Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô trong Thánh Lễ Tôn Phong Hiển Thánh cho Chân Phúc Junipero Serra tại Thánh địa Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Washington, D.C, Hoa Kỳ ngày 23.09.2015

Anh chị em thân mến!

Anh chị em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi xin nhắc lại: vui lên anh chị em!“ (Pl 4,4). Đó là một lời mời gọi mà nó lay thức cuộc sống chúng ta một cách mạnh mẽ. Vui lên anh chị em! – Thánh Phao-lô thường nói với chúng ta như thế trong giọng điệu ra lệnh. Đó là một lời mời gọi, nó biểu lộ một niềm khát khao có được một cuộc sống thành công, mà tất cả chúng ta đều cảm thấy, niềm khát khao có được một cuộc sống tràn đầy ý nghĩa, khát khao có được một cuộc sống được lấp đầy với niềm vui. Đó là những gì mà chúng ta cảm thấy và trải qua, ngay cả Thánh Phao-lô cũng có thể nghe thấy những gì mà mỗi người chúng ta đang mang trong con tim của mình, và nó có thể tạo ra tiếng nói. Có một điều chi đó trong nội tâm chúng ta, nó mời gọi chúng ta hãy vui lên, và mời gọi chúng ta đừng hài lòng với giả dược, tức những điều chỉ luôn muốn làm cho chúng ta hài lòng. 

Nhưng đồng thời chúng ta cũng trải nghiệm về những căng thẳng của cuộc sống hằng ngày. Rất nhiều trạng huống có vẻ như đang muốn lôi kéo lời mời gọi hãy vui mừng này vào mối nghi nan. Xung lượng của chúng mà chúng ta thường cảm thấy mình bị phụ thuộc vào, có vẻ như đang dẫn chúng ta vào trong một sự ngao ngán sầu thảm, mà sự ngao ngán ấy từ từ sẽ trở thành một thói quen, với một sự hợp lý có tính sát hại: Con tim của chúng ta sẽ bị làm tê liệt.

Chúng ta không muốn sự ngao ngán để lại dấu ấn trong cuộc sống chúng ta – hay chúng ta lại muốn điều đó? Chúng ta không muốn thói quen này quyết định đến ngày sống của chúng ta – hay chúng ta lại muốn? Vì thế chúng ta nên tự hỏi: Tôi có thể làm gì để con tim của mình không bị tê liệt? Làm thế nào chúng ta có thể làm sâu sắc thêm niềm vui Tin Mừng trong những tình huống khác nhau của cuộc sống chúng ta?

Trước kia Chúa Giê-su đã nói với các môn đệ của Ngài thế nào thì ngày nay Ngài cũng nói với chúng ta như vậy: Hãy đi loan báo Tin Mừng! Người ta chỉ có thể trải nghiệm, chỉ có thể nhận ra và chỉ có thể sống niềm vui Tin Mừng khi người ta đạt được nó, khi người ta thù đắc được nó cho chính mình.

Tinh thần thế tục xúi giục chúng ta chạy theo thói xu thời, chạy theo những gì dễ dãi; và khi tận mắt chứng kiến tâm tính đó của con người, thì việc „cảm thấy rằng, chúng ta cần tới nhau, chúng ta có một trách nhiệm đối với người khác và đối với thế giới“ (Laudato si’, 229) là điều tái trở nên cần thiết. Công bố Tin Mừng của Chúa Giê-su là một trách nhiệm. Vì nguồn cội của mọi niềm vui nơi chúng ta phát xuất từ „niềm khát khao bất tận trong việc giới thiệu Lòng Thương Xót – hoa trái phát sinh từ kinh nghiệm riêng về Lòng Thương Xót vô hạn của Cha Trên Trời, cũng như từ kinh nghiệm về tầm quan trọng của Lòng Thương Xót ấy (Evangelii gaudium, 24). Chúng ta hãy đi đến với tất cả mọi người để công bố Tin Mừng, bằng cách là chúng ta xức dầu để xức dầu, bằng cách là chúng ta loan báo Tin Mừng.

Vì thế, ngày hôm nay Chúa cũng đang mời gọi chúng ta và nói với chúng ta: Người Ki-tô hữu sẽ trải nghiệm niềm vui trong sứ vụ truyền giáo: „Hãy đi đến với tất cả muôn dân nước!“ (Mt 28,19). Người Ki-tô hữu sẽ thấy được niềm vui trong lời mời gọi: Hãy đi loan báo Tin Mừng!

Người Ki-tô hữu sẽ canh tân và hiện thực hóa niềm vui thông qua một ơn gọi: Hãy đi và xức dầu!

Chúa Giê-su sai các môn đệ đến với muôn dân, đến với tất cả mọi con người. Và chúng ta cũng thuộc về „tất cả mọi con người“ đó, từ suốt hai ngàn năm nay. Chúa Giê-su không thực hiện bất cứ một danhh sách tuyển lựa nào – ai có và ai không – về những kẻ, dù xứng đáng hay không xứng đáng với việc đón nhận sứ điệp và sự hiện diện của Ngài. Trái lại, Ngài luôn luôn ôm ghì lấy cuộc sống, như nó đang diễn ra chung quanh Ngài, với một khuôn mặt của người đau khổ, của người đói khát, của bệnh nhân và của các tội nhân; với một khuôn mặt bị thương, một khuôn mặt đói khát, một khuôn mặt kiệt lực; với một khuôn mặt nghi nan, một khuôn mặt thương hại. Và còn vượt xa những điều đó, để mong chờ một cuộc sống được tô điểm, được trang hoàng, và được chuẩn bị một cách đẹp đẽ, Ngài đã đón nhận nó như nó đến với Ngài, ngay cả khi cuộc sống là cái mà nó thường biểu lộ như là một sự tội nghiệp, đáng thương, cáu bẩn và bạc nhược. Hãy đi đến với „tất cả“ – Chúa Giê-su nói – đến với tất cả! – và loan báo Tin Mừng; đến với cuộc sống này, với tất cả những gì thuộc về nó, như nó là thế, chứ không phải như chúng ta thích; hãy đi và hãy ôm ghì lấy nó nhân danh Thầy! Hãy đi đến với các ngã ba, ngã tư, hãy ra khỏi nhà … để loan báo Tin Mừng một cách không sợ hãi, không thiên kiến, không có cảm tưởng là mình ưu việt, và không mang tính „phong cách“; hãy đi đến với bất cứ ai đã đánh mất niềm vui bên cuộc sống; hãy đi để công bố vòng tay nhân hậu của Thiên Chúa Cha. Hãy đi đến với những người mà họ đang phải sống với gánh nặng của những cơn sầu khổ, gánh nặng của sự trắc trở và tan vỡ, gánh nặng trước cảm giác về một cuộc hiện sinh bị xé vụn, và công bố cho họ biết tính cách của một người Cha luôn luôn muốn xức trên họ với dầu của niềm hy vọng, dầu của ơn cứu độ. Hãy đi ra khỏi nhà để công bố rằng, sự lầm lẫn, những hình ảnh lọc lừa, và những ảo tưởng sẽ không có tiếng nói chung cuộc trong đời sống của một con người. Hãy ra đi với dầu có khả năng xoa dịu những vết thương, và có khả năng đem lại sự phấn chấn cho con tim.

Sứ vụ truyền giáo không bao giờ phát triển từ một kế hoạch được thực hiện một cách hoàn hảo, hay từ một cuốn cẩm nang hướng dẫn được biên soạn một cách kỹ lưỡng và được in ấn một cách chỉnh chu. Sứ vụ truyền giáo luôn luôn phát sinh từ một cuộc sống biết mình được tìm kiếm, được cứu độ, được đón nhận và được tha thứ. Sứ vụ truyền giáo sẽ được sinh ra khi người ta có kinh nghiệm một lần cho muôn lần về ơn xứ dầu nhân hậu của Thiên Chúa.

Giáo hội, dân thánh của Thiên Chúa, có thể bước đi trên những con đường đầy bụi bặm của lịch sử, tức những con đường rất thường xuyên bị băng qua bởi những cuộc xung đột, bởi những bất công và bạo lực. Dân thánh thiện và dân tín thành của Thiên chúa không sợ hãi trước việc mắc phải lỗi lầm; nhưng dân ấy lại sợ hãi trước việc tự nhốt kín chính mình, để đông cứng lại trong những thành phần tinh hoa, để bám bứu vào những điều an toàn riêng. Dân ấy biết rằng, sự tự nhốt kín chính mình trong muôn vàn cách thế của nó chính là nguyên cớ dẫn tới rất nhiều những phút giây ngán ngẩm.

Vì thế chúng ta hãy lên đường, hãy đi ra khỏi chính mình để giới thiệu cho tất cả mọi người biết về sự sống của Chúa Giê-su (xc. Evangelii gaudium, 49)! Dân Thiên Chúa biết dấn thân, vì dân ấy chính là học trò của Đấng đã quỳ gối xuống trước các môn đệ của mình để rửa chân cho họ (xc. Evangelii gaudium, 24).

Ngày hôm nay chúng ta đang ở đây, và sở dĩ chúng ta có thể ở đây là vì có rất nhiều người đã quyết đi theo lời mời gọi đó của Thiên Chúa; có nhiều người đã tin rằng, „khi người ta càng trao hiến bản thân cho cuộc sống người khác thì cuộc sống của họ sẽ càng trở nên phong phú và chín muồi(Aparecida 2007, 360). Chúng ta là những người con trai, con gái được sinh ra từ sự gan dạ truyền giáo của nhiều người mà họ đã ưa thích trước việc không „tự nhốt mình vào trong những cấu trúc mà chúng trao cho chúng ta một sự bảo vệ sai lạc, … trong những thói quen mà trong đó chúng ta cảm thấy được bình yên, trong lúc đám đông quần chúng đói khát đang chờ bên ngoài (Evangelii gaudium, 49). Chúng ta là những người mắc nợ của một truyền thống, của một chuỗi các chứng nhân mà từ đời này sang đời kia, họ đã làm cho sứ điệp hân hoan của Tin Mừng luôn luôn có tính thời sự và vui mừng.

Ngày hôm nay chúng ta tưởng nhớ tới một trong những chứng nhân đó, Ngài đã công bố niềm vui Tin Mừng trong đất nước này, đó là Chân phúc Junipero Serra. Ngài đã là hiện thân của một „Giáo hội lên đường“, đó là Giáo hội đi ra khỏi mình và biết bước đi trên đường để công bố sự trìu mến có tính hòa giải của Thiên Chúa cho tất cả mọi người. Chân Phúc Junipero Serra đã rời bỏ đất nước cũng như những tập quán của mình, và đã quyết định mở ra những con đường; Ngài hiểu để đi đến với nhiều người, bằng cách là Ngài học làm quen và học kính trọng trước những tập tục và những điều đặc biệt của họ. Ngài có khả năng đánh thức và tiếp nhận sự sống của Thiên Chúa trong những con người mà Ngài gặp, và làm cho họ trở thành những người anh em và những người chị em. Thánh Junipero đã kiếm tìm phẩm giá của cộng đồng thổ dân để gìn giữ nó, cũng như bảo vệ nó trước những kẻ muốn lạm dụng nó.

Cha Junipero có một khẩu hiệu, và khẩu hiệu này đã luôn khích lệ những bước chân của Ngài cũng như đã để lại dấu ấn trong cuộc sống của Ngài: Siempre adelante – Luôn luôn tiến về phía trước! Ngài có thói quen nói như thế, và tiên vàn là hành động theo khẩu hiệu đó. Đó là hình thức mà Thánh Junipero đã tìm thấy để sống niềm vui Tin Mừng và để bảo vệ com tim của mình trước sự mơ màng. Ngài đã luôn tiến về phía trước vì Thiên Chúa đang chờ đợi; luôn luôn tiến về phía trước vì có người anh em hay chị em đang đợi chờ. Luôn luôn tiến về phía trước với tất cả khoảng thời gian mà Ngài còn sống. Ngài tiến về phía trước. Ngày hôm nay chúng ta cũng có thể nói như Ngài hồi đó: Nào! Chúng ta cùng tiến về phía trước!

 

Thánh địa Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Washington, D.C, Hoa Kỳ ngày 23 tháng 09 năm 2015

 

ĐTC Phan-ix-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 

 


Văn Kiện Giáo Hội