỉ có nước “dở cười dở khóc”. Lúc này chuyện xem phim giải trí trở thành vấn đề sở thích cá nhân, không thể kiểm soát. Tất cả chỉ trông chờ vào các chương trình giáo dục gây ý thức cho công chúng, đồng thời tuỳ thuộc vào khả năng hiểu biết, biện biệt và chọn lựa của người sử dụng.

Nhiều chương trình chiếu phim có thêm phần học hỏi rất hữu ích đã giúp người xem mở rộng nhãn quan, thay đổi qua điểm sống và có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc đời với những giá trị của nó. Có những cuốn phim liên quan trực tiếp đến các chủ đề tôn giáo, kể lại những câu chuyện về cuộc đời các thánh, những gương chứng nhân sống niềm tin, những nhân vật nổi tiếng trong Kinh Thánh, hoặc là những sự kiện và biến cố có liên quan đến đời sống của Giáo Hội trên khắp thế giới … Cũng có những phim tuy không phải phim đạo nhưng lại rất có giá trị, chúng trực tiếp hoặc gián tiếp đề cập đến các giá trị Tin Mừng hay cũng có thể chỉ mang ảnh hưởng Kitô giáo mà thôi. Nhiều nơi đã dùng các phim ảnh đó để khơi mào cho những cuộc thảo luận và đào sâu thêm các giá trị đức tin.

Phim ảnh giá trị có thể mở rộng tầm nhìn của chúng ta về thế giới và con người, giúp chúng ta học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý giá, từ đó nắm bắt các vấn đề của nhân sinh và hiểu được hoàn cảnh của con người trong nhiều tình huống khác nhau. Những cảm nghiệm mạnh mẽ từ một cuốn phim có thể thức tỉnh con tim và gia tăng sự nhạy cảm của chúng ta đối với nỗi đau khổ và đói khát của nhân loại hôm nay, những lo âu và sợ hãi của họ, những hy vọng, những ước mơ và những chọn lựa can đảm của bao con người thuộc những chủng tộc, văn hóa, tôn giáo, tầng lớp xã hội và giai đoạn lịch sử khác nhau. Các thành phần trong Giáo Hội cần hợp tác giúp cổ võ, chuyển ngữ, phổ biến, và phát triển mạnh hơn các nội dung truyền hình và phim ảnh lành mạnh, hầu góp phần thăng tiến phẩm giá con người, công bình xã hội, xây dựng tình liên đới, khuyến khích đối thoại và hiệp nhất với nhau trong mọi lãnh vực và ở mọi cấp độ.

5. Mạng Internet - hệ thống truyền thông đa phương tiện

Con người hôm nay đang sống trong một thế giới phát triển cao, được trang bị ngày càng nhiều các phương tiện liên lạc hiện đại như hệ thống truyền hình toàn cầu, máy vi tính kết nối với xa lộ thông tin Internet, điện thoại di động đa chức năng, các công cụ lưu trữ dữ liệu đa dạng (hình ảnh, âm thanh, video, các file nén…) với khả năng ngày càng lớn. Chúng lại có thể kết nối với những công cụ “đọc thông tin” như máy tính xách tay (laptop), hệ thống âm thanh, máy chiếu (projector)… và nhiều phương tiện kỹ thuật tân tiến khác. Các phương tiện truyền thông đó hiện đang nối mạng liên kết với nhau và phát triển với tốc độ chóng mặt, xóa đi mọi biên giới địa lý, đem thông tin tức thời về những chuyện xảy ra trên khắp thế giới đến cho mọi người ở mọi ngõ ngách cuộc sống.

– Giá trị và khả năng lớn lao của Internet

Hơn hẳn báo chí, truyền thanh, truyền hình và điện thoại, mạng internet hiện nay đã có mặt khắp nơi, và hầu như ai ai cũng có thể sử dụng. Cả hai tài liệu Giáo Hội và Internet  Đạo Đức trong Internet đều đưa ra một số hướng dẫn cũng như những cân nhắc, vì Internet là “quà tặng của Thiên Chúa” đồng thời là “cơ hội và thách đố chứ không phải sự đe dọa”.[26] Các tài liệu này nhấn mạnh đến sức mạnh của kỹ thuật và cơ hội mà Internet đem lại, cho rằng nó có thể giúp đem mọi người trên hành tinh này vào một thế giới được điều hành bởi công bằng, hoà bình và yêu thương. Quả thật, mạng Internet đang mang lại những thay đổi có tính cách mạng trong thông tin, báo chí, giáo dục, chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, tương quan giữa các dân tộc và các nền văn hóa. Các khả năng hầu như vô tận của mạng điện toán toàn cầu không ngừng gây kinh ngạc cho cả những người làm ra và tham gia vào các hoạt động của nó. Chiếc máy tính ngày nay gần như có khả năng của tất cả các loại phương tiện truyền thông khác, thêm vào đó khả năng kết nối vào mạng Internet với tốc độ đường truyền ngày càng được cải tiến và hàng loạt tiện ích khác nhau.[27] Người ta có thể vào mạng để gọi điện thoại, xem truyền hình, xem video và các loại hình ảnh, nghe radio, nghe nhạc, chơi các loại game, đọc các loại sách báo thông tin mới nhất hoặc gởi thư từ và tán gẫu với người khác…

Internet có khả năng đi đến với nhiều người thuộc nhiều khu vực khác nhau trên khắp thế giới, nhưng chỉ với tư cách cá nhân. Người sử dụng có quyền chủ động nhận hay không nhận thông tin tuỳ thích, và có thể quay trở lại xem những gì đã được đưa lên từ nhiều thời điểm khác nhau. Hơn thế nữa, người đọc có thể “tương tác” với nhiều chương trình mình đang theo dõi, để bình phẩm, đóng góp ý kiến và có khi còn có thể sửa đổi, sắp xếp lại theo ý mình nữa. Một điều tốt đẹp là ngày nay nhiều trang thông tin Công Giáo cả trong và ngoài nước đã mở rộng để đáp ứng nhu cầu “đói thông tin” của người Công Giáo Việt Nam. Các trang đó lại được liên kết với nhau để người đọc có thể tìm được những thông tin thích hợp cho nhu cầu riêng của mình. Được sử dụng đúng đắn, Internet đem lại những ích lợi rất đặc biệt, vì nó cho phép người ta tiếp cận trực tiếp và tức khắc những tài nguyên tôn giáo và tâm linh quan trọng - những thư viện khổng lồ, những văn kiện giáo huấn của Huấn quyền, những bài viết của các thần học gia cũng như kho tàng khôn ngoan tôn giáo của nhiều thời đại. Internet có một khả năng đáng kể để vượt qua mọi khoảng cách, giúp con người tiếp xúc với những người thiện chí có cùng tư tưởng, gia nhập vào những cộng đoàn đức tin ảo để khích lệ và nâng đỡ lẫn nhau.[28]

– Mặt trái của Internet

Không phải mọi kiến thức và thông tin trên Internet đều trung thực, an toàn, lành mạnh và lợi ích. Không gian ảo của Internet hầu như nằm ngoài tầm kiểm soát; và luật pháp của các quốc gia ít có hiệu lực đối với mạng Internet. Nhiều người có thể hiện diện cách “ẩn danh” trên mạng. Đó cũng là lý do khiến các thế lực xấu tha hồ đưa lên mạng những chương trình xem ra hấp dẫn, nhằm khuyến khích sự tự do phóng túng và thu hút người xem rơi vào những cái bẫy có vẻ êm dịu ngọt ngào của các giá trị xấu. Về phía các trang thông tin Công Giáo thì sao? Hiện nay có tất cả bao nhiêu trang web Công Giáo Việt Nam có giá trị và uy tín trên mạng lưới Internet toàn cầu? Đó vẫn là một câu hỏi khó có thể trả lời chính xác… Các danh xưng và nội dung của nhiều trang web Công Giáo cũng đang còn gây nhiều tranh cãi. Chẳng hạn như danh xưng “Thông Tấn Xã Công Giáo Việt Nam” lại không liên quan gì nhiều đến Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Nhiều trang web mang tên Công Giáo nhưng bên cạnh các bài viết tốt vẫn có những bài viết chống đối, chỉ trích Giáo Hội, hoặc khích bác nhau. Đây đó vẫn có những cuộc bút chiến nảy lửa, những luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật...

Có một vài tổ chức và cá nhân không đưa bài lên mạng theo những nguyên tắc của truyền thông Công giáo, gây ra nhiều xáo trộn trong cộng đồng, xúc phạm đến các cá nhân, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Giáo hội cũng như hoạt động rao giảng Tin Mừng. Nhiều vấn nạn đặt ra như người giáo dân Việt Nam biết hỏi ai khi có những vấn nạn liên quan đến lãnh vực luân lý – đạo đức trên mạng? Đặc biệt là giới trẻ Công Giáo, họ có thể tìm kiếm nơi đâu những lời khuyên, sự đồng hành và chỉ dẫn rõ ràng về các tiêu chuẩn để biện biệt, chọn lựa đúng đắn cho các chương trình truyền thông họ tiếp cận hàng ngày? Luân lý mạng đang đặt ra cho những người có trách nhiệm nhiều thách đố lớn lao. Mạng Internet có thể được các thế lực xấu dùng “trong những mục đích khai thác, bóp méo, thống trị, và đồi bại,” hay để truyền đạt những tư tưởng mang tính “thù hận, bôi nhọ, lường gạt,” hoặc chuyển tải “những hình ảnh khiêu dâm nói chung, đặc biệt những hình ảnh khiêu dâm trẻ em, cùng với những xúc phạm khác,” như “vấn đề phân chia giai cấp về kỹ thuật số”, “tự do ngôn luận,” v.v…

Vì thế, Giáo Hội cần chú ý nhiều hơn nữa những gì liên quan đến truyền thông đặc biệt là Internet, “Giáo Hội trong mọi cấp phải sử dụng thông thạo Internet để liên lạc với mọi người một cách hiệu quả - đặc biệt giới trẻ, những người đang có những kinh nghiệm phong phú về nền kỹ thuật mới này - và dùng chúng cách tốt nhất.”[29] Vấn đề chính vẫn là sự hiểu biết đúng đắn, ý thức và chọn lựa của con người. Giáo Hội nhìn nhận các phương tiện truyền thông không phải là những sức mạnh mù quáng của thiên nhiên nằm ngoài tầm kiểm soát của con người. Vì cho dù mạng Internet có đưa tới những hậu quả ngoài ý muốn, nhưng chính con người vẫn có quyền lựa chọn sử dụng mạng vào các mục đích và phương cách tốt hay xấu. Những lựa chọn đó chính là trọng tâm của vấn đề luân lý đạo đức trong truyền thông, được thực hiện không phải chỉ do những người tiếp nhận thông tin - những khán giả, thính giả, độc giả - mà đặc biệt do những người kiểm soát các phương tiện truyền thông xã hội và ấn định cơ chế, chính sách, nội dung của việc truyền thông ấy.[30]

– Các trang mạng Công giáo

Những địa chỉ thông tin Công Giáo trên Internet đang cung cấp những dịch vụ rất đa dạng, nội dung phong phú, và cách trình bày mỹ thuật. Các loại báo điện tử trên mạng ngày càng nhiều, chúng được gởi đến cả ngàn địa chỉ e-mail, từ đó lại được chuyển tiếp (forward) đi hoặc in ra và photo để gởi đến tay người đọc. Hiện có các trang tin Công giáo uy tín như trang Web của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (http://hdgmvietnam.org/). Các trang mạng của một số giáo phận như:

TGP Hà Nội http://tgphanoi.org/

TGP Huế http://tonggiaophanhue.net/

TGP Tp.HCM http://tgpsaigon.net/

GP Ban Mê Thuột http://www.gpbanmethuot.net/

GP Đà Lạt http://www.simonhoadalat.com/

GP Lạng Sơn http://giaophanlangson.org/

GP Long Xuyên http://www.gplongxuyen.net/

GP Mỹ Tho http://giaophanmytho.net/

GP Nha Trang http://gpnt.net/

GP Phan Thiết http://www.gpphanthiet.net/

GP Thái Bình http://www.tgmtb.net/

GP Thanh Hoá http://www.gpthanhhoa.org/

GP Vinh http://giaophanvinh.net/

GP Vĩnh Long http://www.giaophanvinhlong.net/

Các trang mạng Công giáo khác thu hút đông đảo người xem như trang Việt Catholic (www.vietcatholic.org), Công Giáo Việt Nam (www.conggiaovietnam.net), Dũng Lạc (www.dunglac.org), Tin Vui Việt Nam (www.tinvuivn.com), La Vang UK (www.lavang.co.uk), Tin Tức Giáo Hội Á Châu (UCAN) www.ucanews.com, Mạng Lưới cầu nguyện (www.ThanhLinh.net), Hồn Nhỏ (www.honnho.org)... Ngoài ra nhiều Giáo xứ, Dòng Tu, hội đoàn Công Giáo đã có mặt trên Internet. Bên cạnh đó cũng có nhiều trang web và blog cá nhân rất có giá trị, có số lượng khách viếng thăm mỗi ngày rất cao.

Hơn lúc nào hết, Giáo Hội Việt Nam hôm nay với phương tiện Internet trong tầm tay cần làm thế nào để Tin Mừng của Bình An, Niềm Vui và Hy Vọng có thể được truyền thông đến tất cả những ai đang khao khát được lắng nghe Lời Chân Lý, giúp họ được gặp gỡ chính Đấng đã đến và đang hiện diện để đồng hành với họ; để yêu thương, nâng đỡ và giải phóng họ. Giáo Hội cần hiện diện trên mạng với người trẻ để đối thoại với họ, giải đáp những vấn nạn của họ, và trợ giúp họ trước nhiều thách đố lớn lao của thời đại @ (a-còng) này. Việc tận dụng những ích lợi lớn lao của phương tiện Internet với sự hiểu biết thích đáng và khả năng biện biệt chọn lựa đúng đắn là nhu cầu của rất nhiều thành phần còn đang “mù vi tính” trong Giáo Hội, kể cả nhiều vị đang ở cấp lãnh đạo trong các Giáo phận, Giáo xứ, Dòng tu, Đoàn thể khác nhau…

III. HƯỚNG TƯƠNG LAI CHO CÁC HOẠT ĐỘNG TRUYỀN THÔNG CÔNG GIÁO TẠI VIỆT NAM

Biến cố kỷ niệm năm mươi năm của Hàng giáo phẩm vào năm 2010 mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử của Giáo Hội tại Việt Nam. Đây là cơ hội để tất cả các thành viên của Giáo Hội đoàn kết, hiệp nhất trong cùng một quan điểm để thực hiện một dự án chung. Những ân ban đức tin không chỉ là món quà để toàn Giáo Hội hoặc mỗi người tín hữu đón nhận và giữ lấy cho mình; nhưng đức tin đó phải được chia sẻ, truyền đạt, và nhân rộng ra cho cả nhân loại. Việc nhìn lại và lượng giá những gì đã thực hiện là cần thiết để Giáo Hội chuyển hóa chính mình và cải thiện đời sống nhằm thăng tiến và phục vụ tốt hơn. Riêng trong lãnh vực truyền thông xã hội, có rất nhiều yếu tố thiết yếu mà mọi thành phần trong Giáo Hội Việt Nam cần cố gắng cộng tác thực hiện nếu muốn tận dụng những khả năng lớn lao của các phương tiện truyền thông hiện nay. Xin được đề cập đến một số định hướng quan trọng như sau:

1. Định hướng của Giáo Hội toàn cầu

Trong lịch sử Giáo Hội, cái nhìn về truyền thông của Giáo Hội đã thay đổi từ một thái độ ngờ vực và bác bỏ sang thái độ hiểu biết có phê phán và chấp nhận một cách thận trọng. Các văn kiện của Giáo Hội về truyền thông phản ánh các quan điểm thần học ảnh hưởng tới lối suy nghĩ, tiếp cận và sử dụng truyền thông trong sứ mạng truyền giáo. Do lệnh truyền của Thiên Chúa và do quyền sở hữu kiến thức chung của con người, Giáo Hội có bổn phận truyền đạt một cách công khai điều mà Giáo Hội tin và cách Giáo Hội sống. Sắc lệnh Inter Mirifica (1963) mời gọi: “Giáo Hội có quyền sử dụng và làm chủ bất cứ một loại truyền thông xã hội nào, tùy theo sự cần thiết hay lợi ích cho việc giáo dục Kitô hữu và cho việc mưu cầu phần rỗi các linh hồn; các vị Chủ Chăn đáng kính có nhiệm vụ huấn luyện và hướng dẫn các tín hữu thế nào để họ biết dùng cả những phương tiện này mà theo đuổi phần rỗi và sự toàn thiện của mình cũng như của toàn thể gia đình nhân loại” (IM, 3)

Huấn Thị Communio et Progressio (1971) dạy rằng Chúa Giêsu là Nhà Truyền Thông Cứu Độ và là Người Thầy của Truyền Thông. Người là Ngôi Lời của Chúa Cha, trong Người mọi sự được tạo thành. Người là Ngôi Lời ở trong Chúa Cha từ nguyên thủy, và qua Người tất cả mọi tạo vật được hiệp thông trong hình ảnh của Thiên Chúa. Như thế truyền thông phát xuất từ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, và có mục đích tối hậu là đưa nhân loại, cùng với các phương tiện truyền thông, đi vào sự hiệp thông với Thiên Chúa.[31] Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio lưu ý: “Uỷ Ban Truyền thông xã hội của HĐGM cấp quốc gia hay vị giám mục đặc trách truyền thông chịu trách nhiệm việc hướng dẫn mọi hoạt động của các văn phòng cấp quốc gia. Họ phải vạch ra các hướng dẫn chung cho sự phát triển việc tông đồ truyền thông xã hội ở cấp quốc gia” (CP 172). Huấn Thị Mục Vụ Aetatis Novae (1992) nhận định về sự thay đổi bản chất của truyền thông và việc sử dụng gia tăng quá nhanh của các phương tiện truyền thông. Cả hai tài liệu Giáo Hội và Internet  Đạo Đức trong Internet (2002) đều nhấn mạnh đến sức mạnh của kỹ thuật và cơ hội mà Internet đem lại, cho rằng nó có thể giúp mọi người trên hành tinh này sống trong một thế giới được điều hành bởi công bằng, hoà bình và yêu thương. [32]

Những người có trách nhiệm trong Giáo Hội được mời gọi quan tâm đặc biệt đến các hoạt động truyền thông và cố gắng thực hiện mọi điều khả thi trong hoàn cảnh của mình. Trong Tông thư Sự Phát Triển Nhanh Chóng, Đức Thánh Cha nêu rõ: “Hiện tượng truyền thông hiện nay thúc đẩy Giáo Hội phải xem xét lại về mục vụ và văn hoá để có thể thích ứng được với thời đại của chúng ta. Hơn ai hết, các mục tử phải gánh lấy trách nhiệm này. Mọi điều khả thi đều phải được đưa ra thực hiện để Tin Mừng có thể thấm nhập vào xã hội, kích thích con người lắng nghe và chấp nhận sứ điệp của Tin Mừng.”[33] Nhìn chung, tài liệu về truyền thông xã hội của công đồng Vatican II (Inter Mirifica số 19-21) và các Huấn thị Mục vụ tiếp theo (Communio et Progresssio số 170-176 và Aetatis Novaesố 19-23) đều đưa ra nhiều hướng dẫn cụ thể và yêu cầu các Hội đồng Giám mục tổ chức và duy trì các văn phòng Truyền thông cấp quốc gia. Vì thế việc chuẩn bị nhân sự, đưa chương trình huấn luyện về thần học truyền thông, linh đạo truyền thông và các kỹ năng truyền thông mục vụ vào nhiều cấp độ khác nhau là cần thiết cho Giáo Hội Việt Nam.

2. Định hướng của FABC

Truyền thông Kitô giáo phải đặt nền trên linh đạo sâu xa, nhờ các nhà truyền thông đầy Thánh Thần và dựa trên cơ sở thần học vững chắc về truyền thông bắt nguồn từ Thiên Chúa Ba Ngôi. Giáo Hội tại Á Châu cần có những nghiên cứu, suy tư có hệ thống, đào luyện thường xuyên, nối mạng và qui tụ các nguồn tài nguyên khác nhau cho các hoạt động truyền thông hiệu quả. FABC nhận xét: “Giáo Hội cần phải khai thác các lãnh vực tiềm năng khác trong các bối cảnh khác nhau của Châu Á, với vô vàn ngôn ngữ và nền văn hoá. Trong thiên niên kỷ 3, một thách thức bao la đang chờ đợi Giáo Hội Á Châu trong lãnh vực truyền thông xã hội” (FABC Papers 115: 59). Sứ Điệp của Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu cũng nêu rõ: “Cần có một chương trình mục vụ để sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, tại tất cả các giáo phận và phải thêm vào đó văn phòng đặc trách giao thiệp với công chúng…”[34] Từ năm 1996, các Giám mục Á Châu đã khởi đầu những cuộc họp hàng năm về truyền thông và yêu cầu mỗi Hội đồng Giám mục và mỗi địa phận cần triển khai một kế hoạch mục vụ toàn diện về truyền thông để nhập thể sứ vụ ngôn sứ và loan báo Tin Mừng của mình trong một xã hội bị định hình bởi các phương tiện truyền thông. Cuộc họp hàng năm lần thứ 11 (2006) đưa ra đề nghị cụ thể là “Tất cả các Hội Đồng Giám mục và các giáo phận cần phải chuẩn bị một kế hoạch mục vụ cho hoạt động truyền thông với một khung thời gian phù hợp và một viễn cảnh rõ ràng (clear vision) cũng như tuyên bố về sứ vụ (mission statement) phù hợp với vùng của mình.”[35] Đây là năm bước thiết yếu của một kế hoạch mục vụ truyền thông[36]:

a) Tìm hiểu thực tế và phân tích đánh giá tình hình hiện có: các đối tượng khán thính giả, các nhóm đang thực hiện và phân phối chương trình, các nhu cầu cấp thiết…

b) Xem xét các nguồn lực về truyền thông sẵn có để sử dụng hợp lý: phương tiện, nhân sự, tài chánh, hiện trạng giáo dục về truyền thông và các khả năng hợp tác…

c) Phát triển chiến lược và thiết lập các mục tiêu: các chương trình khả thi, hướng nối kết sử dụng các nguồn lực và các phương tiện truyền thông cho việc loan báo tin mừng, các phương pháp và nội dung giáo dục truyền thông, hỗ trợ các chuyên gia truyền thông…

d) Thực hiện hiệu quả các kế hoạch hành động: đạt đến mục tiêu đề ra.

e) Các phương cách để giám sát và lượng giá thường xuyên

Quá trình lập kế hoạch của Ủy Ban Truyền thông Xã hội cấp quốc gia hoặc giáo phận cần được thực hiện với mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn của mình. Việc lượng giá sau mỗi bước thực hiện là rất quan trọng để điều chỉnh và tiếp tục với các bước tiếp theo. Các nghiên cứu cần được thực hiện để có thể đóng góp hữu ích cho quá trình lập kế hoạch mục vụ truyền thông với sự hỗ trợ chuyên môn của các Ủy Ban Truyền thông Xã hội của các Hội Đồng Giám Mục khác nếu cần. Các tài liệu về truyền thông xã hội của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu rất phong phú và phù hợp với bối cảnh các nước Á Châu, đó là những hướng dẫn cụ thể, rõ ràng mà Giáo Hội Việt Nam có thể sử dụng để hoàn thành sứ mạng truyền giáo của mình trong bối cảnh toàn cầu hoá và thông tin kỹ thuật số hôm nay.

3. Định hướng của Giáo Hội Việt Nam

Giáo Hội tại Việt Nam chưa ra một văn kiện chính thức nào liên quan riêng đến truyền thông, nhưng có thể nhận ra một số ý tưởng trong các văn kiện và hoạt động của Giáo Hội. TrongThư Chung Năm 2001 của HĐGMVN, các giám mục đã thông báo và mời gọi mọi tín hữu sống sứ mạng loan báo đức tin của mình một cách mới theo các lời dạy của Tin Mừng và của Giáo Hội. Thư chung ghi nhận: “Canh tân lối suy nghĩ có nghĩa là canh tân quan điểm của chúng ta. Tin Mừng và các giáo huấn xã hội của Giáo Hội là những qui tắc hành động nhằm xây dựng, phát triển và thăng tiến...”[37] Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam cũng muốn sử dụng truyền thông để rao giảng Tin Mừng tốt hơn. Thế nhưng một trong những thách thức lớn đối với Giáo Hội Việt Nam hiện nay là nhu cầu về nhân sự cho các hoạt động truyền thông xã hội. Việc đầu tư cho tương lai phải bắt đầu với việc chuẩn bị nhân sự, thông qua các chương trình đào tạo ngắn hạn và dài hạn. Cần phải phát hiện và khuyến khích những người có nhiều khả năng và tâm huyết trong lãnh vực này, giúp họ phát triển tài năng của và tạo điều kiện cho việc phối hợp nhân sự cách hữu hiệu trong công việc chung. Công tác đào tạo các kỹ năng kỹ thuật là cần thiết; nhưng quan trọng hơn cả là việc đào tạo tâm linh và đạo đức, vì thế những người có trách nhiệm cần đặc biệt chú ý đến việc huấn luyện về linh đạo, các giá trị và tiêu chuẩn luân lý liên quan đến công việc chuyên môn của người làm công tác truyền thông.

Ủy Ban Truyền thông Xã hội cấp quốc gia hoặc các giáo phận cũng như các vị lãnh đạo trong Giáo Hội và các Dòng tu cần phải nắm bắt những thông tin của các khóa học khác nhau về truyền thông xã hội tại Việt Nam và nước ngoài để giới thiệu và khuyến khích việc gửi các thành viên tham dự. Cần có các chương trình giảng dạy thường xuyên về Thần Học và Mục Vụ Truyền Thông cũng như Các Kỹ Năng Truyền Thông Xã Hội trong các Chủng viện, Học viện Thần học, các Trung Tâm Mục Vụ… để hình thành các linh mục, tu sĩ và những anh chị em giáo dân có chuyên môn trong lãnh vực này.

Trong tình hình Việt Nam hiện nay, chứng tá đời sống vẫn là phương cách truyền thông quan trọng nhất. Thư Chung Năm 2000 của HĐGMVN nói: “Vì Đức Giêsu tự đồng hoá mình với những người đói, người nghèo, người tàn tật, người bị bỏ rơi (x. Mt 25:31-46), chúng ta hãy dấn thân phục vụ hiệu quả cho những người nghèo khổ…Những việc phục vụ này không chỉ phát xuất từ lòng trắc ẩn tự nhiên của con người, nhưng còn từ đức ái sâu xa của người Kitô hữu (x. Rm 13:8), vì mỗi lần chúng ta làm việc đó là chúng ta làm cho chính Chúa Kitô (x. Mt 25:40).”[38] Bằng tình yêu phục vụ nhằm làm vơi đi những đau khổ của dân chúng, người Kitô hữu Việt Nam loan báo đức tin của mình và truyền thông cho dân chúng tình thương của Đức Giêsu. Ngày nay, nhiều linh mục, tu sĩ và giáo dân đang hiện diện trong các trại cùi, cô nhi viện, các trung tâm dành cho các nạn nhân HIV và người khuyết tật, các cơ sở từ thiện, và dấn thân trong các công cuộc xã hội, đem lại rất nhiều những cuộc trở lại đầy cảm động.

4. Một số đề nghị cụ thể

– Hợp tác và nối mạng

Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Á Châu Ecclesia In Asia nêu rõ: “Xét vì ảnh hưởng sâu rộng và kỳ diệu của truyền thông xã hội, nên những người Công giáo cần làm việc với các thành viên của các Giáo Hội và Cộng Đồng Giáo Hội khác, và với những người theo các tôn giáo khác, để bảo đảm một chỗ đứng cho các giá trị thiêng liêng và luân lý trong các phương tiện truyền thông”.[39] Việc nối mạng ở tất cả các cấp trong Giáo Hội có thể giúp mở rộng các nguồn tài nguyên sẵn có, trao đổi các thông tin cần thiết, thu thập và huy động sức mạnh tập thể, tổ chức các hoạt động chung với nhau. Cần cập nhật thường xuyên nội dung của các chương trình đào tạo và có các hình thức khác nhau để chuyển tải các giáo huấn về Truyền thông Xã hội của Giáo Hội toàn cầu cũng như Giáo Hội tại Á Châu và Việt Nam đến mọi người. Nên tổ chức các diễn đàn để trao đổi thông tin, gia tăng hiểu biết cho những người làm việc trong lãnh vực này. Tất cả các chương trình đào tạo về truyền thông phải xem xét đến việc trưởng thành tâm linh và đạo đức trong truyền thông. Rất nhiều nguồn thông tin hôm nay phải được chọn lọc, phân loại và giới thiệu cách hợp lý để tạo thành một mạng lưới các thông tin tốt. Thiếu sự phối hợp trong truyền thông, tiếng nói của Giáo Hội sẽ bị mất đi trong xã hội ồn ào này.

– Đề cao các phương tiện truyền thông truyền thống và kết hợp thích đáng với các phương tiện truyền thông hiện đại

Tại các nước Á Châu đều có nhiều loại nghệ thuật dân gian, nghệ thuật biểu diễn, khiêu vũ, âm nhạc và kịch nghệ với những nét đặc trưng riêng… Vì thế, tất cả các hình thức truyền thống của việc truyền thông Tin Mừng có trong nền văn hóa dân tộc phải được xem xét và được sử dụng cho công cuộc Loan báo Tin Mừng. Tại Việt Nam chúng ta đã có hoạt động giảng dạy giáo lý và các chương trình huấn luyện với các dụng cụ nghe nhìn từ đơn giản đến hiện đại như viết bảng, minh hoạ bằng hình ảnh và chuyện kể, sử dụng phim ảnh, đèn chiếu hoặc projector với các PowerPoint, các chương trình tham quan học hỏi, du khảo, hành hương, việc tổ chức diễn nguyện, các hoạt động sân khấu, kịch nghệ, thơ ca, tổ chức thi viết truyện ngắn, hội họa điêu khắc và nhiếp ảnh Công giáo, các diễn đàn trên mạng internet… Cũng cần có sự hợp tác của tất cả các thành phần trong Giáo Hội cùng với những người thiện chí và các nhà truyền thông không Công giáo. Việc tổ chức các lễ hội Công Giáo và các cuộc triển lãm về đời sống và các hoạt động xã hội của Giáo Hội cũng có thể là cơ hội khởi đầu cho các tương quan với người ngoài Kitô giáo…

– Giúp biện biệt các giá trị luân lý – đạo đức

Hiện nay trong phạm vi quốc gia lẫn quốc tế đang tràn ngập một số lượng khổng lồ các phương tiện truyền thông đủ loại, tốt xấu lẫn lộn, đang cố tranh giành ảnh hưởng: các sách báo tạp chí xuất bản định kỳ, các chương trình truyền thanh truyền hình, các loại phim ảnh, video, truyền thông điện tử hoặc kỹ thuật số qua vệ tinh và nhất là mạng internet... trong số đó có rất nhiều những nội dung xuyên tạc bóp méo sự thật, đồi bại khiêu dâm, hoặc cổ võ bạo lực hận thù. Chúng đang xói mòn các giá trị, hạ thấp phái tính, đả phá hôn nhân và đời sống gia đình, gây nên những tác dụng xấu xa và cô lập con người trong một thế giới ích kỷ, hận thù, tàn ác… Nhiều thứ tương quan “ảo”, các loại tội phạm mới và các hình thức nghiện ngập mới của thời đại thông tin liên mạng đang gây ra những xáo trộn lớn lao cho gia đình và xã hội.[40] Vấn đề chính vẫn là sự hiểu biết đúng đắn, ý thức và chọn lựa của con người. Giáo Hội nhìn nhận rằng các phương tiện truyền thông không phải là những sức mạnh mù quáng của tự nhiên nằm ngoài tầm kiểm soát của con người. Vì cho dù mạng Internet có đưa tới những hậu quả ngoài ý muốn, nhưng chính con người vẫn có quyền lựa chọn sử dụng mạng vào các mục đích và phương cách tốt hay xấu. Những lựa chọn đó chính là trọng tâm của vấn đề luân lý đạo đức trong truyền thông, được thực hiện không phải chỉ do những người tiếp nhận thông tin - những khán giả, thính giả, độc giả - mà đặc biệt do những người kiểm soát các phương tiện truyền thông xã hội và ấn định cơ chế, chính sách, nội dung của việc truyền thông.[41]

– Quan tâm đến giới trẻ

Người trẻ là tương lai của xã hội và Giáo Hội. Sự trưởng thành của người trẻ trong thế giới toàn cầu hoá hôm nay liên hệ chặt chẽ với những công nghệ kỹ thuật truyền thông mới mẻ. Trong sứ điệp của Ngày Quốc Tế Truyền Thông lần thou 43, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nghĩ đến những người thuộc về thế hệ “kỹ thuật số” này, và đánh giá cao tiềm năng phi thường của những công nghệ kỹ thuật mới khi chúng được sử dụng để tạo điều kiện cho sự hiểu biết và liên đới của con người. Ngài nói: “Nhiều thuận lợi phát sinh từ nền văn hóa truyền thông mới mẻ này: các gia đình có thể giữ liên lạc cho dù bị chia ly bởi những khoảng cách lớn, các sinh viên và các nhà nghiên cứu có thể tiếp cận dễ dàng và trực tiếp với các tài liệu, với các nguồn và với những khám phá khoa học và do đó, có thể làm việc theo nhóm từ những nơi khác nhau; vả lại, bản chất tương tác của các phương tiện truyền thông mới tạo điều kiện dễ dàng cho những hình thức học tập và giao tiếp năng động hơn, đóng góp vào sự tiến bộ của xã hội”.[42] Tuy nhiên, cũng do ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông xấu, rất nhiều người trẻ đang gặp khủng hoảng niềm tin hoặc bị lôi kéo vào lối sống hưởng thụ duy vật. Hướng đến tương lai trong một xã hội toàn cầu hoá đầy phức tạp, với bối cảnh đa nguyên của các nền văn hóa và tôn giáo, giới trẻ cần có sự đồng hành, hỗ trợ và hướng dẫn của Giáo Hội. ĐTC thấy rõ rằng bổn phận phúc âm hóa “châu lục kỹ thuật số” này thuộc về họ. Ngài mời gọi họ: “Các con hãy biết gánh lấy cách nhiệt tình việc loan báo Tin Mừng cho những người đương thời với các con! Các con biết sự sợ hãi và hy vọng của họ, sự nhiệt tình và thất vọng của họ: hồng ân cao quý nhất mà các con có thể làm cho họ là chia sẻ với họ “Tin Mừng” về một Thiên Chúa đã làm người, đã đau khổ, đã chết và đã phục sinh để cứu rỗi nhân loại”.[43]

KẾT LUẬN

Nhìn lại những biến cố đổi thay của nhiều thời điểm khác nhau trong đời sống của Giáo Hội, mỗi người chúng ta có thể cảm nhận được sự đổi thay của dòng lịch sử, sự tiến triển và cả những thách đố thăng trầm trong việc loan báo Tin Mừng qua các hoạt động truyền thông. Chúng ta kinh nghiệm nỗi vui mừng phấn khởi vì bao thành công rực rỡ trên mỗi bước đường, và cả những thất bại lớn lao bởi nhiều lý do nhất định của cuộc sống và thời thế… Từ những dòng lịch sử liên quan đến lãnh vực Truyền thông Công Giáo nhằm phục vụ cho công cuộc Loan báo Tin mừng tại Việt Nam, chúng ta rút ra nhiều bài học quý giá, và tri ân cảm tạ Thiên Chúa vì Người luôn đồng hành, nâng đỡ và soi sáng cho bao sáng kiến tốt đẹp, giúp Tin Mừng đi đến với mọi người trên quê hương thân yêu.

Trong Sứ điệp Ngày Quốc Tế Truyền Thông năm 2009, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đề cao sự tôn trọng phẩm giá và giá trị của nhân vị: “Nếu các công nghệ kỹ thuật mới phải phục vụ cho thiện ích của các cá nhân và xã hội, thì những người sử dụng chúng phải tránh sự chia sẻ những lời nói và hình ảnh làm mất phẩm giá con người, và như thế loại trừ những gì đang nuôi dưỡng lòng hận thù và sự bất bao dung, những gì làm giảm giá vẻ đẹp và sự sâu kín của giới tính con người, những gì khai thác những người yếu đuối và những người dễ bị thương tổn.”[44] Truyền thông xã hội phải đề cao sự thật, tình liên đới, sự tương trợ, công lý hoà bình và tinh thần trách nhiệm cao. Không chỉ những nhà truyền thông mới là những người chịu trách nhiệm về luân lý đạo đức, nhưng những người tiếp nhận truyền thông cũng có phần trách nhiệm của mình. Họ cũng phải biết lựa chọn các chương trình truyền thông theo tiêu chuẩn đạo đức lành mạnh, có trách nhiệm góp ý kiến hoặc tẩy chay những loại truyền thông vô luân.

Riêng Sứ điệp Ngày Quốc Tế Truyền Thông năm 2010, năm Giáo Hội cử hành Năm thánh Linh Mục, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đặc biệt kêu gọi các linh mục hãy sử dụng các phương tiện kỹ thuật truyền thông hiện đại nhất nhằm phục vụ Lời Chúa, loan báo Tin Mừng, và giúp cho mọi người khám phá khuôn mặt Đức Kitô. Sứ điệp này nhấn mạnh đến lãnh vực mục vụ quan trọng và rất nhạy cảm, lãnh vực truyền thông kỹ thuật số, trong đó các linh mục có thể khám phá ra những khả năng mới mẻ để thực thi thừa tác vụ của mình. Chính sự bùng nổ tăng trưởng mới đây của các phương tiện truyền thông hiện đại và ảnh hưởng xã hội lớn lao của chúng đã làm cho chúng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, và có khả năng giúp cho thừa tác vụ linh mục sinh nhiều hoa trái. Như vậy, các linh mục được thách đố loan báo Tin Mừng bằng cách sử dụng những tài nguyên nghe-nhìn thuộc thế hệ mới nhất, để cùng với những phương tiện truyền thống, có thể mở ra những triển vọng lớn lao mới mẻ cho việc đối thoại, phúc âm hoá và dạy giáo lý.

Trong Đề Cương Năm Thánh 2010, Ban Soạn Thảo cũng giúp mọi thành phần Dân Chúa nhìn lại thực tế Giáo Hội Việt Nam, và nhận định rằng do những điều kiện khách quan và chủ quan, lãnh vực truyền thông xã hội còn khá mới mẻ đối với Giáo Hội tại Việt Nam. Tuy nhiên, Giáo Hội cần đặc biệt quan tâm đến lãnh vực này vì các phương tiện truyền thông hiện đại có thể góp phần không nhỏ cho việc loan báo Tin Mừng, phổ biến những mẫu sống tốt lành, có tầm mức giáo dục đại chúng cao; đàng khác nhiều lạm dụng và những khai thác vô luân đã để lại nhiều tác hại trên tâm hồn nhiều người, cách riêng là giới trẻ...[45] Giáo Hội Việt Nam thấy cần phải đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động trong lãnh vực này. Giáo Hội phải làm cho tiếng nói Chân Lý đến với mọi người, và để tình Bác Ái của Đạo Thánh Chúa luôn là linh hồn của công cuộc rao giảng Chân Lý Phúc Âm. [46]

Với biến cố cử hành 50 năm Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, một kỷ nguyên mới trong Giáo Hội tại Việt Nam đang bắt đầu. Những kinh nghiệm và hướng dẫn rõ ràng của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu về Truyền thông xã hội cũng như của GH toàn cầu có thể cung cấp một định hướng cần thiết giúp Giáo Hội tại Việt Nam đẩy mạnh hơn việc khai thác năng lực lớn lao của các phương tiện truyền thông cách sáng tạo và phù hợp với thực tế của mình. Với niềm tin tưởng sâu xa vào Thiên Chúa, là cội nguồn và nội dung đích thực của mọi sứ điệp truyền thông, Giáo Hội tại Việt Nam có thể hội nhập vào một giai đoạn mới trong lịch sử với sự tự tin, niềm hy vọng, và lòng biết ơn.    

Nữ tu Ngọc Lan, fmm - Năm Thánh GHVN 2010

–––––––––––––––––––––––––––––

[1] Xem Nguyễn Ngọc Sơn, Niên Giám Giáo Hội Công giáo Việt Nam, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2005, tr. 187-189 (Phần Lược sử Giáo Hội Công giáo Việt Nam).

[2] Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi, Roma, 1975, số 45.

[3] Karl Muller et al., eds., Dictionary of Mission: Theology, History, Perspective (Maryknoll, New York: Orbis Books, 1998), 73.

[4] Xem Eilers, Communicating in Community (2002), 38-40.

[5] Theo Wikipedia, từ điển bách khoa trên mạng tại http://en.wikipedia.org/wiki/Socialcommunications.

[6] HĐGMVN, Thư Chung Năm 1980: Rao giảng Tin Mừng giữa lòng Dân tộc, Hà Nội: HĐGMVN, 1980, 9-10.

[7] HĐGMVN, Thư Chung Năm 1980: Rao Giảng Tin Mừng giữa lòng Dân Tộc, số 7.

[8] HĐGMVN, Thư Chung Năm 2001: Để họ được sống và sống dồi dào, Hà Nội: HĐGMVN, 2001, III.22.

[9] Liên UBGM về Phụng Tự, Truyền Giáo, Văn Hóa, Thánh Nhạc & Nghệ Thuật Thánh, Kinh nghiệm Hội nhập Văn hóa trong nếp sống Kitô giáo tại Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh: UBVH, 2003, tr. 113-141.

[10] Liên UBGM, Kinh nghiệm Hội nhập Văn hóa trong nếp sống Kitô giáo tại Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh: UBVH, 2003, tr. 123-124.

[11] Xem Liên UBGM, Kinh nghiệm Hội nhập Văn hóa trong nếp sống Kitô giáo tại Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh: UBVH, 2003, tr. 129-130.

[12] Xem Lê Đình Bảng, Hành Trình 100 Năm Báo Chí Công Giáo Việt Nam, Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2009, tr.33.

[13] Xem Lê Đình Bảng, Bài tóm “Hành Trình 100 Năm Báo Chí Công Giáo Việt Nam”.

[14] Xem Nguyễn Ngọc Sơn, Bài viết “Vài Nét Về Hiện Trạng Truyền Thông Xã Hội Tại Việt Nam” (10/2006), Sđd tr. 451-453.

[15] Xem bài của Lê Đình Bảng, Công Giáo và Dân tộc số 862 (21-6-1992).

[16] Xem Nguyễn Ngọc Sơn, Bài viết “Vài Nét Về Hiện Trạng Truyền Thông Xã Hội Tại Việt Nam” (10/2006), Sđd tr. 454.

[17] Xem Nguyễn Ngọc Sơn, Báo Hiệp Thông (Bản tin của HĐGMVN) số 29-30, tháng 5 & 7 năm 2005, trang 285 - 303.

[18] X. Lê Đình Bảng, Hành Trình 100 Năm Báo Chí Công Giáo Việt Nam, Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2009, tr.33.

[19] Theo thông tin từ trang web : www.rveritas-asia.org

[20] Gioan Phaolô II, Ecclesia In Asia, Số 48.

[21] Theo thông tin từ trang web: www.vietvatican.net

[22] Xem bài viết của Nữ tu Mai Thành “Tiến Trình Phát Triển Ngành Truyền Thông Điện Tử”, 2009.

[23] Phần này dựa trên các tài liệu của Dòng Tên.

[24] Xem bài viết của Nữ tu Mai Thành “Tiến Trình Phát Triển Ngành Truyền Thông Điện Tử”, 2009.

[25] Xem Nguyễn Ngọc Sơn, Bài viết “Vài Nét Về Hiện Trạng Truyền Thông Xã Hội Tại Việt Nam” (10/2006), Sđd tr. 458-459.

[26] Xem Hội Đồng Toà Thánh về Truyền Thông Xã Hội, Đạo Đức trong Internet, Roma, 2002, Số 6, 18; Giáo Hội và Internet, Roma, 2002, Số 1, 5, 12.

[27] Xem thêm Vũ Thanh, “Bàn về Văn Hóa Internet”, Maranatha 96 (tháng 7/2007), để thấy rõ hơn những giá trị và nhiều cạm bẫy của internet.

[28] Xem Hội Đồng Toà Thánh về Truyền Thông Xã Hội, Giáo Hội và Internet, Roma, 2002, Số 5.

[29] Xem Hội Đồng Toà Thánh về Truyền Thông Xã Hội, Đạo Đức trong Internet, Roma, 2002, Số 1-6.

[30] Xem Hội Đồng Toà Thánh về Truyền Thông Xã Hội, Đạo Đức trong Internet, Roma, 2002, Số 1.

[31] Xem Hội Đồng Toà Thánh về Truyền Thông Xã Hội, Communio et Progressio, Roma, 1971, Số 10-11.

[32] Xem Hội Đồng Toà Thánh về Truyền Thông Xã Hội, Đạo Đức trong Internet, Roma, 2002, Số 6, 18; Giáo Hội và Internet, Roma, 2002, Số 1, 5, 12.

[33] Gioan Phaolô II, Sự Phát Triển Nhanh Chóng, Roma, 2005, số 8.

[34] Gioan Phaolô II, Ecclesia In Asia, New Delhi, 1999, Số 5.

[35] FABC - 11th Bishop Meet, Việc Quản Trị Truyền Thông đối với các Hội Đồng Giám Mục, Rizal, Philippines, 2006, số 1.

[36] Xem Franz-Josef Eilers, (Ed.), Communicating in Ministry and Mission. Manila: Logos Publications, 2009, tr. 202.

[37] HĐGMVN, Thư Chung Năm 2001, số 16.

[38] HĐGMVN, Thư Chung Năm 2000, 11.

[39] Gioan Phaolô II, Ecclesia In Asia, New Delhi, 1999, Số 48.

[40] Xem Ngọc Lan, “Luân Lý Mạng”, Báo Hiệp Thông (Bản tin của HĐGMVN) số 51, 2008 và số 52, 2009.

[41] Xem Hội Đồng Toà Thánh về Truyền Thông XH, Đạo Đức trong Truyền Thông, Roma, 2002, Số 1.

[42] Bênêđictô XVI, Sứ điệp Ngày Quốc Tế Truyền Thông lần thứ 43, năm 2009.

[43] Như trên, phần cuối.

[44] Bênêđictô XVI, “Các kỹ thuật công nghệ mới, các tương quan mới. Khuyến khích một nền văn hóa tôn trọng, đối thoại, tình bạn”, Sứ điệp Ngày Quốc Tế Truyền Thông lần thứ 43, năm 2009.

[45] Xem Đề Cương Giáo Hội tại Việt Nam, Ban Soạn Thảo Năm Thánh 2010, số 48 (http://hdgmvietnam.org).

[46] Xem Bản tin số 2, Hội Nghị Kỳ I – 2009 của HĐGMVN (http://hdgmvietnam.org/News.aspx?Type=8& Act= Detail&ID=182&CateID=63).

 

 


Giáo Hội Công Giáo Việt Nam