HÀNH HƯƠNG

Lm Phêrô Trần Đình, Dalat

 

Dẫn nhập

 

Đối với Hội Thánh Việt Nam, năm nay chẳng những là “năm truyền giáo” nhưng còn là “năm thánh”.

Một việc đạo đức truyền thống của năm thánh là hành hương. Vì thế, chúng ta tìm hiểu khái quát về “hành hương” để hiểu rõ hơn ý nghĩa của nó, ngõ hầu việc đạo đức này sẽ đem lại nhiều lợi ích thiêng liêng cho chúng ta.

 

Bài này sẽ trình bày 4 điểm :

        1. Ý nghĩa và mục đích của hành hương;

          2. Hành hương trong Cựu ước;

3. Hành hương trong Tân Ước;

          4. Ý nghĩa thần học của hành hương.

 

I. Ý NGHĨA VÀ MỤC ĐÍCH CỦA HÀNH HƯƠNG

 

1. Ý nghĩa của hành hương

Hành hương là một phong tục có từ rất lâu, trước khi Kinh Thánh được biên soạn. Đó là cuộc lữ hành của các tín hữu về một nơi được thánh hiến do một cuộc hiển linh hoặc do hoạt động của một vị giáo chủ.

 

2. Mục đích của hành hương

 

a/ Các tín hữu tới các nơi được thánh hiến để dâng lời cầu nguyện trong một khung cảnh đặc biệt thích hợp.

 

b/ Và vì là giai đoạn cuối cùng của cuộc hành hương, nên việc kính viếng nơi thánh thường được chuẩn bị bằng những nghi thức thanh tẩy và kết thúc trong một buổi nhóm họp làm cho các tín hữu ý thức họ thuộc cộng đoàn tôn giáo nào.

 

Như thế, hành hương là một cuộc tìm kiếm Thiên Chúa và gặp gỡ Người trong một khung cảnh phụng tự.

 

II. HÀNH HƯƠNG TRONG CỰU ƯỚC

 

1. Hướng về những thánh điện cổ.

 

Trước khi thống nhất các thánh điện nhờ cuộc cải cách của Giosias, tại Giêrusalem có nhiều trung tâm hành hương, nhiều nơi thiêng gắn liền với lịch sử thánh, nơi dân chúng đến để tìm kiếm Thiên Chúa.

 

Lịch sử các tổ phụ chỉ thuật lại một cuộc hành hương duy nhất (St 35, 1-7), nhưng khi trình bày những cuộc thần hiển với Abraham ở Sikem hoặc ở Mămbrê (St 12, 6t ; 18, 1), với Isaac ở Bersabê (St 26, 24), với Giacob ở Bêtel hoặc ở Penuel (St 28, 12 ; 35, 9 ; 32, 31), các nhà tường thuật tìm cách hợp thức hoá việc chấp nhận những thánh điện của dân Canaan, vì chính cha ông cũng đã sử dụng. Họ cắt nghĩa những đặc tính của thánh điện này : có các bàn thờ (St 12, 7t ; 13, 4 ; 26, 25 ; 33, 20), bia (St 28, 18), các cây thiêng (St 12, 6 ; 18, 1 ; 21, 33…).Họ thiết lập các nghi thức mà những người hành hương về sau này sẽ thực hành : cầu khẩn tên Giavê dưới nhiều danh hiệu (St 12, 8 ; 13, 4 ; 21, 33 ; 33, 20), xức dầu (St 28, 18 ; 35, 14), thanh tẩy (St 35, 2tt), thuế thập phân (St 14, 20 ; 28, 22).

 

Sau đó người ta nhận thấy trong một thời gian rất lâu vẫn còn những buổi họp tôn giáo và rồi những cuộc hành hương đến những thánh điện quan trọng khác nhau như Sikem (Gios 24, 25), Bêtel (1Sm 10, 3 nói rõ những người hành hương ; 1V 12, 29tt ; Am 5, 5 ; 7, 13), Bersabê (Am 5, 5). Chúng ta cũng thấy xuất hiện những thánh điện Ophra (Qa 6, 24) và Sorêa là nơi tưởng nhớ những lần thiên thần của Giavê hiện ra, thánh điện Silô, nơi để hòm bia và cũng là nơi mỗi năm người ta cử hành một ngày lễ của Giavê (Qa 21, 19). Có lẽ Elqana đã cùng với các bà vợ của ông “lên đền” trong dịp lễ này (Is 1, 3).

 

Những câu chuyện cổ còn thuật lại các buổi hội họp tôn giáo ở Mispa (1Sm 7, 5t), ở Gilgal (1Sm 11, 15), ở Gabaon (1V 3, 4), ở Đan (1V 12, 19). Nhưng từ khi Đavít rước hòm bia vào Giêrusalem (2Sm 6) và từ khi Salomon xây cất đền thờ (1V 5-8), những cuộc hành hương về Giêrusalem giữ một tầm quan trọng vượt bực (1V 12, 27).

 

Từ lâu, luật của giao ước  (Xh 23, 14-17) bắt buộc mọi nam công dân phải trình diện trước Giavê mỗi năm ba lần. Luật này phải được thi hành vào các dịp lễ trong các thánh điện trên toàn quốc.

 

2. Hướng về thánh điện duy nhất

 

Cuộc cải cách của Giosias do Ezekias phác hoạ (2V 18, 4.22 ; 2 Ks 29-31) huỷ bỏ những thánh điện địa phương và chỉ định cử hành lễ Vượt Qua (2V 23 ; 2 Ks 35) và hai ngày lễ khác là Lễ Ngũ Tuần và Lễ Lều ở Giêrusalem (Đnl 16, 1-17).

 

Cuộc cải cách này tìm cách tụ tập dân chúng trước Thiên Chúa của họ và đề phòng họ khỏi lây nhiễm việc tôn thờ ngẫu tượng địa phương.

 

Sau thời lưu đầy, Đền thờ Giêrusalem từ nay sẽ là thánh điện duy nhất. Chính nơi đây, vào những dịp đại lễ trong năm, khách hành hương từ khắp xứ Palestina và cả đến những kẻ tản mác càng ngày càng đông ở ngoại quốc cũng đều trẩy về.

 

Những Thánh vịnh lên đền (Tv 120-134) diễn tả lời cầu nguyện và tâm tình của khách hành hương : họ trìu mến nhà Chúa và thành thánh; họ tin, thờ lạy và vui mừng được thực hiện sự hiệp thông sâu xa của dân Chúa trong buổi hội họp phụng vụ.

 

Kinh nghiệm này thường hay xảy ra ở Israel, nó đem lại cho hi vọng cánh chung một ý nghĩa đặc biệt : Israel quan niệm “ngày cứu rỗi” theo như những cuộc hành hương, giống cuộc hội họp của dân tộc và sau cùng là của cả lương dân (Is 2, 2-5; 60 ; 66, 18-21 ; Mik 7, 12 ; Zêc 14, 16-19 ; Tb 13, 11).

 

III. HÀNH HƯƠNG TRONG TÂN ƯỚC

 

1. Về điểm này Tân Ước không đem lại điều gì mới mẻ.

 

Cũng như dân chúng, vào năm 12 tuổi, Đức Giêsu “lên” đền thờ Giêrusalem với cha mẹ để tuân giữ lề luật (Lc 2, 41t), và trong thời gian thi hành sứ mệnh, Người còn “lên” đó vào những dịp lễ khác nữa (x. Ga 2, 13 ; 5, 1 ; 7, 14 ; 10, 22t ; 12, 12).

 

Chính Thánh Phaolô, hơn 25 năm sau ngày Chúa chịu nạn, vẫn giữ việc hành hương vào dịp lễ Ngũ Tuần (Cv 20, 16 ; 24, 11).

 

2. Điều mới mẻ là : Đức Giêsu loan báo đền thờ sẽ bị tàn phá

 

(Mc 13, 2). Hơn nữa, với sự sống lại của Đức Giêsu, từ nay trọng tâm việc phụng tự của các tín hữu là chính con người vinh quang của Người, “Đền thờ mới” và duy nhất (Ga 2, 19-21 ; 4, 21-23).

 

Bởi đó, chính đời sống đức tin của dân Thiên Chúa được diễn tả như cuộc hành hương cánh chung đích thực (2C 5, 6tt ; Dt 13, 14). Cuộc hành hương này là cuộc xuất hành do Đức Giêsu hướng dẫn (Cv 3, 15 ; 5, 31 ; Dt 2, 10). Mục đích của  nó chính là những thực tại thiêng liêng : núi Sion, Giêrusalem trên trời, cuộc hội họp của những người con đầu lòng được ghi khắc trên trời (Dt 12, 22 tt) và một đền thờ là chính “Chúa, Thiên Chúa toàn năng… và là Con Chiên” (Kh 21, 22-26).

 

Vì quá gắn chặt với lịch sử nên Hội Thánh không từ chối giá trị những cuộc hành hương đến những nơi ngày xưa Đức Kitô đã ơ,û hoặc đến những nơi mà Người đã hiện ra với các thánh. Hội Thánh coi những cuộc tụ họp tại những nơi ghi dấu hoạt động của Đức Kitô như một dịp để các tín hữu hiệp thông trong đức tin và kinh nguyện. Hơn nữa, nhờ những dịp ấy, Hội Thánh sẽ tìm cách nhắc nhở cho họ biết họ đang được Chúa hướng dẫn trên đường tiến về Người.

 

IV. Ý NGHĨA THẦN HỌC CỦA HÀNH HƯƠNG

 

Để kết thúc bài này, chúng ta rút ra những ý nghĩa thần học của hành hương từ những gì đã trình bày trên đây.

 

1/ Ý nghĩa chính yếu của mọi cuộc hành hương là gặp gỡ Thiên Chúa trong đền thờ, đặc biệt là những nơi ghi dấu sự hiện diện đặc biệt của Người.

 

Đành rằng, đền thờ nào cũng thiêng thánh, cũng là nơi ta có thể gặp Chúa, nhưng vẫn có những nơi đặc biệt gợi lên trong chúng ta những tâm tình đạo đức mãnh liệt hơn.

 

Hành hương đến Bêthel, người ta không thể không nghĩ đến việc Giacop đã vật lộn với Thiên Chúa đến hừng đông, để đời sống đạo của họ sẽ nỗ lực và phấn đấu nhiều hơn.

 

Hành hương đến mộ của hai Thánh Phêrô và Phaolô, lẽ nào không thúc bách chúng ta sống đạo cách anh hùng?

 

Hành hương về linh địa Lavang, làm sao ta không nghĩ đến việc Đức Mẹ bế Chúa Con đến thăm dân đang trốn tránh cuộc bắt đạo ác liệt, để thêm lòng tin tưởng và cậy trông ?.

 

Chính Đức Giêsu phục sinh cũng đã chọn Galilê, nơi của bao kỷ niệm, để “hò hẹn” với các môn đệ thân yêu của Người (x. Mc 16, 7) chứ không phải  nơi nào khác.

 

2/ Dầu vậy, nếu Đức Giêsu đã muốn phá đền thờ bằng gỗ đá để xây dựng một ngôi đền thờ mới và duy nhất (x. Ga 2, 19-21; 4, 21-23), thì hành hương phải là dịp nhắc nhở cho chúng ta biết thờ phượng Chúa cách chân thật : “Này chị, hãy tin tôi : đã đến giờ các người thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem nữa” (Ga 4, 21).

Như vậy, hành hương đích thực chính là bước theo Đức Kitô : “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14, 6).

 

3/ Dịp hành hương cũng là cơ hội giúp chúng ta, trong thinh lặng và cầu nguyện, tra vấn ý nghĩa của cuộc đời, để hiểu rằng thân phận con người là lữ thứ  :

 

“Ở trên đời, con là thân lữ khách” (Tv 119 (118), 19). Dân Cựu ước đã cảm nghiệm như vậy.

 

Tân Ước đã đón nhận ý tưởng hành hương bằng cách kitô hoá nó : xem cuộc đời kitô hữu như cuộc hành trình đi về quê hương đích thực là Nước Trời (x. Dt 11, 13-16 ; 1Pr 1, 17).

 

Chỉ có Chúa mới thật sự là đích điểm cuộc đời người kitô hữu, là sự yên nghỉ của chúng ta :

“Lạy Chúa, Ngài đã đã dựng nên chúng con hướng về Ngài, tâm hồn chúng con xao xuyến bao lâu chưa được nghỉ yên trong Ngài”.

                         (Thánh Aâu Tinh)

“Như nai rừng mong mỏi

tìm đến suối nước trong,

hồn con cũng trông mong được gần Ngài,

lạy Chúa.

Linh hồn con khao khát Chúa Trời,

là Chúa Trời hằng sống.

Bao giờ con được đến,

vào bệ kiến Tôn Nhan ?

(Tv 42, 2-3)

4/ Vì thế, hành hương mang đặc tính cánh chung, là cuộc xuất hành do Đức Giêsu hướng dẫn (Cv 3, 15 ; 5, 31; Dt 2, 10), mục đích là những thực tại thiêng liêng : Giêrusalem trên trời (Dt 12, 22tt) và một đền thờ là chính “Chúa, Thiên Chúa toàn năng và là Con Chiên” (Kh 21, 22-26).

 

Kết luận

 

Hành hương nếu được hiểu đúng đắn sẽ có tác dụng lớn lao trong việc xây dựng đời sống đạo. Người tín hữu hiểu cuộc đời mình là lữ thứ và sẽ biết gắn bó với những giá trị vững bền mối mọt không thể gậm nhấm được, để họ biết tìm Chúa và gắn bó với Chúa nhiều hơn.


Giáo Hội Công Giáo Việt Nam
Trở về Trang HỌC HỎI THƯ MỤC