Bải giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ hôn phối của 20 cặp tân hôn tại đền thờ Thánh Phê-rô

Anh chị em thân mến,

Bài đọc thứ nhất tường thuật cho chúng ta về con đường của dân xuyên qua sa mạc. Chúng ta hãy suy tư về những con người mà họ đã lên đường dưới sự dẫn dắt của Mô-sê. Trước hết, đó là các gia đình: những người cha, người mẹ, con cái và ông bà; bao gồm nam phụ, lão ấu, với những người cao niên thì đây là một sự cố gắng hết sức… Dân tộc này đã chê trách Giáo Hội, tức Giáo hội đang băng qua sa mạc của thế giới trong thời đại hôm nay, chê trách Dân Chúa, tức Dân đã được ghép lại với nhau thành một, phần lớn từ các gia đình.

Điều đó gợi cho chúng ta nhớ tới các gia đình, nhớ tới những gia đình của chúng ta đang thực hiện cuộc hành trình trên những con đường của cuộc sống, trong những câu chuyện hằng ngày… Không thể định giá được về sức mạnh, sự xuất hiện của nhân loại đang tồn tại trong một gia đình: sự tương trợ lẫn nhau, sự đồng hành trong giáo dục, các mối quan hệ đang phát triển cùng với nhân vị, sự chia sẻ niềm vui và những khó khăn… Các gia đình chính là nơi trước tiên chúng ta lớn lên với tư cách là một ngôi vị, và đồng thời, các gia đình cũng chính là „những viên đá tảng“ đối với việc kiến tạo nên cộng đồng.

Chúng ta hãy quay trở lại với trình thuật của Kinh Thánh. Trong một thời điểm được xác định của cuộc hành trình, „dân đã đánh mất sự can đảm“ (Ds. 21, 4). Họ mệt mỏi, bị thiếu nước uống, và họ chỉ ăn Manna, một món ăn tuyệt vời được ban tặng từ Thiên Chúa, nhưng có vẻ như điều đó đã trở nên quá ít trong khoảnh khắc khủng hoảng này. Và rồi họ đã càm ràm than trách, và họ đã nổi loạn chống lại Chúa cũng như chống lại Mô-sê: Tại sao các ông lại đưa chúng tôi lên đường...? (xc Ds 21, 5). Có một cơn cám dỗ đòi quay về và bỏ dở cuộc hành trình.

Tại đây, ý tưởng về các đôi vợ chồng xuất hiện, mà trong suốt quá trình đời sống hôn nhân cũng như gia đình, họ „đã đánh mất tinh thần“. Sự gắng sức trên cuộc hành trình sẽ trở thành sự mệt mỏi nội tâm; họ đánh mất đi mùi vị của đời sống hôn nhân, không còn tiếp tục múc nước từ nguồn mạch của các Bí Tích nữa. Cuộc sống hằng ngày trở thành áp lực, trở thành „sự ngán ngẩm“. Trong khoảnh khắc không còn động lực thúc đẩy này - Kinh Thánh nói – những con rắn độc xuất hiện và chúng cắn người ta, khiến cho nhiều người bị chết. Điều ấy làm cho dân chúng hối hận; họ xin Mô-sê tha thứ cho họ và cầu xin Thiên Chúa để Người trừ khử những con rắn. Mô-sê đã cầu xin Thiên Chúa và Người đã ban thuốc chữa: một con rắn được đúc bằng đồng và được treo lên một chiếc cột; ai nhìn lên con rắn ấy sẽ được chữa lành khỏi nọc độc gây chết của rắn.

Biểu tượng ấy có nghĩa là gì? Thiên Chúa không tiêu diệt những con rắn, nhưng Người đã giới thiệu một thứ „thuốc giải độc“: thông qua chính con rắn bằng đồng mà Mô-sê đã đúc, Thiên Chúa đã trao ban sức mạnh chữa trị của Người – sức mạnh chữa trị của Người chính là: lòng thương xót, và lòng thương xót này còn mạnh mẽ hơn cả nọc độc của cơn cám dỗ.

Như chúng ta đã nghe trong Tin Mừng, Chúa Giê-su đã tự đồng hóa mình với biểu tượng này: Thực ra, từ Tình Yêu mà Thiên Chúa Cha đã có Ngài, Người Con độc nhất của Người, „được trao hiến“ cho nhân loại, để họ có được sự sống (xc. Ga. 3, 13-17); và Tình Yêu bao la này của Thiên Chúa Cha đã thúc giục Chúa Con – tức Chúa Giê-su – trở thành con người, mặc lấy thân phận tôi đòi, chết cho chúng ta, và cụ thể là chết trên cây Thập Giá. Vì thế, Thiên Chúa Cha đã làm cho Ngài sống lại và đã ban cho Ngài quyền thống trị trên toàn vũ trụ. Các Thánh Thi được viết lại trong thư của Thánh Phao-lô gửi tín hữu Philipphe cũng nói như thế (xc Phil. 2, 6-11). Ai tín thác vào Chúa Giê-su, Đấng bị treo trên cây Thập Giá, sẽ được đón nhận ơn thương xót của Thiên Chúa, và sẽ được chữa lành khỏi mọi nọc độc gây chết của tội lỗi.

Phương thuốc chữa trị mà Thiên Chúa mời chào, cũng có ích lợi đặc biệt đối với những người sống đời hôn nhân mà họ đã „đánh mất sự can đảm“ trong cuộc hành trình, và bị cắn xé bởi những cơn cám dỗ thất vọng, bất trung, muốn bỏ cuộc và ruồng rẫy. Thiên Chúa Cha cũng ban cho họ Người Con của Người – Chúa Giê-su – không phải để kết án họ, nhưng để cứu chuộc họ: Khi họ tín thác cậy trông vào Ngài, Ngài sẽ chữa lành họ với Tình Yêu nhân hậu của Ngài mà nó bắt nguồn từ Thập Giá của Ngài, với sức mạnh của Ân Sủng, nó sẽ làm cho họ tái sinh và giúp họ có được khí lực mới trên con đường của cuộc sống hôn nhân và gia đình.

Tình Yêu của Chúa Giê-su, Đấng đã chúc phúc và thánh hóa khế ước của đôi vợ chồng, sẽ có khả năng gìn giữ Tình Yêu của họ cũng như canh tân họ, khi họ đi tới chỗ đánh mất đi cái nhìn về con người, khi đời sống hôn nhân của họ có nguy cơ tan vỡ và trở nên mệt mỏi. Tình Yêu của Chúa Ki-tô có thể trao lại niềm vui cho những đôi vợ chồng, để họ cùng tiến về phía trước. Vì đó là đời sống hôn nhân: cuộc hành trình chung của một người nam và một người nữ, trong đó người chồng có nhiệm vụ phải giúp đỡ vợ mình, để người vợ trở nên vợ hơn nữa; và người vợ chũng có nghĩa vụ giúp đỡ chồng mình để anh ta càng ngày càng trở nên người chồng thực sự. Đó là nghĩa vụ của anh chị em đối với nhau: „Anh yêu em, và vì thế anh giúp em trở nên người vợ hơn nữa“ – „Em yêu anh, và vì thế, em làm cho anh càng ngày càng trở nên người chồng hơn nữa.“ 

Đó là tác động hỗ tương của những điều khác biệt. Đó không phải là một cuộc hành trình dễ dàng, không có xung đột. Không! Không có xung đột thì không phải là con người. Nó là một cuộc hành trình có nhiều đòi hỏi cao, đôi khi phức tạp, thậm chí đôi khi còn xung đột, nhưng cuộc sống là như thế! Và trong giữa những tư tưởng Thần Học mà Lời Chúa khi nói về dân trong cuộc hành trình đã trao cho chúng ta, cũng nói về cuộc hành trình gia đình, cũng nói về cuộc hành trình của đôi vợ chồng, một lời khuyên nho nhỏ. Việc các đôi vợ chồng tranh tụng hay cãi cọ nhau là chuyện rất bình thường. Điều đó xảy ra rất bình thường. Nhưng Cha khuyên anh chị em: Đừng khi nào đặt mình lên giường mà chưa có sự giao hòa với nhau. Chỉ cần một cử chỉ nho nhỏ thôi cũng đủ rồi. Và nhờ thế người ta sẽ tiến về phía trước. Đời sống hôn nhân là một biểu tượng của cuộc sống, của cuộc sống thực tế, nó không phải là điều hư cấu! Nó là một Bí Tích của Tình Yêu giữa Chúa Ki-tô và Giáo hội, của một Tình Yêu mà nó được minh chứng trên Thánh Giá, nó tìm thấy được sự bảo đảm của nó nơi Thánh Giá. Cha cầu chúc cho tất cả anh chị em có được một cuộc hành trình tuyệt vời: một cuộc hành trình mang đến nhiều hoa trái, và nhờ thế Tình Yêu càng ngày càng lớn lên. Cha chúc cho tất cả anh chị em được hạnh phúc. Sẽ có Thánh Giá trên cuộc hành trình của anh chị em, sẽ có điều ấy! Nhưng Thiên Chúa luôn ở đó và trợ giúp để anh chị em tiếp tục bước đi. Xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em.

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội