Bài Giảng của ĐTC Phan-xi-cô trong Thánh Lễ Tôn Phong Bốn Vị Hiển Thánh ngày 17.05.2015: „Ở lại trong Thiên Chúa và trong Tình Yêu của Ngài

Anh chị em thân mến,

Bài trích sách Công Vụ Tông Đồ hôm nay tường thuật cho chúng ta biết về việc Giáo hội đang trải qua một khoảnh khắc mà trong đó Giáo hội phải tuyển chọn một người do Thiên Chúa kêu gọi để thế chỗ cho Giu-đa trong Tông Đồ đoàn. Đây không phải là việc đón nhận một chức vụ, nhưng là đón nhận một sự phục vụ. Trong thực tế, Mathia đã đón nhận một sứ vụ mà nó là kết quả của một cuộc bầu chọn, và sứ vụ ấy đã được Thánh Phê-rô mô tả bằng những lời sau: „Vậy phải có một người trở thành chứng nhân cùng với chúng tôi để làm chứng cho sự phục sinh của Chúa Ki-tô“ (Cv 1,21-22). Với những lời đó, Thánh Nhân đã tóm tắt cho biết, việc tham gia vào nhóm Mười Hai có nghĩa là gì: Trở thành chứng nhân cho sự phục sinh của Chúa Giê-su. Thực ra, khi Ngài nói „cùng với chúng tôi“, điều này có thể hiểu rằng, sứ mạng công bố Chúa Ki-tô Phục Sinh không phải là một sứ mạng có tính cá nhân: sứ vụ ấy có tính cộng đồng để chia sẻ với Tông Đồ đoàn và với cộng đoàn.

Các Tông Đồ đã trải qua một kinh nghiệm phục sinh một cách trực tiếp và tuyệt vời; các Ngài chính là những người chứng kiến tận mắt biến cố ấy. Nhờ vào chứng tá đầy uy tín của các Ngài mà nhiều người đã tin. Niềm tin vào Chúa Ki-tô đã và đang thường xuyên dẫn tới sự xuất hiện của các cộng đoàn Ki-tô giáo. Ngay cả trong thời đại hôm nay, Đức Tin của chúng ta vào Chúa Ki-tô phục sinh cũng được đặt nền tảng trên chứng tá của các Tông Đồ, và chứng tá ấy cũng tới được với chúng ta nhờ vào sứ mạng của Giáo hội. Đức Tin của chúng ta được liên kết một cách chắc chắn với chứng tá của các Ngài, và đồng thời hình thành nên một chuỗi chứng tá không bị đứt quãng, và chuỗi chứng tá này tiếp tục được chuyển giao trong suốt các thế kỷ, không chỉ trong số những người kế vị các Tông Đồ, nhưng từ thế hệ Ki-tô hữu này tới thế hệ Ki-tô khác. Theo gương của các Thánh Tông Đồ, ngày hôm nay, bất cứ người môn đệ nào của Chúa Giê-su cũng thực sự được kêu gọi để trở nên chứng nhân cho sự phục sinh của Ngài; trước hết, trong bất cứ lãnh vực nào của con người mà trong đó sự lãng quên Thiên Chúa và sự lầm đường lạc lối của con người đang ở mức mạnh mẽ nhất.

Để điều đó trở thành hiện thực, cần thiết phải ở lại trong Chúa Ki-tô phục sinh và ở lại trong Tình Yêu của Ngài như điều mà bức thư thứ nhất của Thánh Gio-an đã nhắc nhớ chúng ta: Ai ở lại trong Tình Yêu, người ấy ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy (xc. 1 Ga 4,16). Chúa Giê-su đã giới thiệu cho các môn đệ của Ngài điều đó nhiều lần với một sự khẩn khoản qua những lời sau: Anh em hãy ở lại trong Thầy. Anh em hãy ở lại trong Tình yêu của Thầy (xc. Ga 15,5.9). Đó chính là mầu nhiệm của các Thánh: cư ngụ trong Chúa Ki-tô, hiệp thông với Ngài như cành nho với thân nho để sinh hoa kết trái dồi dào (xc. Ga 15,1-8). Hoa trái ấy không phải là bất cứ điều chi khác ngoài Tình Yêu. Tình Yêu này bừng sáng lên trong chứng tá của Nữ Tu Giovanna Emilia de Villeneuve, người đã dâng hiến cuộc đời mình cho Thiên Chúa và cho những người nghèo, cho các bệnh nhân, các tù nhân và cho những người bị bóc lột, và bằng phương cách đó, Bà đã trở nên một dấu chỉ cụ thể về Tình Yêu nhân hậu của Thiên Chúa đối với những người nêu trên và đối với tất cả.

Đồng thời, mối tương quan với Chúa Giê-su phục sinh cũng là „môi trường“ mà một Ki-tô hữu sống trong đó, và họ múc được sức mạnh từ đó để trung tín với Tin Mừng, ở ngay giữa những rào cản và sự thiếu thông cảm. „Ở lại trong Tình yêu“ – Nữ Tu Maria Cristina Brando đã xử sự đúng như vậy. Bà đã bị chinh phục hoàn toàn bởi Tình Yêu cháy bỏng đối với Thiên Chúa; và trong sự cầu nguyện, trong sự gặp gỡ từ con tim đến con tim với Đấng Phục Sinh, và với Chúa Giê-su hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể, bà tìm thấy được sức mạnh để mang vác những nỗi khổ đau, để trao hiến chính bản thân Bà như một tấm bánh được bẻ ra cho nhiều người mà họ đang sống cách xa Thiên Chúa, cũng như cho những kẻ đang đói khát một Tình Yêu đích thực.

Một khía cạnh chính yếu nơi việc làm chứng cho Đấng Phục Sinh chính là sự hiệp nhất giữa chúng ta - các môn đệ của Ngài - theo gương sự hiệp nhất giữa Ngài và Chúa Cha. Ngay trong thời đại hôm nay, lời cầu nguyện của chúa Giê-su vào buổi chiều hôm trước cuộc khổ hình của Ngài cũng đang vang lên trong Tin Mừng: Xin cho họ nên một, như chúng ta (xc. Ga 17,11). Từ Tình Yêu vĩnh cửu giữa Chúa Cha và Chúa Con thông qua Chúa Thánh Thần, được tuôn đổ vào trong chúng ta (xc. Ga 17,11) hình thành nên sức mạnh đối với sứ vụ truyền giáo của chúng ta cũng như đối với sự hiệp thông huynh đệ của chúng ta; từ đó niềm vui về việc đi theo Chúa trong cuộc sống khó nghèo, trinh khiết và sự vâng phục của Ngài, tuôn trào ra một cách liên tục và theo một cách thế mới; Tình Yêu mời gọi hãy chăm sóc cho đời sống cầu nguyện trong sự chiêm niệm. Điều này Nữ Tu Maria Baouardy đã trải qua với một cách thế tuyệt vời. Người Nữ Tu mù chữ khiêm tốn này đã hiểu để trao đi những lời khuyên cũng như những lời giải thích có tính Thần Học đầy rõ ràng, như là hoa trái của sự đàm thoại thường xuyên với Chúa Thánh Thần. Sự ngoan ngùy đối với Chúa Thánh Thần cũng đã làm cho Bà trở nên một khí cụ của sự gặp gỡ và của sự hiệp thông với thế giới Hồi giáo. Nữ Tu Maria Alfonsina Danil Ghattas cũng đã hiểu rất tốt về việc tỏa sáng Tình Yêu Thiên Chúa trong đời sống tông đồ có nghĩa là gì, cũng như đã hoạt động như là nữ chứng nhân của sự hiền lành và hiệp nhất. Bà đã giới thiệu cho chúng ta một mẫu gương rõ ràng, mà mẫu gương ấy cho thấy việc ý thức trách nhiệm đối với nhau quan trọng như thế nào; cũng như giới thiệu một mẫu gương của một cuộc sống trong sự phụ vụ người khác.

Ở lại trong Thiên Chúa và trong Tình Yêu của Ngài  để công bố sự phục sinh của Chúa Giê-su bằng lời nói và gương sáng đối với tất cả mọi người thông qua việc làm chứng cho sự hiệp nhất giữa chúng ta cũng như việc làm chứng cho đức ái đối với tha nhân – cả bốn người phụ nữ được Tôn Phong Hiển Thánh hôm nay đều đã hành động như vậy. Gương sáng của các Ngài cũng hướng một lời kêu gọi đến đời sống Ki-tô hữu của chúng ta: Tôi đã trở nên chứng nhân của Chúa Ki-tô phục sinh như thế nào? Chúng ta phải tự đặt ra cho mình câu hỏi đó. Tôi đã ở lại trong Ngài, và tôi đã cư ngụ trong Tình Yêu của Ngài như thế nào? Tôi có khả năng „rắc gieo“ trong gia đình, trong lãnh vực nghề nghiệp, trong cộng đoàn của tôi những hạt giống của sự hiệp nhất mà Ngài đã ban cho chúng ta nhờ việc tham dự vào với Thiên Chúa Ba Ngôi không?

Hôm nay, khi trở về nhà, chúng ta hãy mang theo niềm vui của cuộc gặp gỡ này với Đấng Phục Sinh; chúng ta hãy phát triển trong lòng chúng ta sự nỗ lực để cư ngụ trong Tình Yêu của Thiên Chúa, bằng cách là chúng ta hãy ở lại trong sự hiệp thông với Ngài, và trong sự hiệp thông giữa chúng ta với nhau, theo gương của bốn người phụ nữ này; đó là những vị Thánh đầy gương mẫu mà Giáo hội mời gọi chúng ta noi gương bắt chước các Ngài.

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist - chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội