Bài diễn văn của ĐTC Phan-xi-cô trong cuộc gặp gỡ liên tôn tại Sarajewo ngày 06.06.2015

 

Kính thưa Đức Hồng Y,

Kính thưa quý vị lãnh đạo các cộng đồng tôn giáo,

Quý bạn thân mến,

Quả là một niềm vui đối với tôi khi được tham dự cuộc gặp gỡ này, tức cuộc gặp gỡ đã quy tụ các vị đại diện của các niềm tin tôn giáo đang hiện diện tại Bosnia và Herzegowia. Tôi xin hướng lời chào mừng nồng nhiệt tới từng người một trong quý vị cũng như tới các cộng đoàn của quý vị, và tôi xin đặc biệt cám ơn trước những lời chân tình và trước những suy tư đã được bày tỏ - những điều ấy đã đem đến sự tốt đẹp cho tôi!

Cuộc gặp gỡ hôm nay chính là dấu chỉ của một niềm mong muốn chung đối với tình huynh đệ và hòa bình; nó chứng tỏ một tình bằng hữu mà quý vị đã kiến tạo trong suốt những năm vừa qua, cũng như đã ứng dụng trong cuộc sống chung hằng ngày và trong sự cộng tác. Việc hiện diện tại đây đã là một „sứ điệp“ cho chính cuộc đối thoại mà tất cả chúng ta đang tìm kiếm cũng như đang làm việc cho nó.

Như là hoa trái của niềm khát khao được gặp gỡ và được hòa giải ấy, tôi muốn đặc biệt nhắc tới sự thành lập được tiến hành vào năm 1997 của Ủy Ban thuộc cấp địa phương dành cho việc đối thoại liên tôn, tức Ủy Ban kết nối những người Hồi giáo, Ki-tô giáo và Do-thái giáo lại với nhau. Tôi vui mừng về công việc mà Ủy Ban đã thể hiện với sự thúc đẩy việc tổ chức những buổi đối thoại khác nhau, thúc đẩy việc phối hợp những sáng kiến chung, cũng như thúc đẩy các cuộc đối thoại với những người có trách nhiệm trong chính quyền. Công việc của quý vị quả thực là đầy giá trị đối với một sự giao thoa của các nền văn hóa cũng như của các dân tộc, mà ở điểm giao thoa này, một mặt thì sự khác biệt đang thể hiện một cơ hội to lớn, mà thông qua cơ hội ấy, một sự phát triển về xã hội, văn hóa và tinh thần đã được tạo điều kiện trong khu vực này, nhưng mặt khác thì đó cũng là lý do đưa tới những cuộc đoạn tuyệt khỏi nhau một cách đầy đau đớn, cũng như những cuộc chiến tranh đẫm máu, ngay tại vùng này, và đặc biệt là tại Sarajewo.

Không hề có chuyện tình cờ rằng, việc sáng lập Ủy Ban đối thoại Liên Tôn và thúc đẩy những sáng kiến đầy giá trị khác trên lãnh vực liên tôn và đại kết, đã diễn ra vào lúc kết thúc cuộc chiến tranh, và đồng thời, như là câu trả lời cho nhu cầu muốn có được sự hòa giải, và khi tận mắt chứng kiến sự cần thiết phải tái thiết một xã hội đã bị hủy hoại bởi những cuộc xung đột. Thực ra, cuộc đối thoại liên tôn ở đây cũng như ở khắp nơi trên thế giới, chính là một điều kiện không thể thiếu đối với nền hòa bình, và do đó, là một bổn phận đối với mọi tín hữu (xc. Thông Điệp Evangelii gaudium, 250).

Ngay cả khi nó là một cuộc đối thoại về những đề tài to lớn của Đức Tin, thì trước tiên, cuộc đối thoại liên tôn vẫn chính là một „cuộc đối thoại của cuộc sống“ (nt). Trong đó, người ta chia sẻ với nhau về những điều diễn ra trong cuộc sống hằng ngày của kiếp nhân sinh, trong sự cụ thể của nó, với những niềm vui và những nỗi khổ đau, với những cố gắng và những niềm hy vọng; người ta đảm nhận những trách nhiệm chung; người ta lên kế hoạch về một tương lai tốt hơn cho tất cả mọi người; người ta học để cùng chung sống, người ta học biết lẫn nhau, và học để chấp nhận nhau trong tất cả sự tự do như người ta là, trong những khác biệt của mỗi người. Trong đối thoại, người ta nhìn nhận và phát triển một sự hiệp thông thiêng liêng, mà nó hợp nhất và hỗ trợ việc thúc đẩy những giá trị luân lý, công lý, tự do và hòa bình. Sự đối thoại chính là một mái trường của nhân tính và là một hãng sản xuất ra sự hiệp nhất, nó hỗ trợ để kiến tạo nên một xã hội được đặt nền móng trên sự khoan dung và trên sự kính trọng lẫn nhau.

Từ lý do ấy, cuộc đối thoại liên tôn không được tự giới hạn chỉ trong một số ít những cá nhân, hay chỉ trong số những người có trách nhiệm đối với các cộng đồng tôn giáo, nhưng phải được mở rộng ra bao nhiêu có thể trên tất cả mọi tín hữu, và phải bao gồm những lãnh vực khác nhau của xã hội dân sự. Trong ý nghĩa này, những người trẻ sẽ xứng đáng nhận được một mối quan tâm đặc biệt, họ cũng được kêu gọi để kiến tạo tương lai cho quốc gia này. Tuy nhiên, vẫn luôn là điều tốt đẹp khi nhắc nhớ rằng, sự đối thoại, để trở nên đích thực và công hiệu, giả thiết phải có một căn tính được hoàn thiện hóa: Nếu không có một căn tính được đào tạo nghiêm túc thì sự đối thoại sẽ chỉ là điều vô ích và gây tác hại. Tôi nói điều đó trong khi nghĩ đến những người trẻ, nhưng điều đó cũng có giá trị đối với tất cả.

Một cách đầy chân thành, tôi kính trọng tất cả những gì mà quý vị đã thực hiện cho tới lúc này, và tôi khích lệ quý vị hãy can đảm trong cuộc dấn thân mà quý vị đang dành cho những công việc của hòa bình, và những người bảo vệ trước tiên của hòa bình lại cũng chính là quý vị với tư cách là những nhà lãnh đạo của các tôn giáo tại đây, trong đất nước Bosnia Herzegowina này. Tôi cam đoan với quý vị rằng, Giáo hội Công giáo vẫn sẽ tiếp tục đem đến sự hỗ trợ hoàn toàn của mình cũng như vẫn luôn đặt ra đó sự sẵn sàng hoàn toàn của mình để cho mọi người sử dụng.

Tất cả chúng ta đều ý thức rằng, vẫn còn một quãng đường nữa cần phải đi tiếp. Tuy nhiên, chúng ta đừng để cho mình bị gây thất vọng bởi những khó khăn, và chúng ta hãy tiếp tục con đường tha thứ và hòa giải với sự lâu bền. Trong khi chúng ta nghĩ về quá khứ - để rút ra những bài học từ lịch sử -, chúng ta muốn tránh việc than khóc về chúng, và tránh việc khép tội lẫn nhau, nhưng chúng ta hãy để cho mình được biến đổi bởi Thiên Chúa, Đấng ban tặng cho chúng ta cả hiện tại lẫn tương lai: Ngài là tương lai của chúng ta, Ngài là nguồn mạch cuối cùng của hòa bình. 

Trong những năm vừa qua, thành phố này đã trở thành biểu tượng của chiến tranh và của những sự hủy hoại trong một cách thức buồn đau, nhưng ngày hôm nay, với sự đa dạng về các sắc tộc, văn hóa và tôn giáo của mình, thành phố này lại tái trở thành dấu chỉ của sự hiệp nhất, trở thành một nơi mà trong đó sự khác biệt không diễn tả một mối đe dọa, nhưng diễn tả một sự phong phú và một cơ hội để cùng nhau phát triển. Trong một thế giới mà tiếc rằng, vẫn còn đang bị xâu xé bởi những cuộc xung đột, đất nước này có thể trở thành một sứ điệp: Nó có thể chứng thực rằng, việc chung sống trên mọi bình diện là điều có thể - trong sự khác biệt, nhưng trong cùng kiếp nhân sinh – và cùng kiến tạo nên một tương lai hòa bình và huynh đệ. Người ta có thể cùng nhau xây dựng hòa bình.

Tôi xin hết lòng cám ơn quý vị về sự hiện diện cũng như vì những lời cầu nguyện mà quý vị sẽ dành cho sứ vụ của tôi. Về phần mình, tôi xin cam đoan với quý vị rằng, tôi cũng sẽ cầu nguyện cho quý vị cũng như cho các cộng đoàn của quý vị với trọn tấm lòng. Xin Thượng Đế chúc lành cho chúng ta.

 

Sarajewo ngày 06 tháng 06 năm 2015

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội