“BẰNG NHỮNG PHƯƠNG TIỆN

PHÙ HỢP VỚI CON NGƯỜI HÔM NAY”

Lm Hướng Dương, Dalat

 

Nhập đề

Việc truyền giáo không phải chỉ cần “một nhiệt tình tông đồ” (s. 7), để đến với “những môi trường mới” (s. 8), nhưng còn bằng “những phương tiện phù hợp với con người hôm nay” (s. 9).

TMV viết : “Việc truyền giáo phải đặt nền tảng trên lời cầu nguyện và thái độ sẵn sàng dấn thân lên đường theo Đức Kitô, dưới tác động của Thánh Thần.

Tuy nhiên, để chân lý Phúc Âm trở nên trong suốt, dễ hiểu, dễ đón nhận, ta phải dùng những phương tiện phù hợp với con người hôm nay.

Đó là biết sử dụng ngôn ngữ, cách diễn tả phù hợp với văn hoá và tâm lý người đương thời.

Đó là cung cách thấm nhuần tinh thần phúc âm, được diễn đạt với thái độ khiêm nhu, chân tình, thân ái.

Đó là thái độ kính trọng, đối thoại với người nghe.

Đó là vận dụng sáng tạo những kỹ thuật hiện đại phục vụ cho việc loan báo Tin Mừng” (s. 9).

Ba vấn đề được TMV nhấn mạnh :

1.   Sử dụng ngôn ngữ, cách diễn tả phù hợp ;

2.   Cung cách rao giảng ;

3.   Internet.

 

Chúng ta suy nghĩ ba điểm này.

 

1. Sử dụng ngôn ngữ, cách diễn tả phù hợp với văn hoá và tâm lý người nghe

Chúng ta học tập Đức Gioan-Phaolô II và các vị thừa sai.

a/ Trong Tông Huấn “Giáo Hội tại Á Châu”, Đức Gioan-Phaolô II xác tín rằng : Đức Giêsu chính là quà tặng cho Á châu, “chia sẻ kho tàng lớn lao này là một niềm vui lớn lao và cấp thiết” (EA, số 20). Dầu vậy, đây là trăn trở của ngài, cũng là trăn trở của các nghị phụ Á châu : “Câu hỏi lớn mà Giáo Hội tại Á châu đang giáp mặt là làm sao chia sẻ với các anh chị em tại Á châu về kho tàng chúng ta có, như là một ân huệ chứa đựng tất cả các ân huệ khác” (nt).

“Làm sao chia sẻ” ?. Là bởi vì Đức Giêsu tuy sinh ra trong vùng đất Á châu, nhưng rất “xa lạ” đối với họ. Không những Đức Giêsu, nhưng cả đạo của Người cũng xa lạ nữa.

Đức Giáo Hoàng đề ra hai điểm nên theo : trước hết “phương pháp kể truyện quen thuộc với văn hoá Á châu, thì đáng được dùng ưu tiên” (nt). Thứ đến, nên  dùng  những hình ảnh dể hiểu” để diễn tả mầu nhiệm  Đức Giêsu, như  : “Đức Giêsu Thầy dạy sự khôn ngoan, Vị Lương y, Đấng Giải phóng, Vị dẫn đàng thiêng liêng, Minh chủ, người bạn giàu lòng thương xót của kẻ nghèo, người Samari nhân hậu, Vị mục tử nhân lành, Đấng vâng phục” (nt).

Đây chính là phương pháp, là cách diễn tả mà chính Đức Giêsu đã làm khi rao giảng. Người dùng những hình ảnh, những câu chuyện, những dụ ngôn để nói về những vấn đề cao sâu là mầu nhiệm  Nước Thiên Chúa và mầu nhiệm Ba ngôi.

        b/ Các vị thừa sai : khi đến truyền giáo tại VN, các ngài chẳng những học tiếng nói và chữ viết của người Việt, tìm hiểu phong tục tập quán và não trạng của người Việt, nhưng còn chú trọng cách đặc biệt đến cách diễn tả nội dung giáo lý nữa.

Các ngài trình bày nội dung câu chuyện dễ tiếp thu và có phần hấp dẫn như việc thưởng phạt đời đời, thiên đàng hoả ngục; bắt đầu bằng những điều mà lý trí con người có thể suy luận, rồi sau mới tới những điều mầu nhiệm, khó hiểu trong đạo.

Một trong những vấn đề đầu tiên đặt ra cho các thừa sai đến truyền giáo ở VN (cũng như ở Nhật Bản và Trung Quốc) là danh xưng của Đấng mà họ tôn thờ và rao giảng. Ở Đàng Trong, có lẽ thừa sai Buzomi đã dùng “Thiên Chủ”, hay “Thiên Chúa” hay “Chúa Trời”, trong lúc thừa sai Pina chủ trương dùng “Chúa Dêu’ để phiên âm từ Deos hoặc Deus. Linh mục Rhodes có lẽ  là người đầu tiên đã thêm từ “Đức” trước “Chúa Trời”, để nói “Đức Chúa Trời” như chúng ta thấy nhiều lần trong “phép giảng tám ngày”.

(x. Trương bá Cần, Nguyệt san CG & DT, số 56 (tháng 8 năm 1999), tr. 111-112)

 

2. Những thái độ cần có đối với người nghe

 

Ngôn ngữ và cách diễn tả phù hợp với tâm lý con người là cần thiết, tuy nhiên cung cách của con người rao giảng lại còn quan trọng hơn. Cung cách ấy được diễn đạt với thái độ khiêm nhu, chân tình, thân ái, kính trọng và đối thoại với người nghe.

a/ khiêm nhu : không có gì dễ đi vào lòng dạ con người cho bằng thái độ khiêm nhu của người rao giảng, bởi chân lý thì không thể có sự áp đặt. Khác đi, ta sẽ rao giảng chính mình chứ không phải là rao giảng Đấng ta tin.

b/ Thân ái, chân tình : chân lý sẽ đến với lý trí qua con tim. Đây là con đường ngắn nhất để đạt được kết quả. Đức Gioan-Phaolô II có kiểu nói rất hay : “đối thoại bằng con tim”. “Khẩu phục tâm phục” chính là việc con tim qui hàng một người.

c/ kính trọng và đối thoại : người nghe chỉ sẵn sàng lắng nghe nếu họ cảm thấy được kính trọng bởi thật ra họ cũng đã có một niềm tin nào đó rồi. Vì thế, chính qua đối thoại mà người ta dần dần tiến đến chân lý, như cuộc đàm thoại giữa Chúa Giêsu và phụ Samari. Chúa Giêsu dầu là vị thầy, nhưng rất tôn trọng người đối thoại : Người nói, đặt câu hỏi nhưng cũng biết im lặng để cho người phụ nữ giãi bày nỗi lòng.

 

 

3. Vận dụng sáng tạo những kỹ thuật hiện đại. chúng ta muốn nói đến internet.

Nhờ những phương tiện truyền thông hiện đại, chúng ta “rao giảng về Chúa như thể trên mái nhà”. Đức Phaolô 6 đã nói đâu đó trong Tông Huấn loan báo Tin Mừng.

Công đồng Vatican II đã công bố sắc lệnh về các phương tiện truyền thông xã hội (inter mirifica). Chúng ta lượm lặt vài điểm sắc lệnh đặc biệt muốn nhắn nhủ.

ú “Mọi con cái Hội Thánh phải đồng tâm hiệp lực, chẳng những không ngần ngại mà phải hết sức hăng say sử dụng ngay những phương tiện truyền thông xã hội một cách đắc lực vào các công việc tông đồ khác nhau tuỳ theo những đòi hỏi cụ thể của hoàn cảnh và thời gian” (IM, 13).

ú Đối với các chủ chăn : “ Các Chủ chăn đáng kính phải cấp tốc chu toàn phận vụ mình trong lãnh vực này, vì nó liên hệ chặt chẽ với nhiệm vụ thông thường của các ngài là giảng dạy” (nt).

ú Đối với giáo dân : “tham gia vào việc sử dụng những phương tiện này cũng phải cố gắng làm chứng về Chúa Kitô” (nt).

ú Sắc lệnh nhấn mạnh : “Thật đáng hổ thẹn cho con cái Giáo Hội, đã lãnh đạm (về lãnh vực này) khiến cho việc rao giảng Ơn cứu rỗi bị ràng buộc, cản trở …” (IM, 17)

Truyền giáo bằng internet

Trên đất nước Hoa Kỳ, tại một thị trấn nhỏ mang tên Abiquiu, nằm lọt thỏm giữa một vùng sa mạc hoang vu, cách thành phố Santa Fe là thủ phủ của bang New Mexico khoảng hai giờ lái xe, có một đan viện của Dòng Biển Đức mang tên “Đan Viện Chúa Kitô trong sa mạc”. Đến tháng 4 năm 1995, nơi đây đã trở thành Đan Viện chiêm niệm đầu tiên trên thế giới nối vào mạng internet (www.christdesert.org).

Ngày nay, mỗi ngày, Đan Viện tiếp đón khoảng 25.000 lượt người du hành trên internet đã đừng lại viếng thăm. Qua máy vi tính, họ có thể nghe được những bài thánh ca, các bài giảng lễ, các lời kinh và đọc những tin tức về sinh hoạt của Đan Viện, những lời chỉ dẫn để tìm đến các nguồn thông tin tinh thần khác và cả những lời khuyên cho đời sống thực hành cụ thể nữa.

hai đan sĩ đặc trách việc hồi âm những lời cầu nguyện của các tín hữu từ khắp nơi trên thế giới gửi tới địa chỉ email của Đan Viện.

Người ta ghi nhận , chỉ có một số nhỏ du khách viếng thăm Đan Viện qua mạng thông tin internet là các tín hữu công giáo, tuyệt đại đa số còn lại đều thuộc các tôn giáo khác, hoặc là người không có tín ngưỡng.

(x. bốn mươi năm sau vatican hai nhìn lại, x. Linh mục Giuse Lê quang Uy, cả thế giới lên mạng, tr. 139-181)

Kết luận

“Thế giới nào con người ấy”. Thế giới hôm nay là thế giới của khoa học kỹ thuật. Và vì thế, chúng ta cũng phải sử dụng những phương tiện truyền thông hiện đại để có thể giao tiếp rộng rãi với con người hôm nay. Nhờ phương tiện này “việc rao giảng về Chúa được thực hiện như thể trên mái nhà” (Phaolô 6).


Giáo Hội Công Giáo Việt Nam
Trở về Trang HỌC HỎI THƯ MỤC