Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô trong Thánh Lễ tại nhà thờ Chính Tòa Bangui, Trung Phi, sáng Chúa Nhật ngày 29.11.2015

 

Anh chị em thân mến,

Vào Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng này, tức mùa Phụng Vụ dành cho việc trông chờ Đấng Cứu Thế, và cũng là mùa có tính biểu tượng cho niềm hy vọng Ki-tô giáo, Thiên Chúa đã lái những bước chân của Cha để đi tới với anh chị em, tại đất nước này, trong khi Giáo hội hoàn vũ đang chuẩn bị khai mạc Năm Thánh về Lòng Thương Xót. Và Cha vui mừng một cách đặc biệt khi chuyến viếng thăm mục vụ của Cha trùng khớp với việc khai mạc Năm Thánh này tại đất nước anh chị em. Từ ngôi nhà thờ Chính Tòa này, với tất cả con tim và trí óc của Cha, Cha muốn đến được với tất cả các Linh mục, những người sống đời Thánh Hiến và tất cả các nhân viên mục vụ tại quốc gia này, mà trong khoảnh khắc này, họ đang hiệp thông tinh thần với chúng ta. Qua anh chị em, Cha cũng xin gửi lời chào tới tất cả mọi công dân Trung Phi, các bệnh nhân, những cụ già và những người tàn tật. Có lẽ một số người trong họ đã tuyệt vọng, đã không còn một chút sức mạnh nào nữa để hành động, và chỉ trông chờ vào của bố thí: bố thí lương thực, bố thí công lý, bố thí một cử chỉ yêu thương và một cử chỉ tốt lành. 

Nhưng giống như hai Thánh Phê-rô và Gio-an Tông Đồ, các Ngài bước vào đền thờ mà chẳng có vàng cũng chẳng có bạc để trao cho người bại liệt túng thiếu, Cha cũng đến để giới thiệu cho họ biết về sức mạnh và quyền năng của Thiên Chúa, mà sức mạnh và quyền năng ấy có khả năng chữa lành con người, tái nâng con người đứng dậy và trao cho con người khả năng bắt đầu một cuộc sống mới, bằng cách là con người băng qua „bờ bên kia“ (Lc 8,22).

Chúa Giê-su không sai chúng ta vượt qua bờ bên kia một mình, nhưng đúng hơn, Ngài mời gọi chúng ta hãy thực hiện cuộc vượt qua đó cùng Ngài, bằng cách là mỗi người sẽ trả lời cho một ơn gọi riêng biệt. Vì thế chúng ta phải ý thức rằng, người ta sẽ chỉ có thể vượt qua bờ bên kia nếu thực hiện việc này cùng Ngài, trong khi người ta tự giải phóng mình khỏi những quan điểm của gia đình, của huyết thống mà chúng là nguyên nhân đưa tới sự chia rẽ, để kiến tạo một Giáo hội, mà Giáo hội ấy là gia đình của Thiên Chúa, Giáo hội ấy mở ra với tất cả mọi người, và chăm lo săn sóc cho những người mà họ cần tới Giáo hội nhất. Điều đó giả thiết phải có sự gần gũi với những người anh chị em chúng ta, đó là tinh thần hiệp thông. Nhưng trước tiên nó không phải là một vấn nạn liên quan tới phương tiện tài chính; trong thực tế, việc chia sẻ đời sống của dân Thiên Chúa đã là đủ, bằng cách là chúng ta giải thích cho bất cứ ai mà họ đang chất vấn về niềm hy vọng của chúng ta (xc. 1Pr 3,15), và trở nên những chứng nhân đối với Lòng Thương Xót vô biên của Thiên Chúa; Đấng – như lời Thánh Vịnh Đáp Ca của Chúa Nhật hôm nay nhấn mạnh – „tốt lành và công chính, dậy cho những kẻ lầm lạc biết đường công chính“ (Tv 25,8). Chúa Giê-su dậy chúng ta rằng, „Cha Trên Trời làm cho mặt trời chiếu sáng cả trên kẻ lác lẫn trên người lành“ (Mt 5,45). Sau khi chính chúng ta đã trải qua sự tha thứ, thì chúng ta cũng sẽ phải tha thứ. Đó là ơn gọi căn bản của chúng ta: „Anh em hãy nên trọn lành như Cha của anh em trên trời cũng là Đấng trọn lành“ (Mt 5,48). Một trong những đòi hỏi căn bản của ơn gọi nên trọn lành này chính là tình thương yêu đối với kẻ thù; tình thương yêu ấy chống lại cơn cám dỗ đòi báo thù và chống lại vòng xoắy của những hành động trả thù không giới hạn. Chúa Giê-su đã xem trọng việc kiên định trên khía cạnh đặc biệt đó của chứng tá Ki-tô giáo (xc. Mt 5,46-47). Vì thế, những người làm việc cho công cuộc loan báo Tin Mừng trước tiên phải trở nên „những khí cụ“ của ơn tha thứ, phải trở nên những chuyên gia hòa giải cũng như phải trở nên những chuyên viên của Lòng Thương Xót. Đó là cách thức cho thấy chúng ta có thể giúp đỡ những người anh chị em của chúng ta thế nào „để vượt sang bờ bên kia“, bằng cách là chúng ta trình bày cho họ biết về mầu nhiệu sức mạnh, hy vọng và niềm vui của chúng ta, mà những điều ấy có nguồn cội của chúng từ trong Thiên Chúa, vì chúng được đặt nền móng trên sự xác tín rằng, Ngài đang ở trên thuyền với chúng ta. Giống như trong khoảnh khắc hóa bánh ra nhiều, Chúa Giê-su đã hành động chung với các Tông Đồ, thì giờ đây chúng ta cũng là những người mà Ngài đang trao phó các ân huệ của Ngài để chúng ta ra đi và phân phát khắp nơi những ân huệ đó, và công bố Lời của Ngài, mà Lời ấy bảo đảm rằng: „Này, sẽ đến những ngày - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA - Ta sẽ thực hiện điều tốt lành Ta đã phán về nhà Ít-ra-en và về Giu-đa“ (Gr 33,14).

Trong những bản văn Phụng Vụ của Chúa Nhật hôm nay, chúng ta có thể khám phá ra một số nét đặc trưng nơi ơn cứu độ đã được loan báo của Thiên Chúa, mà đồng thời, những nét đặc trưng ấy biểu lộ như là những bằng chứng để hướng dẫn chúng ta trong sứ vụ truyền giáo. Trước tiên, niềm hạnh phúc được hứa ban từ Thiên Chúa đã được công bố với khái niệm công lý. Mùa Vọng chính là thời gian chuẩn bị tâm hồn chúng ta để chúng ta có thể đón nhận Đấng Cứu Thế, Ngài là Đấng Công Chính và là vị thẩm phán duy nhất có khả năng đảm bảo cho mỗi người điều mà người ấy xứng đáng. Ở đây cũng như ở bất cứ nơi nào khác, rất nhiều người nam và người nữ đang đói khát trước việc được tôn trọng, đang đói khát công lý, đói khát sự chính trực mà không hề nhìn thấy những dấu hiệu tích cực nơi đường chân trời. Đấng Cứu Thế sẽ đến với những người đó để tặng ban cho họ nền công lý của Ngài (xc. Gr 33,15). Ngài đến để làm cho những câu chuyện thuộc cá nhân cũng như tập thể, làm cho những niềm hy vọng đã bị gây thất vọng và làm cho viễn tượng vô sinh về tương lai của chúng ta trở nên phong nhiêu. Và Ngài sai chúng ta đi để công bố, trước hết là cho những người mà họ đang bị áp bức bởi những thế lực trần gian này, cũng như cho những ai đang phải cúi rạp mình xuống dưới gánh nặng tội lỗi của mình, biết rằng: „Trong những ngày ấy, Giu-đa sẽ được cứu thoát, Giê-ru-sa-lem sẽ an cư lạc nghiệp. Đây là tên người ta sẽ đặt cho thành: "ĐỨC CHÚA là-sự-công-chính-của-chúng-ta!" (Gr 33,16). Vâng, Thiên Chúa là sự Công Chính! Đó là lý do cho thấy tại sao các Ki-tô hữu chúng ta được kêu gọi trở nên „khí cụ“ của một nền hòa bình được đặt nền trên công lý, giữa thế giới.

Đồng thời, ơn cứu độ được mong chờ của Thiên Chúa còn có đặc tính Tình Yêu nữa. Trong khi chúng ta chuẩn bị cho mầu nhiệm Giáng Sinh, chúng ta hãy tái biến con đường của Dân Chúa thành con đường của riêng mình để đón nhận Con Thiên Chúa, Đấng đã đến để mạc khải cho chúng ta biết rằng, Thiên Chúa không chỉ là Đấng Công Chính, nhưng cũng, và trên hết, còn là Tình Yêu nữa (xc. Ga 4,8). Khắp nơi, và trước hết, tại những nơi mà bạo lực, hận thù, bất công và bách hại đang ngự trị, các Ki-tô hữu được kêu gọi trở nên chứng tá cho vị Thiên Chúa ấy, Đấng là Tình Yêu. Trong khi Cha khuyên nhủ các Linh mục, khuyên những người được Thánh Hiến cho Thiên Chúa và khuyên những Giáo dân mà họ đang sống những nhân Đức Ki-tô giáo, đôi khi với sự anh hùng, tại đất nước này, hãy can đảm, thì Cha cũng bổ sung thêm rằng, khoảng cách mà nó tách chúng ta ra khỏi lý tưởng cao cả của chứng tá Ki-tô giáo, đôi khi cũng rất lớn. Vì thế, Cha tiếp nhận những lời của Thánh Phao-lô trong hình thức một lời cầu nguyện: Anh chị em thân mến, „Xin Chúa cho tình thương của anh chị em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết“ (1Tx 3,12). Trong mối liên hệ này, lời chứng của những người ngoại giáo về các Ki-tô hữu thời Giáo hội sơ khai phải luôn hiện diện như một ngọn hải đăng nơi đường chân trời của chúng ta: „Xem kìa, họ yêu thương nhau biết là dường nào, quả thực là họ yêu thương nhau“ (Tertulian, Apologetik, 39,7).

Và sau cùng, ơn cứu độ đã được loan báo của Thiên Chúa có tính chất của một quyền năng vô địch, quyền năng ấy vượt trên tất cả. Thực ra, sau khi Chúa Giê-su công bố cho các môn đệ của Ngài biết về những dấu chỉ kinh khủng mà chúng sẽ xuất hiện trước khi Ngài trở lại, Ngài đã kết luận rằng: “Khi tất cả những biến cố đó bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu độ“ (Lc 21,28). Và khi Thánh Phao-lô nói về một Tình Yêu mà nó „ngày càng trở nên đậm đà thắm thiết“, thì rồi Ngài cũng đã thực hành Tình Yêu đó, vì chứng tá Ki-tô giáo phải phản ánh sức mạnh không gì có thể cản ngăn này, và sức mạnh đó ở trong Tin Mừng. Bởi thế, Chúa Giê-su cũng muốn chỉ ra sức mạnh vĩ đại và vinh quang không gì sánh bằng của Ngài (xc. Lc 21,27), và sức mạnh của Tình Yêu, mà nó không hề lùi bước trước bất cứ điều chi, không lùi bước trước bầu trời rung chuyển, cũng không lùi bước trước trái đất bị bốc cháy, và cũng không lùi bước trước sóng biển dâng tràn, ngay giữa những bước ngoặt và những biến cố chưa từng xảy ra. Thiên Chúa mạnh mẽ hơn tất cả mọi sự. Niềm xác tín trao cho các Tín hữu sự thản nhiên, đức can đảm và sức mạnh để kiên định trong sự tốt lành khi tận mắt chứng kiến những nghịch cảnh tồi tệ nhất. Ngay cả khi những sức mạnh của sự dữ bùng lên, thì các Ki-tô hữu cũng phải thông báo rằng mình đang có mặt với chiếc đầu ngẩng cao, hầu sẵn sàng kiên định trong cuộc chiến này, trong đó Thiên Chúa mới là Đấng có tiếng nói chung cuộc. Và lời nói đó của Ngài sẽ là một lời của Tình Yêu!

Cha xin dành một lời kêu gọi sau đây cho tất cả những ai đang sử dụng vũ khí của thế gian này để gây điều bất công: Hãy cởi bỏ những vũ khí chết chóc này; hãy trang bị cho mình với công lý, tình Yêu và Lòng Xót Thương, hãy trở nên những con người bảo vệ đích thực của hòa bình. Các môn đệ Chúa Ki-tô thân mến: các Linh mục, Tu sĩ hay các Giáo dân dấn thân trong đất nước này với danh xưng rất ấn tượng: trong con tim của Phi Châu – đất nước này đang được kêu gọi hãy khám phá ra Thiên Chúa như là trung tâm đích thực của tất cả mọi sự thiện hảo -, ơn gọi của anh chị em chính là việc thể hiện con tim của Thiên Chúa giữa những công dân đang sống cùng thời với anh chị em. Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa, xin người ban cho tất cả chúng ta được „bền tâm vững chí, không có bất cứ điều chi đáng chê trách, và được nên thánh thiện trước nhan Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Đức Giê-su, Chúa chúng ta, quang lâm cùng với các thần thánh của Người“ (1Tx 3,13). Amen!

Nhà thờ Chính Tòa Bangui, Trung Phi, sáng Chúa Nhật ngày 29 tháng 11 năm 2015

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội