Bài Huấn Dụ của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa Nhật 03.05.2015: „Mỗi người trong chúng ta đều là một cành nho trong một cây nho duy nhất

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

 

Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật cho chúng ta biết về Chúa Giê-su trong bữa Tiệc Ly. Trong giây phút ấy, Ngài đã ý thức được rằng, sự chết của Ngài đang sắp diễn ra, và „giờ“ của Ngài đã đến. Đây là lần cuối cùng Ngài hiện diện giữa các môn đệ của Ngài, và Ngài muốn khắc ghi vào trong lòng họ một chân lý nền tảng: thậm chí khi Ngài không còn hiện diện bằng thân xác giữa các môn đệ nữa, các ông cũng vẫn có thể hiệp thông với Ngài bằng một cách thế mới, và nhờ thế, mang tới nhiều hoa trái.

Tất cả chúng ta đều có thể kết hiệp với Chúa Giê-su bằng một cách thế mới. Trái lại, khi một ai đó đánh mất đi sự hiệp nhất và sự hiệp thông ấy với Ngài, thì người đó sẽ trở nên khô cằn và trở nên nguy hại đối với cộng đoàn. Để diễn tả thực tại này cũng như hình thức mới của sự hiệp nhất ấy với Ngài, Chúa Giê-su đã sử dụng hình ảnh cây nho và cành nho, và nói những lời sau đây: „Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, anh em là cành“ (Ga 15,4-5). Hình ảnh này của Chúa Giê-su dậy cho chúng ta biết, chúng ta có thể ở lại trong Ngài như thế nào, và có thể hiệp thông với Ngài như thế nào, ngay cả khi Ngài không hiện diện bằng thân xác.

Chúa Giê-su là cây nho, và nhờ Ngài – giống như trong trường hợp nhựa trong cây – Tình Yêu của Thiên Chúa, của Chúa Thánh Thần sẽ lan truyền sang các cành nho. Do đó, chúng ta là những cành nho, và thông qua hình ảnh có tính ẩn dụ này, Chúa Giê-su muốn làm cho chúng ta hiểu ra được ý nghĩa của việc ở lại trong Ngài và hiệp thông với Ngài. Tuy nhiên, những cành nho không độc lập, nhưng chúng phụ thuộc hoàn toàn vào cây nho mà nguồn sự sống của những cành nho tồn tại trong đó. Đối với các Ki-tô hữu, vấn đề cũng giống hệt như thế. Được tháp nhập vào trong Chúa Ki-tô nhờ Bí Tích Thanh Tẩy, chúng ta đã đón nhận từ Ngài hồng ân sự sống một cách nhưng không, và chúng ta có thể lưu lại trong một sự hiệp thông sự sống. Chúng ta phải trung tín với Bí Tích Thanh Tẩy, và phải lớn lên trong tình bằng hữu với Thiên Chúa nhờ vào việc cầu nguyện hằng ngày, chăm chú lắng nghe Lời Ngài – qua việc đọc Tin Mừng – cũng như tham dự các Bí Tích, đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Giao Hòa. Khi một người hiệp thông khắng khít với Chúa Giê-su, người ấy sẽ nhận được các hồng ân của Chúa Thánh Thần. Những ơn đó được liệt kê trong những lời sau đây của Thánh Phao-lô: „Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, và tiết độ“ (Gl 5,22). Vì vậy, một người Ki-tô hữu như thế sẽ đem đến cho tha nhân cũng như cho cộng đồng xã hội những điều hết sức tốt đẹp. Thực tế, từ những thái độ ấy, người ta nhận ra được một người nào đó là một Ki-tô hữu đích thực, giống hệt như khi người ta nhận ra cây nhờ vào hoa trái của nó. Hoa trái của sự hiệp nhất sâu xa này với Chúa Giê-su thì thật tuyệt vời; toàn thể con người chúng ta sẽ được biến đổi nhờ vào ân sủng của Chúa Thánh Thần: Tâm hồn chúng ta, lý trí của chúng ta, ý chí của chúng ta, mối thiện cảm của chúng ta, kể cả thân xác của chúng ta nữa, vì chúng ta hình thành nên từ thân xác và tinh thần. Chúng ta tiếp nhận một hình thức hiện hữu mới; sự sống của Chúa Giê-su trở thành sự sống của chúng ta; chúng ta có thể suy nghĩ như Ngài và hành động như Ngài, cũng như có thể nhìn xem thế giới và sự vật với cặp mắt của Chúa Giê-su. Vì thế, chúng ta có thể yêu thương những người anh chị em của chúng ta, đặt biệt là những người nghèo túng và những người đau khổ, giống như Ngài đã từng làm điều ấy, và yêu thương họ bằng con tim của Ngài, và mang nhiều hoa trái của những điều thiện hảo, của lòng thương xót và của sự bình an vào trong thế giới.

Mỗi người trong chúng ta đều là một cành nho của một cây nho duy nhất; tất cả chúng ta cùng được kêu gọi hãy mang hoa trái của sự cùng thuộc về Chúa Ki-tô cũng như cùng thuộc về Giáo hội. Chúng ta hãy tín thác vào lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria để chúng ta có thể trở nên những cành nho sống động của Giáo hội, và có thể làm chứng cho Đức Tin qua một cách thế hoàn toàn nhất quán trong đời sống và trong suy nghĩ, trong đời sống và trong Đức Tin, trong sự ý thức rằng, tất cả chúng ta đều tham dự vào trong sứ mạng mang đến ơn cứu độ của Chúa Ki-tô, tùy theo ơn gọi đặc biệt của mỗi người.

 

Vatican ngày 03 tháng 05 năm 2015

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ