Bài bốn

 

“TIẾP NỐI BƯỚC CHÂN TRUYỀN GIÁO”

 

Lm Giuse Trần ngọc Liên & Lm Hướng Dương, Dalat

 

 

“Nhờ các vị thừa sai tràn đầy nhiệt huyết, quê hương Việt Nam đã được đón nhận Tin Mừng. Nhờ đời sống đức tin anh dũng của các bậc tiền nhân, đức tin đã không ngừng phát triển, để truyền lại cho chúng ta ngày nay một gia sản quí giá” (TMV, số 6).

 

Lịch sử là Thầy dạy ta.

Trong “năm truyền giáo” của Hội Thánh Việt Nam, thật hữu ích khi ôn lại những chặng đường quá khứ của lịch sử truyền giáo tại Việt Nam, một đàng để cảm mến và biết ơn những vị thừa sai, những nhà truyền giáo, đàng khác để rút ra những bài học cho chính chúng ta hôm nay.

 

Trong bài này, chúng ta chỉ dừng lại ở những mốc điểm lịch sử truyền giáo chính yếu cũng như những khuôn mặt tiêu biểu và sáng chói đã góp công lớn trong việc hình thành và xây dựng Giáo Hội Việt Nam.

 

I. Cha Đắc Lộ (Alexandre dẹ Rhodes).

 

19/3/1627 : cha Đắc Lộ  và cha Pedro Marquez đặt chân đến Cửa Bạng, Ba Làng, Thanh Hóa.

 

Về sự kiện này, cha Nguyễn Hồng đã ghi : “Nhận thấy cha Đắc Lộ tuy mới đến xứ Nam nhưng đã thông thạo tiếng nói và thích ứng với phong tục tính tình dân tộc mau chóng, liền được cha Gabriel De Mattos chọn để sai ra xứ Bắc cùng với cha Pedro Marquez.

 

Vào quãng tháng bảy (1626), hai cha xuống tàu về Áo Môn. Năm sau, lễ thánh Grêgôriô Cả, 12/3/1627, hai cha xuống tàu rời Áo Môn, sau 6 ngày thuận buồm xuôi gió, thoát khu đảo Hải Nam, vùng biển nguy hiểm hơn cả, thì gặp bão. Suốt một đêm đương đầu với sóng gió, sáng ngày 19/3 chính ngày lễ thánh Giuse, tàu dạt vào cửa Bạng. Để ghi nhớ ơn phù hộ của Thánh Cả và để hiếùn dâng công cuộc truyền giáo của hai cha được bắt đầu trong chính ngày lễ của Người, cha Đắc Lộ gọi cửa biển đó là cửa thánh Giuse và đặt Người làm quan thầy của xứ Bắc” (Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, quyển I, trang 99).

 

Tiểu sử Cha Đắc Lộ

 

Cha Bùi Đức Sinh, giáo sư sử học, đã viết như sau : “Cha Alexandre de Rhodes, quê thành Avignon, quốc tịch Tòa Thánh, sinh ngày 15/3/1593, thuộc giai cấp trung lưu xứ Aragon Tây Ban Nha, di cư sang Avignon từ đầu thế kỷ XV. Vào dòng Tên hồi 18 tuổi, chịu ảnh hưởng lớn trong việc huấn luyện truyền giáo tại trung tâm dòng ở Rôma, thụ phong linh mục năm 1618. cuối năm 1624, cha De Rhodes, tức Đắc Lộ, đã được sai đến xứ Nam truyền giáo dưới quyền cha Buzomi.

 

Nhận thấy cha, tuy mới đến xứ Nam, mà đã thông thạo tiếng nói và thích nghi với phong tục tính tình dân tộc, cha De Mattos đã chọn để sai đi xứ Bắc cùng với cha Pedro Marquez.

 

Tháng 7/1626 hai cha lên tàu về Macao. Năm sau, ngày 12/3, hai cha lên tàu rời Macao, sau 6 ngày thuận buồm xuôi gió, thoát vùng Hải Nam, thì gặp bão. Suốt một đêm đương đầu với sóng gió, sáng ngày 19/3/1627, lễ thánh Giuse, tàu giạt vào Cửa Bạng (Thanh Hóa).

 

Để ghi ơn phù hộ của thánh cả và để hiến dâng công cuộc truyền giáo được bắt đầu trong chính ngày lễ thánh nhân, cha Đắc Lộ gọi cửa biển đó là cửa Thánh Giuse và nhận người làm bổn mạng xứ Bắc” (Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam, 1997, quyển I, trang 123-124).

 

Chân phước Anrê Phú Yên (+ 26/7/1644)

Một trong những công việc mà Cha đắc Lộ quan tâm, đó là vấn đề đào tạo. Cha đã đào tạo nhiều thầy giảng, trong đó có thầy Anrê quê ở Phú Yên.

Cha Bùi Đức Sinh viết : “Giáo đoàn xứ Nam cho đến lúc này có thể nói là được sống trong cảnh thái bình, tuy đôi khi còn bị tấn công khá ác liệt, nhưng chưa bao giờ đi đến đổ máu, nghĩa là chưa có vị tử đạo làm nhân chứng cho Tin Mừng. Chúa đã dành vinh dự đó cho một thầy giảng trẻ mới 19 tuổi, người quê ở thị xã Ram-An (Raran) phủ Phú Yên, trấn Quảng Nam.

 

Tháng 7/1644, Tống thị – một dâm phụ, được Thượng vương coi như chính phi… sau này vì làm nhiều điều gian ác, bà đã bị trảm quyết – của triều Thượng vương ra lệnh cho quan trấn Quảng Nam bắt giam thầy Inhaxu và tìm cách phá đạo, phá công việc của cha Đắc Lộ.

 

Quan trấn vốn có tiếng là người ghét đạo, đã nhiều phen làm nhà truyền giáo phải điêu đứng. Vừa ở vương phủ về, ông ra lệnh bắt giam cụ Anrê, vị quan đã minh chứng đạo ở Hải Phố trước đây. Rồi ông sai lính đến vây nhà cha Đắc Lộ ở Hải Phố để bắt thầy Inhaxu.

 

Cha Đắc Lộ và các thầy, sau một thời gian đi thăm bổn đạo ở Đồng Hới và thủ phủ Kim Long, đã trở về Quảng Nam định mở đầu việc rao giảng Tin Mừng cho vùng này. Sau khi tạt qua thăm nhà ở Hải Phố, cha lên thị trấn muốn dùng phép xã giao đến chào thăm quan trấn, hy vọng nhờ đó công việc ông cho dễ dãi. Không ngờ lại gặp chính lúc con người thù ghét đạo đang mưu toan phá công việc của cha. Khi đến cửa dinh quan, cha mới được người Bồ Đào Nha cho hay biết điều đó, và họ khuyên cha nên cho các thầy di tản vào các họ đạo.

 

Khi lính bủa vây nhà cha Đắc Lộ để bắt thầy Inhaxu, thì thầy vừa ra khỏi nhà. Lính tức giận, bắt trói thầy Anrê đang có mặt đấy điệu đi, sau khi lục soát nhặt nhạnh và tịch thu ảnh tượng trong nhà. Thầy Anrê ở nơi khác mới đến, được cha Đắc Lộ biểu ở lại săn sóc bốn thầy đau yếu. Khi ngược sông trở về thị trấn, thuyền lính gặp thuyền của cha Đắc Lộ và các thầy, họ hỏi thăm có gặp cha Đắc Lộ và thầy Inhaxu không ? May trời nhá nhem tối, họ không nhận ra cha và nhiều thầy trong thuyền.

 

Khi về tới thị trấn, quan ra lệnh tống giam thầy Anrê. Bứớc vào ngục, thầy gặp cụ Anrê mới bị bắt ban chiều. Hai người bạn suốt đêm chia sẻ niềm an ủi do cùng một lòng tin, mong đợi đến sáng để được dâng lễ hy sinh, cùng nhau hưởng hạnh phúc Nước Trời.

 

Vừa tảng sáng, quan trấn ra lệnh dẫn hai tù nhân lên dinh, và để cho có hình thức công lý, ông cho lập tòa án. Nhưng không cần điều tra tội vạ, ông tuyên bố ngay án xử tử cả hai.

 

Sáng hôm ấy, cha Đắc Lộ đến dinh quan trấn. Biết chuyện, cha nhất định cùng với một số người Bồ đang buôn bán ở đó, vào xin quan trấn cho rút án lại. Là những người được Thượng vương kính nể, đang tìm cách giữ mối giao hảo để mua súng ống đạn dược, cha và những thương gia Bồ tìm hết cách để yêu cầu quan trấn tha cho hai người vô tội. Có lúc đã đi đến đe dọa, nhưng ông nhất định không nhượng bô. Cuối cùng, ông bằng lòng rút án cho cụ Anrê vì có gia đình con cái, còn thầy Anrê, theo như ông nói “cứng đầu cứng cổ đã dám thưa với ông rằng : dù có chết cũng nhất định không bỏ tên người có đạo, vì thế phải y án, để cho dân chúng biết phép chúa mà trọng”.

 

Không thể cứu thầy Anrê, cha Đắc Lộ chỉ biết đến bên thầy trong giờ phút cuối cùng để giúp thầy tín thác vào lòng thương xót của Chúa, với cả tinh thần dũng cảm làm chứng cho Tin Mừng.

 

Khi lên đường chịu xử, thầy xưng tội lần chót rồi quỳ cầu nguyện chờ đợi. Một tên lính đứng sau cầm giáo đâm thầy một nhát mạnh. Thầy âu yếm nhìn cha Đắc Lộ như gửi lời chào vĩnh biệt, cha làm dấu bảo thầy nhìn lên Trời, nơi Chúa đang chờ đợi để trao triều thiên tử đạo cho thầy. Rút giáo ra, tên lính đâm nhát thứ hai, rồi thọc tìm trái tim đâm nhát thứ ba. Thầy Anrê vẫn quỳ ngay ngắn, mắt nhìn về Trời. Thấy thế, một tên lính khác vung đao chém cổ thầy, đầu đứt rơi về phía phải, chỉ còn dính lại một chút da cổ. Chính lúc đó, cha Đắc Lộ nghe rõ tiếng kêu tên cực trọng Chúa Giêsu và xác ngã gục xuống đất. Ngày đó là 26/7/1644…

 

Thi hài của đấng tử đạo được đưa xuống thuyền của cha Đắc Lộ ở Hải Phố. Người ta mở quan tài ra để tắm rửa và ướp muối.

 

Khi cha Đắc Lộ vĩnh biệt xứ Nam về Macao, cha đã đem theo thi hài vị tử đạo. Thuyền cha Đắc Lộ gặp bão lớn ở phía bắc đảo Hải Nam, nhiều tàu bè bị đắm, riêng thuyền của cha thoát nạn về tới bến bình an. Thi hài thầy Anrê được chôn táng trong nhà thờ dòng Tên.

 

Cuối năm 1645, khi về châu Âu, cha Đắc Lộ đã đem đầu thầy sang Rôma, còn thân giữ lại ở Macao. Khi lên án xử tử thầy Anrê, quan trấn Quảng Nam đồng thời cũng ra lệnh trục xuất cha Đắc Lộ,,,” (sđd 186-189).

 

 

II. Về hai Giám mục Đại diện Tông Tòa Đàng Trong và Đàng Ngoài (1659) : Francois Pallu và Pierre Lambert de  la Motte.

 

Cha Bùi Đức Sinh viết : “Cha Đắc Lộ tuy phải rời khỏi xứ Nam (1645), nhưng vẫn ôm mộng thấy xứ truyền giáo này có Giám mục và một hàng giáo sĩ bản quốc ; cha lại được Đức thánh cha Innocentê X (1644-1655) ủy thác cho công việc tìm kiếm những giáo sĩ có thể gánh vác chức vụ này và những thừa sai tình nguyện. Cha đi nhiều nơi trong nước Ý, nhưng thất bại. […].

 

Năm 1653, cha tới Paris, được giới thiệu đến gặp nhóm ‘Giáo sĩ trẻ’ gồm nhiều linh mục trẻ tuổi và đại chủng sinh, thường hội với nhau để cầu nguyện và học hỏi. Người hướng dẫn nhóm là linh mục Francois Pallu […].

Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin nghe biết, và thừa lệnh Đức thánh cha Innôcentê X, đã truyền cho Sứ thần Tòa Thánh ở Paris chọn ba linh mục trong số tình nguyện, để đưa lên chức Giám mục. Các linh mục được chọn là Francois Pallu […]. Tháng 7/1653, các linh mục tình nguyện được sai đi soạn một kiến nghị hưởng ứng chương trình Đông Á của Tòa Thánh […].

 

Ngày 17/8/1658, Tòa Thánh bổ nhiệm cha Francois Paullu làm Đại Diện Tông Tòa. Cũng ngày ấy, vì biết rõ khả năng và đức độ của cha Pierre Lambert de la Motte, … Tòa Thánh chọn cha Pierre làm Đại diện Tông Tòa thứ hai cho chương trình Đông Á.

 

Ngày 17/11/1658, Đức cha Pallu được tấn phong giám mục hiệu tòa Heliopolis tại vương cung thánh đường thánh Phêrô do Đức hồng y Antonio Barberini tổng trưởng Thánh bộ Truyền Bá.

 

Đức cha Lambert cũng được tấn phong giám mục hiệu tòa Berythe tại nguyện đường dòng Thăm Viếng ở Paris do Đức Tổng giám mục Tours ngày 11/6/1660…

 

Ngày 9/9/1659, Đức thánh cha Alexandrô VII ký đoản sắc tuyên bố thiết lập hai địa phận Đàng Ngoài (gồm cả Ai Lao và các tỉnh miền Nam Trung Quốc) và Đàng Trong (gồm cả Chiêm Thành, Cao Miên và Thái Lan) ở Việt Nam… (sđd 232-235).

 

Vì Đức cha Pallu không vào được Đàng Ngoài nên ngài trao quyền địa phận cho Đức cha Lambert de la Motte từ đầu năm 1665.

 

Công đồng Dinh Hiến

 

“Ngày 14/02/1670, Đức cha Lambert họp Công Đồng thứ nhất Bắc Hà (Đàng Ngoài) tại Dinh Hiến (Phố Hiến) thuộc trấn Sơn Nam – NB. Dinh Hiến hay Phố Hiến : Dinh là khu vực dinh thự quan trấn, Phố là khu vực buôn bán. Thực tế, Công Đồng họp dưới tàu bôn đậu trên sông Cái (sông Hồng) cạnh Dinh Hiến. Trấn hay tỉnh Sơn Nam, gọi tắt là xứ Nam, bấy giờ gồm các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Hưng Yên và Thái Bình sau này. Thủ phủ của Sơn Nam là Phố Hiến –.

 

Tham dự Công Đồng có cha chính Deydier, hai thừa sai Pháp De Bourges và Bouchard, và chín linh mục Việt là các cha Biển Đức Hiền, Gioan Huệ và bảy tân linh mục.

 

Công Đồng có mục đích phổ biến những nghị quyết của Tòa Thánh về trách nhiệm và quyền bính của các vị Đại diện Tông Tòa, tổ chức các mặt sinh hoạt tôn giáo trong địa phận như : phương pháp truyền đạo, cắt cử các linh mục, tuyển mộ chủng sinh, cũng như đựa ra nhiều chỉ thị về việc ban phát các bí tích.

 

Công Đồng chính thức nhận thánh Giuse làm Bổn Mạng Giáo Hội xứ Bắc – “patron de ce Royaume” nếu hiểu nghĩa hẹp thì chỉ là xứ Bắc, nhưng nếu hiểu theo nghĩa rộng thì phải hiểu là cả xứ Bắc lẫn xứ Nam –. Một bản Huấn thị gồm 33 điều, phần nhiều giống như bản “Huấn thị” Juthia (1644), chỉ sửa đổi cho thích hợp với sinh hoạt địa phương.

 

Công Đồng quyết định chia địa phận Đàng Ngoài thành chín hạt và nhóm họp hội nghị hằng năm. “Công vụ Công Đồng Dinh Hiến” được Đức thánh cha Clêmentê X châu phê trong Tông chiếu “Apostolatus Officium” ngày 23/12/1673.  […].

 

 

Thành lập Dòng nữ Mến Thánh Giá.

 

Sau Công Đồng, cha chính Deydier giới thiệu với Đức cha hai nhóm trinh nữ sống từ lâu (ở Kiên Lao và Bái Vàng). Sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng tại chỗ, nhằm lễ Tro 19/2/1670, Đức cha Lambert quyết định ban sắc chính thức thành lập dòng nữ Mến Thánh Giá tại Kiên Lao (Nam Định) và Bái Vàng (Hà Nam), cùng nhận thánh Giuse làm bổn mạng.

 

Thành lập dòng nữ này là Đức cha đã đạt được ước mơ từ 1657 khi đến Anncy cầu nguyện lâu giò trước mộ thánh Phanxicô Salêsiô và nữ thánh Gioanna de Chantal là hai vị sáng lập dòng Thăm Viếng.

 

Người được ơn soi sáng để nhận thấy : trong tay Hội Thánh công giáo, linh mục và nữ tu là hai nguồn mạch tuôn đổ đức tin và đức ái xuống cho một đất nước…

 

Cũng ngày 19/02, Đức cha Lambert trao cho các nữ tu Mến Thánh Giá một hiến pháp, đã được soạn tại Juthia. Và tại Kiên Lao, Đức cha đích thân nhận lời tuyên thệ của hai nữ tu tiên khởi : chị Inê và chị Paola..” (sđd 260-263).

 

Một bản Huấn Thị (Monita) của Công Đồng Juthia được ban hành : “Công Đồng mời gọi các thừa sai phải cảnh giác trước đời sống buông thả, và tập trung nỗ lực vào đời sống cầu nguyện và chiêm niệm. Các thừa sai biết việc, biết người, quen thuộc ngôn ngữ, phong tục, nhưng phải khước từ những phương thế và thủ đoạn nhân loại để đạt lý tưởng.

 

Các thừa sai phải trình bày Lời Chúa với một khoa sư phạm thích hợp cho từng lớp tuổi và từng giai đoạn, nhất là nên thận trọng đừng làm phật lòng các tôn giáo bạn.

 

Trong tổ chức nội bộ giáo xứ, các thừa sai nên đề cử ông trùm, ông câu, ông biện và một số bà hộ sinh, với nhiệm vụ rửa tội cho trẻ sơ sinh nguy tử, để không trẻ nào chết mà không được rửa tội. Đời sống tu đức được đề nghị cho các linh mục địa phương là một nền linh đạo tập trung vào mầu nhiệm Chúa Kitô chịu đóng đinh” (sđd 244).

 

Kết luận

Chúng tôi mượn những nhận xét của Lm Nguyễn đắc Bình, pss để kết thúc bài này.

 

1. Trước hết, ta nhận thấy một yếu tố chung luôn hiển hiện dưới nhiều hình thức khác biệt : “Thiên Chúa đã sai Giáo Hội đến với muôn dân để nên bí tích cứu độ cho mọi người. Giáo Hội tự bản chất mở rộng cho mọi người. Vì thế, tuân theo mệnh lệnh của Đấng Sáng Lập, Giáo Hội luôn ra sức loan báo Tin Mừng cho mọi người. Các nhà truyền giáo, dầu là Dòng Tên hay Thừa Sai Paris, dầu sống vào thế kỷ XVII hay XIX, dầu thời xưa hay ngày nay, tất cả đều theo đuổi một mục đích ấy.

 

2. Thứ đến, không có phương pháp truyền giáo nào duy nhất và hoàn toàn đúng, nhưng có nhiều phương pháp… Điều kiện thiết yếu để bất cứ một phương pháp truyền giáo nào có thể sinh hoa kết quả vẫn là một nỗ lực suy tư. Dầu vậy phải có một nền đạo đức thâm thuý và sâu xa hầu duy trì mối tương quan cá nhân sống động với Đức Kitô.

 

3. Những yếu tố mà ta có thể nhận thấy trong mọi phương pháp truyền giáo là :

 

a/ Sự nỗ lực của các nhà truyền giáo là điều  không thể phủ nhận, nhưng một điều cần xác tín : đó là hoạt động lặng lẽ của Chúa Thánh Thần, Đấng dẫn dắt mỗi người qua những “dấu chỉ thời đại” (signes dẹ temps).

 

b/ Thứ đến, các nhà truyền giáo đã rất quan tâm đến vấn đề đào tạo, như Cha Đắc Lộ đã đào tạo nhiều thầy giảng, trong đó có thấy Anrê Phú Yên…

 

4. Sau cùng, một điều kiện khác của mọi công cuộc truyền giáo là : người rao giảng Tin Mừng không bao giờ hoạt động đơn độc.

 

Các vị dòng Tên cũng như các vị thừa sai Paris thế kỷ XVII hay XIX  không những đã làm việc chung trong tinh thần cộng đoàn mà còn được những giáo đoàn sống động nâng đỡ, nhờ đó các ngài không ngừng nhận được chất nhựa sống cho mọi hoạt động. Sau lưng các vị Dòng Tên là cả một tu hội. Đàng sau các vị Đại Diện Tông Toà là toàn thể nước Pháp đang bùng sôi với phong trào cải cách kitô giáo…

(x. Tạp chí Nhà Chúa, số 44 (15.4.1975), tr. 48-79)

 

Thiết tưởng, đó là những “gia sản quí gía”ù mà các vị thừa sai cũng như các nhà truyền giáo để lại cho hậu thế.


Giáo Hội Công Giáo Việt Nam
Trở về Trang HỌC HỎI THƯ MỤC