TOÀ GIÁM MỤC MỸ THO
32. Hùng Vương - Phường 7
TP. Mỹ Tho - T. Tiền Giang
ÐT : 073. 873. 299

THƯ MỤC VỤ MÙA VỌNG
Kính gởi : Quý Cha, Quý Nam Nữ Tu Sĩ
Và toàn thể anh chị em giáo dân.


 

Chúng ta đang bước vào Mùa Vọng Năm Thánh Cứu Ðộ 2000, mặc dù còn bận tâm với cuộc sống sau lũ lụt, tôi tin chắc anh chị em vẫn sẵn sàng nghe tiếng nói của vị Chủ Chăn Giáo Phận, để sống đạo thật sốt sắng trong Mùa Vọng.

Theo Phụng Vụ của Giáo Hội, Mùa Vọng là Mùa Chờ Ðợi, Mùa Trông Cậy. Chúng ta chờ đợi Chúa đến. Chúa đã đến cách đây 2000 năm khi sinh ra tại Bêlem. Ngày nay Chúa không ngừng đến với chúng ta trong các mầu nhiệm Giáo Hội cử hành, đặc biệt là Thánh Lễ. Nhưng chúng ta là những người lữ hành ở trần gian, nên vẫn còn phải chờ đợi Chúa đến để hoàn tất lịch sử cuộc đời của từng người và của toàn thể nhân loại. Các bài đọc Kinh Thánh trong Mùa Vọng không ngừng nhắc nhở rằng, trong khi chờ đợi Chúa, chúng ta phải tỉnh thức và cầu nguyện, kẻo ngủ quên và không gặp được Chúa. Tỉnh thức và cầu nguyện là hai chủ đề chính của Mùa Vọng. Chúng ta có thể coi đó như là khoa Tu Ðức học cho Mùa Vọng.

Tỉnh thức :

Khi nói đến tỉnh thức, Chúa Giêsu nhắc lại câu chuyện Ông Noe đóng tàu và cả nhà được cứu trong cơn lụt đại hồng thủy, trong khi mọi người khác đều phải chết vì không chuẩn bị gì cả ( Mt 24, 37 - 39 ). Như vậy tỉnh thức là gì, nếu không phải là chuẩn bị để gặp Chúa, chuẩn bị để được cứu?

Chuẩn bị là một thái độ, một hành vi cơ bản của con người đang hướng về tương lai. Chuẩn bị là chìa khóa cho thành đạt và tiến bộ. Người công giáo không những chuẩn bị cho tương lai gần, tương lai xa, mà con chuẩn bị cho Tương Lai Vĩnh Hằng.

Chúng ta không những chuẩn bị cho đời sống vật chất, như người nông dân chuẩn bị cho vụ lúa đông xuân sắp tới, nhưng còn chuẩn bị cho đời sống tinh thần, đời sống đức tin. Thánh Phaolô trong thư Rôma bảo: Ơn cứu rỗi của chúng ta đã gần đến.Ðêm sắp tàn, ngày gần đến. Chúng ta hãy từ bỏ những hành vi ám muội và mang lấy khí giới ánh sáng. Chúng ta hãy đi đứng đàng hoàng như giữa ban ngày, không ăn uống say sưa, không chơi bời dâm dảng, không tranh chấp ganh tị ( Rm 13, 11 - 13 ). Trong Tin Mừng Luca, Chúa Giêsu khuyên chúng ta: anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc ( Lc 21, 28 ).

Tỉnh thức còn có nghĩa là đề cao cảnh giác trước những kẻ thù bên trong cũng như bên ngoài, trước những cám dỗ làm điều ác, những âm mưu của thần dữ. Anh chị em hãy gìn giữ cho mình và cho con em, đừng để chúng đua đòi với bạn bè, mà sinh những tính hư tật xấu, hay tệ hơn , rơi vào những tệ đoan xã hội có thể làm hại cả cuộc đời.

Tỉnh thức còn có nghĩa là nhạy bén với các giá trị tinh thần, thiêng liêng. Nhạy bén đối với những điều Chúa dạy, nhạy bén đối với những khổ đau, những nhu cầu của nguời khác, để có thể liên đới gíúp đỡ họ. Nhạy bén với những vấn đề bức xúc của Giáo Hội và xã hội.

Mỗi một người chúng ta còn được trao phó tiếp nối sứ mạng yêu thương và phục vụ của Chúa Giêsu tại Á Châu, cụ thể là tại Việt Nam, Quê Hương của chúng ta. Vậy tỉnh thức còn có nghĩa là dấn thân phục vụ những người nghèo đói, khổ đau. Mùa Vọng đặc biệt hướng chúng ta về ngày Phán Xét của Chúa Kitô khi Ngài trở lại ( Mt 25, 31 - 46 ). Hãy sống thế nào, để ngày đó Chúa có thể vui vẻ nói với chúng ta: "Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han." ( c. 34 - 36 ).

Cầu nguyện:

Ðiều quan trọng thứ hai trong Tu Ðức Mùa Vọng là Cầu Nguyện. Có một định nghĩa rất hay và rất phù hợp cho Mùa Vọng: Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên tới Chúa. Cầu nguyện là hướng về Chúa là Tương Lai đích thực của đời ta. Cầu nguyện là hướng tới Chúa như là Lẽ Sống, là Niềm Vui, là Hạnh Phúc của đời ta.

Cầu nguyện là chờ đợi để gặp gỡ Chúa. Cầu nguyện là trông chờ, là mong đợi Chúa. Cầu nguyện là khao khát Chúa. Phụng Vụ của Mùa Vọng nuôi dưỡng lòng khao khát Chúa của chúng ta. Chúng ta hãy lắng nghe những lời Kinh Thánh, hãy ca hát hoặc lắng nghe những lời thánh vịnh đầy những tâm tình khao khát của Dân Chúa. Sách Giáo Lý Chung còn định nghĩa: cầu nguyện là nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người, cả hai cùng đang khát, Thiên Chúa khát mong chúng ta khao khát Người ( số 2560 ).

Vì cầu nguyện là nâng tâm hồn lên, nên cầu nguyện luôn giữ cho tâm hồn chúng ta được cao thượng, không xuống dốc và trở nên thấp hèn, chính vì thế mà cầu nguyện phục vụ cho sự tỉnh thức. Không cầu nguyện, chúng ta sẽ dễ đắm chìm trong giấc điệp.

Cầu nguyện giúp chúng ta khỏi sa chước cám dỗ, đó là điều Chúa Giêsu đã không ngừng nhắc cho các môn đệ, khi Người còn đang tại thế ở giữa họ, trong vườn cây dầu trước khi bị nộp, Chúa Giêsu cũng đã nhắc cho ba môn đồ đang mê ngủ ( Lc 22, 45 - 46 ). Tình, Tiền và Quyền vẫn là ba thứ cám dỗ lớn nhất và thực tế nhất đối với mọi người thuộc mọi thời đại.

Chúng ta cầu nguyện để được bền vững đến cùng, không có gì đáng khiển trách trong ngày Ðức Giêsu-Kitô, Chúa chúng ta ngự đến ( 1 Cr 1, 8 ), vì ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu rỗi. Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta được kiên nhẫn đến cùng trong mọi công việc, dù lớn hay nhỏ, nhất là trong nổ lực canh tân đời sống. Chúng ta hãy khiêm tốn nhìn lại bản thân mình, nhìn lại gia đình mình, nhìn lại xứ đạo và chúng ta. Chúng ta còn rất nhiều việc phải làm trong thời gian chờ đợi Chúa lại đến.

Quý Cha, Quý Tu Sĩ Nam Nữ và anh chị em thân mến,

Chúa đã sinh ra, nhưng chúng ta chưa được gặp, hoặc đã gặp rồi, nhưng vẫn muốn gặp nữa, nên vẫn mong ngóng đợi chờ.

Chúng ta chờ đợi Chúa, chúng ta khao khát Chúa. Chúng ta là những con người còn nô lệ tội lỗi, mong Chúa đến viếng thăm kiếp sống ngục tù của chúng ta, cởi trói cho chúng ta, giải thoát chúng ta để chúng ta được tự do.
Chúa là Sự Sáng, chúng ta mong Chúa đến mở đôi mắt mù lòa của chúng ta. Chúa đến mở đường cho chúng ta, vì Ngài vừa là Người Hướng Ðạo vừa là Người Ðồng Hành với chúng ta trên đường về cùng Chúa Cha. Chúa đến mở tai và miệng cho chúng ta, để chúng ta không còn câm điếc, có thể nghe Lời Chúa và cất tiếng ngợi khen Người.

Hãy đứng dậy, vì Chúa sắp đến!
Hãy bước đi, vì không chỉ chúng ta trông chờ Chúa, mà chính Chúa đang chờ đợi chúng ta!

Mỹ Tho, ngày 17 tháng 11 năm 2000

+ Phaolô BÙI VĂN ÐỌC

Giám Mục Mỹ Tho


Mục Lục Trở Về Trang Nhà