Bài giảng được soạn sẵn của ĐTC Phan-xi-cô dành cho buổi đọc Kinh Chiều với các Giám mục, Linh mục và Tu sĩ trong nhà thờ Chính Tòa Havanna, Cu-ba, chiều Chúa Nhật 20.09.2015

 

Anh chị em thân mến!

 

Chúng ta đã cùng nhau quy tụ lại trong nhà thờ Chính Tòa lịch sử này để qua những Thánh Vịnh, chúng ta ca ngợi niềm tín trung của Chúa đối với dân Ngài, và để nói lời tạ ơn vì sự hiện diện của Ngài, vì lòng nhân hậu khôn cùng của Ngài. Những bức tường của ngôi Thánh Đường này không chỉ nói với chúng ta về niềm tín trung và lòng nhân hậu của Thiên Chúa, nhưng cũng còn nói về một số „những con người da mồi tóc bạc“ – một sự nhắc nhớ sống động và một sự hồi tưởng của lời Thánh Vịnh: „Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương; lòng trung tín Chúa trải dài từ đợi nọ sang đời kia.“ Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cùng nói lên lời tạ ơn!

Chúng ta tạ ơn vì sự hiện diện của Chúa Thánh Thần với sự phong phú về các đặc sủ khác nhau trên khuôn mặt của rất nhiều nhà truyền giáo đã đến trên hòn đảo này, và sau cùng đã trở thành những người Cu-ba giữa những người Cu-ba – một chỉ dấu về việc Ngài giữ trọn tình thương của Ngài đến muôn đời.

Bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe thuật lại cho chúng ta biết về việc Chúa Giê-su đã thực hiện cuộc đối thoại với Cha của Ngài, nó đặt chúng ta vào trong trung tâm của sự thân mật giữa Chúa Cha và Chúa Con, và sự thân mật ấy đã biến thành một cuộc cầu nguyện. Khi giờ của Ngài đến gần, Chúa Giê-su đã cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha cho các môn đệ của Ngài, cho những người đang ở quanh Ngài, và cho những người sẽ đến với Ngài (xc. Ga 17,20). Thật là tốt cho chúng ta nếu chúng ta suy nghĩ tới điều rằng, trong giờ phút có tính quyết định đối với Ngài, Chúa Giê-su đã đưa cuộc sống của những người thuộc về Ngài, và cụ thể đó là cuộc sống của chúng ta, vào trong lời cầu nguyện của Ngài. Và Ngài đã xin cùng Cha Ngài hãy bảo vệ họ trong sự hiệp nhất và trong niềm vui. Chúa Giê-su hiểu rất rõ tấm lòng của những con người thuộc về Ngài, và Ngài cũng hiểu rất rõ con tim của chúng ta. Vì thế Ngài đã cầu nguyện, Ngài đã xin với Cha của Ngài, xin Cha bảo vệ họ để họ không bị xâm chiếm bởi một niềm ý thức mà nó có xu hướng cách biệt, và do đó khiến người ta co cụm lại trong những điều có tính an toàn riêng, trong sự chắc chắn riêng và trong những không gian riêng: không còn chăm lo cho những người khác nữa, và thể hiện qua cách là họ co cụm vào trong những „nông trại“ nhỏ bé, mà những nông trại ấy sẽ đập vỡ khuôn mặt đa dạng của Giáo hội ra thành nhiều mảnh. Đó là những trạng huống sẽ tự kết liễu trong sự phiền muộn theo chủ nghĩa cá nhân, trong một sự phiền muộn mà nó sẽ dần dẫn tới sự bất mãn và làm phát sinh những lời ai oán không ngớt, cũng như làm phát sinh tính đơn điệu. „Đó không phải là Thánh Ý của Thiên Chúa đối với chúng ta, đó cũng không phải là cuộc sống trong Thánh Thần“ (Evangelii gaudium, 2), tức cuộc sống mà Chúa Giê-su đã mời gọi các môn đệ cũng như mời gọi chúng ta bước vào. Vì thế Ngài đã cầu nguyện và Ngài đã cầu xin để sự sầu muộn và tình trạng cách biệt đừng choán chỗ trong con tim chúng ta. Chúng ta muốn làm điều đó, chúng ta muốn nối tiếp lời cầu nguyện của Chúa Giê-su, muốn nối tiếp những lời của Ngài để cùng nói lên: „Lạy Cha Chí Thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha […] để họ nên một như chúng ta“ (Ga 17,11), „và để niềm vui của họ được nên trọn vẹn“ (xc. Ga 15,11).

Chúa Giê-su cầu nguyện và Ngài cũng mời gọi chúng ta cầu nguyện, vì Ngài biết rằng, có rất nhiều điều mà chúng ta chỉ có thể lãnh nhận như là ơn ban; có rất nhiều điều mà chúng ta chỉ có thể sống như là ân sủng. Sự hiệp nhất là một ân sủng mà chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể ban cho chúng ta; nhiệm vụ của chúng ta là cầu xin cho được ơn đó và thực hiện tốt nhất công việc của chúng ta để chúng ta được biến đổi nhờ vào hồng ân này.

Sự hiệp nhất vẫn thường bị nhầm lẫn với tính đồng nhất mà theo đó, người ta phải làm tất cả mọi việc giống hệt như nhau, phải cảm nghĩ và nói năng giống hệt nhau. Nhưng đó không phải là sự hiệp nhất; đó là sự đồng nhất. Nó có nghĩa là dập tắt hoàn toàn sự sống của Thánh Thần, nó có nghĩa là bóp ngẹt các đoàn sủng mà Ngài đã phân phát vì niềm hạnh phúc của dân Ngài. Sự hiệp nhất sẽ bị đe dọa bất cứ lúc nào khi chúng ta muốn bài trí người khác theo hình mẫu của chúng ta và giống hệt như chúng ta. Vì thế, sự hiệp nhất là một hồng ân và không phải là một cái gì đó mà người ta có thể cưỡng bức bằng bạo lực hay bằng mệnh lệnh. Cha rất vui khi được thấy anh chị em ở đây, những người nam và những người nữ thuộc đủ lứa tuổi khác nhau, từ những hoàn cảnh khác nhau, với những tiểu sử khác nhau, nhưng được hiệp nhất cùng nhau qua lời cầu nguyện chung. Chúng ta hãy cầu xin Chúa, xin Ngài làm cho niềm ước mong có được sự gần gũi lớn lên giữa chúng ta. Xin Ngài làm cho chúng ta có thể trở nên những „tha nhân“, của nhau, và trở nên gần gũi nhau, với những khác biệt, những sai sót và những phong cách của chúng ta, nhưng vẫn luôn gần gũi; với những cuộc đối thoại và những cuộc tranh luận của chúng ta, bằng cách là chúng ta phát biểu một cách cởi mở và không nói sau lưng. Xin Ngài làm cho chúng ta trở thành những mục tử gần gũi với đoàn chiên; xin Ngài giúp chúng ta dám để cho đoàn chiên của chúng ta đặt ra cho chúng ta những câu hỏi, cũng như để cho họ chất vấn chúng ta. Những cuộc thảo luận, và những cuộc tranh luận đang được mong muốn trong Giáo hội, và thậm chí Cha dám nói rằng: rất cần thiết. Chúng là chỉ dấu cho thấy rằng, Giáo hội đang sống, và cho thấy rằng, Chúa Thánh Thần vẫn đang tiếp tục hoạt động, Ngài đang làm cho Giáo hội tiếp tục phát triển. Khốn cho những cộng đoàn nào mà ở đó không có tiếng CÓ cũng không có tiếng KHÔNG! Những cộng đoàn đó giống như những cuộc hôn nhân mà trong đó không còn có sự đối thoại nữa, vì người ta đã đánh mất mối quan tâm, vì người ta đã đánh mất Tình Yêu.

Ở phần thứ hai, Chúa Giê-su đã cầu xin cho chúng ta được tràn đầy bởi chính niềm vui trọn hảo mà Ngài đang sở hữu (xc. Ga 17,13). Niềm vui của các Ki-tô hữu, và đặc biệt là niềm vui của những người được Thánh Hiến chính là một dấu chỉ hoàn toàn rõ ràng về sự hiện diện của Chúa Ki-tô trong cuộc sống của họ. Nếu có những khuôn mặt sầu muộn thì đó là một tín hiệu cảnh báo cho thấy có một điều chi đó không ổn. Và Chúa Giê-su đã cầu xin điều ấy từ Chúa Cha đúng vào thời điểm khi Ngài có ý định đi lên núi Cây Dầu, khi Ngài phải tái nhắc lại lời thưa „Fiat“ của Ngài. Cha không hề nghi ngờ rằng, tất cả anh chị em đều phải mang những gánh nặng không hề ít hy sinh, và cũng không hề nghi ngờ rằng, đối với một số người, những hy sinh ấy đã được thể hiện từ nhiều thập niên rồi. Chúa Giê-su đã cầu xin – ngay cả trong cuộc hiến tế của Ngài -, xin cho chúng ta đừng bao giờ đánh mất niềm vui trước việc biết được rằng, Ngài đã chiến thắng thế gian. Niềm xác tín này chính là điều sẽ thúc giục chúng ta, ngày lại ngày hãy tái củng cố Đức Tin của mình. „Với một sự bén nhậy mà nó không bao giờ gây thất vọng cho chúng ta, nhưng luôn luôn có thể trao lại niềm vui cho chúng ta, [với lời cầu nguyện của Ngài và với sự phản chiếu của Ngài trên khuôn mặt của dân tộc chúng ta], Ngài sẽ cho phép chúng ta ngẩng cao đầu và tái bắt đầu“ (Evangelii gaudium, 3). Thật quan trọng biết chừng nào khi điều mà nó là một chứng tá cao quý đối với đời sống của dân tộc Cu-ba cũng chính là điều tỏa chiếu niềm vui ấy một cách không ngừng và ở khắp mọi nơi, bất chấp sự mệt mỏi, nỗi hoài nghi, thậm chí là sự vô vọng mà nó là một cơn cám dỗ rất nguy hiểm, nó có khả năng phá hủy tâm hồn!

Anh Chị em thân mến, Chúa Giê-su đã cầu xin để chúng ta được nên một, và xin cho niềm vui của Ngài được lưu lại trong chúng ta. Chúng ta hãy thực hiện điều đó và chúng ta hãy hiệp nhất cùng nhau trong lời cầu nguyện!

Havanna ngày 20 tháng 09 năm 2015

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ


Văn Kiện Giáo Hội