Bài Huấn Dụ của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng tại quảng trường Thánh Phê-rô trưa Chúa Nhật 19.04.2015: „Nội dung của chứng tá Ki-tô giáo chính là Tin Mừng cứu độ“

 

 

*Trước khi đọc Kinh lạy Nữ Vương Thiên Đàng:

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

 

Trong trình thuật Kinh Thánh của Phụng Vụ hôm nay, chúng ta gặp gỡ từ „Chứng Nhân“ tới hai lần. Lần đầu tiên, đó là thuật ngữ được sử dụng bởi Thánh Phê-rô: Thánh Nhân đã nói ra từ ấy sau cuộc chữa lành người bất toại tại cổng đền thờ Giê-ru-sa-lem: „Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người chỗi dậy từ cõi chết: Chúng tôi là những Chứng Nhân về điều đó“ (Cv 3,15). Lần thứ hai, thuật ngữ ấy nằm trong lời nói của Chúa Giê-su phục sinh: Vào buổi chiều ngày Phục Sinh, Chúa Giê-su đã mở trí cho các Tông Đồ để các ông hiểu về mầu nhiệm chết và phục sinh của Ngài, đồng thời Ngài nói với các ông những lời sau: „Chính anh em sẽ là Chứng Nhân của những điều đó!“ (Lc 24,48). Các Tông Đồ đã nhìn thấy Đấng Phục Sinh bằng cặp mắt riêng, và đã không thể câm lặng về kinh nghiệm tuyệt vời ấy. Chúa Giê-su đã mạc khải chính mình ra cho các Tông Đồ để chân lý về sự Phục Sinh của Ngài có thể đến được với tất cả mọi người nhờ vào chứng tá của các ông. Và Giáo hội đã nhận lãnh nhiệm vụ tiếp tục sứ mạng này trong mọi thời đại; bất cứ ai đã được lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy cũng đều được kêu gọi để làm chứng bằng lời nói và cuộc sống riêng của mình rằng, Chúa Giê-su đã phục sinh và Ngài đang sống cũng như đang hiện diện giữa chúng ta.

Chúng ta có thể tự hỏi: Ai là một Chứng Nhân? Một Chứng Nhân chính là một con người đã nhìn thấy một điều gì đó, nhớ tới điều đó và thuật lại điều đó. Nhìn thấy, nhớ và tường thuật – căn tính và sứ mạng của một Chứng Nhân được mô tả với ba động từ ấy. Một Chứng Nhân là một con người đã thấy; tuy nhiên, không phải với cặp mắt thờ ơ lãnh đạm. Người ấy đã thấy và đã để cho mình được gây ấn tượng bởi sự kiện. Từ lý do ngày, người ấy nhớ tới sự kiện đó và có thể tái hiện lại vụ việc không chỉ rõ ràng, nhưng còn được tạo ấn tượng bởi biến cố và nhận ra ý nghĩa thâm sâu của nó. Chứng Nhân không tường thuật lại sự kiện trong hình thức nhạt nhẽo và dè dặt, nhưng như một ai đó để cho chính mình được đặt vào trong câu hỏi và biến đổi cuộc sống của mình từ ngày này sang ngày khác. Một Chứng Nhân là bất kỳ một ai đó đã thay đổi cuộc sống của mình.

Nội dung của chứng tá Ki-tô giáo không phải là lý thuyết, không phải là hệ tư tưởng và cũng không phải là hệ thống phức hợp của những quy định và những luật điều. Nhưng đó là một Tin Mừng cứu độ, là một biến cố cụ thể và là một ngôi vị: Chúa Ki-tô đã phục sinh và đang sống, Đấng Cứu Độ của tất cả mọi người. Ngài có thể được làm chứng bởi tất cả những ai đã có được kinh nghiệm cá nhân về Ngài trong Giáo hội của Ngài – nhờ vào một con đường mà nó tiếp nhận tình trạng căn bản của Ngài với Bí Tích Thanh Tẩy cũng như liên quan tới lương thực của Ngài từ Bí Tích Thánh Thể, có được kinh nghiệm về sự niêm ấn của Ngài với Bí Tích Thêm Sức, và thường xuyên nếm trải niềm hoán cải trong sự sám hối. Nhờ vào con đường được dẫn dắt thường xuyên bởi Lời Chúa, bất cứ một Ki-tô hữu nào cũng có thể trở thành một Chứng Nhân cho Chúa Ki-tô Phục Sinh. Và nếu như chứng tá của người ấy càng trở nên đáng tin cậy hơn thì một cuộc sống được dẫn vào trong ý nghĩa của Tin Mừng, được lấp đầy bởi niềm vui, can đảm, dịu hiền, đầy bình an, và nhân hậu, lại càng tỏa sáng hơn. Trái lại, nếu một Ki-tô hữu để cho mình bị xâm chiếm bởi sự tiện nghi và sự thoải mái, cũng như bởi tính kiêu căng; nếu người ấy trở nên mù điếc trước câu hỏi về „sự phục sinh“ của nhiều người anh chị em, thì người Ki-tô hữu đó có thể loan báo Chúa Ki-tô hằng sống, loan báo sức mạnh giải phóng cũng như loan báo sự dịu hiền khôn cùng của Ngài như thế nào đây?

Ước gì Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của chúng ta, qua lời bầu cử của Mẹ, sẽ ban cho chúng ta một điểm tựa, để chúng ta có thể trở nên những Chứng Nhân của Chúa Phục Sinh, nhờ vào hồng ân Đức Tin, bất chấp những giới hạn của chúng ta, nhờ đó chúng ta sẽ chuyển giao hồng ân niềm vui và bình an của Đại Lễ Phục Sinh đến cho những con người mà chúng ta gặp gỡ.

*Sau khi đọc Kinh lạy Nữ Vương Thiên Đàng:

Anh chị em thân mến,

trong những tiếng đồng hồ vừa rồi, chúng ta đã nhận được những tin tức liên quan đến một thảm kịch mới tại Địa Trung Hải. Trong đêm vừa qua, một con tàu chở người tị nạn đã bị lật tại vùng biển nêu trên, nằm cách bờ biển Libia chừng 60 hải lý. Người ta lo ngại rằng, hàng trăm người trong số họ đã bị chết đuối. Cha xin bày tỏ nỗi đau buồn thẳm sâu của Cha khi chứng kiến thảm kịch này, và Cha xin cam đoan về sự tưởng nhớ cũng như lời cầu nguyện của Cha đối với những người đã tử nạn và với các thành viên trong gia đình của họ. Từ tận đáy lòng được lấp đầy bởi nỗi khổ đau của tôi, tôi xin hướng lời kêu gọi đến cộng đồng quốc tế, xin hãy phản ứng một cách cương quyết và mau lẹ hầu cho thảm kịch kinh khủng này không còn lập lại nữa. Những người nam và những người nữ này giống như chúng ta, họ là những người anh chị em của chúng ta; họ là những người đói khát, những người bị bách hại, những người bị gây thương tổn, những người bị bóc lột, và là những nạn nhân của chiến tranh, họ đang trên đường kiếm tìm một cuộc sống tốt hơn cũng như kiếm tìm niềm hạnh phúc… Cha mời gọi anh chị em, trước hết hãy cầu nguyện trong thinh lặng, và sau đó chúng ta sẽ cùng cầu nguyện chung với nhau cho những người anh chị em này.

Kính Mừng Maria

Cha xin gửi lời chào nồng nhiệt tới tất cả anh chị em đã đến đây từ Ý và từ nhiều vùng miền khác nhau trên thế giới: Cha xin kính chào những người hành hương đến từ Giáo phận de Santo André của Brasin, kính chào những người hành hương đến từ Berlin, từ München và từ Köln; kính chào các sinh viên đến từ Grafton (Australia) cũng như các sinh viên đến từ Santa Feliu de Llobregat (Tây-ban-nha). Cha xin kính chào những người Ba-lan đến từ Giáo phận Rzeszów, và Cha xin bày tỏ sự gần gũi của Cha với các tham dự viên của „cuộc hành quân cho sự thánh thiêng của sự sống“ đang diễn ra tại Warschau, Cha khuyến khích họ hãy thường xuyên bảo vệ và thúc đẩy sự sống của con người.

Cha cũng xin nồng nhiệt kính chào các đại diện của phong trào Công Giáo Tiến Hành của Formia, các tín hữu đến từ Mi-lan, từ Lodi, từ Limbiate và từ Torre di Boldone (Bergamo), các bạn trẻ đến từ Turin, từ Senigallia, từ Almenno San Salvatore, từ Villafontana và từ Gràssina, các bạn trẻ đến từ Novanta Vicentina và Catania, Ca Đoàn đến từ Trecate và các thành viên của câu lạc bộ Lion.

Nhân dịp ngày quốc tế được cử hành hôm nay nhằm hỗ trợ các trường cao học, Cha xin gửi lời chào đặc biệt tới nhóm các sinh viên Công Giáo của Đại Học Thánh Tâm. Việc đại học này có thể tiếp tục đào tạo những người trẻ về Đức Tin và khoa học, về đạo đức và văn hóa được nối kết với tính chuyên nghiệp, thực là một điều quan trọng.

Hôm nay, một cuộc trưng bày cách trang trọng về Tấm Khăn Niệm Turin sẽ được khai mạc tại Turin. Nếu Chúa muốn, vào ngày 21 tháng 06 này, Cha cũng sẽ đến để tôn kính tấm Khăn Niệm tại thủ đô của vùng Piemonta ấy. Cha bày tỏ niềm mong muốn rằng, hành vi tôn kính này sẽ giúp tất cả mọi người nhận ra được dung nhan đầy nhân hậu của Thiên Chúa trong Chúa Giê-su Ki-tô, cũng như nhận ra Ngài trong tất cả mọi người anh chị em, đặc biệt là trong những con người đang phải đau khổ nhất.

Xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho Cha đấy nhé! Cha xin chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật tuyệt đẹp, cũng như xin chúc anh chị em một bữa ăn trưa đầy phúc lành. Hẹn gặp lại anh chị em!

 

Vatican ngày 19 tháng 04 năm 2015

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 

 


Văn Kiện Giáo Hội