Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi tiếp kiến chung tại quảng trường Thánh Phê-rô sáng thứ Tư ngày 30.09.2015: Tường thuật về chuyến Tông Du Mỹ Châu

 

*Những lời của Đức Thánh Cha với các bệnh nhân tại Đại Sảnh Đường Phao-lô VI:

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Cha xin kính chào tất cả anh chị em. Buổi tiếp kiến hôm nay sẽ diễn ra tại hai nơi: tại đây (Đại Sảnh đường Phao-lô VI) và tại quảng trường ngoài kia. Do thời tiết thay đổi và không được tốt, nên chúng tôi muốn rằng, anh chị em cần có một địa điểm an toàn và ấm cúng, cũng như có thể theo dõi buổi tiếp kiến qua màn hình lớn. Cha xin cám ơn anh chị em vì cuộc thăm viếng này, và xin anh chị em hãy cầu nguyện cho Cha. Bệnh tật là một cái gì đó đáng buồn; dù có rất nhiều bác sĩ, các điều dưỡng và y tá nam nữ, cũng như có rất nhiều thuốc men rất tốt – tất cả, nhưng bệnh tật vẫn là điều đáng buồn. Nhưng chúng ta có Đức Tin, và Đức Tin ấy khích lệ chúng ta, và chúng ta có niềm suy nghĩ rằng: Thiên Chúa đã trở thành một bệnh nhân vì chúng ta. Cụ thể là Ngài đã sai Con Ngài đến để đón nhận vào bản thân Ngài tất cả mọi bệnh hoạn tật nguyền của chúng ta, kể cả Thập Giá. Trong lúc chúng ta hướng cái nhìn của mình lên Chúa Giê-su và sự kiên nhẫn của Ngài, Đức Tin của chúng ta sẽ được củng cố.

Trong khi chúng ta tiếp tục con đường của mình với bệnh tật, chúng ta sẽ được đồng hành bởi Chúa Giê-su cũng như được dẫn dắt bởi cánh tay của Ngài. Ngài biết điều gì là ý nghĩa của đau khổ; Ngài hiểu và Ngài an ủi chúng ta, cũng như trao ban cho chúng ta sức mạnh.

Và giờ đây Cha ban phép lành cho tất cả anh chị em. Cha cầu xin Chúa, xin Ngài chúc lành cho anh chị em cũng như đồng hành với anh chị em. Nhưng trước tiên, chúng ta hãy cầu nguyện cùng Mẹ Thiên Chúa đã:

Kính mừng Maria

(Phép lành của Đức Thánh Cha)

*Bài Giáo Lý của Đức Thánh Cha: Chuyến Công Du Mỹ Châu

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Buổi tiếp kiến chung hôm nay được thực hiện tại hai địa điểm: Tại quảng trường này và tại đại sảnh đường Phao-lô VI, tại đó, buổi tiếp kiến này sẽ được vô số các bệnh nhân cùng theo dõi qua màn ảnh lớn. Khi thấy thời tiết không có nắng và không được đẹp, chúng tôi đã muốn để cho các bệnh nhân ấy có thể được che chắn và được bình yên. Chúng ta hãy hiệp thông với nhau và cùng chào thăm nhau.

Trong những ngày vừa qua, Cha đã hoàn tất một chuyến Tông Du tới Cu-ba và Hiệp Chủng Quốc. Chuyến Tông Du này phát xuất từ niềm ước mong muốn tham dự Đại Hội Quốc Tế về Gia Đình. Đại Hội Này đã được lên kế hoạch từ lâu là sẽ diễn ra tại Philadelphia. „Hạt nhân nguyên thủy này“ đã phát triển thành một chuyến thăm bao gồm Hoa Kỳ, trụ sở của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc và cả quốc đảo Cu-ba, nơi hình thành nên chặng đầu tiên của cuộc hành trình này. Cha đã tái bày tỏ với chủ tịch Castro, với tổng thống Obama và với tổng thư ký Ban Ki-moon về niềm biết ơn của Cha trước sự tiếp đón nồng hậu mà họ đã dành cho Cha. Với trọn tấm lòng, Cha xin cám ơn những người anh em trong hàng Giám Mục, cám ơn tất cả các cộng tác viên vì công việc và Tình Yêu vĩ đại của họ đối với Giáo hội, mà Giáo hội đã được gây phấn chấn bởi Tình Yêu.

Với tư cách là „Nhà truyền giáo của lòng nhân hậu“, Cha đã công du tới Cu-ba – một đất nước phong phú cả về những vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa lẫn Đức Tin. Lòng khoan hậu của Thiên Chúa lớn lao và vĩ đại hơn bất cứ mọi tổn thương, mọi xung đột và mọi ý thức hệ nào; với cái nhìn của lòng nhân hậu này, Cha đã có thể ôm vào lòng tất cả mọi người dân Cu-ba đang sống tại quê hương hay bên ngoài quê hương của mình, vượt qua tất cả mọi căng thẳng và chia rẽ bất hòa. Bản chất của sự hiệp nhất sâu xa nơi tâm hồn người Cu-ba ấy chính là Đức Trinh Nữ Nhân hậu Cobre, Đấng mà cách nay đúng một trăm năm đã được tuyên bố là Nữ Bổn Mạng của đất nước Cu-ba. Với tư cách là người hành hương, Cha đã đi tới Thánh Địa của Thân Mẫu niềm hy vọng này – Người đang dẫn dắt con đường công lý, hòa bình, tự do và hòa giải.

Với người dân Cu-ba, Cha đã có thể chia sẻ sự ứng nghiệm của Lời Tiên Báo do Thánh Giáo Hoàng Gio-an phao-lô II đưa ra: Hy vọng rằng, Cu-ba sẽ có thể mở ra với thế giới và thế giới mở ra với Cu-ba: sẽ không còn có sự khép kín và việc bóc lột những người nghèo nữa, nhưng sẽ có sự tự do trong phẩm giá! Con đường này sẽ lay động con tim của nhiều người trẻ Cu-ba: thay vì đi đường vòng để tìm cách tránh né và kiếm được tiền bạc một cách dễ dàng, thì nên chọn theo con đường dẫn tới trách nhiệm, dẫn tới sự phục vụ tha nhân, và dẫn tới việc chăm sóc cho những người yếu kém. Con đường này nhận được sức mạnh của nó từ nguồn gốc Ki-tô giáo của dân tộc Cu-ba, một dân tộc đã trải qua đau khổ lớn lao. Cha đã động viên một cách đặc biệt các Linh mục và tất cả các thành viên của các Hội Dòng cũng như các sinh viên học sinh và các gia đình, hãy đi trên con đường ấy. Ước gì Chúa Thánh Thần, nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, sẽ làm cho những hạt giống đã được rắc gieo bởi chúng ta, được nảy mầm và lớn lên.

Từ Cu-ba tới Hoa Kỳ - Đó là một chiếc cầu vượt kiểu mẫu; đó là một chiếc cầu – tạ ơn Chúa – đã được kiến tạo. Thiên Chúa luôn luôn muốn kiến tạo những cây cầu. Nhưng chúng ta lại là những kẻ dựng nên những bức tường! Và những bức tường đó luôn bị sụp đổ.

Tại Washington, Cha đã gặp gỡ các tỗ chức chính trị, những con người giản dị, các Giám mục, các thành viên của nhiều hội Dòng, những người nghèo và những người bị đẩy ra bên lề. Cha đã nhắc nhớ rằng, sự phong phú nhất của quốc gia này và của những con người thuộc quốc gia này, được tìm thấy trong di sản tinh thần và đạo đức. Từ đó phát sinh niềm mong muốn của Cha trong việc khích lệ công cuộc kiến tạo xã hội dưới sự kính trọng những nguyên tắc căn bản mà theo đó, tất cả mọi con người đều đã được Thiên Chúa sáng tạo nên một cách ngang nhau, và được trang bị với những quyền lợi bất khả nhượng: Quyền được sống, quyền tự do và quyền đạt tới hạnh phúc. Những giá trị được chia sẻ bởi tất cả mọi người này đạt tới được sự hiện thực hóa một cách trọn vẹn của chúng trong Tin Mừng, như Lễ Tôn Phong Hiển Thánh của Cha Junípero Serra, một Tu sĩ Dòng Phan-xi-cô và là một nhà truyền giáo vĩ đại tại California, đã trình bày cho chúng ta thấy một cách tỏ tường. Thánh Junípero Serra đã chỉ ra cho thấy con đường của niềm vui: Con đường của các Ki-tô hữu và của bất cứ con người nào đã trải nghiệm về Tình Yêu, hàm chứa trong việc đi ra khỏi chính mình và trong việc sẻ chia Tình Yêu Chúa Ki-tô với những người khác. Người ta không nên giữ lại Tình Yêu cho riêng mình, nhưng nên chia sẻ với người khác. Trên nền tảng tôn giáo và luân lý này đã dẫn tới sự phát sinh và sự phát triển của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Và cũng trên nền tảng ấy, quốc gia này sẽ vẫn có thể tồn tại với tư cách là đất nước của sự tự do và của sự đón nhận, và có thể cộng tác trong ý nghĩa của một thế giới được để lại dấu ấn bởi tình huynh đệ và công lý.

Tại New York, Cha đã có thể viếng thăm trụ sở của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, và chào thăm những người đang làm việc tại đó. Cha đã có những cuộc nói chuyện với ông Tổng Thư Ký và với ông Chủ Tịch của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc và của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Trong khuôn khổ của một bài diễn văn trước các đại diện của các quốc gia, dựa vào các vị tiền nhiệm của mình, Cha đã tái canh tân sự khích lệ từ phía Giáo hội đối với cơ quan này và vai trò của nó trong mối liên hệ đến sự thúc đẩy và phát triển hòa bình qua việc nhấn mạnh đến sự cấp thiết của một sự dấn thân chung và thực sự cho việc chăm sóc thiên nhiên. Đồng thời, Cha cũng đã ủng hộ lời kêu gọi nhằm chấm dứt và ngăn ngừa những bạo lực chống lại các nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số và dân thường.

Bên đài tưởng niệm Ground Zero, chúng tôi cũng đã cùng cầu nguyện cho nền hòa bình và tình huynh đệ với các vị đại diện của các tôn giáo, với những người thân của những người đã ngã xuống, và với người dân New York được ghi đậm dấu ấn thông qua sự đa dạng to lớn về văn hóa. Cha cũng đã cử hành một Thánh Lễ tại Madison Square Garden để cầu nguyện cho hòa bình và công lý.

Tại cả Washington lẫn New York, Cha đã gặp gỡ một số sự kiện thuộc Caritas và giáo dục như là biểu tượng cho sự phục vụ to lớn, được thực hiện trong lãnh vực này bởi các cộng đoàn Công giáo, cũng như bởi các Linh mục, Tu sĩ và Giáo dân.

Đại Hội Quốc Tế lần thứ 8 tại Philadelphia đã hình thành nên cao điểm của chuyến Tông Du. Trong khuôn khổ của nó, đường chân trời đã đồng thời được mở rộng trên toàn thế giới thông qua „lăng kính“ gia đình. Gia đình, với tư cách là giao ước phong nhiêu giữa người chồng và người vợ, chính là câu trả lời cho những thách đố to lớn của thế giới chúng ta, trong đó có những thách đố kép: sự phân mảnh và sự hủy hoại; hai thái cực cùng chung sống và tiếp nhận lẫn nhau, mà mô hình kinh tế hướng tới người tiêu dùng đang dựa vào sự thống nhất của chúng. Câu trả lời cho những thách đố đó chính là gia đình, vì gia đình chính là tế bào của một xã hội, mà xã hội ấy hình thành nên một sự cân bằng giữa chiều kích cá nhân và chiều kích xã hội. Đồng thời, gia đình có thể biểu thị như là mẫu gương của một sự quản lý bền vững đối với gia tài và nguồn lợi thiên nhiên. Trong mối quan hệ này, gia đình chính là diễn viên chính của một nền sinh thái học mang tính toàn diện, khi gia đình là chủ thể xã hội, mà chủ thể ấy thống nhất „bên trong chính nó“ cả hai nguyên lý căn bản của nhân loại trên trái đất: Nguyên lý cộng đồng và nguyên lý phong nhiêu. Tính nhân văn của Kinh Thánh đặt chúng ta trước hình ảnh sau đây: Vợ chồng nhân loại hợp nhất và phong nhiêu, mà đôi vợ chồng đó được Thiên Chúa đặt vào trong thửa vườn thế giới để canh tác thửa vườn này và để bảo vệ nó.

Cha muốn nói lên lời cám ơn huynh đệ và chân thành đối với Đức Cha Chaput, Tổng Giám Mục Philadelphia vì sự dấn thân, về mối đồng cảm, về niềm hăng hái, và về Tình Yêu to lớn của Ngài đối với các gia đình trong khuôn khổ của những công đoạn chuẩn bị cho biến cố này. Tất nhiên, không phải tình cờ, nhưng là do sự quan phòng của Thiên Chúa để cho Tin Mừng, và đồng thời cũng là chứng tá của cuộc Đại Hội Quốc tế về Gia Đình đến với Hoa Kỳ đúng vào thời điểm này, đó là thời điểm mà quốc gia này, trong một thế kỷ qua, đã trải qua một sự phát triển to lớn ngoài mức tưởng tượng cả về kinh tế lẫn kỹ thuật mà không hề có chuyện phủ nhận nguồn cội tôn giáo của mình. Giờ đây, trong ý nghĩa của một sự thay đổi về mô hình phát triển có lợi cho toàn thể gia đình nhân loại, những nguồn cội này đang giới thiệu một sự tái bắt đầu được khởi đi từ gia đình.

Vatican ngày 30 tháng 09 năm 2015

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội