Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong cuộc tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 17.06.2015: GIA ĐÌNH – Mục 19.Tang Chế

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Trong khuôn khổ của loạt bài Giáo Lý về Gia Đình, hôm nay chúng ta muốn để cho mình được gợi hứng trực tiếp bởi trình thuật trong Tin Mừng theo Thánh Lu-ca mà chúng ta vừa mới nghe (xc. Lc 7,11-15). Cảnh tượng được mô tả rất cảm động và chỉ cho chúng ta thấy về sự cảm thông của Chúa Giê-su với những người đau khổ, mà trong trường hợp này thì đó là một bà góa, bà đã mất đi đứa con duy nhất của mình, cũng như làm cho chúng ta thấy được quyền năng của Chúa Giê-su trên sự chết.

Kinh nghiệm về sự chết liên hệ đến tất cả mọi gia đình và không hề có sự ngoại lệ. Nó là một phần của cuộc sống. Tuy nhiên, đối với chúng ta, sự chết xem ra không bao giờ là một điều tất yếu khi mối thiện cảm gia đình bị liên lụy bởi nó. Đối với những bậc cha mẹ thì đó quả là một điều thực sự gây phiền não khi phải sống lâu hơn con cái của mình. Điều này phủ nhận bản chất cốt lõi của các mối tương quan mà nó trao cho chính gia đình một ý nghĩa. Đồng thời, trong việc mất đi người con trai hay người con gái, thời gian sẽ đi tới chỗ ngưng trệ. Một vực thẳm mở ra, mà vực thẳm ấy đan quyện cả vào trong quá khứ lẫn tương lai. Cái chết của một em bé hay của một người con còn trẻ được xem như một đòn tấn công mạnh mẽ nhắm vào những lời hứa hẹn, nhắm vào những ân lộc, và được coi như là việc hy sinh mất người thân, tức người mà chúng ta đã trao sự sống cho. Trong các Thánh Lễ tại nguyện đường Thánh Mác-ta, Cha thường gặp gỡ các gia đình mà họ cầm trên tay mình tấm hình của con trai hay con gái, hoặc của một em bé hay của một người trẻ, và họ nói với Cha: „Cháu đã đi rồi!“ Ở đây, ánh mắt của họ bị lấp đầy bởi sự đau khổ lớn lao. Cái chết tạo ấn tượng mạnh, và khi nó cướp đi mất khỏi chúng ta một người con, thì nó sẽ đụng chạm tới chúng ta từ trong cõi thẳm sâu nhất. Toàn bộ gia đình trở nên giống như là đang bị tê liệt, cũng như đang bị ngắt tiếng. Một người con phải chịu cảnh mất cha hoặc mất mẹ, hoặc mất cả hai, cũng trải qua một điều tương tự như thế. Một câu hỏi sẽ phát sinh trong người con đó: „Ba đang ở đâu? Mẹ đang ở đâu vậy?“ – Ba hoặc Mẹ đang ở trên Thiên Đàng – „Nhưng tại sao tôi không nhìn thấy Ba, tại sao tôi lại không nhìn thấy Mẹ?“  Nỗi sợ trong lòng người con đang phải ở lại một mình, được cất giấu đàng sau những câu hỏi ấy. Sự trống vắng của việc bị bỏ rơi tự mở rộng ra trong người con ấy, và nó càng gây hoảng sợ hơn khi người con đó chưa đủ kinh nghiệm để đặt cho sự kiện „một tên gọi“. „Khi nào thì ba tôi sẽ trở về? Khi nào thì Mẹ tôi đến?“ Người ta nên trao câu trả lời nào cho đứa con đang bị đau khổ ấy? Vấn đề sẽ diễn ra như thế với cái chết trong gia đình.

Đồng thời, trong trường hợp ấy, cái chết cũng là một lỗ đen tự mở ra trong cuộc sống gia đình, và chúng ta không thể cắt nghĩa về nó. Đôi khi chúng ta lại đi quá xa trong việc đổ lỗi cho Thiên Chúa về điều đó. Có biết bao nhiêu người – và Cha thông cảm với họ - cảm thấy tức giận với Thiên Chúa, và trách mắng Ngài rằng: „Tại sao Chúa lại cướp mất con trai, con gái của con? Chắc là không có Thiên Chúa; Ngài không hiện hữu! Tại sao Ngài lại làm điều đó?“ Chúng ta thường nghe được những lời như thế. Nhưng sự tức giận ấy bắt nguồn từ một tấm lòng đang phải chịu đựng một nỗi đau khổ to lớn; việc mất con trai hay con gái, hay mất cha, mất mẹ, là điều vô cùng đau khổ. Điều này diễn ra thường xuyên trong các gia đình. Như đã nói, trong trường hợp này, sự chết giống như một lỗ đen. Nhưng cái chết thể lý có „những tòng phạm“, và những tòng phạm ấy còn tồi tệ hơn: hận thù, ghen tương, tự phụ, keo kiệt; tội lỗi thế gian, tức tội làm việc cho sự chết, và còn làm cho sự chết trở nên đầy khổ đau hơn cũng như bất công hơn. Những cảm giác về mối thiện cảm trong gia đình có vẻ như là nạn nhân được tiền định nhưng không được bảo vệ, của những mãnh lực đứng về phía sự chết, mà chúng luôn đi kèm với lịch sử con người. Ở đây, chúng ta hãy nghĩ tới „trạng thái bình thường“ phi lý, nhưng với nó, những biến cố mà chúng tạo ra những nỗi hoảng sợ được cộng thêm vào với sự chết, trong một thời điểm nhất định, bị gây ra bởi sự hận thù và bởi sự thờ ơ lãnh đạm đối với người khác. Ước gì Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta từ bỏ được những điều đó!

Trong dân Chúa, nhờ vào sự cảm thông của Thiên Chúa được ban tặng trong Chúa Giê-su, nhiều gia đình, thông qua những hành động của mình, đã chứng tỏ rằng, sự chết không có tiếng nói cuối cùng. Đó chính là một hành vi thực thụ của Đức Tin. Mỗi lần, khi một gia đình có tang chế, và có thể là đang vô cùng đau khổ, tìm thấy được sức mạnh để bảo vệ Đức Tin, mà Đức Tin này được liên kết với những người thân của chúng ta, cũng như để bảo vệ Tình Yêu, thì ngay từ thời điểm ấy, gia đình đã ngăn không cho sự chết cướp đi tất cả. Việc đối diện với bóng tối của sự chết được thực hiện thông qua công việc có cường độ cao của Đức Ái. „Lạy Thiên Chúa của con, xin chiếu giãi ánh sáng vào nơi tăm tối của con!“ – lời kêu cầu của Phụng Vụ Kinh Chiều có nội dung như thế. Trong ánh sáng Phục Sinh của Chúa, Đấng không bỏ mặc bất cứ một ai mà Thiên Chúa Cha đã ủy thác cho Ngài, chúng ta có thể lấy đi khỏi sự chết „cái gai“ của nó, theo cách nói của Thánh Phao-lô Tông Đồ (1Cor 15,55). Chúng ta có thể ngăn cản không cho nó đầu độc cuộc sống chúng ta, ngăn chặn việc nó hủy hoại những mối thiện cảm của chúng ta, cũng như có thể ngăn cản việc nó làm cho chúng ta sa vào trong khoảng không đen tối nhất.

Trong niềm tin ấy, chúng ta có thể trao cho nhau niềm an ủi với sự hiểu biết rằng, Thiên Chúa đã chiến thắng sự chết trong trận đấu chung kết. Những người thân của chúng ta đã không bị khuất dạng trong bóng đêm của sự hư vô: Niềm hy vọng trao ban cho chúng ta niềm tin tưởng về sự hiện hữu của họ trong vòng tay tốt lành và mạnh mẽ của Thiên Chúa. Tình Yêu mạnh mẽ hơn sự chết. Vì thế, con đường của chúng ta hàm chứa trong việc để cho Tình Yêu được lớn lên, làm cho Tình Yêu ấy được mạnh mẽ hơn, và Tình Yêu sẽ bảo vệ chúng ta cho mãi tới ngày mà trong đó bất cứ một giọt lệ nào cũng đều được lau khô, khi sự chết không còn hiện hữu nữa, khi sự tang tóc, khi nỗi phiền đau và sự lầm than không còn nữa (xc. Kh 21,4). Nếu chúng ta để cho mình được bảo vệ bởi Đức Tin ấy, thì rồi, kinh nghiệm về sự tang chế sẽ có thể sản sinh ra một tình liên đới mạnh mẽ hơn trong những mối liên kết gia đình, một sự tái mở ra đối với nỗi khổ đau của những gia đình khác, một tình huynh đệ mới đối với những gia đình đang phát sinh và đang tái phát sinh trong niềm hy vọng. Đó là sự sinh ra và sự tái sinh trong niềm hy vọng mà chúng được ban cho chúng ta bởi Đức Tin. Tuy nhiên, Cha muốn nhấn mạnh tới câu cuối cùng trong bài Tin Mừng mà chúng ta đã nghe lúc khởi đầu buổi tiếp kiến hôm nay (xc. Lc 7,11-15). Sau khi Chúa Giê-su ban sự sống mới cho người than niên, tức người con trai của bà góa, chúng ta đọc thấy trong Tin Mừng rằng, Chúa Giê-su đã trao anh ta lại cho Mẹ anh ta. Niềm hy vọng của chúng ta hàm chứa trong đó! Thiên Chúa sẽ trao lại cho chúng ta tất cả những người thân của chúng ta đã ra đi, và chúng ta sẽ cùng nhau gặp gỡ họ. Niềm hy vọng này không gây thất vọng! Chúng ta hãy nhớ kỹ cử chỉ này của Chúa Giê-su. „Và Chúa Giê-su đã trao anh ta lại cho mẹ anh ta“. Thiên Chúa sẽ hành động như thế với tất cả mọi thành viên thân yêu trong các gia đình chúng ta!

Đức Tin này bảo vệ chúng ta trước ảo ảnh hư vô của sự chết cũng như trước những niềm an ủi giả tạo của thế gian, „để chân lý Ki-tô giáo không bị liên lụy đến nguy cơ bị pha trộn với những loại thần thoại khác nhau“, và như thế bị khuất phục trước những nghi lễ có tính mê tín dị đoan cổ xưa hay tân thời (ĐTC Bê-nê-đíc-tô XVI, Kinh Truyền Tin ngày mồng 02.11.2008). Việc các mục tử và tất cả mọi Ki-tô hữu diễn tả một cách cụ thể về ý nghĩa của Đức Tin khi tận mắt chứng kiến kinh nghiệm tang chế của các gia đình, đó là điều rất cần thiết trong thời đại hôm nay. Quyền được khóc không được phép bị từ chối – chúng ta phải khóc trong đám tang. Ngay cả Chúa Giê-su cũng đã làm như thế, và Ngài cũng đã „thổn thức và xao xuyến trong lòng“ (Ga 11,33-37) khi chứng kiến đám tang của một gia đình được Ngài thương mến. Hơn nữa, chúng ta có thể kín múc được sự can đảm từ chứng tá rất đơn giản nhưng cũng rất mạnh mẽ của nhiều gia đình mà họ có thể nhận ra cuộc viếng thăm chắc chắn của Đấng Chịu Đóng Đinh và đã Phục Sinh, cũng như lời hứa không thể bị thu hồi của Ngài trước sự phục sinh của những kẻ đã qua đời, ngay trong cuộc vượt qua khó nhọc nơi vương quốc của sự chết. Hành động của Tình Yêu Thiên Chúa thì mạnh mẽ hơn hoạt động của sự chết. Ngay với Tình Yêu này, với Đức Tin của chúng ta, chúng ta phải trở nên những „tòng nhân“ một cách cần cù! Chúng ta hãy nhớ tới cử chỉ sau đây của Chúa Giê-su: „Chúa Giê-su đã trao anh ta lại cho mẹ anh ta“. Ngài sẽ thực hiện như thế với tất cả những người thân yêu của chúng ta cũng như với chúng ta khi chúng ta gặp gỡ nhau, khi sự chết bị khuất phục một cách chung cục trong chúng ta. Sự chết sẽ bị khuất phục thông qua Thập Giá của Chúa Giê-su. Chúa Giê-su sẽ trao lại cho chúng ta tất cả mọi người thân trong gia đình.

Vatican ngày 17 tháng 06 năm 2015

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội