Bài Giáo Lý của ĐTC trong cuộc Hội Kiến Liên Tôn tại quảng trường Thánh Phê-rô sáng thứ Tư 28.10.2015: „Không có Chúa, chúng ta không thể thực hiện được bất cứ điều chi; với Ngài, tất cả đều có thể!

 

Anh chị em thân mến,

Các cuộc tiếp kiến chung thường có một số người hoặc một số nhóm thuộc các tôn giáo khác tham dự. Nhưng sự hiện diện của họ trong ngày hôm nay có một ý nghĩa hoàn toàn đặc biệt: Cùng tưởng nhớ năm thứ 50 ngày Tuyên Ngôn của Công Đồng Vatican II Nostra aetate về các mối tương quan giữa Giáo hội Công giáo với các tôn giáo ngoài Ki-tô giáo. Đề tài này nằm sâu trong con tim của Đức Thánh Cha Phao-lô VI. Trong phạm vi của ngày Đại Lễ Kính Chúa Thánh Thần Hiện Xuống trước khi bế mạc Công Đồng một năm, chính Ngài đã thành lập nên „Ban Thư Ký dành cho những người ngoài Ki-tô giáo“ mà ngày nay gọi là Hội Đồng Tòa Thánh Về Đối Thoại Liên Tôn. Trước bối cảnh này, tôi xin thể hiện niềm biết ơn và lời chào kính nồng nhiệt của tôi tới các cá nhân và các nhóm tuộc các tôn giáo khác đang quy tụ cùng với chúng tôi tại đây trong ngày hôm nay, đặc biệt là đối với những vị đã đến đây từ rất xa.

Công Đồng Vatican II đã giới thiệu một cơ hội đặc biệt để phản tỉnh, để đối thoại và để cầu nguyện trong ý nghĩa của việc đổi mới cái nhìn của Giáo hội Công giáo về chính mình và về thế giới, cũng như giới thiệu một cách giải thích những dấu chỉ thời đại đối với một cuộc canh tân hướng đến một sự trung tín kép: Trung tín đối với truyền thống của Giáo hội và trung tín với lịch sử của từng người nam, người nữ trong thời đại chúng ta. Vì thế, Thiên Chúa – Đấng mạc khải mình trong công trình sáng tạo và trong lịch sử - đã nói một cách hoàn toàn và trọn vẹn trong Con Một Nhập Thể của Ngài (xc. Dt 1,1). Ngài hướng đến con tim và tinh thần của bất cứ người nào kiếm tìm chân lý và kiếm tìm những cách thế để thực hành chân lý đó.

Sứ điệp của Tuyên Ngôn Nostra aetate vẫn luôn còn mang tính thời sự. Tôi muốn nhắc tới một số điểm vắn gọn: Sự phụ thuộc lẫn nhau của các dân tộc đang phát triển (xc. Số 1).

Sự kiếm tìm của con người trước một ý nghĩa trong đời; ý nghĩa của đau khổ, của sự chết – đó là những câu hỏi vẫn luôn đồng hành với con đường của chúng ta (xc. Số 1).

Nguồn gốc chung và số phận chung của nhân loại (xc. Số 1).

Tính duy nhất của gia đình nhân loại (xc. Số 1).

Các tôn giáo với tư cách là cuộc kiếm tìm Thiên Chúa hay kiếm tìm Tuyệt Đối trong các dân tộc và trong các nền văn hóa khác nhau (xc. Số 1).

Cái nhìn đầy thiện cảm và lưu tâm của Giáo hội đối với các tôn giáo: Giáo hội không phủ nhật bất cứ điều gì tốt đẹp hay bất cứ chân lý nào trong các tôn giáo ấy (xc. Số 2).

Giáo hội chiêm ngưỡng các tín hữu của các tôn giáo khác với niềm trân quý. Giáo hội đánh giá cao sự nỗ lực về tinh thần và luân lý của các tín hữu ấy (xc. Số 3).

Giáo hội rộng mở cho cuộc đối thoại đối với tất cả nhân loại. Đồng thời Giáo hội cũng trung tín với những chân lý mà Giáo hội tin tưởng; bắt đầu từ những điều mà từ đó phát xuất ơn cứu độ được giới thiệu cho tất cả, trong Chúa Giê-su, Đấng Cứu Độ Duy Nhất, và Chúa Thánh Thần – Đấng đang hoạt động – chính là nguồn mạch hòa bình và Tình Yêu.

Trong suốt 50 năm qua, nhiều biến cố, nhiều sáng kiến, nhiều mối tương quan vừa mang tính cá nhân lẫn tổ chức, với các tôn giáo ngoài Ki-tô giáo, đã phát sinh, và thật khó để nhớ được tất cả những biến cố và những sự kiện đó. Một biến cố đặc biệt quan trọng chính là cuộc gặp gỡ tại Assisi vào ngày 27 tháng 10 năm 1986. Biến cố này được xếp đặt nhờ vào sự gợi ý và sự khích lệ của Thánh Gio-an Phao-lô II Giáo hoàng, người mà trước đó một năm tức cách nay 30 năm, tại Casablanca, đã hướng đến những người trẻ Hồi giáo với niềm mong muốn thúc đẩy tình bạn và sự hiệp nhất giữa con người và giữa các dân tộc thông qua tất cả mọi niềm tin vào Thiên Chúa. Ngọn lửa được đốt lên tại Assisi đã lan trộng trên toàn thế giới và hình thành nên một chỉ dấu bền lâu của niềm hy vọng.

Niềm biết ơn đặc biệt xin được hướng về Thiên Chúa vì sự biến chuyển thực sự nơi mối tương quan giữa các Ki-tô hữu với các tín hữu Do-thái trong suốt 50 năm qua. Từ sự thờ ơ và đối đầu, đã nảy sinh sự cộng tác và mối thiện cảm. Từ những con người thù địch và đứng bên ngoài đã trở nên những người bạn và những người anh em. Với Tuyên Ngôn Nostra aetate, Công Đồng đã vẽ ra một con đường: Nói tiếng „CÓ“ với việc tái khám phá ra gốc rễ Do-thái giáo của Ki-tô giáo; nói tiếng „KHÔNG“ với bất cứ hình thức bài Do-thái nào, và kết án bất cứ sự xúc phạm, sự kỳ thị và sự bách hại nào mà chúng dẫn đến việc bài Do-thái. Sự hiểu biết, sự kính trọng và sự trân quý lẫn nhau chính là một con đường. Trong một cách thế đặc biệt, con đường này rất có ý nghĩa nơi mối tương quan đối với các tín hữu Do-thái, nhưng cũng có ý nghĩa cả trong các mối tương quan đối với các tôn giáo khác. Một cách rất đặc biệt, ở đây tôi nhớ tới những người Hồi Giáo, mà theo Công Đồng, họ cũng „tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất, hằng sống, hiện hữu muôn đời, thương xót và quyền năng, Đấng sáng tạo nên trời đất và nói chuyện với con người“ (xc. Na, 5). Họ có mối liên hệ đến tình cha của Tổ Phụ Ab-ra-ham, họ tôn kính Chúa Giê-su như là vị Ngôn Sứ, và họ cũng tôn kính Đức Trinh Nữ Maria, Thân Mẫu của Ngài, họ trông đợi ngày phán xét cuối cùng và thực hành việc cầu nguyện, việc bố thí cũng như việc ăn chay (xc. Na, 5).

Cuộc đối thoại mà chúng ta cần tới, phải được khắc ghi bởi sự cởi mở và sự kính trọng, và rồi nó sẽ biểu lộ như là điều rất phong nhiêu. Sự kính trọng lẫn nhau chính là điều kiện tiên quyết, và đồng thời là mục đích của sự đối thoại liên tôn: kính trọng đối với quyền của người khác trên sự sống, trên sự nguyên vẹn về cơ thể, trên sự tự do căn bản, tức tự do lương tâm, tự do suy nghĩ, tự do bày tỏ quan điểm và tự do tôn giáo.

Thế giới đang nhìn về các tín hữu chúng ta. Họ kêu gọi chúng ta cộng tác với nhau và với những người nam và những người nữ thành tâm thiện ý nhưng không tuyên xưng niềm tin vào bất cứ tôn giáo nào, và đang đòi hỏi những câu trả lời hữu hiệu trong mối liên hệ tới muôn vàn những đề tài khác nhau: Hòa bình, đói khái, và sự cùng khốn mà hàng triệu con người đang bị liên lụy tới, sự khủng hoảng về môi trường, bạo lực – đặc biệt nhất là bạo lực nhân danh tôn giáo -, tham nhũng, đổ nát về luân thường đạo lý, khủng hoảng trong gia đình, khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng nền tài chính và tiên vàn là khủng hoảng niềm hy vọng. Các tín hữu chúng ta không có những toa thuốc để điều trị những vấn đề đó. Nhưng chúng ta lại đang sở hữu một nguồn tài nguyên to lớn: sự cầu nguyện. Đó chính là kho báu của chúng ta, chúng ta sử dụng kho báu này theo những truyền thống của chúng ta để cầu xin ân sủng mà nhân loại đang khát khao.

Vì bạo lực và khủng bố, một thái độ nghi ngờ, hay thậm chí là kết án các tôn giáo đã lan rộng. Trong khi người ta phải hướng về những giá trị tích cực được sống và được đề nghị bởi các tôn giáo – mà chúng chính là nguồn cội của niềm hy vọng -, mặc dù không có tôn giáo nào bị lôi cuốn trước nguy cơ bị trệch hướng vào trong chủ nghĩa thủ cựu hay chủ nghĩa cực đoan thông qua những cá nhân hay các nhóm (xc. Diễn Văn trước Lưỡng Viện Hoa Kỳ ngày 24.09.2015). Có nghĩa là cần phải có một tầm nhìn để nhìn xa trông rộng. Cuộc đối thoại đặt nền tảng trên sự tôn trọng hoàn toàn tin tưởng, có thể sản sinh ra những hạt mầm của sự tốt lành, mà về phần mình, chúng sẽ trở nên những đọt mầm của tình bạn và của sự cộng tác trong nhiều lãnh vực; trước hết là trong sự phục vụ những người nghèo, những người bé mọn, những cụ già, trong việc đón nhận những người di cư, và trong việc lưu tấm đến những người bị gạt ra bên lề cuộc sống. Chúng ta có thể cùng lên đường, và có thể chăm sóc cho nhau cũng như cho thế giới thiên nhiên. Chúng ta có thể cùng ca ngợi Đấng Tạo Hóa, vì Ngài đã ban tặng cho chúng ta khu vườn thế giới để canh tác và bảo vệ khu vườn ấy như là tài sản chung. Chúng ta có thể cùng thực hiện những kế hoạch để chiến đấu chống lại sự đói nghèo và bảo đảm cho những người nam và những người nữ những điều kiện dành cho một cuộc sống xứng nhân phẩm.

Năm Thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót sắp đến, sẽ giới thiệu cho chúng ta một cơ hội thuận tiện để cộng tác trong lãnh vực thuộc các công việc của Lòng Thương Xót (Thương Người Có Mười Bốn Mối). Trong lãnh vực này, nơi mà trước hết niềm cảm thông được kể đến, nhiều người có thể hiệp nhất với nhau, đó là những người không cảm thấy mình như là một tín hữu hay đang trên đường kiếm tìm Thiên Chúa và chân lý; và đó là những người mà họ đang đặt khuôn mặt của những người khác, đặc biệt là của những người anh chị em túng quẫn, vào trung tâm điểm. Lòng Thương Xót mà chúng ta được kêu gọi trở nên, sẽ bao bọc toàn thể thế giới thụ tạo mà Thiên Chúa đã trao phó cho chúng ta để chúng ta bảo vệ chúng thay vì bóc lột chúng, hay thậm chí còn tệ hơn, hủy hoại chúng. Chúng ta phải thường xuyên có dự định để lại một thế giới trong một tình trạng tốt hơn trong sự so sánh với những điều đã được nhìn thấy (xc. Laudato si, 194), được bắt đầu từ môi trường chung quanh chúng ta và từ những cử chỉ nho nhỏ trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. 

Anh chị em thân mến, đối với tương lai của cuộc đối thoại liên tôn, tiên vàn là chúng ta phải cầu nguyện. Không có Chúa chúng ta sẽ chẳng thể thực hiện được bất cứ điều chi; với Ngài, tất cả đều trở nên có thể! Ước chi lời cầu nguyện của chúng ta sẽ tương thích hoàn toàn với Thánh Ý của Thiên Chúa, Đấng muốn rằng, tất cả mọi người đều nhìn nhận nhau như là những người anh chị em của nhau, và sống điều đó bằng cách là hình thành nên một đại gia đình nhân loại trong sự hòa điệu của những điều khác biệt.

 

*Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha:

 

Anh chị em thân mến,

Chúng ta hãy thể hiện sự gần gũi của mình đối với những cư dân của Pakistan và của Afghanistan, họ đang bị liên lụy tới một cuộc động đất rất dữ dội. Thảm họa này đã lấy đi sinh mạng của vô số người và là nguyên nhân dẫn tới những thiệt hại không thể đo lường. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người bị tử vong và cho các thành viên trong gia đình của họ, cũng như cho những người bị tổn thương và những người phải sống cảnh màn trời chiếu đất. Chúng ta hãy cầu xin Chúa, xin Ngài giảm bớt những đau khổ của họ, và xin Ngài ban cho họ niềm can đảm để vượt qua những khó khăn. Chớ gì tình liên đới cụ thể của chúng ta sẽ không bao giờ bị thiếu đối với những người anh chị em đó.

 

Quảng trường Thánh Phê-rô thứ Tư ngày 28 tháng 10 năm 2015

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 

 

 

 


Văn Kiện Giáo Hội