Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong cuộc hội kiến chung sáng thứ Tư ngày 11.11.2015: GIA ĐÌNH – Mục 32. Sự Đồng Bàn

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Hôm nay chúng ta sẽ chiêm ngưỡng một nét đặc trưng tiêu biểu đối với đời sống gia đình mà chúng ta đã học được ngay từ những năm đầu đời: Việc dùng bữa chung, hay còn gọi là sự đồng bàn, có nghĩa là phát triển một hành vi chia sẻ những điều tốt lành của cuộc sống và thực hiện điều đó với niềm vui. Có thể chia sẻ và cảm thông với nhau chính là một đức hạnh vô cùng quý giá! Biểu tượng và hình ảnh của sự chia sẻ và cảm thông đó chính là việc gia đình quây quần bên một mâm cơm tại nhà. Sự chia sẻ bữa ăn – và do đó, bên cạnh việc ăn uống cũng còn là mối thiện cảm, là những mẩu chuyện, những biến cố… - chính là một kinh nghiệm có tính căn bản. Khi tổ chức một bữa tiệc, một buổi sinh nhật, một ngày kỷ niệm giáp năm, người ta sẽ quây quần bên mâm cơm. Trong một số nền văn hóa, việc quây quần nhau bên mâm cơm cũng còn được thực hiện ngay cả trong các đám tang, để chia buồn với sự mất đi của một thành viên trong gia đình.

Việc dùng bữa chung với nhau chính là một chiếc nhiệt kế đáng tin cậy để kiểm tra tình trạng sức khỏe của các mối tương quan: Khi trong gia đình có một cái gì đó không hoạt động hay một cái gì đó bị che đậy, người ta sẽ ngay lập tức nhận ra trong bữa ăn. Nếu một gia đình nào đó hầu như không ngồi ăn chung với nhau bao giờ, hay trong bữa ăn người ta không nói chuyện với nhau nữa, thay vào đó, sự quan tâm hướng vào tivi hay vào Smartphone, thì gia đình ấy sẽ „bớt tính gia đình“ đi. Nếu như trong bữa ăn, con cái chỉ chăm chăm vào máy tính hay vào điện thoại di động, và không lắng nghe nhau, thì đó không còn phải là gia đình nữa, nhưng là một nhà trọ.

Như người ta vẫn biết, Ki-tô giáo có một ơn gọi đặc biệt là đồng bàn với nhau. Chúa Giê-su vẫn thích dậy dỗ trong các bữa ăn, và đôi khi Ngài đã so sánh Nước Trời với một bữa đại tiệc. Chúa Giê-su cũng đã chọn bàn ăn để làm nơi chuyển giao Khế Ước tinh thần của Ngài cho các môn đệ – Ngài đã thực hiện việc chuyển giao này trong bữa ăn tối -, được thống nhất trong những cử chỉ đáng ghi nhớ nơi cuộc tế hiến của Ngài: Trao tặng Mình và Máu Ngài dưới hình thức của món ăn và món uống của ơn cứu độ, và những món ăn và món uống này sẽ nuôi dưỡng Tình Yêu đích thực và bền lâu.

Trong bối cảnh này, chúng ta có thể nói một cách rất chắc chắn rằng, gia đình sẽ chỉ là „nhà“ khi quây quần bên mâm cơm, chính vì thế mà gia đình mang kinh nghiệm của mình về việc đồng bàn đến cho Bí Tích Thánh Thể, và gia đình mở ra cho hồng ân của một bữa tiệc phổ quát, cho hồng ân Tình Yêu Thiên Chúa đối với thế giới. Nhờ vào việc tham dự Bí Tích Thánh Thể, gia đình sẽ được củng cố trong Tình Yêu, trong niềm trung tín – sẽ được thanh luyện khỏi cơn cám dỗ muốn nhốt kín mình lại trong chính mình, và mở rộng những giới hạn nơi tình huynh đệ của mình cho phù hợp với con tim của Chúa Ki-tô.

Trong thời đại đang bị đóng dấu bởi sự khép kín kinh khủng và  bởi rất nhiều những bức tường của chúng ta, việc dùng bữa chung được tạo ra bởi gia đình và được khuếch truông bởi Bí Tích Thánh Thể, sẽ trở nên một cơ hội có tính quyết định. Bí Tích Thánh Thể và các gia đình được nuôi dưỡng bởi Bí Tích này sẽ có thể vượt thắng được sự khép kín, cũng như có thể kiến tạo nên những cây cầu của sự đón nhận và của lòng nhân hậu. Vâng, Bí Tích Thánh Thể của một Giáo hội tại gia, mà Giáo hội ấy có thể trao cho cộng đồng một thứ mem đầy hiệu năng của sự đồng bàn và của lòng hiếu khách đối với nhau, chính là một trường học về tính bao bọc liên đới của nhân loại, mà tính bao bọc và liên đới ấy không tránh né sự đụng độ! Không có người nhỏ bé, người mồ côi, người yếu nhược, người bất lực, người bị tổn thương, người bị thất vọng, người chán trường và người bị bỏ rơi nào mà họ không thể được nuôi dưỡng, được kiến tạo, được bảo vệ và được đón tiếp bởi bàn tiệc Thánh Thể của gia đình.

Việc gợi nhớ tới các phẩm hạnh của gia đình sẽ giúp chúng ta nhận thức được điều đó. Chúng ta vẫn có kinh nghiệm về việc những phép lạ có thể xảy ra như thế nào khi một người mẹ có một cái nhìn không phải chỉ với những đứa con của mình, nhưng còn cả với những đứa con của người khác, và thể hiện với chúng một mối quan tâm, cũng như chăm sóc và lo lắng cho chúng. Trước đây, chỉ cần một người mẹ là đã đủ cho tất cả mọi đứa con trong sân chơi! Nhưng điều sau đây bổ túc cho điều đó: Chúng ta biết rõ, một dân tộc cần tới sức mạnh nào, mà những người bố của dân tộc ấy đã sẵn sàng hành động để bảo vệ tất cả mọi người con, vì họ coi con cái như là một gia tài được chia sẻ, và họ bảo vệ gia tài đó với niềm vui và sự hãnh diện.

Ngày nay, rất nhiều những rào cản phát xuất từ rất nhiều những điều kiện xã hội khác nhau đang cản trở việc dùng bữa chung trong các gia đình. Nó cho thấy rằng, đó là điều không đơn giản trong xã hội ngày nay. Chúng ta phải tìm cho ra những con đường để làm cho việc đồng bàn trong gia đình tái xuất hiện trở lại. Bên mâm cơm, người ta sẽ nói và sẽ lắng nghe nhau. Sự thinh lặng không được phép tồn tại, vì sự thinh lặng này không phải là sự thinh lặng của các Dòng Kín, nhưng là sự thinh lặng của sự ích kỷ; nó quy về mình, khiến người ta bật tivi hay bật máy tính… và người ta không nói. Không, không được phép thinh lặng! Có nghĩa là tái làm cho việc đồng bàn xuất hiện, nhưng phải làm sao để chúng thích hợp với thời đại chúng ta. Có vẻ như việc đồng bàn đã trở thành một đối tượng được mua bán, nhưng thực ra nó là một cái gì đó khác. Sự ăn uống không luôn luôn là biểu tượng của một sự chia sẻ đích thực những điều tốt lành mà nó có thể đạt tới được với người không có lương thực cũng như không có mối thiện cảm. Trong những quốc gia giầu có, chúng ta được tạo cơ hội để chi tiêu cho khoản lương thực với sự dồi dào, và sau đó chúng ta lại còn được tạo điều kiện để có được sự giúp đỡ trong việc khắc phục những điều thái quá ấy. Sự „kinh doanh“ vô nghĩa này đang làm cho mối quan tâm về sự nghèo đói thực sự bị xao nhãng, xao nhãng trước sự đói khát của thân xác và của tâm hồn. Ở đâu việc đồng bàn không còn nữa thì ở đó sự ích kỷ sẽ ngự trị: lúc ấy nười nào cũng chỉ còn biết nghĩ tới chính bản thân mình. Điều này sẽ càng gia tăng vì sự quảng cáo đã biến sự đói khát trở thành một sự thèm khát việc ăn vặt, và trở thành một sự hứng thú trước những đồ ngọt. Trong khi đó, nhiều người, rất nhiều người anh chị em không thể đến được với bữa ăn. Đó là một điều hơi nhục nhã!

Chúng ta hãy nhìn vào mầu nhiệm bữa tiệc Thánh Thể. Chúa Giê-su đã bẻ thân mình Ngài ra thành từng miếng và đổ máu Ngài ra cho chúng ta. Trong thực tế thì không có sự phân rã mà nó có thể chống lại hy lễ hiệp thông này; chỉ có hành vi sai trái, sự đồng lõa với cái ác, mới có thể loại chúng ta ra khỏi đó. Bất cứ sự loại trừ nào khác cũng đều có thể chống lại những sức mạnh không được bảo vệ của Bánh được chia sẻ và của Rượu được đổ ra, tức Bí Tích Mình và Máu Thánh Chúa.

Khế ước sống động và thiết thực của các gia đình Ki-tô giáo, mà khế ước ấy xuất hiện trước, hỗ trợ và bao hàm những cố gắng cũng như những niềm vui hằng ngày trong sự thôi thúc niềm mến khách của nó, sẽ hoạt động cùng với hồng ân Bí Tích Thánh Thể, tức Bí Tích có khả năng luôn luôn tạo nên mối hiệp thông mới: với sức mạnh của mình, mà sức mạnh ấy bao bọc và cứu giúp.

Như thế, gia đình Ki-tô giáo sẽ chỉ ra độ bao quát rộng rãi nơi đường chân trời đích thực của mình: đường chân trời của Mẹ Giáo hội – người Mẹ của tất cả nhân loại, của tất cả những người bị bỏ rơi và bị loại trừ, của tất cả mọi dân nước. Chúng ta hãy cầu xin Chúa, xin Ngài làm cho sự đồng bàn trong các gia đình được phát triển và vững mạnh hơn trong thời gian ân sủng của Năm Thánh về Lòng Thương Xót đang đến gần.

 

Quảng trường Thánh Phê-rô ngày 11 tháng 11 năm 2015

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 

 


Văn Kiện Giáo Hội