Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô trong Thánh Lễ Kính Thánh Mát-thêu tại Holguín, Cu-ba ngày 21.09.2015

 

Anh chị em thân mến!

 

Hôm nay chúng ta cử hành Đại Lễ Kính Thánh Sử Mát-thêu Tông Đồ. Chúng ta vui mừng về câu chuyện của một cuộc trở lại. Chính Thánh Nhân, trong Tin Mừng của Ngài, đã thuật lại cho chúng ta biết, cuộc gặp gỡ mà nó đã để lại dấu ấn trong cuộc đời của Ngài, đã diễn ra như thế nào; Ngài đưa chúng ta đi vào trong một „sự diễn xuất của những ánh mắt“, mà sự diễn xuất ấy có khả năng thay đổi lịch sử.

Vào một ngày giống như bất cứ ngày nào, khi Mát-thêu đang ngồi trong trạm thu thuế, Chúa Giê-su đã đi ngang qua đó và đã nhìn thấy ông. Ngài tiến lại gần và nói với ông: „Hãy đi theo Thầy!“ Ngay lập tức, Thánh Nhân đứng dậy và đi theo Chúa Giê-su (xc. Mt 9,9).

Chúa Giê-su đã ngắm nhìn Thánh Nhân. Sức mạnh nào của Tình Yêu nằm trong ánh mắt của Chúa Giê-su, đã gây xúc động cho Mát-thêu theo cách này! Sức mạnh nào mà cặp mắt này đã có thể làm cho Mát-thêu đứng dậy! Chúng ta biết rằng, Mát-thêu là nhân viên ngành thuế, và vì thế ông có nhiệm vụ thu tiền thuế của người Do-thái để nộp cho chính quyền Rô-ma. Tất cả các nhân viên ngành thuế đều bị lên án, thậm chí còn bị người ta nhìn như là những kẻ tội đồ. Vì thế, họ sống một cách cô độc và khép kín với những người khác, và do đó họ bị khinh thường. Người ta không được phép ăn uống cùng họ, kể cả việc nói chuyện hay cầu nguyện cũng không. Trong cái nhìn của người dân, họ là những kẻ phản quốc: họ là những kẻ bóc lột và moi ruột moi gan dân tộc mình để dâng sản lượng cho kẻ khác. Các nhân viên ngành thuế thuộc về phạm trù xã hội đó.

Tuy nhiên, Chúa Giê-su đã dừng lại; Ngài không vội tránh mặt khỏi Mát-thêu. Ngài nhìn ông một cách thanh thản và đầy bình an. Ngài nhìn ông với cặp mắt nhân hậu; Ngài nhìn ông theo cách mà trước đó chưa hề có ai nhìn ông. Và cái nhìn ấy đã mở con tim của ông ra, đã giải phóng ông, đã chữa lành ông và đã ban cho ông một niềm hy vọng, một cuộc sống mới – như Gia-kêu, như Ba-tô-lô-mê-ô, như Maria Ma-đa-len-na, như Phê-rô và như bất cứ một ai trong chúng ta. Ngay cả khi chúng ta không dám ngước nhìn lên Chúa thì Ngài cũng vẫn ngắm nhìn chúng ta như là người trước tiên. Đó là lịch sử riêng của chúng ta; giống như biết bao người khác, mỗi người trong chúng ta cũng đều có thể nói: „Tôi là một tội nhân mà Chúa Giê-su đã nhìn đến.“ Cha mời gọi anh chị em, khi anh chị em ở nhà hay khi anh chị em bước vào nhà thờ, anh chị em hãy dành ra một vài phút để thinh lặng, và trong giây phút đó, với niềm biết ơn và vui mừng, anh chị em hãy nhớ lại bất cứ biến cố nào mà trong đó ánh mắt nhân từ của Thiên Chúa nhìn vào cuộc sống chúng ta.

Tình Yêu của Thiên Chúa đã đến với chúng ta trước, ánh mắt của Ngài bước nhanh tới trước những nhu cầu của chúng ta. Ngài hiểu để nhìn ra điều đang nằm bên dưới những biểu lộ bên ngoài; ánh mắt của Ngài vượt lên trên tội lỗi, vượt lên trên những đổ vỡ hay sự bất xứng. Ngài hiểu để nhìn ra cái đang nằm ở phía bên kia tầng lớp xã hội mà rất có thể chúng ta đang thuộc về. Trước tiên và trên hết, Ngài nhìn tới phẩm giá của đặc ân làm con Thiên Chúa, tức đặc ân đôi khi bị vấy bẩn vì tội lỗi, nhưng nhờ vào nguồn cội của linh hồn chúng ta mà nó luôn luôn tồn tại. Ngài đến để tìm kiếm tất cả những ai đang cảm thấy mình bất xứng đối với Thiên Chúa và bất xứng đối với người khác. Chúng ta hãy để cho Chúa Giê-su nhìn ngắm chúng ta; chúng ta hãy để cho ánh mắt của Ngài rảo bước trên những con đường của chúng ta; chúng ta hãy để cho ánh mắt của Ngài trao lại niềm vui và niềm hy vọng cho chúng ta!

Sau khi Chúa Giê-su đã nhìn Mát-thêu với cặp mắt tràn đầy nhân hậu, Ngài đã nói với ông: „Hãy theo Thầy!“. Thế là Mát-thêu đứng dậy và đi theo Chúa Giê-su. Sau cái nhìn là Lời của Chúa Giê-su; sau Tình Yêu là sứ mạng. Mát-thêu không còn là Mát-thêu trước đó nữa; ông đã được biến đổi từ tận căn. Cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su, với Tình Yêu nhân hậu của Ngài, đã biến đổi Mát-thêu. Ông đã bỏ trạm thuế và tiền bạc lại phía sau và đã từ bỏ nó. Trước đây, ông ngồi đợi ở đó để thu tiền thuế, để bóc lột người khác, nhưng giờ đây, với Chúa Giê-su, ông phải đứng dậy để cho đi, để trả lại, và để trao hiến bản thân cho người khác. Chúa Giê-su đã ngắm nhìn Mát-thêu, và nhờ thế ông thấy được niềm vui trong sự phục vụ. Đối với Mát-thêu và đối với bất cứ ai cảm nhận được ánh nhìn của Chúa Giê-su, thì tha nhân không còn phải là những người mà người ta „sống bám“ vào nữa, không còn phải là những người để người ta lạm dụng hay bóc lột nữa. Ánh nhìn của Chúa Giê-su tạo ra một hành vi phục vụ mang tính truyền giáo, và tạo ra một hành vi cho đi. Tình Yêu của Ngài chữa lành tính thiển cận của chúng ta và tạo cơ hội để chúng ta mở rộng tầm nhìn của mình, cũng như không dừng lại nơi những biểu hiện bên ngoài hay nơi những điều hợp lý xét theo khía cạnh chính trị.

Chúa Giê-su tiến về phía trước, Ngài đi trước chúng ta, Ngài mở ra con đường và mời gọi chúng ta đi theo Ngài. Ngài mời gọi chúng ta, từng bước và từng bước một, từ từ vượt qua những thiên kiến của chúng ta, và giảm bớt những lực cản của chúng ta, nhằm thực hiện nơi cuộc sống người khác – và thậm chí, ngay cả nơi cuộc sống chúng ta -, một sự biến đổi. Ngày lại ngày, Chúa Giê-su sẽ thách thức chúng ta với câu hỏi: Con tin vào ai? Con có tin rằng, có thể biến một nhân viên ngành thuế thành một người phục vụ không? Con có tin rằng, một kẻ phản trắc có thể trở thành một người bạn không? Con có tin rằng, một người con của bác thợ mộc lại là Con của Thiên Chúa không? Ánh mắt của Chúa Giê-su biến đổi cái nhìn của chúng ta, con tim của Ngài biến đổi con tim chúng ta. Thiên Chúa là một người Cha, Đấng kiếm tìm ơn cứu độ cho tất cả con cái mình.

Chúng ta hãy để cho Thiên Chúa ngắm nhìn chúng ta trong sự cầu nguyện, trong Bí Tích Thánh Thể, trong Bí Tích Hòa Giải, trong những người anh em và những người chị em của chúng ta, đặc biệt là trong những người đang bị bỏ rơi, những người đang cảm thấy mình cô đơn! Và chúng ta hãy học để nhìn ngắm như Thiên Chúa nhìn ngắm chúng ta. Chúng ta hãy chia sẽ sự trìu mến và lòng nhân hậu của Ngài với các bệnh nhân, với các tù nhân, với những cụ già hay với những gia đình đang gặp cảnh khó khăn. Một lần cho tất cả mọi lần, chúng ta được kêu gọi hãy học từ Chúa Giê-su, Đấng luôn luôn nhìn vào thực tế mà nó đang sống trong mỗi người, cụ thể đó là họa ảnh của Thiên Chúa – Cha trên trời của Ngài.

Cha biết rằng, Giáo hội tại Cu-ba đang làm việc giữa biết bao nhiêu là những khó nhọc và hy sinh, để mang Lời và sự hiện diện của Chúa Ki-tô đến với tất cả mọi nơi, kể cả những nơi xa xôi hẻo lánh nhất. Những ngôi nhà được gọi là „Nhà Truyền Giáo“ xứng đáng được nhắc đến một cách đặc biệt. Những ngôi nhà này khi chứng kiến cảnh thiếu thốn Linh mục và nhà thờ, đã giới thiệu cho nhiều người một không gian mà tại đó người ta có thể cầu nguyện, nghe Lời Chúa, học Giáo lý và chăm sóc cho đời sống hiệp thông. Đó là một chỉ dấu nho nhỏ về sự hiện diện của Thiên Chúa trong những khu ổ chuột của thành phố chúng ta, và là một trợ giúp thường nhật để làm cho lời của Thánh Phao-lô được trở nên sống động: „Tôi khuyên nhủ anh chị em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh chị em. Anh chị em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Anh chị em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí mang lại, bằng cách ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau“ (Eph 4,1-3).

Và giờ đây Cha xin hướng về Đức Trinh Nữ Maria, hướng về Đức Trinh Nữ Nhân Hậu Cobre mà người Cu-ba đang ôm vào trong vòng tay của mình, cũng như luôn luôn mở những cánh cửa ra cho Mẹ. Xin Mẹ bảo vệ tất cả mọi người con trai, con gái của quốc gia quý báu này, cũng như bảo vệ từng người một trong ánh nhìn từ mẫu của Mẹ. Ước gì „cặp mắt nhân hậu“ của Mẹ luôn lưu tâm đến mỗi người và từng người một trong anh chị em, luôn lưu tâm đến các ngôi nhà và các gia đình của anh chị em, và lưu tâm đến những người mà có thể họ đang có cảm giác rằng, không còn có chỗ nào nữa cho họ. Ước chi Mẹ sẽ bảo vệ tất cả chúng ta, như Mẹ đã từng bảo vệ và chăm sóc Chúa Giê-su trong Tình Yêu của Mẹ.

Holguín, Cu-ba ngày 21 tháng 09 năm 2015

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ


Văn Kiện Giáo Hội