Bài Huấn Dụ của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi đọc Kinh Truyền Tin chung trưa Chúa Nhật ngày 06.09.2015: „Thiên Chúa không tự nhốt kín trong chính mình; Ngài mở bản thân Ngài ra!

 

*Trước khi đọc Kinh Truyền Tin:

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Bài Tin Mừng hôm nay (Mc 7,31-37) tường thuật về việc Chúa Giê-su chữa lành cho một người vừa câm lại vừa điếc. Sự kiện tuyệt vời này chỉ ra cho chúng ta thấy, Chúa Giê-su đã tái khôi phục mối tương quan hoàn toàn giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau như thế nào. Biến cố trên đã diễn ra tại vùng thập tỉnh, có nghĩa là đã diễn ra trong vùng hoàn toàn thuộc về dân ngoại. Vì thế, người câm điếc được đưa tới với Chúa Giê-su đã trở thành một biểu tượng cho việc một người vô tín bắt đầu cuộc hành trình đến với Đức Tin. Người câm điếc không chỉ thiếu khả năng trong việc nghe thấy cũng như trong việc nhận thức được lời nói của con người, nhưng cũng còn thiếu cả khả năng trong việc nghe thấy Lời Thiên Chúa. Thánh Phao-lô đã nhắc nhớ chúng ta rằng, Đức Tin phát xuất từ việc nghe được lời rao giảng (xc. Rom 10,17).

Trước hết, Chúa Giê-su đã dẫn người đàn ông bị câm điếc này tới một nơi nằm cách xa với khu vực đông người: Ngài không muốn thực hiện việc chữa lành này ở nơi công cộng. Ít nhất thì Ngài cũng muốn cho Lời của Ngài không bị che lấp bởi sự ồn ào và bởi những điều ong tiếng ve của những vùng chung quanh. Lời Chúa được Chúa Ki-tô chuyển giao cho chúng ta cần tới sự thinh lặng, hầu có thể được nhận biết như là Lời chữa lành, Lời giao hòa, và như là Lời tái khôi phục các mối tương quan.

Tiếp đó, tác giả Tin Mừng nhấn mạnh tới hai cử chỉ của Chúa Giê-su: Ngài đụng vào hai lỗ tai và lưỡi của người bị câm điếc. Trước hết, Ngài cố gắng tái phục hồi mối tương quan với con người đã bị „phong tỏa“ về khía cạnh giao tiếp, hầu tái khôi phục sự tiếp xúc. Nhưng phép lạ lại chính là một ân sủng đến từ trên mà Chúa Giê-su đã khẩn cầu cùng Thiên Chúa Cha. Vì thế, Ngài ngước mắt lên trời và nói những lời sau: „Hãy mở ra!“ Nhờ thế, hai lỗ tai của người điếc đã mở ra, lưỡi của anh được giải thoát khỏi cái cùm của chính anh, và anh có thể nói một cách chính xác (xc. Mc 7,35).

Từ trình thuật này, chúng ta có thể rút ra một bài học rằng, Thiên Chúa không tự nhốt mình lại trong chính Ngài, nhưng mở ra và bước vào trong mối tương giao với con người. Tong lòng xót thương khôn cùng của Ngài, Ngài sẽ thắng vượt sự khác biệt vô hạn và sâu thẳm giữa Ngài và chúng ta, Ngài đến với chúng ta. Để khôi phục mối tương giao với con người, Thiên Chúa đã trở thành chính con người: việc chỉ nói thông qua lề luật và các Ngôn Sứ thì không đủ đối với Ngài; đúng hơn, Ngài hình dung ra mình trong ngôi vị của Con Ngài, của Ngôi Lời đã thành xác phàm. Chúa Giê-su chính là một „người xây cầu“ vĩ đại, Đấng xây dựng trong chính con người mình một cây cầu lớn của sự hiệp thông hoàn toàn với Thiên Chúa Cha.

Nhưng Tin Mừng này cũng có liên hệ tới chúng ta: Chúng ta thường bị ngăn cách và thường bị nhốt lại trong chính mình. Chúng ta tạo ra nhiều những ốc đảo không thể tới gần và thiếu sự hiếu khách. Chính trong các mối tương quan có tính căn bản nhất của con người đôi khi lại dẫn tới việc phát sinh ra những thực tế mà chúng không có khả năng mở ra cho nhau: đó là những mối quan hệ bị đóng kín, chẳng hạn như mối quan hệ vợ chồng, mối tương giao trong gia đình, mối tương giao trong các nhóm, trong các cộng đoàn Giáo xứ, mối tương giao quê hương v.v… Những mối tương giao khép kín này không bắt nguồn từ Thiên Chúa, nhưng bắt nguồn từ chúng ta! Đó là tội lỗi của chúng ta.

Nhưng chính những cử chỉ này và những lời này của Chúa Giê-su: „Effatà! – Hãy mở ra!“ lại hiện diện ngay từ khi bắt đầu cuộc sống Ki-tô giáo của chúng ta, trong Bí Tích Thanh Tẩy. Và phép lạ đã diễn ra: Chúng ta được chữa lành khỏi sự điếc lác của tính ích kỷ, cũng như được chữa lành khỏi sự câm nín của tính khép kín và của tội lỗi, và được tái đón nhận vào trong đại gia đình Giáo hội; chúng ta có thể nghe thấy được giọng nói của Thiên Chúa, Đấng nói với chúng ta, và có thể công bố Lời của Thiên Chúa cho những người chưa bao giờ được nghe thấy Lời của Ngài, hay cho những người đã được nghe Lời đó nhưng đã quên và đã chôn vùi nó dưới những bụi gai của sự lắng lo thế trần cũng như của những ảo tưởng.

Chúng ta hãy cầu xin cùng Đức Trinh Nữ Maria, người phụ nữ của sự lắng nghe và của chứng tá đầy vui mừng, để Mẹ hỗ trợ cho những cố gắng của chúng ta, hầu chúng ta có thể tuyên xưng niềm tin của mình và công bố phép lạ của Chúa cho những người mà họ gặp gỡ chúng ta trong suốt đường đời.

*Sau khi đọc Kinh Truyền Tin:

Giờ đây Cha sẽ nói bằng tiếng Tây-ban-nha để đề cập tới tình trạng giữa Venezuela và Colombia. En estos días, los Obispos de Venezuela y Colombia se han reunido para examinar juntos la dolorosa situación que se ha creado en la frontera entre ambos Países. Veo en este encuentro un claro signo de esperanza. Invito a todos, en particular a los amados pueblos venezolano y colombiano, a rezar para que, con un espíritu de solidaridad y fraternidad, se puedan superar las actuales dificultades.(Chuyển dịch: Trong những ngày này, Hội Đồng Giám Mục Venezuela và Colombia đang nhóm họp để thẩm định về tình trạng đầy đau khổ tại vùng biên giới giữa hai quốc gia. Cha nhìn cuộc họp này như là một dấu chỉ rõ ràng của niềm hy vọng. Cha xin mời tất cả và đặc biệt là hai dân tộc đáng yêu Venezuela và Colombia, hãy cầu nguyện, hầu cho những khó khăn trong hiện tại có thể được thắng vượt trong cử chỉ liên đới và huynh đệ).

Hôm qua, cuộc tôn phong Chân Phúc cho các Nữ Tu Fidelia Oller, Giuseppa Monrabal và Faconda Margenat đã diễn ra tại Girona, Tây-ban-nha. Những vị Chân Phúc này đã hoạt động với tư cách là những người Nữ Tu của Dòng Chị Em Thánh Giu-se tại Girona, và đã bị sát hại vì sự trung tín của các chị đối với Chúa Ki-tô và đối với Giáo hội. Bất chấp những đe dọa và những mối nguy hiểm, những người Nữ Tu này vẫn lưu lại tại nơi làm việc của mình để giúp đỡ các bệnh nhân trong niềm tín thác vào Thiên Chúa. Ước chi chứng tá anh hùng của các Ngài đến độ dám đổ máu ra, sẽ trở thành nguồn sức mạnh và hy vọng đối với tất cả những ai mà ngày hôm nay đang phải đau khổ vì cuộc bách hại chỉ vì niềm tin của họ vào Chúa Ki-tô. Chúng ta biết rằng, đang có rất nhiều người bị rơi vào hoàn cảnh này.

Cách nay hai ngày, cuộc đại hội thể thao Phi Châu lần thứ 11 đã khai mạc tại Brazzaville, thủ đô của Congo. Hàng ngàn vận động viên trên toàn châu lục sẽ tham gia giải thể thao này. Cha mong muốn rằng, cuộc đại hội thể thao vừa nêu sẽ có thể thực hiện một sự đóng góp cho hòa bình, cho tình huynh đệ và cho sự phát triển của mọi quốc gia Phi Châu. Chúng ta hãy chào mừng những người Phi Châu sẽ tham dự cuộc đại hội thể thao lần thứ 11 này.

Với trọn tấm lòng, Cha xin kính chào tất cả anh chị em – những người hành hương đã đến đây từ Ý và từ nhiều quốc gia khác nhau; đặc biệt là Ca Đoàn Harmonia Nova đến từ Molvena, các Nữ Tử của Thánh Giá Chúa, các tín hữu đến từ San Martino Buon Albergo và Caldogno, cũng như những bạn trẻ của Giáo phận Ivrea đã đi bộ qua Via Francigena để đến Rô-ma.

Cha xin kính chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật tuyệt đẹp. Xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho Cha đấy nhé! Chúc anh chị em một bữa ăn trưa đầy phúc lành, và xin hẹn gặp lại anh chị em!

 

Vatican ngày mồng 06 tháng 09 năm 2015

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội