Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi tiếp kiến chung tại quảng trường Thánh Phê-rô sáng thứ Tư 16.09.2015: GIA ĐÌNH – Mục 27. Các Dân Tộc

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

 

Bài Giáo Lý hôm nay sẽ kết thúc một loạt những chiêm ngưỡng của chúng ta về đề tài hôn nhân và gia đình. Bài Giáo Lý này cũng đứng trong mối liên hệ trực tiếp với những biến cố to lớn đang đến gần và có nhiều yêu sách: Đại Hội Quốc Tế về Gia Đình tại Philadelphia và Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về Gia Đình ngay tại Rô-ma này. Cả hai biến cố nêu trên đều tương ứng với chiều kích mang tính toàn cầu của Ki-tô giáo cũng như tương ứng với tầm quan trọng mang tính phổ quát của gia đình như là những tế bào căn bản và không thể thay thế của bất cứ xã hội loài người nào trên toàn thế giới.

Những giai đoạn chuyển tiếp trong nền văn hóa hiện tại có vẻ như đang được đánh dấu bởi những thành công lâu dài của một xã hội bị thống trị bởi nền kinh tế và kỹ thuật.

Sự lệ thuộc của nền luân lý đạo đức dưới lô-gich lợi nhuận đang tiếp tục diễn ra với những phương tiện vĩ đại và với sự hậu thuẫn của giới truyền thông. Dưới những tình trạng ấy, một mối liên kết mới giữa người chồng và người vợ sẽ không chỉ trở nên thiết yếu, mà cũng còn trở thành một khía cạnh có tính chiến lược đối với sự giải phóng các dân tộc khỏi sự thuộc địa hóa bởi tiền bạc. Chính trị, kinh tế và đời sống xã hội phải tái được điều chỉnh theo mối liên kết ấy. Mà mối liên kết ấy lại có tính quyết định đối với sự thích hợp để sống của trái đất, và đối với sự chuyển giao cảm giác sống, cũng như đối với sự liên hệ chặt chẽ với ký ức và niềm hy vọng.

Trong mối liên kết ấy, vấn đề được ví như là cú pháp mang tính sinh tồn, hay là „nút thắt vàng“. Đức Tin hướng mối liên kết này tới sự khôn ngoan trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa, Đấng đã không yêu cầu gia đình phải lo lắng quá mức cho một cộng đồng tự bằng lòng với chính mình, nhưng thay vào đó là một dự án hấp dẫn để biến thế giới „thành tổ ấm“. Từ ban đầu, ngay khi gia đình vừa xuất hiện thì cũng đã hình thành nên nền tảng căn bản của nền văn hóa thế giới có tính cứu độ này đối với chúng ta; nền văn hóa ấy sẽ làm cho chúng ta tránh được vô vàn những cuộc tấn công, tránh được những cuộc sự hủy hoại lớn lao, tránh được sự thuộc địa hóa một cách mênh mông, chẳng hạn như bởi tiền bạc hay bởi bất cứ ý thức hệ nào mà chúng đang rất đe dọa thế giới. Nhờ vào nền tảng căn bản của gia đình, chúng ta có thể tự bảo vệ mình trước những điều đó.

Ngay bản văn được chứa đựng trong Kinh Thánh về công trình tạo dựng cũng tạo cảm hứng căn bản cho chúng ta để thực hiện những cuộc chiêm ngưỡng ngắn về gia đình vào mỗi thứ Tư hằng tuần. Chúng ta có thể và phải tái tiếp thu những lời ấy một cách sâu xa và rộng lớn hơn. Vì thế, một công việc vừa bao la nhưng cũng vừa hấp dẫn đang chờ đợi chúng ta. Công trình tạo dựng của Thiên Chúa mênh mông hơn một tình trạng mang tính triết học: Công trình ấy hình thành nên một chân trời bao la của cuộc sống và của Đức Tin! Nếu một kế hoạch nào đó mà nó đi chệch hướng khỏi công trình tạo dựng và ơn cứu độ của nó, thì đó không còn phải là kế hoạch của Thiên Chúa nữa. Thiên Chúa đã trở thành người vì ơn cứu độ dành cho thế giới thụ tạo cũng như cho tất cả mọi thụ tạo, mà nói theo Kinh Tin Kính thì: vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta. Chúa Giê-su phục sinh chính „là người con đầu lòng của tất cả mọi thụ tạo“ (Col 1,15).

Thế giới thụ tạo được trao phó cho người nam và người nữ: Điều xảy ra giữa họ đã để lại trong tất cả mọi vật một dấu vết. Sự khước từ của họi đối với phúc lành của Thiên Chúa đã không thể tránh khỏi việc dẫn tới một ảo tưởng quyền lực mà ảo tưởng ấy đã hủy hoại tất cả. Chúng ta gọi điều đó là „tội nguyên tổ“. Tất cả chúng ta đều được sinh ra với thứ bệnh di truyền này. 

Thế nhưng chúng ta đã không bị nguyền rủa và cũng không bị phó mặc cho chính chúng ta. Trong mối liên hệ này, một trình thuật Cựu Ước đã chứa đựng những lời được đốt cháy bởi Tình Yêu ban đầu của Thiên Chúa đối với người nam và người nữ! „Ta sẽ đặt mối thù giữa ngươi và người nữ, giữa dòng dõi ngươi và dòng dõi người nữ“ (St 3,15a). Thiên Chúa đã hướng những lời ấy vào con rắn – kẻ đã thề thốt và dẫn con người vào cơn cám dỗ. Thông qua những lời ấy, Thiên Chúa đã đánh dấu trên người phụ nữ với một thanh ngáng có tác dụng bảo vệ trước sự ác, mà – cho tới bao lâu người phụ nữ còn mong muốn nó – người phụ nữ sẽ có thể sử dụng thanh ngáng đó cho mỗi thế hệ đến sau. Vì thế, người phụ nữ sẽ mang một phúc lành thầm kín và đặc biệt để bảo vệ mình trước sự ác, như đã diễn ra trong sách Khải Huyền của Thánh Gio-an, người phụ nữ đã giấu kín đứa con của mình trước con Rồng. Và bà đã được bảo vệ bởi Thiên Chúa (xc. Kh 12,6).

Chúng ta hãy chiêm ngưỡng sự thẳm sâu được chứa đựng trong đó. Thường có nhiều lời phát biểu chung chung đầy tính xúc phạm đối với người phụ nữ, chẳng hạn như gọi họ là kẻ cám dỗ mà sự dữ truyền cảm hứng cho. Trái lại, không gian đối với một Thần Học về phụ nữ đã có sẵn. Thần Học ấy nên đề cao phúc lành mà Thiên Chúa dành cho họ và cho các thế hệ!

Trong bất cứ trường hợp nào đi nữa, sự tốt lành nhân hậu của Thiên Chúa vẫn không bao giờ bỏ rơi người nam cũng như người nữ. Xin anh chị em đừng quên điều đó! Ngôn ngữ biểu tượng của Kinh Thánh giới thiệu cho chúng ta biết rằng, trước khi đuổi người nam và người nữ ra khỏi vườn E-đen, Thiên Chúa đã may cho họ những bộ quần áo bằng lông thú và mặc cho họ (xc. St 3,21). Cử chỉ trìu mến này nói lên rằng, trong bất cứ trường hợp nào thì Thiên Chúa cũng không muốn chứng kiến những hậu quả đớn đau của tội lỗi chúng ta, Ngài không muốn chúng ta bị trần truồng và bị phó mặc cho số phận của những kẻ tội lỗi chúng ta. Sự trìu mến này của Thiên Chúa, sự quan tâm của Ngài đối với chúng ta đã dẫn tới việc Con Thiên Chúa được sinh ra bởi một người phụ nữ - Chúa Giê-su thành Nazareth – và đã trở thành người (xc. Gal 4,4). Trong mối liên hệ này, chúng ta hãy tái đọc lại những lời của Thánh Phao-lô: „Thế mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay cả khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta“ (Rm 5,8). Chúa Ki-tô đã được sinh ra bởi một người phụ nữ. Vì thế Thiên Chúa đã thực hiện một hành vi trìu mến trên những vết thương của chúng ta, cũng như trên những lầm lỗi và những khuyết điểm của chúng ta. Thiên Chúa yêu thương chúng ta như thế, Ngài yêu thương chúng ta như chúng ta là, và muốn chúng ta tiến về phía trước với kế hoạch này. Người phụ nữ chính là thụ tạo được củng cố cho sự tiến về phía trước của kế hoạch ấy.

Lời hứa của Thiên Chúa đối với người nam và người nữ ngay từ lúc bắt đầu lịch sử đã bao hàm tất cả mọi con người cho tới tận cùng lịch sử. Nếu Đức Tin của chúng ta đủ mạnh, thì các gia đình của các dân tộc trên trái đất này sẽ tái nhận ra mình trong phúc lành ấy. Bất cứ ai để cho mình được đụng chạm tới bởi cách nhìn này, thì trong bất cứ mọi trường hợp nào, không phụ thuộc vào sắc tộc, tôn giáo hay quốc gia, cũng đều có thể đi chung với chúng ta trên một con đường. Người ấy sẽ trở thành anh em của chúng ta, trở thành chị em của chúng ta, nhưng không phải nhờ vào chủ nghĩa lôi kéo người khác theo đạo… Dưới phúc lành này và vì mục đích của Thiên Chúa là muốn làm cho chúng ta trở thành những người anh em trong một thế giới tiến về phía trước và được sinh ra từ gia đình, từ sự hiệp nhất giữa người chồng và người vợ, chúng ta sẽ cùng tiến lên trên một con đường.

Ước gì Thiên Chúa sẽ ban phúc lành của Ngài xuống cho tất cả mọi gia đình của anh chị em trên khắp thế giới. Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em!

 

*Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha:

 

Anh chị em thân mến!

Vào thứ Bảy này, Cha sẽ bắt đầu chuyến Tông Du của Cha tới Cu-ba và Hoa Kỳ. Cha nhìn về sứ mạng này với niềm hy vọng to lớn. Lý do chính của chuyến Tông Du là cuộc Đại Hội Quốc Tế về Gia Đình tại Philadelphia. Cha cũng sẽ đi tới trụ sở chính của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc nhân dịp 70 năm ngày Hội Đồng này hiện hữu. Từ thời điểm này, Cha xin kính chào các công dân Cu-ba và các công dân Hoa Kỳ với mối thiện cảm to lớn. Dưới sự hướng dẫn của các vị mục tử, họ đã chuẩn bị tinh thần cho việc đó. Cha xin tất cả anh chị em hãy đồng hành với Cha bằng lời cầu nguyện của anh chị em, và cầu xin ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần cũng như lời cầu bầu của Rất Thánh Trinh Nữ Maria, của vị Nữ Bổn Mạng đất nước Cu-ba dưới tước hiệu Virgen de la Caridad del Cobre (Đức Trinh Nữ Cobre nhân hậu), và vị Nữ Bổn Mạng của đất nước Hoa Ky với tước hiệu Immacolate Conception (Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội).

Cũng vào thứ Bảy này, cuộc tôn phong Chân Phúc cho Đức Nguyên Giám Mục Pio Alberto del Corona sẽ diễn ra tại San Miniato. Ngài đã hoạt động với tư cách là Giám mục của Giáo phận này và đã sáng lập ra Dòng các Nữ Tu Đa-minh Chúa Thánh Thần. Ước chi nhà lãnh đạo đầy hăng hái và là vị Thầy khôn ngoan của dân được ủy thác cho Ngài sẽ giúp Giáo hội bằng gương sáng và bằng lời cầu bầu của Ngài, để Giáo hội đi trên con đường của mình trong tinh thần Tin Mừng và sinh nhiều hoa trái tốt lành.

 

Vatican ngày 16 tháng 09 năm 2015

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội