Bài Huấn Dụ của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi Đọc Kinh Truyền Tin chung tại quảng trường Thánh Phê-rô trưa Chúa Nhật ngày 22.11.2015: „Đó là sức mạnh của vương triều Chúa Ki-tô: Tình Yêu

 

*Trước khi Đọc Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Trong ngày Chúa Nhật cuối cùng này của năm Phụng Vụ, chúng ta cử hành Đại Lễ kính Chúa Ki-tô Vua. Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy, Chúa Giê-su đã nhận mình là vua của một vương quốc trước mặt Phi-la-tô như thế nào. Vương quốc đó „không thuộc về thế gian này“ (Ga 18,36). Điều đó không có nghĩa là Chúa Giê-su đang làm vua của một „thế giới khác“; đúng hơn, nó có nghĩa là Ngài đang làm vua „bằng một cách thức khác“; tuy nhiên Ngài vẫn là vua trong thế giới này. Ở đây, có hai cách nghĩ khác biệt và đối lập nhau. Lý luận của thế gian được đặt nền móng trên sự tham vọng và trong sự tranh đấu. Sợ hãi, sách nhiễu và gây ảnh hưởng trên lương tâm chính là vũ khí của họ. Trái lại, luận lý của Tin Mừng, tức luận lý của Chúa Giê-su, được diễn tả trong sự khiêm nhượng và trong sự nhưng không, và đạt được trong sự âm thầm, nhưng đầy công hiệu với sức mạnh của chân lý. Các vương quốc trần gian thường dựa vào bạo lực, dựa vào sự ganh đua và dựa vào sự bất công; nhưng vương triều của Chúa Ki-tô là một „vương quốc công lý, Tình Yêu và Bình An“ (Kinh Tiền Tụng).

Chúa Giê-su đã mạc khải về mình như là một đế vương vào lúc nào? Thưa, trên cây Thập Giá! Ai ngước nhìn lên Chúa Giê-su trên Thập Giá, người ấy không thể không nhìn thấy sự nhưng không đầy bất ngờ của Tình Yêu Ngài. Có thể người ta sẽ nói với Cha rằng: „Nhưng thưa Đức Thánh Cha, đó là một sự thất bại!“ Nhưng ở ngay trong đó là sự thất bại của tội lỗi – tội lỗi luôn luôn là một sự thất bại – trong sự thất bại của bất cứ sự tham vọng nào nơi con người; sự chiến thắng của Thập Giá và của tính nhưng không của Tình Yêu nằm ngay trong đó. Trong sự thất bại mà nó dẫn tới Thập Giá, người ta nhận ra được Tình Yêu. Đó là Tình Yêu nhưng không mà Chúa Giê-su ban tặng cho chúng ta. Khi một Ki-tô hữu nói về quyền lực và sức mạnh, người ấy sẽ liên hệ ngay đến quyền năng của Thập Giá và sức mạnh của Tình Yêu: một Tình Yêu vững chắc và không bao giờ dao động, thậm chí ngay cả khi Tình Yêu ấy bị khước từ thì nó cũng vẫn không dao động; đó là một Tình Yêu xuất hiện như là sự viên mãn của một cuộc sống được sống trong sự hiến thân hoàn toàn cho nhân loại. Trên đồi Calvario, kẻ qua người lại và những nhà lãnh đạo dân chúng đã cười nhạo Chúa Giê-su, bằng cách là họ hét to với Ngài rằng: „Hãy tự cứu mình và hãy xuống khỏi Thập Giá!“ (Mc 15,30). „Hãy tự cứu mình!“ Sự nghịch lý nơi chân lý của Chúa Giê-su thực sự là những điều mà những đối thủ của Ngài liệng vào Ngài một cách đầy giễu cợt: „Hắn không thể tự cứu chính mình“ (Mc 15,31). Giả như Chúa Giê-su xuống khỏi Thập Giá thì có nghĩa là Ngài đã chịu thua cơn cám dỗ của tên chúa tể thế gian này. Vì thế, thay vì xuống khỏi Thập Giá, Ngài đã chấp nhận không thể tự cứu mình, vì Ngài cứu độ những người khác, vì Ngài đã trao hiến sự sống của Ngài cho chúng ta, cho mỗi người trong chúng ta. Nếu chúng ta nói: „Chúa Giê-su đã trao hiến mạng sống của Ngài cho thế giới“ thì cũng thật là đúng; nhưng sẽ tuyệt vời hơn nhiều nếu chúng ta nói: „Chúa Giê-su đã trao hiến mạng sống của Ngài cho tôi.“ Hôm nay, tại quảng trường này, mỗi người trong chúng ta cũng đều có thể nói: „Ngài đã trao hiến mạng sống của Ngài cho tôi“; Ngài đã trao hiến mạng sống mình để có thể giải phóng bất cứ một ai trong chúng ta khỏi tội lỗi.

Và ai là người đã hiểu được tất cả điều đó? Đó là những người chẳng hạn như một trong hai tên tội phạm đã bị đóng đinh cùng Chúa Ki-tô: Người mà chúng ta gọi là „tên trộm lành“, đã thưa với Chúa: „Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!“ (Lc 23,42). Nhưng đó là một tên tội phạm, một kẻ thủ ác bị kết án tử hình vì những hành vi tội ác của mình! Tuy nhiên, ông đã nhận ra Tình Yêu trong bản tính của Chúa Giê-su, trong sự dịu hiền của Ngài. Đó là sức mạnh của vương triều Chúa Ki-tô: Tình Yêu. Vì thế, vương triều của Chúa Ki-tô không nghiền nát chúng ta, nhưng giải phóng chúng ta khỏi những yếu đuối và cảnh cùng khốn của chúng ta, cũng như khích lệ chúng ta tiến bước trên con đường tốt lành, hòa giải và tha thứ. Chúng ta hãy nhìn lên Chúa Giê-su, hãy nhìn lên người trộm lành, và hãy cùng nhau lập lại những lời mà ông đã hướng lên Chúa Giê-su: „Lạy Chúa Giê-su, xin nhớ đến con khi Chúa vào trong vương quốc của Chúa.“ Nào, tất cả chúng ta cùng thưa: „Lạy Chúa Giê-su, xin nhớ đến con khi Chúa vào trong vương quốc của Chúa.“ Chúng ta hãy hướng lên Chúa Giê-su mỗi khi chúng ta nhận ra mình yếu đuối, tội lỗi và thất bại; hãy nhìn lên Ngài và nói: „Chúa đang ở đây. Xin nhớ đến con!

Khi tận mắt chứng kiến rất nhiều những thảm kịch của thế giới và vô vàn những vết thương không thể kể xiết trong thân thể con người, chúng ta hãy cầu xin cùng Đức Trinh Nữ Maria, xin Mẹ hỗ trợ chúng ta khi chúng ta nỗ lực và cố gắng bắt chước Chúa Giê-su, Đức Vua của chúng ta, hầu cho vương triều của Ngài hiện diện trong tất cả mọi cử chỉ trìu mến, đầy cảm thông và thương xót.

*Sau khi đọc Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến,

Ngày hôm qua tại Barcelona (Tây-ban-nha) đã diễn ra Lễ tôn phong Chân phúc cho Cha Federico da Berga và 25 người bạn cùng Tử Đạo với Ngài. Các Ngài đã bị sát hại vào thế kỷ trước trong lúc cuộc bách hại kinh khủng nhắm vào Giáo hội tại Tây-ban-nha. Đó là các Linh mục, các Tu sĩ trẻ đang chờ được phong chức Linh mục và những người Tu Sĩ khác của Dòng Thánh Phan-xi-cô Capuzino. Chúng ta hãy trao phó cho lời bầu cử của các Ngài những người anh chị em của chúng ta mà tiếc rằng họ đang bị bách hại ngay trong xã hội hôm nay tại nhiều quốc gia trên thế giới chỉ vì Đức Tin Ki-tô giáo của mình.

Cha xin kính chào những người hành hương đã đến đây từ Ý và từ nhiều quốc gia khác nhau; các gia đình, các nhóm thuộc các Giáo xứ và các hiệp hội. Cha xin đặc biệt kính chào những người hành hương đến từ Mê-xi-cô, từ Úc và từ Paderborn (Đức). Ngoài ra, Cha cũng xin kính chào các tín hữu đến từ Avola, Mestre, Foggia, Pozzallo, Campagna và những tín hữu đến từ Nostal cũng như các nhóm âm nhạc – Cha đã nghe họ cử nhạc! – họ cử hành Lễ Kính Thánh Cecilia, nữ bổn mạng của các ca sĩ và các nhạc sĩ. Anh chị em hãy nghe lại một lần nữa sau khi đọc Kinh Truyền Tin, vì họ trình diễn rất hay!

Vào thứ Tư tới đây, chuyến công du của Cha tới Phi Châu sẽ bắt đầu, ngang qua Kenia, Uganda và Cộng Hòa Trung Phi. Cha xin tất cả anh chị em hãy cầu nguyện cho chuyến công du này, để chuyến công du này trở thành một chỉ dấu cho sự gần gũi và cho Tình Yêu đối với tất cả những người anh chị em thân yêu của chúng ta ở đó cũng như đối với cả Cha nữa. Chúng ta hãy cùng cầu xin với Mẹ Thiên Chúa, xin Mẹ ban phúc lành cho các quốc gia đáng yêu đó, hầu cho niềm vui và hạnh phúc sẽ ngự trị trong những quốc gia này.

Kính mừng Maria

Cha xin cầu chúc cho tất cả anh chị em có được một ngày Chúa Nhật tuyệt đẹp. Xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho Cha đấy nhé! Xin chúc anh chị em một bữa ăn trưa đầy phúc lành, và xin hẹn gặp lại anh chị em!

 

Quảng trường Thánh Phê-rô ngày 22 tháng 11 năm 2015

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 

 


Văn Kiện Giáo Hội