Về đức Giáo Hoàng Phanxicô

(gpquinhon.org) Thứ ba - 25/06/2013 21:51

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI khiến thế giới kinh ngạc hồi tháng Hai khi ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên từ chức sau 600 năm, để lại đàng sau là một Giáo hội Công giáo La Mã suy yếu bởi những bê bối, bất đồng và cô đơn vì một cảm thức chung là Giáo hội tách biệt với thế giới hiện đại.

Ba tháng sau, cuộc bầu cử đã đưa đức Hồng Y người Argentina Jorge Bergoglio trở thành Giáo Hoàng Phanxicô, dường như phần lớn sự ảm đạm được dỡ bỏ.

Quảng trường Thánh Phêrô một lần nữa như là nam châm thu hút vô số khách hành hương. Các vấn đề thời đức Biển Đức đã dịu lại. Phong cách giản dị, trực tính cùng với sự chú ý đến người nghèo và người bị bỏ rơi của đức Phanxicô đã làm say đắm thế giới.

Bây giờ, đức giáo hoàng đầu tiên từ châu Mỹ La tinh có lượng người đông đảo theo dõi trên Twitter bằng tiếng Tây Ban Nha nhiều hơn các ngôn ngữ khác.

Đức Phanxicô đánh dấu 100 ngày Giáo Hoàng đầu tiên, ngày 20 tháng 6 - thừa nhận sự đánh giá không giới hạn cho tổ chức đã tồn tại 2000 năm đó là điều khó tưởng tượng - sau đây là những gì chúng ta biết được về vị giáo hoàng đặc biệt này:

Phong cách là bản chất

Theo cha Antonio Spadaro, linh mục dòng Tên, biên tập viên tạp chí của Vatican, La Civiltà Cattolica, sự thay đổi quan trọng nhất của đức Phanxicô đem đến triều đại giáo hoàng là tính cách của Ngài “khi hành động là lập tức truyền tải những thông điệp rất mạnh mẽ.”

Đức Phanxicô bắt đầu thay đổi cung cách giáo hoàng ngay từ ngày đầu tiên. Sau khi được bầu làm giáo hoàng, các quản gia Vatican rất ngỡ ngàng khi Ngài kiên quyết ở lại nơi dành cho các vị khách mà Ngài đã ở trong thời gian họp mật tuyển viện.

Giáo hoàng người Argentina sớm làm rõ rằng Ngài không thích giữ các truyền thống và phô trương sức mạnh giáo hội. Ngài từ chối áo choàng, giày, mũ màu đỏ, chỉ chọn bộ áo dài màu trắng đơn giản và thánh giá bằng sắt Ngài đã sử dụng tại Buenos Aires.

Đức Phanxicô nói rằng Ngài sẽ ở lại Vatican vào mùa hè này chứ không đi đến nơi nghỉ hè dành cho giáo hoàng tại Castel Gandolfo. Trong một thế giới thấm nhuần truyền thống và nhiều nghi lễ như Vatican, sự thay đổi trong phong cách thực sự là một vấn đề thuộc về bản chất.

“Ngài nhận sứ vụ mới với sự hăng say và nhiệt tình hết mực”, cha Miguel Yanez, bạn cũ và cựu sinh viên của vị tân giáo hoàng nói.

Hòa đồng

Đỉnh điểm việc phá vỡ quá khứ là quyết định của đức Phanxicô là không ở trong căn hộ giáo hoàng được trang trí công phu mà chọn một phòng nhỏ tại Domus Santa Marta, nhà khách Vatican dành cho hồng y và linh mục.

Ngài đã làm như vậy để tránh trở nên “cô lập”, đức Phanxicô đã giải thích trong lá thử gởi một linh mục bạn.

Đó là dấu chỉ về cách đức Phanxicô hình dung bản thân và công việc mới của mình, đặc biệt là sau khi vụ Vatileaks - vị quản gia của đức Biển Đức bị bắt vì gây rò rỉ tài liệu cá nhân - tài liệu mô tả giáo hoàng hầu như mất liên lạc với các cộng sự và thế giới bên ngoài.

Đức Phanxicô bắt đầu dâng lễ hàng ngày với các nhóm nhân viên Vatican khác nhau tại Santa Marta. Các bài giảng nhiều sắc thái, khuyến khích, ứng khẩu trở thành một trong những tính cách đặc biệt triều đại giáo hoàng của ngài.

Tuy nhiên, các bài giảng thân mật của đức Phanxicô đã làm cho các quan chức Vatican bối rối, vẫn chưa biết phải làm gì với những phản đối ngay thẳng của Ngài về “chủ nghĩa chiến thắng” của giáo hội, sự kiêu hãnh và ham danh vọng. Trong nhiều tháng, các bài giảng đó thậm chí không thấy xuất hiện trên trang Vatican, nơi tất cả các hoạt động và bài phát biểu của đức Thánh Cha đều được phổ biến.

Một giáo hội cho người nghèo

Những bài giảng hàng ngày của đức Phanxicô chủ yếu tập trung vào những gì đang nổi lên như là chủ đề trung tâm của triều đại giáo hoàng của mình: xây dựng một “giáo hội nghèo, cho người nghèo,” như ngài đã đề cập với các phương tiện truyền thông thế giới một vài ngày sau khi được bầu chọn.

Mối quan tâm đến “những người nghèo nhất, yếu đuối nhất, ít quan trọng nhất” đã nổi lên trong các cuộc xuất hiện trước công chúng của Ngài từ Lễ nhậm chức ngày 19 tháng 3. Gần như hàng tuần, đức Phanxicô kêu gọi các tu sĩ đến với những người sống bên lề xã hội.

Điều dễ thấy nhất là trong Tuần Thánh khi đức Phanxicô rửa chân cho 12 tù nhân vị thành niên, trong đó có hai cô gái, trong chuyến thăm nhà tù ở Roma. Trong khi nội bộ Vatican vẫn đang vật lộn cải tổ lại những bê bối của ngân hàng. Hơn một lần, đức Phanxicô nói rằng cả Thánh Phêrô cũng như Thánh Phaolô, không ai có bất kỳ tài khoản ngân hàng nào.

“Khi Thánh Phêrô cần phải nộp thuế, Chúa sai ông đi biển để đánh bắt cá và tìm thấy tiền trong miệng cá để đem đi nộp thuế”, Ngài nói hôm thứ Ba (11 tháng 6).

Đức Phanxicô liên tục lên án chủ nghĩa tiêu thụ và những gì Ngài gọi là “văn hóa rác thải” của nền kinh tế hiện đại, và nói rõ rằng bảo vệ môi trường là mối ưu tiên hàng đầu của giáo hội.

Cùng đồng quan điểm với vị tiền nhiềm, đức Phanxicô lên án chủ nghĩa tư bản chối bỏ trách nhiệm chỉ tập trung đơn thuần vào lợi nhuận, nhưng mức độ và tính mãnh liệt nhắm vào những vấn đề này hoàn toàn mới lạ.

Một văn hóa khác biệt

Đức Phanxicô không nhấn mạnh chi tiết “phúc âm xã hội,” Ngài cũng ít nói đến nạn phá thai hay hôn nhân đồng tính như các vị tiền nhiệm.

Nếu đức Biển Đức cảnh báo về “chủ nghĩa độc tài tương đối” thì trong bài phát biểu với nhóm các đại sứ đến từ những thiên đường thuế như Luxembourg và Antigua, đức Phanxicô đã nặng lời với “chế độ độc tài kinh tế thực sự thiếu các mục tiêu nhân đạo.”

Tiền bạc phải “phục vụ” con người chứ không phải “làm chủ” con người.

Không ai nghi ngờ về quan điểm chống phá thai của vị tân giáo hoàng, thực tế là Ngài đã lên án việc phá thai nhưng không làm cho nó trở thành như một vấn đề chuẩn mực trong triều đại giáo hoàng của mình.

Và ngay cả khi Giáo hội Công giáo Pháp tham gia cuộc chiến chống lại hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính với hàng trăm ngàn người xuống đường, đức Phanxicô hiếm khi đề cập đến.

Thay vì đổ lỗi cho các phương tiện truyền thông, đức Thánh Cha liên tục nhắc nhở ma quỷ mới là kẻ thù thực sự của người Công giáo và cho rằng tham dự vào một trận đấu thiêng liêng vì sự canh tân và cứu rỗi hơn là đấu tranh vì những lợi ích đảng phái và chính trị nhỏ nhen.

Việc còn dang dở

Mặc dù có những bước thành công thú vị, 1,2 tỉ người Công giáo trên toàn thế giới vẫn đang tự hỏi liệu vị tu sĩ dòng Tên 76 tuổi có thể đưa ra cải cách thực sự cho bộ máy hành chính quan liêu qua nhiều thế kỷ của Vatican.

Một tháng sau cuộc bầu cử, ngài đã bổ nhiệm một nhóm tám hồng y xây dựng kế hoạch cải cách Giáo triều. Tuy nhiên, vẫn chưa có cuộc gặp gỡ nào cho ​​đến tháng Mười.

Tại Vatican, tất cả các trợ lý và chức vụ do đức Biển Đức bổ nhiệm - bao gồm cả vị Bộ trưởng Ngoại giao thiếu sắc xảo, đức Hồng Y Tarcisio Bertone - vẫn đang tại vị, ít nhất là tạm thời.

Theo linh mục Spadaro, đức Phanxicô vẫn còn trong giai đoạn “lắng nghe”, tìm hiểu những người xung quanh và đánh giá các vấn đề đang thách thức giáo hội.

Vì vậy, ngay cả khi Đức Phanxicô trở thành giáo hoàng với kỳ vọng có nhiều thay đổi, “thật không đúng nếu bây giờ đánh giá năng lực của ngài về vấn đề cải tổ giáo hội,” vị linh mục nói.

Đức Phanxicô từng lãnh đạo dòng Tên và là Tổng Giám mục ở Argentina điều đó cho thấy Ngài có thể đưa ra các quyết định lớn lao. “Nhưng sẽ không đột ngột, Ngài làm điều đó sau khi xem xét và cân nhắc một cách thận trọng.”

Tác giả bài viết: Alessandro Speciale cho Religion News Service 

Nguồn tin: Ucanews

 


Mục Lục Thoáng Suy Tư