Bài giảng của ĐTC PHANXICÔ

Ngày Lễ Khai mạc Thừa tác vụ Phêrô

 

19-03-2013, Đại lễ Thánh Giuse, tại Quảng Trường Thánh Phêrô, Vatican.

(Bản dịch của LM Phi Khanh Vương Đình Khởi, ofm, dựa trên bản gốc bằng tiếng Ý được phát tán trên Trang Mạng Vatican)

 

Đôi lời giải thích

 

Tôi đã được đọc hai bản dịch tiếng Việt bài giảng quan trọng này của ĐTC Phanxicô: một của LM Dòng Tên Nguyễn Minh Triệu, -- chỉ tiếc là dịch giả đã cắt xén hai khúc đầu và bỏ sót một số câu trong thân bài giảng; bản dịch thứ hai do LM Trần Đức Anh, Dòng Đa-minh, phổ biến. Ngài là thông dịch viên chính thức trong các cuộc tiếp kiến của Đức Giáo Hoàng với các nhà lãnh đạo Đảng Cộng Sản và Nhà Nước Việt Nam trong thời gian qua. Ngài đã dịch toàn vẹn bài giảng này, và theo sát bản gốc tiếng Ý. Với tất cả lòng kính trọng đối với uy tín của ngài, tôi khiêm tốn xin thưa vời ngài và mọi độc giả rằng: có một chữ quan trọng mà ngài dịch chưa đúng lắm, đó là “ministero” , đươc ngài dịch thành “sứ vụ” thay vì “thừa tác vụ”. “Sứ vụ” hay “sứ mạng” thường được dùng để phiên dịch chữ “missione = La-tinh “missio”, và tại khúc 3 của bài giảng, ngài đã dịch rất chính xác: “…sứ mạng (la missione) mà Thiên Chúa ủy thác cho Giuse”. Xem ra ngài đồng hóa thừa tác vụ với sứ vụ. Ngoài ra một số từ ngữ độc đáo khác của ĐTC chưa được ngài lột tả hết ý nghĩa. Vậy, sau khi nghiền ngẫm, phân tích bản gốc bằng tiếng Ý, có đối chiếu với các bản dịch tiếng Pháp, Anh và Đức được phổ biến trên Trang Mạng Vatican, tôi xin phép cống hiến Quý Vị độc giả bản dịch của tôi, với một số nhận định sau đây về từ ngữ và nội dung bài giảng.

  1. Sứ vụ” (missione) và “Thừa tác vụ” (ministero) khác nhau thế nào?

Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (= SGLHTCH, theo bản dịch chính thức của HĐGMVN đã được Tông Tòa ban Imprimatur, cho phép in) nói như sau:

- “Chúa Giêsu , khi khởi đầu đời sống công khai của Người, đã chọn Nhóm Mười Hai người đàn ông để các ông ở với Người và tham dự vào sứ vụ (La-tinh: missio) của Người. Người cho các ông tham dự vào quyền hành (auctoritas) của Người và ‘sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bênh nhân’ (Lc 9, 2). Các ông được liên kết vĩnh viễn với Nước của Đức Kitô, bởi vì Người sẽ dùng các ông mà điều khiển Hội Thánh”(số 551). Đoạn này chứa đựng ba yếu tố sẽ được triển khai trong những số tiếp theo: các Tông Đồ tham dự vào sứ vụ (1) và quyền hành (2) của Chúa Giêsu và thừa lệnh Chúa mà điều khiển Hội Thánh (3). Yếu tố thứ ba này sẽ được gọi là “thừa tác vụ” (ministerium).

- “Chúa Giêsu ủy thác cho ông Simon Phêrô một sứ vụ độc đáo” (“missionem unicam    ( số 552) (= yếu tố 1).

- “Chúa Giêsu ủy thác cho ông Phêrô một thẩm quyền đặc biệt (auctoritatem specificam)”…-- Nội dung thẩm quyền này là quyền (potestas) cầm buộc và tháo cởi (được biểu trưng bởi hình ảnh “chìa khóa Nước Trời”), cụ thể là “quyền (auctoritas) tha tội, quyền đưa ra những phán quyết về giáo lý và những quyết định về kỷ luật trong Hội Thánh  (= yếu tố 2). Chúa Giêsu ủy thác quyền này (auctoritatem hanc) cho Hội Thánh qua thừa tác vụ của các Tông Đồ, (per Apostolorum ministerium) và đặc biệt (qua thừa tác vụ) của ông Phêrô, người duy nhất (được) Chúa minh nhiên trao phó chìa khóa Nước Trời”(= yếu tố 3) (số 553). Số 553 này liên kết cách đặc biệt “thừa tác vụ” với “quyền bính”.

-“ (Hồng ân cao cả khôn sánh mà Chúa Phục sinh đã làm (= ban) cho Hội Thánh của Người là): sứ vụ (missio) quyền năng (potestas) tha thứ thật sự các tội lỗi, nhờ thừa tác vụ (ministerium) của các Tông Đồ và của những vị kế nhiệm các ngài”(số 983).

 

Ở đây tôi không có chủ ý trình bày với đầy đủ chi tiết ý nghĩa và sự khác biệt của ba từ ngữ then chốt: sứ vụ (missio); quyền (được SGLHTCG gọi bằng hai từ “auctoritas” “potestas” đồng nghĩa, mà bản Việt ngữ  đã dịch thành: quyền/quyền hành/thẩm quyền/quyền năng); và thừa tác vụ (ministerium).  Ít nhất, có thể ghi nhận rằng các trích đoạn trên đây cho thấy từ ngữ “sứ vụ (missio)” không hoàn toàn đồng nghĩa với từ ngữ “thừa tác vụ (ministerium)”. Mặc dầu SGLHTCG, tại số 552, nói: “Chúa Giêsu ủy thác cho ông Simon Phêrô một sứ vụ độc đáo” (“missionem unicam)”, rồi tại số 553 lại nói thêm: “Chúa Giêsu ủy thác quyền này (auctoritatem hanc, tức “quyền cầm buộc và tháo cởi”) cho Hội Thánh qua thừa tác vụ của các Tông Đồ, (per Apostolorum ministerium) và đặc biệt (qua thừa tác vụ) của ông Phêrô “. Có thể “thừa tác vụ” mang một nghĩa cụ thể và hạn hẹp hơn “sứ vụ”. Quyển Từ Điển Công Giáo (2011), của Tiểu Ban Từ Vựng trong Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc HĐGMVN giải thích nghĩa từ nguyên của mục từ “thừa tác vụ” như sau: “Thừa” là  tiếp nhận; “tác” là làm; “vụ” là việc. Thừa tác vụ là công việc được làm theo lệnh”. Như thế “thừa tác vụ nói chung chỉ những công việc mục vụ được thực hiện trong Hội Thánh để phục vụ Thiên Chúa và cộng đoàn, ví dụ: cử hành các bí tích, rao giảng Phúc Âm cứu độ” (Sđd, tr. 334). Đúng như thế, nhưng có lẽ câu văn của SGLHTCG tại số 551 giúp ta hiểu “thừa tác vụ” một cách rõ nét và gãy gọn hơn: “thừa tác vụ” là việc chấp nhận làm công cụ của Chúa Giêsu để “điều khiển Hội Thánh”, bằng cách thi hành quyền bính nhân danh Chúa, thừa lệnh Chúa và thay mặt Chúa. Nghĩa là ý niệm “thừa tác vụ” có liên quan trực tiếp và cụ thể với ý niệm “quyền bính/ quyền hành (auctotritas/potestas). Trong lúc đó ý niệm “sứ vụ”dường như ưu tiên có nghĩa chỉ hành động sai (mittere) ai đó đi làm sứ giả (missus legatus, missionnarius) để thực hiên một nhiệm vụ (munus), chứ không trực tiếp và minh nhiên có liên quan tới “quyền hành”. Có lẽ đó là nét khác biệt cơ bản nhất giữa “sứ vụ” “thừa tác vụ”. Chắc chắn “thừa tác vụ của Phêrô” có cái gì đó đặc biệt hơn và cao hơn thừa tác vụ của các Tông Đồ nói chung, vì Phêrô giữ địa vị thứ nhất trong Nhóm Mười Hai (SGLHTCH số 552), và là Tông Đồ duy nhất được Chúa Giêsu minh nhiên trao phó chìa khóa Nước Trời và đặt làm nền móng của Hội Thánh Chúa (x. Mt 16, 18-19; SGLHTCG số 553), mặc dầu, sau ngày Phục Sinh, Chúa cũng ban quyển tha tội và cầm buộc cho cả Nhóm Tông Đồ (x. Ga 20, 22).

Dầu sao, theo ngôn ngữ chính thức của Tòa Thánh, thì lễ “nhậm chức” (trước đây gọi là “lễ đăng quang” ) của Đức Giáo Hoàng nay được gọi là lễ Khai Mạc hoặc Đánh dấu sự khởi đầu thừa tác vụ Phêrô (Initium ministerii Petrini), chứ không phải lễ “Khai mạc sứ vụ Phêrô(Initium missionis Petrinae). Chính ĐTC Phanxicô cũng dùng từ “thừa tác vụ” (ministero) ba lần: ở đầu [khúc (1)], ở giữa [khúc  (10)] và ở cuối [khúc (13)] bài giảng của ngài. Tôi thiết nghĩ: người Công Giáo Việt Nam, ở nội địa cũng như hải ngoại, nên sử dụng đúng ngôn ngữ chính thức của Giáo Hội hoàn vũ mà đại diện là Tòa Thánh, và của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, dại diện cho Giáo Hội địa phương.

 

2. Trước khi đi vào phân tích bản văn, tôi xin thưa: tôi mạn phép đánh số trong ngoặc đơn các khúc của bài giảng [từ (1) đến (13)], dựa theo các chấm xuống giòng, để dễ bề quy chiếu và giúp độc giả tìm ra nhanh mỗi ý tưởng được nhắc tới. Tôi thấy rằng toàn bộ bài giảng của ĐTC mang dấu ấn sâu đậm của ý nghĩa ngày lễ Thánh Giuse, Quan Thầy của Hội Thánh. Thật vậy, sau phần dạo dầu, bày tỏ tâm tình tạ ơn Chúa và nhớ ơn Vị Tiền Nhiệm [k. (1)], và lời chào gửi đến cử tọa [k. (2)], thì ngay trong khúc (3) là khởi đầu của phần thân bài giảng thực thụ, ĐTC đề cập tới tước hiệu hàm chứa sứ vụ được Thiên Chúa trao phó cho Thánh Giuse là “custos (custode)”, mà tôi xin đề nghị dịch thành “người bảo vệ”, theo sáng kiến của Cha Nguyễn Minh Triệu, sj. Danh từ “người bảo vệ” được ĐTC liên kết với danh từ “sự bảo vệ (custodia)” động từ “bảo vệ (custodire)”. Ý tưởng “bảo vệ” này là sợi chỉ đỏ chạy xuyên suốt bài giảng từ khúc (3) đến khúc (12). Nó được ĐTC nhắc tới 34 lần: 2 lần với danh từ La-tinh “custos”, 7 lần với danh từ tiếng Ý “custode, custodi”, 3 lần với danh từ  tiếng Ý “la custodia”, và 21 lần với động từ tiếng Ý “custodire”, trong số này có 4 lần động từ “custodire” được biến thành danh từ bằng cách thêm mạo từ hoặc quán từ “il” vào phía trước: “il custodire” với nghĩa mạnh hơn và sắc nét hơn danh từ “la custodia”.  Chắc hẳn đây là ý tưởng chủ lực chứa đựng trong từ chìa khóa “custodire”. Tôi có cảm tưởng: ĐTC say sưa tận hưởng ý nghĩa phong phú, sâu sắc của từ chìa khóa này, bởi lẽ từ ngữ “custodire” giúp ngài mở được ý nghĩa của huyền nhiệm ẩn dấu trong “sứ vụ” [k. (3)] và “ơn gọi” [k. (5)] Thiên Chúa dành cho Thánh Giuse, là: bảo vệ Đức Giêsu, bảo vệ Đức Maria và bảo vệ Hội Thánh.

Tôi thấy bài giảng có ba bước chuyển hướng quan trọng diễn ra trong ba khúc: Khúc (5), (khúc 6) và khúc (10), đáng được coi như là ba bản lề:

- Bước chuyển hướng thứ nhất: Trong khúc (5), ĐTC đi từ ơn gọi của Thánh Giuse, mà tại hai khúc (3) và (4) ngài đã gọi là sứ vụ được Thiên Chúa trao phó cho Thánh nhân, sang ơn gọi của các Kitô hữu,  bằng cách chỉ ra rằng Thánh nhân là khuôn mẫu cho chúng ta về cách sống sứ vụ và ơn gọi bảo vệ. Sau khi khẳng định “ Trung tâm của ơn gọi Kitô hữu là Đức Kitô”, ĐTC lên tiếng khuyến dụ chúng ta và đồng thời tự khuyến dụ mình: “Chúng ta hãy bảo vệ Đức Ki-tô trong đời sống chúng ta, để bảo vệ những người khác, để bảo vệ công trình tạo dựng!”. Bước chuyển hướng từ Thánh Giuse sang cộng đồng Kitô hữu dẫn tới bước chuyển hướng từ công đồng Kitô hữu sang cộng động nhân loại.

- Bước chuyển hướng thứ hai: Trong khúc (6) ĐTC nới rộng tầm nhìn về “ơn gọi (hay thiên chức) bảo vệ” để kéo tất cả mọi người vào cuộc, bằng cách khẳng định rằng ơn gọi đó liên quan tới mọi người, vì nó là một chiều kích nhân bản đơn thuần, nghĩa là nằm trong bản chất con người. ĐTC kê khai ra các đối tượng minh nhiên mà mọi người phải bảo vệ, đó là bảo vệ công trình tạo dựng, tức thiên nhiên và môi trường sống của mọi người; đó là bảo vệ con người, tức loài người gồm mọi người và mỗi người: ở đây ĐTC hiểu “bảo vệ” theo một nghĩa nhân bản là “chăm lo cho ai, chăm sóc ai”, và ngài chỉ rõ: đối tượng cần được chăm sóc đặc biệt là các trẻ nhỏ, những người cao niên, những người yếu ớt hơn. Ngài nhắc tới gia đình là một môi trường đặc trưng trong đó diễn ra sự chăm lo cho nhau giữa các thành viên. Và đó cũng là một đối tượng mặc nhiên cần bảo vệ. Và ơn gọi bảo vệ trở thành trách nhiệm của mọi người. ĐTC lên tiếng kêu gọi mọi người: “Các bạn hãy trở nên những người bảo vệ các quà tặng của Thiên Chúa!”.

Sau khi nhắc tới những thiếu sót của loài người chúng ta trong trách nhiệm bảo vệ [khúc (7)], thì ([trong khúc (8)] ĐTC tha thiết kêu gọi mọi người đang nắm trách nhiệm trong xã hội và mọi người thiện chí: “Chúng ta hãy trở thành ‘những người bảo vệ’ công trình tạo dựng, và kế hoạch của Thiên Chúa được khắc ghi trong thiên nhiên, bảo vệ tha nhân và môi sinh”. Và ngài tạo ra một câu nói rất độc đáo: “Chúng ta không phải sợ lòng tốt, và cũng không phải sợ tình yêu thắm thiết-dịu dàng!”. Câu nói này được ngài lặp lại hầu như nguyên văn ở cuối khúc (9). Nó chứa dựng một từ rất đặc biệt và rất khó phiên dịch. Đó là “tenerezza”, mà tôi đã dịch thành “tình yêu thắm thiết-dịu dàng” và sẽ sẽ bàn kỹ hơn sau.

-Bước chuyển hướng thứ ba diễn ra ở khúc (10): ĐTC nhắc lại sự trùng hợp giữa lễ Khai mạc thừa tác vụ của ngài với lễ kính Thánh Giuse [xem. k. (1)], để suy niệm về cách thức ngài phải thi hành quyền bính như thế nào. Ngài nêu ra gương của thánh Phêrô, nhất là gương Thánh Giuse, để nhắc nhở mình và mọi người rằng: “Quyền bính đích thực là sự phục vụ”, “một sự phục vụ với đỉnh cao sáng chói của nó nơi Thánh Giá”. Sự chú mục vào Thánh Giá trong câu nói này gợi nhớ lại bài giảng đầu tiên của ngài trong cương vị Giáo Hoàng trước đoàn Hồng Y ngày 14-03-2013 (xin xem bản dịch của tôi được phổ biến trên Trang Mạng HĐGMVN). Bước chuyển hướng thứ nhất từ Thánh Giuse sang cộng đồng Kitô hữu đã dẫn tới bước chuyển hướng thứ hai từ cộng đồng Kitô hữu sang cộng động nhân loại, thì hai bước chuyển hướng đó nay dẫn tới bước chuyển hướng thứ ba liên quan trực tiếp tới bản thân ĐTC. Và tất cả các chủ thể có liên quan tới ba bước chuyển hướng này (Thánh Giuse, cộng đồng Kitô hữu, cộng đồng nhân loại, và bản thân ĐTC) đều có một mẫu số chung là sứ vụ-ơn gọi-trách nhiệm bảo vệ (custodire).

Tại khúc (11)], bài suy niệm ngắn của ĐTC về ý nghĩa của niềm hy vọng được đúc kết cô đọng trong câu nói sáng chói: “Bảo vệ công trình tạo dựng, bảo vệ từng người nam, từng người nữ với một cái nhìn thấm đẫm tình yêu thắm thiết-dịu dàng và lòng bác ái, là mở ra chân trời hy vọng!”. Rồi ngài đi tới kết luận [tại khúc (12)]: “Bảo vệ Đức Giêsu với Đức Maria, bảo vệ toàn thể công trình tạo dựng, bảo vệ từng con người, đặc biệt người nghèo nhất, bảo vệ chính chúng ta: đó là một công tác phục vụ mà Giám mục Rôma được mời gọi chu toàn, nhưng tất cả chúng ta cũng được mời gọi chu toàn công tác phục vụ ấy để làm cho ngôi sao hy vong tỏa rạng: Với lòng yêu mến, chúng ta hãy bảo vệ điều Thiên Chúa đã ban cho chúng ta”.

Động từ “bảo vệ (custodire)”  cùng với dạng danh từ “người bảo vệ, sự bảo vệ: custos-custode-custodia” -- vang lên dồn dập 34 lần như một leitmotiv, một nhạc tố chủ đạo, một ý lực, từ khúc (3) đến khúc (12), nghĩa là xuyên suốt toàn phần thân của bài giảng, chỉ dài hơn hai trang giấy 4A. Sự kiện khách quan này nói lên một sự thật: ĐTC Phanxicô đã thấy rõ điều cốt lõi trong thừa tác vụ của ngài là làm một người bảo vệ theo gương Thánh Giuse.

 

3. Nét độc đáo ấy trong nhận thức và tầm nhìn của ĐTC kéo theo một nét độc đáo khác nữa trong ngôn ngữ của ngài. Cái từ ngữ chìa khóa-leitmotiv “bảo vệ (custodire)”được tô điểm bằng những từ ngữ rất phong phú diễn tả sinh hoạt của trái tim: ngoài những chữ thông dụng trong ngôn ngữ Kitô giáo như: “amore (tình yêu)”: xuất hiện 3 lần trong bài giảng, “carità (bác ái)”:1 lần, “lòng thương cảm (compassione)”: 1 lần, “tâm tình trìu mến (affetto)”: 3 lần, ĐTC đặc biệt thích dùng chữ “tenerezza” (6 lần), là một chữ rất khó dịch sang tiếng Việt, và cũng tương đối hiếm thấy trong ngôn ngữ của các Đức Giáo Hoàng khác .

- Tiếng Ý “la tenerezza” (tiếng Pháp là “la tendresse”, tiếng Anh: “tenderness”, tiếng Đức: “die Zärtlichkeit”) phải dịch sang tiếng Việt thế nào đây? -- “Sự âu yếm” xem ra có vẻ hơi “phàm tục”, “sự dịu dàng” được Cha Trần Đức Anh dùng, lại chỉ mới diễn tả được khía cạnh bên ngoài, như cử chỉ nhẹ nhàng, êm ái…, mà chưa lột tả hết chiều sâu nội tâm là một tình yêu thắm thiết, nồng nàn. Vậy, để diễn tả hết cả hai khía cạnh bên trong và bên ngoài, tôi đề nghị dùng cụm từ: “tình yêu thắm thiết-dịu dàng”, để dịch một cách nhất quán từ ngữ quan trọng này của ĐTC.

-Ngoài ra, khi mô tả các biểu hiện của “lòng tốt và tình yêu thắm thiết-dịu dàng”của những người thực thi sứ vụ và ơn gọi bảo vệ, ĐTC hay dùng cụm từ “prendere cura, avere cura” (8 lần trong bài giảng), mà người ta có thể dịch thành “chăm sóc” hoặc “chăm lo cho”; tôi dùng cả hai, tuy nhiên tôi thiên về cụm từ thứ hai, vì chăm lo cũng là chăm sóc, nhưng “chăm lo” biểu lộ một sự quan tâm sâu sắc và thưòng xuyên đối với những người mà chúng ta chăm sóc.

Trên đây là một vài nhận định của tôi về bài giảng hết sức đặc biệt của ĐTC Phanxicô trong lễ Khai mạc Thừa tác vụ Phêrô của ngài. Có thể có những sắc thái “chủ quan”. Nhưng bản dịch sau đây thì cố gắng “khách quan”tối đa, mặc dầu có thể chưa phải là một bản dịch hoàn hảo.

(Tôi mạn phép tô màu xanh những từ chìa khóa trong bài giảng).

 

Phi Khanh Vương Đình Khởi, ofm

Đàlạt, Lễ Lá, ngày 24-03-2013

*    *    *

 

Bài giảng của ĐTC PHANXICÔ

 

 

Anh Chị Em thân mến,

 

(1) Tôi cảm tạ Chúa vì được cử hành Thánh Lễ này để khai mạc thừa tác vụ của tôi trong tư cách người kế vị Thánh Phêrô, đúng ngày Đại lễ Thánh Giuse, Bạn Trăm Năm của Đức Trinh Nữ Maria và Quan Thầy của Hội Thánh hoàn vũ: đây là một sự trùng hợp mang rất nhiều ý nghĩa, và cũng là lễ bổn mạng của Vị Tiền Nhiệm kính yêu của tôi: chúng ta ở gần bên ngài bằng lời cầu nguyện đầy tâm tình trìu mến và tri ân.

 

(2) Với tâm tình trìu mến, tôi kính chào các anh em Hồng Y và Giám mục, các Linh mục, Phó tế, Tu sĩ và Nữ tu và toàn thể Tín hữu Giáo dân. Tôi cám ơn các Vị Đại diện của các Giáo Hội và các Cộng đồng Giáo hội khác vì sự hiện diện của Quý Vị, cũng như các Vị Đại Diện Cộng đồng Do Thái và những Cộng đồng tôn giáo khác. Tôi gửi lời chào thân ái tới các Vị Nguyên thủ quốc gia, các Vị đứng đầu Chính phủ, các Phái đoàn chính thức của nhiều Nước trên thế giới và Đoàn Ngoại giao.

 

(3) Trong bài Phúc Âm, chúng ta đã nghe rằng “Giu-se làm theo lời Thiên thần của Chúa truyền lệnh và đã đón vợ mình về nhà” (Mt 1, 24). Những lời này đã hàm chứa sứ vụ Thiên Chúa trao phó cho Giu-se, sứ vụ làm một “custos”, một người bảo vệ. Người bảo vệ cho ai ? Cho Maria và Giêsu; nhưng là một sự bảo vệ cũng mở rộng ra cho Hội Thánh nữa, như Đức Chân phước Gioan Phaolô II đã làm nổi rõ (trong Tông huấn Redemptoris Custos, 1): “Thánh Giuse đã chăm lo cho Đức Maria với tâm tình yêu mến và vui lòng đem hết sức mình giáo dục Đức Giêsu Kitô thế nào, thì cũng như vậy, ngài bảo vệ và che chở Nhiệm Thể của Đức Kitô, là Hội Thánh, mang hình ảnh Đức Thánh Nữ Đồng Trinh, khuôn mẫu của mình”.

 

(4) Giu-se đã thực thi sự bảo vệ này như thế nào?  Một cách thận trọng, khiêm nhường, thầm lặng, nhưng với một sự hiện diện liên lỉ và một lòng trung tín toàn vẹn, cả khi mình không hiểu. Từ lúc kết hôn với Maria cho đến câu chuyện tìm thấy thiếu niên Giêsu mười hai tuổi trong Đền Thờ Giêrusalem, ngài tận tình và ân cần đồng hành (với các Vị) trong từng khoảnh khắc. Ngài ở bên cạnh Maria, người Bạn Trăm Năm của mình, trong những thời buổi thảnh thơi cũng như những thời buổi khó khăn của cuộc sống, trong chuyến đi xa về lại Bê-lem vì cuộc kiểm tra dân số, trong những giây phút lo âu và vui mừng của việc sinh nở; trong khoảnh khắc bi thảm của cuộc chạy trốn sang Ai-cập và những ngày bôn ba đến nghẹt thở để tìm kiếm đứa con nơi Đền Thờ; và sau đó, trong đời sống thường ngày tại gia đình Nadarét, tại xưởng thợ, nơi ngài dạy nghề cho Giêsu.

 

(5) Giuse sống ơn gọi làm người bảo vệ Đức Maria, Đức Giêsu, và Hội Thánh như thế nào? Ngài liên lỉ chăm chú hướng lòng về Thiên Chúa, mở lòng mở trí đón nhận những dấu chỉ của Người, sẵn lòng thực hiện dự tính của Người, chứ không phải dự tính của mình; và đó là điều Thiên Chúa đòi hỏi Đa-vít, như chúng ta đã nghe trong Bài đọc thứ nhất: Thiên Chúa không mong muốn một ngôi nhà do người phàm xây nên, nhưng mong muốn lòng trung tín người ta dành cho Lời của Người, cho kế hoạch của Người; và chính Thiên Chúa là Đấng xây dựng ngôi nhà, nhưng với những viên đá sống động được Thần Khí của Người ghi dấu.Và Giuse là “người bảo vệ”, bởi vì ngài biết lắng nghe Thiên Chúa, biết để cho thánh ý Người hướng dẫn mình, và chính vì lẽ đó, ngài lại càng bén nhạy hơn với tất cả mọi con người được phó thác cho ngài, ngài biết  đọc ý nghĩa của các biến cố với óc thực tế, ngài chăm chú vào những gì xảy ra chung quanh mình và biết đưa ra những quyết định khôn ngoan nhất. Nơi ngài, thưa các bạn thân mến, chúng ta thấy được phải đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa như thế nào, với tinh thần sẵn sàng, mau mắn, nhưng chúng ta cũng thấy được đâu là trung tâm của ơn gọi Kitô hữu: đó là Đức Ki-tô! Chúng ta hãy bảo vệ Đức Ki-tô trong đời sống chúng ta, để bảo vệ những người khác, để bảo vệ công trình tạo dựng!

 

(6) Tuy nhiên, ơn gọi hay thiên chức làm người bảo vệ không chỉ liên quan tới chúng ta là những Kitô hữu, nó mang một chiều kích có trước chúng ta rồi và là một chiều kích nhân bản đơn thuần, nó liên quan tới mọi người. Đó là nhiệm vụ bảo vệ toàn thể công trình tạo dựng, vẻ đẹp của công trình tạo dựng, như Sách Sáng Thế nói cho chúng ta và như Thánh Phanxicô Assisi đã chỉ cho chúng ta: đó là tôn trọng từng thụ tạo của Thiên Chúa và tôn trọng môi trường sống của chúng ta. Đó là bảo vệ con người, chăm lo cho mọi người, cho từng người, với lòng yêu thương, cách riêng chăm lo cho các trẻ nhỏ, các người cao niên, những người yếu ớt hơn và thường chiếm vị trí ngoại biên trong trái tim chúng ta. Đó là chăm lo cho nhau trong gia đình: vợ chồng bảo vệ nhau, rồi trong tư cách là cha mẹ, họ chăm lo cho con cái, và với thời gian, con cái cũng trở thành những người bảo vệ cha mẹ. Đó là chân thành sống tình bạn, mà tình bạn là một cách bảo vệ lẫn nhau trong sự tín nhiệm, lòng kính trọng và mưu cầu thiện ích cho nhau. Xét cho cùng, mọi sự đều được ký thác cho con người để con người bảo vệ, và đó là một trách nhiệm có liên quan tới tất cả chúng ta. Các bạn hãy trở nên những người bảo vệ các quà tặng của Thiên Chúa!

 

(7) Và khi con người thiếu sót trong trách nhiệm bảo vệ này, khi chúng ta không chăm lo cho công trình tạo dựng và cho anh em mình, thì đó là lúc xảy ra sự tàn phá và trái tim trở nên khô cằn. Thật bất hạnh là trong mỗi thời đại của lịch sử vẫn có những “Hêrôđê”cưu mang những mưu đồ giết chóc, hủy hoại và làm méo mó gương mặt con người thuộc cả phái nam và phái nữ.

 

(8) Nếu được phép, tôi muốn xin một điều với tất cả những người đang nắm giữ những vai trò hữu trách trong lãnh vực kinh tế, chính trị hay xã hội, với tất cả mọi người thiện chí thuộc phái nam và phái nữ: chúng ta hãy trở thành “những người bảo vệ” công trình tạo dựng, và kế hoạch của Thiên Chúa được khắc ghi trong thiên nhiên, bảo vệ tha nhân và môi sinh; chúng ta đừng để cho những dấu hiệu của sự tàn phá và sự chết cùng đi theo hành trình của thế giới này! Nhưng để “bảo vệ”, chúng ta cũng phải chăm lo cho chính mình! Chúng ta hãy nhớ rằng hận thù, ghen tương, kiêu ngạo làm hoen ố cuộc sống. Trong trường hợp đó, bảo vệ có nghĩa là cảnh giác với những tâm tình của chúng ta, với trái tim chúng ta, bởi lẽ từ đó nảy sinh những ý hướng tốt và xấu: những ý hướng xây dựng và những ý hướng phá hoại! Chúng ta không phải sợ lòng tốt, và cũng không phải sợ tình yêu thắm thiết-dịu dàng!

 

(9) Và ở đây, lúc này tôi thêm một nhận xét bổ sung: sự chăm lo, sự bảo vệ đòi hỏi người ta phải có lòng tốt, phải sống sự chăm lo và bảo vệ đó với tình yêu thắm thiệt-dịu dàng. Trong các sách Phúc Âm, Thánh Giuse xuất hiện như một con người mạnh mẽ, can đảm, chuyên cần lao động, nhưng trong tâm hồn ngài nổi bật lên một tình yêu thắm thiết-dịu dàng vĩ đại, điều này không phải là một đức tính của kẻ yếu, trái lại nó biểu thị một nghị lực tinh thần và khả năng tập trung sự chăm chú, khả năng thương cảm, thực sự cởi mở với tha nhân và khả năng yêu thương. Chúng ta không phải sợ lòng tốt, và tình yêu thắm thiết-dịu dàng.

 

(10) Hôm nay, cùng với lễ Thánh Giu-se, chúng ta cử hành lễ khai mạc thừa tác vụ của tân Giám mục Rôma, Người Kế Vị Phêrô, thừa tác vụ ấy cũng bao hàm một quyền bính. Hẳn nhiên Đức Giêsu Kitô đã trao ban quyền bính cho Phêrô, nhưng là loại quyền bính nào đây? Tiếp theo sau ba câu hỏi của Đức Giêsu ngỏ với Phêrô về tình yêu, là ba lời mời gọi: Hãy chăn dắt các chiên con, hãy chăn dắt các chiên mẹ của Thầy. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng quyền bính đích thực là sự phục vụ, và cả Giáo Hoàng nữa, để thi hành quyền bính, cũng phải ngày càng tiến sâu hơn vào sự phục vụ đó với đỉnh cao sáng chói của nó nơi Thánh Giá; Giáo Hoàng phải nhìn vào sự phục vụ khiêm tốn, cụ thể, chan chứa lòng tin của Thánh Giuse, và cũng như ngài, mở vòng tay để bảo vệ tất cả Dân Thiên Chúa và đón nhận, với lòng trìu mến và tình yêu thắm thiết-dịu dàng, toàn thể nhân loại, nhất là những người nghèo khổ hơn cả, những người yếu đuối nhất, những kẻ bé mọn nhất, những người mà Thánh Mat-thêu mô tả trong cuộc phán xét cuối cùng về lòng bác ái: những người đói, khát, những ngoại kiều, những người trần truồng, những người đau ốm, những kẻ bị cầm tù (x. Mt 25, 31-46). Chỉ người nào phục vụ với lòng yêu mến mới biết bảo vệ!

 

(11) Trong Bài đọc thứ hai, thánh Phaolô đề cập tới Apraham, người “ đã tin, kiên vững trong niềm hy vọng, mặc dầu không còn gì để hy vọng” (Rm 4, 18).  Kiên vững trong niềm trông cậy, mặc dầu không còn gì để cậy trông! Cả ngày nay nữa, đứng trước biết bao nhiêu hiện tượng của bầu trời ảm đạm, chúng ta cần thấy ánh sáng hy vọng và cần trao ban hy vọng cho chính mình. Bảo vệ công trình tạo dựng, bảo vệ từng người nam, từng người nữ với một cái nhìn thấm đẫm tình yêu thắm thiết-dịu dàng và lòng bác ái, làm như thế là mở ra chân trời hy vọng, là chọc thủng những đám mây dày đặc cho luồng sáng lọt vào, là mang lại nhiệt lượng hy vọng!  Và đối với người có niềm tin, đối với chúng ta, Kitô hữu, như Apraham, như Thánh Giuse, niềm hy vọng mà chúng ta mang trong mình có chân trời của Thiên Chúa, được mở ra cho chúng ta trong Đức Kitô, niềm hy vọng ấy được xây trên đá tảng là chính Thiên Chúa.

 

(12) Bảo vệ Đức Giêsu với Đức Maria, bảo vệ toàn thể công trình tạo dựng, bảo vệ từng con người,  đặc biệt người nghèo nhất, bảo vệ chính chúng ta: đó là một công tác phục vụ mà Giám mục Rôma được mời gọi chu toàn, nhưng tất cả chúng ta cũng được mời gọi chu toàn công tác phục vụ ấy để làm cho ngôi sao hy vong tỏa rạng: Với lòng yêu mến, chúng ta hãy bảo vệ điều Thiên Chúa đã ban cho chúng ta.

 

(13) Tôi xin Đức Trinh Nữ Maria, Thánh Giuse, hai Thánh Phêrô và Phaolô, Thánh Phanxicô chuyển cầu, để Chúa Thánh Linh đồng hành với tôi trong thừa tác vụ của tôi, và tôi xin thưa với tất cả  Anh Chị Em: Hãy cầu nguyện cho tôi. Amen.

 


Văn Kiện Giáo Hội