Bài giảng của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trong Thánh Lễ tôn phong Chân Phúc cho Đức Nguyên Giáo Hoàng Phao-ô VI

Anh chị em thân mến,

Chúng ta đã nghe một câu văn có lẽ là nổi tiếng bậc nhất của toàn Tin Mừng: „Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa! (Mt 22, 21).

Trước sự khiêu khích của những người Pha-ri-siêu, tức những kẻ, có thể nói rằng, muốn thực hiện một cuộc sát hạch về mặt tôn giáo đối với Chúa Giê-su, và muốn dụ dỗ ngài phạm phải một sai lầm, Chúa Giê-su đã trả lời họ với câu nói có vẻ mỉa mai và đầy sáng tạo ấy. Đó là một câu trả lời rất dễ nhớ mà Chúa Giê-su muốn trao cho tất cả những ai đang có vấn đề về lương tâm, trước hết là khi  những khoản lợi, sự giầu có, thanh danh, quyền lực và tiếng tăm của họ đang ở trong tình trạng nguy hiểm.

Chắc chắn Chúa Giê-su đặt điểm nhấn ở phần thứ hai của câu nói: „Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa! Điều đó có nghĩa là, trong bất cứ trường hợp nào thuộc về quyền bính, người ta cũng đều phải nhìn nhận và tuyên xưng rằng, chỉ một mình Thiên Chúa làm chủ nhân loại, và ngoài Ngài ra, không có một thần linh nào khác. Đó là sự mới mẻ vĩnh cửu mà người ta phải tái khám phá mỗi ngày, bằng cách thắng vượt những nỗi sợ hãi mà chúng thường xâm chiếm chúng ta khi chứng kiến những điều gây ngạc nhiên của Thiên Chúa.

Thiên Chúa không sợ hãi trước những điều mới mẻ! Vì thế, Ngài luôn luôn gây sửng sốt cho chúng ta, Ngài làm điều đó bằng cách mở ra trước mắt chúng ta những con đường mà không ai có thể mường tượng ra nổi, và Ngài dẫn chúng ta đến với những con đường ấy. Ngài canh tân chúng ta, điều đó có nghĩa là Ngài không ngừng làm cho chúng ta được nên „mới“. Một Ki-tô hữu sống Tin Mừng thì chính là „sự mới mẻ của Thiên Chúa“ trong Giáo hội và thế giới. Và Thiên Chúa rất yêu thích sự mới mẻ này!

Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa! có nghĩa là mở con tim mình ra cho thánh ý của Ngài, dâng hiến cuộc sống chúng ta cho ngài, và cùng cộng tác vào trong vương quốc nhân hậu, Tình Yêu và Bình An của Ngài.

Sức mạnh thực sự của chúng ta nằm trong đó: men – tức điều thôi thúc chúng ta, và muối – tức điều trao tặng hương vị cho bất cứ những nỗ lực nhân loại nào nhằm chống lại chủ nghĩa bi quan đang thống trị mà thế gian đặt trước chúng ta. Niềm hy vọng của chúng ta nằm trong đó, vì niềm hy vọng vào Thiên Chúa không phải là sự trốn chạy khỏi thực tế, nó cũng không phải là bằng chứng ngoại phạm: Nó có nghĩa là trao lại cho Thiên Chúa một cách đầy cương nghị  những gì thuộc về Ngài. Đó là lý do cho thấy tại sao người Ki-tô hữu nhìn ngắm hiện thực tương lai, nhìn ngắm hiện thực của Thiên Chúa để sống một cuộc đời viên mãn – với việc đặt cả hai chân trên mặt đất – và để đối diện một cách kiên cường trước vô số những thách đố mới.

Điều đó chúng ta đã nhìn thấy trong những ngày này khi Thượng Hội Đồng Giám Mục ngoại thường đang diễn ra – „Thượng Hội Đồng Giám Mục“ có nghĩa là „cùng lên đường“. Và như thế, các vị mục tử cũng như những người Giáo dân đến từ khắp thế giới đã đưa đến Rô-ma này những tiếng nói của các Giáo hội địa phương nơi họ sống, để giúp đỡ các gia đình trong thời đại hôm nay, giúp họ đi trên con đường của Tin Mừng, và qua đó, hướng cái nhìn về Chúa Giê-su. Đó là một kinh nghiệm mang một ý nghĩa to lớn, trong đó chúng ta đã sống tinh thần hội đồng và tinh thần tập thể, cũng như đã cảm nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Đấng không ngừng canh tân và dẫn dắt Giáo hội – mà Giáo hội ấy được kêu gọi để đón nhận về cho mình những vết thương đang rỉ máu mà không hề có sự ngập ngừng hay do dự, cũng như tái khêu lên niềm hy vọng trong rất nhiều con người đang thất vọng.

Khi tận mắt chứng kiến hồng ân của Thượng Hội Đồng Giám Mục lần này, cũng như tinh thần xây dựng mà tất cả đang góp phần, cùng với Thánh Phao-lô Tông Đồ, Cha xin nói rằng: „Chúng tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa về tất cả anh chị em. Chúng tôi nhắc tới anh chị em trong lời cầu nguyện“ (1Thx. 1, 2). Và Chúa Thánh Thần, Đấng đã ban tặng ân sủng cho chúng ta trong những ngày có rất nhiều công việc này, hầu làm việc một cách hào hiệp trong chân lý đích thực và trong sự sáng tạo đầy khiêm nhu, sẽ tiếp tục đồng hành trên con đường đang chuẩn bị chúng ta tại các Giáo hội trên khắp hoàn cầu, để hướng về Thượng Hội Đồng Giám Mục thường kỳ sẽ diễn ra vào tháng 10 năm 2015. Chúng ta đã gieo trồng và tiếp tục gieo trồng với sự kiên nhẫn và bền tâm, trong niềm xác tín rằng, Thiên Chúa chính là Đấng làm cho những gì chúng ta đã gieo trồng được lớn lên (xc. 1Cor. 3, 6).

Trong ngày tôn phong Chân Phúc của Đức Nguyên Giáo Hoàng Phao-lô VI hôm nay, Cha chợt nhớ ra những lời của Ngài, mà với chúng, Ngài đã thành lập nên Thượng Hội Đồng Giám Mục: „Nghiên cứu các dấu chỉ thời đại một cách lưu tâm, [chúng ta kiếm tìm] những con đường và những phương pháp […] hầu thích ứng với những điều thiết yếu đang lớn mạnh trong thời đại chúng ta, cũng như những mối liên hệ đang được cải biến của xã hội“ (Tông Sắc Apostolica sollicitudo).

Khi tận mắt chứng kiến vị Đại Giáo Hoàng này, người Ki-tô hữu anh hùng này, vị Tông Đồ không biết mỏi mệt này, ngày hôm nay, trước mặt Thiên Chúa, chúng ta chỉ có thể nói lên một lời vừa đơn giản nhưng cũng đầy trung thực và giầu ý nghĩa: Xin cám ơn! Chúng con xin cám ơn Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI rất đáng mến của chúng con! Chúng con xin cám ơn chứng tá đầy khiêm nhu và cũng đầy tính ngôn sứ của Ngài đối với Tình Yêu Chúa Ki-tô và với Giáo hội của Người!

Trong cuốn nhật ký cá nhân của Ngài, nhà cầm lái vĩ đại của Công Đồng Vatican II đã viết ngay sau ngày bế mạc các phiên họp khoáng đại của Công Đồng rằng: „Có lẽ Thiên Chúa đã kêu gọi tôi trong sứ vụ này và giữ tôi lại trong đó, chẳng phải vì tôi có khả năng trong vấn đề này hay để tôi lãnh đạo Giáo hội và cứu Giáo hội khỏi những khó khăn trong hiện tại, nhưng để tôi chịu đau khổ về một điều gì đó cho Giáo hội, và điều ấy trở nên rõ ràng rằng, Thiên Chúa chứ không phải ai khác đang dẫn dắt và cứu độ Giáo hội“ (P. Macchi, Paolo VI nella sua parola, Brescia 2001, tr. 120-121). Sự đại của Chân Phúc Phao-lô VI bừng sáng lên trong đức khiêm nhu ấy. Trong lúc một xã hội tục hóa và thù địch xuất hiện, Đức Phao-lô VI đã hiểu được điều ấy để điều khiển con thuyền của Thánh Phê-rô với một sự nhìn xa trông rộng cùng với sự khôn ngoan, và đôi khi đơn độc, nhưng không bao giờ đánh mất niềm vui bên Chúa cũng như niềm tín thác vào Ngài.

Đức Phao-lô VI đã thực sự hiểu điều đó để trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa, bằng cách trao hiến toàn bộ cuộc sống của Ngài „cho sứ vụ đầy thánh thiện, vĩ đại, nhưng cũng rất nặng nề“, „hầu tiếp tục sứ mạng của Chúa Ki-tô trong thời đại hôm nay, và mở rộng sứ mạng đó trên toàn cõi đất“ (Bài giảng trong Thánh Lễ đăng quang Giáo Hoàng: Insegnamenti I, [1963], 26). Ngài đã yêu mến Giáo hội và đã dẫn dắt Giáo hội, để Giáo hội „trở nên một người mẹ đầy yêu thương và đồng thời cũng trở nên nữ thừa tác viên ơn cứu độ cho tất cả nhân loại (Thông Điệp Ecclesiam Suam).

ĐTC Phan-xi-cô

Lm. Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ.

 


Văn Kiện Giáo Hội