Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong cuộc tiếp kiến chung tại quảng trường Thánh Phê-rô ngày 09.09.2015: GIA ĐÌNH – Mục 26. Sự Hiệp Thông

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

 

Hôm nay chúng ta sẽ hướng sự chú ý của chúng ta tới mối tương quan giữa gia đình và cộng đoàn Ki-tô giáo. Vấn đề ở đây có thể được gọi là mối tương quan „tự nhiên“, vì Giáo hội chính là một gia đình tinh thần, và gia đình lại là một Giáo hội thu nhỏ (xc. LG, 9).

 

Cộng đoàn Ki-tô giáo chính là ngôi nhà của tất cả những ai đặt niềm tin vào Chúa Giê-su như là nguồn cội của tình huynh đệ giữa tất cả mọi con người với nhau. Giáo hội bước đi giữa các dân tộc, trong những câu chuyện của những người nam và những người nữ, của những người cha và những người mẹ, của những người con trai và của những người con gái. Những câu chuyện ấy rất có ý nghĩa đối với Thiên Chúa. Những biến cố quan trọng của nhiều thế lực đã cung cấp dữ liệu cho nhiều cuốn sách lịch sử và được ghi lại trong những bản văn đó. Nhưng lịch sử của những mối thiện cảm giữa con người với nhau lại được ghi trực tiếp vào trong con tim của Thiên Chúa, tức nơi của đời sống Đức Tin; và lịch sử này luôn luôn kéo dài. Gia đình chính là nơi thu nhận chúng ta, mà nơi đó lại chính là một khía cạnh của lịch sử về một cuộc sống tràn đầy, không thể bị thay thế và không thể bị xóa nhòa; lịch sử này sẽ bền vững muôn đời trong sự chiêm ngưỡng Thiên Chúa nơi Thiên Đàng, nhưng sự bắt đầu của nó lại là gia đình! Từ lý do đó, Gia đình có một tầm quan trọng vô cùng to lớn.

 

Con Thiên Chúa đã học hỏi về lịch sử nhân loại trên con đường ấy, cũng như đã đi trên con đường ấy cho tới tận cùng (xc. Dt 2,18; 5,8). Thật là tuyệt vời biết bao khi tái chiêm ngưỡng Chúa Giê-su và những dấu chỉ của mối tương quan này! Ngài đã được sinh ra trong một gia đình, và đã làm quen với „thế giới“ tại đó: trong xưởng mộc, trong những ngôi nhà và trong một ngôi làng nhỏ. Nhưng Chúa Giê-su đã đón nhận kiếp nhân sinh thông qua kinh nghiệm nhờ vào mối hiệp thông của Ngài với Thiên Chúa Cha trong suốt 30 năm, và trong sứ mạng Tông Đồ của Ngài. Khi Ngài rời Nazareth và bắt đầu cuộc sống công khai của mình, Ngài đã hình thành nên một cộng đoàn chung quanh Ngài, một „sự đoàn tụ“ phát sinh từ những con người được triệu tập. Ý nghĩa của thuật ngữ „Giáo Hội“ nằm ở đó.

 

Trong Tin Mừng, cuộc triệu tập của Chúa Giê-su mang hình thù của một gia đình; một „gia đình gọi mời“ thay vì một giáo phái tách biệt và khép kín: trong số những thành viên, bên cạnh Phê-rô và Gio-an cũng còn có những người đói, những người khát, những ngoại kiều, những người bị bách hại, các nữ tội nhân, các nhân viên ngành thuế, những người Pha-ri-siêu và đám đông dân chúng. Chúa Giê-su đã đón nhận tất cả mọi người cũng như đã nói chuyện với họ một cách chân thành; ngay cả với những người mà họ không còn mong chờ một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa trong cuộc sống của họ nữa. Và điều đó chính là một giáo huấn vô cùng mạnh mẽ đối với Giáo hội! Chính các Tông Đồ đã được tuyển chọn để chăm lo cho cuộc đoàn tụ này, tức gia đình thực khách của Thiên Chúa.

 

Để sống thực tế cuộc đoàn tụ này của Chúa Giê-su trong thế giới ngày nay, nhất thiết phải có sự khôi phục mối tương quan giữa gia đình và cộng đoàn Ki-tô hữu. Chúng ta có thể mô tả gia đình và cộng đoàn Giáo xứ như là hai địa điểm mà ở đó, bất cứ mối hiệp thông Tình Yêu nào cũng được hiện thực hóa, mà nguồn cội cuối cùng của mối hiệp thông ấy đang hiện hữu trong chính Thiên Chúa. Một Giáo hội thực sự đứng trong sự hòa hợp với Tin Mừng sẽ chỉ có thể mang hình thức của một ngôi nhà đầy hiếu khách, tức ngôi nhà có những cánh cửa luôn luôn rộng mở. Những nhà thờ, những cộng đoàn Giáo xứ và các cơ sở khác mà có những cánh cửa khép kín thì không được phép nhận mình thuộc về Giáo hội, nhưng nên mô tả mình như là những viện bảo tàng!

 

Sự hiệp thông có một tầm quan trọng mang tính quyết định trong thế giới ngày nay. „Khác hẳn với những trung tâm quyền lực kính tế, chính trị và ý thức hệ, niềm hy vọng của chúng ta nên tái đặt nền móng trong những trung tâm Tình Yêu Tin Mừng có sức sưởi ấm con người một cách hoàn toàn, dựa trên tình liên đới và sự cảm thông“ (Pont. Cons. per la Famiglia; Gli insegnamenti di J.M. Bergoglio – Papa Francesco sulla famiglia e sulla vita 1999-2014, LEV 2014, 189; eigene Übersetzung des Zitats), và đồng thời dựa trên sự tha thứ giữa chúng ta.

 

Việc củng cố mối giây liên kết giữa gia đình và cộng đoàn Ki-tô hữu là điều rất cần thiết và không thể được phép thiếu trong thời đại hôm nay. Tất nhiên, điều đó cần tới một Đức Tin quả cảm để tái tìm ra sự sáng tạo và sự can đảm hầu canh tân mối liên kết ấy. Đôi khi các gia đình lại thụt lùi với luận điệu cho rằng, không cảm thấy mình được phát triển: „Thưa Cha, chúng con là một gia đình nghèo, thậm chí còn bị bấn loạn một chút“, „Chúng con không có khả năng“, „Chúng con đã có nhiều vấn đề với nhau ở nhà“, „Chúng con không có sức nữa“. Những điều đó là có thực. Không ai xứng đáng, không ai ở trên cao, không ai sở hữu sức mạnh! Nếu không có ơn Chúa thì chúng ta chẳng thể làm được chuyện chi! Tất cả đều được ban cho chúng ta, tất cả đều được ban tặng một cách nhưng không! Thiên Chúa không bao giờ đi vào trong một gia đình mới mà không tạo ra ít nhất một phép lạ ở đó. Trong mối liên hệ này, chúng ta hãy nhớ tới tác động của Ngài trong tiệc cưới tại Cana! Vâng, Thiên Chúa sẽ thực hiện cho chúng ta những phép lạ khi chúng ta đặt mình vào trong bàn tay của Ngài – đó là những phép lạ trong cuộc sống thường nhật! Phép lạ này sẽ diễn ra nhờ vào sự hiện diện của Thiên Chúa trong mỗi gia đình.

 

Tất nhiên, cộng đoàn Ki-tô hữu cũng phải thực hiện sự đóng góp của mình. Chẳng hạn như cộng đoàn ấy phải cố gắng để vượt thắng những hành vi chỉ chú trọng tới tính hiệu quả và chú trọng tới việc phù hợp với những chức năng, hầu thúc đẩy sự đối thoại giữa con người với nhau, thúc đẩy sự thân quen và sự tôn trọng lẫn nhau. Ước chi các gia đình sẽ thực hiện những sáng kiến và cảm thấy có trách nhiệm trong việc đưa những hồng ân vô giá của mình vào trong cộng đoàn. Và tất cả chúng ta phải ý thức rằng, Đức Tin Ki-tô giáo được sống trên nền tảng rộng mở của đời sống được chia sẻ với tất cả mọi người. Gia đình và cộng đoàn Giáo xứ phải thực hiện phép lạ của một đời sống chung vì lợi ích của toàn thể cộng đồng.

 

Thân Mẫu của Chúa Giê-su – „người Mẹ của mọi lời khuyên tốt lành“ – đã hiện diện trong tiệc cưới Cana. Chúng ta hãy lắng nghe những lời của Mẹ: „Người bảo sao, các anh cứ làm như vậy“ (Ga 2,5). Các gia đình thân mến, các Giáo xứ thân mến, chúng ta hãy để cho mình được gây cảm hứng bởi người Mẹ này, và hãy làm tất cả những gì Chúa Giê-su nói với chúng ta. Và rồi chúng ta sẽ đứng trước những phép lạ, đó là những phép lạ trong cuộc sống hằng ngày! Cám ơn anh chị em.

 

Vatican ngày mồng 09 tháng 09 năm 2015

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội