Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong cuộc tiếp kiến chung tại quảng trường Thánh Phê-rô sáng thứ Tư 04.11.2015: GIA ĐÌNH – Mục 31. Sự Tha Thứ Những Lỗi Lầm

 

Anh chị em thân mến!

Phiên họp khoáng đại của Thượng Hội Đồng Giám Mục dành để chiêm ngưỡng một cách cặn kẽ về ơn gọi và sứ vụ của gia đình trong đời sống Giáo hội cũng như trong đời sống xã hội hiện tại, vừa mới kết thúc cách nay chưa lâu. Thượng Hội Đồng Giám Mục chính là một biến cố tràn ngập ân sủng. Khi kết thúc, các Nghị Phụ đã trao cho Cha một bản văn với những lời kết luận của các Ngài. Việc công bố bản văn đó chính là niềm mong muốn đối với Cha, để tất cả đều có thể tham dự vào công việc được chúng ta thực hiện chung với nhau trong suốt hai năm trời. Nhưng giờ đây chưa phải là thời điểm để tiến hành một sự xem xét về những kết luận đó, mà với chúng, chính Cha phải cân nhắc.

Nhưng trong khi đó, cuộc sống vẫn tiếp tục tiến triển; đặc biệt là cuộc sống gia đình, cuộc sống ấy không bao giờ đi tới tình trạng đình đốn! Các gia đình thân mến, anh chị em hãy luôn trên đường. Anh chị em đừng bao giờ ngừng ghi vào trong cuốn sách của đời sống cụ thể về vẻ đẹp của Tin Mừng Gia Đình. Trong một thế giới mà trong đó sự sống và Tình Yêu đôi khi bị khô quắt, ngày lại ngày anh Chị em hãy nói về ân sủng lớn lao của đời sống hôn nhân và gia đình.

Hôm nay Cha muốn dừng lại ở một khía cạnh tiếp theo: Gia đình chính là hội trường vĩ đại để luyện tập về sự trao hiến lẫn cho nhau và về sự tha thứ cho nhau, mà nếu không có nó, Tình Yêu sẽ không thể kéo dài. Nếu không có sự trao hiến lẫn cho nhau và không có sự tha thứ đối với nhau thì Tình Yêu sẽ không được bảo vệ; nó sẽ không đứng vững. Trong lời cầu nguyện mà chính Chúa Giê-su đã dậy chúng ta – tức Kinh Lạy Cha – Ngài đã cho phép chúng ta hướng lời sau đây về Thiên Chúa Cha: „Xin Cha tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con“. Và khi kết thúc lời Kinh này, Chúa Giê-su đã giải thích như sau: „Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.“ (Mt 6, 12.14-15). Người ta sẽ không thể sống nếu như người ta không tha thứ cho nhau; đặc biệt là trong gia đình, ít nhất là người ta sẽ không thể sống tốt nếu người ta không tha thứ cho nhau. Mỗi ngày chúng ta đều phạm phải những lỗi lầm đối với nhau. Chúng ta phải lưu ý tới những lỗi lầm bị tạo ra thông qua những yếu đuối và sự ích kỷ của chúng ta. Nhưng chúng ta được mời gọi hãy chữa lành những tổn thương đã bị gây ra cho nhau, hầu tái nối lại những sợi chỉ đã bị đứt rời ngay trong gia đình. Nếu chúng ta để cho quá nhiều thời gian trôi qua thì tất cả sẽ càng trở nên khó khăn và phức tạp hơn. Đối với sự chữa lành các vết thương và sự giải quyết những lời buộc tội, có một bí quyết đơn giản. Bí quyết này hoạt động theo cách thức sau đây: Đừng để cho bất cứ ngày nào trôi đi mà trong ngày đó anh chị em đã không xin sự tha thứ cho nhau, mà trong ngày đó, anh chị em với tư cách là người chồng, người vợ, cha mẹ, con cái, anh em, chị em, con dâu và mẹ chồng… không hòa giải với nhau! Nếu chúng ta học để xin lỗi ngay tức khắc và trao tặng sự tha thứ cho nhau, thì những vết thương sẽ được chữa lành, đời sống hôn nhân sẽ được củng cố, và gia đình càng ngày càng trở nên một mái ấm chắc chắn hơn, mái ấm ấy sẽ chịu đựng được những cơn chấn động và sự ngờ vực được tạo ra bởi những hành vi ác độc to nhỏ của chúng ta. Từ lý do này mà những bài thuyết giảng dài dòng sẽ trở nên không cần thiết. Chỉ cần một cử chỉ trìu mến thôi, cũng đủ rồi: với một cử chỉ trìu mến, tất cả mọi chuyện đều sẽ được vượt qua và có thể bắt đầu những cái mới. Vì thế, xin anh chị em đừng bao giờ để cho bất cứ một ngày nào đó kết thúc với một cuộc chiến!

Nếu chúng ta học điều đó để sống trong gia đình thì rồi chúng ta cũng sẽ hành động như thế ở ngoài xã hội; tại bất cứ nơi đâu khi chúng ta hiện diện. Thật dễ dàng để nghi ngờ những điều đó. Ngay cả giữa các Ki-tô hữu chúng ta, nhiều người cũng đang coi đó là sự cường điệu. Người ta nói: Vâng, đó là những lời rất hay, nhưng nó không thể thực hiện trong thực tế. Nhưng tạ ơn Chúa, vấn đề không đến độ như thế. Về phần mình, nhờ vào việc đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa, nên tất cả chúng ta đều có khả năng để trao tặng sự tha thứ cho người khác. Từ lý do đó, ngày lại ngày, Chúa Giê-su đã cho phép chúng ta lập đi lập lại những lời trên trong Kinh Lạy Cha. Trong một xã hội đôi khi tàn nhẫn, thì sự tồn tại của những nơi giống như gia đình, trong đó người ta học để tha thứ cho nhau, trở nên rất cần thiết.

Trong mối liên hệ này, Thượng Hội Đồng Giám Mục cũng đã đưa đến cho chúng ta niềm hy vọng: Khả năng tha thứ và sự tha thứ cho nhau chính là một phần của ơn gọi và sứ vụ của gia đình. Việc thực hành sự tha thứ sẽ không chỉ bảo vệ gia đình trước sự phân rã, mà còn tạo cho gia đình khả năng góp phần làm cho xã hội bớt đi tính hẹp hòi và sự hung hãn. Vâng, bất cứ cử chỉ tha thứ nào cũng đều bảo vệ ngôi nhà trước sự phát sinh của những rạn nứt, và củng cố thêm cho những bức tường của ngôi nhà ấy. Các gia đình thân mến, Giáo hội luôn đứng về phía anh chị em để giúp anh chị em trong việc kiến tạo nên những ngôi nhà của anh chị em trên chính nền đá mà Chúa Giê-su đã nói tới. Chúng ta đừng quên những lời được Chúa Giê-su tuyên bố ngay trước khi Ngài đưa ra một dụ ngôn về ngôi nhà: „Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: lạy Chúa, lạy Chúa! – là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao? Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!“ (Mt 7, 21-23). Không hề có sự nghi ngờ gì nữa, những lời vừa rồi rất ấn tượng và nhắm vào việc lay thức chúng ta và kêu gọi chúng ta hoán cải.

Các gia đình thân mến, Cha xin bảo đảm là anh chị em có khả năng để bước đi trên con đường của các mối phúc với sự kiên quyết ngày càng lớn, bằng cách là anh chị em học và dậy cách tha thứ cho nhau. Trong toàn đại gia đình Giáo hội, khả năng đó sẽ lớn lên để làm chứng cho sức mạnh có khả năng đổi mới mà nó phát xuất từ nơi ơn tha thứ của Thiên Chúa. Trong trường hợp ngược lại, có lẽ chúng ta sẽ thực hiện những bài thuyết pháp thật tuyệt vời, và có khi còn trừ được cả quỷ ma, nhưng vào ngày tận cùng, Thiên Chúa sẽ không nhìn nhận chúng ta như là những người môn đệ của Ngài, vì chúng ta không có khả năng tha thứ cho nhau, cũng như không thể đón nhận sự tha thứ của người khác!

Thực tế thì các gia đình Ki-tô giáo đều có thể thực hiện những điều to lớn cho cộng đồng và cho cả Giáo hội nữa. Từ lý do đó, Cha mong muốn rằng, trong Năm Thánh về Lòng Thương Xót, các gia đình sẽ tái khám phá ra kho tàng của ơn tha thứ lẫn cho nhau. Chúng ta hãy cầu nguyện, xin cho các gia đình càng ngày càng có khả năng sống và kiến tạo nên những con đường hòa giải cụ thể, đến độ không ai còn cảm thấy mình đang bị bỏ mặc cho gánh nặng của chính những lỗi lầm do mình gây ra nữa.

Với sự nỗ lực này, chúng ta hãy cùng thưa: „Lạy Cha chúng con, xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con“. [Chúng ta hãy cùng thưa: „Lạy Cha chúng con, xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con“.]

 

Quảng trường Thánh Phê-rô ngày 04 tháng 11 năm 2015

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội