Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô trong Thánh Lễ Chúa Nhật tại quảng trường Cách Mạng của thủ đô Havanna, Cu-ba ngày 20.09.2015

 

Anh chị em thân mến!

Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật lại cho chúng ta thấy việc Chúa Giê-su đã đặt ra cho các môn đệ của Ngài một câu hỏi có vẻ như không được nhã nhặn cho lắm: „Dọc đường, anh em đã cãi cọ với nhau về điều gì vậy?“ (Mc 9,33). Đó là một câu hỏi mà Ngài cũng có thể đặt ra cho chúng ta hôm nay. Ngày ngày anh chị em bàn tán cãi cọ với nhau về chuyện gì thế? Những nỗ lực của anh chị em là gì? Tin Mừng thuật lại rằng: „Các Tông Đồ đã lặng thinh“, „vì trên đường đi, họ đã tranh luận với nhau về chuyện ai trong họ sẽ là người lớn nhất“ (Mc 9,34). Các Tông Đồ đã cảm thấy xấu hổ khi phải nói cho Chúa Giê-su biết, các ông đã cãi cọ với nhau về điều gì. Cũng như nơi các Môn Đệ thời đó, cuộc tranh tụng giống hệt như cuộc tranh tụng của các ông cũng rất có thể đang đeo đẳng chúng ta ngày nay: Ai là người lớn nhất?

Chúa Giê-su đã không kiên trì để đợi cho tới khi câu hỏi của Ngài được trả lời; Ngài cũng đã không buộc các Môn Đệ phải trả lời cho Ngài biết xem, dọc đường họ đã cãi cọ với nhau về chuyện gì, nhưng câu hỏi của Ngài không chỉ lưu lại trong ký ức mà còn tồn đọng trong con tim của các Môn Đệ.

Ai là người lớn nhất? – Đó là một câu hỏi mà nó vẫn luôn đeo đẳng chúng ta trong suốt cuộc đời, và trong những giai đoạn cuộc sống khác nhau, chúng ta sẽ bị thách đố phải trả lời cho nó. Chúng ta không thể tránh né câu hỏi ấy; nó bị khắc ghi vào trong con tim. Cha nhớ rằng, mỗi khi gia đình đoàn tụ, các em bé thường được hỏi: Con yêu bố hay yêu mẹ hơn? Và đây cũng là điều mà người ta vẫn hỏi các em nhỏ: Ai quan trọng hơn đối với con? Phải chăng câu hỏi này chỉ là một trò chơi đơn giản dành cho các em nhỏ? Lịch sử nhân loại đã được đánh dấu thông qua cách thức trả lời cho câu hỏi ấy.

Chúa Giê-su không sợ hãi trước những câu hỏi của nhân loại; Ngài không sợ nhân loại cũng không sợ những cuộc tìm kiếm khác nhau mà nhân loại thực hiện. Trái lại, Ngài am tường về „nơi ẩn nấp“ của trái tim con người, và như là một nhà sư phạm có kỹ năng, Ngài sẵn sàng đồng hành với chúng ta trong bất cứ lúc nào. Với những cách thức phù hợp, Ngài sẽ tham dự vào công cuộc tìm kiếm cũng như tham dự vào những cố gắng của chúng ta, và ban tặng cho những cố gắng ấy một đường chân trời mới. Tùy vào những cách thức thích hợp mà Ngài có thể thực hiện, Ngài sẽ đưa ra câu trả lời mà nó có khả năng đặt ra một thách đố mới, bằng cách là Ngài sẽ thay đổi một cách tận căn „những câu trả lời đang được trông chờ“, hay thay đổi tận gốc rễ một điều gì đó có vẻ như rất chắc chắn. Dựa vào những cách thức thích hợp, Chúa Giê-su luôn luôn đề xuất một lô-gich Tình Yêu. Đó là một lô-gich mà nó có thể được sống bởi tất cả mọi người, vì nó được dành cho tất cả.

Vượt xa bất kỳ chủ nghĩa tinh hoa nào, đường chân trời của Chúa Giê-su không chỉ bao quanh một số ít những người được ban đặc ân, tức những người có khả năng đạt tới „tri thức được mong đợi“ hay đạt tới những mức độ khác nhau của đời sống tâm linh. Đường chân trời của Chúa Giê-su luôn luôn là một lời mời chào đối với cuộc sống thường nhật, ngay cả trên „hòn đảo của chúng ta“ ở đây; đó là một lời mời chào luôn luôn trao tặng cho cuộc sống thường nhật hương vị của sự vĩnh cửu.

Ai là người lớn nhất? Trong câu trả lời của mình, Chúa Giê-su tỏ ra vô cùng đơn giản: „Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người“ (Mc 9,35). Ai muốn làm lớn, người ấy nên phục vụ người khác và đừng để người khác phục vụ mình.

Điều đại nghịch lý của Chúa Giê-su nằm ở đó. Các Môn Đệ đã cãi vã với nhau về việc ai sẽ có được một địa vị quan trọng nhất, ai sẽ được tuyển chọn với tư cách là người được mang đặc ân, đặc quyền, ai sẽ được miễn trừ khỏi luật chung, khỏi những quy định hiện hành để tự nhấc mình lên trong sự khát khao có được sự trổi vượt hơn tất cả mọi người khác. Ai sẽ nhanh chóng leo lên để chiếm được những chức vụ mà chúng đưa đến cho mình một ít lợi thế nào đó.

Chúa Giê-su đã làm cho lô-gich của các Môn Đệ bị rối loạn, bằng cách là Ngài chỉ đơn giản nói với các ông rằng, cuộc sống đích thực sẽ được sống trong sự dấn thân một cách tích cực và cụ thể cho tha nhân.

Lời mời gọi phục vụ chứa đựng một điều đặc biệt mà chúng ta phải chiêm ngưỡng. Phục vụ có nghĩa là bảo vệ dân chúng, bảo vệ những người yếu đuối và những người dễ bị tổn thương; có nghĩa là lo lắng quan tâm tới những người yếu hèn trong các gia đình chúng ta, trong các cộng đoàn chúng ta và trong dân tộc chúng ta. Những gương mặt đau khổ, không được ai bảo vệ, bị gây kinh hoàng, chính là những khuôn mặt mà Chúa Giê-su mời gọi chúng ta phải ngắm nhìn và phải yêu thương một cách đặc biệt. Đó là một Tình Yêu được hình thành trong những hành động và trong những quyết định. Đó là một Tình Yêu tự bày tỏ trong những trách vụ khác nhau mà chúng ta nên thể hiện với tư cách là những công dân. Chúng ta được yêu cầu từ Chúa Giê-su phải đấu tranh và bảo vệ con người trong thân xác của họ, với cuộc sống, với những câu chuyện và đặc biệt là với sự dễ tổn thương của họ, phải chăm sóc họ và phải phục vụ họ. Vì trở thành Ki-tô hữu có nghĩa là phục vụ phẩm giá con người, chiến đấu cho phẩm giá của những người đồng loại, cũng như sống cho phẩm giá của những người chung quanh. Vì thế, các Ki-tô hữu luôn luôn bị đòi hỏi phải điều chỉnh sự kiếm tìm, điều chỉnh những cố gắng và điều chỉnh sự khát khao quyền lực của họ vào trong cái nhìn cụ thể hướng về những người yếu đuối nhất.

Chỉ có một sự phục vụ hữu ích; vì thế chúng ta phải tự bảo vệ mình trước những kiểu „phục vụ“ khác, trước cơn cám dỗ muốn „phục vụ“ mình. Có một hình thức để thực thi sự phục vụ mà mối quan tâm của nó hàm chứa trong việc thiên vị cho những cái gì là „Của Tôi“ nhân danh cái „Chúng Ta“. Sự phục vụ này luôn luôn đặt những gì „Của Người Khác“ ra ngoài, và tạo ra một động lực để khai trừ người khác.

Vì ơn gọi làm Ki-tô hữu nên tất cả chúng ta đều được đòi hỏi phải phục vụ, nhưng đó là sự phục vụ hữu ích, và nó có nghĩa là giúp đỡ lẫn nhau, chứ không phải sa vào những cơn cám dỗ muốn phục vụ mình. Tất cả chúng ta đều được mời gọi, đều được khích lệ từ Chúa Giê-su, hãy chăm lo cho nhau từ Tình Yêu hỗ tương. Và đó không phải là việc ngó ngang ngó ngửa xem người hàng xóm đang làm cái gì, hay đã bỏ lỡ không làm điều gì. Chúa Giê-su nói với chúng ta: „Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người“ (Mc 9,35). Ngài không nói: Nếu người hàng xóm của bạn muốn trở thành người đứng đầu, thì anh ta nên phục vụ. Chúng ta phải tự bảo vệ mình trước cái nhìn có tính xét đoán, và phải quyết định tin vào cái nhìn có khả năng biến đổi mà Chúa Giê-su mời gọi chúng ta.

Hành vi chăm sóc cho nhau vì Tình Yêu, không dẫn tới thói xu nịnh, cũng không dẫn tới thói khúm núm, nhưng trái lại, đặt người đồng loại và người anh em vào trong trung tâm điểm của câu hỏi: Sự phục vụ luôn luôn hướng nhìn về khuôn mặt của người anh em hay của người chị em, đụng chạm tới thân xác của họ, cảm nhận về sự gần gũi của họ, và thậm chí, trong một số trường hợp, cảm nhận về „những cơn bệnh của họ, và kiếm tìm để động viên khích lệ họ. Vì thế, sự phục vụ không bao giờ trở thành một ý thức hệ, vì người ta không phục vụ một hệ tư tưởng, nhưng người ta phục vụ con người.

Dân tín thành và thánh thiện của Thiên Chúa đang đi trên con đường của mình tại Cu-ba, chính là một dân đang có niềm vui về những đại Lễ, về tình bằng hữu và về những vẻ đẹp. Đó là một dân đang tiến về phía trước với lời ca hát và ngợi khen. Đó là dân đang có nhiều vết thương giống như bất cứ một dân tộc nào, nhưng vẫn hiểu để hiện diện ở đó với vòng tay dang rộng; đó là một dân đang tiến về phía trước với niềm hy vọng tràn trề, vì dân này được kêu gọi để trở nên vĩ đại hơn. Ngày hôm nay Cha mời gọi anh chị em hãy chăm sóc cho ơn gọi này, hãy chăm lo cho ân sủng này, tức ân sủng mà Thiên Chúa đã ban cho anh chị em. Nhưng Cha muốn thúc đẩy anh chị em, hãy đón nhận những gì hèn kém nơi những người anh em và những người chị em của mình trong một cách thế đặc biệt, và hãy phục vụ họ. Anh chị em đừng bỏ mặc họ vì những đề án mà có thể chúng đang biểu lộ như là một sự lôi cuốn, nhưng lại không kính trọng khuôn mặt của người đứng bên cạnh anh chị em. Chúng ta biết và làm chứng về „sức mạnh không gì sánh bằng“ của sự phục sinh „đang làm cho những chồi non của thế giới mới này trổ mầm khắp nơi“ (vgl. Evangelii gaudium, 276.278).

Chúng ta đừng quên Tin Mừng của ngày hôm nay: Sự vĩ đại và tầm quan trọng của một dân tộc, của một quốc gia, và sự vĩ đại của một con người sẽ luôn luôn căn cứ theo cách thức người ta phục vụ những người yếu đuối và những người dễ bị tổn thương như thế nào. Chúng ta sẽ gặp gỡ hoa trái của một nhân loại đích thực trong đó.

 

Ai không sống để phục vụ, người ấy không hiểu để sống.“

 

Havanna ngày 20 tháng 09 năm 2015

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội