Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô trong Thánh Lễ tại Thánh Địa Đức Maria Cobre, Santiago, Cu-ba, thứ Ba ngày 22.09.2015

 

Anh chị em thân mến!

 

Bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe, đặt ra trước mắt chúng ta một sự chuyển động mà Chúa Giê-su vẫn thường gợi ra mỗi khi Ngài viếng thăm chúng ta. Ngài kéo chúng ta ra khỏi nhà. Đó là những hình ảnh mà chúng ta luôn luôn tái được mời gọi để chiêm ngưỡng. Sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống chúng ta làm cho chúng ta không bao giờ được ở yên, nhưng sự hiện diện ấy luôn luôn thúc ép chúng ta phải chuyển động. Khi Thiên Chúa viếng thăm chúng ta, Ngài luôn luôn kéo chúng ta ra khỏi nhà. Chúng ta được thăm viếng để chúng ta lên đường viếng thăm người khác; chúng ta được gặp gỡ để chúng ta lên đường gặp gỡ người khác; chúng ta được yêu thương để chúng ta thương yêu người khác.

Tại đây, chúng ta hãy ngắm nhìn Đức Maria, Mẹ là người nữ môn đệ đầu tiên. Một cô gái, có lẽ mới chỉ khoảng 15 đến 17 tuổi, sống trong một ngôi làng tại Palestina, và được Thiên Chúa viếng thăm. Ngài công bố cho cô biết rằng, cô sẽ trở thành Mẹ của Đấng Cứu Thế. Hình dung ra một điều gì đó rất xa, cô nghĩ, chẳng lẽ toàn bộ dân tộc này phải chú ý tới cô và phải phục vụ cô hay sao! Vì thế cô đã ra khỏi nhà và lên đường để phục vụ. Cô lên đường để đến giúp đỡ người chị họ của cô tên là Elisabeth. Niềm vui mà nó bắt nguồn tự sự hiểu biết rằng, Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Thiên Chúa ở cùng dân tộc chúng ta, đã đánh thức con tim và đặt chúng ta vào sự chuyển động „kéo chúng ta ra ngoài“, và dẫn chúng ta tới chỗ chia sẻ niềm vui vừa được lãnh nhận trong hình thức của một sự phục vụ, một sự trao hiến bản thân cách vô vị lợi khi tận mắt chứng kiến tất cả mọi trạng huống bất hạnh mà có thể những người hàng xóng láng giềng hay những người bà con thân thuộc của chúng ta đang phải trải qua. Tin Mừng nói với chúng ta rằng, Đức Maria đã vội vã lên đường nhưng với những bước đi khoan thai và không ngơi nghỉ; những bước chân ấy biết mình đi tới đâu; những bước chân ấy không hấp tấp để nhanh „đến nơi“, cũng không kéo lê nặng nhọc để rồi không bao giờ „đạt tới đích“. Đức Maria vội vã – nhưng không náo động và cũng không uể oải -, để giúp đỡ người chị họ của mình, mà người này lại đang mang thai trong lúc tuổi đời đã cao. Đức Maria – người nữ môn đệ đầu tiên – đã được thăm viếng và đã lên đường để viếng thăm. Và kể từ ngày đầu tiên ấy, điều đó đã luôn là phẩm chất đặc trưng của Mẹ. Mẹ là người phụ nữ đã thăm viếng rất nhiều người nam cũng như người nữ, trẻ em cũng như cụ già, thanh niên cũng như thiếu nữ. Mẹ đã hiểu để thăm viếng rất nhiều dân tộc chúng ta, cũng như đã đồng hành với các dân tộc ấy trong những trạng huống bi ai, với sự xuất hiện của Mẹ. Mẹ đã bảo vệ cuộc chiến của tất cả những ai đã phải đau khổ để bảo vệ quyền lợi của con cái mình. Và giờ đây Mẹ cũng vẫn còn luôn mang đến cho chúng ta Lời Hằng Sống, tức Con của Mẹ và là Thiên Chúa của chúng ta.

Ngay cả đất nước này cũng đã được nếm trải những cuộc thăm viếng của Mẹ, cũng như nếm trải sự hiện diện từ mẫu của Mẹ. Đất nước Cu-ba đã phát sinh và đã phát triển trong sự nồng nhiệt của lòng tôn kính đối với Đức Trinh Nữ Nhân Hậu. „Mẹ đã ban tặng cho tâm hồn của người Cu-ba một hình tượng riêng và hoàn toàn đặc biệt“ – các Đức Giám Mục của quốc gia này đã viết như thế - „và đánh thức ý tưởng cao nhất về Tình Yêu đối với Thiên Chúa, đối với gia đình và đối với đất nước trong con tim của người Cu-ba.“

Đó cũng là điều mà cách nay một trăm năm, các mục tử của anh chị em đã bày tỏ khi các Ngài xin Đức Bê-nê-đíc-tô XV tuyên bố Đức Trinh Nữ Nhân Hậu là Nữ Bổn Mạng của đất nước Cu-ba. Hồi đó, các Ngài viết rằng:

Không có bất kỳ thảm họa nào, và cũng chẳng có bất kỳ sự thiếu thốn nào có thể dập tắt được Đức Tin và lòng yêu mến mà người dân Công giáo chúng con thể hiện với Đức Trinh Nữ này, nhưng trong những cơn hoạn nạn nặng nề nhất của cuộc sống, khi sự chết đã đứng ngay trước mắt, và khi người ta ở gần với nỗi tuyệt vọng nhất, thì thị kiến về Đức Trinh Nữ Rất Thánh này luôn luôn xuất hiện như một ánh sáng xóa sạch mọi mối hiểm nguy, và như một hạt sương đầy an ủi … Mẹ chính là một người phụ nữ Cu-ba khôn sánh tầy … vì thế nhiều người mẹ của chúng con đã rất yêu mến Đức Trinh Nữ, nhiều phụ nữ của chúng con đã ca khen Mẹ.“

Trong nơi Thánh Địa này, tức nơi bảo vệ ký ức của Dân Thánh Chúa tại Cu-ba, Đức Maria đã và đang được tôn kính với tư cách là Mẹ Nhân Hậu. Từ đây, Mẹ canh phòng cho nguồn cội, và cho căn tính của chúng ta, để chúng ta không bao giờ đánh mất chính mình trên những con đường tuyệt vọng. Tâm hồn của dân tộc Cu-ba đã được rèn giũa trong những nỗi khổ đau và trong những cơn túng quẫn, như chúng ta vừa mới nghe, nhưng những nỗi khổ đau và túng quẫn đó đã không thể hủy diệt được Đức Tin. Đức Tin này đã sống sót nhờ vào rất nhiều cụ bà: bà nội cũng như bà ngoại, họ đã tiếp tục làm cho sự hiện diện sống động của Thiên Chúa trở nên có thể trong cuộc sống âm thầm mỗi ngày – đó là sự hiện diện của Cha Trên Trời, sự hiện diện ấy mang đến ơn giải thoát, ban sức mạnh, chữa lành, trao tặng sự can đảm, và là nơi trú ẩn an toàn cũng như là dấu chỉ cho một cuộc tái phục sinh. Những bà nội, bà ngoại, những người mẹ và rất nhiều người khác, với sự trìu mến và Tình Yêu của mình, đã trở nên dấu chỉ cho một cuộc „viếng thăm“ của Thiên Chúa, cũng như đã trở nên dấu chỉ cho sự can đảm và Đức Tin đối với con cháu của mình và trong các gia đình của họ. Họ mở ra một khe hở, dù là rất nhỏ như một hạt cải, nhưng thông qua đó, Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục đồng hành với cuộc sống sôi sục của dân Ngài.

Và „mỗi lần, khi chúng ta ngước nhìn lên Mẹ, chúng ta sẽ lại tiếp tục tin vào cuộc cách mạng của sự trìu mến và Tình Yêu“ (Evangelii gaudium, 288).

Từ thế hệ này tới thế hệ kia, và từ ngày này qua ngày khác, chúng ta vẫn luôn được mời gọi hãy canh tân Đức Tin của chúng ta; chúng ta được mời gọi sống cuộc cách mạng của sự trìu mến như Đức Maria, Mẹ của Lòng Nhân Hậu. Chúng ta được mời gọi „đi ra khỏi nhà“ hầu mở con tim và cặp mắt của mình ra cho người khác. Cuộc cách mạng của chúng ta sẽ sử dụng con đường dẫn tới sự trìu mến và niềm vui, mà niềm vui ấy sẽ luôn trở nên sự gần gũi, sẽ luôn trở thành mối cảm thông, và dẫn đưa chúng ta tới chỗ đặt mình vào trong cuộc sống của người khác để phục vụ họ. Đức Tin của chúng ta làm cho chúng ta lên đường và làm cho chúng ta đi đến với người khác để chia sẻ cho nhau niềm vui và sự hân hoan, chia sẻ cho nhau niềm hy vọng lẫn sự chán trường. Đức Tin của chúng ta kéo chúng ta ra khỏi nhà để đến viếng thăm các bệnh nhân, các tù nhân và những người đang khóc than, cũng như đến với những người mà họ cũng hiểu rằng, phải cười với người cười và vui mừng về niềm hạnh phúc của người lân cận. Như Đức Maria, chúng ta muốn trở nên một Giáo hội phục vụ, một Giáo hội lên đường, một Giáo hội đi ra khỏi các nhà thờ và các phòng thánh của mình để đồng hành với cuộc sống, để hỗ trợ niềm hy vọng và trở nên dấu chỉ của sự hiệp nhất. Như Đức Maria, Mẹ của Lòng Nhân Hậu, chúng ta muốn trở thành một Giáo hội lên đường để băng qua những cây cầu, để xuyên thủng các bức tường và gieo rắc sự hòa giải. Như Đức Maria, chúng ta muốn trở thành một Giáo hội tham gia một cách tích cực vào trong cuộc sống, vào trong nền văn hóa, vào trong cộng đồng xã hội, để hiểu và đồng hành với tất cả mọi trạng huống bất hạnh của những người đang sống cạnh chúng ta, và không lẻn đi khỏi đó, nhưng cùng đi với những người anh em và những người chị em của chúng ta.

Đó chính là „chất đồng“ - „El Cobre“ -, quý giá của chúng ta; đó là kho tàng lớn nhất và là di sản quý giá nhất mà chúng ta có thể để lại cho các thế hệ đến sau: Để lên đường như Đức Maria trên những con đường dẫn tới những cuộc thăm viếng. Và chúng ta hãy học để cùng cầu nguyện với Đức Maria, vì lời cầu nguyện của Mẹ chính là niềm cảm nghĩ và đồng thời cũng là sự biết ơn; đó là bài ca của Dân Thiên Chúa, tức dân lữ hành xuyên qua lịch sử. Đó là ký ức sống động về việc Thiên Chúa đang đi giữa chúng ta; đó là ký ức liên tục về việc Thiên Chúa đã nhìn đến sự thấp hèn của Dân Ngài, và về việc Ngài đã quan tâm tới tôi tớ của Ngài, như Ngài đã hứa cùng cha ông chúng ta và cho con cháu đến muôn đời (xc. Lc 1,48.54).

Thánh Địa Cobre, Santiago, Cu-ba ngày 22 tháng 09 năm 2015

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 

 


Văn Kiện Giáo Hội