PHƯƠNG HƯỚNG CỨU TRỢ NẠN NHÂN VÀ TÁI THIẾT CÁC VÙNG BÃO LỤT

      

Đứng trước những thiệt hại lớn lao về cả vật chất lẫn tinh thần do cơn bão số 7 (Damrey) gây nên, Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGM VN) và Uỷ ban Bác ái Xã hội (UB BAXH) thuộc HĐGM VN ý thức về khả năng có hạn của mình nên đã kêu gọi cộng đồng Công giáo hoà nhập với cả nước và cộng đồng quốc tế, nhằm tìm ra những phương hướng để cứu trợ kịp thời các nạn nhân và phục hồi nhanh chóng các vùng bị bão lụt.

1. Tổng kết các thiệt hại.

Theo tổng kết của Ban Chỉ đạo Phòng chống Bão lụt Trung ương, thiệt hại về vật chất do cơn bão số 7 lên tới 3.393 tỷ đồng: chủ yếu do nhà cửa bị đổ, đường xá bị phá hỏng, hoa màu hư hại, các ao đầm nuôi thuỷ sản bị vỡ (x. Báo Tuổi Trẻ, ngày 3-10-2005, tr.1).

 Những căn nhà bị ngập nước, đổ nát ở Họ Đồng Đinh, xứ Vô Hốt, huyện Nho Quan, Ninh Bình. (hình số 1)

       Hơn 84.000 căn nhà bị đổ, trôi, ngập, hư hại; hơn 2.000 phòng học, trạm xá, bệnh viện bị hư hại hay đổ sập; hơn 300.000 hecta lúa, hoa màu bị ngập; hơn 250.000 m3 đất đá, đường giao thông bị sạt lở; trên 21.000 hecta hộ ao nuôi trồng thuỷ sản bị vỡ (x. Báo Tuổi Trẻ, ngày 1-10-2005, tr.7).

Lũ quét ở huyện Văn Chấn, Yên Bái thiệt hại khoảng 96 tỷ đồng (x. Báo Tuổi Trẻ, ngày 3-10-2005, tr.1). Lũ quét sáng ngày 5-10 ở các sông Bình Thuận cũng làm nhiều nhà cửa, hoa màu bị ngập. Lũ ở đồng bằng sông Cửu Long năm nay cũng đã làm cho 3.907 căn nhà bị ngập, 251 km tỉnh lộ, lộ nông thôn bị ngập, hư hỏng (x. Báo tuổi Trẻ, ngày 6-10-2005, tr.3).

Số người chết trong các thiên tai này, tuy không nhiều nhưng cũng đáng chúng ta phải chú trọng đề phòng, nhất là do lũ quét: 61 người chết do cơn bão số 7 gồm 51 người ở Yên Bái, 2 người ở Hoà Bình, 2 người tại Lào Cai, 3 người tại Phú Thọ, 3 người tại Nghệ An (x. Báo Tuổi Trẻ, ngày 1-10-2005, tr.7). Lũ ở đồng bằng sông Cửu Long đã làm cho 34 người chết đuối, đa số là các trẻ em, do gia đình bất cẩn (x. Báo Tuổi Trẻ, ngày 6-10-2005, tr.1)

2. Hướng cứu trợ và phục hồi.

2.1. Cứu  trợ hiệu quả

Đứng trước những thiệt hại nặng nề, chính quyền địa phương và trung ương đã cố gắng cứu trợ kịp thời các nạn nhân, nhất là những gia đình neo đơn, nghèo khổ để không ai bị chết đói. Trong những ngày mưa bão, không có điện, nước, các dân vùng biển đã được phát mì gói để ăn: có nơi được 4 gói/người, có nơi 3 gói/người. Nhưng với số dân hàng chục ngàn người mỗi xã, có nơi hàng trăm ngàn người mỗi huyện, số mì gói không thể nào kiếm được ngay, nên có những người dân địa phương đã bị đói. Chính tinh thần “lá lành đùm lá rách” đã khiến cho những người dân biết chia xẻ cơm bánh cho nhau. Trong tinh thần đó UB BAXH/HĐGM VN đã dốc hết quỹ cứu trợ để kịp thời đem đến cho các vùng bão hơn 100 tấn gạo.

Ngày 4-10-2005, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký quyết định số 1053/QĐ-TTg để xuất 3.070 tấn gạo dự trữ quốc gia cho các tỉnh sau: Thanh Hoá 1.380 tấn, Nam Định 850 tấn, Hải Phòng 420 tấn, Ninh Bình 120 tấn, Yên Bái 120 tấn, Phú Thọ 90 tấn, Nghệ An 30 tấn, Hà Tĩnh 30 tấn (x. Báo Tuổi Trẻ, ngày 5-10-2005, tr.1). Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chính quyền địa phương có thực hiện đúng để đưa số gạo này đến tận tay dân nghèo, người đói hay lại bị “thất thoát” như đã từng xảy ra trong các đợt thiên tai trước đây, mà báo chí đã nhiều lần nhắc đến.

Hơn nữa khi đoàn chúng tôi đến thăm các nơi bị lũ lụt, chúng tôi có gửi một số gạo cứu trợ và đề nghị các vị có trách nhiệm không phân biệt đối xử giữa những người có đạo hay không có đạo, nhưng tất cả cần được cứu giúp như nhau, dù rằng trong một số vùng người Công giáo không được giúp đỡ như những người khác.

Để cứu trợ hiệu quả có lẽ cũng cần phân loại các nạn nhân: có những người đói thật sự cần gạo như những nông dân hoàn toàn mất trắng mùa màng, những người làm thuê, làm mướn trong các vùng nuôi trồng thuỷ sản, nhưng cũng có những người chẳng đói khổ gì vì họ là những người chủ của các ao tôm, vuông cua có giá trị hàng chục - hàng trăm triệu đồng. Họ ở các thị xã, thành phố, có tài sản,  nhưng có khi lại được cấp phát nhiều hơn do quen thân với chính quyền địa phương. Con ma tham nhũng vẫn đe doạ ngay cả trong cơn hoạn nạn và các việc làm có vẻ hoàn toàn tốt đẹp này. Chúng tôi nói lên điều này để kêu gọi công lý cho những con người thật sự đói khổ chứ không có ý bôi nhọ chính quyền. Nếu được cứu trợ hiệu quả trong tinh thần lá lành đùm lá rách của tình nghĩa đồng bào, chúng ta sẽ có thể biến những tang thương này thành một dịp tốt để đoàn kết toàn dân tộc, chẳng phân biệt lương giáo - giàu nghèo.

Hơn nữa công cuộc cứu đói này không chỉ nhất thời với dăm ngày vài tuần, mà đối với một số người có thể kéo dài hàng năm vì một khi đồng ruộng nhiễm mặn, mất mùa liên tiếp sẽ xảy ra. Thế nên, địa phương lại cần phải phân loại kỹ càng hơn các mức độ thiệt hại, chứ không thể cấp phát bình quân theo đầu người trong danh sách như một vài nơi đang làm. Chúng tôi lưu ý điều này đối với các nhân viên xã hội của giáo phận và giáo xứ.

2.2. Phục hồi nhanh chóng.

Để phục hồi các địa phương bị thiệt hại, Thủ tướng Phan Văn Khải đã quyết định trích 284 tỷ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng Trung ương để hỗ trợ các công tác khắc phục thiệt hại như hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, xử lý môi trường, khôi phục sản xuất… Cụ thể chia ra như sau: Nam Định 80 tỷ, Thanh Hoá 55 tỷ, Hải Phòng 30 tỷ, Yên Bái 20 tỷ, các tỉnh khác như Quảng Ninh, Thái Bình, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lào Cai, Phú Thọ, Bắc Cạn, Bắc Giang, Hoà Bình từ 3-15 tỷ. Bộ giao thông vận tải cũng được hỗ trợ 10 tỷ đồng để khắc phục các tuyến quốc lộ bị sạt lở do bão lụt gây ra (x. Báo Tuổi Trẻ, ngày 5-10-2005, tr. 13). Chúng tôi cầu mong cho số tiền lớn lao này được phân phối công bình cho những người bị nạn.

Những đoạn đê hàn gắn sơ sài bằng, những bao cát kiểu này có chịu nổi, trước những cơn bão sắp tới không?  (hình số 2)

 

Ngoài những thiệt hại vật chất, đợt bão lụt lần này có thể gây ra những biến động về dân số, đặc biệt nhất là tại các vùng quê nghèo của giáo phận Bùi Chu, Thanh Hoá. Chúng ta đã thấy trong những năm gần đây, số người bỏ vùng quê lên tỉnh hoặc di dân tạm thời đến các thành phố lớn như: Hà Nội, Tp. HCM và các tỉnh phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai rất lớn. Nhiều xứ đạo vắng bóng thanh niên nên các sinh hoạt giáo lý, ca đoàn bị ảnh hưởng. Nay với cơn bão này, đồng ruộng nhiễm mặn phải mất từ 4 đến 5 năm mới hồi phục bằng lượng nước ngọt rửa mặn tự nhiên, như  thế người nông dân thường để hoang hoá. Thanh niên sẽ thất nghiệp, bỏ làng quê đi xa. Muốn giữ chân họ lại thì phải phục hồi nhanh chóng đồng ruộng bằng nhiều phương pháp, cụ thể là dùng hoá chất, nhưng phương cách này đòi hỏi chi phí rất lớn, nếu không có sự trợ giúp của chính phủ hay các tổ chức quốc tế thì người nông dân nghèo nơi đây không thể thực hiện được.

Chúng tôi cũng đã nghĩ đến việc trang bị những kiến thức và nghề nghiệp cho những người nông dân để họ ổn định đời sống tại chỗ. Tuy nhiên, những vùng như Bùi Chu, Thanh Hoá hầu như không có nhà máy hay xí nghiệp để thu hút công nhân. Hơn nữa người dân địa phương không quen làm nghề phụ như đan chiếu cói, làm nghề thủ công như dân cư ở vùng Phát Diệm. Bài toán phục hồi kinh tế này đòi hỏi một sự nỗ lực lớn lao của chính quyền và của người dân địa phương như  khuyến khích việc nuôi trồng thuỷ sản ở vùng gần biển và đào tạo các nghề phụ theo dạng thủ công mỹ nghệ. Các linh mục, tu sĩ, giáo lý viên có thể trở thành những người cổ vũ cho các chương trình này để giúp người dân thăng tiến đời sống và phát triển cộng đồng thay vì dồn hết công của sức lực xây dựng những ngôi nhà thờ họ, chỉ cách nhà thờ chính vài trăm mét như một số xứ đạo ở vùng này.

Con đê ngăn biển ở xứ Đa Phạn, xã Hải Lộc, Thanh Hoá đang chờ được sửa sang

thì hàng trăm ngàn người dân mới sống an vui. (hình số 3)

        Chúng tôi cũng nghĩ đến việc trang bị những kiến thức và nghề nghiệp cho những người muốn di cư lập nghiệp ở những vùng đất mới. Các địa phương, cụ thể là các giáo xứ, họ đạo có thể phối hợp với các giáo phận để chuẩn bị cho các người muốn di dân biết những thách đố họ phải đương đầu cũng như nguy hiểm họ phải tránh né khi vào các đô thị lớn, nhất là các thiếu nữ, để họ tránh được tình trạng bóc lột và lạm dụng, kể cả lạm dụng tình dục.

3. Giáo hội Việt Nam có thể làm gì cho các nạn nhân bão lụt.

Dù với những phương tiện nhỏ bé nhưng HĐGM VN, qua UB BAXH, đã kêu gọi mọi người cùng cộng tác giúp đỡ các nạn nhân bão lụt theo 3 cấp độ sau:

3.1. Cứu trợ khẩn cấp.

HĐGM VN đã trích hết quỹ Thứ Sáu Tuần Thánh do các tín hữu trong nước đóng góp để cứu trợ ngay những người gặp thiên tai, trong cũng như ngoài nước, nhằm nói lên tinh thần hiệp thông và liên đới. Trong tháng vừa qua HĐGM VN đã cứu trợ nạn nhân của cơn bão Katrina, ở Hoa Kỳ số tiền là 30.000 USD, lũ quét ở Buôn Ma Thuột 100 triệu đồng và hơn 100 tấn gạo (trị giá 420 triệu) cho 5 giáo phận: Bùi Chu, Phát Diệm, Thanh Hoá, Hải Phòng, Hưng Hoá. Tổng cộng là 1 tỷ đồng. Chắc chắn sẽ còn những thiên tai cũng như nhiều nạn nhân cần cứu giúp ở đồng bằng sông Cửu Long, Bình Thuận hay ở Miền Trung trong những tháng tới theo dự báo hàng năm. Chúng ta hy vọng nhiều nhà hảo tâm sẽ đóng góp cho quỹ cứu trợ này.

UB BAXH khẩn thiết xin các Ban Bác ái Xã hội giáo phận hãy cứu giúp các nạn nhân với tinh thần quảng đại, không phân biệt lương giáo và chọn đúng đối tượng, là những người thật sự nghèo khổ nhân danh tình đồng bào và tình yêu Chúa Kitô để công việc cứu trợ đạt hiệu quả cao nhất. Uỷ ban cũng xin Hội đồng Mục vụ Giáo xứ quan tâm đặc biệt đến những hộ đói nghèo cần được cứu trợ lâu dài.

3.2. Giúp đỡ phục hồi

Đợt lạc quyên trên toàn quốc trong tháng 10-2005 và sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế, nếu có, sẽ được dùng để giúp đỡ các nạn nhân phục hồi đời sống. Việc này nhằm vào các công tác sau:

- Cấp phát những vật dụng cần thiết cho cuộc sống: quần áo, chăn mền, thuốc men…

- Hỗ trợ mua sắm một vài phương tiện sản xuất trực tiếp: cày, cuốc, cây giống, con giống, lưới, thuyền đánh cá nhỏ…

- Hỗ trợ xây dựng một số công trình cần thiết: nhà thờ, nhà xứ, trường học, bệnh viện, trạm xá… bị thiệt hại vì bão lụt.

Các bạn giáo lý viên của xứ Phúc Địa, xã Quảng Phú, Thọ Xuân, Ninh Bình.

Ai trong số họ sẽ bỏ xứ ra đi khi đồng mía, ruộng lúa không còn? (hình số 4)

       - Hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cửa cho những hộ nghèo khổ, neo đơn.

UB BAXH ước mong Ban BAXH giáo phận phối hợp với nhiều Uỷ viên xã hội của Hội đồng Mục vụ Giáo xứ làm các dự án, lập danh sách các nạn nhân với mức độ thiệt hại một cách chi tiết để hỗ trợ cho bước thứ 2 này.

3.3. Hỗ trợ tái thiết và phát triển

Sự đóng góp từ cuộc lạc quyên và sự giúp đỡ của các tổ chức từ thiện nước ngoài gửi đến HĐGM VN, nếu có, sẽ được chi dùng cho công tác tái thiết và phát triển bao gồm:

- Đào tạo các nhân viên xã hội cho các giáo phận để các người này truyền đạt lại cho dân chúng địa phương ý thức về thăng tiến cá nhân, phát triển cộng đồng, chuẩn bị cho những người di dân kiến thức về đời sống mới, vay vốn tín dụng …

- Hỗ trợ việc đào tạo tay nghề tại các địa phương để nuôi trồng thuỷ sản, chăn nuôi, làm thủ công mỹ nghệ…

- Hỗ trợ việc đào tạo tay nghề cho người muốn di dân đến các khu công nghiệp hay vào các thành phố lớn bằng cách phối hợp với các tổ chức dạy nghề để hỗ trợ học phí, tìm chỗ ăn ở an toàn cho các bạn trẻ, nhất là thiếu nữ. Theo ước tính, nếu 1 người được hỗ trợ học phí + sinh hoạt phí khoảng 20USD/1 tháng và học trong 6 tháng thì tốn khoảng 120USD/người với các ngành như: điện công nghiệp, điện lạnh, điện dân dụng, may công nghiệp… thì họ có thể được giới thiệu cho các công ty hoặc xí nghiệp. Tuy nhiên, đây là một công trình lớn cần sự cộng tác của nhiều người và các tổ chức quốc tế. Giáo phận hay giáo xứ có thể lên danh sách những người muốn di cư thật sự thành một dự án 50 hay 100 người để xin trợ cấp.

- Hỗ trợ việc khử mặn nơi các đồng ruộng để phục hồi nhanh chóng việc sản xuất cho người nông dân như một biện pháp giữ chân họ ở lại để canh tác, hạn chế tình trạng hoang hoá. Công trình này đòi hỏi nguồn tài chính lớn lao.

- UB BAXH trung ương sẽ phối hợp với Ban BAXH giáo phận thực hiện 1 cuốn cẩm nang cho người di dân.

- Hỗ trợ các buổi sinh hoạt gặp gỡ các nhóm di dân đồng hương, đồng giáo phận hoặc cùng ngành nghề tại các giáo xứ nơi họ đến ở, để tạo sự liên đới qua việc tham vấn tâm lý, trao đổi hay tạo sân chơi giải trí (xem phim, xem sách báo…) cho các người di dân để họ tránh xa và khỏi rơi vào các tệ nạn xã hội như : cờ bạc, nghiện rượu, nghiện ma tuý, mãi dâm… Công việc này rất cần sự liên kết giữa các linh mục, tu sĩ ở các xứ đạo nơi có nhiều người di dân nhập cư như cho mượn các phòng sinh hoạt tại xứ đạo để các tình nguyện viên thuộc UB BAXH đến sinh hoạt với các bạn trẻ.

- Hỗ trợ những người di dân gặp khó khăn như không có việc làm, gặp tai nạn nghề nghiệp, bị hoang thai…

 Đứng bên bờ đê hư hại những con ngưòi vẫn hướng về tương lai và mỉm cười với cuộc sống.

(hình số 5)

      

Kính thưa Quý Đức cha và Quý vị,

Trên đây là bản tường trình tổng quát và tạm thời của Đoàn chúng con sau khi gặp gỡ và bàn thảo với các giáo phận bị bão lụt để đề ra một vài đường hướng cứu trợ và tái thiết. Chúng con sẽ cố gắng nghiên cứu sâu xa hơn để biến thành những hoạt động cụ thể nhằm trợ giúp và mưu ích cho các nạn nhân.

Kính chúc Quý Đức cha và Quý vị luôn an mạnh, tràn đầy ơn Chúa và cũng xin cầu nguyện cho chúng con.

Kính thư,

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Tổng Thư ký UB BAXH

(Trích Bản Tin Công Giáo Việt Nam, ngày 12-10-2005)

 

Giáo Hội Công Giáo Việt Nam