Bài Huấn Dụ của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi đọc Kinh Truyền Tin chung trưa Chúa Nhật 30.08.2015 tại Quảng Trường Thánh Phê-rô: Địa vị trổi vuợt của „con tim“

 

*Sau khi đọc Kinh Truyền Tin:

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Bài Tin Mừng của ngày Chúa Nhật hôm nay thuật lại một cuộc tranh cãi giữa Chúa Giê-su với những người Pha-ri-siêu và với các nhà Luật Sĩ. Cuộc tranh cãi này liên quan tới giá trị của „những tập tục cổ truyền“ (Mc 7,3). Với sự tham chiếu Ngôn Sứ Isaia, Chúa Giê-su đã mô tả những tập tục cũ như là „những luật lệ của con người“ (Mc 7,7), chúng không bao giờ được phép chiếm mất chỗ của „giới luật Thiên Chúa“ (Mc 7,8). Những luật lệ cũ không  chỉ bao hàm những giới răn mà Thiên Chúa đã mạc khải cho Mô-sê, nhưng còn là một chuỗi những chỉ dẫn mà chúng liệt kê ra những chỉ thị của những điều luật do Mô-sê quy định. Những người Luật Sĩ đã vận dụng những điều lệ này một cách hết sức tỉ mỉ, và coi chúng như là sự diễn tả về sự sùng đạo đích thực. Từ lý do đó, họ đã trách cứ Chúa Giê-su và các môn đệ của Ngài là đã vi phạm những điều lệ đó, đặc biệt là đã vi phạm điều lệ trong mối liên hệ đến việc thanh tẩy bên ngoài cơ thể (xc. Mc 7,5). Câu trả lời của Chúa Giê-su chứa đựng sức mạnh của một danh ngôn có tính Ngôn Sứ: „Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm“ (Mc 7,8). Những lời này đưa đến cho chúng ta một sự khâm phục đối với vị Thầy: Chúng ta cảm thấy rằng, chân lý sống trong Ngài, và sự khôn ngoan của Ngài giải phóng chúng ta khỏi mọi tiên kiến.

Nhưng chúng ta hãy ghi nhớ những điều sau đây! Với những lời ấy, Chúa Giê-su cũng muốn cảnh báo chúng ta ngày nay trước việc chủ trương rằng, chỉ cần tuân thủ lề luật theo hình thức bên ngoài là đã đủ để trở thành những Ki-tô hữu tốt. Giống như những người Pha-ri-siêu ngày xưa, ngày nay chúng ta cũng có nguy cơ giữ luật chỉ là để giữ luật – hay tệ hơn nữa là, tuân giữ lề luật, tuân giữ những tập tục chỉ cốt để chứng tỏ rằng, mình hơn người khác, ngay cả khi chúng ta chẳng yêu thương gì những người thân cận của mình, và thay vào đó, còn nhẫn tâm, còn tự cao tự đại và còn kênh kiệu nữa. Việc tuân thủ lề luật theo mặt chữ chính là một cái gì đó vô sinh, nếu như nó không biến đổi con tim và không bao hàm trong những hành động cụ thể: Mở tâm hồn ra cho cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa và Lời của Ngài, tìm kiếm công lý và bình an, giúp đỡ những người nghèo, những người yếu đuối và những người bị áp bức. Trong các cộng đoàn, trong các Giáo xứ và trong các khu phố của chúng ta, tất cả chúng ta phải ý thức trước việc những người tự cho mình là rất Công giáo, thường xuyên tham dự các Thánh Lễ, nhưng sau đó – trong cuộc sống hằng ngày của họ -  họ lại sao nhãng trước những bổn phận đối với gia đình của mình, lại nói xấu người khác.v.v…, những người như thế thì xấu xa biết là dường nào đối với Giáo hội! Những hành vi kể trên sẽ bị phê phán một cách mạnh mẽ bởi Chúa Giê-su, vì đó là những hành vi phản chứng, chống lại Ki-tô giáo. Chúa Giê-su đã tiếp tục lời cảnh báo của Ngài bằng việc đề cập tới một trong những khía cạnh nằm trên một bình diện sâu xa hơn, và nói: „Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ trong con người xuất ra, mới là cái làm cho con người ra ô uế!“ (Mc 7,15). Vì thế, Ngài đã nhấn mạnh tới sự trổi vượt của tâm hồn cũng như của „con tim“: Không có bất cứ điều chi từ bên ngoài có thể làm cho chúng ta trở nên thánh thiện hơn hay làm giảm mất sự thánh thiện của chúng ta! Hơn nữa, con tim còn là sự diễn tả về những ý định, những quyết định và những mong muốn của chúng ta để thực hiện tất cả mọi việc vì Tình Yêu đối với Thiên Chúa. Những hành vi bên ngoài chính là hậu quả của những điều mà chúng ta đã quyết định trong tâm hồn và không quay ngược lại: Những hành vi bên ngoài sẽ không làm cho chúng ta trở thành những Ki-tô hữu đích thực nếu như chúng ta không biến đổi từ trong con tim. Ranh giới giữa sự thiện và sự ác không kéo dài ra bên ngoài, nhưng chạy xuyên qua nội tâm chúng ta. Vì thế, chúng ta có thể tự đặt ra cho mình câu hỏi: Tâm hồn tôi đang ở đâu? Chúa Giê-su đã trình bày quan điểm của Ngài với những lời sau: „Kho tàng ngươi ở đâu thì lòng ngươi ở đó!“ Cái gì là kho tàng của tôi? Nó có liên quan tới Chúa Giê-su và giáo huấn của Ngài không? Rồi sau đó con tim sẽ trở nên tốt. Trái lại, kho tàng có phải là một cái gì đó khác không? Trong trường hợp này, con tim cần phải được thanh luyện và hoán cải. Nếu không có một sự thanh luyện trong tâm hồn thì sẽ không thể nào có được một đôi tay thực sự trong sạch, và cũng không thể nói ra được những lời chân thành của Đức Ái, của lòng khoan hậu và của sự tha thứ trên môi. Vì thế, chỉ có một con tim chân thành và được thanh luyện mới có thể thực hiện được những điều đó – ngoài ra, tất cả đều dị nghĩa, và đồng thời người ta sẽ có một cuộc sống hai mặt.

Nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa ban cho mình một con tim tinh tuyền, tức con tim được giải phóng khỏi bất cứ điều gì chỉ mang hình thức bên ngoài. Tính từ tương xứng – „chỉ có vẻ bên ngoài“ – đã được Chúa Giê-su dùng để nói về những người Pha-ri-siêu, tức những kẻ mà lời nói và hành động của họ không hề có sự tương hợp với nhau. Một con tim được giải phóng khỏi vẻ bên ngoài như thế sẽ cho phép chúng ta sống trong sự tương hợp với tinh thần lề luật và đạt tới được đích điểm: Tình Yêu.

 

*Sau khi đọc Kinh Truyền Tin:

 

Anh chị em thân mến,

 

Cuộc tôn phong Chân Phước cho Đức Tổng Giám Mục Tử Đạo Flaviano Michele Melki của Giáo hội Công Giáo Syria, đã diễn ra vào ngày hôm qua tại Harissa (Libanon). Trong mối liên hệ đến cuộc bách hại khốc liệt nhắm vào các Ki-tô hữu, Ngài đã hoạt động như là người bênh vực không biết mệt mỏi cho các quyền lợi của dân tộc Ngài, và đã cảnh báo tất cả nhằm bảo vệ tính kiên định của Đức Tin. Anh chị em thân mến, các Ki-tô hữu ngày nay tại Trung Đông và tại những khu vực khác trên khắp thế giới cũng đang phải đối diện với sự bách hại. Con số các vị Tử Đạo ngày nay lớn hơn con số các vị Tử Đạo trong các thế kỷ đầu. Cuộc tôn phong Chân Phúc cho vị Tổng Giám Mục Tử Đạo này chính là một nguồn an ủi, một nguồn khích lệ và là một nguồn hy vọng đối với họ, nhưng cũng nên trở thành một động lực đối với các nhà lập luật và các chính phủ nhằm bảo đảm sự tự do tôn giáo trên khắp mọi nơi. Tôi yêu cầu cộng đồng quốc tế hãy đưa ra các biện pháp nhằm chấm dứt nạn bạo lực và nạn lạm quyền.

Thật đáng tiếc, vì trong những ngày vừa qua cũng đã có rất nhiều người tị nạn bị mất mạng trong cuộc hành trình đầy sợ hãi của họ. Cha xin, và Cha mời gọi hãy cầu nguyện cho tất cả những người anh chị em đó của chúng ta. Cha xin hiệp thông một cách đặc biệt với Đức Hồng Y Schönborn – Ngài đang hiện diện giữa chúng ta – với toàn thể Giáo hội tại Áo, trong lời cầu nguyện cho 71 nạn nhân đã được tìm thấy trong một chiếc xe tải trên đường cao tốc giữa Budapest và Viên, trong số họ có 4 em nhỏ. Chúng ta hãy phó thác cuộc sống của những người ấy cho lòng nhân hậu của Thiên Chúa; chúng ta hãy xin Người trợ giúp trong sự ý thức về việc cộng tác một cách hữu hiệu hơn nhằm ngăn ngừa những tội ác đang xúc phạm tới toàn thể gia đình nhân loại này. Trong thinh lặng, chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả những người tị nạn mà họ đang phải đau khổ hay đã bị mất mạng sống của mình.

Cha xin kính chào những người hành hương đến từ Ý cũng như đến từ nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là các hướng đạo sinh đến từ Lissabon và các tín hữu đến từ Zadar (Croatia).

Lời chào nồng nhiệt của Cha cũng được dành cho các tín hữu đến từ Verona và Bagnolo di Nogarole, các tín hữu đến từ Giáo phận Vicenza, và các tín hữu đến từ Rovato, cũng như cộng đoàn Giáo xứ San Galdino tại Milan, và các em bé đến từ Salzano và Arconate.

Cha xin kính chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật tuyệt đẹp. Xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho cha đấy nhé! Chúc anh chị em một bữa ăn trưa đầy phúc lành, và xin hẹn gặp lại anh chị em!

 

Vatican ngày 30 tháng 08 năm 2015

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội