Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi Tiếp Kiến Chung sáng thứ Tư 08.04.2015: GIA ĐÌNH – Mục 9. CON CÁI (II)

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

 

Trong khuôn khổ loạt bài Giáo Lý về Gia Đình, ngày hôm nay chúng ta sẽ kết thúc những chiêm ngưỡng của chúng ta về những người con cái, mà chúng có ý nghĩa như là hoa trái tốt đẹp nhất của đôi vợ chồng được chúc lành bởi Đấng tạo Hóa. Chúng ta đã đề cập đến khía cạnh con cái như là đại hồng ân. Thật tiếc rằng, hôm nay chúng ta sẽ phải hướng về „những câu chuyện đầy khổ đau“ mà nhiều em bé đã phải trải qua.

Rất nhiều em bé đã bị khước từ và bị bỏ rơi ngay từ đầu, chúng đã bị cướp đi mất tuổi thơ và tương lai của mình. Có một người dám nói như là một sự thanh minh rằng, việc sinh con cái là một lỗi lầm. Đó là điều bỉ ổi! Nhưng chúng ta không được phép đổ trách nhiệm của chúng ta lên con cái! Con cái không bao giờ là „một lầm lỗi“. Sự đói khát của chúng cũng không phải là một lầm lỗi như sự nghèo túng, như tính dòn mỏng và như việc bị bỏ rơi của chúng – nhiều em nhỏ bị đẩy ra đường phố - và cũng không phải là sự thiếu hiểu biết của chúng hay là sự bất lực của chúng – nhiều em bé không biết lầm lỗi là gì. Hơn nữa, điều này còn là những lý do để yêu thương chúng hơn nữa cũng như yêu thương chúng với sự quảng đại hơn. Những tuyên bố một cách trang trọng về quyền con người và quyền trẻ em sẽ có ích gì cho chúng ta nếu như chúng ta lại đi trừng phạt trẻ em vì những lỗi lầm của người lớn?

Những người được trao phó trách vụ lãnh đạo và giáo dục – nhưng theo quan điểm của Cha là tất cả những người lớn – mang trong mình trách nhiệm đối với các em nhỏ và đối với hành động cá nhân ở mức độ tốt nhất có thể trong việc thay đổi tình trạng này. Ở đây, Cha liên hệ đến nỗi đau khổ của các em nhỏ. Bất cứ một em nhỏ nào đang bị loại trừ, bị bỏ rơi, đến độ chúng phải sống trên các đường phố, đều phải đi ăn xin và đều bị lạm dụng cho tất cả mọi loại công việc cứu trợ và không có bất kỳ sự tiếp cận nào với việc được giáo dục tại trường học cũng như với việc được cung cấp thuốc men và y tế, đó là một tiếng kêu thấu tới trời và là một lời tố cáo đối với hệ thống được kiến tạo bởi người lớn chúng ta. Tiếc rằng, những em bé ấy lại sa vào trong những tổ chức tội phạm để trở thành những nạn nhân bị lợi dụng cho những hoạt động bất nhân, mà những hoạt động ấy lại đào tạo chúng cho những cuộc chiến hay cho những hành vi bạo lực. Tuy nhiên, ngay trong những quốc gia được coi là phồn thịnh, các em nhỏ cũng phải sống hoàn cảnh như vậy chỉ vì một sự khủng hoảng trong gia đình, vì những sao nhãng trong việc giáo dục hay đôi khi vì những điều kiện sống vô nhân, vì những bi kịch mà chúng để lại những vết hằn sâu. Trong bất cứ trường hợp nào đi nữa thì thân xác và tâm hồn của các em cũng đều phải trải qua những thương tổn trong thời ấu thơ. Nhưng không có em nào trong số những em này sẽ bị lãng quên bởi Cha trên trời! Không giọt nước mắt nào của các em sẽ bị phí phạm! Trách nhiệm của chúng ta cũng sẽ không bị trở nên vô ích, trách nhiệm xã hội của con người, của mỗi người trong chúng ta, và của các chính phủ.

Chúa Giê-su đã từng có lần khiển trách các môn đệ của Ngài vì các ông đã ngăn cản các em bé khi chúng được cha mẹ mang đến với Ngài để Ngài chúc lành cho chúng. Trình thuật Tin Mừng này làm cho người ta rất xúc động: „Bấy giờ người ta dẫn các trẻ nhỏ đến với Chúa Giê-su để Ngài đặt tay trên chúng và cầu nguyện. Các môn đệ la rầy chúng. Nhưng Chúa Giê-su nói: ´Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng.` Ngài đặt tay trên chúng rồi đi khỏi nơi đó.“ (Mt 19, 13-15). Sự tín thác này của những người cha mẹ và câu trả lời của Chúa Giê-su thật tuyệt vời biết là chừng nào! Cha rất mong muốn rằng, trang sách này sẽ trở thành câu chuyện bình thường của tất cả mọi em nhỏ! Trong thực tế, các em nhỏ thường thấy cha mẹ rất khác thường với những điều khó khăn to lớn, mà những người cha mẹ ấy luôn sẵn sàng cho bất cứ hy sinh nào cũng như cho bất cứ hình thức quảng đại nào. Nhưng những người cha mẹ ấy không nên bị để cho đơn độc! Chúng ta nên đồng hành với họ trong những nỗ lực của họ, nhưng cũng nên tặng họ những khoảnh khắc vui tươi được sẻ chia cùng với bầu không khí hân hoan thoải mái và tự nhiên, để họ không bị chiếm dụng một cách độc quyền bởi những thói quen cần chữa trị.

Khi nói về con cái, không có trường hợp nào mà các từ ngữ được phép áp dụng như là những công thức pháp lý chính thức nhằm biện hộ, chẳng hạn như: „Xét cho cùng thì chúng ta cũng không phải là một tổ chức từ thiện“ hay „trong lãnh vực cá nhân thì mỗi người đều có thể làm những gì mình muốn“, hoặc cũng có thể là: „Nhưng thật tiếc là chúng tôi không thể làm gì“. Tất cả những lời vừa nêu đều vô dụng khi nói về trẻ em.

Rất thường khi trẻ em cảm thấy những hệ quả của một cuộc sống bị bị hủy hoại vì một công việc hiểm nghèo và được trả lương thấp, không phải là những thời gian có thể thanh toán được và những phương tiện chuyên chở kém hiệu năng… Thế nhưng con cái cũng phải trả giá cho những mối kết hợp thiếu cân nhắc và những cuộc chia ly vô trách nhiệm: chúng là những nạn nhân đầu tiên; chúng gánh chịu hậu quả của một nền văn hóa với những quyền lợi cá nhân cực đoan, và rồi trở thành những đứa con đầu tiên của những quyền lợi ấy. Chúng thường tiếp nhận bạo lực mà chúng không thể „dũ bỏ“ được, và vì thế bị ép buộc phải làm quen trước mắt với những đổ vỡ to lớn.

Thế nhưng, cũng như trong quá khứ, Giáo hội đặt tình mẫu tử của mình vào trong sự phục vụ các em nhỏ cũng như gia đình của các em. Giáo hội chuyển phúc lành của Thiên Chúa, sự dịu hiền từ mẫu, lời khiển trách cứng rắn và sự lên án mạnh mẽ đến cho các bậc cha mẹ và các em nhỏ trong thế giới hiện tại của chúng ta. Trong cách xử sự với trẻ nhỏ, không có chi để bỡn cợt!

Anh chị em hãy thử nghĩ xem, một xã hội sẽ như thế nào khi xã hội ấy ấn định một nguyên tắc sau đây cho tất cả mọi trường hợp: „Quả là chúng ta không hoàn hảo và chúng ta phạm rất nhiều lỗi lầm. Nhưng nếu vấn đề là các em nhỏ được sinh ra, thì rồi không có sự hy sinh nào của người lớn sẽ bị xếp loại như là quá đắt đỏ hay quá lớn để ngăn ngừa trước việc một em bé coi mình như là một lỗi lầm, hay có cảm giác như là mình không có giá trị gì, cũng như có cảm giác là mình bị liên lụy đến những tổn thương của cuộc sống hay sự chuyên quyền của người lớn“. Một xã hội như thế thì tuyệt vời biết là chừng nào! Cha nói rằng, một xã hội như thế sẽ có thể được tha thứ cho muôn vàn những lầm lỗi của mình. Thực sự là rất nhiều!

Ước gì Thiên Chúa sẽ đánh giá cuộc sống chúng ta theo những gì mà các Thiên Thần của các em nhỏ sẽ báo cáo với Ngài; đó là những Thiên Thần „hằng chầu chực trước nhan Cha trên trời“ (xc. Mt 18,10). Chúng ta hãy luôn luôn tự hỏi: „Các Thiên thần của các em nhỏ này sẽ báo cáo những gì về chúng ta trước nhan Thiên Chúa?“

 

Vatican ngày 08 tháng 04 năm 2015

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội